Hành trình Cá thể hóa Bản ngã khảo sát qua “Tự truyện Gandhi”

Không người nào là thiên tài từ lúc mới sinh ra. Thiên bẩm và sức mạnh của nó chỉ lộ diện đối với những người đã hiểu rõ được chính mình, chiến thắng và làm chủ được chính mình. Đó là quan niệm riêng của tôi về cái gọi là “tài” và “mệnh” trong cuộc sống. Tôi vẫn hãy còn mò mẫm đi tìm ý nghĩa của cuộc sống, nhưng tại giây phút hiện tại, tôi tin rằng con người được sinh ra để hiện thực hóa và phát triển – đến hết mức có thể – cái sở năng nội tại của mình. Và giây phút con người thành tựu trong quá trình “cá thể hóa” bản thân ấy – đó cũng là lúc mà con người tìm thấy được sự bình an trong tâm hồn mình.

Và khi đọc “Tự truyện Gandhi”, quan niệm ấy càng vun đầy trong tôi. Tôi có thể thấy nó rõ rệt thông qua chân dung thực của ông Gandhi: Từ một thanh niên nghiêm nghị, khắc khổ lúc trai trẻ trở thành một ông lão vui tươi, phúc hậu như Phật Di Lạc lúc về già. Hôm nay tôi xin viết đôi dòng luận bình về vấn đề này. 


Đầu tiên, tôi xin giới thiệu một chút về quyển sách “Tự truyện Gandhi”. Tên gốc của quyển sách là “The Story of My Experiments with Truth” (Những thử nghiệm của tôi với Sự thật) do chính Gandhi viết bằng tiếng Gujarati và sau được người thư ký – đồ đệ tin cẩn Mahadev Desai dịch sang tiếng Anh. Tự truyện, ngoài việc ghi lại những chuyện xảy ra trong cuộc đời Gandhi từ thuở ấu thơ đến năm 1921, còn được viết dưới một chủ đề xuyên suốt, mà như ông đã thú nhận: “…kể lại những thử thách của tôi về Chân lý, và vì cuộc đời của tôi không gì khác ngoài những cuộc thử thách ấy, nên những gì tôi kể quả thực mang hình thức một thiên Tự truyện”.

Ngoài ra, tôi cũng muốn nói sơ qua về vấn đề luận bàn trong bài nhận xét này: Quá trình Cá thể hóa Bản ngã. Tôi tin rằng, những ai – trên bước đường tìm kiếm tâm linh và ý nghĩa cuộc sống của mình – hẳn đã ít nhiều nghe đến Carl Jung và lý thuyết thành tựu/cá thể hóa bản ngã của ông. “Bản ngã” nói đến không phải là cái “ngã chấp” mà người ta hay dùng với ý nghĩa tiêu cực. “Ngã” ở đây được hiểu là cấu trúc xây dựng chính yếu của tâm thần con người. Nó siêu việt trên ngã chấp, trên cái tôi, và chứa đựng những hạt giống năng lực của giống loài. Cá thể hóa là lý do tồn tại của Ngã. Nói một cách đơn giản, quá trình Cá thể hóa Bản ngã là quá trình phát triển, tổng hợp và siêu việt hóa tinh thần con người trọn vẹn nhất có thể, mà “theo đó, mọi vật sống trở thành điều nó đã được ấn định trở thành ngay từ lúc đầu”

Ở đây, có thể thấy: “Chân lý” là nguyên động lực thúc đẩy hành trình của Gandhi: “Những gì tôi muốn hoàn thành – những gì tôi đã nỗ lực, khát khao hoàn tất suốt ba mươi năm nay – là khát khao tự chứng, khát khao đối mặt cùng Thượng đế, khát khao đạt đến Giải thoát (Moksha)”. Và “cái con người có thể chấp trì Chân lý” chính là mục tiêu tối hậu của quá trình cá thể hóa bản ngã trong cuộc đời ông.

Quá trình này phát điểm từ lúc con người mới lọt lòng và dùng ngũ quan để khám phá thế giới. Ở đây, ta bắt đầu từ thời thơ ấu của ông. 

1. Thuở ấu thơ: 
Xuất thân từ một gia đình khá giả, chức quyền ở Porbandar, phải nói là ông đã có một khởi đầu khá may mắn. Song sự may mắn về vật chất không phải là cái may mắn cho tinh thần. Ông là một học sinh xoàng, nhát gan, mỏng manh trước những áp lực xã hội, của gia đình, của bổn phận. Ông thiếu chính kiến, gia đình đặt đâu ông ngồi đấy, kể cả việc phải tuân phục theo ý cha mẹ để tảo hôn ở cái tuổi 13, để rồi trở thành một người chồng trẻ con đầy ghen tuông và ám ảnh tình dục (một điều mà về sau, ông hết sức lấy làm xấu hổ). 

Song cái niềm say mê Chân lý đã có những mầm mống non trẻ của nó: Ông không ưa nói dối. Sau khi bị bạn xấu rủ rê để sa chân trở thành người ăn thịt và ăn cắp  – vốn là điều cấm kỵ trong tôn giáo và đạo đức gia đình – ông vô cùng đau khổ và đã thú nhận mọi tội lỗi với cha mình. Sự tha thứ cao thượng của người cha đã là một nhân tố lớn chuyển hóa con người thơ dại trong ông, để đi đến “một xác tín rằng: Đạo đức là nền tảng của mọi sự, và Chân lý là tinh thể của mọi nền đạo đức”.

Có thể thấy, ngay từ đầu, Gandhi vẫn có xuất phát điểm giống như bao người: Một thằng Khờ (The Fool) trong quẻ Tarot, một con cừu ngây thơ với tâm lý phụ thuộc, nhìn cuộc đời bằng con mắt vô chừng, vô định. Bản ngã ông vẫn còn say ngủ. Chỉ có những mầm mống sơ khai được đánh thức bằng môi trường tôn giáo của gia đình, giúp ông sớm cảm nhận được nguyên tắc Bất hại (Ahimsa), việc ăn chay, nhịn ăn và sự khoan dung tôn giáo. Những mầm mống này đã in vết sâu đậm trong tinh thần ông, là “hành trang” để thằng Khờ trong ông mãi mãi mang theo trên suốt cuộc đời chinh phục Chân lý của mình.

2. Thuở thiếu niên: 
Đây là lúc mà thằng Khờ “mười tám tuổi, chưa có kinh nghiệm về thế gian” trong ông bắt đầu “lên đường” theo đúng nghĩa đen của từ ấy: Ông lập chí đi du học ở Anh quốc. Trước khi ông đi, bác ông tỏ ý quan ngại: “Bác không chắc một người có thể ở Anh quốc mà không tổn thương đến tôn giáo của mình”. Và điều này đúng như một lời Sấm. Tại Anh quốc, Gandhi gặp thử thách liên tục đối với chủ trương của bản thân. Nhưng tình yêu Chân lý đã thắng thế: Trước khi đi, ông đã phát nguyện “sẽ không động đến rượu, đàn bà và thịt” để an lòng mẹ, và ông thành tâm giữ trọn lời thế ấy. Tuy vậy, ông cũng không tránh khỏi vướng vào những mặc cảm về màu da, sắc tộc ẩn sâu trong tiềm thức, để rồi đua đòi bắt chước theo lối sống ngoại quốc (thay đổi trang phục, học nhảy, học Pháp ngữ, vĩ cầm…). 

Song có lẽ chính sự đơn độc ở một đất nước xa lạ với những con người khác niềm tin đã giúp ông kịp thời cảnh tỉnh lại. Sự đơn độc là con dao hai lưỡi. Một cách tích cực, nó giúp con người quán chiếu lại nội tâm bản thân để nhận ra cái gì mới là đích thực đối với mình. Và ở Gandhi, ông đã tự quán chiếu lại, để rồi quyết định lựa chọn việc ăn chay trường cũng như cần kiệm hóa, tối giản hóa cuộc sống. Nhận định của ông về quyết định này như sau: “Độc giả đừng tưởng rằng sự sống này làm cho cuộc đời tôi tiêu điều, ảm đạm. Trái lại, sự thay đổi kia đã khiến đời sống bên ngoài của tôi ăn nhịp với đời sống nội tâm… Sự sống của tôi như thế dĩ nhiên phù hợp với Chân lý hơn, và tâm hồn tôi cảm thấy một hoan lạc vô bờ”. Việc tự quán cũng giúp ông bắt đầu biết suy nghĩ đến tương lai mình. Ông học tập nghề Luật chăm chỉ hơn, mặc dù tính cách nhút nhát vẫn dấy lên trong ông những băn khoăn, hồ nghi về nghề nghiệp. Song có lẽ việc sống thật với bản tính đã giúp con người ấy can đảm lên đôi chút: “Bởi vì bình sinh tôi cũng khá thẳng thắn, cần mẫn nên tôi cảm thấy hơi yên tâm phần nào”.

Trong giai đoạn này, có thể thấy Gandhi đã bắt đầu nhận chân một khía cạnh khác của Chân lý: Chân lý nơi bản thân mình – đó là việc hiểu rõ tinh thần chính mình để rồi sống đúng với lập trường, thực tâm bản thân. Chính việc hiểu rõ chính mình như thế mới giúp cho ông có sức mạnh để đối mặt và chiến thắng những thử thách, cám dỗ. Cũng chính sự nhận chân đó đã chuyển đổi lối sống và tinh thần ông, cho ta một hình ảnh Gandhi chín chắn hơn trước.

3. Thuở thanh niên (hay thời kỳ đấu tranh quyền công dân ở Nam Phi): 
Sau khi trở về nước, Gandhi bắt đầu dấn thân vào đời thông qua nghề Luật sư. Bản tính rụt rè bẩm sinh, cộng với sự cương trực ghét nói dối và sự tự tôn tuổi trẻ khiến ông gặp không ít khó khăn trong việc hành nghề. Ông đành phải trở về quê nhà ở Rajkot, sống một cuộc sống khiêm tốn bằng việc soạn đơn thỉnh nguyện cho những người tố tụng. Bỗng xảy ra cuộc xung đột với viên chức người Anh, chuyển hướng đời ông sang hướng mới: Ông sang Nam Phi để làm việc. Ở đây, ông chứng kiến được sự phân biệt chủng tộc tàn bạo của người da trắng đối với cư dân Ấn kiều. Chính bản thân ông cũng bị nhục mạ và hành hung nhiều lần. Nỗi đồng cảm với những thống khổ mà người đồng hương phải chịu đựng ở Nam Phi thúc đẩy ông nghiên cứu đến vấn đề này. Tuy vậy, có thể thấy đấy mới chỉ là lòng nhân đạo đơn thuần. Nó chưa đúc kết được thành một lý tưởng trong ông. 

Khi công việc ở Nam Phi kết thúc và ông sắp sửa về nước, bỗng ông tình cờ đọc được một bài báo về một dự thảo luật bất công nhằm vào người Ấn kiều. Trong Tự truyện, ông cho rằng đó là ý muốn của Thượng đế: “Thế là Thượng đế đã đặt những nền tảng cuộc đời tôi ở Nam Phi và gieo giống cho cuộc đấu tranh đòi lại danh dự quốc gia”, mà không biết rằng: Mặc đó có phải là ý Trời hay không, điều quan trọng là chính ông đã tự mình lựa chọn con đường ấy. Nếu khi đó ông trở về nước, thì có lẽ sẽ không có một Mahatma Gandhi như ngày nay. Việc ông đưa ra lựa chọn (dù vô thức hay hữu thức) cho ta thấy sự chuyển hóa rõ rệt trong tâm hồn ông. Những mầm mống bản ngã rải rác giờ đây đã được tổ hợp lại, để rồi dưới động lực là niềm say mê Chân lý, đã dẫn dắt ông trở thành con người hành động hăng say: thảo thỉnh nguyện thư, thành lập Đại hội Ấn kiều, viết sách, báo… và khiến ông dấn thân vào con đường chính trị lúc nào không hay. 

Đời sống chính trị đã giúp ông nhận chân một lý tưởng sống mới cho bản thân: Lý tưởng Phụng sự. Hãy nhìn cách ông dẫn lời “Chí tôn ca” mà xem: “Cuối cùng, tốt hơn người ta nên làm công việc của mình với hết khả năng, dù thất bại, còn hơn đi làm những việc không phải của mình, mặc dù những việc kia có vẻ tốt đẹp hơn. Nếu phải chết vì thi hành phận sự của mình thì không hề gì, nhưng kẻ nào tìm con đường khác thì vẫn sẽ lầm lạc mãi”. Không phải tự nhiên mà một người có thể nhận thức được đâu là “con đường” của mình. Người đó chắc chắn phải phần nhiều hiểu thấu được bản tâm của mình. 

4. Thuở trung niên (hay thời kỳ đấu tranh vì nền độc lập Ấn Độ): 
Năm 1896, Gandhi trở về Ấn Độ với mục đích mang vợ con sang Nam Phi. Năm 1897, khi trở lại Nam Phi, ông bị một nhóm bạo lực da trắng tấn công và tìm cách sát hại bằng tư hình. Điều mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là thái độ của ông về vụ việc: Ông từ chối việc tố cáo nhóm bạo lực đã hành hung mình. 

Tự truyện không nhắc đến lý do vì sao ông lại lựa chọn như thế, song ta có thể nhìn thấy mầm mống của thuyết “Bất bạo động” đã khai mở trong ông. Sự khai mở này cũng đã dẫn đến hàng loạt những “thí nghiệm” của ông về việc giáo dục con cái, lập nguyện giữ Phạm hạnh (cuộc sống tuyệt dục), ăn chay, tuyệt thực, đơn giản hóa cuộc sống, tình nguyện cứu thương trong chiến tranh Boer, cải cách vệ sinh, cứu nạn đói… Đối với ông, chúng không những là những phương pháp hỗ trợ việc tự chứng mà còn giúp ông phụng sự tốt hơn: “Thế là việc phục vụ Ấn kiều ở Nam Phi luôn luôn khơi mở cho tôi thấy rõ hơn những ẩn ý mới mẻ của Chân lý vào mỗi giai đoạn. Chân lý giống như một đại thụ, ta càng nuôi dưỡng bao nhiêu, nó càng đơm trái kết quả bấy nhiêu. Ta càng đào sâu vào mỏ Chân lý thì càng dồi dào khám phá những bảo châu chôn trong đó, dưới hình thức những lối mở cho ta thấy dần dần muôn vàn cách thế phục vụ đại chúng”

Những cuộc thí nghiệm này vẫn tiếp diễn sau khi ông về Ấn Độ, cho thấy sự kiên trì Chân lý nơi ông. Để rồi dần dà, từ một ý niệm phát khởi “nhen nhúm” và “thai nghén” lâu dài trong tiềm thức, ông đã “tóm” được nó và phát triển thành lý tưởng “Bất bạo động”. Ông nhận chân nó như sau:

“Bất bạo động là một nguyên tắc hàm ẩn muôn vàn ý nghĩa. Chúng ta là những con người vô vọng bị tóm trong ngọn lửa dữ của bạo động. Câu cách ngôn: “Sinh mạng sống bằng sinh mạng” có một ý nghĩa sâu xa. Người ta không thể sống được một lúc nào mà không phạm đến sự bạo động một cách hữu thức hoặc vô thức… Một người theo đuổi Bất bạo động vì thế chỉ trung thành với niềm tin của anh ta khi mà mọi hành vi của anh ta đều tuôn phát từ lòng thương cảm, khi anh ta cố hết sức để tránh làm hại đến sinh vật nhỏ nhít nhất, cố cứu nó, và nỗ lực không ngừng để thoát khỏi cái thòng lọng chết người của bạo động. Anh ta sẽ luôn luôn tiến lên trong niềm từ bi, tiết dục, song vẫn không bao giờ có thể hoàn toàn thoát khỏi bạo động. 

Lại nữa, vì Bất hại chính là nhất thể của mọi sự sống, nên lầm lỗi của một người tất nhiên cũng là lỡ lầm của tất cả. Do đó con người không bao giờ có thể hoàn toàn thoát khỏi bạo động. Bao lâu y còn là một con vật xã hội thì y vẫn còn phải tham dự vào bạo động mà sự tồn tại của xã hội tự nó đã bao hàm”. 


