LUẬT TỨ PHẦN
曇無德部四分律
Dharmaguptaka Vinaya
LỊCH SỬ PHÁP TẠNG BỘ VÀ LUẬT TỨ PHẦN
PHẢ HỆ TRUYỀN THỪA TỪ ẤN-ĐỘ CHO ĐẾN VIỆT NAM
__________________
When the habit makes the monk (quand l’habit fait le moine) – THE KAṢĀYA OF THE EARLIEST BUDDHISM
Summary of Vietnamese Version
Written by: bhikkhu Cittacakkhu
Until now, there’s no doubt that most of monks, nuns and laymen are all mistaken quite often, that the recent colors of Vietnamese as well as international Buddhist monastic robe represent a certain sect such as the Ch’an school, the Ching-t’u or the Southern Buddhism, the Northern Buddhism … In fact, these colors themselves express the features of the Buddhist schools divided after the Buddha’s nirvana and arise from the pāyattika rule “Disfiguring the robe with colors”. This rule is still recorded in the extant Vinaya of Dharmagupta, Mahīśāsaka, Mahāsāṅghika, Sarvāstivādin, Mūlasarvāstivādin and Pāli. However, the comparison of the Vinaya, the Prātimokṣa and the Vinaya Mātṛkā between many schools demonstrate that the position of this rule is not similar. Besides, the regulation for the color and for the manner of discoloring the robe has many deviations and inconsistencies.
In order to clarify a part of the contradiction existing in the shadow of the history in terms of the original robe colors prescribed by the Buddha, it is necessary to investigate the earliest Buddhist traces. Current sources show that, the Buddha firstly regulated a bhikkhu to employ the robes dyed with kaṣāya. Kaṣāya does not imply a fixed color but is considered as bad and dull colors. At the same time, kaṣāya is also closely related to the two types of clothing allowed by the Buddha, including rags (pāṃsukūla, 糞掃衣) and robes given by laymen. Regarding the nature of rags, they are basically made of badly and malodorously discarded cloth. Therefore, rags dyed with kaṣāya is not to discolor but to eliminate the dirt, which renders them cleaner. Clean clothes not only protect monks’ health but also gain greater respect of laymen. Regarding robes offered by laymen, the Buddha only allowed accepting those made of coarse fiber. Only when they are disfigured with kaṣāya, they become monastic robe and are employed by monks. In this case, dyeing robes is aimed at preventing bhikkhus from developing attachment to the ordinary color of common people.
In summary, in the earliest tradition, when the Buddhist order was still a unified sect without the division, the Buddha did not regulate a specific color for bhikkhus. By conforming to ascetic life and ideal, the Buddha prescribed to apply kaṣāya to discolor the robes. Their colors at that time depended on the materials used. The synthesis of the historical sources of many divided sects permits to conclude the three kaṣāya colors of the earliest Buddhism are dark blue-green (bronze – 銅青), mud black (泥墨) and mulan (木蘭, kāḍiśāma). They are locally made from natural ingredients available in Buddhist residential communities.
B.E. 2564 – 03/04/2021, Nha Trang, Viet Nam.
CHƯƠNG II
CHIẾC ÁO LÀM NÊN THẦY TU
(QUAND L’HABIT FAIT LE MOINE)
SẮC PHỤC CA-SA THỜI KỲ ĐẦU
Một cộng đồng Tăng sống trong một trú xứ, một tu viện, hay với số đông, nếu cư ngụ cùng một địa vức đất nước, khi ngồi chung chắc chắn y phục có thể cùng màu. Nhưng Đại hội Tăng-già Phật giáo thế giới diễn ra đâu đó, hàng ngàn Tăng, ni các châu lục quy tụ về một chỗ thì quang cảnh sẽ khác hẳn, bởi y phục nhiều sắc màu. Màu y mà chúng ta đang mặc không phải đại diện cho một tông phái Thiền chúng ta đang theo, hay tông Tịnh độ chúng ta đang hành trì; cũng chẳng phải tông Phật giáo phương Nam, hay tông Phật giáo phương Bắc nơi chúng ta hoằng pháp sinh hoạt. Mà nên nhớ, màu y ấy tỏ tường cho chúng ta biết rằng, mình thuộc thân phận của Phật giáo bộ phái sau thời đức Phật nhập diệt. Hệ quả đương nhiên tất cả màu y hiện nay đều bắt nguồn từ những màu sắc trong giới ba-dật-đề (Skt. pāyattika, pātayantika; P. pācittiya) “Làm hoại sắc y mới” đã quy định.
Chương này chúng tôi tiếp tục phân tích kết cấu trong luật Tứ phần, nội dung nghiên cứu chính là màu y của Tăng. Đề tài khảo luận có hai mục đích: Thứ nhất, tìm hiểu sắc phục của Tăng lữ từ thời Phật cho đến bộ phái. Thứ hai, dựa vào tư liệu này giúp chúng tôi dò tìm dấu vết các nhà sư truyền giáo đến Việt Nam trong thời kỳ đầu, trước thời Khương Tăng Hội và cho đến sau này, xem họ là ai, Hữu bộ hay Pháp tạng bộ? Ít nhiều chắc chắn phải có liên quan đến màu y.
I. ĐỐI CHIẾU VĂN BẢN
Về học xứ này, vị trí thứ tự trong luật bộ phái cả Quảng luật, Giới kinh (Prātimokṣa) và Luận của luật đều không giống nhau, điều quan trọng là màu sắc quy định giữa các văn bản cũng bất nhất. Để mở rộng nghiên cứu và có một kết luận chắc chắn, bắt buộc chúng tôi phải công bố tất cả các văn bản tìm kiếm được, làm cuộc tỉ giảo chặt chẽ, kiểm chứng lại từng nội dung của chúng. Dựa vào sơ đồ sắp xếp của W. Pachow, Ấn Thuận, Hirakawa Akira,[1] chúng tôi trình bày lại như sau:
-
Quảng luật và Giới kinh:
(a). Quảng luật Thập tụng và Giới kinh của Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin) Hán dịch: ba-dật-đề (波逸提, pātayantika) 59.
Bộ Quảng luật Thập tụng được dịch đầu tiên tại Trung Quốc, thuộc Tát-bà-đa bộ, hoặc dịch Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin) lưu hành ở Kaśmīra (Kế-tân). Bản Hán hiện còn gồm 61 quyển. Bộ luật này trải qua 4 vị đại sư truyền dịch và chỉnh sửa mới hoàn thành. Căn cứ trong Xuất tam tạng ký tập và Cao tăng truyện ghi chép, đầu tiên vào tháng 10 năm Hoằng thủy thứ 6 (404 Tl.), tam tạng Phất-nhã-đa-la (Puṇyatāra) người Kaśmīra đọc Phạn bản, Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva) dịch sang Hán văn; dịch phẩm mới hoàn thành 2 phần 3 thì Phất-nhã-đa-la viên tịch. Đến mùa thu năm thứ 7 (405 Tl.), Huệ Viễn ở Lô sơn thỉnh mời Đàm-ma-lưu-chi (Dharmaruci) người Tây vực, dựa vào bản Phạn cùng Cưu-ma-la-thập dịch tiếp phần còn lại. Nhưng chỉ là cảo bản chưa chỉnh sửa, La-thập lại thị tịch. Về sau, Tỳ-ma-la-xoa (Vimalākṣa) người Kaśmīra, đem bản cảo luật Thập tụng đến chùa Thạch giản ở Thọ xuân, chỉnh sửa lại, từ 58 quyển thành 61 quyển.[2]
Văn giới Quảng luật: “Tỳ-kheo nào được y mới, phải dùng một trong ba loại màu làm hoại sắc y, ba màu: hoặc màu xanh, hoặc màu bùn, hoặc đỏ thẫm. Nếu tỳ-kheo không dùng ba loại màu đó làm hoại sắc y mà mặc y mới, phạm ba-dật-đề.”[3]
Giới bản (Giới kinh) của Hữu bộ là Thập tụng tỳ-kheo ba-la-đề-mộc-xa giới bản. Cưu-ma-la-thập dịch sang Hán 1 quyển. So với Quảng luật của luật Thập tụng, thứ tự trong pháp Xả đọa (naiḥsargika-prāyaścittika) có chút sai khác và số giới điều trong pháp Chúng học (saṃbahulāḥ śaikṣa-dharmāḥ) cũng không nhất trí. Hirakawa Akira nhận định, có thể bản Giới kinh này không phải chép trong Quảng luật mà được dịch từ một bản Phạn khác. Trong số các kinh điển tìm thấy ở Đôn hoàng, có 1 quyển viết tay của Giới bản này (Sarvāstivādin bhikṣuprātimokṣa), được chép vào năm đầu niên hiệu Kiến sơ (405) đời Tây Lương. Hiện nay lưu giữ tại viện Bảo tàng Anh. Học giả người Pháp Paul Pelliot tìm thấy bản Phạn của Giới bản này tại Koutcha (nay thuộc Aksu, Tân Cương), sau đó Finot dựa trên bản Pháp văn của É. Huber dịch từ Thập tụng giới kinh của Cưu-ma-la-thập,[4] đối chiếu hiệu đính và xuất bản năm 1913.[5]
Văn giới bản Phạn: “… Trayāṇāṃ durvarṇīkaraṇānāṃ: nīlam vā kardamo vā kāḍiśāmo vā…”[6] Đối chiếu với bản dịch văn Hán: “Tỳ-kheo nào, được y mới, phải dùng một trong ba (trayāṇāṃ) loại làm hoại sắc (durvarṇīkaraṇānāṃ, làm cho hư sắc đẹp): hoặc màu xanh (nīlam), hoặc (vā) màu bùn (kardama), hoặc màu mộc lan (kāḍiśāma). Nếu tỳ-kheo không dùng một trong ba loại màu làm hoại sắc: hoặc xanh, hoặc bùn, hoặc mộc lan mà mặc y mới, phạm ba-dạ-đề.”[7]
(b). Giới kinh bản Đôn hoàng (敦煌本): ba-dật-đề 59.
Văn giới chúng tôi không tìm thấy, chỉ chép lại từ sơ đồ so sánh giới ba-đật-đề của Hirakawa Akira. Ông cho rằng Giới kinh trong bản Đôn hoàng là bản Hán dịch có từ rất sớm, thuộc hệ thống Thuyết nhất thiết hữu bộ, qua sự nghiên cứu chứng minh của học giả Yabuki Keiki (Thỉ Xuy Khánh Huy) chép trong bộ Minh sa dư vận.[8] Nhưng thứ tự văn điều và nội dung cũng có chút sai khác với luật Thập tụng.[9]
(c). Quảng luật và Giới kinh của Pāli: pācittiya 58.[10]
Đây luật điển thuộc tạng Pāli Nam truyền, do vương tử Mahinda truyền đến đảo Tích-lan (Sri Lanka) vào triều vua A-dục, niên đại thành lập muộn nhất được suy đoán vào thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ I trước Tây lịch. Ngôn ngữ được sử dụng là Pāli, một phương ngữ cổ xuất xứ từ Vidiśā hay Bhīlsa, thuộc khu vực Tây nam Trung Ấn. Khi Phật giáo Thượng tọa bộ Nam truyền du nhập các nước vùng Đông nam á thì hình thành Đại tạng văn tự bản xứ Miến-điện, Thái v.v. Năm 1881, nước Anh thành lập Hiệp hội Thánh điển Pāli (Pāli Text Society), đem Đại tạng Nam truyền chú thích hiệu đính, ấn hành bằng chữ La tinh, và xuất bản cả bản dịch tiếng Anh. Phía Nhật Bản, từ năm Chiêu hòa thứ 10 đến năm thứ 16 (1935-1941), hội Kỷ niệm công tích của Tiến sỹ Takakusu Junjirō (Cao Nam Thuận Thứ Lang) đã phiên dịch Tam tạng Pāli sang tiếng Nhật, Hiệp hội Thánh điển Pāli xuất bản ấn hành, với tên Nam truyền đại tạng kinh, toàn bộ 70 tập.[11]
Văn giới Quảng luật: “Navaṃ pana bhikkhunā cīvaralābhena tiṇṇaṃ dubbaṇṇakaraṇānaṃ aññataraṃ dubbaṇṇakaraṇaṃ ādātabbaṃ – nīlaṃ vā kaddamaṃ vā kāḷasāmaṃ vā. Anādā ce bhikkhu tiṇṇaṃ dubbaṇṇakaraṇānaṃ aññataraṃ dubbaṇṇakaraṇaṃ navaṃ cīvaraṃ paribhuñjeyya, pācittiya” nti. (Tỳ-kheo nhận được y mới, nên làm hoại sắc bằng một trong ba loại màu, là màu xanh, màu bùn, hoặc màu đen. Nếu tỳ-kheo không làm hoại sắc bằng một trong ba loại màu hoại sắc đó mà sử dụng y mới, phạm pācittiya [ba-dật-đề]).
Văn giới của Giới bản cũng giống giới văn Quảng luật (Tham chiếu Nam truyền đại tạng kinh 5, Tỳ-kheo Ba-la-đề-mộc-xoa 比丘波羅提木叉 [Bhikkhu Pātimokkha]).[12]
(d). Quảng luật Tứ phần (Dharmagupta Vinaya) và Giới kinh Hán dịch: ba-dật-đề 60.
Giới bản (Giới kinh) của luật Tứ phần có hai bản: Tứ phần tăng giới bản và Tứ phần luật tỳ-kheo giới bản. Tứ phần tăng giới bản do Phật-đà-da-xá dịch từ bản Phạn, dịch ngữ so với Quảng luật có chỗ sai khác nhưng nội dung hoàn toàn giống nhau. Tứ phần luật tỳ-kheo giới bản[13] của Hoài Tố, văn giới ông trích từ Quảng luật Tứ phần.[14]
Văn giới Quảng luật: “Tỳ-kheo nào, nhận được y mới, tùy ý sử dụng một trong ba loại màu để làm hoại sắc là màu xanh, màu đen, hoặc màu mộc lan. Nếu tỳ-kheo không dùng ba loại màu: xanh, đen, hoặc màu mộc-lan làm hoại sắc mà mặc nguyên y mới, phạm ba-dật-đề.”[15]
Văn giới Tứ phần tăng giới bản: “Tỳ-kheo nào, nhận được y mới phải nhuộm hoại sắc với (một trong) ba loại màu: xanh, đen, hay mộc lan. Nếu tỳ-kheo được y mới, không nhuộm hoại sắc với ba loại màu: xanh, đen, hay mộc lan mà thọ trì y mới, phạm ba-dật-đề.”[16]
(e). Quảng luật Ngũ phần và Giới kinh Hán dịch: ba-dật-đề 77.
Luật Ngũ phần của Hóa địa bộ (Mahīśāsaka) truyền trì. Bộ Quảng luật gọi đủ Di-sa-tắc bộ hòa-hê ngũ phần luật (彌沙塞部和醯五分律 , Mahīśāsaka Vinaya), Hán dịch gồm 30 quyển (T. 22, No. 1421). Nguyên bản Phạn được Pháp Hiển tìm thấy tại nước Sư Tử (Siṁhala), nay là Tích-lan (Sri Lanka), sao chép mang về Trung Quốc vào năm thứ 9, niên hiệu Nghĩa hy, thời Đông Tấn (năm 413), nhưng chưa kịp phiên dịch thì ngài tịch. Đến tháng 12 năm thứ 2, niên hiệu Cảnh bình, thời Lưu Tống (năm 423), Phật-đà-thập (Buddhajīva) người nước Kaśmīra, thuộc phái Hóa địa bộ đến Trung Quốc. Ông được Thích Huệ Nghiêm, Trúc Đạo Sinh ở chùa Long Quang, tại Kiến nghiệp, Nam kinh, thỉnh mời phiên dịch. Phật-đà-thập đọc bản Phạn, sa-môn Trí Thắng người Vu-điền (Ku-stana, nay là Khotan) làm thông dịch; đến tháng 12 năm sau hoàn tất.[17]
Ấn Thuận cho rằng, ý nghĩa hai chữ ‘hòa-hê 和醯’ trong Di-sa-tắc bộ hòa-hê ngũ phần luật (Mahīśāsaka Vinaya) không rõ ràng; trong phần mục lục kinh xưa không có hai chữ này. Di-sa-tắc bộ (Mahīśāsaka), Hán dịch Di-hỉ-xả-sa-kha (彌嬉捨娑柯), hoặc Di-hỉ-xả-bà-đà (彌嬉捨婆拖). Có thể âm ‘sa-kha 娑柯’ (sakāḥ) đọc nhầm ‘bà-đà 婆拖’ (vādāḥ), và âm ‘hòa-hê 和醯’ đọc giống, cho nên cứ như thế mà gọi Phạn âm Hóa địa bộ (Mahīśāsaka) là ‘Di-sa-tắc-hòa-hê’, người xưa hiểu như vậy. Đúng ra phải nên gọi Di-sa-tắc hòa-hê bộ ngũ phần luật, lại gọi nhầm Di-sa-tắc bộ hòa-hê ngũ phần luật, thành ra hai chữ ‘hòa-hê’ không thể giải thích được.”[18]
Giới bản (Giới kinh) của luật Ngũ phần có hai bản: Di-sa-tắc ngũ phần giới bản và Ngũ phần giới bản; cả hai bản này trong Hán tạng đều ghi Phật-đà-thập dịch. Nhưng Hirakawa Akira cho rằng, Ngũ phần giới bản hỗn hợp với luật Thập tụng (Thập tụng tỳ-kheo ba-la-đề-mộc-xoa giới bản) mà sản sinh ra Giới bản này, còn Di-sa-tắc ngũ phần giới bản Phật-đà-thập sao chép giới văn từ Quảng luật.[19] Trong cuối bản Hán Di-sa-tắc ngũ phần giới bản cũng nói như vậy[20]. Cho nên giới văn (về ba-dật-đề này) trong Ngũ phần giới bản không giống Di-sa-tắc ngũ phần giới bản và Quảng luật.
Vì sao nói Ngũ phần giới bản hỗn hợp với Giới bản Thập tụng, bởi vì ý nghĩa văn giới giống nhau. Ngũ phần giới bản chép: “Tỳ-kheo nào mặc y mới không (nhuộm) hoại sắc, phạm ba-dạ-đề.”[21] Tức dùng màu quy định để nhuộm cho hoại sắc y mới, giống Giới bản của Thập tụng nói ở trước. Như vậy trái ngược với văn giới trong Quảng luật và Di-sa-tắc ngũ phần giới bản: “Tỳ-kheo nào được y mới, nên dùng (một trong) ba loại màu để làm dấu: hoặc màu xanh, màu đen, hay màu mộc lan; nếu không dùng ba màu đó để làm dấu, phạm ba-dật-đề.”[22] Ở đây dùng màu để làm dấu chứ không nhuộm, khác ý nghĩa trên.
(f). Giải thoát giới kinh (Prātimokṣasūtra): ba-dật-đề 68.[23]
Bản này của Ẩm quang bộ (Ca-diếp-duy bộ, kāśyapīya), Cù-đàm Bát-nhã-lưu-chi (Gautama Prajñāruci) dịch sang Hán thời Nguyên ngụy (543 Tl.), gồm 246 giới. Phần Quảng luật của bộ phái này chưa được truyền dịch tại Trung Quốc. Tên Giải thoát giới kinh, theo đại sư Ấn Thuận giải thích đó là cách gọi tắt của Biệt giải thoát giới kinh (Prātimokṣa), không hẳn tên gọi riêng dành cho luật bộ phái này.[24]
Văn giới: “Tỳ-kheo nào được y mới, không làm hoại sắc với (một trong) ba màu: xanh, đen, mộc lan, phạm ba-dật-đề.”[25]
(g). Quảng luật Ma-ha Tăng-kỳ (Mahāsāṅghika Vinaya) và Giới kinh (Ma-ha Tăng-kỳ luật đại tỳ-kheo giới bản): ba-dật-đề 48. Tuy nhiên phần dịch ngữ trong giới văn cả hai bản có chút sai khác.
Quảng luật: “Tỳ-kheo nào được y mới, phải dùng một trong ba loại màu để làm hoại sắc, là màu xanh, đen, mộc lan. Nếu không dùng một trong ba loại màu đó làm hoại sắc mà thọ dùng, phạm ba-dạ-đề”.[26]
Giới bản: “Tỳ-kheo nào được y mới, phải dùng một trong ba loại màu để làm hoại sắc, là màu xanh, đen, mộc lan. Nếu không làm hoại sắc mà thọ dùng, phạm ba-dạ-đề”.[27]
Luật Tăng-kỳ Quảng luật Hán dịch gồm 40 quyển, luật này của Đại chúng bộ (Mahāsāṅghika). Trong Ma-ha Tăng-kỳ luật tư ký ([摩訶僧祇律私記] Lời Tựa luật Ma-ha Tăng-kỳ), Pháp Hiển viết: Pháp Hiển (đi Tây vực) chép được bản Phạn tại tinh xá Thiên vương phía nam tháp vua A-dục, thuộc ấp Ba-liên-phất (Pāṭaliputra) nước Ma-kiệt-đề (Magadha). Quay về Dương châu, vào ngày Bính thìn tháng 11 năm Nghĩa hy thứ 12 (416) đời Tấn, ở chùa Đấu trường bắt đầu dịch, đến tháng hai năm thứ 14 (418) là xong. Cùng vị Thiền sư dịch bản Phạn.[28]
Vị Thiền sư nói trên là Phật-đà-bạt-đà (Buddhabhadra, Giác Hiền). Và nơi dịch trong Xuất tam tạng ký tập, Cao tăng truyện v.v… lại nói bộ luật Tăng-kỳ được dịch tại chùa Đạo trường (道場寺),[29] không phải chùa Đấu trường (鬪場寺). Do viết nhầm chữ hay tên chùa có hai cách gọi?
Ma-ha Tăng-kỳ luật đại tỳ-kheo giới bản, tên khác Ba-la-đề-mộc-xoa Tăng-kỳ giới bản (波羅提木叉僧祇戒本), Phật-đà-bạt-đà dịch sang Hán 1 quyển. Thứ tự giới điều trong Giới bản và Quảng luật giống nhau, giới văn hai bản có chút sai khác vì lý do thế nào chưa rõ, có điều thêm bằng chứng cho thấy hai bản này tách biệt; như Quảng luật quyển thứ 17, hết phần ba-dật-đề 39, bản Hán ghi: “Bản Phạn để trong tinh xá Kỳ-hoàn bị trùng cắn rách, ở đây không có giới Biệt chúng thực”,[30] tức thiếu ba-dật-đề 40. Trong Giới bản lại có giới này: “Tỳ-kheo nào, ăn chúng riêng, trừ trường hợp khác, ba-dạ-đề…”[31]
(h). Quảng luật Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tì-nại-da, Giới kinh (Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ giới kinh), Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tụng: ba-dật-đề 58.
Cả ba bản này đều do Nghĩa Tịnh phiên dịch. Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tì-nại-da 50 quyển, dịch vào ngày mùng 4 tháng 10, năm thứ 3 niên hiệu Trường an (703, thời Thiên Hậu [Võ Tắc Thiên] nhà Đường), tại chùa Tây minh, sa-môn Ba-luân, Huệ Biểu… bút thọ. Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ giới kinh 1 quyển, dịch vào năm thứ 4 niên hiệu Cảnh long (707), tại chùa Tiến phước.[32] Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tì-nại-da tụng 3 quyển, tôn giả Viśākha (Tì-xá-khư) trước tác, đem nội dung giới văn và phần giải thích sau giới văn trong Quảng luật tóm lược thành thể kệ tụng. Bản này Nghĩa Tịnh dịch lần thứ nhất tại chùa Nālanda, Tây vực, sau đó đem về san định lại cũng trong năm thứ 4 niên hiệu Cảnh long.[33]
Đây là luật điển thuộc Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ (Mūlasarvāstivādin). E. Frauwallner phán định, bộ phái này thuộc giáo đoàn truyền giáo cổ đại và giáo đoàn của họ ít nhất có từ thời Kết tập Vaiśālī; khu vực truyền giáo ở Mathurā, khác với Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin) hoằng pháp tại Kaśmīra, ra đời muộn hơn. Nhưng cả hai giáo đoàn này phát triển thành một trường phái thông qua việc chấp nhận luận lý của hệ thống triết học giáo nghĩa Thuyết nhất thiết hữu bộ, và mỗi bên giữ nét đặc thù riêng.[34] Nhiều học giả phản đối lại ý kiến của Frauwallner. Lamotte, khẳng định rằng Luật tạng Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ (Mūlasarvāstivādin) là một bản biên soạn muộn của Kaśmīra, được thực hiện để hoàn thành Luật tạng Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin). Warder gợi ý rằng Mūlasarvāstivādins là sự phát triển sau này của Sarvāstivādin… Sujato lại ủng hộ lý thuyết của Frauwallner, cho rằng Lamotte và Warder không đưa ra đầy đủ bằng chứng để chứng minh lý thuyết của họ, lý thuyết của Frauwallner đã đứng trước thử thách của thời gian.[35]
Văn giới Quảng luật: “Bí-sô nào được y mới, phải tùy một trong ba loại màu để nhuộm hoại sắc: hoặc màu xanh, màu bùn, hay màu đỏ. Nếu không làm hoại sắc với (một trong) ba loại màu mà thọ dùng, phạm ba-dật-để-ca.”[36]
Văn giới Giới kinh giống như trên.[37]
Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tì-nại-da tụng: Học xứ mặc y không hoại sắc.
“Bí-sô được y mới,
Cần phải làm hoại sắc.
Y mới là màu trắng,
Nhuộm hoại màu có ba:
Xanh là màu xanh dơ,
Bùn, màu đá đỏ,
Như vỏ cây, hoa, lá…,
Nhuộm màu gọi ca-sa.”[38]
(i). Giới bản Tây Tạng (Tibetan): So-sor-Thar-baḥi mDo (Prātimokṣa-sūtra – Ba-la-đề-mộc-xoa kinh): ba-dật-đề 58;[39] No. 2, Ca. 1b1-20b7: tương đương Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ giới kinh (根本說一切有部戒經, No. 1454), dịch sang Tạng ngữ: Jinamitra (người Ấn). Kluḥi rgyal-mtshan (người Tây Tạng) cùng dịch và thẩm định.[40] Về sau được S. C. Vidyabhusana dịch sang Anh: So-sor-thar-pa – A Code of Buddhist monastic Laws (Journal of the Asiat. Soc. of Bengal, March-April, 1915, pp. 29-139). Đây là Giới bản tiếng Tây Tạng thuộc trường phái Mūlasarvāstivādin.[41]
Văn giới: “Tỳ-kheo nào được y mới, phải dùng một trong ba màu nhuộm hoại sắc: màu xanh (sngon po སྔོན་པོ་), đỏ (dmar po དམར་པོ་), cam (ngur smrig ངུར་སྨྲིག་, màu vàng nghệ, màu vàng pha chút đỏ); nếu không nhuộm cho hoại sắc mà mặc y mới, phạm ba-dật-đề.”[42]
Quảng luật – Ḥdul-ba rnam-par-ḥbyed-pa (Vinaya-vibhaṅga – Luật Phân biệt), No. 3. Ca. 21a1 – 292a7: tương đương Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tì-nại-da (根本說一切有部毘奈耶, No. 1442). Jinamitra và Kluḥi rgyal-mtshan dịch.[43]
(j). Phiên dịch danh nghĩa đại tập (翻譯名義大集 – Mahāvyutpatti): ba-dật-đề 58.
Tác phẩm này được biên soạn khoảng thế kỷ thứ 9,[44] từ số 255 đến 265 tập thành danh mục về luật; số 256-264 thuộc Tạng văn, chúng không phải Giới kinh mà y cứ trên cấu trúc của Giới kinh chỉnh lý sắp xếp câu cú lại cho thích hợp, nhưng có giá trị đồng đẳng với Giới kinh. Sau khi so sánh đối chiếu với luật Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ bản Tạng dịch và Hán dịch, thì thấy trong Phiên dịch danh nghĩa đại tập giống với hệ thống Luật tạng bộ phái này, về chi tiết có khác đôi chút. Tác phẩm Phiên dịch danh nghĩa đại tập có giá trị cho công tác so sánh Phạn văn, Tạng dịch, Hán dịch và Mông Cổ dịch.[45]
Giới văn Pachow lược ghi: Mpt 58. … Āraktavastropabhogaḥ[46] (mặc [thọ dụng] y không nhuộm).
-
Luận của luật:
(a). Thiện kiến luật tì-bà-sa (Sudarśana-vinaya-vibhāsā) 16:[47] Dubbaṇṇakaraṇasikkhāpadaṃ (Học xứ làm hoại sắc): ba-dạ-đề 58.
Luận giải: “Màu xanh, là màu xanh ten đồng, hoặc màu xanh lam, hoặc màu mộc lan. Màu mộc lan là màu bùn đen. Dùng ba loại màu này để điểm tịnh, dấu nhỏ nhất là như hạt mè lớn, nếu không điểm tịnh, phạm ba-dạ-đề.”[48]
(b). Tì-nại-da (鼻奈耶) 9: ba-dật-đề 59.[49]
Tì-nại-da cũng gọi là Giới nhân duyên kinh, 10 quyển. Sa-môn Trúc Phật niệm người Lương châu dịch đời Diêu Tần. Trong lời Tựa bản Tì-nại-da chép: Mùa xuân năm Nhâm ngọ (382) đời Tấn, Luật sư nước Kế-tân (Kaśmīra) là Da-xá (Yaśa) tụng Tì-nại-da, Cưu-ma-la-phật-đề (Kumārabuddhi) chép thành bản Phạn; Trúc Phật Niệm dịch Hán văn, Đàm Cảnh bút thọ. Vị Da-xá tụng Tì-nại-da là người cùng Cưu-ma-la-phật-đề theo đoàn sứ giả của nhà vua đi tiền trạm đến Trung Quốc, khác với Phật-đà-da-xá (Buddhayaśas) dịch luật Tứ phần. Hirakawa Akira và Ấn Thuận đều thống nhất tác phẩm này căn cứ Kinh phân biệt Quảng luật chép ra, lược thích Giới kinh của Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin).[50]
Văn giới: “Tỳ-kheo nào được y mới, phải nhuộm (một trong) ba loại màu: xanh, đen, mộc lan. Nếu tỳ-kheo không nhuộm ba màu: xanh, đen, mộc lan, phạm đọa.”[51]
(c). Tát-bà-đa tì-ni tì-bà-sa (Sarvāstivāda-vinaya-vibhāsā) 8: ba-dật-đề 59.
Tát-bà-đa tì-ni tì-bà-sa 9 quyển, mất tên người dịch, ghi chép vào đời Tần. Phần đầu quyển 9 ghi: “Lời Tựa tiếp tục cho tác phẩm Tát-bà-đa tì-ni tì-bà-sa. Sa-môn Trí Thủ soạn tại chùa Đông thiền định, Tây kinh.”[52] Bộ luật Tì-bà-sa này ban đầu bị thiếu không đủ, sau nhờ Trí Thủ sưu tập. Đến năm Đại nghiệp thứ 2 (606, đời Tùy), từ Thành đô truyền đến bản hoàn chỉnh. Nội dung và thứ tự giới điều đại khái giống với luật Thập tụng.[53]
Tát-bà-đa tì-ni tì-bà-sa chép: Thường làm hoại sắc (y) bằng cách điểm tịnh ba loại màu: 1. Xanh; 2. Đen; 3. Mộc lan.[54]
(d). Căn bản tát-bà-đa bộ luật nhiếp ([Mūlasarvāstivāda] Vinayasaṁgraha) 12: ba-dật-đề 58.
Luật nhiếp do Thắng Hữu (Viśeṣamitra, ông sống khoảng đầu thế kỷ thứ 7) biên soạn luận giải cho Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ giới kinh. Nghĩa Tịnh dịch vào năm đầu niên hiệu Cửu thị nhà Đường (năm 700), gồm 14 quyển. Tương đương bản Tây Tạng dịch: Ḥdul-ba bsdus-pa, No. 4105, Nu. 88a1 – 268a7. Dịch sư Ấn-độ: Śīlendrabodhi, Śākyaprabha, Vairocanarakṣita; hiệu đính: Jñānaśrībhadra, Rgyal-ba śes-rab, Śākya bśes-gñen.[55]
Văn giới: “Bí-sô nào, được y mới, phải tùy dùng một trong ba loại màu nhuộm hoại sắc: hoặc màu xanh, hoặc màu bùn, hoặc màu đỏ. Nếu không làm hoại sắc với ba loại màu mà thọ dùng, phạm ba-dật-để-ca.”[56]
(e). Ưu-ba-ly vấn (Phật) kinh (Upāli-paripṛcchā-Sūtra): ba-dật-đề 61[57]; bản Hán (1 quyển) do Cầu-na-bạt-ma (Guṇavarman) dịch vào năm Nguyên gia đời Tống. Ấn Thuận cho rằng bộ này tuy gọi là kinh nhưng kỳ thực là luận của luật. Mặc dù thứ tự trước sau của ba-dật-đề giống với Giải thoát giới kinh của Ẩm quang bộ (Kāśyapīya) và Giới bản của luật Thập tụng nhưng Ấn Thuận và Hirakawa Akira đều không xác định là của bộ phái nào. Riêng Nishimoto Ryuzan thì phán định bản này thuộc hệ Tát-bà-đa bộ (Sarvāstivādin).[58]
Văn giới: “Không dùng ba màu xấu để tác tịnh y mới mà mặc có hai hình thức phạm: phương tiện (chuẩn bị) mặc, phạm đột-kiết-la (duṣkṛta); mặc xong, phạm ba-dật-đề.”[59]
Trong văn bản này chỉ nói 3 màu xấu, không nói màu gì, nếu theo các học giả suy đoán tác phẩm này thuộc hệ Sarvāstivādin thì có thể là màu xanh, bùn, đỏ.
(f). Tì-ni mẫu kinh (Vinaya-mātṛkā-śāstra)[60] quyển 7: “Tỳ-kheo được y mới phải làm ba điểm tịnh”[61]; quyển 8: “Pháp dùng ba điểm tác tịnh y: dùng màu bùn, màu xanh, màu không đồng đều[62] (Màu không đồng đều chỉ cho màu mộc lan, hoặc màu đỏ, màu càn-đà)”.
(g). Tát-bà-đa bộ tì-ni ma-đắc-lặc-già (Sarvāstivādanikāya-vinaya-mātṛkā): “Không được nhuộm màu đẹp; nếu màu đẹp nên nhuộm cho hoại, dùng vỏ cây, vỏ cây càn-đại[63], nhuộm xong mới thọ trì.”[64]
Tuy bản này thuộc luận của luật nhưng Ấn Thuận cho đây là bản dịch khác của Tì-ni tụng và Ưu-ba-li vấn trong luật Thập tụng.[65]
II. MÀU SẮC VÀ Y PHỤC THỜI KỲ ĐẦU
Một loạt văn bản được giới thiệu và so sánh giữa các giới văn, chúng ta thấy có hai vấn đề mâu thuẫn: thứ nhất, tuy cùng một quy định mà hình thành hai thuyết khác nhau: Một thuyết, làm hoại sắc y mới bằng cách “điểm tịnh” (點淨) và một thuyết làm hoại sắc y mới bằng cách “nhuộm tịnh” (nhiễm tịnh染淨). Vấn đề mâu thuẫn thứ hai, tuy cùng một quy định dùng ba màu nhuộm hoại sắc y mới nhưng lại phát sinh ba màu bất nhất như trong các giới văn đã nói. Sự mâu thuẫn này đã kéo dài “tuổi thọ” hơn hai thiên niên kỷ và sẽ tiếp tục tồn tại, chưa một nhà nghiên cứu nào chứng minh một cách xác quyết của lịch sử. Ở đây, chúng tôi chỉ hy vọng minh giải lại với mức độ khả tín trong một phần nào đó. Trong vấn đề mâu thuẫn tất nhiên phải có chỗ đúng chỗ sai, điểm thắt nút chính là màu y trong thời kỳ đầu như thế nào trước khi ba màu kia xuất hiện?
Theo những nguồn tư liệu hiện còn, phần nhiều[66] đều nói Bồ-tát (Bodhisatta) khi mới xuất gia là đắp ca-sa. Đặc biệt luật Ngũ phần ghi chép: Bồ-tát đổi chiếc y quý giá của mình lấy áo ca-sa của người thợ săn. Và sau khi thành đạo, tại vườn Nai (Mṛgadāva) nước Vāraṇasi, đức Phật chuyển vận bánh xe Chánh pháp, giảng bài pháp đầu tiên cho năm người bạn đồng tu cũ của Ngài. Chính nơi đây, luật Tứ phần tường thuật: năm vị tỳ-kheo ấy đã hỏi đức Phật: “Chúng con nên thọ trì y phục nào?” Phật dạy: “Nên thọ trì y phấn tảo và mười loại y: câu-xá, kiếp-bối, khâm-bạt-la, sô-ma, xoa-ma, xá-nâu, ma, sí-di-la, câu-nhiếp-ba, thẩn-la-bát-ni. Mười loại y này nên nhuộm thành màu ca-sa để thọ trì.”[67]
Vậy ca-sa là màu như thế nào? Ca-sa (袈裟), dịch âm từ Phạn ngữ “kaṣāya” (Pāli: kasāya, kasāva), theo Wogihara định nghĩa là màu dơ, màu xấu; hoặc ca-sa chỉ cho y vàng, y nhuộm.[68] Monier-Williams nói: kaṣāya là màu đỏ, đỏ thẫm, đỏ hơi vàng (như y phục của tỳ-kheo Phật giáo).[69] Thiện kiến luật lại nói, tỳ-kheo Mạt-điền-đề (Majjhantika) mặc y (ca-sa) đỏ (kāsāvavasana).[70] Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tì-nại-da tụng cho rằng, màu nhuộm gọi là ca-sa. Thật sự, nếu thời kỳ đầu Phật giáo quy định màu sắc thì không có truyền thuyết Bồ-tát đổi ca-sa của người thợ săn. Do đó, chúng ta có thể thống nhất những định nghĩa của từ ca-sa ban đầu là màu dơ, màu xấu, hay y nhuộm. Còn liên quan đến màu đỏ, vàng v.v. có lẽ bị ảnh hưởng bởi bộ phái, vấn đề này chúng tôi sẽ thảo luận trong chương sau. Nếu ca-sa chỉ cho màu dơ, màu xấu thì chúng ta phải bàn luận đến các loại y đầu tiên.
-
Ca-sa liên hệ y phấn tảo:
Nếp sống của các tỳ-kheo trong thời kỳ đầu là đi khất thực (paiṇḍapātika), ở rừng vắng (a-lan-nhã, araṇya), sống hang động, ngồi dưới gốc cây.[71] Tăng đoàn Phật giáo tồn tại ban đầu như một cộng đồng hành giả lang thang (parivrājaka)[72] của thế kỷ thứ 6 trước Tây lịch, dựa trên nền tảng của một Giáo pháp thông thường và chưa có giới luật đặc biệt.[73] Y phục lúc này gồm những mảnh vải vụn vứt bỏ, từ Phạn pāṃsukūla (Pāli: paṃsukūla). Monier-Williams giải thích: pāṃsu là “đất vụn, bụi, cát” hoặc “phân”, kūla là “đống” hoặc “gò”.[74] Các nhà dịch thuật Hán ngữ y cứ vào nghĩa Phạn phiên tả lại là “y phấn tảo 糞掃衣” (y quét phân). Bernard Faure, Ann Heirman giải thích nửa Hán nửa Phạn như sau: là những tấm vải rách nát đã được sử dụng để quét các loại rác, kể cả phân.[75] Hoặc y phục được tìm thấy trên một đống phân và rác rưởi. Bà Ann Heirman nói thêm, cách giải thích chặt chẽ nhất là “vải lấy được trong nghĩa trang”. [76] Nhưng luật Tứ phần và Tăng-kỳ gọi chung từ “phấn tảo” là những thứ “vứt bỏ”, văn bản ghi chép: y, bát, giày dép vứt bỏ, tỳ-kheo lượm về chắp vá, giặt sạch để dùng đều gọi là phấn tảo. Hoặc thức ăn cúng ở miếu quỷ thần, tỳ-kheo đem về ăn cũng là phấn tảo.[77]
Tuy nhiên, về ý nghĩa y phấn tảo qua luật điển bộ phái có nhiều cách giải thích khác nhau. Luật Tứ phần nói có mười loại y phấn tảo: y bị bò nhơi, y chuột gặm, y bị lửa cháy, y kinh nguyệt, y sản phụ, y trong miếu thần, y chim tha bay rơi, y gò mả, y nguyện, y thọ vương chức, y vãng hoàn. Hoặc loại y lượm của người chết tại chiến trận, hay lượm của người bị xử tử tại pháp trường.[78]
Về y gò mả (trũng gian y 塚間衣) là y bọc thây người chết, y vứt trong bãi tha ma. Y nguyện (nguyện y 願衣), hay gọi y cầu nguyện (求願衣), là y lượm được do đứng chờ người ta vứt bỏ trong bãi tha ma; Pāli: āgamenta: đến và đợi (paṃsukūlapariyesana, tìm cầu y phấn tảo), cũng có nghĩa vải lượm từ bãi tha ma đem về chia giữa các tỳ-kheo, do có giao ước trước.[79] Y thọ vương chức (thọ vương chức y 受王職衣), Ngũ phần[80] giải thích là nhà vua lên ngôi, thay y mới bỏ y cũ. Y vãng hoàn (往還衣), Thập tụng gọi là y xuất lai (出來衣), là y của người chết đem bố thí cho tỳ-kheo. Luật Căn bản giải thích, là gia đình có người thân mất, họ thương tưởng đem y phủ lên tử thi, đưa ra chỗ hỏa thiêu. Sau khi hỏa thiêu xong, đem y này phụng thí cho chúng Tăng.[81]
Mitsuo Sato cho rằng từ khi thành lập Trúc lâm tinh xá, đời sống sinh hoạt ăn mặc của các tỳ-kheo không thấy nhắc đến y phấn tảo nữa[82]. Điều này không hẳn như thế, theo H. W. Schumann đưa ra niên đại, giai đoạn đức Phật an cư đầu tiên tại vườn Nai là năm 528 trước Tl., đến năm 527 trước Tl. Tăng đoàn được Phật tử xây dựng cúng dường phòng ốc,[83] tinh xá ở Trúc lâm,[84] tuy bắt đầu có sự thay đổi từ đời sống lang thang chuyển sang đời sống định cư nhưng số đông tỳ-kheo sống theo lý tưởng khổ hạnh đầu-đà (dhūtaguṇa) luôn được tiếp nối duy trì, xem đó là một thực hành tiêu chuẩn trong cộng đồng tu sĩ Phật giáo Ấn-độ thời kỳ đầu. Tiêu biểu như trưởng lão Kāśyapa (Ca-diếp),[85] Upasena Vaṅgantaputta,[86] hay nhóm tỳ-kheo ba mươi người ở xứ Pāvā[87], tất cả đều sống ở a-lan-nhã (araṇya), khất thực, trì y phấn tảo. Trong Tứ phần nói Upasena Vaṅgantaputta sống với 60 tỳ-kheo, Thập tụng nói 500 vị. Đặc biệt trong luật Tăng-kỳ[88] ghi rằng có tỳ-kheo dù đang sống trong tinh xá nhưng buổi sáng vẫn vào thành, đến gò mả… tìm kiếm y phấn tảo. Và trên nguyên tắc, khi xuất gia thọ giới, bắt buộc đời sống của một tỳ-kheo phải thệ nguyện nương tựa trên bốn nền tảng cơ bản gọi là tứ y (niśraya): (1) tỳ-kheo chỉ ăn thức ăn được bố thí (là sống đời sống khất thực); (2) tỳ-kheo chỉ mặc y phục loại vải giẻ rách (y phấn tảo); (3) tỳ-kheo nương sống dưới gốc cây; (4) dùng nước tiểu bò làm thuốc (P. pūti-mutta, Skt. pūti-mukta-bhaiṣajya, Hán dịch trần khí dược 陳弃藥, hủ lạn dược 腐爛藥).[89] Chính bốn sự nương tựa này đã trở thành hành trang lý tưởng cho Devadatta phát động cuộc phân ly, ông ta phát ngôn: “Như Lai thường khen ngợi hạnh đầu-đà, thiểu dục, tri túc, ưa xuất ly. Nay ta có năm pháp cũng là thắng pháp của đầu-đà, thiểu dục, tri túc, ưa xuất ly, là trọn đời khất thực, trọn đời mặc y phấn tảo, trọn đời ngồi nơi đất trống, trọn đời không ăn muối, trọn đời không ăn cá thịt.”[90] Số đồ chúng theo phái Devadatta tồn tại rất lâu, đến những thế kỷ đầu của kỷ nguyên, nhà hành hương Trung Quốc là Pháp Hiển sang Ấn-độ vẫn còn gặp họ.[91] Mãi đến thế kỷ 20, chúng ta thấy trong Tăng còn giữ cách sống theo hạnh đầu-đà qua hình ảnh những nhà sư phái Thudong[92] ở Thái, họ là những nhà sư vân thủy hành cước lưu động, và sống trong mộ địa khi đi qua làng.[93] Chúng tôi mở rộng chứng minh như vậy để thấy rằng, chiếc y phấn tảo gắn liền với đời sống tỳ-kheo trong một thời gian rất dài, dù vải vóc của thế kỷ cận đại có thay đổi nhưng ý nghĩa lý tưởng không thay đổi, và chúng ta không thể bỏ qua màu sắc của chính nó đã đồng hành với những loại y phục khác thế nào?!
Chưa thấy nguồn sử liệu nào nói đức Phật quy chế màu sắc cho loại y này ngay thời buổi đầu; chỉ thấy đức Phật dạy cách giặt nhuộm chúng. Loại y phục này có khi là nguyên tấm y lớn, có khi là những mảnh vải vụn. Tỳ-kheo lượm về, trước tiên cắt bỏ những chỗ dơ bẩn không thể tái sử dụng, sau đó giặt nhuộm may thành tấm y hoàn chỉnh. Trong Tạp sự nói rằng, y phục bỏ nơi rừng Tử thi (Thi lâm 屍林) có năm điều lỗi: Màu sắc xấu, hôi thối, không chắc chắn, nhiều rận và quỷ dạ-xoa (yakṣa) giữ. Đức Phật dạy, lấy y này không nên mặc liền, phải để lại trong rừng chừng 7, 8 ngày, chờ nắng và gió thổi cho khô; sau đó giặt, nhuộm rồi mới mặc.[94] Màu sắc xấu trong Tạp sự đề cập có lẽ chỉ cho vải nhuốm dơ bẩn, dính máu người chết, hay y sản phụ, y kinh nguyệt, v.v… nói ở trước, những loại y như thế rất nhớp nhúa. Còn chi tiết quỷ dạ-xoa giữ, bà Ann Heirman suy đoán, có thể ám ảnh bởi ma thuật yêu quái, gần người chết ô uế, liên quan đến bệnh tật.[95] Do đó, đối với loại y này việc giặt nhuộm rất quan trọng, ngay cả giặt nhuộm xong còn phải ướp mùi hương để khử mùi hôi thối.[96] Chắc chắn trong quá trình giặt nhuộm, y phấn tảo có những màu đặc trưng từ nguyên liệu giặt nhuộm nhuốm vào. Đức Phật quy định giặt nhuộm với mục đích tẩy trừ cấu uế, đảm bảo cho chiếc y sạch sẽ khi đắp nó, đồng thời cũng cho người khác nhìn vào thấy kính tín, chứ không phản cảm nhờm tởm. Như thế, y phấn tảo thời kỳ đầu hợp với lý tưởng của người xuất gia là xem nhẹ chất liệu, trọng ở màu sắc khiêm tốn không tinh khiết, tức cũ xấu, màu nhuộm. Đó là ý nghĩa màu ca-sa.
-
Ca-sa liên hệ y thí của cư sĩ:
Song song với thời kỳ y phấn tảo là y cúng dường của cư sĩ. Khoảng năm 526 trước Tl.,[97] duyên khởi từ câu chuyện thầy thuốc thiếu niên Jīvaka được vua Pajjota biếu tấm y kambala giá trị bằng nửa đất nước Kāsī. Jīvaka cúng dường lại cho đức Phật.[98] Luật Ngũ phần nói đức Phật nhận không mặc, dùng trang nghiêm tháp.[99] Từ đây, đức Phật cho phép các tỳ-kheo nhận cả hai loại, y phấn tảo và y của cư sĩ dâng cúng (gahapaticīvaraṃ). Lúc này Tăng-già được nhiều loại y, các tỳ-kheo phân vân không biết nên nhận loại nào, đức Phật cho phép nhận sáu loại theo luật Pāli. Sáu loại này giống với luật Tứ phần nêu ở trước: Khoma (Skt. kṣumā, sô-ma 芻摩, vải lanh), kappāsa (Skt. karpāsa, kiếp-bối 劫貝, vải bông), koseyya (kiêu-xa-da 憍奢耶, câu-xá 拘舍 [Skt. kauśa], lụa), kambala (Skt. kambara, khâm-bạt[bà]-la 欽跋[婆]羅, vải lông, sợi len), sāṇa (Skt. śaṇa, xá-nâu 舍㝹, vải gai thô), bhaṅga (ma y 麻衣, vải gai).[100] Bốn loại còn lại trong Tứ phần: (1) y xoa-ma 叉摩衣 (Skt. kṣauma, kṣumā, kṣoma), cũng loại vải lanh, hay vải thô (thô bố 粗布[101]). (2) y xí-di-la 翅夷羅衣 (Skt. cīra), vải dệt từ vỏ cây. (3) y câu-nhiếp-la 拘攝羅衣, tên khác câu-già-la 拘遮羅, hay dịch cưu-di-la 鳩夷羅; tương truyền y này lấy lông chim kokila và chim kuṇāla dệt thành. (4) y thẩn-la-bát-ni 嚫羅鉢尼衣, hay gọi sai-la-ba-ni 差羅波尼, sấm-la-bán-ni 讖羅半尼, sí-la-bà-ni 廁羅婆尼 (Skt. śaraparṇī), vải này dệt từ một loại cỏ, hoặc dùng sợi tằm hoang làm sợi ngang và cỏ gai làm sợi dọc.[102] Luật Thập tụng quyển 56 (p. 414c6) cũng nêu 10 loại y: y gai trắng (bạch ma y 白麻衣), y gai đỏ (xích ma y 赤麻衣), sô-ma, kiêu-thi-da, xí-di-la, khâm-bạt-la, kiếp-bối, bát-đâu-lộ (鉢兜路), đầu-đầu-la (頭頭羅), câu-già-la. Tăng-kỳ quyển 28 (p. 455a17) nói 7 loại: y khâm-bà-la, kiếp-bối, sô-ma, câu-xá-da, xá-na (舍那, xá-nâu 舍㝹), khu-mâu-đề (軀牟提).
Nhiều tên y không tìm được nghĩa Phạn khó đoán định chúng thuộc loại vải gì, nhưng chúng ta thấy đa phần các bộ phái đều nói đến y phục dệt bằng vỏ cây hay loại gai, có thể đó là loại y phục chung trong thời kỳ đầu. Còn lại những tên gọi đặc thù có thể do bộ phái hoằng truyền ở nhiều địa phương khác nhau mà có tên khác nhau. Chung quy thì trong các văn bản đều ghi chép phải nhuộm cho hư hoại (hoại sắc) thành màu khác mới được dùng. Ở đoạn trước, Tứ phần nói y chưa nhuộm gởi nhà bạch y phạm đột-kiết-la. Và 10 loại y kể trên phải nhuộm thành màu ca-sa. Tăng-kỳ[103]cũng ghi rõ: y chưa nhuộm là y của thế tục, y đã nhuộm hoại sắc là y của người xuất gia.
Khi chưa có lý do gì để quy chế màu sắc cố định, thì ý định ban đầu của đức Phật bắt nhuộm y của cư sĩ cúng dường là nhằm ngăn ngừa số tỳ-kheo có tâm tham đắm sắc màu, vải vóc quý giá của thế gian. Làm cho chiếc y trở thành màu cũ, màu xấu như thế là đúng nghĩa cho màu ca-sa trong giai đoạn này.
-
Màu ca-sa liên hệ nguyên liệu giặt, nhuộm:
Luật Tứ phần nói giặt loại y bẩn dùng chất liệu: đất kiềm (鹵土), tro (灰), đất (土), phân bò (牛屎). Nguyên liệu nhuộm: dùng bùn, hay dùng vỏ cây đà-bà, vỏ cây bà-trà, kiền-đà-la, tất-bát, a-ma-lặc, hoặc dùng rễ cây, hay cỏ thiến (thiến thảo 茜草) để nhuộm.[104]
Cây đà-bà 陀婆, không rõ Skt., Danh nghĩa tiêu thích 32 (X44n744, p. 649a7, p. 621c7) giải thích là loại gỗ rất cứng. Bà-trà 婆茶, hay đọc là bà-đồ 婆荼, bà-đà 婆陀, có thể là bà-đà-lê 婆柁梨 (Skt. badara, badarī), một loại táo nhỏ (Wogihara: táo chua) ở Ấn, gỗ cây rất cứng. Kiền-đà-la 揵陀羅 (ibid., p. 649a12), dịch là hương thọ 香樹 (Skt. gandhāra), hoặc âm là càn-đà 乾陀[105], gỗ cho màu đỏ. Tất-bát 蓽苃 (畢鉢), hay gọi tất-bát-la (畢鉢羅, Skt. Pippalāyāna, tên thực vật Pippala), tức cây bồ-đề (菩提樹), dùng vỏ cây nhuộm, có sắc đỏ. A-ma-lặc 阿摩勒 (Skt.=P. āmalaka), là cây dư cam tử (餘甘子, Phyllanthus emblica), có thể dùng cả lá lẫn vỏ cây nhuộm được, có màu đỏ kèm thêm sắc xanh. Rễ cây, như rễ cây hồ đào 胡桃, và tất cả các rễ cây khác, trừ rễ cây thuần một màu. Vỏ cây hồ đào nhuộm ra màu vàng đen. Cỏ thiến 茜草, nhuộm ra màu đỏ thẫm.
Tì-ni mẫu 8 (T24, p. 846b8), mười loại màu để nhuộm: 1. màu bùn, 2. vỏ cây đà-bà, 3. vỏ cây bà-đà (婆陀), 4. cỏ phi (phi thảo 非草), 5. càn-đà (乾陀), 6. rễ hồ đào (胡桃根), 7. quả am-ma-lặc, 8. vỏ cây khư-đà (佉陀), 9. vỏ cây thi-thiết-bà (施設婆), 10. màu hỗn hợp các loại.
Mười loại màu nhuộm trong Tì-ni mẫu gần giống với Tứ phần.
Tăng-kỳ (p. 303c16) quy định, được y đẹp phải cắt rọc (截縷) và nhuộm phân bò tác tịnh thọ trì. (p. 454c26) Hoặc dùng rễ cây, lá, hoa, vỏ cây để nhuộm, thậm chí dùng nước phân bò[106] nhuộm.
Luật Pāli cũng nói là dùng phân bò (chakana) và đất sét vàng (paṇḍumattikā) nhưng màu y bị xấu (dubbaṇṇa). Đức Phật dạy, cho phép dùng sáu loại thuốc (nguyên liệu) nhuộm (rajana): thuốc nhuộm từ rễ cây (mūla), thân cây (khandha), vỏ cây (taca), lá cây (patta), hoa (puppha), trái cây (phala).[107]
Chúng ta tổng luận lại vấn đề một lần nữa, thời kỳ đầu, nhuộm y phấn tảo và y của cư sĩ có hai mục đích khác nhau: 1. Nhuộm y phấn tảo giúp cho chiếc y sạch sẽ. 2. Nhuộm y cư sĩ cúng dường hồng ngăn chặn tâm tỳ-kheo tham luyến sắc màu thế gian. Lúc này chưa có quy chế màu sắc cố định. Màu sắc chỉ do ảnh hưởng từ nguyên liệu đất bùn, phân bò, rễ cây, vỏ cây, hoa, lá… mà ra. Qua quy trình giặt nhuộm tạo ra ba màu: xanh, đen, mộc lan; hoặc xanh, bùn, đỏ thẫm. Đến khi có nguyên nhân chính đáng đức Phật cũng dựa trên những màu này mà thống nhất sắc phục cho Tăng đoàn. Dù gọi là màu xanh, đen, hay mộc lan… thế nào đi nữa vẫn nên hiểu là màu nhuộm, màu xấu theo định danh của từ ca-sa thời nguyên thủy.
III. MÀU Y TIÊU BIỂU CỦA PHẬT GIÁO TRONG THỜI KỲ ĐẦU
Luật điển bộ phái đưa ra ba màu nhuộm tịnh hay điểm tịnh có sự sai khác chút ít, theo giới văn đã dẫn ở trước xếp thành 7 nhóm như sau:
- Nhóm màu xanh, đen, mộc lan, gồm luật Tăng-kỳ, Tứ phần, Ngũ phần, Giải thoát giới kinh, Tì-nại-da, Tát-bà-đa tì-ni tì-bà-sa.
- Nhóm màu xanh, màu bùn, đỏ, gồm Thập tụng, Căn bản, Luật nhiếp.
- Nhóm màu xanh dơ, màu bùn đá đỏ, và màu nhuộm từ vỏ cây, hoa, lá v.v.: Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tì-nại-da tụng.
- Nhóm màu xanh (nīla), bùn (kaddama), đen (kāḷasāma): Quảng luật và giới bản luật Pāli.
- Nhóm màu xanh ten đồng, xanh lam, mộc lan: Thiện kiến luật.
- Nhóm màu xanh, bùn, mộc lan: Tì-ni mẫu kinh, Thập tụng tỳ-kheo ba-la-đề-mộc-xoa giới bản.
- Nhóm màu xanh, đỏ, cam: Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ giới kinh (bản Tạng dịch).
1. Nguyên lai ba màu:
Xuất xứ của ba màu trên, luật Tăng-kỳ 18 (p. 369b15) giải thích:
Màu xanh (青) là xanh đồng, xanh trưởng dưỡng, xanh đá.
Xanh đồng (銅青) là lấy đồ đựng bằng đồng chụp lên vò rượu có nồng độ cao (khổ tửu 苦酒), rồi lấy ten trên đồ đồng đó gọi là xanh đồng. Xanh trưởng dưỡng (長養青) là xanh chàm (xanh đen). Xanh đá (石青) là xanh da trời.
Màu đen (黑) có hai loại, loại bùn nghiền (danh tự nê 名字泥) và loại không phải bùn nghiền (bất danh tự nê 不名字泥). Loại bùn nghiền là lấy quả ha-lê-lặc[108], tì-hê-lặc[109], a-ma-lặc (xem giải thích trước) hợp với chất sắt (tức mài, nghiền 3 trái này trên đồ sắt) trộn chung đựng một chỗ. Loại không phải bùn nghiền là bùn thật, bùn ở hồ, ở giếng. Tất cả như vậy là bùn.
Màu mộc lan (木蘭), hoặc lấy trái ha-lê-lặc, tì-lê-lặc, a-ma-lặc mài trên sắt sống (sắt chưa luyện)… (lấy nước nhuộm y), gọi là mộc lan.
Luật nhiếp 12 (p. 593a25) giải thích:
Màu xanh là lấy trái ha-lê-lặc nghiền hoặc giã hòa với nước tạo thành bùn, trộn trong đồ sắt, để qua một đêm; sau đó hòa với nước nóng, nhuộm đồ ra màu xanh, nhưng không phải xanh đậm.
Màu bùn là dùng bùn nhuộm; văn nói là đá đỏ.
Màu đỏ là màu vỏ cây, rễ cây, cành lá, hoa quả, có thể nhuộm y.
Bách nhất yết-ma 9 (T24n1453, p. 495b27) giải thích:
Màu xanh (văn luật không cho phép màu xanh đậm đẹp, tùy thời cho phép nhuộm thành màu dơ)[110].
Màu bùn (Quảng luật giải thích màu bùn là đất đỏ, đá đỏ, hoặc là bùn. Không được dùng bùn đen thuần đen [thuần ô nê tạo 純烏泥皂], màu này của ngoại đạo).
Màu càn-đà (乾陀色, tiếng Phạn ca-sa-dã 袈裟野 [kaṣāya], dịch là sắc đỏ). (p. 498c18) Màu đỏ là màu vỏ cây bồ-đề. Ngoài ra nếu dùng loại màu từ rễ cây, lá, hoa, quả để nhuộm chẳng cho phép nhưng cũng không ngăn cấm. Nay thấy người dùng cây vỏ đỏ, cây càn-đà[111] v.v. khác, thậm chí dùng cây long hoa[112] để làm màu nhuộm, người đương thời không dị nghị thì cho phép dùng không lỗi.
2. Ba màu tiêu biểu:
Như vậy chúng ta thấy 7 nhóm trên nếu xếp theo “tổ hợp 3 màu” thì còn lại 3 nhóm chính:
Nhóm màu thứ nhất là màu xanh đều nhất trí trong các văn bản. Màu xanh đó, nếu tổng hợp tất cả các bản luật giải thích cách tạo thuốc nhuộm thì nó hình thành nửa xanh da trời, nửa xanh lá cây, kết quả của phản ứng hóa học từ acid trong trái cây với ten đồng, tạo ra hiện tượng “xanh lam đồng” (銅藍青, nīla of foliage), “xanh ten đồng” (銅青, nīla of bronze), hay màu xanh tối (dark green or dark blue), xanh dơ (污色青), tương đương nghĩa Phạn và Pāli: nīla.
Nhóm màu thứ hai là màu đen (黑), màu bùn (泥), màu đỏ. Màu đỏ trong văn dịch Tây Tạng có thể chỉ cho màu đỏ bùn. Màu đen mà luật Tăng-kỳ giải thích là tạo ra chất bùn hay lấy chất bùn làm, có thể trong quá trình chế tạo gây phản ứng hóa học như trên có màu đen-bùn. Màu đen này không phải đen tuyền hay thuần đen, vì y thuần một màu Phật không cho phép dùng[113]. Do vậy, trong các văn bản nói màu đen phải hiểu màu đen như thế. Còn văn bản khác nói màu bùn đúng với nghĩa Phạn: kardama và Pāli: kaddama, thì chúng ta suy đoán thêm, chất bùn thường trộn với đất, mùn, phù sa và đất sét, nên có thể cũng gần với nghĩa màu đen-bùn. Trong các bộ luật ghi chép như vậy cho chúng ta thấy rõ, từ thời Phật cho đến thời kỳ Phật giáo bộ phái, kỷ thuật và cách dùng nguyên liệu giặt nhuộm gần như nhau. Tuy có khác cách nhìn nhận về màu sắc hay khác nhau về dịch ngữ, nhưng theo chúng tôi chúng nhất quán trên một chỉnh thể là đen-bùn.
Nhóm màu thứ ba, quá nhiều khác biệt với tên gọi trong các văn bản: màu đen, mộc lan, màu đỏ thẫm, màu cam (vàng nghệ), màu càn-đà, và màu nhuộm từ vỏ cây, hoa, lá v.v. Chúng tôi nghi ngờ 6 cách gọi khác nhau này đều xuất xứ từ một từ gốc, Pāli: kāḷasāma, Sanskrit: kāḍiśāma, từ điển giải thích là loại màu tối nào đó, hay màu đen, màu xám sẫm[114]. Trong Giới văn Quảng luật và Giới bản của luật Pāli (tạng Nam truyền Hán dịch), dịch sang Hán là màu “hắc hạt 黑褐色”[115], tức màu đen pha vàng, hoặc đen nâu. Phần chú thích nói màu đỏ đen (赤褐色即木蘭色)[116]. Rhys Davids và Gogerly dịch sang Anh là “black” (màu đen); Bhikkhu Ñāṇatusita phân tích “kāḷa” là màu đen (black), màu tối (dark) + “sāma” là màu nâu (brown), màu tối (dark).[117] Các văn bản khác dịch là mộc lan (木蘭), đặc biệt luật Tăng-kỳ giải thích màu mộc lan là do các loại trái cây mài trên sắt tạo ra. Nếu làm theo phương pháp này chúng ta vẫn khả nghi về “phản ứng hóa học” và chắc chắn màu sắc bị pha tạp, không thể thuần một màu? Lại nữa, trong Giới văn bản Phạn luật Hữu bộ (Sarvāstivādin) viết từ “kāḍiśāma” (mộc lan), Quảng luật Thập tụng lại dịch là màu đỏ thẫm, Hán: thiến 茜; “thiến” cũng là loại cỏ trong nguyên liệu nhuộm ra màu đỏ. Lẽ nào cùng một trường phái lại bất nhất như vậy? Thêm một trường phái nữa cũng dịch màu đỏ (Hán: xích 赤), là luật Căn bản, Luật nhiếp của Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ (Mūlasarvāstivādin). Còn màu càn-đà (乾陀 = càn-đại 乾大) có hai bản nói đến là Tát-bà-đa bộ tì-ni ma-đắc-lặc-già của Hữu bộ và Bách nhất yết-ma của Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ. Màu càn-đà cũng chỉ cho màu đỏ. Duy nhất bản Tì-nại-da tụng của Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ nói đến 3 màu, mà màu thứ ba không nói màu gì mà chỉ nói màu nhuộm dùng vỏ cây, hoa, lá v.v. gọi là màu ca-sa (樹皮花葉等, 染色號袈裟).
Tiếp tục tham chiếu các văn bản Hán ngữ, chúng ta thấy màu mộc lan được giải thích hay định nghĩa theo một hướng khác: Tì-ni quan yếu[118] của Đức Cơ soạn đời Thanh, giải thích, trong quá trình tạo màu của luật Tăng-kỳ sẽ ra màu đỏ thẫm (tử giáng sắc 紫絳色). Tì-ni chỉ trì hội tập,[119] sa-môn Độc Thể soạn thời Minh cũng nói tương tự nhưng cho rằng mộc lan là tên cây. Từ điển Phật giáo Phạn-Hán (Phiên dịch danh nghĩa tập) trứ danh thời Nam tống, do đại sư Pháp Vân biên soạn, nói về ba màu: “Xanh là xanh ten đồng (銅青), đen là bùn tạp (雜泥), mộc lan là vỏ cây (樹皮)”[120]. Đạo Tuyên biên soạn Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao thời Đường, khẳng định chính mình thấy loại vỏ cây mộc lan có sắc đỏ đen tươi sáng (木蘭樹皮赤黑色鮮明) ở đất Thục, dùng để nhuộm, cây có mùi thơm, có thể làm hương[121]. Sau thời Đạo Tuyên, Nguyên Chiếu soạn Lục vật đồ đời Tống cũng nói: Cây mộc lan ở Tây Thục, vỏ nhuộm ra màu đỏ đen.[122] Đến thời Minh, Hoằng Tán soạn Tứ phần danh nghĩa tiêu thích, ghi rằng: Mộc lan là tên cây lâm lan (林蘭) và mẫu lan (牡蘭), loại cây này cao mấy trượng, lá như khô héo, vỏ như cây quế, lấy vỏ nhuộm ra màu đỏ.[123]
Không biết các nhà biên soạn Trung Quốc có nhầm lẫn từ một loại cây trên quê hương mình mà giải thích như thế, nhưng dù gì vẫn giúp cho chúng ta có thêm chứng cứ nghi ngờ là màu mộc lan có thể là màu đỏ-đen, đỏ nhiều đen ít. Do đó, màu mộc lan chắc chắc phải có liên quan đến sắc đỏ nên Tán Ninh viết Đại Tống tăng sử lược luận rằng, thời Hán Ngụy, người xuất gia mặc tăng-già-lê vải đỏ, bởi vì Tây thổ không có tơ dệt, lại thêm màu mộc lan và càn-đà, y phục nhuộm ra màu đỏ, mà sắc phục phương Tây cũng tùy bộ phái khiến bất đồng[124].
Đến đây, chúng tôi tạm suy luận một lần nữa, dù bộ phái có sửa đổi văn bản, hay ảnh hưởng vùng miền nơi họ định cư sinh hoạt sau này, có sự thay đổi cách biến chế thuốc nhuộm như thế nào đi nữa cũng phải theo phương thức nhuộm y mà Phật dạy trước đó. Đồng thời đúng nghĩa với màu ca-sa thì mộc lan không thể hoàn toàn đen, hay hoàn toàn đỏ mà phải nửa đỏ nửa đen, mới làm hoại sắc y mới, y lộng lẫy, y thuần một màu, hợp lẽ với màu y phấn tảo, y ca-sa thời kỳ đầu Phật quy định nhuộm. Và không phải ngẫu nhiên sau này Monier-Williams định nghĩa kaṣāya là màu đỏ, đỏ thẫm, đỏ hơi vàng; nó phải có lai lịch nguồn gốc của chính nó!
Chương này chúng tôi chỉ đóng khung trong phạm vi màu sắc của ca-sa thời kỳ đầu, ba màu mà đức Phật quy chế chính là màu nhuộm hòa trộn, màu pha loãng, màu gốc của ca-sa. Ba màu đó trở thành biểu tượng quan trọng cho Tăng đoàn cũng như liên hệ đến danh tính người khoác màu y lúc đương thời, thời kỳ chưa phân chia bộ phái. Còn nguyên nhân nào khiến đức Phật thống nhất màu sắc chúng tôi sẽ trình bày trong chương sau; đó cũng là vấn đề mấu chốt để giải quyết sự mâu thuẫn: tại sao cùng một học xứ mà vừa quy định nhuộm tịnh vừa quy định điểm tịnh?
Phật lịch 2564, năm Tân sửu, tiết Nguyên tiêu,
Chùa Long sơn, Nha Trang.
Bhikkhu Cittacakkhu
_________________
[1] W. Pachow, A comparative Study of the Prātimokṣa, (The Sino-Indian Cultural Society, Santiniketan) 1955, p. 154 & Appendix iv, p. 12; 平川彰, 律藏研究 (vol. 2 初稿), 第四章, (2) 比丘戒经的比较对照 & (5) 波逸提法, 山喜房佛书林刊; 印順, 原始佛教聖典之集成, 中華民國 91, p. 164.
[2] 印順, ibid., p. 68.
[3] 十誦律 15, T23n1435, p. 109b7: 若比丘得新衣者,應三種色中,隨一一種,壞是衣色,若青,若泥,若茜.若比丘不以三種壞衣色,著新衣者,波逸提.
[4] Le Prātimokṣasūtra des Sarvāstivādins, text Sanskrit, par M. Louis Finot avec la version Chinoise de Kumārajīva, traduite en Francais par M. Edouard Huber. JA. 1913.
[5] 佛光大辭典 (慈怡法師主編), p. 496; Cf. 平川彰, 律藏研究 下 (vol. 2, 初稿), 第四章, 一 比丘戒经的资料与研究方法, (2) 比丘戒经的资料, 山喜房佛书林刊; 平川彰, 律藏研究 上 (vol. 1, 初稿), 第一章, (4) 研究的顺序与数据, 5. 属于说一切有部的梵文断片, 山喜房佛书林刊; cf. “Vinayas,” in Brill’s Encyclopedia of Buddhism (Editor-in-Chief: Jonathan A. Sil), p. 72.
[6] W. Pachow, ibid., p. 154.
[7] 十誦比丘波羅提木叉戒本 1, T23n1436, p. 475c5: 若比丘,得新衣應三種壞色一一壞色:若青、若泥、若木蘭。若比丘三種壞色中不(取)一一壞色:若青、若泥、若木蘭,作新衣,波夜提.
[8] Thỉ Xuy Khánh Huy 矢吹慶輝 (1879-1939), người Nhật. Ông soạn tác phẩm Minh sa dư vận (鳴沙餘韵) chia thành hai phần: Chính thiên và Thiên ngoại. Chính thiên: Biên chép hơn một trăm mấy mươi bản kinh xưa của Phật giáo đã bị thất lạc trong mấy nghìn văn kiện cổ bản đào được ở Đôn hoàng, do ông A. Stein sưu tập và tàng trữ ở viện Bảo tàng Anh. Thiên ngoại: Thu gom những bức Mặc bảo (bút tích của cổ nhân) quý hiếm và hơn 40 quyển sách viết tay khác. Ngoài ra, để giải thích rõ sách này, ông còn soạn thêm thiên “Minh sa dư vận giải thuyết”.
[9] 平川彰, ibid. (vol. 2 初稿), 第四章, (2) 比丘戒经的比较对照.
[10] Pāli, pācittiya 58, Vinaya 2, 120.
[11] Cf. 佛光大辭典: 南傳大藏經, p. 3748; Hirakawa Akira, A History of Indian Buddhism – From Sakyamuni to Early Mahayana [printed in India], translated and Edited by Paul Groner, p. 71.
[12] 南傳大藏經 5, 比丘波羅提木叉, p. 21: 得新衣之比丘,應取三種壞色中之一壞色,即青色、泥色或黑褐色也。若比丘不取三種壞色中之一壞色而著用新衣者,波逸提.
[13] 四分律比丘戒本 1, T22n1429, p. 1019b28.
[14] Cf. 平川彰, ibid., (2) 比丘戒经的资料, 山喜房佛书林刊. Lịch sử truyền dịch luật Tứ phần và Giới bản xem trong Hương tích – Phật học luận tập 3/ 2017 & 6/ 2018.
[15] 四分律16, T22n1428, p. 676c6: 若比丘得新衣,應三種壞色一一色中隨意壞,若青、若黑、若木蘭.若比丘不以三種壞色,若青,若黑,若木蘭,著餘新衣者,波逸提.
[16] 四分僧戒本 1, T22n1430, p. 1027b11: 若比丘,得新衣,當作三種染壞色,青,黑,木蘭.若比丘,得新衣,不作三種染壞色,青,黑,木蘭,新衣持者,波逸提.
[17] Cf. 印順, 原始佛教聖典之集成, 中華民國 91, p. 71 & Tuệ Sỹ, Luật Tứ phần – Tổng mục lục, 2010, p. 59.
[18] 印順 – ibid, p. 71 -72.
[19] Cf. 平川彰, ibid., 山喜房佛书林刊.
[20] 彌沙塞五分戒本, p. 200b7.
[21] 五分戒本 1, T22n1422b, p. 203c21: 若比丘,著不壞色新衣者,波夜提.
[22] 彌沙塞部和醯五分律9, T22n1421, p. 68a25; 彌沙塞五分戒本1, T22n1422a, p. 198b6: 若比丘,新得衣應三種色作幟,若青、若黑、若木蘭. 若不以三色作幟,波逸提.
[23] Cf. 印順, ibid., p. 164.
[24] Cf. 印順, ibid., p. 80-81.
[25] 解脫戒經 1, T24n1460, p. 663b7: 若比丘, 得新衣不作壞色, 青, 黑, 木蘭, 波逸提.
[26] 摩訶僧祇律 18, T22n1425, p. 369b9: 若比丘得新衣,當三種壞色,若一一壞色: 青,黑,木蘭.若不作三種,一一壞色受用者,波夜提.
[27] 摩訶僧祇律大比丘戒本 1, T22n1426, p. 553a23: 若比丘,得新衣當三種壞色,若一一壞色青,黑,木蘭.若不壞色受用者,波夜提.
[28] 摩訶僧祇律40, p. 548b5. Cf. 印順, op. cit., p. 70.
[29] 出三藏記集3, (T55n2145), p. 21a9 & 15, p. 112b18; 高僧傳 3 (T50n2059), p. 338b15…
[30] 摩訶僧祇律17, p. 362b24: 祇桓精舍中梵本蟲噉脫,無此別眾食戒.
[31] 摩訶僧祇律大比丘戒本 1, p. 552c23.
[32] 開元釋教錄 9, T55n2154, p. p. 567c27 & 568a8.
[33] 開元釋教錄 9, p. 568a13.
[34] Cf. E. Frauwallner: The Earliest Vinaya and the Beginnings of Buddhist Literature, 1956, p. 40.
[35] Cf. Sujato, Bhikkhu (2012), Sects & Sectarianism: The origins of Buddhist Schools. Santipada, p. 135.
[36] 根本說一切有部毘奈耶 39, T23n1442, p. 845a13: 若復苾芻得新衣,當作三種染壞色:若青,若泥,若赤,隨一而壞.若不作三種壞色而受用者,波逸底迦.
[37] 根本說一切有部戒經 1, T24n1454, p. 505b14.
[38] 根本說一切有部毘奈耶頌 2, T14n1459, p. 641a2:
苾芻得新衣, 當須為壞色;
新衣謂是白, 染壞色有三:
青謂污色青, 泥者謂赤石;
樹皮花葉等, 染色號袈裟.
[39] 平川彰, ibid., vol. 1, 初稿 , 第四章: 5. 波逸提法.
[40] 西藏大藏經總目錄 – A Complete Catalogue of the Tibetan Buddhist Canons (Bkaḥ-ḥgyur and Bstan-ḥgyur), 1934, p. 1.
[41] Cf. W. Pachow, A comparative Study of the Prātimokṣa, (The Sino-Indian Cultural Society, Santiniketan) 1955, p. 12.
[42] Cf. W. Pachow, ibid., p. 154: Blue, red or orange-coloured; So-sor-Thar-baḥi mDo (影印北京版西藏大藏經), 第42卷, No. 1031, p. 147, 13a, 第5~6行= (臺北版西藏大藏經), 臺北 1991年: 南天書局, 第1卷, p. 356, 15a3.
[43] 西藏大藏經總目錄, ibid., p. 1.
[44] 榊亮三郎《梵藏漢和四譯對校マハーヴィウトパッティ》序,p. 1. 荻原云来《梵汉对译佛教辞典》绪言,p. 1.
[45] Cf. 平川彰, ibid., vol. 1 初稿 , 第一章: 四 研究的顺序与数据 & vol. 2初稿 , 第四章: 一 比丘戒经的资料与研究方法.
[46] W. Pachow, ibid., p. 154.
[47] Lịch sử truyền dịch xem Hương tích – Phật học luận tập 6/2020.
[48] 善見律毘婆沙 16, T24n1462, p. 785c3: 青色者, 或銅青 或藍青, 或木蘭色. 木蘭色者, 泥墨也. 以此三種色點淨, 下如麻子大, 若不點淨得波夜提.
[49] Cf. 平川彰, ibid. (vol. 2 初稿), 第四章, 二 比丘戒经的比较对照.
