LỊCH SỬ BỘ PHÁI PHÁP TẠNG VÀ SỰ KẾT TẬP LUẬT TỨ PHẦN

CHƯƠNG V. TẠNG BỒ-TÁT

I. TẠNG BỒ-TÁT – BỘ PHÁI KẾT TẬP

Sau năm 100 trước Tây lịch, bộ phái Phật giáo có ít nhiều sự thay đổi. Có bộ phái suy yếu mà tan rã. Do khu vực và thời đại mà Thánh điển cũng có những nội dung mới. Như chi nhánh Đại chúng bộ đem phần đại hạnh Bồ-tát trong 4 tạng, có (kinh) “Đại thừa phương đẳng” tách riêng mà thành lập tạng thứ 5 là tạng Bồ-tát.[1] Pháp tạng bộ cũng lập riêng “tạng Chú thuật” và “tạng Bồ-tát”, thành 5 tạng… Đồng thời, Đồng diệp bộ (Tambapaṇṇīya) nổi tiếng là bảo thủ nhưng cũng có phần “Phật thí dụ”,[2] phẩm “Bảo châu kinh hành xứ” trong “Phật chủng tánh”,[3] nhằm thích ứng trào lưu tư tưởng của thời đại.[4]

Ngoài ra, một số nhà Phật học đã y cứ tác phẩm Thành thật luận (成實論/Satyasiddhi-śāstra) của Harivarman trước tác, cũng đề cập đến 5 tạng.[5] Họ cho rằng ông là phái Đa văn (Bāhuśrutīya), người Trung Ấn-độ, sống vào thế kỷ thứ III sau Tây lịch. Tài liệu này hiện còn bản Hán, 16 quyển, Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva) dịch khoảng năm 13 đến 14 (411-412) niên hiệu Hoằng thủy, thời Diêu Tần. Quyển 14 ghi: “Trước tiên tụng đọc Tu-đa-la (Sūtrapiṭaka), Tỳ-ni (Vinayapiṭaka), A-tỳ-đàm (Abhidharmapiṭaka), Tạp tạng (Saṃyuktapiṭaka), và Bồ-tát tạng (Bodhisattvapiṭaka).”[6]

Có thể khởi nguyên tư tưởng Bồ-tát hay tư tưởng Đại thừa ảnh hưởng từ sự kết tập tạng Bồ-tát của những bộ phái nói trên, nhưng đa số các nhà nghiên cứu cận đại đều nhắc đến phái Pháp tạng là nhiều. Như Lữ Trừng viết:[7]

“Nguồn gốc học thuyết Đại thừa, có thể xem từ hai phương diện: một là nguồn gốc lịch sử, hai là nguồn gốc xã hội. Về phương diện nguồn gốc lịch sử, có thể nghiên cứu từ những văn hiến còn được bảo tồn. Xem những tư liệu hiện còn, thì học thuyết của Đại thừa phát triển từ học thuyết của bộ phải. Nó ảnh hưởng bộ phái hoặc ít hoặc nhiều…

Pháp tạng bộ phát triển Bản sinh truyện, biên tập thành một loại ‘Tạng Bồ-tát’ rất đặc thù. Còn những bộ phái khác đặc Bản sinh truyện vào trong Tạp tạng, hoặc phân tán trong các kinh điển, không độc lập thành một tạng. Đài thừa khuếch đại phương pháp tu hành của Bồ-tát trước khi thành Phật, đem những công hạnh liên quan đến Bồ-tát chia làm sáu loại (lục độ, lục ba-la-mật) đều có thể đạt đến giải thoát, loại tư tưởng này liên quan đến việc xem trọng Bản sinh của bộ phái Pháp tạng.”

Phần Tạp tạng mà bộ phái Pháp tạng kết tập, từ kinh Như thị sinh cho đến Thánh kệ kinh là hình thức 12 bộ kinh hay gọi 12 phần giáo mà các bộ phái khác đều có kết tập. Như vậy, từ Bản sinh trong 12 phần giáo rồi biên tập thành tạng Bồ-tát độc lập như lời Lữ Trừng đã nói.

II. TỪ 9 BỘ KINH, 12 BỘ KINH ĐẾN BẢN SINH KINH (JĀTAKA)

a. Xuất xứ 9 bộ kinh và 12 bộ kinh:

b. Phái Pháp tạng kết tập 12 bộ kinh

Kinh Thanh tịnh, Trường A-hàm 12, ghi:

“Này t-kheo, trong mười hai b kinh hãy t mình chng nghim, ri lưu b rng rãi. Mt là Quán kinh (sutta). Hai là K d kinh (geyya). Ba là Th ký kinh (veyyākaraṇa). Bn là Kkinh (gāthā). Năm là Pháp cú kinh (udāna). Sáu là Tương ưng kinh (itivuttaka). By là Bản duyên kinh (jātaka). Tám là Thiên bản kinh (nidāna). Chín là Qung kinh (vedalla). Mười là V tng hu kinh (abbhutadhamma). Mười mt là Thí d kinh (avadāna/apadāna). Mười hai là Đại giáo kinh (upadesa). Các ngươi hãy khéo th trì, hãy tùy năng lc mà suy xét, phân b rng rãi.[8]

Như vậy qua hai lần ghi chép trong kinh Trường A-hàm, chúng ta thấy đều nêu đủ tên 12 bộ kinh, giống với luật Tứ phần đã dẫn trước. Có điều cách sắp xếp thứ tự 12 bộ theo mỗi bộ phái lại khác nhau. Nhưng các giới Phật giáo đều công nhận, từ 9 bộ thêm ba bộ: 1. Nhân duyên (nidāna), tức Thiện nhân duyên kinh, Thiên bản kinh; 2. Thí dụ (avadāna), Chứng dụ kinh, 3. Luận nghị (upadeśa), Ưu-ba-đề-xá kinh, Đại giáo kinh, thành 12 bộ.

Ui Hakuju đồng tình với các nhà học giả nghiên cứu Pāli, cho rằng 9 phần giáo (9 bộ kinh) là Thánh điển nguyên thủy, có từ thời A-dục (Asoka). Đại sư Ấn Thuận lại nói, trong quá trình triển khai Phật pháp, đặc biệt là sự phát triển Luật tạng và hình thức luận nghị, cảm thấy cần thiết bổ sung, cho nên thêm vào tổng hợp thành 12 phần giáo, tức 9 phần thêm 3 phần nữa. Và đại sư còn nói, Đại chúng bộ và hệ Phân biệt thuyết (Vibhajyavādin/Vibhajyavādin) khi truyền vào Tích-lan đều thuyết 9 phần giáo của thời kỳ đầu.

Như vậy, phái Pháp tạng phân loại 12 bộ kinh là kế thừa công trình của Đại chúng bộ và Hữu bộ như Nalinaksha Dutt đã nói. Và phái này muốn kết tập 12 loại kinh thành Tạp tạng nằm ngoài 4 bộ A-hàm như luật Tứ phần ghi chép. Hoặc giả như đại sư Ấn thuận nhận định, phân kinh pháp thành 9 loại là quan điểm của những vị sư chú trọng về kinh; còn phân chia thành 12 loại là những vị sư chú trọng về luật, đây cũng là cách làm truyền thống theo chuyên môn trong kỳ kết tập đầu tiên mà Hirakawa Akira viết trong tác phẩm Lịch sử Phật giáo Ấn-độ: “Đức Phật nhập diệt không bao lâu, các tỳ-kheo bắt đầu tổ chức kết tập Pháp và Luật theo cách phân công chuyên môn. Điều kiện chẳng hạn, thầy trì kinh (teacher of the sūtras [suttantika]), thầy thuyết pháp (proclaimer of the Dharma [dharmakathika]), thầy trì luật (upholder of the vinaya [vinayadhara]) và thầy trì pháp (upholder of the Dharma [Dharmadhara].[9] Thời gian hoàn chỉnh 12 phần giáo này, có thể phái Pháp tạng biên soạn trong thời vua A-dục hay sau đó không xa lắm. Vì phái này xuất hiện cùng thời với vua A-dục là thế kỷ thứ III trước Tây lịch.

c. Bản sinh kinh

Như chúng ta thấy, kinh Bản sinh (jātaka) của bộ phái Pháp tạng tổ chức ban đầu là hình thức thể tài văn học trong 12 phần giáo, trong luật Tứ phần gọi là Bổn kinh, Trường A-hàm tên Bản duyên kinh; và xếp trong phần Tạp tạng.

Bản sinh, dịch âm là Xà-đa-già, Xà-đà v.v…, dịch nghĩa Sinh, Bản sinh. Thành thật luận quyển 1 giải thích: “Nhân việc hiện tại mà nói việc quá khứ.[10]

Đại tỳ-bà-sa luận quyển 126, nói: “Thế nào là Bản sinh? Nghĩa là trong các kinh, tuyên thuyết sự kiện đời sống trải qua trong quá khứ, như các kinh Bản sinh nói về con gấu, con nai v.v… Hoặc vì chuyện Đề-bà-đạt-đa mà đức Phật nói về 500 đời trước v.v…”[11]

Đại sư Ấn Thuận nói, biên tập kinh Bản sinh phân làm hai loại, do Kinh sư lưu truyền và Luật sư lưu truyền. Bản sinh mà Kinh sư lưu truyền không ngoài Bản sự (itivṛttaka), tức những câu chuyện về kiếp trước của các bậc tiên hiền trong dân tộc Ấn được Phật giáo thâu hóa. Những chuyện quá khứ này, một bộ phận được giải thích là chuyện đời trước của đức Thích Tôn như chuyện Đại Điển Tôn,[12] Đại Thiện Kiến vương[13] v.v…

Bản sinh do Luật sư lưu truyền căn cứ vào những việc của tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, hoặc Tăng đoàn. Thuyết minh về đời quá khứ, liên hệ đến đức Phật và đệ tử, không giới hạn chỉ có đức Phật mà trong quá khứ cũng có vua, quần thần, trưởng giả, bà-la-môn, bình dân, quỉ thần, động vật: nai, voi, vượn, rùa, rắn, chim, rất nhiều đối tượng trở thành chủ nhân của Bản sinh.[14]

Hiện nay, kinh Trung A-hàm của phái Pháp tạng không còn nhưng chúng ta có thể tìm hiểu so sánh qua kinh Trung A-hàm bản Hán hiện còn của Hữu bộ, như kinh Trường Thọ vương bản khởi, hay kinh Đại Điển Tôn, Đại Thiện Kiến vương trong Trường bộ (Dīgha-nikāya) của Thượng tọa bộ, thì cũng rõ về hình thức biên soạn Bản sinh của Kinh sư phái Pháp tạng tương đồng. Còn chuyện Bản sinh theo Luật sư phái Pháp tạng hoằng truyền lấy ác hạnh của tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà và Đề-bà-đạt-đa làm đề tài, biên tập thành Bản sinh. Đây là cách làm giống với Thượng tọa bộ nhưng số lượng chuyện ít hơn. Những chuyện Bản sinh trong luật Tứ phần:

Quyển 3, tr. 584c: long vương Ma-ni-kiền-đại (Maṇikaṇṭha) quí tiếc bảo châu; tr. 585a: con chim quý trọng đôi cánh; tr. 585c: tỳ-kheo Lại-tra-bà-la[15] không đến nhà cha khất thực. Ba câu chuyện này ý nghĩa khuyên tỳ-kheo tránh hướng đến người khác xin cầu, khỏi bị họ chê bai. Những chuyện này Ấn Thuận nói Tứ phần chỉ nêu ví dụ chứng minh, không phải Bản sinh. Luật Ngũ phần của Hóa địa bộ xem là Bản sinh.

Quyển 11, tr. 634c: bò ưa thích ái ngữ – liên quan pācittiya (ba-dật-đề) 2, nhục mạ; tr. 636a-b: sư tử Thiện Nha, hổ Thiện Bác, và dã can (linh cẩu) – liên quan pācittiya 3, nói hai lưỡi.

Quyển 25, tr. 737a-b: con chim nhạn có bộ lông bằng vàng là tiền kiếp người bà-la-môn chủ vườn tỏi. Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà (Thullanandā) quá khứ là vợ ông ta. Con cái của ông ta nay là thức-xoa-ma-na, sa-di-ni… Câu chuyện giáo dục về lòng tham (Phần II. Giới pháp tỳ-kheo-ni, pācittiya 70. Ăn tỏi).

Quyển 43, tr. 880b: truyện quá khứ về vua Trường Sanh.[16] Do các tỳ-kheo ở Câu-thiểm-di (Kauśāmbī) đấu tranh không hòa giải. Đức Phật mới kể truyện này để chứng minh, đức tánh nhẫn có thể dừng đấu tranh.

Quyển 46, tr. 910a: thiếu niên bà-la-môn Tán-nhã, tiền thân của Xá-lợi-phất. Thủ lĩnh tên cướp là tiền thân của Đề-bà-đạt-đa (Devadatta), 500 tên cướp là 500 tỳ-kheo theo Đề-bà-đạt-đa; tr. 910c: truyện Thiện Hành là tiền thân của Phật, và Ác Hành là Đề-bà-đạt-đa.

Quyển 50, tr. 940a: chim tu hú, khỉ và voi – khuyên người nhỏ nên tôn kính bậc trưởng lão (Kiền-độ phòng xá: thứ bậc Tăng trong già-lam).

Quyển 51, tr. 950b: vua Huệ Đăng, tiền thân của đức Thích Tôn (Kiền-độ tạp sự).

Nhìn chung thì, loại Bản sinh do Kinh sư lưu truyền thường dùng câu “đây chính là Ta” làm lời kết, trở thành truyện Bản sinh của Phật, và cũng là đại hạnh của Bồ-tát. Bản sinh do Luật sư truyền, khi nói về người nào, sự việc gì, nói: “Không những hiện tại như thế, mà trong quá khứ cũng như thế.” “Người… trước đây, hiện nay chính là…”[17]

Bản sinh mà Kinh sư lưu truyền (chuyện Bản sinh về Bồ-tát), loại này như biên tập trong Trường bộ không có kệ tụng. Bản sinh do Luật sư lưu truyền (chuyện Bản sinh về Phật và đệ tử), loại này chủ yếu là kệ tụng (có khi không phải kệ tụng).

Thời kì đầu, Bản sinh biên soạn chỉ có hai phần là kể chuyện quá khứ và kết luận hiện tại. Đó là hình thức của 9 bộ kinh (9 phần giáo). Jātaka trong Khuddakanikāya (Tiểu bộ) thuộc Thượng tọa bộ với tính chất bảo thủ, giữ gìn nghiêm khắc bản sắc Phật giáo Thanh văn nên có khả năng biên tập trước Tây lịch. Về sau khi bộ phái hình thành, kết hợp hình thức biên soạn trên với chuyện tiền thần của Phật (chuyện Bản sinh của Bồ-tát) tạo thành 3 phần: 1. Nhân duyên sự việc; 2. Nói đến việc đời trước, trong đối thoại có kệ tụng; 3. Đúc kết việc hiện tại. Đây là khuynh hướng chung của Đại chúng bộ và Phân biệt thuyết bộ, sau thời đại vua A-dục (thế kỷ thứ III trước Tây lịch). Nguồn gốc có Bản sinh hoặc Thí dụ là cùng thời kết tập với Kinh và Luật của bộ phái (khoảng 300 trước Tây lịch đến 250 trước Tây lịch). Có thể trong thời gian này, hay sau đó một chút, phái Pháp tạng đã dựa tạng Tỳ-ni (Vinaya), biên chép cuộc đời đức Phật, thành tác phẩm độc lập cho bộ pháiPhật bản hạnh tập kinh.

III. PHẬT BẢN HẠNH TẬP KINH

Phật bản hạnh tập kinh (Abhiniṣkramaṇasūtra 佛本行集經), bản Sanskrit không tìm thấy. Bản Hán hiện còn xếp trong tạng Đại chánh tập 03, No. 190.

Phật bản hạnh tập kinh do Xà-na-quật-đa (闍那崛多/Jñānagupta, 523-600), xuất thân từ dòng Bà-la-môn, nước Kiện-đạt-la (gandhāra), bắc Thiên trúc. Căn cứ các Kinh lục, ngài rất giỏi Hán ngữ. Ngài đến Trung Quốc, gần sau 30 năm mới bắt đầu dịch bản kinh này, thời gian dịch khoảng 3 năm rưỡi (587-591), bắt đầu dịch tháng 7 năm thứ 7 niên hiệu Khai hoàng, đến tháng 2 năm thứ 11 là xong, tất cả 60 quyển. Sa-môn Tăng Đàm, Học sĩ Phí Trường Phòng, Lưu Bằng v.v… bút thọ, sa-môn Ngạn Tông viết lời tựa.[18]

Nội dung kinh này nói về sự tích đản sinh, xuất gia, thành đạo… của đức Phật và nhân duyên các vị đệ tử quy y, được Phật hóa độ. Đây là bộ kinh đại tập thành Phật truyện. Toàn kinh chia làm 3 bộ 60 chương:

Bộ thứ nhất: gồm 5 chương, nói về chuyện Bản sinh của đức Phật, tức phát tâm bồ-đề, sinh lên cung trời Đâu-suất, gá thai phu nhân Ma-da.

Bộ thứ hai: gồm 32 chương, nói về thời kì tại gia của đức Phật, như đản sinh, học tập lấy vợ, sinh con, cho đến ôm ấp lí tưởng thoát tục. Sau khi xuất gia là thời kì tu hành, hỏi thăm các vị tiên khổ hạnh. Sau khi thành đạo là thời kì hành đạo, sơ chuyển pháp luân.

Vọng Nguyệt Tín Hanh nhận xét, bản tiếng Phạn của kinh này cho đến nay chưa được tìm thấy, còn bản Hán dịch lời văn rất ít được trau chuốt, sửa sang, điều này chứng tỏ sự phiên dịch cực kì trịnh trọng. Đây là bản kinh rõ ràng nhất trong các bản Phật truyện. Văn học Phật truyện trong bản kinh này khác với các bản khác, đặc biệt có 4 phần: trước hết nêu phổ hệ của Phật; kế đến nêu phổ hệ của vua, có nhiều truyện Bản sinh, và hỗn hợp nhiều loại truyện khác. Bản kinh này là tư liệu quan trọng để nghiên cứu về xã hội và lịch sử Phật giáo Ấn-độ thời xưa.[19]

Cho đến nay các học giả nghiên cứu Phật học như J. K. Nariman,[20] Ấn Thuận,[21] và nhà soạn từ điển Vọng Nguyệt v.v…[22] đều công nhận bản kinh này là của phái Pháp tạng. Nhưng học giả Nhật Bản Thủy Giả Hoằng Nguyên lại có một cái nhìn mới về bản kinh này. Ông viết tác phẩm Nghiên cứu văn hiến Phật giáo, so sánh Phật bản hạnh tập kinh và bản Phạn Đại sự (Mahāvatsu) của Đại chúng bộ, đưa ra nhiều điểm nghi ngờ:

Phật bản hạnh tập kinh, đúng như danh từ “tập kinh 集經”, tức tập đại thành truyện Phật của năm bộ phái: Đại chúng bộ, Ẩm quang bộ, Hóa địa bộ, Thuyết nhất thiết hữu bộ, Pháp tạng bộ. Năm bộ phái này có thể còn hành tung thời gian trước sau Tây lịch, ở vùng Tây bắc Ấn-độ. Như trong Đại Đường Tây vực kí[23] của Huyền Trang ghi lại, ở Tây bắc Ấn-độ, đương thời còn 5 bộ phái. Vậy bản Phạn Phật bản hạnh tập kinh mà Xà-na-quật-đa dịch như thế nào? Hoặc có thể bản Phạn ấy do Bảo Xiêm mang về. Trước khi bản kinh này được dịch, Bảo Xiêm từ Tây Vực Ấn-độ mang về 260 bộ kinh bản Phạn, trong đó có Phật bản hạnh tập kinh.[24]

Ông nói, lời tựa mà Ngạn Tông viết có thể tường thuật công việc phiên dịch bản Phật bản hạnh tập kinh, nhưng đã bị thất lạc. Và ông suy luận: Xà-na-quật-đa là người Tây bắc Ấn-độ, ngài biết đương thời có năm bộ phái tồn tại ở nơi đó, rồi theo ý kiến của mình khi dịch đã sắp xếp cho thích hợp, đặt tên “Phật bản hạnh tập kinh”? Hoặc ngay trong bản Phạn Phật bản hạnh tập kinh đã dung hợp tư liệu truyện Phật của 5 bộ phái vào trong đó? Lúc Xà-na-quật-đa dịch có trung thành với nguyên văn hay không, hay đủ trình độ mà tỉnh lược? Cuối cùng, ông so sánh giữa Phật bản hạnh tập kinh và bản Phạn Đại sự suy đoán, có thể trong bản Phạn Phật truyện của 5 bộ phái riêng biệt, Xà-na-quật-đa mới theo đó mà lấy bỏ, sắp xếp dịch ra, hoặc dịch tự do, tỉnh lược hay thêm vào v.v…

Trong chánh văn Phật bản hạnh tập kinh khi nói đến truyện Phật liên quan bộ phái nào thì có ghi chú nhỏ (trong ngoặc), không nói riêng bộ phái nào, như nói đến Đại chúng bộ 11 lần, Ẩm quang bộ 12 lần, Hóa địa bộ 5 lần, Thuyết nhất thiết hữu bộ 2 lần, Pháp tạng bộ 1 lần. Trong tác phẩm này thấy Phật truyện của Đại chúng bộ là nhiều nhất, khiến chúng ta nghĩ đến có thể trích dẫn Phật truyện từ Đại sự.

Ông dẫn chứng ví dụ chứng minh như quyển đầu Phật bản hạnh tập kinh, nhập đề “Tôi nghe như vầy”, bản Phạn “Đại sự” cũng giống. Hoặc Đại Mục-kiền-liên đến trời Tịnh cư, thiên tử Tịnh cư nói kệ:

於百千劫中,

懃求菩提道,

過於多時來,

眾生中大寶,

世間難見者,

唯有佛世尊.[25]

(Ở trong trăm ngàn kiếp,

Cần cầu đạo bồ-đề,

Trải qua thời gian lâu,

Đại bảo trong chúng sinh.

Thế gian khó thấy biết,

Duy có Phật Thế Tôn.)

Bản Phạn (tr. 1.56):

Kalpāna śatasahasraṁ saṁdhāvitvāna bodhiparipākaṁ, sucirasyanantaratano buddho lokasmiṁ upapanno.

(Thời gian trăm ngàn kiếp, (một mặt cầu) thành thục bồ-đề (một mặt) chuyển thế, trải qua thời gian lâu, đức Phật – báu vậu vô hạn – bắt đầu sinh trong thế gian.)

Nguồn gốc cả hai văn bản có cùng một kệ.

Hoặc Phật quá khứ:

Phật bản hạnh tập kinh 3 (tr. 663b): 1. Phật Nhiên Đăng 然燈, 2. Thế Vô Tỉ 世無比…; bản Phạn Đại sự (p.300-301): 1. Dīpaṃkara, 2. Sarvābhibhū v.v…

Và chuyện Bản sinh trong Phật bản hạnh tập kinh có rất nhiều, là dịch từ Đại sự của Đại chúng bộ, hoặc cũng có thể dịch từ Căn bản hữu bộ, hay truyện Phật của Hữu bộ. Trong Phật bản hạnh tập kinh (quyển 60)[26] có nói đến Đại trang nghiêm kinh của Hữu bộ. Văn hiến Đại trang nghiêm kinh hiện nay không còn.[27]

Tuy nhiên, Thủy Giả Hoằng Nguyên cho rằng Phật bản hạnh tập kinh Đại sự là tư liệu gần như giống nhau, cũng có một số chỗ không nhất trí, nhưng không thấy ông kết luận bản này không phải của Pháp tạng bộ. Hay ý ông muốn chứng minh đây là tài liệu của Đại chúng bộ.

IV. KINH BẢN SINH TRUYỀN DỊCH Ở TRUNG QUỐC

Bản sinh được biên tập và truyền dịch đến Trung Quốc sớm nhất là Lục độ tập kinh 六度集經, 8 quyển, do Khương Tăng Hội (227-239) dịch thời Ngô, tạng Đại chánh tập 3, No. 152.

Nội dung kinh này ghi chép 91 tích truyện Bản sinh của đức Phật khi tu Bồ-tát đạo thời quá khứ, phối hợp với Lục độ của Phật giáo Đại thừa mà thành, nên gọi là Lục độ tập kinh.

Quyển 1-3: nói về bố thí độ; quyển 4: nói về trì giới; quyển 5: nói về nhẫn nhục; quyển 6: nói về tinh tấn; quyển 7: nói về thiền định; quyển 8: nói về trí tuệ.

Điểm đặc sắc của bộ kinh này là xiển dương hạnh Bồ-tát của Phật giáo Đại thừa. Ngoài truyện Bản sinh của đức Phật, còn có truyện Bản sinh của bồ-tát Di-lặc. Phần lớn các truyện Bản sinh trong kinh này có thể thấy trong các bản Pāli và các bản Hán dịch khác. Nguyên bản của kinh này đã bị thất lạc.

Hikata Ryūshō[28] dựa vào nội dung bản kinh này suy đoán, có lẽ Lục độ tập kinh được thành lập vào thế kỉ thứ II.

Đại sư Ấn Thuận cũng nói,[29] Lục độ tập kinh có Lục độ ba-la-mật là thời kì đầu của Đại thừa, và cách sắp xếp thứ tự các hạnh tu tập của Bồ-tát chính là sự thành lập “Phật chủng tánh” (佛種性, buddhavaṃsa, dịch Phật sử, là bộ thứ 14 của Tiểu bộ. Tổng cộng có 28 phẩm, phẩm 1 là Bảo châu kinh hành xứ [Ratanacaṅkamanakaṇḍaṃ]; từ phẩm 2 đến phẩm 25, thứ tự kể về 24 vị Phật trước Phật Thích-ca. Phẩm 26 là phẩm Cù-đàm [Gotamabuddhavaṃso]. Phẩm 27 là phẩm Chư Phật [Buddhapakiṇṇakakaṇḍaṃ]. Phẩm 28 là phân chia xá-lợi [Dhātubhājanīyakathā]. Từ phẩm 2 đến 26 kể về nhân duyên khi còn Bồ-tát, từ việc được Phật Nhiên Đăng [Dīpaṃkara] thọ kí, đến thành Phật Thích-ca; kể về quốc độ, cha mẹ… của 25 vị Phật, thành chuỗi dài trong kinh Đại bổn [Mahāpadāna sutta] thuộc Trường bộ) và “Sở hành tạng” (所行藏, cariya-piṭaka: kể tiền kiếp đức Phật, trong đó nêu rõ trong các đời sống cũ, Ngài đã đạt mười Ba-la-mật-đa [pāramitā]. Gồm 35 chuyện tiền thân đức Phật được kể theo lời thỉnh cầu của tôn giả Sariputta, với mục đích nêu rõ ý chí tầm cầu giải thoát với nỗ lực cao độ và sự hy sinh vô thượng mà Bồ-tát đã thực hiện qua mười công hạnh Ba-la-mật [viên mãn] của Ngài.) như trong Tiểu bộ (Khuddakanikāya) của Đồng diệp bộ (Tāmrā-śātīya).

Những kinh trong Đại chánh tập 3 tương đương với Lục độ tập kinh:

1. Kinh Trường thọ vương 長壽王經, 1 quyển, Tăng Hựu ghi mất tên người dịch, nay xếp vời thời Tây Tấn, No. 161.

2. Kinh Phật thuyết đỉnh vương nhân duyên 佛說頂生王因緣經, 6 quyển, Thi Hộ (Dānapāla), người Udyāna, bắc Ấn-độ, dịch thời Tống, No. 165.

3. Kinh Phật thuyết thái tử Mộ phách 佛說太子慕魄經, 1 quyển, An Thế Cao, người An Tức (Parthia), dịch thời Hậu Hán, No. 167.

4. Kinh Phật thuyết thái tử Mộ phách 佛說太子慕魄經, 1 quyển, Trúc Pháp Hộ (Dharmarakṣa) dịch thời Tây Tấn, No. 168.

5. Kinh Thái tử Tu-đại-noa 太子須大拏經, 1 quyển, Thánh Kiên (người Tây Vực) dịch thời Tây Tần, No. 171.

6. Kinh Phật thuyết Bồ-tát Thiểm tử 佛說菩薩睒子經, 1 quyển, khuyết tên người dịch, nay xếp dịch thời Tây Tấn, No. 174.

7. Kinh Phật thuyết đại ý 佛說大意經, 1 quyển, Cầu-na-bạt-đà-la (Guṇabhadra), người Trung Ấn-độ, dịch thời Lưu Tống, No. 177.

8. Kinh Phật thuyết cửu sắc lộc 佛說九色鹿經, 1 quyển, Chi Khiêm dịch thời Ngô, No. 181.[30]

Về bản Lục độ tập kinh có thể là của trường phái Pháp tạng, vì có liên hệ với thân thế đạo nghiệp của Khương Tăng Hội – phả hệ truyền thừa Luật tông tại Việt Nam, điều này sẽ nói rõ ở chương sau. Nếu bản Lục độ tập kinh thuộc phái Pháp tạng thì những bản kinh tương đương cũng thuộc trường phái này.

Ngoài ra còn có Sanh kinh 生經, 5 quyển (55 kinh), Trúc Pháp Hộ dịch ngày 19 tháng giêng, năm thứ 6 niên hiệu Thái khương (Tấn vũ đế – khoảng trước sau năm 300 Tây lịch);[31] hoặc Phật thuyết Bồ-tát bản hạnh tập kinh佛說菩薩本行經, 3 quyển, mất tên người dịch, xếp vào thời Đông Tấn v.v…

Thật sự trong quá trình hoằng hóa thực dụng, giới Phật giáo truyền về phương Bắc đều dung hòa các loại Thí dụ, Bản sinh, Nhân duyên, cho nên truyền đến Trung Quốc, không chỉ kết tập Bản sinh thuần túy mà càng về sau bộ phận này dung hợp dần với Đại thừa.

V. KINH TẠNG BỒ-TÁT HIỆN CÒN

1. Kinh Pháp kính (Ugraparipṛcchā Sūtra), 1 quyển, An Huyền người An tức (Parthia) dịch thời Hậu Hán, xếp trong tạng Đại chánh tập 12, No. 322; Nghiêm Phật Điều bút thọ. Bản kinh này tương đương với Hội Úc-già trưởng giả (郁伽長者會第十九) trong kinh Đại bảo tích (Mahāratnakūṭa Sūtra) hội thứ 19, quyển 82, tập 11, No. 310, Khương Tăng Khải (Saṃghavarman) dịch thời Ngụy, và kinh Úc-ca-la-việt vấn bồ-tát hạnh 郁迦羅越問菩薩行經, tập 12, No. 323, Trúc Pháp Hộ dịch thời Tấn, đồng bản mà khác cách dịch.

Kinh Pháp kính  còn giống với nội dung Thập trụ tì-bà-sa luận (Daśabhūmika-vibhāṣā-śāstra, Long Thọ/Nāgārjuna tạo, Cưu-ma-la-thập/Kumārajīva dịch thời Hậu Tần. Luận điển này thuộc đầu thế kỉ thứ III Tây lịch) quyển 7, 8, Đại chánh tập 26, No. 1521, trang 57b, 63a; quyển 16, trang 111b, 115a.

Những kinh văn trên đại sư Ấn Thuận xếp vào bộ loại kinh điển thời sơ kì Đại thừa.[32] Nalinaksha Dutt nhận xét, đây là hình thức văn học mới thời bán Đại thừa, cũng thuộc Jātaka và Avadāna. Các nhà Tiểu thừa hoặc muốn phổ thông hóa đạo Phật hay để hàng cư sĩ chú tâm nhiều hơn nữa, và chấp nhận giáo lý của mình, quan niệm Bồ-tát và sự thực hành các hạnh ba-la-mật.[33]

2. Kinh Pháp kính, Úc-già trưởng giả, Úc-ca-la-việt vấn bồ-tát hạnh xếp trong Đại chánh 12 thuộc Bảo tích bộ hạ 寶積部下, tức Bảo tích biệt bản (Ratnarāśivyākaraṇa), cũng là một phần trong Đại bảo tích kinh 大寶積 經 (Mahāratnakūṭa Sūtra), 120 quyển, do Bồ-đề-lưu-chi (Bodhiruci, người Nam Thiên trúc) v.v… dịch thời Đường, Đại chánh 11.

Bộ kinh này do biên chép thu thập các kinh viết về hạnh nguyện tu hành của Bồ-tát và được thọ kí thành Phật. Kinh này là bản tổng hợp của tân dịch và cựu dịch, gồm 49 hội (bộ). Trong đó, các nhà dịch kinh đời Ngụy, Tấn, Nam Bắc triều, Tùy, Đường lần lượt dịch các kinh khác nhau, tất cả 23 hội, hơn 80 quyển, gọi là cựu dịch. Ngài Bồ-đề-lưu-chi dịch 26 hội, 39 quyển rưỡi, gọi là tân dịch. Như Úc-già trưởng giả, hội 19 tương đương với kinh Pháp kính, Úc-ca-la-việt vấn bồ-tát hạnh.

Jonathan Silk cho rằng kinh Đại thừa Bảo tích biệt bảnĐại bảo tích có bối cảnh liên hệ với nhau, nguồn gốc từ vài trường phái trong đó có Pháp tạng bộ.[34]

3. Kinh điển Bát-nhã liên hệ đến Pháp tạng bộ. Kajiyama Yūichi viết tác phẩm Tư tưởng Bát-nhã, nói hình thức kết tập luật Tứ phần liên hệ đến kinh Kim cang hệ Tiểu phẩm bát-nhã, như trong chương tạng Chú thuật chúng tôi đã dẫn. Còn Paul Williams,[35] lại nhận xét kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa bản 25,000 bài tụng (Pañcaviṃśatisāhasrikā Prajñāpāramitā Sūtra) Bát-nhã ba-la-mật-đa 100,000 bài tụng (Śatasāhasrikā Prajñāpāramitā Sūtra) có liên hệ đến trường phái Pháp tạng. Bát-nhã ba-la-mật-đa 8.000 bài tụng (Aṣṭasāhasrikā Prajñāpāramitā) thì không.

Tiểu phẩm bát-nhã mà Kajiyama Yūichi đề cập, tức tương đương bản Bát-nhã 8.000 bài tụng, cũng gọi là Hạ phẩm. Bản Hán hiện còn:

1. Kinh Đạo hành bát-nhã 道行般若經, 10 quyển, 30 phẩm, Chi-lâu-ca-sấm (Lokakṣema) dịch (năm 179) thời Hậu Hán. Đại chánh 8, No. 224.

2. Kinh Đại minh độ 大明度經, 6 quyển, 30 phẩm, Chi Khiêm (222-228) dịch thời Ngô. No. 225.

3. Kinh Ma-ha bát-nhã ba-la-mật sao摩訶般若波羅蜜鈔經, 5 quyển, 13 phẩm. Theo truyền thuyết nói, kinh này do Đàm-ma-tì (Dharmapriya) cùng Trúc Phật Niệm (hoặc Phật Hộ) dịch thời Tiền Tần. Nhưng thật sự là Trúc Pháp Hộ (Dharmarakṣa) dịch (năm 265 đến năm 272) thời Tây Tấn. No. 226.

4. Kinh Tiểu phẩm bát-nhã ba-la-mật 小品般若波羅蜜經, 10 quyển, 29 phẩm, Cưu-ma-la-thập dịch (năm 408) thời Hậu Tần. No. 227.

5. Kinh Đại bát-nhã ba-la-mật-đa 大般若波羅蜜多經, Hội thứ 4, 18 quyển (từ quyển 538-555), 29 phẩm. Huyền Trang dịch (từ năm 660 đến 663). Đại chánh 5, No. 220.

6. Kinh Đại bát-nhã ba-la-mật-đa 大般若波羅蜜多經, Hội thứ 5, 10 quyển (từ quyển 556-565), 24 phẩm. Huyền Trang dịch (từ năm 660 đến 663). Đại chánh 5, No. 220. Bản này tương đương với bản Phạn 4.000 bài tụng.

7. Kinh Phật thuyết Phật mẫu xuất sinh tam pháp tạng bát-nhã ba-la-mật-đa 佛說佛母出生三法藏般若波羅蜜多經, 25 quyển, 32 phẩm, Thí Hộ (Dānapāla) dịch (năm 982 trở về sau) thời Triệu Tống. Đại chánh 8, No. 228.

Còn kinh Kim cang bản Phạn Vajracchedikā-prajñāpāramitā sūtra, 300 bài tụng, tương đương với bản Hán hiện còn:

1. Kinh Kim cang bát-nhã ba-la-mật 金剛般若波羅蜜經, 1 quyển, Cưu-ma-la-thập dịch (năm 402) thời Diêu Tần. Đại chánh 8, No. 235.

2. Kinh Kim cang bát-nhã ba-la-mật 金剛般若波羅蜜經, 1 quyển, Bồ-đề-lưu-chi (Bodhiruci) dịch (năm 509) thời Nguyên Ngụy, No. 236.

3. Kinh Kim cang bát-nhã ba-la-mật 金剛般若波羅蜜經, 1 quyển, Chân-đế (Paramārtha) dịch (năm 562) thời Trần, No. 237.

4. Kinh Kim cang năng đoạn bát-nhã ba-la-mật 金剛能斷般若波羅蜜經, 1 quyển, Đạt-ma-cấp-đa (Dharmagupta) dịch (năm 590) thời Tùy, No. 238.

5. Kinh Năng đoạn kim cang bát-nhã ba-la-mật-đa 能斷金剛般若波羅蜜多經, 1 quyển, Nghĩa Tịnh dịch thời Đường, No. 239.

6.  Kinh Đại bát-nhã ba-la-mật-đa大般若波羅蜜多經, Hội thứ 9, phần Năng đoạn kim cang 能斷金剛, 1 quyển, Huyền Trang dịch (năm 660-663). Đại chánh 5, No. 220.

Kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa bản 25,000 bài tụng (Pañcaviṃśatisāhasrikā Prajñāpāramitā sūtra) Bát-nhã ba-la-mật-đa 100,000 bài tụng (Śatasāhasrikā Prajñāpāramitā sūtra) mà Paul Williams nói, là Đại phẩm và Thượng phẩm theo bản Hán dịch.

Kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa bản 25,000 bài tụng là Bát-nhã Đại phẩm hay gọi bản trung, dịch ra Hán văn hiện còn 5 bộ:

1. Kinh Quang tán bát-nhã ba-la-mật-đa光讚般若波羅蜜經, 10 quyển, 27 phẩm, Trúc Pháp Hộ dịch (năm 286) thời Tây Tấn. Đại chánh 8, No. 222. Bản kinh này ban đầu có 90 phẩm, sớm đã bị thất lạc hết hai phần ba.

2. Kinh Phóng quang bát-nhã ba-la-mật放光般若波羅蜜經, 20 quyển, 90 phẩm, Mô-xoa-la (Mokṣala) dịch (năm 291) thời Tây Tấn. Đại chánh 8, No. 221.

3. Kinh Đại phẩm bát-nhã 大品般若經 (摩訶般若波羅蜜經/ Ma-ha bát-nhã ba-la-mật kinh), 27 quyển, 90 phẩm, Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva) dịch (năm 404) đời Hậu Tần. Đại chánh 8, No. 223.

4. Kinh Đại bát-nhã ba-la-mật-đa大般若波羅蜜多經, Hội thứ 2, 78 quyển (quyển 401 đến quyển 478), 58 phẩm. Huyền Trang dịch (năm 660 đến năm 663) thời Đường. Đại chánh 5, No. 220.

5. Kinh Đại bát-nhã ba-la-mật-đa大般若波羅蜜多經, Hội thứ 3, 59 quyển (từ quyển 479 đến quyển 537), Huyền Trang dịch. Bản này tương đương với bản Bát-nhã 18,000 bài tụng của bản dịch Tây Tạng (Śes-rab-kyi Pha-rol-tu-phyin-pa khri-brgyad-stoṅ-pa).

Kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa 100,000 bài tụng, hay gọi Bát-nhã bản thượng, tương đương bản Hán hiện còn:

Kinh Đại bát-nhã ba-la-mật-đa大般若波羅蜜多經, Hội đầu, 400 quyển (từ quyển 1 đến quyển 400), 79 phẩm. Huyền Trang dịch (năm 660 đến năm 663) thời Đường. Đại chánh 5, No. 220.

Theo Ấn Thuận, thứ tự biên tập kinh điển Bát-nhã, trước tiên là “Bát-nhã nguyên thủy”, đến kinh “Bát-nhã bản hạ” (Tiểu phẩm), “Bát-nhã bản trung” (Đại phẩm), sau cùng thành lập Bát-nhã bản thượng. Và đại sư cho rằng phẩm Đạo hành trong kinh Đạo hành bát-nhã là Bát-nhã nguyên thủy, bộ phận này có sớm nhất, thành lập vào năm 50 trước Tây lịch.[36] Nhưng Lữ Trừng và Kajiyama Yūichi đều cho rằng nội dung kinh Kim cang, hình thức tổ chức gần với 9 phần giáo và 12 phần giáo, so với Tiểu phẩm có phần sớm hơn. Ông nói, kinh Kim cang là mượn nhân vật Tu-bồ-đề nêu ra vấn đề, 1 trong 10 đệ tử lớn của Phật, đắc Vô tránh tam-muội, nổi tiếng hiểu về Không, kinh Kim cang làm sáng tỏ lý Không. Còn nội dung Tiểu phẩm khá phức tạp, nhân vật gồm Xá-lợi-phất, Di-lặc, thậm chí còn có Đế Thích v.v… Điều này cho thấy, loại Bát-nhã xuất hiện sớm nhất là lược bản, mà trong lược bản thì kinh Kim cang xuất hiện sớm hơn cả (tuy kinh này được dịch tại Trung Quốc tương đối muộn nhưng nó xuất hiện khá sớm).[37]

Tóm lại, bộ phái Pháp tạng liên hệ với kinh điển Bát-nhã:

(1). Vì phát triển chú thuật và Đà-la-ni như trong chương Chú thuật đã nói.

(2). Trong 9 phần giáo hay 12 phần giáo có bộ phận “Phương quảng” (Vaipulya, nghĩa là đạo lý chân chính, phạm vi rộng lớn), Bát-nhã là kinh Đại thừa xuất hiện sớm nhất với hình thức là Phương quảng. Đương thời bộ phái Tiểu thừa đều công nhận một loại kinh trong Phương quảng là Bát-nhã, thì “kinh Vị tằng hữu” (adbhuta-dharma) và “kinh Phương đẳng” (Phương quảng) thuộc trong Tạp tạng của Pháp tạng bộ kết tập chính là nguồn gốc của Chú tạng và Bồ-tát tạng.[38]

(3). Tìm hiểu khu vực kinh Bát-nhã được biên soạn, Lữ Trừng suy luận: Từ kinh Đại bát-nhã quyển 302 ghi, đầu tiên tại phương Đông nam, sau đến phương Nam, phương Tây, phương Bắc, Tây bắc, cuối cúng đến Đông bắc (khu vực Trung Quốc). Sự ghi chép này phù hợp lộ trình lưu truyền của Đại chúng bộ, cũng nhất trí với khu vực hoạt động của Chánh lượng bộ,[39] đầu tiên hoạt động tại Đông nam, phương Nam, phương Tây, sau đó lấy Tây Ấn làm trung tâm, rồi mới đến Tây bắc. Ông cũng nói tư tưởng Đại thừa lưu hành tại những khu vực mà bộ phái nào có tư tưởng gần gũi với nó, về sau lại phát triển đến các vùng Tây bắc, rồi khi truyền đến Nguyệt Thị được dân chúng tín ngưỡng, sau đó trải qua Tây vực truyền vào Trung Quốc.

Khu vực mà Lữ Trừng nói đều có dấu chân hoằng hóa của các thành viên phái Pháp tạng, như vùng Tây bắc có cả 5 bộ phái, hay Nam Ấn v.v… Sau kinh Bát-nhã, từ Tiểu phẩm bổ sung thành Đại phẩm, rồi từ một bộ phận phát triển thành nhiều bộ phận mang tính chất tùng thư như Bảo tích, Hoa nghiêm; nhiều nhà Phạn văn như Quý Tiện Lâm cho rằng loại ngôn ngữ trong những kinh đó biên chép là Phạn văn hỗn hợp, pha lẫn tục ngữ, thuộc vùng Đông Ấn-độ. Cho nên Đông Ấn cũng là nơi kinh điển Đại thừa chế tác và lưu hành.

Nha Trang, ngày Phật đản sinh, Pl. 2562 – 2018
Thích Tâm Nhãn

[1] Phân biệt công đức luận/分別功德論 1, T25, no. 1507, p. 32b6.

[2] Khuddakanikāya, Apadāna (Ap1), Buddhāpadāna – Buddhavagga.

[3] Khuddakanikāya, Buddhavaṃsa (Bv1), Ratanacaṅkamanakaṇḍaṃ.

[4] Cf. Ấn Thuận 印順 – Nguyên thủy Phật giáo thành điển chi tập thành 原始佛教聖典之集成 (1988), p. 869.

[5] Cf. André Bareau, The Buddhist Sects of the Lesser Vehicle, p. 73.

[6] Thành thật luận/成實論 14, T32, no. 1646, p. 352, c14: 先當讀誦修多羅比尼阿毘曇雜藏菩薩藏.

[7] 吕澂/ Lữ Trừng, 印度佛学源流略讲/Ấn-độ Phật học nguyên lưu lược giảng, p. 83, 84.

[8] 長阿含經 12, p. 74, b19-24:「比丘!於十二部經自身作證,當廣流布,一曰《貫經》,二曰《祇夜經》,三曰《受記經》,四曰《偈經》,五曰《法句經》,六曰《相應經》,七曰《本緣經》,八曰《天本經》,九曰《廣經》,十曰《未曾有經》,十一曰《譬喻經》,十二曰《大教經》,當善受持,稱量觀察,廣演分布。」

[9] Hirakawa Akira, ibid., p. 70.

[10] 成實論 1, T32, no. 1646, p. 245, a20:「闍陀伽者。因現在事說過去事」.

[11] 阿毘達磨大毘婆沙論 126, T27, no. 1545, p. 660, a24-26:「本生云何。謂諸經中宣說過去所經生事。如熊鹿等諸本生經。如佛因提婆達多說五百本生事等。」

[12] DN 19. Mahāgovinda Sutta.

[13] DN 17. Mahāsudassana Sutta.

[14] 印順 – 原始佛教聖典之集成, p. 559-561.

[15] Lại-tra-bà-la 賴吒婆羅, tức Lại-tra-hòa-la trong Trung A-hàm 31 (T1n26, tr.623a), con nhà phú hộ ở Xá-vệ, điển hình cho tín tâm bất động của thanh niên con nhà giàu có, quyết tâm xuất gia. Cf. Pāli, Raṭṭhapāla-sutta, M.ii.54ff.

[16] Trung A-hàm 17, kinh số 72 “Trường Thọ vương bản khởi” (No. 26. 72). Trường Thọ. Pāli: Dīghīti.

[17] Cf. 印順, ibid., p. 245.

[18] Lịch đại tam bảo kỷ 12, T49n2034, p.104a11; Khai nguyên thích giáo lục 7, T55n2154, p.549a18.

[19] 望月 [望月信亨 (日語:もちづきしんこう Mochizuki Shinko/Vọng Nguyệt Tín Hanh] 佛教大辭典/ Phật giáo đại từ điển, 東京, 日本 [Tokyo, Japan], p. 4477.

[20] J. K. Nariman, Literary History of Sanskrit Buddhism [Lịch sử văn học Phật giáo tiếng Phạn], Chapter 4. Lalitavistara, p. 28.

[21] 印順 – 印度佛教思想史, p. 49.

[22] wikipedia.org/wiki/Dharmaguptaka.

[23] Đại Đường Tây vực ký 3, T51, p. 882b: Mục nước Ô-trượng-na, ở đây có 5 bộ luật truyền thừa: Giới cấm thanh tịnh, đặc biệt hành trì cấm chú, luật nghi truyền dạy, có năm bộ phái: một, Pháp mật bộ (Pháp tạng bộ), hai Hóa địa bộ, ba Ẩm quang bộ, bốn Thuyết nhất thiết hữu bộ, năm Đại chúng bộ.

[24] Lịch đại tam bảo kỷ 12, p. 104b02; Khai nguyên thích giáo lục 7, p.549c15: Vào năm thứ 6 niên hiệu Vũ bình đời Bắc Tề, Bảo Xiêm [寶暹] cùng 10 người đi Tây vực cầu kinh.

[25] 佛本行集經 1, T03, no. 190, p. 655, b11.

[26] Trong quyển cuối Phật bản hạnh tập kinh có nói đến kinh Bản sinh của 5 bộ phái: Ma-ha-tăng-kì sư (Mahāsaṃgha) gọi là Đại sự; Tát-bà-đa sư (Hữu bộ/Sarvāsti-vādin) gọi đây là kinh, Đại trang nghiêm; Ca-diếp-duy sư (Kāśyapīya) gọi là Phật sinh nhân duyên; Đàm-vô-đức sư (Dharmaguptaka) gọi là Thích-ca Mâu-ni Phật bản hạnh; Ni-sa-tắc sư (Mahīśāsaka) gọi Tì-ni tạng căn bản. (佛本行集經 60, T03, no. 190, p. 932, a17-21:「摩訶僧祇師!名為大事。薩婆多師,名此經為大莊嚴。迦葉維師,名為佛生因緣。曇無德師,名為釋迦牟尼佛本行。尼沙塞師,名為毘尼藏根本。」

[27] Cf. 水野弘元/ Mizuno Kōgen –佛教文獻硏究 [Phật giáo văn hiến nghiên cứu] 1, 許洋主譯, Printed in Taiwan, p. 361-372.

[28] 干潟龍祥/ Hikata Ryūshō – 本生經類の思想史的研究 [Nghiên cứu tư tưởng sử loại kinh Bản sinh], Tōyō Bunko, Shōwa [東洋文庫, 昭和] 29 [1954].

[29] Cf. 原始佛教聖典之集成, p.855.

[30] Cf. 望月佛教大辭典, p. 5072.

[31] Khai nguyên thích giáo lục 2, T55n2154, p. 495a20.

[32] 印順 – 初期大乘佛教之起源與開展, 中華民國 92, p. 28.

[33] Cf. Nalinaksha Dutt, ibid., p. 36.

[34] Silk, Jonathan. The Maharatnakuta Tradition: A Study of the Ratnarasi Sutra. Volume 1. 1994. pp. 253-254.

[35] Williams, Paul. Mahāyāna Buddhism: The Doctrinal Foundations. 2008. p. 6.

[36] Ấn Thuận 印順 -空之探究/Nguyên cứu tánh Không, 中華民國 89, p. 139.

[37] 吕澂, ibid., p. 86.

[38]吕澂, ibid., p. 85; 印順 – 原始佛教聖典之集成, p. 864.

[39] Nalinaksha Dutt, ibid., p. 39: Theo truyền thuyết Tây Tạng cho rằng chi nhánh Đông sơn trú bộ (Pūrvasaila) và Tây sơn trú bộ (Aparasaila) có tập Prajñāpāramitā viết bằng tiếng Prākrit.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận