Lời kêu gọi của Thượng tọa Thích Minh Châu
về việc xây dựng một tủ sách giáo khoa đại học Việt ngữ
Nền đại học Việt Nam đang trên đà phát triển vượt bực về sĩ số so với tình trạng thập niên vừa qua. Sự phát triển sĩ số ấy đặt ra cho giới đại học những vấn đề cấp bách liên hệ đến sự phát triển phẩm chất giảng huấn. Vấn đề sách giáo khoa đại học là một trong những vấn đề cấp bách ấy, đòi hỏi một giải pháp khẩn cấp.
Mặc dầu Việt ngữ đã được dùng làm chuyển ngữ từ khá lâu, số lượng sách giáo khoa Việt ngữ bậc Đại học còn quá hiếm ở bậc Cử nhân lẫn bậc Cao học. Sinh viên vẫn phải dùng sách ngoại ngữ, mặc dầu khả năng ngoại ngữ quá kém. Nếu có được cuốn nào bằng Việt ngữ thì tác giả cũng chưa lưu tâm đúng mức trong việc cập nhật hóa về nội dung cho thích hợp với đà tiến hóa gia tốc hiện tại trong mọi lãnh vực.
Tình trạng thiếu thốn tài liệu giảng huấn ấy đã được gia trọng thêm do sự bùng nổi về sĩ số sinh viên hiện tại ở mọi đại học khiến cho nhu cầu sách giáo khoa Việt ngữ Đại học càng thêm lớn rộng và khẩn thiết. Để đáp ứng nhu cầu đó, bất hạnh cho đại học Việt Nam là chúng ta chỉ mới có được một số giáo sư hữu hạn, thay nhau phục vụ cho một tổng số sinh viên quá nhiều. Hậu quả là quý vị giáo sư không thể dành nhiều thì giờ được vào công việc biên soạn sách giáo khoa, vốn là công việc đòi hỏi nhiều thời gian và kiên nhẫn.
Để thoát khỏi tình trạng bế tắc đó, thiết tưởng đã đến lúc chúng a nên quan niệm lại cho thích đáng về vai trò của sách giáo khoa Việt ngữ. Hiện tại, vì thiếu thốn phòng ốc, giảng đường… cho mọi đại học công lập hay tư lập, cho nên chúng ta phải từ bỏ quan niệm sách giáo khoa chỉ là một dụng cụ phụ thuộc cho người sinh viên. Vì thiếu sự tiếp xúc với lời giảng của giáo sư, trong hiện tại, sách giáo khoa phải được quan niệm là một phần quan trọng của chương trình giảng huấn.
Khi xem trọng vai trò của sách giáo khoa trong chương trình giảng huấn, chúng tôi hy vọng nhờ đó sẽ tới chỗ xây dựng được một tủ sách giáo khoa Việt ngữ bậc Đại học thuộc đủ mọi ngành. Rồi cũng nhờ sự phổ biến công khai như thế công trình sưu tập, biên soạn của quý vị giáo sư, chúng ta sẽ tiến tới chỗ định chuẩn hóa nội dung các giảng văn, khiến cho phẩm chất của giáo dục học sẽ được tăng tiến cho phù hợp với đà tiến hóa về kiến thức chung của nhân loại.
Trong niên khóa đầu tiên bắt tay xây dựng tủ sách giáo khoa đại học bằng Việt ngữ, chúng tôi chú trọng đến các giảng văn căn bản về các Khoa học Xã hội và Khoa học Nhân văn. Một khi đã có nền tảng vững chản, trong những niên khóa tới, chúng tôi sẽ mở rộng hoạt động để ấn hành những giảng văn về các ngành Khoa học Kỹ thuật.
Công tác ấn hành các giảng văn đã được quan niệm sao cho cả giáo sư lẫn sinh viên đều được chung hưởng ích lợi. Giá sách được ấn định hợp lý, để sinh viên có thể mua được trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện tại, đồng thời để Viện có thể trả được tác quyền cho giáo sư một cách hợp lý.
Công trình xây dựng tủ sách đại học Việt ngữ này, như mọi người đều biết, là một công trình dài hạn và đòi hỏi nhiều phương tiện để thành toàn mỹ mãn. Do đó, nhân danh Viện Đại Học Vạn Hạnh, chúng tôi xin chân thành kêu gọi sự hỗ trợ của quý vị giáo sư – bằng cách tích cực biên soạn giảng văn, chúng tôi cũng kếu gọi sự trợ giúp của các nhà hảo tâm, các phụ huynh sinh viên, các cơ quan văn hóa – bằng những phương tiện thích hợp, để chúng ta cùng sớm hoàn thành công trình xây dựng văn hóa đại học Việt Nam.
Saigon, ngày 21 tháng 11 năm 1974
Thượng tọa THÍCH MINH CHÂU
Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh
______
Huongtich sưu tầm và đánh máy từ bìa 4, sách “Kế toán căn bản”,
Tu thư Đại Học Vạn Hạnh ấn hành, 1974.