Ở đây có thể thấy: Bạo động là thiên tính của Đất Trời – chỉ khi Đất Trời bạo động, nó mới có thể sinh sinh hóa hóa. Bao giờ con người còn sống thì anh ta không thể thoát khỏi nó, dù dưới tư cách cá nhân hay xã hội. Vậy anh ta chỉ còn có cách kiên trì “Bất bạo động” thông qua việc theo đuổi Phạm hạnh (tiết dục), Khổ hạnh (ăn chay, tuyệt thực…) để thanh luyện bản thân và nuôi dưỡng nơi mình một tình yêu vô kỷ, vô tha. “Định danh” được cái lý tưởng ấy, ông như đã tìm được la bàn dẫn đến Chân lý: “Sự Bất bạo động là căn để cho việc đi tìm Chân lý… Tôi nhận thức rằng cuộc tìm kiếm ấy sẽ vô vọng nếu nó không được đặt nền tảng trên sự Bất bạo động”

Những hoạt động của ông trong những năm tháng về sau: tuyệt thực để tranh đấu, tổ chức biểu tình, đình công ôn hòa tại Champaran và Kheda, phong trào Bất hợp tác, việc tham dự vào vấn đề Khilafat (dù bị chỉ trích), phong trào cầu nguyện, tuyệt thực và đình công để phản đối Dự luật Rowlatt, phong trào tẩy chay sản phẩm ngoại quốc, phát triển hàng quốc nội như vải khadi… – dù thất bại hay thành công, dù vấp phải nhiều lầm lỗi – tất cả đều là những sự “thực hành” để khai triển một mình nguyên tắc ấy. Chính chúng cũng thắp lên trong lòng ông những ý tưởng về việc xây dựng một nền tự chủ cho Ấn Độ – một nền tự chủ đi liền với việc xóa nghèo đói và sự phân biệt đẳng cấp mà ông theo đuổi đến hết cuộc đời của mình. 

Quả thật, sẽ không nói quá nếu cho rằng toàn bộ cuộc đời của Gandhi là một chuỗi dài những cuộc “thử nghiệm” liên tục – đúng như nhan đề của quyển Tự truyện. Có thể thấy, kết quả và kinh nghiệm rút ra từ những thử nghiệm không ngừng đó đã đi đến cái tâm điểm của nó là sự chứng ngộ về lý thuyết “Bất bạo động”. Quá trình ấy đã “hoàn thiện hóa” con người Gandhi: Từ một Gandhi trẻ con, nhút nhát đến một Gandhi luật sư ngay thẳng, một Gandhi luật sư kiên trung đấu tranh vì chính nghĩa, một Gandhi chấp trì Chân lý, và cuối cùng là một Mahatma Gandhi, với phong trào đấu tranh Bất bạo động đã dẫn dắt dân tộc Ấn Độ đến tự do, tự chủ và độc lập. 

Quá trình Cá thể hóa diễn ra ở mỗi người mỗi khác. Ở đây, tôi không dám xét đoán rằng quá trình ấy ở Gandhi có thật sự đạt được mục tiêu tối hậu của nó hay không. Chỉ một mình ông có thể trả lời được câu hỏi đó. Khi khảo sát qua Tự truyện, ta chỉ có thể thấy rõ sự trưởng thành rõ rệt về mặt nhân cách, quan niệm và lý tưởng của ông dần theo thời gian, để rồi ta có kết quả là một Mahatma Gandhi lưu danh sử sách ngày nay. Mahatma Gandhi ấy không thiếu những sở năng, sở đoản, những lỗi lầm và thành tựu – tất cả kết hợp lại, không phải để tạo ra một vị Thánh, mà tạo ra chân dung một con người đã hiểu thấu và làm chủ được cái “tài” của mình, để phát triển đến tột cùng cái “mệnh” của mình. Ấy chính là hình mẫu để qua đó, không phải để ta bắt chước và học tập theo (vì con người không ai giống ai cả) mà để thấy đó rồi tự nội quán lại quá trình sống của chính mình, để tìm thấy Chân lý nơi chính mình.

Trên đây là bài luận bình thô sơ của tôi về vấn đề Thành tựu hóa Bản ngã của Carl Jung thông qua “Tự truyện Gandhi”. Tôi không hiểu biết chuyên sâu về Tâm lý học nên những điều tôi viết ở đây chỉ là nhận định thiển cận của riêng tôi. Mong nhận được góp ý của những bạn độc giả khác.

SA MẠC
Một độc giả

Nguồn: Khai Tâm

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận