CÒN NHỚ HAY ĐÃ QUÊN (Toại Khanh)

CÒN NHỚ HAY ĐÃ QUÊN

Khuya ở Kālāma. Bỗng dưng tỉnh như sáo, không chịu ngủ. Thò tay vào thùng giấy đựng mớ sách mua ở Saigon mấy năm trước rồi ngẫu nhiên lôi ra vài cuốn.

Các tác giả hiện ra trước mắt: Tuệ Sỹ, Nguyễn Tôn Nhan, Cao Tự Thanh, Nguyễn Duy Chính…

Chợt giật mình với một phát hiện kỳ quái: Những tên tuổi đó, cùng những tác phẩm công trình của họ, đã không hẹn mà tự nhiên hình thành một góc khuất rất riêng giữa cuộc đời xô bồ phức loạn hôm nay. Một cõi đi về đầy lau trắng và sương mù chỉ dành riêng cho loài dã hạc…

Chính họ, dù không nói ra một câu chữ nào, đã nhắc nhớ tôi một điều nghe qua hết sức nghịch lý rằng muốn tìm thấy những gì là tinh hoa cốt lõi của thiên hạ thì y như rằng phải cố mà tránh cho bằng được những gì là phù hoa lòe loẹt, những vẻ ngoài rực rỡ ồn ào, những chen lấn cạnh tranh.

Phải chú ý những góc tối của nhân gian, những khoảng lặng trong thiên hạ. Ở đâu có kèn trống ầm ĩ, có vàng son chói lọi thì chỉ là một nhà tang lễ với những cổ áo quan liệm xác các giá trị.

Cho dù người ta có gọi tên vinh danh cái gì thiêng liêng cao vời thì cũng vô tình xác định rằng ở đó chỉ có hình thức. Nội dung chỉ là một hoài niệm, một khái niệm về những thứ không có thật.

Hành giả thứ thiệt thường giấu mặt. Học giả thứ thiệt luôn ẩn mình. Nhà hảo tâm thứ thiệt luôn ẩn danh. Người thực chứng luôn kiệm lời không nói. Nội dung đầy ắp thì không còn chỗ trống cho hình thức.

Tôi không nói chòi lá luôn có cao sĩ thượng nhân. Nhưng đại sĩ cao nhân thường vãng lai ở gác xép hay thảo lư, sơn động.

Họ không có thời gian và hứng thú để thù tạc với người đời luôn náo động. Họ không có thời gian cho những thứ không thật sự cần thiết. Và thứ làm họ vui thì rất xa lạ với thị hiếu, thị dục của thiên hạ quần chúng.

Ân nhân của thiên hạ, điểm tựa thật sự của quần chúng luôn như những bà mẹ quê cắm mặt đồng sâu hay lượm củi trên rừng, hôm sớm đi về trong hiu quạnh với cái bóng cô đơn như một niềm kiêu hãnh.

Phải đợi đến một ngày mẹ không còn nữa, đám con ăn chơi dưới phố mới thảng thốt bàng hoàng khi ngó quanh chốn chợ đời chỉ toàn những thứ phấn hương lòe bịp!

Một số lớn trong hàng thượng nhân ấy nay đã không còn nữa với di sản để lại sau lưng là những gì đã tạm hoàn tất hay vẫn còn dở dang như niềm bản nguyện chưa tròn.

Một ít trong số đó còn được thương nhớ nhắc nhở, đương nhiên phải đợi chết rồi mới được nhắc, và số còn lại tiếp tục chìm sâu trong bóng tối lãng quên của thứ trí nhớ vong ân, nhớ toàn những thị phi không đáng có của kẻ giúp mình!

Nhân gian từ đó thành ra một cõi buồn của những nhớ và quên. Quên điều phải nhớ và nhớ thứ đáng quên!

Toại Khanh, Kālāma 14.3.25

(Nguồn bài viết: Phuongtri Thich, ảnh: Hoàng Sơn)

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận