Giới thiệu sách mới HƯƠNG TÍCH – PHẬT HỌC LUẬN TẬP, số 11/2024

HƯƠNG TÍCH – PHẬT HỌC LUẬN TẬP, số 11/2024

Ta cỡi kiến đi tìm tiên động

Cõi trường sinh đàn bướm dật dờ.

Cóc và nhái lang thang tìm sống,

Trong hang sâu con rắn nằm mơ.

Đầu cửa động đàn ong luân vũ

Chị hoa rừng son phấn lẳng lơ.

Thẹn hương sắc lau già vươn dậy

Làm tiên ông tóc trắng phất phơ.

Mộng Ngày, thơ Tuệ Sỹ.

Huongtich PHLT kỳ này tái đăng một số thi phẩm của HT. Ân sư đã viên tịch ngày 12/10/ Quý mão, cùng trang ảnh tưởng nhớ “Cọng Lau đã nằm xuống giữa Đại ngàn đất Việt”, như phần mở đầu trước khi vào các bài viết chính của Luận tập, một tập san Phật học mà Hoà thượng chủ trương lúc sinh thời.

Sau đây là một số đoạn trích bài viết của Luận tập số này, xin giới thiệu cùng độc giả:

Trong một dịp gặp Ni sư Chơn Hiền tại chùa Già-lam, tôi có hỏi Ni sư về việc xuất bản bản dịch Trung luận của Ni sư mà tôi có duyên được biết cách đây gần hai mươi năm. Cho đến nay, tôi vẫn chỉ biết qua bản thảo. Nhân có lần lục các thư tịch cũ tại thư viện chùa Già-lam, tôi tìm thấy bản in Ronéo, đã bị mối mọt gặm khá hỏng. Vì tiếc công trình dịch thuật, một công trình rất khó đối với một tác phẩm được xem là khó hiểu nhất trong số các tác phẩm triết học vĩ đại nhất và có ảnh hưởng lớn nhất của triết học Đông phương trước đây, và Tây phương ngày nay, nên tôi mang đi nhờ Phật tử nhập văn bản vi tính trở lại, và bổ khuyết những chỗ bị mối mọt khoét. Nhân đó, tôi thêm một số ý kiến để hiệu chỉnh cho bản văn tương đối khả dĩ hiểu được. Cái khó trong việc nghiên cứu, và nhất là phiên dịch, đối với Trung luận, là vấn đề ngôn ngữ. Phê bình tính hiện thực và chân thực của nhận thức trong Trung luận thường bắt đầu từ những phê bình cấu trúc ngôn ngữ. Y trên cấu trúc ngôn ngữ để tiến hành phân tích quá trính hoạt động nhận thức trên phương diện Tâm lý học. Rồi từ đó lại tiến lên vận dụng điều mà ngôn ngữ Triết học phương Tây gọi là “Biện chứng pháp siêu nghiệm” để phê phán bản chất cũng như tính năng và giới hạn của lý tính hay lý trí. Rồi từ đó, nhìn trở lại các khái niệm cùng với những từ ngữ nội hàm các khái niệm này trong Giáo pháp của Phật. Như thế để có nhận thức khả dĩ nói là chân chính về Giáo pháp của Phật, mà như kinh Kim cang nói: “Ngã thuyết pháp như phiệt dụ giả, pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp.” Pháp mà Ta nói, như là chiếc bè. Pháp cần phải được xả, huống gì là phi pháp. Nhưng pháp nào cần xả, và xả như thế nào. Đó là vấn đề.

(…)

Tất nhiên, chân lý siêu việt ngôn ngữ. Tổ Huệ Năng, ngay cả chữ Hán còn không biết huống hồ là tiếng Phạn. Nhưng xưa nay ai dám nói là mình hiểu Trung luận hơn Tổ Huệ Năng? 

[trích, “Trung Luận – Tựa Tái Bản”, Tuệ Sỹ]

Số này, Luận Tập hân hạnh lần đầu cộng tác với nhà nghiên cứu Nguyễn Tri Ân qua bài viết “THÁNH TĂNG A-NAN VÀ ĐỨC ÔNG CẤP CÔ ĐỘC TRONG TRUYỀN THỐNG NGHỆ THUẬT PHẬT GIÁO VIỆT”, theo tác giả, đây nguyên là tác phẩm bằng tiếng Anh đã công bố trong tạp chí Arts of Asia (Nghệ Thuật Châu Á, Nov-Dec 2006). Hình ảnh trong bài do tác giả chụp vào mùa xuân năm 1997 và 2005 khi chùa chiền và tượng pháp chưa được trùng tu và tái tạo.

Luận tập số này có phần đăng tải chương trình phiên dịch toàn bộ các bài Tựa (nếu có) để in vào Tổng tập các Bài Tựa các kinh trong đề án Phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam do HT. Ân sư Thích Tuệ Sỹ chỉ đạo, chúng đệ tử phụng hành. – (trích lời của BBT Hương Tích PHLT):

TỰA KINH TRƯỜNG A-HÀM, Sa-môn Thích Tăng Triệu (384-414) người Trường An thuật, Thích Hạnh Minh dịch Việt.

“Điểm cực diệu của Tông thì dứt bặt danh ngôn, các bậc Hiền Thánh do vậy mà tĩnh lặng trống không. Tuy nhiên, ý chỉ u huyền phi ngôn không làm sao truyền lại cho hậu thế. Vì thế đức Thích Ca Mâu Ni lấy đó làm phương tiện thuyết giáo hóa độ chúng sanh.” (…)

Cùng các bài viết, trích đoạn, tiểu luận và dịch phẩm khác như:

– Mười Hai Nhân Duyên (Thích Đức Thắng) 

– Vấn Luận với HT. Tuệ Sỹ về Thuật Ngữ Duyên Khởi (Võ Quang Nhân)

– Thế Giới Trong Mắt Duy Thức (Thích Thanh Hòa)

– Giới Thiệu Biệt Dịch Tạp A-Hàm Kinh (Hạnh Nguyên)

– Tín Ngưỡng Quan Âm Ở Việt Nam Và Nhật Bản (Bùi Chí Trung)

– Phật Viện Lakṣmīndra-Lokeśvara Đồng Dương Thế Kỷ Ix: Nhìn Từ Một Mạn-đà-la Kiến Trúc Trong Bối Cảnh Phật Giáo Mật Tông Truyền Bá Theo Mạng Lưới Hải Thương Châu Á (Trần Kỳ Phương và Nguyễn Thị Tú Anh)

– Ý Thức Mới – Phạm Công Thiện Qua Cái Nhìn Của Nhà Văn Nhật Bản (Nohira Munehiro, Võ Thị Vân Anh dịch Việt)

Theo Thư quán Hương Tích

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận