Chất liệu sống của tuổi trẻ

Chất liệu sống của tuổi trẻ

Nếu không có buổi học hôm ấy, tôi không nghĩ mình được hạnh phúc sống với tuổi trẻ.

Cuối tháng bảy rồi (năm 2001), lớp bậc Trì của chúng tôi được học với tiết dạy của Thầy Tuệ Sỹ. Thầy hướng dẫn đề tài “Mục ngưu đồ”. Tôi chỉ quen biết Thầy qua sách vở, báo chí chứ chưa bao giờ được học với Thầy cả. Thành ra tôi chờ đợi cái giây phút cầu đạo với Thầy. Tôi nghĩ, mọi tư tưởng cũ của tôi có thể sụp đổ ngay lập tức để xây dựng lại một quan niệm mới qua giờ học với Thầy. Tôi chuẩn bị cho cái sự kiện thay đổi trọng đại đó.

Thầy bắt đầu bài dạy bằng vấn đề “Chất liệu sống của tuổi trẻ”, một vấn đề mà tôi cho rằng không mấy khó. Nhưng càng đi sâu, tôi thật sự thấy mình đến ngõ cụt. Thầy đã đánh động đến tận sâu kín tâm tưởng tôi, làm lung lay nhiều quan niệm của tôi về cuộc đời. Thành trì tự ngã của tôi dường như bắt đầu rạn nứt, rệu rã. Thầy nói về chất liệu sống, như cho tôi được vén mở bức màn cực đoan để lộ ra một không gian đa chiều, đa phương hướng của tuổi trẻ.

Tuổi trẻ chỉ sống theo quán tính và chạy đua theo đám đông. Thật sự nó không mang lại một hệ quả tròn đầy cho cuộc đời người. Thí dụ như chúng ta thưởng thức một bản Sonata (xô-nát) của Beethoven (Bít-thô-ven) hay của Mozart (Mô-da). Chúng ta có thể nhận ra một dấu lặng trong dòng chảy của ngón đàn không? Khi tâm thức hoà quyện vào bản Sonata, tâm tĩnh lặng, ta sẽ chính là từng nốt nhạc kia. Vũ trụ thu vào từng phách, từng nhịp và ngón đàn nhảy múa của hai bàn tay trên phím piano cũng là lúc tâm ta hoàn toàn mở rộng và thanh tịnh. Ta thực sự đang sống. Dấu lặng đen thoáng qua nhưng ta cũng nhận biết được, vì ngoại cảnh không còn trói buộc ta vào thòng lọng của nó. Dấu lặng đen vụt nhanh và ta sẽ tự dưng thính tai hơn bất cứ lúc nào để nghe thấy. Con trâu đã không cần người chăn nữa. Có thể trâu và người đều không còn.

Mười bức tranh chăn trâu được vẽ theo cảm hứng mà không phải được vẽ theo đơn đặt hàng hay quảng cáo – Thầy Tuệ Sỹ dạy thế. Người hoạ-sĩ-thiền-sư vẽ mười bức tranh, nhưng ông cũng có thể vẽ mười hai bức, mười tám bức. Ông có thể vẽ khỉ, vẽ vượn, vẽ ngựa thay vì vẽ trâu. Khỉ, vượn, ngựa chỉ cho cái tâm rõ nhất, trong kinh thường dùng hình ảnh “tâm viên ý mã” để đề cập đến cái tâm. Mục ngưu đồ là mười bức tranh nói về tâm và điều phục tâm. Với cảm hứng của người nghệ sĩ, ông ta có thể vẽ những con vật nào mà ông thích, mà ông thấy cần thiết. Thầy Tuệ Sỹ cho rằng, con trâu (và con bò) gần gũi trong đời sống người Trung Hoa cũng như người Việt Nam. Hoạ-sĩ-thiền-sư đó vẽ trâu thì không mấy gì lạ.

Ông đặt nhành cọ xuống mảnh lụa mềm để trải lên đó những cảm hứng thuần tuý. Ta xem tranh cũng nên xem bằng cảm hứng của mình. Bùi Giáng từng thốt lên: “Ngôn ngữ của thi ca là cảm tính đi trước tư tưởng đi sau…” Tôi nghĩ: Thật quá đúng! Như thế ta có thể xem tranh tuỳ ý thích. Không nhất thiết xem theo thứ tự, nếu nó không là nguồn cảm hứng của ta.

Bức tranh không khác một bản Sonata. Người trẻ tuổi có chất liệu sống thì khi đối diện trước bức tranh hay bản nhạc đều nở một nụ cười. Nụ cười chứng tỏ sự có mặt mình ở hiện tại và nơi đây.

Lâu nay tôi cho rằng, chất liệu của tuổi trẻ là phải dựa hoàn toàn vào nhiệt huyết, là sự cố gắng tuân thủ theo những chuẩn mực quy định của xã hội để hoàn thành công việc của mình. Câu chuyện người hoạ sĩ kia làm cho tôi rời bỏ dần quan niệm đó.

Có chàng hoạ sĩ trẻ tuổi mang ý định thực hiện một bức tranh để đời. Chàng cặm cụi làm việc từ năm này sang năm khác. Song những tác phẩm đó không bao giờ làm chàng hài lòng. Đống tranh đem bỏ đã chất cao dần mà tâm nguyện chàng vẫn chưa đạt. Chàng chán nản, thề không cầm đến cây cọ và chạm đến khung lụa nữa. Nhiều năm trôi qua, chàng không vẽ. Chàng chỉ thích sống một đời sống bình thường, ngồi nằm vui chơi giữa trời đất. Một hôm nọ, chàng vào kho để dọn dẹp đống tranh phế phẩm đem bỏ đi. Ồ, lạ chưa? Sao mỗi bức tranh là một tuyệt tác vậy kìa! Chàng không ngờ mình đã vẽ tranh đẹp lạ lùng đến vậy!

Chàng hoạ sĩ đó đang nhìn lại tuổi trẻ mình qua đống tranh chàng bỏ kia. Chàng nhận ra tuổi trẻ chàng đã làm nên điều diệu kỳ mà lúc đó chàng không công nhận. Giờ thì chàng không còn trẻ nữa để vẽ những bức tranh để đời. Trong chúng ta, ai cũng là hiện thân của chàng hoạ sĩ ấy. Chúng ta bỏ phí tuổi trẻ như chàng hoạ sĩ không biết mình vẽ tranh đẹp mà cứ mơ tưởng một bức tranh nào đó hoàn hảo hơn đang đợi ở phía trước.

Chúng ta thật sự không thấy mình sống nữa mà đang ùa chạy theo cái ảo tưởng do mình đặt ra.

Khi uống một chén trà ngon, ta vẫn không biết chấp nhận nó ngon. Vì trà hôm qua sao ngon bằng trà hôm nay! Và trà hôm nay chưa chắc sẽ ngon bằng trà ngày mai! Thế là chúng ta có uống trà đâu! Chúng ta chạy theo hương vị, chạy tìm cái ảo vọng của miếng trà ngon hơn ở tận đâu đâu. Ta đã thiếu chất liệu sống. Thầy diễn tả giây phút tận hưởng hương vị trà nghe thật thú vị và nhiệm mầu. Ta nhấp nhẹ miếng trà vào miệng, không nuốt vội. Thong thả cho ngụm trà trôi êm vào lòng. Ta sẽ thấy từng tế bào nhỏ bé nhất đang nhảy múa hân hoan, hoà vào vị ngọt của trà. Ta nhận chân giá trị của hạnh phúc từ đó.

Làm một việc dù lớn hay nhỏ, ta biết đặt toàn vẹn tâm ý mình vào thì chính là ta đã có một chất liệu sống của tuổi trẻ. Có chất liệu sống của tuổi trẻ là ta đã tạo tác một công trình để đời.

Chàng sinh viên nọ quay cuồng với công việc của mình. Nào là giờ lên giảng đường, giờ làm thêm, giờ dạy kèm, giờ học, giờ nấu nướng giặt giũ, giờ ăn, giờ ngủ, v.v… Chàng tất bật với công việc. Có một lúc chàng phải thốt lên rằng: “Không bao lâu nữa tôi sẽ chết mất!” Giờ lên giảng đường thì chàng lo tính toán tiền lương làm thêm; giờ đi làm thì chàng không thể yên tâm vì đống quần áo phơi ngoài sân bị trời mưa ướt; giờ ăn tối chưa xong chàng đã vội vàng cắp xách đi dạy kèm. Chàng than van, không có giờ nào là giờ của chàng nữa. Hình như những giờ phút đó là dành cho những công việc. Chàng mất dần chất liệu sống của tuổi trẻ. Và nguy hại hơn, chàng mất dần tuổi trẻ.

Trong ta, ai cũng có chàng sinh viên này. Ta không nhận biết ta đang sống với ta trong công việc. Ta làm việc là chỉ là làm cho công việc. Không đặt toàn tâm ý vào nó mà chỉ mong nó phải sớm được hoàn thành. Thế thì còn gì thời gian ta sống thực sự giữa đời?

Nếu chàng sinh viên biết sống bằng chất liệu tuổi trẻ, chàng sẽ tự nhủ, chính mình đang làm công việc này nè! Mình đang hiện hữu để làm việc và đối tượng là công việc, nó cũng đang hiện hữu. Hết mình trong giờ lên giảng đường thì ta sẽ nhẹ nhàng khi làm tiếp công việc thêm. Ăn tối gọn lẹ để đến nhà học sinh dạy kèm. Quần áo phơi bị ướt mưa bởi ta bất cẩn nên hãy mỉm cười quyết cố gắng lần sau cẩn trọng hơn.

Thầy Tuệ Sỹ nhắn nhủ chúng tôi học Phật bằng chất liệu sống của tuổi trẻ. Vì tuổi người già có thế giới riêng biệt của nó. Học Phật và tu Phật với cái nhìn luôn mới mẻ như tuổi trẻ ưa sự đổi mới, không thích gò bó và thủ cựu.

Đến với Đạo, người trẻ luôn tạo bộ mặt mới liên tục. Ta đến với Đạo, tiếp nhận Đạo bằng cái tâm trong sáng, thuần khiết. Ta lĩnh hội cái mới và phải biết “Làm Khác, Làm Mới” những gì đã cũ, của lớp người đi trước. Ta đừng tưởng phải làm những gì vĩ đại, khác hẳn hoàn toàn cái cũ thì mới minh chứng cho sức sống tuổi trẻ, vì nó đưa ta đến một thực thể dị dạng, lai căng, không cội nguồn gốc rễ.

“Làm Khác, Làm Mới” không có nghĩa là ta du nhập những gì xa lạ bên ngoài mà “Làm Khác, Làm Mới” từ bản thân cái cũ, được vươn mầm từ cái cũ. Như thế chính là ta đã tôn vinh và làm thăng hoa truyền thống chứ không ngoảnh mặt với truyền thống. Là tuổi trẻ, chất liệu sống là biết “Làm Khác và Làm Mới”, biết mình đang hiện hữu và đang thực sự sống. Đây là một tâm niệm.

Tuổi trẻ cần có chất liệu sống.

Thiếu chất liệu, người trẻ tuổi không thể nhận chân giá trị cuộc sống và hạnh phúc trong cuộc sống, dù họ đang trải qua khoảng thời gian tuyệt đẹp nhất của đời người./.

Lưu Ly | 2001

———
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, khi đó tôi đang học bậc Trì, tầm nhìn chắc chắn còn nhiều hạn hẹp.
* Hình: Trong lễ tang Trưởng lão Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ, anh chị em GĐPT Chánh Viên hân hạnh được diện kiến Sư Giác Nguyên (Toại Khanh) cùng thầy trụ trì chùa Định Huệ đến viếng tang.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận