Lời đầu
Loạt bài Dẫn vào Lịch sử Phật giáo này được trích dịch nhằm giới thiệu một chương trình “Nhập môn Phật giáo học” dành cho giới trẻ, thuộc đại học Tokyo, được các nhà nghiên cứu trẻ chấp bút một cách ngắn gọn, và bao quát. (cf.http://todaibussei.or.jp/izanai/izanai_index.html).
Tài liệu y cứ để chấp bút cho nhóm bài này hầu hết là những điều đã được học giới Phật giáo quán thông, được thừa nhận rộng rãi, và là những tri thức phổ quát vốn đã được sử dụng để giảng dạy ở đại học. Phần tài liệu và tên người chấp bút bài đó sẽ có ở cuối bài.
Hiểu đúng về lịch sử Phật giáo là nền tảng cơ bản để hiểu biết đúng về đạo Phật. Hy vọng, “Dẫn vào lịch sử Phật giáo” này có thể trở thành chút hữu ích cho những ai cần tìm hiểu.
Kính ghi
Thanh Trì
Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn, cùng với Ki-tô (Thiên Chúa) giáo và Hồi giáo. Tuy nhiên, nếu truy về khởi nguyên thì Phật giáo có điểm khác với hai tôn giáo này.
Phật giáo được đản sanh ở Ấn Độ cách nay khoảng hai ngàn năm trăm năm. Ki-tô giáo thì khoảng sau kỷ nguyên Tây lịch, và Hồi giáo được đản sanh khoảng nửa đầu thế kỷ thứ VII. Từ điểm này mà xét thì Phật giáo có lịch sử dài nhất trong ba tôn giáo lớn. Cũng giống như tên gọi của Ki-tô giáo có nguồn gốc là “giáo thuyết của Ki-tô”, Phật giáo cũng có nguồn gốc là “giáo thuyết của Phật”. Phật là Buddha, chỉ cho người đã giác ngộ, có tên thật là Gautama Siddhārtha, đó là người khai sáng ra đạo Phật. Cụ thể về Gautama Siddhārtha sẽ có ở bài thứ hai.
Gautama Siddhārtha có nhiều tên gọi khác, Buddha là một trong những tên gọi đó, đó là từ tôn xưng, có ý nghĩa là “người đã giác ngộ”, “người đã lý giải thông suốt chân lý về cuộc đời”. Buddhism chỉ cho Phật giáo trong tiếng Anh cũng là từ phái sinh từ từ “Buddha” này, mang ý nghĩa “giáo thuyết của Buddha”. Ngoài ra còn có tên gọi là Thích Ca (Sakya), đây là tên gọi bắt nguồn từ dòng tộc xuất thân của Gautama Siddhārtha.
***
Kế đến, “giáo thuyết của Phật” là gì? Phật giáo cho rằng cuộc đời này đầy những khổ đau. Góc nhìn này mới nghe qua thì có vẻ hơi tiêu cực, nhưng nếu xét kỹ trong cuộc sống thường ngày thì, “người mình yêu quý có khi cũng phải xa lìa”, “điều không vừa ý vẫn cứ thường xảy ra”, v.v… đó là sự thật mà con người trong cuộc đời này luôn phải đối diện. Sự thật này trong Phật giáo gọi là “khổ”, và đặt mục đích giải phóng khỏi cái “khổ” này để đạt được tâm an ổn.
Về phương pháp giải phóng khỏi khổ, Phật giáo có nói đến việc “đạt được chánh kiến”, tức “hiểu rõ”, hay “lý giải đúng đắn”. Trước tiên, “hiểu rõ” về hiện trạng khổ, sau đó, “hiểu rõ” về nguyên nhân mình khổ, và sau cùng là “hiểu rõ” phương pháp đúng đắn để làm lắng dịu cái khổ này, và có được tâm an ổn.
***
Chuỗi “hiểu rõ” trên đây rất giống với phương pháp trị bệnh. Biết mình bị bệnh, khi bác sĩ khám tìm ra nguyên nhân, và cho thuốc, và nếu theo hướng dẫn của bác sĩ mà sử dụng thuốc, thì bệnh được lành. Phật giáo rất coi trọng việc “hiểu rõ”, có thuật ngữ là “chánh kiến”. Đây cũng là lý do tôn giáo này được gọi là “tôn giáo của trí tuệ”.
[近藤隼人]
Khoảng thời kỳ Phật giáo được đản sinh, đó là thời kỳ đã trải thế hệ lai từ các cuộc hôn phối giữa người Arya và người bản địa vốn đã sinh sống trước đó tại Ấn Độ. Và với sự phát triển của công thương nghiệp v.v.. nên giá trị quan cũng đã được đa dạng hoá. Từ trong dòng chảy của thời đại mới như thế, đã xuất hiện nhiều tư tưởng gia mà giáo thuyết của họ vốn từ trước đến nay chưa từng được thừa nhận. Đương thời, tư tưởng Phật giáo cũng là một trong số đó.
Trong Kinh Sa Môn Quả có giới thiệu sáu nhà tư tưởng ngoài Phật giáo, gọi là “lục sư ngoại đạo”. Từ “ngoại đạo” này có ý nghĩa là “người bên ngoài đạo của mình”, tuỳ theo góc nhìn, đôi khi đây là một biểu hiện hơi thất lễ, nhưng ở đây tạm thời cứ hiểu là “người ngoài Phật giáo”. Tư tưởng của họ nếu xét theo quan điểm của hiện đại thì được xem là duy vật luận, vận mệnh luận, hoài nghi luận, chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa khổ hạnh, chủ nghĩa hư vô, v.v… Đương nhiên, với ý nghĩa của hiện đại thì nội dung có khi hơi khác, và cũng có trường hợp nhiều tư duy kiến giải chồng chéo nhau, nên không thể gộp trong từ “… luận” “chủ nghĩa…” được. Và sau đây là kiến giải của các nhà tư tưởng này.
***
Vị có tên là Ajita (Ajita Kesakambāla) cho rằng bốn nguyên tố là đất nước lửa gió cấu thành nên con người. Và ông phủ định quan niệm làm lành được quả báo tốt, làm ác bị quả báo xấu, đề xướng thuyết rằng chết đi rồi là không-vô. Pakudha (Pakudha Kaccāyana) cũng có kiến giải tương tợ, nhưng có điểm khác là con số yếu tố, thêm khổ, lạc, linh hồn vào với bốn nguyên tố trên thành ra có bảy. Có thể nói, hai nhân vật này có tư duy giống với duy vật luận. Nhân vật có tên là Pūraṇa (Pūraṇa Kassapa) cũng phủ định quan niệm làm lành được quả báo tốt, làm ác bị quả báo xấu, kiến giải này được gọi là đạo đức phủ định luận. Với điểm phủ định đạo đức này thì giống với hai vị ở trên.
Nhân vật Gosāla (Makkhali Gosāla) thì cho rằng sinh vật được cấu thành từ 12 yếu tố, tức thêm yếu tố hư không, khổ, lạc, linh hồn, được, mất, sinh, tử vào với bốn nguyên tố trên, và đề xướng rằng mọi sự đều được quyết định bởi vận mệnh. Nhân vật Sañjaya (Sañjaya Belathiputta) thì hoài nghi rằng “liệu có đời sau hay không”, và đề xướng rằng đừng phán đoán vấn đề vốn chưa thể trả lời rõ. Thuyết của Sañjaya được gọi là bất khả tri luận, hay hoài nghi luận, còn thuyết của Gosāla được gọi là quyết định luận, vận mệnh luận v.v…, nhưng ở đây cũng có thể cho vào mục đạo đức phủ định luận. Nighaṇṭha Nātaputta thì nghiêm cấm phán đoán một chiều đối với sự vật, thuyết này được gọi là chủ nghĩa đa diện, chủ nghĩa bất định, chủ nghĩa tương đối v.v… Vị này hiện cũng là giáo chủ thực của Jaina giáo. Về Jaina giáo này sẽ có trong bài sau.
***
Trên đây là tóm tắt ngắn gọn tư tưởng của sáu tư tưởng gia. Nếu bạo dạn nói gọn thêm chút nữa thì: “con người được hình thành từ vật chất và sau khi chết sẽ là không-vô (duy vật luận), hay không rõ sau khi chết có tồn tại hay không (hoài nghi luận, bất khả tri luận). Và như thế là dù có làm thiện hay làm ác thì cũng không có quả báo ở đời sau (đạo đức phủ định luận), hay kết quả đều là do vận mệnh quyết định (vận mệnh luận). Nếu thế thì làm gì cũng được, mình thích làm gì thì cứ làm để sống vui vẻ thoả thích (chủ nghĩa khoái lạc)”. Những tư tưởng này ở thời hiện đại cũng có, nhưng ngay cả đương thời ở Ấn Độ, cũng đã bị chỉ trích kịch liệt. Có điều lạ là, dù chủ trương phủ định đạo đức, hay khoái lạc chủ nghĩa v.v… nhưng cũng sống cuộc sống rời xa thế tục.
[堀田和義]
Jaina (Kỳ Na) giáo là tôn giáo có vị khai tổ trong lịch sử thực tế là Nighaṇṭha Nātaputta, một trong sáu vị sư ngoại đạo ở bài trước. Tôn giáo này nổi tiếng với việc nghiêm cấm làm tổn thương sinh vật (bất sát sanh). Tín giả tại gia cũng ăn chay một cách triệt để. Và cũng được biết đến nhiều bởi có ảnh hưởng lớn đến cuộc vận động phi bạo lực (nguyên ngữ là ahimsā, đồng nghĩa với bất sát) của Mahātmā Gāndhī, người đã nỗ lực trong cuộc vận động độc lập của Ấn Độ.
***
Sự thật thì giữa Phật giáo và Jaina giáo có khá nhiều điểm chung. Đương nhiên là vì cả hai tôn giáo này đều được đản sinh cùng thời đại và cũng cùng khu vực. Bên cạnh đó, cả vị khai sáng Phật giáo là đức Thích Ca và vị khai sáng Jaina giáo là Mahāvīra đều cùng xuất thân từ giai cấp quý tộc. Những điểm giống nhau đó ví dụ như là: giới mà tín giả phải giữ gìn, tên gọi của vị khai sáng, những nhân vật xuất hiện trong kinh, những ví dụ và biểu hiện từ ngữ trong kinh, v.v… Đặc biệt có sự tương tợ về những biểu hiện từ ngữ trong kinh rất thú vị, xin kể ra một ví dụ như sau.
Trong kinh Dhamma-pada (kinh Pháp Cú), kinh điển thuộc hàng cổ nhất của Phật giáo, có những cụm từ ngữ biểu hiện như: “người tự chiến thắng bản thân mới là người thật sự chiến thắng, hơn cả việc chiến thắng trăm vạn người nơi chiến trường. (Pháp cú 103)”. Còn trong kinh Uttarajjāyā, kinh điển cổ của Jaina giáo, thì có cụm biểu hiện như: “Tự chiến thắng được bản thân là thắng lợi tối cao, hơn cả người chiến thắng trăm vạn quân địch nơi chiến trường khó chiến thắng (9.34)”. Chắc chắn nhiều người sẽ rất kinh ngạc vì hai biểu hiện này quá giống nhau. Khoảng thời kỳ học vấn Phật giáo và Jaina giáo vừa mới được bắt đầu ở phương Tây, nghe đâu cũng đã có học giả đã nhầm giữa hai tôn giáo này.
Thế thì khi thấy hai điểm giống nhau này chúng ta nên hiểu thế nào? Có lẽ ai cũng nhận ra ngay mối quan hệ hoặc là A → B, hoặc là B → A (tức là Phật giáo → Jaina giáo, hay Jaina giáo → Phật giáo). Đương nhiên có lẽ cũng đã mối quan hệ ảnh hưởng thế này. Nhưng trong trường hợp có điểm chung giữa hai tôn giáo này thì chúng ta phải xét đến cái cổ hơn. Tức là mối quan hệ “mẫu thể chung (X) → A, B”. Nói cách khác, “anh và em giống nhau bởi vì cùng cha mẹ”. Và trong trường hợp này, “cha mẹ” là tương đương với cái được gọi là “tôn giáo sa môn”. Như thế, do vì Phật giáo và Jaina giáo được xem là có cùng mẫu thể, nên cũng được gọi là “cặp song sinh” hay “cặp chị em”.
***
Tuy nhiên, hai tôn giáo này cũng có nhiều điểm khác nhau. Nếu nêu ra một ví dụ thì, Phật giáo đã có sự triển khai rộng lớn, có sự đản sinh của Phật giáo Đại thừa, đã được truyền đi khắp nơi xuyên suốt cả chiều dài lịch sử, từ Trung Á, Trung Quốc đến các vùng văn hoá chữ Hán, mở rộng đến cả Tibet, Mông Cổ, Đông Nam Á, v.v…, tuy nhiên, Phật giáo tại bổn quốc Ấn Độ đã bị suy vong từ thế kỷ thứ 13. Trong khi đó, Jaina giáo không có sự phát triển gì lớn, cũng không được mở rộng ra thế giới bên ngoài Ấn Độ, tuy nhiên, đã không suy vong mà sống còn, cắm rễ tại xã hội Ấn Độ cho đến ngày nay. Cũng có nhiều nhân duyên phức tạp đưa đẩy vận mệnh khác nhau của hai tôn giáo thế này, nhưng có thể nói, đó là kết quả mà mỗi tôn giáo đã tự mình xác lập như thế. Cũng giống như hai người trưởng thành cũng giống mà cũng khác nhau, dù là anh em chị em cùng cha mẹ, nhưng vì khi trưởng thành đã có những cá tính khác nhau.
[堀田和義]
1. Phật giáo thời Sơ kỳ / Phật giáo Nguyên thuỷ
Vào khoảng thế kỷ thứ V (có thuyết là thế kỷ thứ VI) trước Tây lịch, tại thành Kapilavatthu ở phía Bắc Ấn Độ, vị khai tổ Phật giáo là Gautama Siddārtha thuộc dòng tộc Sakya ra đời. Đương thời ở Ấn Độ, ngoài các nhà Bà-la-môn giữ việc tế lễ theo thánh điển Vệ-đà vốn được truyền đến bởi tổ tiên người Arya thì còn có những nhà tu hành xuất gia được gọi là Sa-môn, chủ trương ra nhiều tư tưởng, học thuyết khác nhau. Thích Tôn được sinh ra trong vương tộc thuộc giai cấp Kṣatriya (giai cấp chiến sĩ), 29 tuổi xuất gia làm sa-môn tu hành, 35 tuổi đắc đạo ở Bodhgayā, và nói pháp cho năm nhà sư từng cùng tu hành ở Mrigadāva. Có thể nói, việc nói pháp cho năm nhà tu hành này là sự bắt đầu của Phật giáo Ấn Độ. Từ đó trở đi, đức Thích Tôn đã thuyết giảng rộng rãi khắp nơi, và nhập diệt ở Kusinagara năm ngài 80 tuổi. Những vị đệ tử nổi tiếng của ngài là Śāriputra (Xá Lợi Phất), Maudgalyāyana (Mục Kiền Liên), Mahākāśyapa (Ma Ha Ca Diếp), Ānanda (A Nan) v.v…. Phật giáo thời đức Thích Tôn tại thế và thời các vị đệ tử này đặc biệt được gọi là Phật giáo Căn bản.
***
Ngay sau khi đức Thích Tôn nhập diệt, cuộc kết tập đầu tiên được tiến hành do ngài Ma Ha Ca Diếp chủ trì. Kết tập, trong tiếng Ấn Độ là Saṅgīti, với ý nghĩa là “cùng nhau đọc tụng”, chỉ cho việc cùng đọc tụng để xác nhận những lời dạy mà đệ tử Phật đã nghe và nhớ được. Chủ nhân trung tâm của Phật giáo được di chuyển từ chính bản thân đức Thích Tôn sang chư đệ tử với công việc quan trọng, là bảo tồn và chỉnh lý lời dạy của đức Thích Tôn. Theo truyền thừa, có tất cả là bốn lần kết tập tại Ấn Độ. Khoảng một trăm năm sau Phật diệt độ thì giáo đoàn đã giữ được sự thống nhất, và từ khi Phật giáo được khai sinh cho đến thời còn giữ được sự thống nhất của giáo đoàn sơ kỳ này, gọi là Phật giáo nguyên thuỷ, hay Phật giáo thời sơ kỳ. Và, kinh điển của Phật giáo thời sơ kỳ này đã được tập hợp thành tam tạng. Tam Tạng là chỉ cho kinh tạng, luật tạng, luận tạng. Trong đó, kinh tạng là tập hợp những ngôn hành của đức Thích Tôn, được gọi là “kinh điển A-hàm”, luật tạng là những quy định về sinh hoạt của các thành viên của giáo đoàn và những quy định về việc vận hành giáo đoàn của Phật giáo. Gọi chung là giới luật. Và luận tạng là nhóm văn bản tập hợp các giáo nghĩa Phật giáo lại một cách có hệ thống.
***
Những tư tưởng được coi trọng ở Phật giáo thời sơ kỳ là thuyết duyên khởi, thuyết vô ngã, tứ đế, v.v… Thuyết duyên khởi có nghĩa là vạn vật “do duyên mà sinh khởi”, tức là dựa vào cái khác mà tồn tại chứ không phải là thường trụ; vô ngã có nghĩa là vì tất cả đều nhờ cái khác mà tồn tại nên bản chất của cá thể đang tồn tại ở đó là không thật tại. Tứ đế có nghĩa là bốn sự thật, (1) khổ đế (sự thật rằng hết thảy thế giới này đều là khổ), (2) tập đế (sự thật rằng nguyên nhân của khổ là vọng niệm), (3) diệt đế (sự thật rằng trạng thái chấm dứt nguyên nhân của khổ là niết-bàn khổ diệt), và (4) đạo đế (sự thật về con đường dẫn đến sự diệt khổ). Thời kỳ này hoạt động truyền đạo được diễn tiến trong phạm vi nước Ấn Độ, Phật giáo được mở rộng từ vùng trung lưu vực sông Hằng ra toàn lãnh thổ. Vua Ashoka của vương triều Maurya khoảng sau Phật diệt độ một hay hai trăm năm là vị vua nổi tiếng với việc bảo hộ Phật giáo cùng với các tôn giáo khác.
***
2. Phật giáo Bộ phái
Sau Phật diệt độ khoảng một trăm năm, do có kiến giải khác nhau về giáo nghĩa trong giới luật, nên đã xảy ra sự phân phái đầu tiên trong giáo đoàn Phật giáo. Lần phân phái này được gọi là phân phái căn bản, kết quả được phân lập thành hai phái gọi là Thượng Toạ bộ thuộc phái bảo thủ và Đại Chúng bộ thuộc phái tiến bộ. Và trong khoảng hai trăm năm sau đó, sự phân phái còn xảy ra nơi hai phái chính này, tạo thành mười tám bộ phái ở Ấn Độ. Đây gọi là sự phân phái chi mạt. Phật giáo bị phân ra thành nhiều bộ phái như thế này gọi là Phật giáo Bộ phái. Do vì mỗi bộ phái đều giữ gìn bản tam tạng của riêng mình, nên thánh điển Phật giáo đã được tăng đại và đa dạng hoá.
Trong các bộ phái của thời phân chia chi mạt này có Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ và Chánh Lượng Bộ là có sức ảnh hưởng lớn. Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ có thế lực ở vùng Kashmir, tạo ra ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và hệ thống hoá giáo nghĩa Phật giáo. Họ chuyên nghiên cứu tư tưởng mà trọng tâm là việc giải thích kinh điển, khoảng từ thế kỷ thứ II sau Tây lịch đến thế kỷ thứ V, các văn bản như Đại Tỳ Bà Sa Luận, hay A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận của Thế Thân, v.v… được ra đời. Tư tưởng về giáo nghĩa của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ có đặc trưng là dựa vào tồn tại luận vốn được gọi là “tam thế thật hữu”, hoàn nguyên hết thảy sự vật về với những yếu tố cấu thành nên chúng, và giải thích các vấn đề về giáo nghĩa và cả thế giới hiện tượng bằng mối quan hệ giữa các yếu tố ấy. Chánh Lượng Bộ về sau cũng trở thành một phái rất lớn ở Ấn Độ.
[一色大悟]
3. Phật giáo Đại thừa
Khoảng thế kỷ thứ I trước Tây lịch, có một chủng loại Phật giáo gọi là Phật giáo Đại thừa được xuất hiện, khác biệt với Phật giáo được giữ gìn và truyền thừa bởi các giáo đoàn bộ phái ở trên. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng Phật giáo đại thừa dù là vận động cải cách Phật giáo, nhưng thời kỳ đầu không có giới luật riêng, không phải là một giáo đoàn độc lập với các bộ phái đương thời.
Tu hành giả Đại thừa bước theo con đường thành Phật gọi là Bodhisattva (bồ-tát). Từ ngữ “Bồ-tát” vốn đã có từ rất sớm, nhưng trong Phật giáo đại thừa thì rất được coi trọng. Và, Phật giáo vốn dĩ được duy trì chính là bởi người xuất gia, và đặc biệt coi trọng việc thoát ly cái khổ của luân hồi bởi việc xuất gia tu hành, thì đối lại, trong Phật giáo đại thừa cho rằng, bất kể là xuất gia hay tại gia, tất cả đều có thể đi theo con đường của bồ-tát và có thể đạt được giác ngộ như đức Phật. Đại thừa có nghĩa là “cổ xe lớn”, nhưng nó có nguồn gốc là tất cả đều có thể đi trên con đường của bồ-tát này, và do đó cũng gọi đại thừa này là bồ-tát thừa.
Và khác với việc Phật giáo thời sơ kỳ và Phật giáo bộ phái chỉ được phát triển bởi việc chỉnh lý và giải thích về ngôn hành của đức Thích Tôn, trong Phật giáo Đại thừa, đa số kinh điển được thành lập theo cách: hành giả là bồ tát tiếp nhận được lời Phật dạy trong thiền định, rồi xem những lời dạy ấy là ngôn thuyết của Phật đà, và ghi lại thành kinh điển. Kinh điển đại thừa được hình thành xuyên suốt trải dài cũng hơn một ngàn năm, bắt đầu từ kinh Bát Nhã, bao gồm cả Bát Nhã Tâm Kinh mà chúng ta thường được biết. Kinh Bát Nhã nói đến việc tu hành của bồ-tát với sáu pháp ba-la-mật, đặc biệt trong đó có nói đến việc nhờ tu hành Bát-nhã ba-la-mật mà đạt được trí tuệ hiểu rằng hết thảy là không (không có bản chất thật nơi sự vật). Tiếp theo sau Kinh Bát Nhã là sự xuất hiện của Kinh Duy Ma, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Vô Lượng Thọ, v.v…
***
Cùng với cuộc vận động hình thành kinh điển đại thừa thì có những nhân vật như Nāgārjuna (Long Thọ) v.v… hệ thống hoá tư tưởng của Phật giáo Đại thừa. Long Thọ là người của thế kỷ thứ II, hay thứ III sau Tây lịch, xuất thân ở Nam Ấn, trước tác các văn bản như Trung Luận Tụng, v.v… Ông cho rằng, chính thuyết không vô tự tánh được nói trong kinh Bát Nhã mới là duyên khởi mà Phật-đà đã giảng dạy, và phê phán tư tưởng “yếu tố thật tại luận” do Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ đề xướng. “Trung” của Trung Luận Tụng là trung đạo, lìa khỏi những cực đoan như tồn tại – không tồn tại v.v…, và đó là chỉ cho duyên khởi. Với tư tưởng ấy làm trung tâm, đã có học phái gọi là phái Trung Quán hình thành, học phái này phê phán tư tưởng của Du Già Hành Duy Thức sẽ nói ở sau. Phái Trung Quán được cho rằng đã bị chia thành hai phái là phái Tự Lập Luận Chứng và phái Quy Mậu Luận Chứng. Phái Ge-lug (དགེ་ལུགས་པ), giáo phái đại biểu cho Phật giáo Tibet hiện nay tự nói là thuộc lập trường của phái Quy Mậu Luận Chứng này.
***
Khoảng thế kỷ thứ V, tư tưởng của phái Du Già Hành được hệ thống hoá bởi hai anh em Vô Trước (Asaṅga) và Thế Thân (Vasubandhu). Vô Trước tạo ra Nhiếp Đại Thừa Luận v.v… Thế Thân tạo ra Duy Thức Nhị Thập Tụng, Duy Thức Tam Thập Tụng, v.v… Phái Du Già Hành vốn dĩ có mối quan hệ sâu đậm với Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, một trong những khởi nguyên của tư tưởng Du Già Hành là từ tư tưởng của những nhà sư tu hành thiền định. Họ tiếp nhận tư tưởng không của đại thừa, giải thích các ảnh tượng xuất hiện trong thiền định chẳng qua chỉ là ảnh tượng của tâm, tất cả những sự vật được nhận thức thông thường chẳng qua cũng chỉ là ảnh tượng mà tâm đã tạo tác, lập nên lập trường duy thức như thế. Và họ tiến sâu vào sự phân tích tâm, từ tầng bề ngoài đến tầng bề sâu, họ phát hiện thức ālaya, gọi là ý thức tiềm tại, chủ trương có niết-bàn của đại thừa do sự chuyển hoán (chuyển y) của thức ālaya này. Nhân vật Tam Tạng Huyền Trang trong Tây Du Ký đơn độc đi Ấn Độ ở thế kỷ thứ V là để tìm điển tịch của phái Du Già Hành này.
Tư tưởng có nhân duyên sâu đậm với Du Già Hành này là tư tưởng Như lai tàng. Đó là tư tưởng cho rằng, tâm con người vốn dĩ thanh tịnh, nên tất cả đều có khả năng thành Như Lai, tức thành Phật. Tư tưởng Như lai tàng được nói trong các kinh điển như Kinh Như Lai Tàng, Kinh Thắng Man, Kinh Niết Bàn, v.v…, và được thể hệ hoá bởi luận Bảo Tánh. Dựa vào tư tưởng này, Luận Đại Thừa Khởi Tín đã được trước tác và luận này đã có sức ảnh hưởng lớn ở vùng Đông Á.
***
4. Phái Phật giáo Luận Lý học và Mật giáo (Phật giáo Ấn Độ thời hậu kỳ)
Khi giáo đoàn đã được chỉnh bị, tăng lữ nắm được việc nghiên cứu các chủng loại học vấn với tư cách là người trí thức, thì những ngôi đại tự như chùa Nālandā, chùa Vikramaśīla được kiến lập đóng vai trò là trung tâm nghiên cứu. Nơi những tự viện này, không chỉ những giáo nghĩa như đã nói ở trên, mà cả thanh minh (văn pháp học), nhân minh (luận lý học), y phương minh (y học), công xảo minh (công học, tạo hình học) cũng được học tập. Trong đó, nhân minh đã phát triển nhờ tiếp nhận sự thịnh hành luận tranh ở bên trong và bên ngoài Phật giáo ở Ấn Độ, xuất hiện những nhân vật cũng được gọi là phái Phật giáo Luận lý học. Việc đề cập đến luận lý học thì đã có từ xa xưa trong Phật giáo Ấn Độ, nhưng thể hệ của luận lý học được chỉnh sửa mới mẽ là bởi Dignāga ở thế kỷ thứ VI, và được đại tập thành đầy đủ bởi Dharmakīrti ở thế kỷ thứ VII. Họ thừa nhận rằng, trực tiếp tri giác và suy luận là hai phương pháp nhận thức đúng, và nỗ lực chứng minh rằng, đức Phật, người đã dựa vào những nhận thức đúng này mà dẫn dắt con người đến niết bàn, là minh chứng có quyền uy nhất.
***
Bên cạnh đó, một bộ phận Phật giáo đã tiếp nhận nghi lễ và kinh chú của Hindu giáo, đó là sự xuất hiện của Mật giáo, cho rằng, thế giới chính là Phật, và hành giả có khả năng tức thân thành Phật bằng việc nhất thể hoá với chính đức Phật ấy nhờ hành pháp nghi lễ. Vốn dĩ trong kinh điển của Phật giáo Đại thừa cũng đã có tiếp nhận Chân ngôn, Đà-la-ni, và chúng đã được tập hợp lại với sự thành lập các kinh như kinh Đại Nhật, Kinh Kim Cang Đảnh v.v… ở thế kỷ thứ VII. Ngoài ra còn có những văn bản mật giáo nổi tiếng là Kinh Lý Thú, Tantra Bí Mật Tập Hội, Hevajra-tantra, Kālacakra-tantra, v.v….
***
Trong Phật giáo Ấn Độ hậu kỳ, Luận lý học và Mật giáo là chính yếu, vừa phát triển một cách đa dạng và thâm sâu dần, và tiếp tục tồn tại ở những tự viện như Vikramaśīla v.v… Tuy nhiên, do vì ảnh hưởng của Hindu giáo nơi tín đồ tại gia đã lớn mạnh dần, khi tự viện Phật giáo bị phá hoại và tăng lữ bị xua đuổi bởi giáo đồ Hồi giáo, thì tín đồ tại gia còn ở lại đã bị giáo hoá bởi các tôn giáo khác như là Hindu giáo v.v…, và Phật giáo đã mất hẳn thế lực ở Ấn Độ. Khi ngôi tự viện Vikramaśīla bị phá hoại vào năm 1203, đó là thời điểm dấu mốc quyết định cho sự suy thoái này, thông thường xem rằng đó là năm Phật giáo Ấn Độ diệt vong. Phật giáo tồn tại ở Ấn Độ hiện nay là được phục hưng bởi Ambedkar và các cộng sự từ các cuộc vận động giải phóng khỏi chế độ nô lệ gần đây. Cho đến cuộc phục hưng này thì trước đó Phật giáo đã mất hẳn khỏi Ấn Độ, ngoại trừ một số khu vực ở vùng Bắc bộ và Đông bộ.
Thư mục Tham khảo:
平川彰『インド仏教史』上下、春秋社、1974-1979年
早島鏡正・高崎直道・原実・前田専学『インド思想史』東京大学出版会、1982年
早島鏡正監修『仏教・インド思想事典』春秋社、1987年
塚本啓祥・松長有慶・磯田熙文編著『梵語仏典の研究』密教経典篇、平楽寺書店、1989年
塚本啓祥・松長有慶・磯田熙文編著『梵語仏典の研究』論書篇、平楽寺書店、1990年
末木文美士監修『雑学三分間ビジュアル図解シリーズ 仏教』PHP研究所、2005年
菅沼晃博士古稀記念論文集刊行会編『インド哲学仏教学への誘い』大東出版社、2005年
奈良康明・下田正弘編『新アジア仏教史1 インドⅠ 仏教出現の背景』、佼成出版社、2010年
[一色大悟]
Phật giáo bắt đầu từ đức Thích Tôn ở phía Bắc Ấn Độ, trải qua thời gian bố giáo, đã lan rộng ra toàn quốc Ấn Độ. Gần đây cũng có phát hiện thuộc khảo cổ học cho thấy chứng cứ Phật giáo đã được truyền về phía Tây, nhưng Phật giáo được tín phụng liên tục cho đến hiện tại thì là Phật giáo được truyền về hướng Đông theo con đường phương Nam hay phương Bắc. Và Phật giáo hiện tồn ấy được phân thành hai nhóm lớn, là Phật giáo Thượng toạ bộ của Nam truyền, được mở rộng ở thế giới Đông Nam Á từ Tích Lan, và Phật giáo Đại thừa của Bắc truyền với hai hệ là hệ Đông Á và hệ Tibet. Từ đây sẽ lần lượt đề cập đến sự truyền bá Phật giáo đến những vùng này.
***
Trước tiên là Phật giáo Nam truyền
Việc truyền bá Phật giáo đến Srilanka bắt đầu từ việc người con, hay có chỗ xem là người em, của vua Ashoka là Mahinda và đoàn truyền giáo của vị này đến Srilanka bố giáo. Lúc bấy giờ, vua nước Srilanka là vua Devānampiya Tissa (tại vị năm 250-210 trước Tây lịch) đã kiến lập ngôi tự viện mà đời sau gọi là “Mahāvihāra, Đại tự” ở vương thành Anurādhapura. Sau đó, vào khoảng thế kỷ thứ V, có vị tăng tên là Buddhagosa đến Đại Tự, cùng với việc trước tác tác phẩm Visuddhimagga bằng Pāli, ông còn tạo ra các Phật điển chú thích bằng Pāli cùng với các chú thích cổ vốn đã được dịch ra tiếng Sinhala. Từ hoạt động của ông, về sau, những trước tác của Phật giáo Thượng Toạ bộ đều đã được viết bằng Pāli.
Trong thực tế, ở Srilanka, Phật giáo ngoài Thượng Toạ bộ cũng được truyền đến, như phái tự viện Abhayagiri đối lập với phái Đại tự, và phái tự viện Dakkina là những phái đã tiếp nhận Phật giáo đó, nhưng do vì vào khoảng nửa cuối thế kỷ thứ XII, vua Parakkamabāhu đã hợp nhất hai phái này vào với Đại tự, nên Phật giáo Srilanka chỉ còn có một màu sắc Thượng Toạ Bộ của phái Đại tự sử dụng ngôn ngữ Pāli.
***
Myanmar từ thời xa xưa đã có giao lưu với Ấn Độ, nhiều chủng loại Phật giáo gồm cả Thượng Toạ Bộ đã được truyền đến đây, nhưng vào thời vua Anorāta của thế kỷ thứ XI, Phật giáo Thượng Toạ bộ đã được sự tín phụng của nhà vua và đã trở nên phổ biến. Do vì khoảng thời gian này còn là trước thời kỳ mà ảnh hưởng của Phật giáo đại thừa bị phủi bỏ ở Srilanka, Thượng Toạ bộ ở Myanmar cũng giống như thế. Sau đó, vào thời đại của vua Srilanka là Vijayabāhu (tại vị những năm 1055-1110), có xảy ra sự di chuyển của Thượng Toạ Bộ từ Myanmar sang Srilanka, và ở thế kỷ thứ XV thì từ Srilanka sang Myanmar. Kết quả là Thượng Toạ bộ mà đã được thống nhất vào với phái Đại Tự của Srilanka đã được truyền đến Myanmar. Sau đó vào thế kỷ thứ XVII có hai lần Thượng Toạ Bộ từ Myanmar lại di chuyển ngược vào Srilanka.
***
Vào thế kỷ thứ XI, Thượng Toạ Bộ cũng được truyền vào Thái, nhưng sự truyền đến của Thượng Toạ Bộ phái Đại tự của Srilanka thì khoảng giữa thế kỷ thứ XIII. Và cho đến cuối thế kỷ thứ XIV, đã được các vua Thái bảo hộ, Thượng Toạ bộ của Thái đã trở thành cùng một màu sắc của Đại tự. Vào thế kỷ thứ XVIII, từ Thái, Thượng Toạ Bộ cũng được di chuyển trở vào Srilanka.
Cambodia thì đã tiếp nhận ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ, Hindu giáo và nhiều chủng loại Phật giáo khác nhau đã được truyền đến, nhưng khoảng thế kỷ thứ XIV, XV đã bị Thái xâm lấn, nên Thượng Toạ Bộ của Phái Đại tự đã được truyền vào, và dần dần mang màu sắc của Phật giáo này. Lào cũng vì bị chi phối bởi triều Bangkok của Thái, nên Thượng Toạ Bộ của phái Đại tự đã trở nên được thịnh hành.
(Thư mục tham khảo ở bài kế tiếp)
Trước tiên Phật giáo bắt đầu từ Ấn Độ đã được truyền đến Gandhāra, và mở rộng đến Trung Quốc thông qua đường Trung Á. Phật giáo lần đầu tiên đến Trung Quốc về mặt văn bản thì thường được biết là vào năm thứ 2 trước Tây lịch. Tuy nhiên, vì trước đó cũng đã có giao thương mậu dịch theo con đường tơ lụa, nên có thể suy đoán rằng có lẽ Phật giáo đã cũng được truyền vào Trung Quốc.
Khi Phật giáo được truyền vào Trung Quốc thì Phật điển vốn được viết bằng ngôn ngữ Ấn Độ hay ngôn ngữ vùng Trung Á đã được dịch thành tiếng Trung Quốc. Trong những nhà phiên dịch đầu tiên nhất có An Thế Cao đã dịch những văn bản của hệ Phật giáo bộ phái, Chi Lâu Ca Sấm đã dịch những văn bản liên quan Phật giáo Đại thừa, v.v… (đều khoảng nửa sau thế kỷ thứ II).
Thời kỳ có tính cách dấu mốc quan trọng trong phiên dịch Phật điển là Cưu Ma La Thập xuất thân từ nước Khương Tư được mời đến Hậu Tần năm 401. Ông đã dịch lại bằng lời văn sắc sảo các kinh điển Đại thừa như Kinh Pháp Hoa v.v…, và đã phiên dịch những luận thư có liên quan mật thiết với tư tưởng không, như là Trung Luận, Đại Trí Độ Luận.
Dịch giả Cưu Ma La Thập này cùng với Chân Đế của nửa cuối thế kỷ thứ VI, Huyền Trang của khoảng giữa thế kỷ thứ VII, và Bất Không của thế kỷ thứ VIII, được gọi là bốn nhà đại phiên dịch của Trung Quốc. Trong đây, Chân Đế là nhân vật xuất thân ở phía Tây Ấn Độ, đến Trung Quốc bằng đường biển, lưu lãng nhiều nơi ở Trung Quốc, và đã phiên dịch ra các văn bản đặc biệt liên quan Duy thức học. Huyền Trang từ Trung Quốc đi Ấn Độ để tìm cầu Phật điển, và khi về nước đã được bố trí ở cơ quan phiên dịch được lập lên bởi sắc lệnh triều đình, và đã phiên dịch rất nhiều kinh luận đại thừa tiểu thừa. Ngoài ông ra, nổi tiếng còn có Pháp Hiển ở thế kỷ thứ V và Nghĩa Tịnh ở thế kỷ thứ VIII là Tăng nhân Trung Quốc đi cầu pháp ở Ấn Độ. Bất Không vốn xuất thân vùng Trung Á, 13 tuổi đến Trường An tu hành Mật giáo, sau đó sang Ấn Độ và đem về Trung Quốc nhiều kinh điển Mật giáo.
***
Phật giáo sau khi được truyền đến Trung Quốc đã được truyền đến các nước trong vùng văn hoá chữ Hán như Triều Tiên, Bột Hải (渤海), Nhật Bản, Việt Nam, Đài Loan. Vào thời Tuỳ Đường đã hình thành nên vùng văn hoá Phật giáo bởi Phật điển Hán dịch.
Trước tiên, Triều Tiên đương thời khi Phật giáo truyền đến là thời đại của ba nước Cao Cú Lệ (高句麗), Bách Tế (百済) và Tân La (新羅). Trong đó, Phật giáo lần đầu tiên truyền đến Cao Cú Lệ là vào năm 372, tượng Phật, kinh điển và tăng lữ đã được gửi đến từ nhà tiền Tần (前秦) của Bắc triều Trung Quốc. Bách Tế lần đầu tiên là vào năm 384, có Hồ tăng tên là Ma La Nan Đà (摩羅難陀) đến từ Đông Tấn (東晋), sau đó, có Khiêm Ích 謙益 đi Ấn Độ, ngoài việc mang luật điển về, cũng đã gửi triều cống cho nhà Lương Trung Quốc kinh Niết Bàn v.v… và những người thợ, nghệ nhân. Phật giáo truyền đến Tân La được nói là khoảng nửa đầu thế kỷ thứ V, một vị sa môn gọi là Mặc Hồ Tử (墨胡子) từ Cao Cú Lệ đến, và Phật giáo được quốc gia công nhận và phổ biến là bởi Pháp Hưng Vương (法興王) năm 527.
Sau này ở Triều Tiên, vào thời đại thống nhất Tân La (năm 676-935), Hoa Nghiêm tông, Pháp Tướng tông được nở rộ, và thời đại Cao Lệ (năm 918-1392) thì Thiền tông hưng thịnh, nhưng những tông phái này là kết quả tiếp nhận và kế tục ảnh hưởng của Trung Quốc.
***
Phật giáo được truyền đến Nhật Bản chính thức là vào năm 538, được vua nước Bách Tế gửi tượng Phật và kinh luận đến, đó được xem là lần đầu tiên. Sau đó có Huệ Từ (慧慈), Đàm Trừng (曇徴) từ Cao Cú Lệ, và Đàm Huệ (曇慧), Huệ Thông (慧聡), Quán Lặc (観勒) v.v.. từ Bách Tế đến truyền Phật giáo và lịch pháp v.v… Và các tông phái Phật giáo của Trung Quốc đã được bén rẽ ở Nhật Bản bởi có Dosho (Đạo Chiêu道昭, 629-700) đến triều Đường theo học với Huyền Trang, hay là Ganjin (Giám Chân鑑真) từ triều Đường đến truyền Luật tông, v.v… Vào thời Hei-an, Mật giáo được truyền vào bởi những nhân vật như Saicho (Tối Trừng 最澄, 767-822), Kukai (Không Hải 空海, 774-835).
(Thư mục tham khảo ở bài kế tiếp)
Phật giáo được truyền đến Tibet chính thức là khoảng thời vua Srong-btsan sGam-po (phiên cách đọc: Songtsen Gampo, སྲོང་བཙན་སྒམ་པོ་, 581-649. Vua Srong-btsan sGam-po khi thống nhất lãnh thổ Tibet đã lên kế hoạch tiếp nhận văn hoá từ hai nước láng giềng là Ấn Độ và Trung Quốc, cho nên cùng với văn hoá, Phật giáo cũng được truyền vào (cả chữ viết của Tây Tạng cũng được hình thành ở thời đại này).
Sau đó, vào thời của vua Khri Srong lde brtsan(ཁྲི་སྲོང་ལྡེ་བཙན、742-797), phía Tibet đã thỉnh vị đại học tăng người Ấn Độ là Śāntarakṣita về, lập nên chùa bSam-yas (བསམ་ཡས phiên âm đọc: Samye) và tiến hành công việc phiên dịch Phật điển. Khoảng này cũng là thời gian lần đầu tiên người Tibet được trao giới cụ túc. Nơi chùa Samye nầy cũng đã xảy ra một hội nghị để quyết định chọn Phật giáo Ấn Độ hay Phật giáo Trung Quốc làm quốc giáo cho Tibet. Hội nghị này còn được gọi là “Samye tông luận”. Từ phía Ấn Độ có đệ tử của Śāntarakṣita là Kamalaśīla, phía Trung Quốc có vị Thiền tăng được gọi là Đại Thừa hoà thượng tham gia. Kết quả cuối cùng do quốc vương quyết định là chọn Phật giáo Ấn Độ, đặc biệt là triết học Trung Quán của Long Thọ làm Phật giáo chính thống của người Tibet. Liền sau đó, việc phiên dịch Phật điển cũng được thịnh hành, và các sách từ vựng phiên dịch mang tầm vóc quốc gia như Mahāvyutpatti (năm 814) cũng đã được biên soạn.
Tuy nhiên, do vì chính sách bảo hộ Phật giáo đã hơi quá nên tạo thành phản cảm, và đã xảy ra cuộc vận động bài xích Phật giáo, khi vương triều của vua Srong btsan sGam po diệt vong vào năm 842 và Tibet bị phân thành những nước nhỏ, thì một số tăng viện đã bị phá hoại và Phật giáo Tibet đã một thời bị suy thoái. Sự truyền bá Phật giáo của trước thời suy thoái này được gọi là “tiền truyền”.
***
Cuối thế kỷ thứ X đã có cuộc vận động phục hưng Phật giáo giữa các vị vua phía Tây Tibet. Sự truyền bá Phật giáo từ sau cuộc vận động phục hưng Phật giáo này được gọi là “hậu truyền”. Với hoạt động của vị tăng dịch kinh người Tibet là Rinchen ZangPo, và vị giáo thọ lớn thuộc ngôi chùa chuyên học vấn là chùa Vikramaśīla ở Ấn Độ là ngài Atiśa mà Tibet thỉnh mời về vào năm 1042, v.v…. Phật giáo chính thống đã được hưng thịnh trở lại. Và do sự truy đuổi của giáo đồ Hồi giáo ở Ấn Độ, vị tăng viện trưởng cuối cùng của chùa Vikramaśīla là ngài Śākyaśrībhadra đã đến Tibet, và truyền trao cho Tibet truyền thống Phật giáo cuối cùng của Phật giáo Ấn Độ.
***
Sau đó, Phật giáo Tibet cũng đã được truyền rộng ra cho các nước lân cận là Nepal và Butan, hay các nơi như Mông Cổ, Mãn Châu. Vị tăng tên là ‘Phags pa (khoảng năm 1235-1280) thuộc phái Sakya (ས་སྐྱ་པ་) của Phật giáo Tibet đã trở thành đế sư của Kublai Khan (bộ tộc trưởng Hốt Tất Liệt) của triều Nguyên, nên sức ảnh hưởng trở nên lớn mạnh. Sau đó, Altan Khan của Mông Cổ quy y Phật giáo bởi Dalai Lama đời thứ 3 (năm 1453-1488) của phái Gelug (དགེ་ལུགས་པ), và toàn thị tộc Mông Cổ đã trở thành Phật giáo đồ Tibet cho đến ngày nay.
***
〈Thư mục tham khảo〉
平川彰『インド仏教史』上、春秋社、1974年
早島鏡正監修『仏教・インド思想事典』春秋社、1987年
長尾雅人、他『チベット仏教』岩波講座東洋思想第十一巻、岩波書店、1989年
末木文美士監修『雑学三分間ビジュアル図解シリーズ 仏教』PHP研究所、2005年
菅沼晃博士古稀記念論文集刊行会編『インド哲学仏教学への誘い』大東出版社、2005年
リチャード・F・ゴンブリッチ『インド・スリランカ上座部仏教史』春秋社、2005年
[一色大悟]
Đất nước Việt Nam với chiều dài từ Bắc vô Nam, theo dấu tích lịch sử, Phật giáo vùng Bắc bộ được ảnh hưởng từ Trung Quốc, Trung Bộ và Nam bộ được ảnh hưởng từ Ấn Độ và các nước Đông Nam Á.
Bắc bộ do chịu sự chi phối của Trung Quốc, bị nhà Tần (秦) chinh phục từ thế kỷ thứ III trước Tây lịch đến thời kỳ độc lập vào thế kỷ thứ X sau Tây lịch, trải qua một thời gian dài Phật giáo chữ Hán đã được lưu bố rộng rãi. Nơi đất nước Việt Nam vốn là cứ điểm quan trọng bởi nằm trên con đường giao thương mậu dịch ấy, đã có nhiều tăng lữ từ Ấn Độ đến Trung Quốc, dừng chân lưu trú và ở lại sinh sống. Trong đó, nhân vật nổi tiếng, có vị sư Khương Tăng Hội sang nhà Ngô (呉) phiên dịch Lục Độ Tập Kinh, một bản kinh nói về tiền sanh của đức Thích Ca. Sau khi độc lập, nước Việt cũng tiếp tục tiếp nhận văn hoá Trung Quốc, và Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo cũng được tiếp nhận liên tục. Phật giáo Trung Quốc từ thời nhà Đường trở đi có Thiền tông là chủ lưu, dung hợp với Tịnh độ giáo. Phật giáo này cũng được đem vào Bắc bộ Việt Nam, và được dung hợp với tín ngưỡng nhân gian ở đấy.
Ở Trung bộ, nhà vua có tên gọi bằng Sanskrit, và như có thể thấy từ việc thờ phượng các vị thần Hindu giáo, Hindu giáo đã là tôn giáo chủ lưu. Tuy nhiên, Phật giáo cũng đã được truyền trì, và khoảng thế kỷ thứ IX, tự viện Đại thừa Phật giáo hệ Ấn Độ vốn đã được dung hợp với Hindu giáo cũng đã được kiến lập. Vùng Nam bộ vốn là lãnh thổ hoạt động của người khơ-me, nên Phật giáo vùng này có màu sắc của Phật giáo Thượng Toạ bộ.
Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ Việt Nam trải qua nhiều lần chiến tranh đối kháng nhau, trong quá trình đó, đã xảy ra những mối giao lưu văn hoá và hôn phối giữa các dân tộc. Vào thế kỷ thứ XIX, chúa Nguyễn Phúc Ánh đã thống nhất Nam Bắc, nhận quốc hiệu là Việt Nam từ triều nhà Thanh. Tuy nhiên, khi bị Pháp cai trị và Ki-tô giáo được mở rộng, thì đã bị bắt buộc sử dụng ký tự Roma.
Trải qua chiến tranh thế giới lần thứ II, chiến tranh giành độc lập khỏi Pháp, rồi chiến tranh Việt Nam, và rồi thành lập nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam của hiện tại. Phật giáo chủ lưu của hiện tại là Phật giáo đại thừa với cơ bản dựa vào Phật điển Hán dịch, nhưng ở vùng Nam bộ cũng có dân tộc tín phụng Phật giáo Thượng Toạ bộ của Cambodia. Bên cạnh đó, các tôn giáo vốn được hưng khởi mới cũng được nở rộ, phái Khất Sĩ vốn là kết quả của sự dung hợp giữa Phật giáo Thượng Toạ bộ và Phật giáo Đại thừa cũng khá có thế lực.
***
〈Thư mục tham khảo〉
奈良康明『世界宗教史叢書 仏教史Ⅰ』、山川出版社、1979年
石井公成他『新アジア仏教史10 朝鮮・ベトナム 漢字文化圏への広がり』、佼成出版社、2010年
[文・青野道彦 東京大学大学院/豊嶋悠吾 東京大学大学院]