Lời đề tựa của Thượng toạ Trí Quang trong tập thơ “Lửa Từ Bi” (Vũ Hoàng Chương)

Năm 1963 khi Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu cho nhân quyền Việt Nam, Vũ Hoàng Chương xúc động vô cùng và ông đã viết bài thơ Lửa từ bi mà nhiều người Phật tử đã thuộc lòng. Hành động tự thiêu của Hoà thượng Quảng Đức đã làm chấn động tâm can Vũ Hoàng Chương, đã biến Vũ Hoàng Chương thành một con người khác và Vũ Hoàng Chương đã thấy rằng mục đích của con người là để xây dựng tình huynh đệ. Vũ Hoàng Chương đã đem cả thân mạng và sự sống của mình tham dự vào cuộc đấu tranh bất bạo động để tranh đấu cho hoà bình tại Việt Nam từ 1963 cho đến 1977. Ông đã từng bị tù tội nhiều lần trong thời gian đó.

Lửa từ bi do Thượng Toạ Trí Quang đề tựa, Đoàn thanh niên tăng ni xuất bản (Giấy phép số 2512HDKDTƯ/PT/XB cấp ngày 15/11/1963 tại Sài Gòn). In xong ngày 28/11/1963 ấn quán ngoài 5000 bản phổ thông có in thêm 50 bản đặc biệt mang chữ ký và dấu riêng của tác giả.

Nguồn: thivien.net

Bìa của tập thơ

Lời tựa

Cái khổ sâu xa nhất của dân tộc VIỆT NAM chính là
   “Vì cái TÂM nên luỵ cái HÌNH”
                  (DƯ-BA)
bởi lẽ:
   “Tuổi ý thức đã hàng trăm thế kỷ
   Dù nói cho khiêm nhượng, mới Hai-Mươi.”
                  (NGƯỜI VỚI NGƯỜI)

Thực vậy, không có cái khổ nào dằn vặt kiếp người cho bằng cái khổ suy tư. Nhưng dân tộc VIỆT NAM đã 1 lần, rồi 2, rồi 3, cho đến trên 8 lần tất cả(1), tự đốt mình lên, tự chặt mình đi, cầu nguyện cho nổi khổ ấy vơi được phần nào – dầu chỉ mới là cái phần tín ngưỡng mà thôi.

Dân tộc VIỆT NAM – qua các vị Tăng Sĩ – chỉ làm như thế để cầu nguyện cho cảm động sâu xa đến lòng người, chứ không nghĩ và không làm gì khác hơn. Nếu sự trạng đã phải xẩy ra trái ngược lại thế là bởi sự cầu nguyện đó đã không được thương tưởng đến, chứ không phải thâm tâm họ chủ trương.

Do đấy mà ngọn lửa tự thiêu của những người chung đúc nơi mình bao nhiêu ước vọng của dân tộc đã là ngọn “LỬA TỪ BI” – dầu để đối phó với tội ác “như mọc lên như sờ thấy trong gương”
                  (NGƯỜI VỚI NGƯỜI).

Ước vọng của những ngọn lửa tự thiêu là muốn làm cháy bừng lên – giữa con người với con người – sự thông cảm, sự tương thân, nhất là sự tin tưởng:
   “Vững lòng tin ở Xa Vời,
   Bàn tay chẳng nhuộm máu người, giơ lên!”
                  (NGƯỜI VỚI NGƯỜI)

Nếu tôi hiểu không lầm thì ít nhất đấy cũng là một trong những ý chính của Thi Sĩ VŨ HOÀNG CHƯƠNG. Thi Sĩ không muốn gì hơn là nói lên ước vọng sâu xa của dân tộc và sự xây dựng với viễn tượng mà Thi Sĩ mơ ước:
   “Nhân gian mát rợi bóng cây Bồ đề.
                  (LỬA TỪ BI)

Cũng chính trong niềm mơ ước đó mà tôi viết những dòng này như sự cầu nguyện chính yếu của tôi, sự cầu nguyện đã cháy bừng lên trong ngọn lửa tự thiêu của những vị “xuất trần thượng sĩ”(2) mà Thi Sĩ VŨ HOÀNG CHƯƠNG đã mô tả rất đúng.

Tháng chín 2.507
TRÍ QUANG

1. Bảy cuộc tự thiêu của tăng sĩ và một vụ tự chặt tay của một nữ Phật tử, đó là số đã chính xác. Sau khi viết xong BÀI TỰA này, tin chính xác cho biết có 1 cuộc tự thiêu của 1 cư sĩ, và có thể có ít nhất là 2 cuộc tự thiêu như vậy.
2. Xuất trần thượng sĩ: Người giải thoát cao cả, tức là các vị Tăng sĩ.

Lời tác giả

Những bài thơ trong tập này nhằm ghi lại một nguồn cảm hứng mới của tác giả, khơi dậy trong lòng cuộc tranh đấu của Phật giáo đồ VIỆT NAM, khoảng năm 2.507 Phật lịch (từ 15 tháng Tư đến 15 tháng Chín), tức là năm 1963 d.l.

Bài LỬA TỪ BI, gửi đăng nhật báo TỰ DO Saigon ngày 28-7-63 bị kiểm duyệt bỏ trọn, đã được văn phòng Chùa XÁ LỢI, ngay sau đó, quay thành những bản “Roméo” và phổ biến nhân ngày Chung Thất của BỒ TÁT QUẢNG ĐỨC.

Bài NGƯỜI VỚI NGƯỜI được đăng trên nhật báo TỰ DO ngày 18-8-63 chỉ bị kiểm duyệt bỏ 10 chữ.

Sau đấy, Chùa XÁ LỢI bị cường quyền xâm phạm, nhật báo TỰ DO cũng bị đình bản, tác giả không còn phương tiện nào khác để phổ biến thơ của mình ngoài cách truyền tay trong số các bạn thân tín.

Riêng 2 bài LỬA TỪ BI và NGƯỜI VỚI NGƯỜI đã gửi sang Âu châu ngay sau lúc sáng tác nên nữ thi sĩ Bỉ quốc Simone Kuhnen de la Cœuillerie đã dịch Pháp ngữ để kịp thời đệ trình lên HỘI NGHỊ THI CA QUỐC TẾ họp tại KNOKKE từ 5 đến 9 tháng 9-63. Tác giả cũng đích thân gửi thư yêu cầu Hội nghị chú trọng đến cuộc tranh đấu của Phật giáo đồ tại VIỆT NAM. Thi sĩ Pierre-Louis Flouquet, nhân danh Phó chủ tịch, đã thoả mãn lời yêu cầu này. Hai bản dịch (FEU DE SACRIFICE và D’HOMME À HOMME) đã được giới thiệu với các đại biểu của 50 quốc gia. Một đoạn trong bài thứ nhất được ngâm lên giữa Hội Nghị. Đó là đoạn:
     Rồi đây, rồi mai sau, còn chi ?
     Ngọc đá cũng thành tro, lụa tre dần mục nát
     Với Thời gian lê vết máu qua đi.
     Còn mãi chứ! còn TRÁI TIM BỒ TÁT
     Gội hào quang xuống tận ngục A Tỳ.
     …

Dịch Pháp ngữ như sau đây:
     Et dans ce lointain avenir…
     Quand le jade et le marbre seront réduits en cendres,
     Quand le soie et le bambou ne seront plus que guenilles,
     Quand le Temps aura fui, traînant ses pas sanglants
     Règnera éternellement le CŒUR DE BODHISATVA
     Dont l’éclat magnanime illuminera jusqu’au tréfonds des Enfers.
     …

Tác giả đang xúc tiến việc dịch sang ngoại ngữ tất cả những bài trong tập này, và sẽ cho xuất bản một ngày gần đây nếu không gặp điều gì ngăn trở.

SAIGON, tháng chín, Phật lịch 2507
(Dương lịch 1963)
V.H.C.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận