Lược sử khắc bản Đại Tạng Kinh

I. SƠ KỲ LƯU THÔNG KINH ĐIỂN

Mặc dù lịch sử Phật giáo truyền vào Trung quốc được truyền thuyết cho là chính thức vào thời Hán Minh Đế, niên hiệu Vĩnh bình 10 (Tl. 65) bởi Phạn tăng Ca-diếp Ma-đằng, và bản Kinh Phật đầu tiên được biết đến ở Hoa Hạ là Kinh Tứ thập nhị chương; nhưng truyền thuyết này được các nhà nghiên cứu ngày nay cho là ngụy tạo. Nhân vật đầu tiên truyền dịch Kinh Phật, với các bản dịch Phạn Hán ngày nay còn đọc được, phải kể là An Thế Cao 安世高, người An-tức (Ba-tư, Parsua/Perses), đến Trung Hoa dưới triều Hán Hoàn Đế, khoảng 147 Tl.  Sự nghiệp phiên dịch của An Thế Cao, như được ghi chép trong Xuất Tam tạng ký tập quyển 2 (T55n2145_p0006b04), tất cả có 34 bộ 40 quyển.

Theo thống kê của Khai nguyên Thích giáo lục quyển 1 (T55n2154, tr. 477a22), kể từ Hậu Hán Hiếu Minh Hoàng đế, niên hiệu Vĩnh bình thứ 10 (Tl. 67), cho đến Đại Đường Thần Vũ Hoàng đế, Khai nguyên 18 (Tl. 730), trải qua 664 năm, trong khoảng đó, tổng số kinh điển phiên dịch tính được 2278 bộ, 7046 quyển, với số lượng truyền dịch 176 người. Đây được xem là mốc cho khắc bản đầu tiên của Đại tạng kinh Hán văn.

Phật kinh được truyền dịch vào Trung Hoa có được một điểm thuận duyên cho sự phổ biến rộng rãi; đó là nhờ vào các bản chép tay trên giấy. Chữ Hán được phát minh rất sớm, nhưng trải qua các triều đại từ Châu đến Hán, văn tự được ghi chép trên các thẻ tre hay thẻ gỗ, được kết lại bằng dây thành quyển. Do bởi tính cồng kềnh của các quyển thẻ tre, người ta thay thế chúng, viết trên một loại lụa nhũn; nhưng giá của nó lại rất cao, vì vậy cần kiếm một nguyên liệu khác thay thế. Thái Luân 蔡倫 (Tl. 63-121), Hoạn quan dưới triều Hán Minh Đế (Tl. 28-75), sử dụng các vật liệu rẻ tiền như vỏ cây, vải bố, giẻ rách v.v…, sau quá trình xử lý, chế biến thành giấy. Nhờ phát minh này mà nửa thế kỷ sau, các bản dịch của An Thế Cao được lưu truyền, và Đạo An đã có thể sưu tập và thống kê các kinh điển đã được phiên dịch, sao chép và lưu thông rộng rãi. Tuy vậy, những gì được ghi trên lụa, trên giấy thật dễ bị thiêu hủy, chỉ những thứ được khác chạm trên đá mới mong tồn tại lâu dài. Điều này đã được chứng thực trong lịch sử lưu truyền Thánh giáo tại Trung quốc.

Khởi đầu du nhập trễ lắm cũng kể từ hậu bán thế kỷ II sau Tây lịch, cho đến khoảng đầu thế kỷ thứ V; trong khoảng 300 năm ấy, Phật giáo như vết dầu loang phát triển phồn thịnh trong quốc độ này, được tiếp đón nồng nhiệt từ hạng thượng lưu, trí thức cho đến bình dân, với những dịch giả tài danh như Cưu-ma-la-thập (Kumājīva), Phật-đà-bạt-đà-la (Buddhabhadra), v.v…; và những danh sĩ lỗi lạc đương thời như Tăng Duệ, Tăng Triệu, không chỉ nhất thời mà trong mọi thời đại.

Sau một thời thống nhất qua hai triều đại Ngụy và Lưỡng Tấn; cho đến Tây lịch 420, Đông Tấn bị lật đổ, Trung quốc bước vào thời kỳ phân tranh Nam Bắc Triều kéo dài trên một thế kỷ rưỡi. Trong đó, Nam triều (Tl. 420-589) bao gồm bốn nước: Tống, Tề, Lương, Trần. Bắc triều (Tl. 439-581) gồm năm nước: Bắc Ngụy, Đông Ngụy, Tây Ngụy, Bắc Tề và Bắc Chu.

Dưới sự thống trị của hai nước Ngụy và Chu trong Bắc triều, Phật giáo Trung quốc trải qua hai thời Pháp nạn khốc liệt.

Mặc dù nhờ vào phát minh giấy và mực mà kinh điển Phật giáo được lưu truyền phổ cập; tuy vậy, số lượng các bản chép tay được phổ biến không phải không có giới hạn của nó. Thêm vào đó, qua nhiều cuộc chiến tranh, và nhiều lần Phật giáo bị trấn áp, kinh điển bị thiêu hủy không phải không có. Số lượng bao nhiêu thì không thể biết rõ.

Cụ thể, dưới triều Bắc Ngụy, Phật giáo trải qua một trận đàn áp khốc liệt. Thái Vũ đế Thác-bạt-đào 太武帝拓跋燾 (408-452 Tl.), vị Hoàng đế thứ ba của triều Bắc Ngụy 北魏, năm thứ 7 Thái bình chân quân (Tl. 446), ban bố lệnh tru diệt hết sa-môn trong thiên hạ, hủy Phật tượng, thiêu hủy kinh sách; từ đây về sau, ai nói đến Phật sẽ bị tru diệt cả nhà. Thái tử Thác-bạt-hoảng 拓跋晃 lại là người sùng mộ Phật pháp, ba lần dâng biểu can, không được nghe theo, bèn bí mật thông tin khiến nhiều tăng lữ trốn thoát nạn tru diệt, nhiều kinh sách được bí mật cất dấu bảo toàn. Năn năm sau, Thác-bạt-hoảng bị Tông Ái giết. Sáu năm sau (Tl. 452), Thái Vũ đế bị hoạn quan Tông Ái 宗愛 giết, tôn Thác-bạt-dư lên ngôi. Cũng trong năm đó Thác-bạt-dư 拓跋餘 bị giết; trưởng tử của Thác-bạt-hoảng, đích tôn của Thác-bạt-đào, là Thác-bạt-tuấn 拓跋濬 lên ngôi, hủy bỏ lệnh diệt Phật, trùng hưng Phật pháp.

Hơn một thế kỷ rưỡi sau, Phật giáo Trung Hoa lại trải qua một tai kiếp khác đưới thời Bắc Chu Vũ đế (543-578 Tl.). Chu Vũ đế Vũ Văn Ung 周武帝宇文邕(543—578) ban đầu tuy cũng tín phụng Phật giáo, nhưng về sau do chịu ảnh hưởng Nho giáo, xếp hạng Nho giáo số một, Đạo giáo số hai, Phật giáo liệt vào hạng ba thấp kém nhất. Niên hiệu Kiến đức thứ 3 (Tl. 574), hạ chiếu dứt trừ Phật giáo và Đạo giáo, hủy diệt kinh tượng, bãi bỏ sa-môn, đạo sĩ. Kiến đức năm thứ 6 (T. 577), sau khi diệt Tề, tại vương quốc này, nơi Phật giáo thịnh hành sau thời bị đàn áp, Chu Vũ đế tiến hành quy mô chính sách diệt Phật, cưỡng bức hơn 300 vạn tăng ni hoàn tục, phá hủy hơn 4 vạn cảnh chùa. Năm sau (Tl. 578), Chu Vũ đế mất, trưởng Vũ Văn Uân 宇文赟 tức vị, hiệu 宣帝 Tuyên đế. Năm Đại thành 1 (579), Tuyên đế ban chiếu trùng hưng Phật giáo. Cũng năm đó, truyền ngôi cho con Vũ Văn Xiển 宇文闡, bấy giờ mới 7 tuổi, hiệu Tĩnh đế 靜帝. Năm Đại tượng 3 (Tl. 581), Tùy vương Dương Kiên 隨王楊堅 bức bách Tĩnh đế hạ chiếu nhường ngôi.

II. TÙY-ĐƯỜNG: KHẮC KINH VÁCH ĐÁ 房山石經

Dương Kiên phế Bắc Chu Tĩnh đế, tự lập xưng đế, cải nguyên hiệu Khai hoàng, đổi quốc hiệu Đại Tùy, thống nhất toàn bộ Trung quốc, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử Trung quốc: thời đại hoàng kim của Phật giáo, đỉnh cao văn học, tư tưởng trải qua các triều Tùy, Đường, Tống.

Ngay sau khi tức vị, Tùy Văn đế hạ chiếu tu sửa các tự viện bị phá hủy dưới các triều Bắc Ngụy Thái Vũ đế và Bắc Chu Vũ đế; sưu tầm lại những kinh điển được cất giấu, hoặc bị thất lạc.

Trải qua hai cuộc Pháp nạn, Đại sư Huệ Tư 慧思 (515-577), vị Tổ thứ hai của tông Thiên thai, ưu tư về sự lưu truyền kinh điển. Thánh điển đươc lưu truyền nhờ vào phương tiện sao tả. Thế nhưng, chữ viết trên lụa hay giấy rất dễ bị thiêu hủy qua những cuộc Pháp nạn có thể sẽ diễn ra như đã từng diễn; do đó có ý tưởng khắc kinh điển lên đá trong các hang động, thì giả sử Pháp nạn có tái diễn, kinh điển chép trên giấy có thể bị thiêu hủy hết nhưng kinh khắc trên đá có thể được bảo tồn. Đại sư tịch mà ý tưởng này chưa được thực hiện.

Nhân lúc nhà Tùy khởi nghiệp, ban hành chiếu chỉ trùng hưng Phật giáo, Tĩnh Uyển (?-639) cùng đệ tử thừa tiếp tâm nguyện của Bổn sư, trong niên hiệu Đại nghiệp (605-618), dưới thời Tùy Văn Đế,  khởi sự vận động khắc kinh lên đá. Thăm dò nhiều nơi, sau cùng chọn Phòng sơn, phía Tây U châu, Bắc kinh ngày nay, đục núi đá thành nhà đá (thạch thất). Mài láng bốn vách thạch thất rồi khắc kinh lên đó. Sau khi khắc đầy một thất, lấy đá lấp cửa và cài khóa sắt lại. Nhân khi Tùy Dượng đế 隨煬帝 (Tl. 569-618) đến Trác quận (U châu), em của Tiêu Hoàng hậu là Nội sử thị lang Tiêu Vũ hay biết sự việc này. Vốn là người sùng tín Phật pháp, Tiêu Vũ 蕭瑀trình bày sự việc lên Tiêu Hoàng hậu. Tiêu Vũ và Tiêu Hậu cùng ủng hộ tài chánh rất lớn, và dân chúng hay biết tin này thảy cùng quyên góp công đức tán trợ, khiến cho công việc khắc kinh vách đá được tiến hành thuận lợi. Cho đến năm Đường Trinh quán 13 (Tl. 639), Tĩnh Uyển tịch, môn nhân đệ tử tiếp tục sự nhiệp khắc kinh vách đá. Nơi khắc kinh, ngày nay được biết là Thạch kinh sơn (núi khắc kinh trên đá), chùa Vân cư, huyện Phòng sơn, Bắc kinh 北京房山縣雲居寺石經山. Đại tang kinh được khắc vách đá nơi đây được gọi là Phòng sơn Vân cư tự thạch khắc Phật giáo Đại tạng kinh 房山云居寺石刻佛教大藏经, gọi tắt là Phòng sơn thạch kinh 房山石經. Sự nghiệp khắc kinh vách đá, dù có trải qua những thời trở ngại vì chiến tranh, nhưng vẫn được liên tục qua nhiều triều đại từ Đường cho đến cuối triều Minh, suốt hơn một nghìn năm. Tín tâm kiên cố trong sự nghiệp bảo tồn Thánh giáo tồn tại thế gian của người xưa như vậy thật đáng kính ngưỡng vô cùng.

Khắc kinh vách đá tuy có thể được bảo tồn, tránh khỏi những tai kiếp Pháp nạn, nhưng không thể lưu truyền phổ cập nhân gian.

Cho đến thời Đường, do trình độ phát triển văn hóa nghệ đạt đến đỉnh cao, nhu cầu phổ biến các tác phẩm văn học nghệ thuật, và nhất là nhu cầu phổ biến kinh điển Phật giáo trong thời kỳ cực thịnh này, kỹ thuật ấn loát bằng khắc bản xuất hiện. Hiện tượng này có thể được xác nhận qua ký tải của nhà bình luận văn học Chu Dục 朱翌 (1097-1167) thời Tống Huy Tông 宋徽宗 (1082-1135), viết trong Ỷ giác liêu tạp ký 猗覺寮雜記: “Văn tự được khắc bản chưa thấy có trước đời Đường. Vào thời mạt Đường (859-868), người ta mới thấy xuất hiện mặc bản 墨板 ở Ích châu. Cho đến thời  Hậu Đường (923-937) mới thấy có khắc chín kinh (9 bộ kinh điển của Nho gia), thâu thập các kinh sử được thâu thập trong nhân gian, lấy bản khắc làm chính.” Mặc bản được nói trong đây chỉ cho kỹ thuật khắc bản; trước hết, từng chữ đơn được khắc chạm lên bản gỗ, sau đó mực được thếp vào rồi in ra giấy.

Tận dụng kỹ thuật này, các bản kinh ngắn, đà-la-ni, thần chú, nội dung trong một tờ giấy, phổ biến rộng rãi dưới triều đại nhà Đường, ngày nay được phát hiện khá nhiều. Dù vậy, kinh điển được phiên dịch, trước tác từ trước, và trong thời Đường, giáo nghĩa của các tông phái thịnh hành như Thiên thai, Hoa nghiêm, Thiền tông, vẫn chưa được tập đại thành như một tổng tập Tam Tạng Thánh Giáo mệnh danh là Đại Tạng kinh. Mặc dù các nhà biên soạn mục lục kinh điển Thánh giáo kể từ Đạo An cũng đã phân loại theo truyền thống bắt nguồn từ Ấn-độ, lưu truyền trong Thánh điển các bộ phái gọi là Tam tạng (tripiṭaka); trong đó lại phân thành Tiểu thừa và Đại thừa.

Lịch sử Phật giáo Trung quốc sau thời kỳ cực thịnh dưới triều đại nhà Đường, lại phải trải một thời bị đàn áp khốc liệt bởi Sài Vinh Chu Thế Tông (Tl. 921-959), vị Hoàng Đế thứ hai của Hậu Chu, vào thời đại mà lịch sử Trung quốc gọi là “Ngũ đại thập quốc”, các phiên trấn nổi lên cát cứ sau khi thế lực Đại Đường suy tàn và sụp đổ, xã hội nhiễu nhương loạn lạc. Chu Thế tông Sài Vinh 周世宗柴榮 (921-959) vốn không ưa Phật giáo. Năm Hiển khánh 1 (Tl. 954) tức vị Hoàng đế, ngay năm sau, ban hành chiếu lệnh phá hủy các chùa không thuộc sắc tứ, mở đầu phong trào diệt Phật. Năm 959 Tl., Thế Tông băng, Triệu Khuông Dẫn chấp chưởng binh quyền, năm sau tức vị Hoàng Đế, hiệu Thái Tổ, mở đầu triều đại Tống. Lệnh hủy Phật được bãi bỏ, xây dựng lại các chùa bị phá hủy, với mục đích ổn định an ninh, trật tự xã hội, sau thời gian dài loạn lạc nhiễu nhương, và cũng là chính sách thu phục các nước phương nam như Ngô Việt quy thuận. Sinh khí Phật giáo lại được khôi phục.

III. TỐNG KHẮC BẢN

Triều đại Tống bắt đầu từ năm Tl. 960 cho đến 1279, trải qua 18 đòi Hoàng đế, trong 319 năm.

Năm Tl. 960, nhân vụ Trần kiều binh biến, Hậu Chu Cung đế bị bức bách thoái vụ, Triệu Khuông Dẫn được thuộc hạ suy tôn tức vị Hoàng đế, hiệu Thái Tổ, đóng đô Biện kinh, nay là thành phố Khai phong, tỉnh Hà nam. Đến đời Tông Khâm Tông, niên hiệu Tĩnh khang 2 (1127), quân Kim đánh chiếm phủ Khai phong, bắt làm tù binh cha con Tống Huy Tông và Tống Khâm Tông. Đây là khoảng thời gian sử Trung quốc gọi là triều đại Bắc Tống.

Tống Cao Tông, con trai thứ 9 của Tống Huy Tông chạy xuống phía nam, xưng đế ở phủ Khai phong; tồn tại cho đến Tl. 1279 sử gọi là thời Nam Tống. Vua vua cuối cùng, thứ 9, của Nam Tống là Tống Thiếu đế Triệu Bính 宋少帝趙昺, tức vị năm mới 7 tuổi, vỏn vẹn 313 ngày, mất nước, tuẫn quốc. Nam Tống tồn tại tổng cộng 152 năm.

Trong khoảng thời gian này, ngay từ buổi đầu của triều đại, người khai sáng triều đại đã mở ra một phương tiện mới mẻ trong lịch sử lưu truyền Thánh điển: khắc bản Kinh. Khởi đầu từ Tống Thái Tổ, vị hoàng đế khai quốc, cho đến Tống Thiếu đế, vị vua cuối cùng, trong Triều Tống đã có 5 khắc bản Đại tạng kinh.

Cũng trong triều đại nhà Tống, hai triều Liêu và Kim lần lượt thay nhau thống trị một phần đất của Bắc Tống, và mỗi triều đều có khắc bản Đại tạng kinh. Như vậy, trong khoảng 313 năm, dưới ba triều đại Tống, Liêu, Kim, lần lần xuất hiện 7 bộ khắc bản Đại tạng kinh.

1. Khai bảo tạng 開寶藏

Niên hiệu Khai bảo 4 (Tl. 971), Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn lệnh sai hoạn quan Cao phẩm Nội thị Trương Tòng Tín 高品內侍張從信 đến Ích châu (Thành Đô, Tứ Xuyên) khắc bản, y cứ phương pháp phân loại của Khai nguyên Thích giáo lục 開元釋教録, bản Kinh lục được biên soạn bởi Trí Thăng 智昇, hoàn tất trong niên hiệu Khai nguyên 18 (Tl. 730), đời Đường. Đây là bản thư mục thống kê số lượng kinh điển được phiên dịch từ khởi thủy, được cho là từ thời Hán Hiếu Minh Hoàng Đế năm Vĩnh bình thứ 10 (T.67), cho đến thời Đại Đường Thần Vũ Hoàng Đế năm Khai nguyên 18 (Tl. 730), trải qua 664 năm, tổng số dịch giả 176 vị, tổng số kinh điển được phiên dịch từ cả hai thừa, bao gồm cả những bản dịch không rõ danh hiệu người dịch, thống kê 2278 bộ, 7046 quyển.

Đây là khắc bản đầu tiên của Thánh điển Phật giáo Trung hoa, được mệnh danh Khai bảo tạng 開寶藏, do bởi được khởi công khắc bản trong niên hiệu Khai bảo triều Tống Thái tổ. Cũng gọi là Khai bảo Đại tạng kinh 開寶大藏經,  Bắc Tống khắc bản Đại tạng kinh 北宋刻版大藏經, Thục bản Đại tạng kinh 蜀版大藏經, vì được khắc bản tại Ích châu, Ba Thục.

Thành Đô 成都, nguyên là đất Ba Thục, địa điểm phát nguyên nghệ thuật điêu khắc của Trung quốc. Thành Đô cũng là trung tâm chế tạo giấy từ thời Đường. Giấy được sản xuất tại đây, vận chuyển đến các nơi như Trường An, Lạc Dương, v.v…  Nghề giấy với nghề khắc bản có những quan hệ mật thiết trong sản xuất và tiêu thụ. Công trình khắc bản cho đến niên hiệu Thái bình hưng quốc 7 (Tl. 982), dưới triều Tống Thái Tông Triệu Quang Nghĩa thì hoàn thành.

Sau khi khắc bản được hoàn thành, các bản gỗ, tất cả trên 13 vạn khối, kinh điển 5048 quyển, đóng thành 480 pho. Con số này hoàn toàn phù hợp với con số được thống kê trong Khai nguyên Thích giáo lục, phần “Nhập tạng lục”.

Từ Ích châu, các bản gỗ được vận chuyển về chùa Thái bình hưng quốc trong phủ Khai phong, thủ đô Bắc Tống. Từ đó in ra giấy và lưu thông.

Thái bình hưng quốc tự 太平興國寺 nguyên là ngôi chùa đã có từ đời Đường, hiệu là Long hưng tự 龍興寺, đến đời Chu Thế Tông đổi lại là kho Long hưng 龍興倉. Thái bình hưng quốc 3 (Tl.978), Tống Thái Tông, lấy niên hiệu của mình đổi tên chùa thành Hưng quốc tự. Hai năm sau, Thái bình hưng quốc 5 (980), vua sắc phía tây đại điện chùa lập Dịch kinh viện. Cùng năm đó, hai vị Phạn tăng Thiên Tức Tai 天息灾 (Devaśāntika) cùng với Thi Hộ 施護 (Dānapāla) mang Phạn bản đến Biện kinh. Thái bình hưng quốc 7 (982), Dịch kinh viện 譯經院 hoàn thành, vua cho mời Thiên Tức Tai đến đó chủ trì phiên dịch. Sau đó, Thái bình hưng quốc 8 (983), Dịch kinh viện được đổi thành Truyền pháp viện傳法院.

Khi các bản khắc gỗ được vận chuyển từ Ích châu về đây, Truyền pháp viện được đổi thành Ấn kinh viện 印經院, với nhiệm vụ in ra giấy thành kinh quyển lưu thông.

Năm 983 Tl., Tăng Điêu Nhiên 奝然 (Chūnen), người Nhật đến Trung hoa cầu học Phật pháp. Ba năm sau (985 Tl.), Điêu Nhiên trở về Nhật, mang theo nhiều kinh điển Phật giáo, trong đó có Đại Tạng Kinh được Tống Thái Tông ban tặng. Đây là Đại tạng kinh khắc bản Thục lần đầu tiên được lưu truyên ngoài đất Tống.

Sử ta cũng chép, sau trận đại thắng quân Tống Tl 981 lãnh đạo bởi vua Lê Đại Hành; vua Tống Triệu Khuông Nghĩa trong ba năm, từ 985-987, đã ba lần sai sứ bộ ngoại giao sang nước ta giao hảo. Giai thoại về bài thơ “Nga nga lưỡng nga nga,” đối đáp xướng họa giữa sứ thần Tống Lý và Sư Pháp Thuận, cùng với Đại sư Khuông Việt trong vai trò ngoại giao tiếp và tiễn sứ thần Tống, cho thấy có khả năng bằng chính sách ngoại giao thông qua Phật giáo để tránh xung đột quân sự với nước lớn, đã đề nghị thỉnh một khắc bản Đại tạng kinh do Tống Thái Tổ chủ xướng và khắc bản hoàn thành dưới triều Tông Thái Tông như đã thấy trên. Lý Giác sang sứ nước ta lần thứ hai năm Tl. 985 và lần này đã diễn ra giải thoại thi ca. Năm đó cũng là năm Sư Nhật bản Điêu Nhiên được vua Tống tặng một bộ khắc bản Đại tạng kinh. Cả hai khắc bản này tất nhiên là bộ Khai bảo tạng, được in ấn để phổ biến trong năm 984.

Đỗ Thành Huy, trong tác phẩm “Khảo cứu Ấn kinh viện đời Tống” 宋代印經院考 (杜成輝) – 中國史硏究 第97輯 (2015. 8), nói rằng,  ngoại trừ Nhật bản, Khai bảo tạng còn được ban tặng các nước như Nữ-chân, Tây Hạ, Cao-lệ, Giao chỉ v.v…

Trong nguồn sử liệu Việt cũng có đề cập một khắc bản được ban tặng cho vua Lê Đại Hành. Nếu sử liệu này được minh xác, đây có thể là khắc bản Khai bảo tạng. Sử Việt chép, Tống Thái Tông, niên hiệu Thái bình hưng quốc 6 (981), lấy cớ Lê Hoàn soán ngôi họ Đinh, cử quân sang đánh nước ta và bị đánh bại trên sông Bạch đằng. Hai năm sau, Tống Thái bình hưng quốc 8 (983), vua Lê Đại Hành sai sứ sang thông hiếu với nhà Tống. Năm sau, Tống Thái Tông niên hiệu Ung hy  (984) cũng ban tặng Đại tạng kinh khắc bản Khai bảo tạng cho Tăng Nhật bản Điêu Nhiên.

Niên hiệu Đoan củng (988-989), khắc bản Khai bảo tạng cũng được Tống Thái Tông ban tặng cho nước Cao-lệ (Triều Tiên). Những sự kiện này cho thấy, triều Tống đã vận dụng Phật giáo trong chính sách ngoại giao để thần phục các nước nhỏ lân cận mà không thể bá chiếm bằng vũ lực.

Một cách tổng quát, tại Trung Hoa, khởi đầu từ triều Tống, cho đến cuối cũng triều Thanh, lần lượt xuất hiện có đến 17 khắc bản Đại tạng kinh. Ngoài ra, còn có các khắc bản Cao Ly và Nhật Bản.

Như đã giới thiệu tổng quát, đây là khắc bản đầu tiên của Đại tạng kinh Hán văn, khởi sự khắc vào niên hiệu Khai bảo 4 (Tl. 971) dưới triều Tống Thái tổ, hoàn tất vào niên hiệu Thái bình hưng quốc 8 (Tl. 983). Khắc bản chuẩn theo Khai nguyên Thích giáo lục, bản Kinh lục kết thúc năm Tl. 730. Các kinh được phiên dịch, trước tác, sau thời điểm này, cho đến dười thời Tống Thái tông, chưa được nhập tạng. Theo thống kê của Tục Trinh nguyên Thích giáo lục續貞元釋教錄, các kinh điển kể từ sau thống kê Khai nguyên Thích giáo lục chưa được nhập tạng, trải qua bốn triều vua: Huyền Tông, Túc tông, Đại tông, Đức tông, trong 65 năm đó Phạn tăng phiên dịch có 7 vị, phiên dịch 134 bộ, gồm 199 quyển. Về đời Tống, theo tổng kết của Thiên thánh Thích giáo Tổng lục 天聖釋教總錄, phần “Tổng bài tân kinh nhập tạng lục hạ,” kể từ Bắc Tống Thái bình hưng quốc năm thư 7 (Tl. 982) cho đến Đại trung tường phù thứ 8 (Tl. 1015), các bản dịch mới Kinh-Luật-Luận Đại Tiểu thừa, và Tây phương Đông độ Hiền Thánh tập truyện, tổng kết có 222 bộ, 569 quyển, trong 60 pho, được nhập tạng. Với phần nhập tạng các kinh điển mới này được thêm vào, Khai bảo tạng trải qua ba lần tu đính. (1) Bản tu đính Hàm bình: Khắc bản được hiệu đính trong khoảng niên hiệu Đoan củng 2 (989) đến Hàm bình (998-1003). (2) Bản tu đinh Thiên hy: khắc bản hiệu đính trong khoảng niên hiệu Thiên hy (1017-1021). (3) Bản tu đính Hy ninh: hiệu đinh năm Thiên hy thứ 4 (1071). Khắc bản hiệu đính này, năm Nguyên phong 6 (1083) được truyền vào Cao Ly.

2. Sùng ninh tạng 崇寧藏

Đây được xem là khắc bản Đại tạng kinh thứ hai dưới triều Tống. Khởi sự khắc niên hiêu Nguyên phong thứ 3 (1080) triều vua Tống Thần Tông; khắc bản hoàn tất dưới triều vua Bắc Tống Huy Tông 宋徽宗 năm Sùng ninh 3 (1104). Toàn tạng gồm 1440 bộ, 6108 quyển, trong 580 hòm. Do công tác khắc bản hoàn tất vào niên hiệu Sùng ninh nên được gọi là Sùng ninh tạng. Nguyên danh được gọi là “Phúc châu Đông thiên viện bản Đại tạng kinh 福州東禪院本大藏經,” do khắc bản được khới công tại viện Đẳng giác, chùa Đông thiền, tỉnh Phúc châu 福州東禪寺等覺禪院; cũng được gọi là Sùng ninh Vạn thọ Đại tạng 崇寧萬壽大藏; gọi tắt là Phúc tạng 福藏. Khắc bản này do tư nhân, Sư Xung Chân, Trụ trì Chùa Đông thiền vận động quyên góp để điêu khắc, và các Trụ trì chùa Đông thiền tiếp theo, Trí Hoa, Trí Hiền, Đạo Phương, Phổ Minh chủ trì cho đến khi khắc bản cáo thành. Có thể nói là bản tư khắc đầu tiên, sau hai bản quan khắc Khai bảo tạng, và Khiết-đan tạng do triều đình Tống và Liêu chủ trương.

Từ khắc bản này, cho đến thời Nam Tống Hiếu Tông 宋孝宗 niên hiệu Thuần hy 3 (1176), do có thêm nhiều kinh, nên một khắc bản bổ sung được khắc, số kinh bấy giờ liệt kê có đến 6870 quyển.

Về sau, có 7 khắc bản Đại tạng kinh chuẩn theo khắc bản này, đó là Tì-lô tạng, Viên giác tạng, Tư phúc tạng, Tích sa tạng, Phổ ninh tạng, Hồng vũ nam tạng, và Vĩnh lạc nam tạng.

3. Tì-lô tạng 毗盧藏

Cũng như khắc bản Sùng ninh tạng, khắc bản này được khởi công ở tỉnh Phúc châu, và cũng đồng phong cách như Sùng ninh tạng; cả hai khắc bản này được gọi chung là Phúc châu tạng. Ti-lô tạng được khởi khắc dưới triều vua Bắc Tống Huy Tông 宋徽宗 năm Chính hòa thứ 2 (1112) cho đến triều vua Nam Tống Cao Tông 宋高宗 niên hiệu Thiệu hưng thứ 21 (1151), do các Tăng nhân chùa Khai nguyên tỉnh Phúc châu 福州開元寺 là Bổn Minh 本明, Bổn Ngộ本悟, Hành Sùng 行崇… vận động quyên góp, và được sự ủng hộ rộng rãi bởi tín chúng địa phương. Toàn bộ gồm trong 595 hòm, 1451 bộ, 6132 quyển.

Đề danh “Tì-lô tạng” được biết là do bởi các Kinh trong tạng này thường thấy mở đầu với đề từ “Phúc châu quản nội chúng duyên ký Khai nguyên tự điêu tạo Tì-lô Đại tang kinh ấn bản nhất phó ngũ bách dư hàm 福州管內眾緣寄開元禪寺雕造毗盧大藏經印板一副五百餘函”: Ấn bản Tì-lô Đại tạng kinh, một bộ gồm hơn 500 hòm, khắc bản bởi Khai nguyên Thiền tự, ký thác các duyên trong quản hạt tỉnh Phúc châu.

Khai nguyên 開元寺là ngôi chùa cổ nhất trong tinh Phúc khiến ngày nay. Chùa có từ thời Lương Vũ Đế 梁武帝 niên hiệu Thái thanh 3 (549), tên gọi là Linh sơn tự 靈山寺, sau đổi thành Đại vân tự 大雲寺. Đời Đường, đổi tên thành Long hưng tự 龍興寺. Trong niên hiệu Khai nguyên 26 (738) triều vua Đường Huyền Tông, chùa một lần nữa được tên thành Khai nguyên tự. Do liên hệ với Mật tông nên Đại tạng kinh được khắc bản tại chùa này nên đề danh Tì-lô tạng. Tì-lô, danh hiệu nói tắt của Phật Tì-lô-giá-na (Vairocana) 毘盧遮那, Hán dịch là “Quang Minh Biến Chiếu 光明遍照,” cũng thường xưng hiệu là Đại Nhật Như Lai 大日如來. Ngài là vị Phật chính trung ương trong năm vị Phật, Ngũ Trí Như Lai, trong Thai tạng giới mạn-đà-la (Garbhadhātu-maṇḍala) của Mật giáo.

Tương truyền Sơ Tổ Chân ngôn tông Nhật Bản Không Hải Đại Sư 空海大師 (Kūkai, 774-835) năm Tl. 804 du học Trung hoa; trên đường vượt biển, gặp bão, thuyền trôi dạt vào bến một xóm chài tỉnh Phúc kiến, và được quan chức địa phương đưa đến ngụ tại chùa Khai nguyên Phúc châu. Từ Phúc châu, Không Hải đi về Trường An, kinh đô nhà Đường bấy giờ; trú tại chùa Thanh long 青龍寺, được Huệ Quả truyền thọ Mật giáo, thành Sơ Tổ Chân tông Nhật bản.

4. Viên giác tạng 圓覺藏

Viên giác tạng, hay Tư khê tạng, hoặc gộp chung cả hai gọi là Tư khê Viên giác gạng, là khắc bản Đại tạng kinh tại Thiền viện Viên giác, thôn Tư khê, Hồ châu, nay là thành phố Hồ châu, tỉnh Triết giang (Hồ châu Tư khê Viên giác thiền viện Đại tạng kinh 湖州思溪圓覺禪院大藏經) do đó gọi là Hồ châu bản 湖州本, Triết bản 浙本;cũng được gọi là Nam Tống bản 南宋本,vìcông trình khắc bản được khởi sự ước định niên hiệu Tĩnh khang 1 (1126), trong triều Nam Tống thời vua Khâm Tông宋欽宗, nhưng được hoàn tất vào thời Nam Tống Cao Tông 宋高宗 niên hiệu Thiệu hưng 2 (1132). Toàn tạng 548 hòm, 1435 bộ, 5480 quyển.

5. Tư phúc tạng 資福藏

Nam Tống, dưới thời vua Lý Tông, niên hiệu Bảo khánh 1 (1225), Hồ châu được đổi tên thành An cát châu 安吉州. Khoảng 20 năm sau, Thiền viện Viên giác về sau được cải danh thành Thiền viện chùa Tư phúc 資福禪寺.

Tư khê tạng trải qua 100 trăm có hư hại nhiều, do đó được chỉnh lý tu bổ lại,  mà thời điểm khởi công khắc không được biết rõ; thời điểm cáo thành được biết trong khoảng niên hiệu Gia hy – Thuần hựu (1239-1252); toàn tạng 599 hòm, 1459 bộ, 5740 quyển. Do Thiền viện Viên giác bấy giờ đã được cải danh thành chùa Tư phúc, khắc bản bổ sung này được gọi là “Tư khê Tư phúc thiền tự Đại tạng kinh 安吉州思溪資福禪寺大藏經,” tức khắc bản Đại tạng kinh do chùa Tư khê Tư phúc, châu An cát ấn hành, gọi tắt là Tư phúc tạng 資福藏. Tư khê tạng cũng theo đó mà được gọi là Tư phúc tạng.

So sánh với Viên giác tạng, khắc bản này nhiều hơn 51 hòm; số lượng kinh điển được thêm cũng nhiều hơn. Do sự khác biệt này, có quan điểm cho rằng đây là hai khắc bản khác nhau. Do vậy Tư khê Viên giác tạng được gọi là “Tiền Tư khê tạng 前思溪藏” và “Hậu Tư khê tạng 後思溪藏,” và Tư phúc tạng được gọi là “Hậu Tư khê tạng 後思溪藏.”

Thế nhưng, theo các nghiên cứu của một số học giả, cả hai bản đều có chung một bản gốc; bản Tư khê Tư phúc tạng chính xác là khắc bản bổ sung của bản Tư khê Viên giác tạng.

Chùa Tư phúc, vào năm Cảnh viêm 1 (1276), bị tướng Mông cổ Bá Nhan 伯顏thiêu rụi. Tư phúc tạng cũng bị thiêu hủy theo.

Cuối đời Thanh, Dương Thủ Kính 杨守敬, trong những năm 1880-1884, tìm thấy nó tại Nhật bản, mua lại với giá 3000 nguyên. Tương truyền, do ảnh hưởng bởi công cuộc Duy tân của Thiên hoàng Minh trị, thư tịch bằng Hán văn người Nhật bị xem như cỏ rác, do đó nhiều sách cổ Hán văn bị tung ra bán.

Dương Thủ Kính nhân cơ hội đó, qua trung gian những người buôn sách cổ Hán, đã dọ hỏi mua lại được toàn bộ Tư khê tạng. Theo lời kể của Dương Thủ Kính, khắc bản Đại tạng được ấn hành bởi chùa Tư phúc, “An châu Tư khê Pháp bảo Tư phúc tự 安吉思溪法寶資福禪寺,” tồn tại hai bộ ở Nhật bản; một bản ở chùa Quản sơn, tỉnh Cận giang 近江國菅山寺; bản kia, ở chùa Thiên an, tỉnh Sơn thành 山城國天安寺. Bản mà Dương Thủ Kính mua được là từ chùa Thiên an.

6. Tích sa tạng 磧砂藏

Dưới thời Nam Tống, niên hiệu Càn đạo 8 (1172), triều vua Hiếu Tông 孝宗, có thầy tăng hiệu Tịch Đường 寂堂 dựng am trên một cồn cát trong Trần hồ, phủ Bình giang, phụ cận tỉnh Giang tô ngày nay. Sau khi Sư viên tịch, môn đồ dựng tháp thờ xá-lợi của Sư, được ban cho một tấm biển ngạch đề là “Diên thánh Thiền viện 延聖禪院.” Sau được thăng cấp, cải danh Tích sa Thiền tự 磧砂禪寺.

Tích sa ban đầu chỉ là một chùa nhỏ, nổi tiếng do nơi đây là địa danh khởi sự khắc bản Đại tạng kinh Tích sa.

Nam Tống, triều vua Lý Tông, khoảng niên hiệu Thiệu định 2 (1299), Tăng nhân chùa Thanh Khuê 清圭, Thanh Vũ清宇…, đương thời nghề khắc bản đang phát triển, vận động dựng lên ở phía bắc chùa một phố Kinh phường, với chủ đích khắc in Đại tạng kinh.

Kinh phường, hay phố kinh doanh kinh điển, chủ yếu sao chép kinh điển, khắc bản, ấn hành, lưu thông. Hình thức kinh doanh này xuất hiện từ thời Đường, cho đến thời Minh, Thanh rất thịnh hành. Thời Đường tuy nghe khắc bản đã có nhưng bấy giờ kinh điển Phật giáo được lưu thông chủ yếu vẫn là sao chép. Sự nghiệp khắc bản kinh như đã thấy trên khởi sự từ thời Bắc Tống. Ban đầu chủ yếu sao chép, khắc bản kinh sách Phật giáo; cho đến thời Minh, Thanh mới phổ cập đến các sách quý ngoài Phật giáo.

Thời điểm khởi sự khắc bản Tích sa không được biết rõ. Sự nghiệp khắc bản cũng không theo một chương trình ấn định, mà tùy duyên mỗi khi quyên mộ đủ số tiền cần thiết thì in một bản Kinh. Chẳng hạn, dưới triều Nam Tống Lý Tông 理宗, niên hiệu Thiệu định 5 (1232), Triệu An Quốc, tông thất nhà Tống, đảm nhiệm vai trò Đô khuyến duyên đại đàn-việt, tức đại thí chủ tổng lý sự vụ khuyến duyên, hay quyên mộ, vận động Tăng tục trong vùng Giang Triết quyên mộ xuất bản kinh Đại Bát-nhã 600 quyển và Ma-ha Bát-nhã 30 quyển. Căn cứ nguồn thông tin này, sự nghiệp khắc bản cũng có thể phỏng định trong khoảng thời điểm này, tức trong khoảng niên hiệu Bảo khánh và Thiệu định (1225-1233).

Căn cứ các ghi chép trong các bản kinh được khắc này,  thời gian thành lập Kinh phường, mệnh danh là Cục Đại tạng kinh 大藏經局được phỏng định có thể vào năm Thiệu định 4 (1231). Cục hay cuộc 局 ở đây được hiểu là hiệu buôn hay cửa tiệm; tức là phố chuyên trách khắc và in Đại tạng kinh.

Niên hiệu Bảo hựu 6 (1258), triều vua Lý Tông, Nam Tống, Diên thánh viện bị hỏa tai, công việc khắc kinh bị gián đoạn; tiếp theo đến năm 1279 Nam Tống diệt vong, sự nghiệp khắc kinh cũng bị đình chỉ. Tích sa tạng được tiếp tục để hoàn thành khắc bản dưới thời Hốt-tất-liệt, triều đại Nguyên. Nam Tống cho đến Tl. 1279 mới hoàn hoàn toàn bị diệt vong bởi quân Mông cổ, nhưng trước đó, triều vua Tống Lý Tông niên hiệu Khai khánh 1 (1259), Hốt-tất-liệt công phá Ngạc châu (Vũ hán ngày nay), Hữu thừa tướng Giả Tợ Đạo 賈似道 quy hàng, đất Tống từ Trường giang trở về Bắc, thuộc Nguyên Mông. Sau 5 năm, Lý Tông mất, Độ Tông nối ngôi, đam mê tửu sắc, không quản triều chính. Năm 1273, Hốt-tất-liệt công phá Tương dương, giang san Tống bấy giờ hoàn toàn thuộc quân Nguyên Mông. Năm Hàm thuần 10 (1275), Độ Tông mất, con trai mới 3 tuổi lên ngôi, xưng Cung đế. Niên hiệu Đức hựu 12 (1275), Mông cổ chiếm Lâm an, thủ đô Nam Tống, Cung đế 5 tuổi bị bắt làm tù binh. Văn Thiên Tường cùng nhóm đại thần chạy trốn sang Phúc châu, ủng hộ Triệu Thị 趙昰 8 tuổi tức Cảnh Viêm Hoàng đế hiệu Đoan Tông宋端宗. Hai năm sau, Đoan Tông, 10 tuổi, chạy trốn đến Quảng đông, bệnh chết tại đây. Triệu Bính 趙昺 7 tuổi lên ngôi, vị Hoàng đế cuối cùng. Năm sau, Văn Thiên Tường ôm vua nhảy sông tự vẫn.

Trong những năm cuối cùng triều đại 313 năm nhà Tống, sau trận hỏa hoạn thiêu rụi chùa Tích sa Diên thánh, khoảng niên hiệu Hàm thuần (1265-1274) triều vua Tống Độ Tông; bấy giờ Duy Cát 惟吉, vị trụ trì đời thứ 6 chùa Tích sa Diên thánh, khởi công trùng tu tái thiết. Chùa mới kiến trúc nguy nga, có Thiên viên điện, Đại hùng bảo điện, Quan Âm điện. Trong thời kỳ binh loạn, điêu linh mà dồn công sức vào công trình kiến trúc như vậy thì cũng khó có thể đảm trách sự nghiệp khắc kinh. Tất nhiên là như vậy. Phải trải qua 30 năm gián đoạn, khắc bản Tích sa tạng mới được tái tục.

Người Mông cổ thống trị Trung hoa, đặt quốc hiệu là Nguyên. Nhà Nguyên tồn tại chỉ vỏn vẹn 100 năm (1260-1368. Nguyên Thế Tổ Hốt-tất-liệt là một Phật tử, quy y và thọ pháp quán đảnh với Bát-tư-ba八思巴 (Tib. gro-mgon-chos-rgyal-‘phags-pa: Thánh giả Tuệ Tràng, tổ thứ 5 phái Sa skya pa – Tát-ca phái,  1239-1280); tuy vậy, theo chính sách mà Nguyên Thái Tổ Thành-cát-tư Hãn đã quy định, đãi ngộ bình đẳng giữa các tôn giáo. Trong hai triều Đại hãn, Mông-kha và Hốt-tât-liệt, đã nhiều lần cố gắng hòa giải tranh chấp kịch liệt giữa Lão giáo và Phật giáo. Hốt-tất-liệt thành công trong chính sách hòa giải với sự chủ trì của hai vị sư Bát-tư-ba (Tây tạng, Phags-pa) và Lưu Bỉnh Trung 劉秉忠 (hiệu Tử Thông 子聰, Hán tộc, 1216-1274).

Dưới triều Nguyên Thành Tông 元成宗, khoảng niên hiệu Đại đức 1 (1298), dưới sự chủ trì của Quản-chủ-bát 管主八, vị Tăng lục phủ Tùng giang, Cục Đại tạng kinh được khôi phục, sự nghiệp khắc kinh Tích sa tạng được tiếp tục; cho đến niên hiệu Chí trị 2 (1322), triều Nguyên Anh Tông 元英宗, khắc bản Tích sa tạng được hoàn thành. Toàn tạng, tộng cộng có 591 hòm, 1532 bộ, 6362 quyển.

Tích sa tạng được khắc vào thời binh loạn, triều đại đổi thay, những thành tựu khó bảo tồn, dễ thất tán; do đó khi sự nghiệp khắc bản được khôi phục, để khắc phục những thất tán, cần phải căn cứ các khắc bản trước đó, như bản Tư phúc tạng, và cả sau đó, như Phổ ninh tạng.

IV. LIÊU: Khiết-đan tạng契丹藏

Khiết-đan (Khitan), tên gọi chỉ ngữ tộc thuộc hệ Mông-cổ, cũng chỉ tên gọi bộ tộc. Ý nghĩa từ khitan chưa được xác định thống nhất giữa các nhà nghiên cứu. Phổ thông, trong tiếng slave (bao gồm Nga, Ukraina, Tiệp và Ba-lan), Китай khitai chỉ cho người Hoa. Mặt khác, từ thế kỷ 13-15, sự quật khởi của đế chế Kipchak Khanate(1242-1502, tiếng Anh cũng gọi là Golden Horde, Hoa ngữ hiện đại gọi là Kim trướng Hãn quốc 金帳汗國, một bộ phận tách rời của Đế chế Mông cổ; bấy giờ người Mông cổ gọi những dân tộc phương Bắc Trung hoa là Khiết-đan, do đó từ này cũng chỉ cho một bộ phận người Hoa.

Khitan nguyên là bộ tộc du mục thời cổ đại, thuộc một nhánh hậu duệ của người Mông cổ nguyên thủy (para-Mongolic nomadic people), cư dân vùng Nam Á, từ thế kỷ thư tư Tây lịch thuộc một phần lãnh thổ Mông cổ ngày nay, phía Bắc Trung quốc, khu vực Viễn Đông nước Nga.

Nguyên thủy, bộ tộc Khiết-đan chia làm tám bộ, họp thành một liên minh. Tám bộ liên minh bầu chọn người thủ lãnh, nhiệm kỳ ba năm. Sau ba năm, tuyển cử lại. Vị thủ lãnh được gọi là Khả-hãn. Khoảng đầu nhà Đường, tám bộ Khiết-đan hình thành liên minh bộ lạc. Buổi đầu, thủ lãnh liên minh bộ lạc thuộc về bộ lạc Đại hạ 大賀, môt chi nhánh Khiết-đan. Đến thời Đường, niên hiệu Khai nguyên 18 (Tl. 730), liên minh Đại hạ nội loạn, bộ lạc Dao-liễn 遙輦 nổi lên thay thế. Năm Tl. 906, thủ lãnh bộ lạc Dao-liễn, Ngấn-đức-cận Khả hãn 痕德堇可汗 chết, bấy giờ thủ lãnh bộ lạc Điệt-lạt迭剌là Da-luật A-bảo-ki 耶律阿保機 được bầu làm thủ lãnh. Theo thể lệ liên minh, cứ mỗi ba năm bầu lại thủ lãnh. Da-luật A-bảo-ki, được nói là do ảnh hưởng chế đế quân chủ mãn đời của Hoa Hạ (Trung quốc), do đó cố ý phế bỏ chế độ liên minh bầu cử, tự xưng Hoàng đế suốt đời như các Hoàng đế Trung hoa. Sau ba lần dẹp yên phản loạn nội bộ, năm 916, tức vị Hoàng đế, lấy quốc hiệu là Đại Khiết-đan quốc 大契丹國. Ngự trị 10 năm, năm 926, Da-luật A-bảo-ki mất, truyền ngôi cho con là Da-luật Đức Quang 耶律德光. Năm 946, Da-luật Đức Quang đổi quốc hiệu Khiết-đan thành Đại Liêu quốc 大遼國. Đến năm 983, quốc hiệu lại được đổi thành Khiết-đan. Năm 1066, đổi lại lần nữa, gọi là  Đại Liêu, tồn tại cho đến 1125, với Khả-hãn cuối  cùng là Thiên Tộ đế 天祚帝, Đại Liêu bị nhà Kim tiêu diệt.

Năm 1132, Da-luật Đại Thạch 耶律大石, chắt tám đời của Da-luật A-bảo-ki, trấn thủ thành Khả-đôn, một cổ thành của người Hồi-hột, lấy đó làm căn cứ địa, tự xưng đế, thành lập nước Tây Liêu 西遼. Năm 1211, Tây Liêu bị Khuất-xuất-luật 屈出律 (Kuchlug) soán vị. Khuất-xuất-luật người thuộc bộ tộc Nãi-man (Naiman) bị Thanh-cát Hãn tiêu diệt, trốn sang đầu quân Tây Liêu. Năm 1218, Khuất-xuất-luật bị người Mông-cổ giết. Tây Liêu bị diệt vong.

Người Khiết-đan nguyên thủy theo tín ngưỡng Vu giáo (Shamanism). Cho đến cuối thời nhà Đường, Da-luật A-bảo-ki chịu ảnh hưởng văn hóa Trung nguyên, các đạo giáo Phật, Nho, Lão lần hồi ảnh hưởng đến các sinh hoạt tín ngưỡng của người Khiết-đan.

Da-luật A-bảo-ki sau khi thống nhất tám bộ Khiết-đan, năm 916, tự lập xưng Đế, hiệu Thái tổ. Năm 927, Thái tông Da-luật Đức Quang, sau khi lên ngôi Hoàng đế, cất quân đánh chiếm Bột hải.

Bột hải 渤海 (Balhae/Parhae) nguyên ủy là vùng đất Đông Bắc Trung quốc, bao gồm Bắc bộ bán đảo Triều Tiên và một phần Viễn Đông nước Nga; cư dân của nó là bộ tộc Túc-mạt Mạt-hạt 粟末靺鞨, phụ thuộc Cao-cú-lệ. Công nguyên 668, Cao-cú-lệ bị liên quân Đường và Tân La diệt. Hơn 10 vạn di dân Cao-cú-lệ và bộ tộc Túc-mạt Mạt-hạt phụ thuộc Cao-cú-lệ bị di dời đến Liêu Tây Dinh châu (nay là thành phố Triêu Dương, Liêu Ninh). 30 năm sau, thủ lãnh bộ tộc Túc-mật Mạt-hạt là Đại-tộ-vinh 大祚榮 suất lãnh bộ tộc trốn thoát về đất cũ. Công nguyên 698, tự lập xưng vương, đặt quốc hiệu “Chấn quốc” 震国, tự xưng “Chấn vương” 震王, thần phục triều Đường. Đường Huyền Tông niên hiệu Tiên thiên 2 (Tl. 713), phong Đại-tộ-vinh làm Tả kiêu vệ đại tướng quân, Bột hải quận vương. Năm 762, nhà Đường thăng quận Bột hải lên thành Bột hải quốc.

Trong thời kỳ Bột hải lập quốc, Phật giáo đã phát triển cực thịnh trong khu vực Đông Bắc Trung quốc. Ngày nay, nhiều di tích chùa chiền Phật tháp được phát hiện tại nhiều địa điểm trước kia thuộc Bột hải quốc, cho phép đánh giá trình độ phát triển của Phật giáo tại đây.

Liêu Thái Tông sau khi diệt Bột hải, tuyển chọn 50 tăng nhân tinh thông văn học từ Bột hải đưa về phủ Lâm hoàng Thượng kinh, dựng chùa Thiên hùng, an trí tăng lực Bột hải này ở đó hoằng truyền Phật pháp. Trải qua ba triều: Thánh Tông, Hưng Tông, Đạo Tông (983-1101), Phật giáo Đại Liêu phát triển cực thịnh.

7. Khiết-đan tạng 契丹藏

Liêu Hưng Tông Da-luật Tông Chân, vị Hoàng đế thứ bảy của người Khiết-đan, trong khoảng niên hiệu Cảnh phúc (1032-1054) lệnh sưu tập Kinh điển Phật giáo, khởi công khắc bản ở Nam kinh (Bắc bình ngày nay). Trải qua hơn 30 năm, đến thời Liêu Đạo Tông, niên hiệu Thanh ninh 9 (1063), hoặc có chỗ nói Hàm hưng 8 (1072), điêu khắc hoàn tất.

Đây là khắc bản thứ hai, sau Khai bảo tạng, trong lịch sử khắc bản Đại tạng kinh Trung hoa.

Phổ thông, gọi khắc bản này là Khiết-đan tạng 契丹藏, cũng gọi là Liêu Tạng 遼藏. Khiết-đan tạng khắc bản dựa trên bản tu đính Thiên hy của Khai bảo tạng đời Tống. Tuy lấy bản tu đính Thiên hy của Khai bảo tạng làm cơ sở, nhưng Khiết-đan tạng cũng thêm vào một số kinh điển đặc biệt được phiên dịch và trước tác, lưu truyền ở phương Bắc. Toàn ấn bản hiện đã thất lạc, nhưng theo văn bia “Dương đài sơn Thanh thủy sáng tạo tàng kinh ký” 陽臺山清水院創造藏經記, biên soạn bởi Sa-môn Chi Diên, chùa Thiên vương ở Yên kinh 燕京天王寺志延, vào năm Hàm ung 4 (1068), toàn bộ Khiết-đan tạng gồm 579 pho (hòm), nhiều hơn Khai bảo tạng 99 pho, trong đó, y cứ Tục khai nguyên lục có 25 pho; các chương sớ, kinh điển phiên dịch mới trong triều đại Tống có 74 pho. Khiết-đan tạng sau khi khắc bản hoàn tất và được ấn hành, ngay trong năm đó (1063), Liêu Đao Tông Da-luật Hồng-cơ gởi tặng vua Cao-lệ Văn Tông 高麗文宗 (1046-1083) một bản, như là lễ phẩm ngoại giao sau một thời gian dài (993-1022) chiến tranh, cuối cùng cả hai đều mệt mỏi nên nghị hòa.

Khiết-đan tạng cũng được dùng làm cơ sở để khắc các kinh lên vách đá tại chùa Vân cư, Phòng sơn. Lai lịch khắc kinh vách đá chùa Vân cư Phòng sơn đã được nói đến ở trên. Ở đây, theo như tường thuật của Triệu Tốn Nhân 趙遵仁, trong “Tục huề thành tứ đại bộ kinh ký” 續鐫成四大部經記, vào niên hiệu Thái bình 7 (Tl. 1027), triều vua Liêu Thánh Tông, có Khu mật trực học sĩ Hàn Thiệu Phương 韓紹芳, bấy giờ đang là thứ sử Trác châu (Hà bắc ngày nay), nhân du lãm đến chùa Vân cư Phòng sơn, phát hiện động đá trên núi có vách đá khắc kinh, bèn cho mở cửa động, sau khi kiểm nghiệm, đối chiếu tên kinh và số quyển, nhận biết nguyên lai khắc kinh vách đá khởi sự từ Tăng Tĩnh Uyển từ đời Tùy, liên tục trải qua Đường, Tống. Hàn Thiệu Phương tâu lên Thánh Tông, đề nghị tiếp tục sự nghiệp khắc kinh vách đá này. Thánh Tông đáp ứng thỉnh cầu, tự xuất tiền và ủy nhiệm Du-già Đại sư Khả Huyền (Nguyên) 大師法諱可玄/元 chủ trì, bổ khuyết những kinh được phiên dịch trước và sau này mà chưa được khắc. Các đời vua tiếp theo, cho đến vua cuối cùng của Đại Liêu Thiên Tộ Đế thảy đều duy trì sự nghiệp khắc kinh vách đá này.

Một số nhà nghiên cứu suy đoán để bản cho kinh văn được khắc ở đây là khắc bản Khiết-đan tạng. Toàn bộ khắc bản Khiết-đan tạng đã thất truyền từ lâu, nhưng một số kinh tàn khuyết từ Khiết-đan tạng về sau được phát hiện, qua đối chiếu, các vị này đi đến kết luận Khiết-đan tạng chính là để bản cho kinh văn được khắc lên vách đá trong hai triều đại Liêu và Kim.

V. KIM: Triệu thành Kim tạng 趙城金藏

Kim, quốc hiệu của người Nữ-chân (Jurchen). Nữ-chân 女真 (về sau, do kỵ húy Liêu Chân Tông nên chữ Hán được viết lại 女直 nữ trực), nguyên là bộ tộc thuộc hệ ngôn ngữ Tungus Đông Á (East Asian Tungusic-speaking peoples). Các nhà nghiên cứu người Hoa gọi hệ ngôn ngữ này là ngữ hệ Mãn-Thông-cổ 滿-通古斯語系: hệ Manchu-Tungus. Từ Manchus hay Mãn châu, một số nhà nghiên cứu cho rằng nó là tên gọi do Hoàng Thái Cực 皇太极 (1592-1643), vị Hoàng đế đầu tiên thiết lập triều đại Mãn Thanh, phỏng theo danh hiệu Bồ-tát Mañjuśrī (Văn-thù-sư-lị), để chỉ hậu duệ của bộ tộc Nữ-chân.

Tổ tiên của người Nữ-chân, trong triều đại Tùy và Đường, được biết là bộ tộc 靺鞨 Mạt-hạt. Kim sử, thiên Bản kỷ 1 nói Mạt-hạt nguyên là một phân chi của Cao-cú-lệ (Cao-ly). Dưới thời Bắc Ngụy, Vật-cát có bảy bộ. Cho đến thời Đường chỉ còn hai bộ được biết đến: Hắc thủy Mạt-cát và Túc-mạt Mạt-cát. Trong đó, Túc-mạt mạt-cát chủ yếu là người Bột-hải. Trong thời kỳ Bột-hải còn cường thịnh, bộ này lệ thuộc Hắc thủy Mạt-hạt. Sau khi Bột hải diệt vong, nó lệ thuộc Khiết-đan. Nhánh phía nam nhập tịch Khiết-đan được gọi là Thục Nữ-chân; nhánh bắc không nhập tịch được gọi là Sanh Nữ-chân. Sanh Nữ-chân sống dưới chân núi Trường bạch dọc theo Hắc long giang, do đó cùng được gọi là Trường bạch Hắc thủy.

Hoàn-nhan A-cốt-đả sau khi thống nhất các bộ tộc Nữ chân, năm 1115, tại phủ Hội ninh, nay thuộc tỉnh Long giang, tự nổi dậy lập quốc, hiệu Đại Kim; liên minh với Bắc Tống tuyên chiến với triều Liêu. Năm 1125, diệt Liêu. Tiếp theo, 1127, diệt luôn Bắc Tống, thống trị toàn bộ Bắc Trung quốc.

Người Nữ-chân, trước thời lập quốc, cư trú tại các địa phương Cao-lệ và Bột-hải, đã hấp thụ tín ngưỡng Phật giáo tại những nơi này. Sau khi diệt Liêu và chiếm lĩnh Bắc Tống, các vua chúa triều Nguyên tiếp tục ủng hộ Phật đã có từ trước, với các chính sách phát triển Phật giáo trong các triều đại này, các chính sách về thuế khóa để hỗ trợ sinh hoạt và hoằng pháp, cũng với chế độ “thí kinh độ Tăng” để kiểm soát số lượng người xuất gia, không gây dẫn đến tình trạng mất quân bình giữa dân số tăng và tục; đồng thời thiết lập chế độ Tăng quan, tại thủ đô thì có Quốc sư, các tỉnh thành lập Tăng lục và Tăng chánh, các quận lập Đô cương, các huyện lập Duy-na. Các tông phái như Hoa nghiêm, Thiền, Tịnh, Mật, Giới luật, thảy đều phát triển tương đối thịnh.

8. Triệu thành tạng 趙城藏

Điểm đặc biết ở đây là khắc bản Đại tạng kinh, được gọi là Triệu thành Kim tạng 趙城金藏. Khắc bản này trong một thời gian dài hầu như ít được, hay không được biết đến; cho đến năm 1932 (-34?), nó mới được Hòa-thượng Phạm Thành 范成 phát hiện tại chùa Quang thắng, trấn Triệu thành, tỉnh Sơn tây 山西趙城廣勝寺. Toàn bộ Đại tạng này, theo ước định, nguyên bản gồm 682 pho, khoảng 7000 quyển, hiện tại chỉ còn 4957 quyển.

Khắc bản này do tư nhân, gọi là “tư khắc bản,” khởi xướng vận động khắc bản được biết do Thôi Pháp Trân 崔法珍. Cô là con gái của Thôi Tiến, người huyện Trưởng tử, Lộ châu, triều đại Kim. Theo lời kể Hỗ Thạch Tương, nguyên cố vấn tôn giáo chùa Quảng thắng, nguyên lai Thôi Pháp Trân bị bệnh câm, sau nhờ Hòa thương Phương trượng chùa Quảng thắng trị lành. Một thời gian sau, nhân cô nhận thấy Hòa-thượng Phượng thường có vẻ mặt ưu sầu, bèn hỏi duyên cớ. Hòa thương cho biết, gần đây chùa phát tâm muốn khắc in một bộ Đại tạng kinh nhưng không đủ kinh phí. Pháp Trân nghe xong, im lặng không nói; thối lui một lúc không bao lâu cô trở lại với một cánh tay đã được cắt bỏ, và bạch với Hoa thượng: “Thân này và sinh mạng này của con đều do Phật ban cho. Nay con chặt đứt một cánh tay để biểu lộ tấm lòng chân thật. Con nguyện trọn tâm ý mộ duyên, quyên góp cho đủ số tiền khắc in Kinh.” Cảm động trước quyết tâm của Thôi Pháp Trân, nhóm Lưu Pháp Thiện, khoảng 50 người, cũng thực hiện các hành vi đốt tay, đốt ngón các thứ, để biểu lộ quyết tâm vì Pháp. Có người bỏ hết gia sản, ăn cháo thay cơm, dành tiền cho việc khắc in Kinh. Công tác khắc bản khởi sự vào năm Hoàng thống thứ 9 (1149) dưới thời Hy Tông, trải qua 25 năm, đến thời vua Thế Tông niên hiệu Đại định 13 (1173) mới hoàn tất.

Năm Đại định 18 (1178), Thôi Pháp Trân mang bản in về Yên kinh, thủ đô nước Kim bấy giờ. Kim Thế Tông sắc cho rước vào chùa Đại thánh an 大聖安寺. Năm Đại định 21 bản khắc được vận chuyển về Yên kinh, ấn loát lưu thông.

Nói là Triệu thành Kim tạng, vì nó được phát hiện tại Triệu thành, và là khắc bản dưới triều Kim, do đây nó cũng gọi là Kim tạng. Năm 1959, một ấn bản Kim tạng được phát hiện tại chùa Tát-ca-da (Sa skya dgon), Tây tạng. Một phần của ấn bản này được cho là được in ấn dưới thời Mông-kha (Mongke), năm Bính thìn (1256), được lưu trữ tại chùa Đại bảo tập, Yên kinh 燕京大寶集寺. Tát-ca-da là ngôi chùa chính của phái Tát-ca-da (Sa skya pa), do vậy có thể đoán định đây là bản Kim tạng được Đế sư Bát-tư-ba (‘Phags pa) mang về nước. Có thể Kim tạng được mang theo lần này; và cũng có thể đây là bản Kinh được đưa vào lưu trữ tại chùa Bảo tập, năm 1256 dưới thời Mông-kha.

Niên hiệu Trung thống 1 (1260), Nguyên Thế Tổ Hốt-tất-liệt tôn phong Bát-tư-ba làm Quốc sư. Sau khi thọ phong, Bát-tư-ba về lại Tây tạng.

Do được phát hiện tại chùa Tát-ca nên ấn bản này cũng được gọi là Tát-ca Kim tạng 薩迦金藏. Các nhà nghiên cứu sau khi đối chiếu hai bản, đã nhận định cả hai, bản chùa Quảng thắng và bản chùa Tát-ca, đều một gốc, từ Kim tạng.

Bản Kim tạng được nói ở đây là bản hiệu đính, tu chỉnh bởi Da-luật-sở tài耶律楚材 (1190-1244), thuộc tông thất triều Kim, cháu 9 đời của Da-luật A-bảo-ki, sau quy thuận Nguyên Mông.

Năm Tl. 1236, Da-luật Sở-tài tâu vua thỉnh lập Sở Biên tu, biên tập kinh sử. Trong một bài thơ Da-luật Sở-tài sáng tác, được tìm thấy trong Trạm Nhiên Cư sĩ tập 湛然居士集, phỏng đoán sáng tác trong khoảng Tl. 1233-1236, với tiêu đề “Bổ Đại tạng kinh bản sớ” 補大藏經板疏; thơ ý nói, qua 10 năm binh lửa, Kinh điển phân nửa thành tro tàn. Nay muốn lấy Kinh ra từ cát bụi, tùy duyên, cần động đến tài sản thế gian. Bài thơ được sáng tác trong khoảng thời gian Da-luật Sở tài tâu vua lập Sở Biên tu, có thể biết Đại tạng kinh cũng được biên tu trong khoảng thời gian này. Bấy giờ Đại hãn Mông-cổ đang là Oa-khoát-đài (Ӧgedei), tại vị Tl. 1229-1241. Ba năm sau, Da-luật Sở-tài mất.

Sau khi được hiệu đính, tu bổ, bản kinh được lưu trữ tại chùa Hoằng pháp, Đại đô Hoằng pháp tạng 大都弘法藏, nói gọn, Hoằng pháp tạng. Đại đô tức Kinh đô triều Nguyên (thuộc Bắc kinh ngày nay). Kim sử kỷ sự bản kỷ 金史紀事本末 quyển 30, Vĩnh lạc đại điển 永樂大典, cùng với nhiều sử liệu khác hầu như nhất trí được dẫn: Chùa Hoằng pháp, tại Cự thành 舊城, năm Đại định 18 (1178), con gái của Thôi Tiến ở Lộ châu là Thôi Pháp Trân in Kinh một bộ tạng tiến triều đình… Cựu thành (thành cũ) nói đây chỉ thành cũ Bắc kinh.

Do Hoằng pháp tạng là bản tu bổ nên số kinh nhiều hơn bản chính Kim tạng trước khi được tu chỉnh. Hoằng pháp tạng cũng được kể trong số ba bộ Đại tạng kinh trong triều Nguyên. Thứ nhất, Hoằng pháp tạng được nhắc đến ở đây; thứ hai, Phổ ninh tạng đã được nói đến trong phần trên, và thứ ba, bản Diên hựu Đại tạng kinh 延祐版大藏經.

Về Thôi Pháp Trân, năm Đại định 18 (1178), tại chùa Đại thánh an, vua cho lập đàn truyền giới Tì-kheo-ni cho Thôi Pháp Trân. Năm Đại định 23 (1183), Thế Tông ban cho Thôi Pháp Trân tử y ca-sa, đặc phong danh hiệu Hoàng Giáo Đại Sư.

Trước khi Kim tạng được phát hiện, có nghi vấn về Thôi Pháp Trân, hoặc sự kiện chặt cánh tay để khuyến mộ khắc kinh. Có thuyết nói rằng Thôi Pháp Trân là nhân vật đã quyên mộ khắc bản Tích sa tạng. Có thuyết nói Cô là người thời nhà Minh, vận động khắc bản Gia hưng tạng.

VI. NGUYÊN

9. Phổ ninh tạng 普寧藏

Đây là khắc bản Đại tạng do tư nhân, tăng đồ Bạch vân tông khuyến hóa quyên góp tài chánh, do vậy khắc bản này được gọi là “tư khắc”; nói đủ, Hàng châu lộ Dư hàng huyện Bạch vân tông Nam sơn Đại Phổ ninh tự Đại tạng kinh 杭州路餘杭縣白雲宗南山大普寧寺大藏經, gọi tắt là Phổ ninh tạng 普宁藏, Hàng châu tạng 杭州藏, Nguyên tạng 元藏.

Bạch vân tông 白雲宗, một chi phái của Hoa nghiêm tông, chủ trương Thích, Đạo, Nho, Tam giáo quy nhất; được xướng thuyết bởi Khổng Thanh Giác 孔清覺, trụ trì Bạch vân am tại Hàng châu, hậu duệ của Khổng Tử, dưới triều Tống Huy Tông, Bắc Tống, trong khoảng Tl. 1107-1110.

Do kịch liệt chống đối Thiền tông, bị Thiền tông xem là tà giáo nên bị cấm đoán. Sau đó, Bạch vân tông lại phát triển mạnh dưới triều Nam Tống. Nhưng chỉ một thời, giới luật lỏng lẻo, lại hay cấu kết với quyền thế, lại một lần nữa bị cấm chỉ dưới triều Nam Tống Ninh Tông 寧宗 (1168-1224 ).

Năm Tl. 1276, quân Mông cổ đánh chiếm Lâm an, đô thành Nam Tống, bấy giờ Pháp sư Đạo An 道安, trụ trì chùa Diệu Nghiêm ở Hồ châu 湖州妙嚴寺, đoán biết vận mệnh nhà Tống đã dứt, sự hưng suy của tông phái tùy thuộc triều Nguyên, bên thân hành lên Đại đô, kinh thành Mông cổ phương Bắc, cầu kiến Hốt-tất-liệt, thỉnh nguyện cho Bạch vân tông được hành đạo hợp pháp. Hốt-tất-liệt không chỉ chuẩn y thỉnh cầu, mà còn sắc phong Đạo An làm Tăng lục.

Trong triều đại Nguyên, cơ cấu tối cao quản lý chế độ Tăng-già, đặt Viện Tổng chế, sau đó đặt thêm ty Công đức sứ. Năm Chí nguyên 25 (1288), Viện Tổng chế đổi thành Viện Tuyên Giáo, quản hạt Tăng quan các địa phương với chức danh Tăng lục, Tăng chánh, Tăng cang.

Đạo An hai lần thượng tấu triều đình, được phê chuẩn, sách phong đảm nhiệm chức Tăng lục Bạch vân tông trong các vùng Triết tây và Hàng châu. Theo đây, có thể kết luận không mấy sai lầm, rằng ngay năm sau, niên hiệu Chí nguyên 14 (1277, hoặc trễ hơn 2 năm), Đạo An trở về chùa Phổ ninh, Hàng châu, lập lại Cục Đại tạng kinh, tiếp nối sự nghiệp khắc kinh bị gián đoạn 30 năm trước đó và khởi sự khắc bản; và đó là khắc bản Phổ ninh tạng.

Phổ ninh tạng khởi khắc không bao lâu, năm Chí nguyên 18 (1281), Đạo An thượng kinh lần thứ hai, dâng biểu tạ ân, sau đó thị tịch tại chùa Diên thọ ở Đại đô.

Công trình khắc in Phổ ninh tạng kéo dài trong 11 năm, hoàn thành năm Tl. 1289 (hoặc 1290). Toàn tạng, 558 hòm, 1430 bộ, 6004 quyển.

Năm sau, Chí nguyên 26 (1289), Nguyên Thế Tổ Hốt-tất-liệt chiếu lệnh các chùa trong thiên hạ, chiếu lệ hàng năm tháng chạp, tập hợp tăng chúng tụng đọc Đại tạng kinh, được ban cấp sở phí.

Niên hiệu Đại đức 10 (1306), Tăng lục phủ Tùng giang là Quản-chủ-bát đã cho bổ túc thêm các kinh Bí mật giáo phiên dịch ở phương Nam ước chừng 97 bộ, 315 quyển và một số kinh sách khác, như vậy toàn tạng bấy giờ kể có 559 hòm, 1437 bộ, 6010 quyển. Phổ ninh tạng, về mặt cơ bản, được xem như căn cứ khắc bản Tư khê tạng (Phúc châu tạng) làm bản đáy, và sau hết hiệu đối Tích sa tạng, với những hiệu chính và tăng bổ các kinh mà trước đó chưa được thực hiện.

10. Hoằng pháp tạng 弘法藏

Triều Nguyên, tuy Phật giáo được xem như quốc giáo, các đế vương trước khi tức vị đều có thọ giới trước Đế sư; tuy vậy, sự nghiệp khắc kinh không có gì đặc sắc so với các triều Tống, Liêu, Kim trước đó. Tương truyền ngoài khắc bản Phổ ninh tạng được thuật đoạn trên, một khắc bản Đại tạng kinh khác được tìm thấy tại chùa Hoằng pháp, Đại đô, và do đó, được gọi là Hoằng pháp tạng.  Do bởi Hoằng pháp tạng được cho là khắc bản bổ sung và chỉnh sửa từ Triệu thành Kim tạng, cho nên một số vấn đề quan hệ có thể đọc trong đoạn trên.

Trong thời Liêu, Kim, chùa Hoằng pháp có vị trí tại thành nam Bắc kinh. Sách Thuận thiên phủ chí 光緒順天府志, được viết dưới triều Thanh, Quang tự 5-12 (Tl.1897-1866), gọi nó là chùa Hồng pháp 洪法寺. Chùa nổi danh do khắc bản Hoằng pháp tạng được khắc in tại đây, hoặc được lưu trữ trong chùa này.