[50] Cf. 平川彰, ibid. (vol. 2 初稿), 第四章, 一 比丘戒经的资料与研究方法; 印順, ibid., p. 84.
[51] 鼻奈耶 9, T24n1464, p. 889a13: 若比丘得新衣,當染作三色,青,皂,木蘭.若比丘不染作三色青皂木蘭者,墮.
[52] 薩婆多毘尼毘婆沙 9, T23n1440, p. 558c16-18: 續薩婆多毘尼毘婆沙序 – 西京東禪定沙門智首撰.
[53] Cf. 印順, ibid., p. 84.
[54] 薩婆多毘尼毘婆沙 8, p. 556c10: 凡壞色作點淨三種:一青、二皂、三木蘭.
[55] Cf. 印順, ibid., p. 85; 西藏大藏經總目錄, ibid., p. 625.
[56] 根本薩婆多部律攝12, T24n1458, p. 593a21: 若復苾芻,得新衣,當作三種染壞色: 若青,若泥,若赤,隨一而壞,若不作三種壞色而受用者, 波逸底迦.
[57] Cf. 印順, ibid., p. 164.
[58] Cf. 印順, ibid., p. 85-86; 平川彰, ibid., vol. 1, 初稿 , 第二章 汉译律典翻译的研究; 西本龙山, 四分律比丘戒讲赞, p. 95.
[59] 優波離問佛經 1, T24n1466, p. 907b27.
[60] Lịch sử truyền bản, xem Hương tích – Phật học luận tập 6/ 2020.
[61] 毘尼母經 7, T24n1463, p. 840b11.
[62] Ibid. 8, p. 846b11: 衣三點作淨法,一用泥,二用青,三用不均色.
[63] Hán: càn-đại bì 乾大皮, là vỏ cây càn-đà 乾陀. Xem giải thích sau.
[64] 薩婆多部毘尼摩得勒伽 6, T23n1441, p. 602a14: 不得妙色染,若妙色染當壞.以乾大皮樹皮染,染已受持.
[65] 印順, ibid., p. 83.
[66] MN 26. Ariyapariyesanāsuttaṃ (Pāsarāsisuttaṃ); MN 36. Mahāsaccakasuttaṃ. Trung A-hàm 6, T1n26, p. 459c25. Tứ phần 31, p. 779c17. Ngũ phần 15, p. 102b8. v.v.
[67] Tứ phần 39, Kiền-độ Y 衣揵度, p. 849b11.
[68] 荻原雲来 (Wogihara), 漢訳対照 – 梵和大辞典, 1997, p. 331.
[69] Monier-Williams, Sanskrit dictionary (http://Sanskritdictionary.com).
[70] 善見律毘婆沙 2, p. 685a11.
[71] 四分律37, p. 831b18; 五分律19, 130c12; 僧祇律 27, p. 451a7; cf. 佐藤密雄 (Mitsuo Sato), 佛教の衣制 (原始佛教教団の研究), 山喜房佛書林, 1963.
[72] Skt. Parivrājaka, Pāli: Paribbājakā, Hán dịch Phổ hành giả 普行者, Du hành giả 遊行者, Phạm-chí 梵志.
[73] Charles S. Prebish, The Prātimokṣa puzzle: fact versus fantasy (Buddhism Critical Concepts in Religious Studies, Vol. I, 2005), p. 258.
[74] Nicholas Witkowski, Pāṃśukūlika as a Standard Practice in the Vinaya (Rules of Engagement Medieval Traditions of Buddhist Monastic Regulation, Numata Center for Buddhist Studies), 2017, p. 271.
[75] Bernard Faure, Quand l’habit fait le moine: The Symbolism of the kāsāya in Sōtō zen (Cahiers d’Extrême-Asie, Vol. 8, 1995), p. 337.
[76] Ann Heirman, Washing and dyeing Buddhist monastic robes, 2014, p. 482.
[77] 僧祇律 16, p. 357a5. Cf. 四分律 39, p. 849a15.
[78] 四分律 39, p. 849b11 – p. 850b.
[79] Cf. Mahāvagga viii, Vin. I, 282-283.
[80] 五分律 21, p. 143b14.
[81] 十誦律 27, p. 195a29; 根本說一切有部毘奈耶 17, p. 715c7.
[83] Pāli, Cūḷavagga vi. Senāsanakkhandhakaṃ, Vin. ii. 146: Thế Tôn cho phép năm loại phòng xá (pañca leṇānī): vihāraṃ: tinh xá, aḍḍhayogaṃ: nhà mái bằng, pāsādaṃ: nhà lầu, hammiyaṃ: tầng gác, guhaṃ: hang cốc. Cf. 四分律50, p. 936c24.
[84] CF. H.W. Schumann – The Historical Buddha, translate from the German by M. O’C. Walshe, Delhi 2004, p. 61-80, và p. 96.
[85] 四分律 6, p. 602a1.
[86] Tăng-kỳ 23, p. 412c25, Thập tụng 5, p. 41b2… dịch âm Ưu-ba-tư-na 優波斯那. Thiện kiến 15, p. 777a11: Ưu-ba-tư-na Bằng-kiện-đà Tử 優波斯那朋健陀子. Tứ phần 41, p. 859c25: Hòa-tiên Bạt-đàn-đà Tử 和先跋檀陀子.
[87] Pāli, Kathinakkhandhako, Vin. i. 253.
[88] 僧祇律 2, p. 241c14-242a1.
[89] Cf. 四分律 35, p. 815c18; E. Frauwallner, ibid., p. 74.
[90] Văn trên dẫn từ luật Tứ phần 4, p. 594b2. Năm điều (5 pháp) mà Devadatta đưa ra bắt buộc suốt đời thọ trì, mỗi bộ luật ghi chép khác nhau. Ngũ phần 25 (p. 164a26): 1. Không ăn muối; 2. Không ăn sữa đặc; 3. Không ăn cá thịt; 4. Chỉ xin ăn, không nhận mời; 5. Xuân, hạ, 8 tháng ngồi giữa chỗ trống; đông 4 tháng sống trong am cỏ. Thập tụng 36 (p. 259a22): 1. Mặc nạp y. 2. Chỉ khất thực. 3. Chỉ một lần ăn. 4. Ngồi giữa trời trống. 5. Không ăn thịt. Phá Tăng sự 10 (p.149b8): không dùng sữa; không ăn cá thịt; không ăn muối; không bứt bỏ sợi chỉ dài khi may y (?); chỉ sống trong thôn xá. Pāli, Vin. ii. 197, Vin. iii. 171: 1. Sống trong rừng. 2. Chỉ khất thực. 3. Mặc phấn tảo. 4. Sống dưới bóng cây. 5. Không ăn cá.
[91] Cao tăng Pháp Hiển truyện/高僧法顯傳, T51n2085, p. 861a12.
[92] “Thudong” tiếng Thái, đọc trại âm theo từ Phạn dhūta, Hán dịch đầu-đà 頭陀, nghĩa là trừ khử trần cấu phiền não. Skt. dhūtaguṇa, công đức đầu-đà.
[93] Cf. Nicholas Witkowski, ibid., p. 271.
[94] 根本說一切有部毘奈耶雜事 17, T24n1451, p. 282c18-27.
[95] Cf. Ann Heirman, ibid., p. 483.
[96] 四分律 21, p. 711c12.
[97] CF. H.W. Schumann, ibid., p. 101-103.
[98] 四分律 40, p. 854c2; 五分律 20, p. 134c27; Mahāvagga viii, 281.
[99] Ibid. 20, 134c27.
[100] Mahāvagga viii, 281.
[101] 四分比丘尼戒本註解 1, B8n26, p. 134b7.
[102] Cf. 佛光大辭典 (慈怡法師主編), p. 487.
[103] 僧祇律 9, p. 304b13.
[104] 四分律 49, p. 936a4.
[105] Cây càn-đà 乾陀樹: Skt. gandha, dịch hương thọ (cây mùi hương), còn gọi là hương ca-sa 香袈裟. Tên khoa học là Hyperanthera moringa, vỏ dày, lá như lá anh đào. Vỏ cây có thể chế thuốc nhuộm ra màu đỏ vàng, hoặc màu đỏ đen.
[106] Nước phân bò, Hán dịch: cự-ma trấp 巨磨汁, Skt=P. gomaya.
[107] Mahāvagga viii, 286.
[108] Ha-lê-lặc 呵梨勒: Skt=Pāli. harītaka; Thiện kiến luật 17, p. 795a20: Ha-lê-lặc, to như trái táo lớn, có vị chua đắng, dùng làm thuốc tiện lợi. Tên khoa học Terminalia chebula, Yellow myrobalan, có nguồn gốc từ Ấn-độ, Nepal… Quả cung cấp nguyên liệu làm thuộc da và nhuộm vải. Ha-lê-lặc, Skt. haridrā (tên khoa học Curcuma longa), còn chỉ cho củ nghệ (hoàng khương 黃薑), tên khác là uất kim hương, cây có mùi thơm, thân rễ được nghiền để tạo thành bột màu vàng cam đậm. Hiện nay nhiều tư liệu nhầm haridrā là gừng. Gừng Hán dịch là sinh khương 生薑 (gừng ở trạng thái chưa khô), Skt. ārdraka (tên khoa học Rhizoma zingiberis Recens).
[109] Tì-hê-lặc 鞞(𨡕)醯勒: Skt=Pāli. vibhītaka, Thiện kiến luật 17, tì-hê-lặc, hình dáng như trái táo, có vị ngọt dùng làm thuốc, có thể trị bệnh ho. Tên khoa học Terminalia bellirica, quả có thể được sử dụng để làm tannin dùng cho thuộc da, hoặc cung cấp nguồn thuốc nhuộm màu đen và nâu.
[110] Lời trong ngoặc của Nghĩa Tịnh giải thích. Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ bách nhất yết-ma (根本說一切有部百一羯磨) 10 quyển, Nghĩa Tịnh dịch và chú đời Đường.
[111] Xem cht. 103.
[112] Long hoa 龍花, Skt. puṃnāga, tên khoa học Calophyllum Inophyllum, Rottleria Tinctoria, cùng họ với Mallotus philippensis, được sử dụng chế thuốc nhuộm vàng.
[113] Luật Ngũ phần 20, p. 134b14: Đàn-việt cúng y thuần màu xanh, vàng, đỏ. Đức Phật cho phép nhận, nhưng phải giặt cho hư màu đẹp rồi nhuộm mặc.
[114] Sanskrit dictionary – wisdomlib.org.
[115] 南傳大藏經 2,律藏2, p. 161, & 律藏 5, 比丘波羅提木叉, p. 21. Xem thêm cht. 12.
[116] Ibid., p. 241.
[117] 南傳大藏經 2,p. 241; cf. Bhikkhu Ñāṇatusita, Analysis of the Bhikkhu Pātimokkha, 2014, p. 226.
[118] 毗尼關要 12, X40n720, p. 594b10.
[119] 毗尼止持會集 12, X39n709, p. 446b17.
[120] 翻譯名義集 7, T54n2131, p. 1170c2.
[121] 四分律刪繁補闕行事鈔 3, T40n1804, p. 105c10.
[122] 佛制比丘六物圖 1, T45n1900, p. 898b10.
[123] 四分律名義標釋 15, p. 515c18.
[124] 大宋僧史略 1, T54n2126, p. 237c25.