Tập san Nghiên Cứu Phật Học – Phật Giáo Thừa Thiên-Huế (đang cập nhật)
Giới thiệu và giải thích đề Kinh
KIM CANG BÁT NHÃ BA LA MẬT*
Thích Thái Hòa
NHẤT THỪA PHÁP
Từ ngữ Nhất Thừa không phải là ngôn ngữ độc quyền của kinh điển Phật giáo Đại Thừa như: Thắng Man, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm,… mà nó đã được sử dụng rất sớm ở trong kinh Mahàsatitpaṭṭhàna thuộc Dìgha Nikàya Pàli và kinh Satipàṭṭhàna thuộc Majjhima Nikàya Pàli.
Ta có thể đọc đoạn kinh mà Đức Phật đã dạy cho các vị Tỷ khưu sau đây, để thấy rõ ý nghĩa và nội dung giáo lý Nhất Thừa được hàm chứa ở trong từ ngữ nầy:
“Ekàyano ayaṃ, bhikkhave, maggo sattanaṃ visuddhiyà, soka- paridevànaṃ samatikkamàya dukkha-domanassànaṃ atthaṅgamàya ñàyassa adhigamàya nibbànassa sacchikiriyàya, yadidaṃ cattàtro satipaṭṭhànà” (Mahàsatipaṭṭhànasuttanta, No 9, P 227, D 2; Satipaṭṭhànasùttaṃ, No 10, P 76, M 1) = “Hỡi các Tỷ khưu! Đây là con đường Nhất Thừa, dẫn chúng sanh đến sự thanh tịnh, vượt qua sầu não, tiêu diệt khổ ưu, thành tựu tuệ giác, chứng nhập Niết-bàn, đó là bốn lãnh vực quán niệm”.
Ekàyana, có nghĩa là Nhất Thừa. Từ ngữ nầy ở trong kinh Smṛtyupasthàna (Niệm xứ kinh) của hệ sanskrit, Ngài Tăng-Già-Đề-Bà (317 – 420 ) dịch là “Nhất đạo” (Trung A Hàm, Đại chính Tân Tu 1, tr.582b), và dịch ở trong Tăng Nhất A Hàm là “Nhất Nhập Đạo” (Đại Chính Tân Tu 2, tr.567).
Như vậy, Nhất Thừa, Nhất Đạo, Nhất Nhập Đạo hay Nhất Thừa Đạo là những từ ngữ xuất hiện khá sớm ở trong các kinh điển được kết tập truớc Bát Nhã, Thắng Man, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa,… Nhưng cứu cánh Nhất Thừa Đạo ở trong các kinh điển được kết tập sớm nhất nầy là sự thanh tịnh, là sự không còn khổ ưu, là tuệ giác và Niết-bàn, và con đuờng thực tiễn của Nhất Thừa Đạo được ca ngợi ở trong các bản kinh nầy là thực hành Bốn lãnh vực quán niệm về Thân, Thọ, Tâm và Pháp.
Điều nầy ta có thể đọc phần sau cùng của kinh Mahà satitpaṭṭhàna hoặc Niệm Xứ kinh bản Hán dịch của Ngài Tăng-già-đề-bà thì sẽ thấy rõ như sau:
“… Nếu có vị Tỷ khưu, Tỷ khưu ni nào, trong khoảnh khắc thiết lập tâm an trú đích thực vào Bốn lãnh vực quán niệm, những vị ấy, buổi sáng bắt đầu thực tập như vậy, thì buổi chiều chắc chắn đạt được sự thăng tiến, buổi chiều bắt đầu thực tập như vậy, thì chắc chắn sáng mai sẽ được sự thăng tiến”(Đại Chính Tân Tu 1, tr.584b).
Ở chương năm của kinh Thắng Man, bản Hán dịch của Cầu-na-bạt-đà-la, nói về ý nghĩa Nhất Thừa như sau: “Thanh Văn Thừa và Duyên Giác Thừa đều quy vào Đại Thừa. Đại Thừa chính là Phật Thừa. Do đó, ba thừa chính là Nhất Thừa. Chứng đắc Nhất Thừa là chứng đắc Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Vô thượng chánh đẳng chánh giác chính là thế giới của Niết-bàn. Thế giới của Niết-bàn chính là Pháp thân của Như Lai. Chứng đắc pháp thân tuyệt đối chính là Nhất Thừa tuyệt đối, nó không khác Như Lai, không khác pháp thân, Như Lai chính là pháp thân. Chứng đắc Pháp thân tuyệt đối là Nhất Thừa tuyệt đối. Tuyệt đối chính là vô biên không đoạn tuyệt.” (Đại Chính Tân Tu 12, tr.220 c).
Như vậy, theo Kinh Thắng Man, Nhất Thừa là một thừa duy nhất, đó là Phật Thừa.
Nhất Thừa là cỗ xe duy nhất chuyển vận người đã nhận ra được bồ đề tâm, phát khởi và nuôi dưỡng tâm ấy một cách liên tục qua sự quy kính các phẩm tính giác ngộ siêu việt của Như Lai, qua sự lãnh thọ và thực hành giới pháp, qua sự phát khởi và thực hành đại nguyện, qua sự Nhiếp thọ chánh pháp cho đến khi thành tựu đạo quả Vô thượng bồ đề. Nhất Thừa là cỗ xe duy nhất có thẩm quyền chuyển vận người phát bồ đề tâm đi đến Phật địa. Ta có thể làm hết thảy mọi thiện sự, nhưng hạt bồ đề chưa khởi dậy trong tâm ta, thì xem như ta vẫn chưa có cơ hội để bước lên cỗ xe Nhất Thừa để đi đến Phật địa. Và như vậy là ta vẫn chưa đi đúng bản hoài của chư phật và không thể kế thừa được sự nghiệp của các Ngài.
Bồ đề tâm và phát khởi tâm ấy để tu tập, thực hành Bồ-tát đạo là then chốt của giáo lý Đại Thừa và then chốt của giáo lý Đại Thừa chính là Nhất Thừa. Như vậy, Bồ đề tâm là chính nhân của Nhất Thừa. Quy y, lãnh thọ giới pháp, phát khởi đại nguyện, nhiếp thọ chánh pháp, hành Bồ-tát đạo là những tác duyên tác động vào bồ đề tâm, khiến bồ đề tâm sinh khởi lớn mạnh và viên mãn trong từng giây phút của sự sống ở nơi những người hành Bồ-tát đạo. Nhất Thừa là sự viên mãn cùng đích của Bồ-tát Thừa.
Ở kinh Hoa Nghiêm, Bồ-tát Di Lặc đã nói về hiệu năng của Bồ đề tâm trong sự tu tập, hành Bồ-tát đạo cho Thiện Tài đồng tử như sau:
“Bồ đề tâm ví như chủng tử, vì nó có khả năng sinh khởi hết thảy phật pháp; Bồ đề tâm ví như ruộng tốt, vì nó có khả năng nuôi dưỡng các pháp thanh tịnh; Bồ đề tâm ví như quả đất lớn, vì nó có khả năng gìn giữ thế gian; Bồ đề tâm ví như dòng nước sạch, vì nó có khả năng tẩy trừ hết thảy cấu uế phiền não; Bồ đề tâm ví như gió lớn, vì nó thổi khắp thế gian không bị đối ngại; Bồ đề tâm ví như lửa lớn, vì nó có khả năng thiêu rụi hết thảy rừng củi tà kiến; Bồ đề tâm ví như mặt trời thanh tịnh, vì nó soi chiếu khắp cả thế gian; Bồ đề tâm ví như trăng rằm, vì các pháp thanh tịnh đều viên mãn; Bồ đề tâm ví như ngọn đèn sáng, vì có khả năng phóng ra các loại ánh sáng chánh pháp; Bồ đề tâm ví như mắt sáng, vì thấy hết thảy cùng khắp mọi chốn an nguy; Bồ đề tâm ví như con đường lớn, vì khiến tất cả đều được đi vào kinh thành đại trí,…” (Hoa Nghiêm 78, Thật-Xoa-Nan-Đà, tr.429b, Đại Chính Tân Tu 10).
Bồ đề tâm hết thảy chúng sanh đều có, nhưng tâm ấy nơi chúng sanh đã bị vô minh phiền não bao bọc làm chướng ngại, khiến cho họ không nhận ra được tự thân của chính họ và thế giới của chung quanh họ là gì. Cái biết của chúng sanh là cái biết do vô minh đem lại, nên cái biết ấy là cái biết sai lầm tự bản chất; cái biết ấy không thể vượt ra khỏi giới hạn bởi không gian và thời gian. Cái biết vượt ra khỏi giới hạn không gian và thời gian, đó là cái biết “tương tức tương nhập”, nghĩa là cái nầy chính là cái kia, cái kia chính là cái nầy; cái nầy có mặt ở trong cái kia và cái kia có mặt ở trong cái nầy. Một đơn vị cực tiểu của thời gian nó bao gồm vô lượng thời gian, và vô lượng thời gian nằm trọn trong một đơn vị cực tiểu của thời gian là sát na; trong một đơn vị cực tiểu của không gian nó bao gồm cả vô tận không gian và cả vô tận không gian nằm gọn trong một chất điểm hay một hạt vi trần; một thời gian lại bao gồm hết thảy không gian, một không gian lại bao gồm hết thảy mọi thời gian, nên chính không gian là thời gian và chính thời gian là không gian. Cái biết ấy là do bồ đề tâm và từ sự phát khởi tâm ấy đem lại.
Nên, ở trong kinh Hoa Nghiêm, Bồ-tát Pháp Tuệ đã nói với Đế Thích về sự phát khởi bồ đề tâm như sau:
“Vì muốn biết ngay thế giới vi tế chính là thế giới rộng lớn, thế giới rộng lớn chính là thế giới vi tế; biết ngay thiểu thế giới chính là đa thế giới, biết đa thế giới chính là thiểu thế giới; biết ngay thế giới rộng chính là thế giới hẹp, biết thế giới hẹp chính là thế giới rộng; biết ngay một thế giới chính là vô lượng, vô biên thế giới, biết vô lượng, vô biên thế giới chính là một thế giới; biết ngay vô lượng, vô biên thế giới ở vào trong một thế giới, biết một thế giới ở vào trong vô lượng, vô biên thế giới; biết ngay nơi thế giới ô nhiễm chính là thế giới thanh tịnh, biết ngay nơi thế giới thanh tịnh chính là thế giới ô nhiễm; ở trong một lỗ chân lông biết rõ ràng hết thảy thế giới, ở trong hết thảy thế giới biết rõ ràng bản tính của một lỗ chân lông; biết rõ từ nơi một thế giới xuất sinh hết thảy thế giới, biết rõ hết thảy thế giới đều như hư không; vì muốn ngay ở nơi một niệm biết hết thảy thế giới, biết rõ hết thảy thế giới không còn có sót bất cứ một thế giới nào, nên phát tâm Vô thuợng bồ đề”. (Hoa Nghiêm 9, Phật-Đà-Bạt-Đà-La, tr. 450c, Đại Chính Tân Tu 9).
Như vậy, phát bồ đề tâm là do sự nhu cầu hiểu biết toàn diện, hay là sự hiểu biết viên mãn, nói cách khác, phát bồ đề tâm là muốn thành tựu tuệ giác tuyệt đối của phật. Do đó, phát bồ đề tâm là nhân tố chủ yếu để tựu thành Nhất Thừa Đạo, là động cơ đầu tiên sinh ra chư phật ba đời và đem lại các niềm vui thượng diệu cho hết thảy chúng sanh, nên kinh nói:
“Nhân sơ bồ đề tâm
Xuất sinh tam thế phật;
Nhất thiết chư chúng sanh
Chủng chủng thượng diệu lạc”.
Không những vậy mà bồ đề tâm còn là động cơ đầu tiên làm cho các cõi phật nghiêm tịnh, khiến cho cùng khắp hết thảy chúng sanh đầy đủ trí vi diệu, như kinh nói:
“Nhân sơ bồ đề tâm
Nghiêm tịnh chư phật quốc;
Phổ linh nhất thiết chúng
Cụ túc vi diệu trí”.
(Hoa Nghiêm kinh 9, tr.458b, Đại Chính Tân Tu 9)
Cũng ở Kinh Hoa Nghiêm, Bồ-tát Văn Thù đã hỏi Bồ-tát Hiền Thủ rằng: “Chư Phật chỉ do Nhất Thừa mà thoát ly sinh tử, tại sao nay tất cả cõi phật sự sự bất đồng…?” (Hoa Nghiêm 13, Thật-Xoa-Nan-Đà, tr.68c, Đại Chính Tân Tu 10). Đây là câu hỏi mà Bồ-tát Văn Thù muốn nêu lên với Bồ-tát Hiền Thủ rằng, đâu là Nhất Thừa tuyệt đối và đâu là sự sai biệt hay là phương tiện thiện xảo của Nhất Thừa? Câu hỏi nầy đã được Bồ-tát Hiền Thủ trả lời như sau: “Văn Thù, Pháp vốn là vậy! Pháp vương chỉ một pháp, mọi người đều vô ngại, một đường vượt sinh tử. Hết thảy thân chư phật, chỉ là một pháp thân, một tâm, một trí tuệ; lực,vô úy cũng vậy. Theo bản hạnh chúng sanh, cầu Vô thượng bồ đề, cõi phật và chúng hội, thuyết pháp hẳn không đồng”. (Hoa Nghiêm 13, Thật Xoa Nan Đà, tr.68c, Đại Chính Tân Tu 10 = Hoa Nghiêm 5, Phật Đà Bạt Đà La, tr.429b, Đại Chính Tân Tu 9).
Và ở kinh Pháp Hoa nói rằng, giáo lý Nhất Thừa mới là giáo lý đích thực mà chư phật muốn nói cho tất cả chúng sanh, các giáo lý khác đức Phật chỉ là phương tiện vận dụng. Ở phẩm Phương tiện của kinh nầy, chủ yếu là đức Phật trình bày về cái thấy, cái biết của Phật về cả hai mặt Nhất Thừa và Tam Thừa trong bài kệ tám câu như sau:
“Chư Phật lưỡng túc tôn,
Tri pháp thường vô tánh,
Phật chủng tùng duyên khởi,
Thị cố thuyết Nhất Thừa.
Thị pháp trụ pháp vị,
Thế gian tướng thường trú,
Ư đạo tràng tri dĩ,
Đạo sư phương tiện thuyết”.
(Kinh Pháp Hoa, phẩm Phương tiện, La Thập, tr. 9b, Đại Chính Tân Tu 9)
Nghĩa là:
Chư Phật Đấng Tôn kính,
đầy đủ trí và đức,
thấy và biết các pháp,
vốn không có tự thể,
hạt giống của giác ngộ,
cũng sinh khởi do duyên,
vì vậy nói Nhất Thừa.
Thể của pháp thường trú,
tính của pháp nguyên vị.
Nên tướng của thế gian,
cũng thường trú vắng lặng.
Nơi Đạo tràng giác ngộ,
các Đạo Sư biết vậy,
mới phương tiện thuyết pháp.
Như vậy, cùng đích của Tam Thừa (Thanh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa, Bồ-tát Thừa) là Nhất Thừa. Đức Phật từ nơi cùng đích nầy mà hiển thị giáo lý Tam thừa, hay từ nơi cứu cánh mà vận khởi phương tiện. Không những giáo lý Tam Thừa sinh khởi do duyên mà giáo lý Nhất Thừa cũng sinh khởi do duyên. Chủng tử của hết thảy mọi loài chúng sanh cũng sinh khởi do duyên mà chủng tử giác ngộ của Phật cũng sinh khởi do duyên. Nhất Thừa Đạo là con đường duy nhất tác động vào hạt giống Phật hay bồ đề tâm nơi chúng sinh, khiến hạt giống ấy sinh khởi và lớn mạnh một cách toàn hảo. Và chỉ có Nhất Thừa Đạo mới có khả năng giúp chúng sanh cũng như các thánh giả trong Tam Thừa chạm vào được tự tính giác ngộ ở nơi chính mình và thể nhập với tự tính ấy một cách toàn vẹn để sống cùng và sống với. Và chỉ có cách nhìn của Nhất Thừa Đạo, mới có khả năng không có sự khinh miệt và ruồng bỏ thế gian mà thấy rõ sự tịch diệt ngay nơi các pháp đang sinh diệt của thế gian và nghiễm nhiên thường trú ngay ở trong các pháp đang sinh diệt ấy. Nơi đạo tràng giác ngộ, chính đức Thế Tôn đã giác ngộ điều ấy, tức là giác ngộ Pháp Nhất Thừa và từ pháp ấy mà vận khởi tâm Đại bi sử dụng vô số phương tiện, thiết lập pháp Tam thừa để giáo hoá chúng sanh. Chứng nhập Nhất Thừa Pháp là thật trí, là chân trí hay đại trí, vận khởi mọi phương tiện thiết lập giáo pháp Tam Thừa để hoá độ chúng sanh là quyền trí, phương tiện trí hay đại bi. Tuy bảo rằng, đại trí và đại bi, nhưng kỳ thực hai chất liệu nầy không phải tách rời nhau, chúng có mặt trong nhau. Chính đại bi là đại trí và chính đại trí là đại bi. Đại bi và đại trí là hai mặt của pháp Nhất Thừa. Sâu thẳm và cao vút đó là mặt lý tính hay mặt bản thể siêu việt của Nhất Thừa. Mênh mông và vượt khỏi mọi bến bờ đó là mặt thực tiễn hay hoạt dụng của pháp Nhất Thừa.
Nhất Thừa là vậy, nên Kinh Pháp Hoa nói:
“Thập phương Phật độ trung,
Duy hữu Nhất Thừa pháp,
Vô nhị diệc vô tam,
Trừ phật phương tiện thuyết.”.
(Phương tiện phẩm, tr.8a, Đại Chính Tân Tu 9)
Nghĩa là:
Trong cõi Phật mười phương,
Chỉ có Pháp Nhất Thừa,
Không hai cũng không ba,
Ngoại trừ phật phương tiện.
Mọi phương tiện được đức Phật sử dụng đều có gốc rễ từ Nhất Thừa, nên phương tiện ấy là phương tiện của Nhất Thừa, chúng có khả năng làm nhân duyên cho chúng sanh sinh khởi bồ đề tâm và nuôi dưỡng chúng sanh lớn mạnh trong giáo lý Nhất Thừa, nên ở kinh Pháp Hoa, Đức phật đã nói với Tôn giả Xá Lợi Phất như sau: “Xá Lợi Phất, dĩ thị nhân duyên, đương tri chư Phật phương tiện lực cố, ư Nhất Phật Thừa, phân biệt thuyết tam”. (Diệu Pháp Liên Hoa 2, Thí Dụ phẩm, La Thập, tr13b, Đại Chính 9). Nghĩa là: Nầy hỡi Xá Lợi Phất, vì nhân duyên, hãy biết do sức mạnh phương tiện của chư phật, ở trong một Phật Thừa, phân biệt nói thành ba.
Đúng với sự thực thì chỉ có một pháp là Nhất Thừa, Phật Thừa mà không có Nhị Thừa là Thanh Văn Thừa và Duyên Giác Thừa, và cũng không có Tam Thừa là Thanh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa và Bồ-tát Thừa. Nhị Thừa hay Tam Thừa chỉ là Phật phương tiện. Hay nói cách khác, Nhị Thừa hay Tam Thừa là những điều kiện cần phải có trong quá trình hành đạo của chư Phật ba đời để giúp chúng sanh đi tới với pháp Nhất Thừa, và cũng nhân ở nơi Tam Thừa mà Chư Phật hiển thị Nhất Thừa và giúp chúng sanh hội nhập vào pháp Nhất Thừa ấy.
Như vậy, ta thấy rằng chiều sâu và chiều cao của pháp Tam Thừa là pháp Nhất Thừa và chiều rộng của pháp Nhất Thừa là Tam Thừa. Chiều sâu của pháp Tam Thừa chính là Bồ đề tâm hay Phật tính là hạt giống giác ngộ vốn có nơi hết thảy chúng sanh.
Nên, các kinh điển Đại Thừa đều tuyên bố rằng: “Hết thảy chúng sanh đều có Phật tính và đều có khả năng thành Phật”. Thành Phật nhanh hay chậm là tùy theo hạt giống Phật trong tâm chúng sanh bị vùi sâu hay cạn, và cũng tùy theo khả năng tu học của chúng sanh ấy. Nếu hạt giống Bồ đề hay Phật tính của một chúng sanh bị bao bọc bởi nhiều lớp tà kiến, ái kiến và vô minh, chấp thủ ngã và pháp, thì việc Phật giáo hóa để tháo gỡ những lớp ấy cho họ không phải chỉ là cả một công trình dài lâu, mà trong quá trình giáo hóa ấy, Ngài còn phải sử dụng vô số kỹ thuật và nghệ thuật để dẫn dắt cho họ nữa. Và nếu nơi tâm của một người hạt giống Phật bị lấp vùi một cách cạn cợt, thì người ấy chỉ cần đức Phật xuất hiện hay chỉ cần nghe danh hiệu của Ngài, tức thì bồ đề tâm liền phát khởi hướng đến Nhất Thừa mà không hướng đến bất cứ thừa nào khác, như trường hợp của phu nhân Thắng Man hay trường hợp của Long nữ ở trong kinh Pháp Hoa hoặc Lục Tổ Huệ Năng khi nghe “ưng vô sở trú nhi sanh kỳ tâm” của kinh Kim Cang.
Như vậy, pháp Nhất Thừa là mục đích giáo hóa của Đức Phật, và chiều cao của Pháp ấy là Phật quả. Và chiều cao ấy cũng là chỗ cùng đích của pháp Tam Thừa hướng đến.
Bởi vậy, không phải chỉ có Bồ-tát Thừa là đi tới Nhất Thừa mà Thanh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa cũng đều đi tới Nhất Thừa và thành tựu Phật quả. Thanh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa, Bồ-tát Thừa là những điều kiện cần phải có để cho hạt giống của Phật sinh khởi, nên Tam Thừa là chiều rộng hay là phương tiện của Nhất Thừa, vì thế mà kinh Pháp Hoa gọi là: “Phật chủng tùng duyên khởi, thị cố thuyết Nhất Thừa”.
Nếu chư Phật không sử dụng Tam Thừa để giáo hoá chúng sanh, thì hạt giống Phật hay hạt giống Nhất Thừa nơi hết thảy chúng sanh không có điều kiện để hiển thị. Do đó, tuy phương tiện là Ba mà cứu cánh chỉ là Một. Hay phương tiện là vô số mà đích điểm chỉ là Một, như trong kinh Hoa Nghiêm Ngài Văn Thù hỏi Bồ-tát Trí Thủ như sau:
“Thưa Đấng con Phật, ở trong Phật pháp, trí là trên hết, tại sao đức Như Lai đối với chúng sanh hoặc là Ngài ca ngợi bố thí, ca ngợi trì giới, ca ngợi nhẫn nhục, ca ngợi tinh tấn, ca ngợi thiền định, ca ngợi trí tuệ; hoặc ca ngợi Từ, bi, hỷ, xả, nhưng cuối cùng chỉ sử dụng Một pháp mà được thoát ly sinh tử, thành tựu đạo quả Vô thượng bồ đề?”.
Bồ-tát Trí Thủ trả lời:
“Các Đấng Đạo Sư Tôn kính ở quá khứ, hiện tại và vị lai, không có Ngài nào chỉ nói một pháp môn mà có thể dẫn chúng sanh đến ở chỗ cùng tột của đạo. Phật biết rõ tâm chúng sanh, chủng tính sai biệt không đồng, nên tùy theo hoàn cảnh, điều kiện của họ mà thuyết pháp hóa độ. Đối với người xan tham thì ca ngợi bố thí, đối với người huỷ phạm giới pháp, thì ca ngợi sự trì giới, đối với nguời nhiều sân hận, thì ca ngợi sự nhẫn nhục, đối với người biếng nhác, thì ca ngợi sự tinh cần, đối với người tâm loạn động thì ca ngợi thiền định, đối với người ngu si, thì ca ngợi trí tuệ, đối với người bất nhân, thì ca ngợi từ mẫn, đối với người trái ý bất mãn, thì ca ngợi đại bi, đối với người ưu sầu, lo lắng thì ca ngợi tuỳ hỷ, đối với người tâm khúc mắc, thì ca ngợi buông xả, tu tập tuần tự như vậy, từ từ sẽ trọn đủ pháp của chư phật.” (Hoa Nghiêm kinh 13, Thật Xoa Nan Đà, tr.68b, Đại Chính Tân Tu 10).
Và cũng từ những ý nghĩa của Nhất Thừa như vậy, nên ở trong Đại Thừa Trang Nghiêm kinh luận 5, Đại Chính Tân Tu 31, tr.615b, Ngài Vô Trước đã giải thích ý nghĩa Nhất Thừa tóm tắt qua bài kệ như sau:
“Pháp vô ngã giải thoát,
Đồng cố, tánh biệt cố,
Đắc nhị ý biến hoá
Cứu cánh thuyết Nhất Thừa”.
Nghĩa là:
Gọi Nhất Thừa là vì đồng với pháp; vì đồng với vô ngã; vì đồng với giải thoát; vì do chủng tính bất đồng; do chư phật đồng tự ý; do ý Thanh văn sẽ thành phật; do Phật hoá hiện và do cứu cánh.
Như vậy, theo Ngài Vô Trước, Nhất Thừa có tám ý nghĩa như sau:
– Vì đồng với pháp giới (Đồng pháp cố): Nghĩa là các hạng Trời, Người, Thanh văn, Đại Thừa cùng tồn tại chung trong một pháp giới (thể tính chân như), và tất cả đều có chung trong một hướng tới, nên gọi là Nhất Thừa.
Vì đồng thể tính vô ngã (Vô ngã đồng cố): Thanh văn và Đại thừa đều đồng nhất ở trong lý tính vô ngã, vì do đồng thú hướng ấy, nên gọi là Nhất Thừa.
Vì đồng giải thoát (Giải thoát đồng cố): Thanh văn hay Bồ-tát cùng đồng diệt trừ các chướng ngại phiền não, và cùng đồng giải thoát khỏi phiền não chướng, cùng vượt thoát sinh tử như nhau, nên gọi là Nhất Thừa.
Vì chủng tính khác biệt (Tánh biệt cố): Nghĩa là chủng tính của các hạng loại ở trong Tam Thừa dẫn đến Đại Thừa là không nhất định, Thanh văn có thể thành Phật, nên gọi là Nhất Thừa.
Vì tự ý đạt tới đồng với chư Phật (chư Phật đắc đồng tự ý cố): Nghĩa là chư Phật chứng đắc ý như thế nầy: “Những gì tôi đã đạt được, thì hết thảy chúng sanh cũng đồng đạt được như tôi”. Vì do ý nầy, nên gọi là Nhất Thừa.
Vì do ý rằng, Thanh văn cũng sẽ thành Phật (Thanh văn đắc tác Phật ý cố): Nghĩa là hạnh nguyện Đại bồ đề xưa kia của các hàng Thanh văn, khi hội đủ nhân duyên, thì nhất định tác thành phẩm tính của phật. Và vì khi ấy Phật gia hộ, nhiếp thọ đặc biệt, nên đạt được ý tự biết rằng, mình sẽ thành Phật. Do hạng Thanh văn nầy tương tục sau trước không khác biệt, nên gọi là Nhất Thừa. .
Vì do hóa hiện (Biến hóa cố): Do giáo hóa chúng sanh mà Đức Phật thị hiện làm Thanh văn và nhập Niết-bàn. Đúng như Ngài tự nói: “Tôi đã sử dụng thị hiện Niết-bàn của Thanh văn thừa vô lượng, vô số, ngoài phương tiện nầy không có phương tiện nào khác, để giáo hoá hạng người có căn khí thấp kém thể nhập Đại Thừa”. Chân lý chỉ là một, nên gọi là Nhất Thừa.
Do cứu cánh (Cứu cánh cố): Nghĩa là đạt tới thể tính của Phật, chứ không có xứ điểm nào khác, nên gọi là Nhất Thừa.
Và cũng ở trong Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận, Ngài Vô Trước cũng đã giải thích tại sao đức Phật nói Nhất Thừa qua bài kệ như sau:
“Dẫn tiếp chư Thanh văn,
Nhiếp trú chư Bồ-tát,
Ư thử nhị bất định,
Chư Phật thuyết Nhất Thừa”.
Nghĩa là:
Vì dìu dắt các hàng Thanh văn, nhiếp thọ đối với các hàng Bồ-tát Thập trú, do nơi hai hạng bất định nầy, các Đấng Giác Ngộ nói Nhất Thừa.
Như vậy, theo Ngài Vô Trước, Nhất Thừa là cảnh giới tự chứng ngộ của chư phật, là đích điểm hướng đến của những người phát bồ đề tâm, hành Bồ-tát đạo và đồng thời cũng là đích điểm quy thú của Tam Thừa và là bản nguyện của chư Phật ba đời ứng thân thị hiện hóa độ chúng sanh.
Với ý nghĩa Nhất Thừa như vậy, vậy thì giáo lý Nhất Thừa ở kinh Kim Cang Bát Nhã được diễn tả như thế nào? Đọc hết các tụng bản Kinh Kim Cang Bát Nhã thuộc hệ Hán Tạng, ta thấy trong các tụng bản không hề sử dụng từ ngữ Nhất Thừa mà đã sử dụng các từ ngữ như: Bồ-tát Đại Thừa (bản Bồ Đề Lưu Chi 1, tr.752c, Đại Chính Tân Tu 8), Tối Thượng Thừa (SĐD tr.755a), hoặc Vô Thượng Thừa, Vô Đẳng Thừa (bản Bồ Đề Lưu Chi 2, SĐD tr.579c; bản Chân Đế, tr.674b, Đại Chính Tân Tu 8), hoặc Thắng Thừa, Tối Thắng Thừa (bản Cấp Đa, tr 769b, Đại Chính Tân Tu 8); Tối Thượng Thừa, Tối Thắng Thừa (bản Huyền Tráng, tr.983a, Đại Chính Tân Tu 7), và ở trong bản của Ngài La Thập cũng như bản của Ngài Nghĩa Tịnh đều sử dụng là Đại Thừa, Tối Thượng Thừa (La Thập, tr.750c; Nghĩa Tịnh, tr.773c, Đại Chính Tân Tu 8), để chuyển tải giáo lý thâm diệu và cùng đích của kinh nầy. Và đọc kinh nầy văn hệ Sanskrit ta thấy có hai từ ngữ tương đương với hệ Hán tạng, đó là Agrayàna và ‘sreṣṭhayàna (Buddhist Sanskrit Text, No 17, P 80). Agra là tối thượng, hay cực điểm; yàna là thừa. Nghĩa là cỗ xe tối thượng, tức là cỗ xe cao nhất đi tới đích, không còn có cỗ xe nào hơn nữa. Hán dịch là Tối Thượng Thừa. ‘Sreṣṭha là bậc nhất, tuyệt nhất, cao nhất; ‘Sreṣṭhayàna là cỗ xe tuyệt đối, cỗ xe cao nhất không còn có sự so sánh. Hán gọi là Tối Thắng Thừa, Vô Đẳng Thừa…
Bodhisattvayàna, Hán dịch Bồ-tát Thừa là Thừa chỉ chung cho các hàng Bồ-tát từ sơ phát bồ đề tâm và đã trải qua nhiều giai đoạn hành Bồ-tát đạo. Thanh Văn Thừa, ý nghĩa của nó đã được đức Phật nói với Tôn giả Xá Lợi Phất ở trong kinh Pháp Hoa như sau: “Nếu có chúng sanh nào, có bản chất trí tuệ từ bên trong, theo Đấng Giác Ngộ-Thế Tôn, nghe pháp, tin hiểu, thọ trì, thiết tha nỗ lực, mong muốn mau chóng thoát ly ba cõi, cầu Niết-bàn cho chính mình, đó là hạng theo hạnh Thanh Văn Thừa.” Và ý nghĩa Duyên Giác Thừa cũng như Đại Thừa cũng đã được Đức Phật nói cho Tôn giả Xá Lợi Phất như sau: “Nếu có chúng sanh nào, theo Đấng Giác Ngộ – Thế Tôn, nghe pháp, tin hiểu, thọ trì, thiết tha nỗ lực, mong cầu tuệ giác tự nhiên, thích yên lặng và hạnh phúc một mình, biết sâu các pháp trong mười hai nhân duyên, đó là hạng theo hạnh Duyên Giác Thừa. Nếu có chúng sinh nào, theo Đấng Giác Ngộ-Thế Tôn, nghe pháp, tin hiểu, thọ trì, thiết tha nỗ lực, mong cầu tuệ giác hoàn toàn, tuệ giác của Phật, tuệ giác tự nhiên, tuệ giác tự mình chứng nghiệm, bốn sự không sợ hãi, mười năng lực tuệ giác và hết thảy tri kiến của Như Lai. Họ cầu mong như vậy là vì thương mến và muốn đem lại sự yên vui cho vô số chúng sanh, đem lại lợi ích cho cõi trời, cõi người, cứu độ cho tất cả đều được giải thoát, đó gọi là người đi theo hạnh Đại Thừa. Bồ-tát mong cầu Đại Thừa, nên gọi là chúng sanh vĩ đại”.(Diệu Pháp Liên Hoa Kinh 2, Thí Dụ Phẩm, La Thập, tr. 13b, Đại Chính Tân Tu 9). Như vậy, Thanh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa, Đại Thừa, không đơn thuần ở nơi pháp mà chính là ở nơi Tâm, Trí, Hạnh và Nguyện. Pháp của Phật đầu tiên và sau cùng cũng chỉ là “Một”, nhưng sai biệt là do Tâm, Trí, Hạnh và Nguyện của người theo Phật, nghe pháp, tin hiểu, thọ trì và tinh cần nỗ lực. Phật nói pháp chỉ là “Một”, mà người nghe pháp với tâm tư cạn cợt, với trí tuệ mỏng manh, với hạnh thiểu và nguyện hẹp thì pháp ấy có sức chuyển vận nhỏ. Phật nói pháp chỉ là “Một”, mà người nghe pháp với tâm tư rộng lớn, với trí tuệ sâu xa, với hạnh cao và nguyện cả, thì pháp ấy có sức chuyển vận lớn. Như vậy, Thanh văn Thừa, Duyên Giác Thừa, hay Đại Thừa không phải khẳng định từ nơi pháp phật thuyết mà từ nơi tâm trí và hạnh nguyện của người nghe pháp, hiểu pháp và thực hành pháp.
Bởi vậy, trong từ ngữ Mahayàna, Hán dịch là Đại Thừa, thì trong nội dung của từ ngữ nầy, nó bao hàm cả Thanh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa và Bồ-tát Thừa. Và từ ngữ Agrayàna trong kinh Kim Cang Phạn ngữ, ngài Huyền Trang và ngài Nghĩa Tịnh đều dịch là Đại Thừa, thì ý nghĩa của từ ngữ Đại Thừa nầy là nhằm diễn tả điểm tới cùng đích của Bồ-tát Thừa. Điểm cùng đích của Bồ-tát Thừa chính là Đại Thừa. Đại Thừa là nhân duyên sinh khởi từ nơi Thanh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa và Bồ-tát Thừa, nếu không có các thừa nầy, ắt Đại Thừa không có đủ điều kiện để sinh khởi.
Và từ ngữ ‘Sreṣṭhayàna, các nhà Hán dịch ở kinh Kim Cang Bát Nhã là Tối Thượng Thừa, Vô Thượng Thừa, Vô Đẳng Thừa là để khẳng định giáo pháp được Đức Phật trình bày ở trong kinh Kim Cang Bát Nhã có khả năng chuyển vận người nghe và thực hành pháp nầy đến chỗ cùng đích của Niết-bàn, đến chỗ cùng đích của sự giác ngộ, sau cùng đích nầy không còn có bất cứ đích điểm nào để người tu tập hướng tới nữa cả, vì chính nó là đích điểm tột cùng của người phát Bồ đề tâm, hành Bồ-tát đạo hướng đến.
Đích điểm tột cùng của Đại Thừa, hay Nhất Thừa hoặc Tối Thượng Thừa mà người phát Bồ đề tâm, hành Bồ-tát đạo hướng đến ở trong kinh Kim Cang Bát Nhã, Đức Phật đã dạy cho Tôn giả Tu bồ đề như sau:
“Hỡi Tu Bồ Đề, các vị Đại Bồ-tát, nên hướng dẫn và điều phục tâm của họ như vậy: Nghĩa là có hết thảy bao nhiêu loại chúng sanh, hoặc sinh ra từ trứng, từ thai, từ ẩm thấp, từ biến hoá, từ có hình sắc, từ không có hình sắc, từ có tư tưởng, từ không có tư tưởng, từ không phải có tư tưởng, từ không phải không có tư tưởng, tôi đều dẫn dắt họ đi vào Niết-bàn tuyệt đối. Dẫn dắt cho vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh như vậy, mà kỳ thật Bồ-tát không thấy có chúng sanh nào được mình dẫn dắt cả. Tại sao? Hỡi Tu Bồ Đề, nếu Bồ-tát mà còn có ý niệm về ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả thì không phải là Bồ-tát”.(Kim Cang Bát Nhã, La Thập, tr. 749a, Đại Chính Tân Tu 8).
Niết-bàn tuyệt đối là quả vị giải thoát và giác ngộ của Phật mà đồng thời cũng là cảnh giới thường trú của các Ngài. Đó là cùng đích của sự phát bồ đề tâm, và là hướng đến duy nhất của người thực hành Bồ-tát đạo. Cỗ xe chuyển vận vị phát bồ đề tâm, hành Bồ-tát đạo đi đến điểm cùng đích ấy, kinh Thắng Man, Pháp Hoa và Hoa Nghiêm gọi là Nhất Thừa, kinh Kim Cang Bát Nhã gọi là Tối Thắng Thừa hay Tối Thượng Thừa.
Ở Kinh Thắng Man, nói Nhất Thừa là cảnh giới duy nhất của Phật tự chứng nhập. Ở Kinh Pháp Hoa, đức Phật nói Pháp Nhất Thừa là để chuyển vận ba hạng thượng, trung và hạ căn thuộc Thanh Văn Thừa hội nhập Nhất Thừa, tức là hội nhập vào Niết-bàn tuyệt đối. Ở Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật nói Pháp Nhất Thừa là để chuyển vận hàng viên cơ, sơ phát tâm Bồ-tát tức thị hội nhập. Điều nầy kinh nói như sau:
“Sơ phát tâm Bồ-tát tức thị phật cố, tất dự tam thế chư Như Lai đẳng, diệc dự tam thế Phật cảnh giới đẳng, tất dự tam thế Phật chánh pháp đẳng, đắc Như Lai nhất thân vô lượng thân, tam thế chư Phật bình đẳng trí tuệ”.(Hoa Nghiêm Kinh 9, Phật Đà Bạt Đà La, tr. 452c, Đại Chính Tân Tu 9). = Nghĩa là: Bồ-tát sơ phát tâm chính là Phật, chắc chắn cùng ngang hàng với các Đức Như Lai trong ba đời, đồng thời cũng ngang hàng với cảnh giới của chư Phật trong ba đời, và hẳn nhiên cũng là cùng ngang hàng với chánh pháp của chư Phật ba đời, chứng đắc một thân Như Lai thành vô lượng thân, chứng đắc trí tuệ bình đẳng của ba đời chư Phật.
Ở Kinh Kim Cang Bát Nhã, đức Phật nói Pháp là để cho hạng Bồ-tát có căn khí đốn ngộ Đại Thừa, hay Tối Thượng Thừa hội nhập, như trong kinh đức Phật nói:
“Tu Bồ Đề, dĩ yếu ngôn chi, thị kinh hữu bất khả tư nghị, bất khả xứng lượng, vô biên công đức, Như Lai vị phát Đại Thừa giả thuyết, vị phát Tối Thượng Thừa giả thuyết”. (La Thập, tr. 750c, Đại Chính Tân Tu 8). Nghĩa là: Hỡi Tu Bồ Đề, tinh yếu mà nói, Kinh Kim Cang Bát Nhã là không thể nghĩ bàn, không thể đo lường, đối xứng, công đức là vô biên, Như Lai nói là vì người phát tâm Đại Thừa, người phát tâm Tối Thượng Thừa.
Người tu tập muốn đi đến cùng đích của Đại Thừa là Tối Thượng Thừa, thì người đó phải phát tâm bồ đề dựa trên nền tảng vô tướng như trong kinh Đức phật nói: “Tu Bồ Đề, Bồ-tát ưng ly nhất thiết tướng, phát A nậu đa la tam miệu tam bồ đề tâm”. (La Thập, tr. 750b, Đại Chính Tân Tu 8, ). Tương đương với Phạn văn như sau: “Subhùte bodhisattvena mahàsattvena sarvasaṃjñà vivarjayitvà anuttaràyàṃ samyaksaṃbodhàu cittam utpàdayitvyam”. (Buddhist Sanskrit Text, no 17, p 81) Nghĩa là: Hỡi Tu Bồ Đề, với Bồ-tát, đại Bồ-tát hãy xa lìa hết thảy ý tưởng mà phát tâm Vô thượng bồ đề.
Như vậy, Bồ-tát thực hành pháp Kim Cang Bát Nhã để hội nhập Nhất Thừa hay Tối Thượng Thừa là với sự phát tâm bồ đề có nội dung trống rỗng mọi ý tưởng về một bản ngã cố hữn ở nơi tự thân, ở nơi con người, ở nơi chúng sanh và ở nơi thọ mạng. Phát tâm như vậy là cách phát bồ đề tâm theo tinh thần của Kinh Kim Cang Bát Nhã. Và với sự phát tâm như vậy, thì ngay đó hành giả đã hội nhập với Nhất Thừa hay Tối Thượng Thừa. Đó là ý nghĩa Nhất Thừa hay Tối Thượng Thừa của Kinh Kim Cang Bát Nhã. Và với ý nghĩa nầy, Kinh Hoa Nghiêm gọi là “Sơ phát tâm Bồ-tát tức thị phật cố, tất dự tam thế chư Như lai đẳng, diệc dự tam thế Phật cảnh giới đẳng, tất dự tam thế phật chánh pháp đẳng”. (Hoa Nghiêm Kinh 9, Phật, tr. 452c, Đại Chính 9). Nghĩa là: Bồ-tát sơ phát bồ đề tâm chính là phật, chắc chắn cùng dự ngang hàng với các đức Như lai ba đời, đồng thời cũng dự vào hàng thế giới của chư Phật ba đời, và chắc chắn cùng dự vào hàng chánh pháp của chư Phật ba đời.
Vậy, muốn hội nhập Nhất Thừa hay Tối Thượng Thừa, thì ngay nơi vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng mà phát bồ đề tâm, sống đạo và hành đạo. Phát bồ đề tâm mà không hề vướng mắc vào bất cứ các tướng trạng nào của “ngã và pháp”, thì ngay đó là Phật, ngay đó là ở trong cảnh giới của Phật. Phật và thế giới của Ngài, theo cách nhìn của Kinh Kim Cang Bát Nhã chính là Vô tướng. Vô tướng là không có tướng chân thực của “ngã và pháp”. Nên, muốn thấy các Ngài và hội nhập vào thế giới ấy là phải đi bằng con đường Vô tướng. Con đường Vô tướng chính là Nhất Đạo, hành động để đem lại lợi ích cho hết thảy chúng sanh một cách tích cực mà không vướng mắc vào bởi bất cứ danh tướng nào của “ngã và pháp”cả, đó gọi là thực hành pháp Nhất Thừa bằng tuệ giác Kim Cang. Bất cứ ai sống và hành động bằng tuệ giác ấy, thì người ấy lúc nào và ở đâu cũng ở trong Vô thượng bồ đề; và vị ấy lúc nào và ở đâu cũng thường trú trong cảnh giới của chư Phật; và không có việc làm nào của vị ấy là không đem lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho hết thảy muôn loài. Nên, “Vô tướng” không những là điểm khởi phát mà còn là điểm đồng quy của mọi sự hiện hữu và nó không phải chỉ là điểm cùng đích của sự giác ngộ mà còn là đích điểm của muôn hạnh lành hướng đến.
Bởi vậy, “Vô tướng” là Nhất Pháp, khiến cho vạn pháp sinh khởi và đồng quy; “Vô tướng” là Nhất Hạnh khiến cho muôn hạnh từ đó khởi phát và đó cũng là điểm quay về của muôn hạnh; “Vô tướng” là Nhất Đạo, khiến cho muôn đạo từ đó mà đi và đó cũng là điểm đồng quy của muôn đạo; và “Vô tướng” là Nhất Thừa khiến cho Tam thừa từ đó mà khởi hành và cũng là điểm đồng quy của Tam thừa. Đó là Nhất Thừa Pháp qua cách nhìn của Kinh Kim Cang Bát Nhã.
(còn tiếp)
—o0o—