GIÁO SƯ LÊ MẠNH THÁT – AI CŨNG CÓ THỂ THÀNH PHẬT!
Đây là video của kênh YouTube Hiểu Về Nguồn Cội, phát hành ngày 26.04.2024, và mang tên: Thiền Sư Lê Mạnh Thát Chia Sẻ Điều Chưa Từng Được Nhắc Tới Trong Phật Giáo Ngày Cuối Nơi Lâm Tỳ Ni.
Video dài ba mươi phút, và bảy phút đầu tiên là phần quay ngoại cảnh. Đó là Lâm Tỳ Ni, nơi Đức Phật đản sanh.
Ở phần ngoại cảnh này, chúng ta sẽ thấy, giáo sư Lê Mạnh Thát, tuy tuổi đã vào ngưỡng tám mươi, nhưng ngài vẫn nhanh nhẹn, khỏe khoắn lắm. Ngài vừa đi vừa trò chuyện trong vui vẻ và hào hứng.
Nhan đề và tên các đề mục phân chia trong bài chuyển thoại này là do tôi đặt.
***
I/ THOẠI NGOÀI TRỜI, NƠI ĐỨC PHẬT ĐẢN SINH
1. Vesak Được Tạo Nên Để Bảo Vệ Hòa Bình
Đây là nơi khi Đức Phật ra đời và có thông điệp hòa bình. Phật giáo xưa nay chưa bao giờ gây chiến tranh với ai. Năm 1999, có nghị quyết của Hội đồng Liên Hiệp Quốc về vấn đề tổ chức Vesak, kỷ niệm Phật Đản, bảo vệ hòa bình, đúng theo hiến chương của Liên Hiệp Quốc.
Câu đầu tiên của hiến chương là Vesak được tạo nên để bảo vệ hòa bình. Sau đệ nhị thế chiến, chết rất nhiều người. Đây là ý tưởng về hòa bình.
Phật giáo chưa bao giờ gây chiến tranh. Phật giáo chỉ chống chiến tranh thôi, và sẵn sàng chống chiến tranh bằng bạo lực, chứ không chống chiến tranh bằng ngồi niệm Phật.
***
2. Trụ Đá Của Vua A Dục
Đây là trụ đá của vua A Dục, có cả con sư tử ở trên, bị gãy, bị phá.
(Ngài dừng lại và dịch những chữ khắc trên bản đồng) Chữ này là vua. Chữ này là thân ái. Chữ này là cái nhìn. Vua này là vua A Dục. Tức là vua có cái nhìn thân ái, và thân ái cả đến cả các vị trời. Ngài đã đi đến đây. Và ở tại chỗ này, đã sinh ra Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, sau này là thành Đức Thế Tôn. Cách đây đã 2300 năm.
Lumbini là Lâm Tỳ Ni. Chữ này là mẫu tự của chữ Phạn. Chữ Phạn đã có trên ba ngàn năm. Nước đầu tiên sử dụng chữ Phạn là nước Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ, ngày xưa, là đế quốc của người châu Âu.
***
II/ THOẠI TRƯỚC KHI RỜI LÂM TỲ NI, CA TỲ LA VỆ
1. Nguyên Lý Duyên Sinh
Như chúng ta biết, bên phía Nam Tông cũng như phía Bắc Tông, đều thống nhất, ghi lại cho chúng ta rằng, trước Đức Phật, chúng ta có sáu vị Phật khác, ngài là vị Phật thứ bảy.
Và chúng ta hay tụng, đó là có Phật Tỳ Bà Thi, Phật Thi Khí, Phật Tỳ Xá Phù, Phật Câu Lưu Tôn, Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, Phật Ca Diếp và Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Trong truyền thống, cả Bắc Tông, Nam Tông, đều thống nhất như thế.
Do Phật giáo bị tàn lụi ở Ấn Độ cách đây trên một ngàn năm, cho nên kinh thành Ca Tỳ La Vệ đã trở thành nơi làm ăn, sinh sống của dân làng.
Cuối thế kỷ mười chín, khi người Anh đến quản lý Ấn Độ, Lâm Tỳ Ni, thánh địa của Phật giáo, đa số để cây cối mọc lên tự nhiên, trở thành rừng. Ngay bây giờ, nếu chúng ta đến chỗ Ca Tỳ La Vệ, thì chúng ta sẽ thấy, ở trong đó, có những cây rất lớn. Có những cây, đến hai, ba trăm năm tuổi, rất to. Tôi cũng hỏi thử, có cây một ngàn năm không, vì thấy những cây đó quá lớn, thì họ nói là, có đấy.
Chung quanh nơi đó, tuy bây giờ chính phủ đã rào hết, chưa được phục hồi hoàn toàn vì điều kiện kinh tế của Nepal, nhưng mà họ, cùng với đại học Durham, cùng với nước Nhật Bản, họ đã làm những con đường đi bằng gỗ.
Thành Ca Tỳ La Vệ rộng khoảng hai mươi hecta. Và cung điện của vua Tịnh Phạn, rộng trên một mẫu tây. Mỗi bề như vậy là một trăm mét. Chung quanh cung điện chính này, là những cung điện phụ trợ khác.
Đây là một kinh thành lớn và xưa nay, nằm dưới chân của núi Hy Mã Lạp Sơn, là một vùng bán sơn địa như thế, thì không giàu có lắm.
Từ chỗ Lâm Tỳ Ni, nơi Đức Phật đản sinh này, về đến quê cha của ngài, nơi phụ vương ngài đang làm vua, thì đường đi là hai mươi chín cây số. Cả một vùng đất rất lớn, toàn bộ là những cánh đồng trải dài, là những bình nguyên do sông Hằng tạo nên. Chỉ nhìn đất đai, cũng biết đây là một vương quốc rất giàu có.
Tại vương quốc này, ngài đã xuất gia và đi về phía Đông. Và rồi ngài trở về, thăm và giảng đạo cho phụ vương, bà dì, họ hàng, cùng người vợ cũ và con trai của mình. Tất cả họ đều đã tiếp nhận những chân lý mà Ngài đã tìm ra.
Chân lý ấy có một vũ trụ quan hoàn toàn mới. Nó nói rằng, tất cả mọi tồn tại trong vũ trụ này, tất cả mọi sự việc xảy ra trong vũ trụ này, đều dựa trên một nguyên lý, gọi là nguyên lý duyên sinh.
Một phần của hoàng gia, sau đó, trở thành đệ tử của Đức Phật.
Sau chuyến viếng thăm, hoàng gia đã tiễn Ngài về hướng đông. Hướng đông là đi về xứ Ấn Độ. Quốc gia này, thuộc phía tây của đất nước Ấn Độ.
***
2. Ai Cũng Có Thể Thành Phật
Truyền thống Phật giáo cho rằng, trước Đức Phật thì có những Đức Phật khác. Ngài không phải là duy nhất, bởi vì tất cả chúng sinh, ai cũng có thể thành Phật, ai cũng thể giác ngộ như Ngài. Và ngài cũng có báo, trước ngài, ngay tại đất Ấn Độ này, đã có sáu vị Phật.
Trong bảy vị Phật này, ngoài Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, thì chúng ta còn có Đức Phật thứ hai, mà còn lại, giờ đây, bia văn và trụ đá của vua A Dục, đã dựng lên.
Như thế chứng tỏ rằng, cái truyền thuyết về bảy Đức Phật này đối với Phật giáo là đã có rất lâu, từ thời vua A Dục.
Tôi nghĩ, vua A Dục không chỉ dựng trụ đá. Và người hướng dẫn viên tình nguyện hôm qua, nói, cái trụ đá chỉ cách thành Ca Tỳ La Vệ, bảy cây số về phía Đông Bắc, nhưng vì tối quá rồi, nên chúng tôi không thể đi.
Tôi tin rằng, dứt khoát, chính phủ Ấn Độ và chính phủ Nepal, sẽ làm thành một khu riêng biệt, và trong tương lai, thì chúng ta sẽ có dịp đến thăm.
Phật giáo chúng ta, xưa nay, đọc các ngài mà không biết thiệt hư. Nhưng bây giờ, chúng ta đã có những bằng chứng hết sức chính xác và những tư liệu của ngành khảo cổ học.
Tất cả những thông tin trên, đã chứng tỏ được rằng, không chỉ mỗi Đức Phật là có thể thành Phật, mà thế giới chúng ta đây, con người chúng ta đây, ai cũng có thể thành Phật được.
Trong kinh Hoa Nghiêm, ngài nhấn mạnh là chính con người chúng ta, “Nhân Thị Tối Thắng”, con người là tốt nhất để thực hiện các ước vọng của mình.
Điều này được gọi là sự giác ngộ trong triết lý Phật giáo.
***
3. Thời Gian Vô Cùng, Tương Lai Vô Tận
Từ ngày Đức Phật công bố nguyên lý về duyên sinh tại Bồ Đề Đạo Tràng, thì nhân loại chúng ta, Phật tử chúng ta, đã có được một nhận thức hoàn toàn mới về sự tồn tại này.
Thời gian là vô thỉ vô chung, không gian cũng vô tận và mênh mông như thế. Từng bước, hy vọng sẽ có thêm những đóng góp của khoa học.
Hiện nay, chúng ta chỉ tính được thời gian, không gian trong khoảng mười lăm tỷ năm và biên giới chúng ta, chỉ thấy được tới chừng ấy thôi. Nhưng biên giới tồn tại của vật chất, của vũ trụ chúng ta tương lai, với những phương tiện mới, với sự phát triển mạnh mẽ, vượt trội của khoa học ngày nay, hy vọng chúng ta có thể sớm thấy nó, như Đức Phật đã dạy chúng ta, thời gian vô cùng, không gian vô tận.
Đây sẽ là những nhận thức mới trong tương lai.
***
4. Om Mani Padme Hum
Khi đến thành Ca Tỳ La Vệ, chúng tôi ngạc nhiên, vì nơi đây, tương đối chính xác với những gì chúng tôi đã nghiên cứu trên kinh.
Cuối thế kỷ thứ mười chín, các nhà khảo cổ người Anh đã phát hiện trụ đá của vua A Dục. Trên trụ đá có ghi, vua A Dục đã đến thăm nơi này, khoảng mười hai năm sau khi ngài lên ngôi, và đã để lại trụ đá đó.
Chúng ta có tấm đá, điêu khắc hình ảnh hoàng hậu Ma Da, tay phải đưa lên cành cây và dưới này, thì có hai cung nữ đang chờ để đón Đức Phật ra đời. Tôi tin là khoa học hoàn toàn có đủ phương tiện để xác định niên đại của tấm đá này. Mà giả dụ có tranh cãi nhau, thì đó cũng là điều tốt.
Trong bộ Văn Khắc Ấn Độ, tìm được hình ảnh nào là người ta cũng cho chụp hình lại và phiên âm ra. Đặc biệt, trên trụ đá của vua A Dục, có một bài chú, mà sau này, trở thành một bài chú rất nổi tiếng của Phật giáo Mật Tông – Om Mani Padme Hum.
Trụ đá này đã có từ thế kỷ thứ ba trước công nguyên.
Tất cả các bài chú mà chúng ta đọc, đều lấy từ kinh Hoa Nghiêm ra cả. Vậy thì, có thể nói, kinh Hoa Nghiêm đã có từ thời điểm này. Tất cả chúng ta cần phải nghiêm túc nghiên cứu để trong tương lai làm rõ vấn đề này.
***
5. Đức Phật Quan Âm
Xưa nay, mình hay nói Đức Quan Âm là Thị Giả của Phật A Di Đà, và cho đó là nhân vật tưởng tượng. Còn trong kinh Hoa Nghiêm, thì vị thầy thứ hai mươi bảy của Thiện Tài Đồng Tử, đó chính là Đức Quan Âm.
Chúng tôi cũng đề xuất một quan điểm, đó là, những vị thầy trong này, chính Đức Bổn sư của chúng ta, cũng đã từng đi qua học, như Tapussa và Bhallika, hai người đệ tử đầu tiên của Đức Phật. Chúng ta có thể cho các em đọc cái quá trình tham học của Đức Phật như thế này, một cách hết sức bình thường, để truyền lại như truyền lại một ngành nghề. Học ở đây là học điều gì? Là học cách làm sao nghe được tiếng gọi đau khổ của chúng sinh để mà cứu người ta.
Về vấn đề của Đức Quan Âm, như vậy, có thể trong thời đại Đức Phật, ngài đã tồn tại. Trong truyền thống Phật giáo mình, còn có nói đến (cái – văn nói, PV chú giải thêm) Đức Cổ Phật Quan Âm. Nghĩa là, ngoài Bồ Tát Quan Âm, chúng ta còn có Cổ Phật Quan Âm nữa. Nghĩa là, đây không phải là vấn đề tưởng tượng.
Và chúng ta cũng cần biết thêm, Đại Thừa, không phải chỉ của Đại Thừa, vì ngay trong kinh Pali, đã có chú mà.
NHẬN THỨC
1. Đạo Phật Là Con Đường Giác Ngộ
Ở phần đầu video, tôi nghe được tiếng đọc kinh rất rõ, không biết từ các nhà sư trong tu viện, hay từ đoàn hành hương nào đó, nhưng nó khiến tôi xúc động. Tiếng kinh đều đều, rền vang, như tiếng kêu thống thiết của con người gởi lên Đức Phật, xin ngài đừng bỏ rơi chúng sanh, xin ngài thương xót lấy chúng sanh mà cứu lấy chúng sanh đang trong bể khổ.
Những ngày qua, nghe các thầy giảng, tôi giờ đây đã hiểu, Đạo Phật không phải là một tôn giáo, Đạo Phật là con đường giác ngộ. Tôi đã hiểu, Phật là tại tâm. Tôi đã hiểu, chỉ có thể tự mình cứu mình. Tôi đã hiểu, gieo nhân nào, gặt quả đó. Nhưng cũng không biết tại sao, trong tôi, vẫn một đinh ninh không đổi, rằng, Đức Phật như vẫn đang đâu đây, và ngài nghe được tiếng kêu của chúng sanh, và rồi ngài sẽ cứu giúp.
2. Lời Phật Dạy Là Của Tất Cả Chúng Ta
Ái mộ ngài Lê Mạnh Thát quá. Ái mộ vì ngài tuyệt siêu. Kiến thức của ngài, không chỉ về lịch sử Phật giáo, mà còn là tất cả những vấn đề có liên quan đến lịch sử Phật giáo.
Có điều gì trong đời này mà không liên quan đến tôn giáo đâu? Nên nói như vậy, cũng có nghĩa là, ngài thông tuệ tất cả: chính trị, xã hội, các tôn giáo khác, lịch sử con người, kinh tế, y tế, giáo dục. Tất tật, ngài thông hiểu.
Không chỉ thông minh, sáng suốt, sắc sảo trong nhận định, giáo sư Lê Mạnh Thát còn là bậc rất khiêm tốn và bình dân, dung dị.
Những bậc bất phàm thường không lập ngôn. Thiền Sư Thích Trí Siêu (tức GS. Lê Mạnh Thát – PV chú thích thêm) cũng vậy, ngài chỉ luôn luôn rao giảng lời Phật dạy, và mang những thông điệp yêu thương từ Đức Phật, đến trao hết thảy cho mọi người, không phân biệt.
3. Nhân Thị Tối Thắng
Ước mơ của sư Minh Tuệ là một ước mơ toàn vẹn và cao đẹp, ước mơ được giải thoát.
Còn tôi, nếu tái sanh là có thật, thì tôi ước mơ được trở lại kiếp người này, để tiếp tục một vòng sinh lão bệnh tử, tiếp tục một vòng buồn vui có đủ.
Câu này với tôi, giờ đây mang ý nghĩa xiết bao, “nhân thị tối thắng”, con người là tốt nhất để thực hiện các ước vọng của mình!
Sài Gòn 14.07.2024
Phạm Hiền Mây
ĐỪNG CHẾT KHÁT BÊN CẠNH DÒNG SÔNG
Cảm nhận của Nhà văn Phạm Lưu Vũ
Nữ thi sĩ Phạm Hiền Mây vừa giới thiệu một video trên kênh Youtube, tường thuật pháp thoại của Giáo Sư Lê Mạnh Thát. Hay đến nỗi, trước khi đăng lại toàn văn, tôi phải viết vài lời giới thiệu:
Kinh “Bách Dụ” (một trăm ví dụ), Đức Phật kể về một anh chàng bị khát quá, tìm kiếm đến kiệt sức mới phát hiện ra một dòng sông dịu mát. Nhưng dòng sông lớn quá, mênh mông quá… thấy bụng mình không thể chứa nổi nên đã sợ hãi mà không dám uống nước. Đành nằm vật trên bờ để chờ… chết khát.
Kiến thức cũng tương tự như vậy. Kiến thức cũng dịu mát và mênh mông như dòng sông. Nhưng chớ vì sự mênh mông mà hoảng sợ… Bụng con người nhỏ bé không thể chứa nổi dòng sông, nhưng tâm của con người là vô cùng rộng lớn, hoàn toàn có thể chứa hết mọi sự mênh mông… Đạo Phật chỉ cho con người biết, rằng ai cũng có cái tâm ấy, và chỉ ra con đường để mở nó ra, mở ra được thì thành Phật.
Trong Tây Du Kí, Ngô Thừa Ân đã sử dụng chi tiết này một cách rất biến hóa và kì tài, đoạn tả Quán Thế Âm Bồ Tát đi giúp Tôn Ngộ Không chữa cháy ở Hỏa Diệm Sơn.
Và sau đây là tường thuật và lời bình của Phạm Hiến Mây.