Tưởng cũng cần nhắc lại ở đây về sự kiện Da-luật Sở-tài biểu tấu lập Sở Biên tu, biên tập kinh điển; trong số được biên tập có thể được biết có Kim tạng. Sau khi được biên tập, Kim tạng được ấn hành và lưu trữ tại chùa Đại bảo tập, Yên kinh. Chùa Bảo tập寶集寺, ở Đại đô, vốn là chùa chính của tông Hoa nghiêm trong thời Nguyên, nhưng khởi đầu kiến thiết được nói là dưới thời Đường.  Trú trì đầu tiên trong thời Nguyên được biết là Long an Thiện Tuyển 隆安善選, nhậm chức triều Nguyên Thái Tổ Thành-cát-tư Hãn, năm thứ 10 (1215).

Khắc bản Kim tạng chùa Đại bảo tập như đã biết, là khắc bản bổ chính, được khắc in dưới thời Mông-kha. Cho đến triều Nguyên Thế Tổ bản Kim tạng chùa Đại bảo tập được biết với tên gọi Hoằng pháp tạng. Phật Tổ lịch đại thông tải, soạn bởi Niệm Thường 念常 thời Nguyên, quyển 21 (T49n2036_p0724b14), ghi chép: Kinh tạng bản chùa Hoằng pháp trải qua nhiều đời, vua khiến Sơn đức các nơi hiệu chính bổ khuyết để lưu truyền lâu dài. Vua nhận thấy kinh truyền của Tăng Tây tạng âm vận không đồng nhất với kinh truyền bởi Tăng người Hán, do nghi ngờ, bèn khiến danh sĩ hai nước cùng biện luận, sau đó nhận thấy nhất nhất không có gì sai khác.

Đại Tạng Kinh Tây Tạng (Ảnh: Internet, Phật Việt minh họa)

Ký tải bởi Phật Tổ lịch đại thông tải này đã gợi lên hai nhận định khác nhau. Thứ nhất, khi đối chiếu Kim tạng với Chí nguyên lục, số lượng kinh khắc nhiều ít không đồng nhất. Chí nguyên lục, tức Chí Nguyên Pháp bảo kham đồng tổng lục 至元法寶勘同總錄, soạn bởi Thích Khánh Cát Tường 釋慶吉祥, còn bản mục lục kinh khắc bản cũ của Hoằng pháp tạng được hiệu chính bổ túc dưới sự chủ trì cúa Nguyên Thế Tổ. Thứ nhất, học giả Nhất Tiểu Dã Huyền Diệu có ý kiến nói Hoằng pháp tạng là bản trùng khắc mới; khắc lại từ bản cũ chùa Hoằng pháp, tức hai khắc bản khác nhau. Ý kiến của Giáo sư Tú Bạch, Hoằng pháp tạng là bản tăng bổ của triều Nguyên từ bản Kim tạng vốn được lưu trữ tại chùa Hoằng pháp; cả hai chỉ là một.

Triều Nguyên, ngoài hai khắc bản Đại tạng kinh vừa thuật trên, vào năm 1984, nhân viên bảo quản văn khố chùa Trí hóa tại Bắc kinh phát hiện 4 bộ kinh in trong 3 quyển. Căn cứ thông tin từ Hoằng pháp tạng, bốn bộ ba quyển kinh này được in ấn dưới thời Nhân Tông niên hựu 3 (1316), được gọi là bản Diên hựu 延祐本.Ấn bản này ít được biết đến, nhưng từ khi được phát hiện, nó đã giúp các nhà nghiên cứu trong việc thẩm định mối quan hệ giữa các khắc bản nói là Hoằng pháp tạng và Kim tạng. Bản Diên hựu được cho là một trong số 33 bộ kinh mà Nhân Tông sắc lệnh in ấn, căn cứ từ khắc bản đời Kim, niên hiệu Đại định 18 (1178), tức khắc bản Triệu thành Kim tạng do Thôi Pháp Trân vận động.

Ngoài ba bản khắc in vừa lược thuật, kể từ niên hiệu Đại đức 6 (1302), Quản-chủ-bát 管主八, vị Tăng lục phủ Tùng giang Giang châu, phụng mạng Thành Tông khắc in hơn 30 bộ Đại tạng bằng chữ Tây hạ 西夏文, tổng cộng 3620 quyển, ấn tống cho các địa phương.

Tương truyền văn tự Tây hạ khởi xướng bởi vua Tây Hạ Cảnh Tông Lý Nguyên Hiệu 景宗李元昊, vào niên hiệu Cảnh hựu 3 (1036) chiếu lệnh khiến Khai quốc trọng thần Dã-lị-nhân-vinh 野利仁荣 sáng chế văn tự, sau ba năm hoàn thành, 12 quyển, được kể là Quốc thư. Thứ chữ này được dùng phổ biến trong nhân gian, từ Kinh Phật cho đến thư tín giao thiệp hằng ngày. Năm 1227, Tây Hạ bị Mông-cổ diệt; chữ Tây Hạ cũng theo đó mà biến mất.

Bộ Đại tạng kinh bằng chữ Tây Hạ này được gọi là Hà Tây văn tự Đại tạng kinh 河西文字大藏經. Đây là bản dịch tiếng Tây Hạ từ Hán văn Đại tạng quan khắc bản Tông Khai bảo tạng theo lệnh của Cảnh Tông Lý Nguyên Hiệu trong năm Tl. 1038, tổ chức dịch trường phiên dịch. Dẫn đầu trong số dịch giả có 32 vị, trải qua 53 năm, dịch được 362 pho, 820 bộ, 3579 quyển, bao quát Thánh điển Hiển giáo và Mật giáo.

Nguyên Thế Tổ, niên hiệu Chí nguyên 30 (1293), sắc lệnh khắc in Tây Hạ văn Đại tạng kinh tại chùa Đại Vạn thọ, Hàng châu 杭洲大萬壽寺. Cho đến niên hiệu Đại đức 6 (1302), dưới triều vua Thành Tông, thì khắc xong, tổng cộng hơn 3620 quyển. Ngay sau đó in thành 10 bản ấn tống. Cho đến niên hiệu Đại đức 10 (1311), Tăng lục  Quản-chủ-bát in thành 30 bộ ấn tống lưu thông đến các tự viện trong các địa phương Ninh hạ, Vĩnh xương, Sa châu, v.v… Trong số ấn bản này, có hơn 500 chủng loại, khoảng 1000 quyển, khác nhau hiện đang được phát hiện tại các địa phương Trung quốc.

VII. MINH

Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương vốn xuất thân từ nhà chùa, mặc dù được cho là do vấn đề y thực hơn là có chí mộ đạo; nhưng sau khi thống nhất, cũng như các triều đại trước, đã lưu tâm đến việc phát huy Phật và chỉnh đốn tổ chức, như thiết lập các chức vụ Thống lĩnh, Phó Thống lĩnh, v.v… Niên hiệu Hồng vũ 3 (1370), triệu tập tăng lữ từ các địa phương, ban hành quy định ba lãnh vực chuyên biệt Thiền tập, Giảng, Giáo. Ba lãnh vực này được giài thích rõ nhau sau, theo chiếu dụ ban hành trong niên hiệu Hồng vũ 15 (1382) như sau: “Sự thiết lập Phật tự, trải qua các triều đại, được phân làm ba cấp: Thiền, Giảng, Giáo. Thiền, tông chỉ là bất lập văn tự, mà chỉ thắng kiến tánh thành Phật. Giảng, có nhiệm vụ giảng rõ ý chỉ của các Kinh. Giáo, là quảng diễn pháp cứu tế lợi sanh của Phật.”

Dưới triều Nguyên, do Nguyên Thế Tổ quy y theo Phật giáo truyền thừa Tây Tạng nên đã có chính sách thay thế Phật giáo Hán truyền bằng Tạng truyền, do thế thịnh hành Mật giáo. Cho đến khi Minh diệt Nguyên, Phật giáo Tạng truyền mất dần ưu thế, và các tông phái mang đặc tính truyền thống Hán như Thiền, Tịnh, Luật, Thiên Thai, Hoa nghiêm, dần dần khôi phục địa vị và phát triển.

Triều Minh có ba khắc bản Đại tạng kinh thuộc loại quan khắc bản: Hồng vũ Nam tạng, Vĩnh lạc Nam tạng và Vĩnh lạc Bắc tạng.

11. Hồng vũ Nam tạng 洪武南藏

Hồng vũ Nam tạng được biết là khắc bản đầu tiên, gọi là bản Sơ khắc Nam tạng 初刻南藏, trong số ba bản quan khắc Đại tạng triều Minh. Khắc bản này được khởi công tại chùa Tưởng sơn, phủ Ứng thiên, Kinh sư 京師應天府蒋山寺 (Nam kinh ngày nay), trong niên hiệu Hồng vũ, do đó được hiết với tên gọi Hồng vũ Nam tạng 洪武南藏.

Chùa Tưởng sơn là một trong ba ngôi chùa lớn ở Kim lăng (Nam kinh). Lai nguyên, chùa do Lương Vũ Đế (464-549), để tưởng niệm Bảo Chí Thiền sư 寶誌禪師 (418年-514) – thường được biết với danh hiệu Chí Công Thiền sư/Tổ sư 誌公禪師/祖師, đã cho dựng một ngôi tinh xá dưới gò Độc long, phía nam chân núi Tử sơn gọi là Khai thiên tinh xá 開善精舍; trong chùa lại cho dựng Bảo Công tháp寶公塔. Đời Đường, chùa được đổi tên thành Viện Bảo Công 寶公院.  Bắc Tống, năm Thái bình hưng quốc 5, đổi tên thành chùa Thái bình hưng quốc 太平興國寺. Triều Minh lại đổi tên thành Tưởng sơn tự. Cho đến niên hiệu Hồng vũ 14 (1381) chùa được dời đến địa chỉ Linh cốc, mệnh danh Linh cốc Thiền tự 靈谷禪寺. Linh cốc tự hiện nay là ngôi chùa tọa lạc ở sườn nam núi Tử kim, cách lăng mộ Tôn Trung sơn khoảng 1.5 km. Tử kim sơn 紫金山 là một tên gọi khác của Tưởng sơn.

Niên hiệu Hồng vũ 5 (1372), chỉ sau 5 thống nhất thiên hạ, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương 明太祖朱元璋 sắc lệnh các Sa-môn danh đức thạc học vân tập về chùa Tưởng sơn tại phủ Ứng thiên, Kinh sư 京師應天府, khởi sự công trình điểm hiệu Kinh tạng. Điểm hiệu 點號, một cách nói của phương pháp xử lý văn bản cho một bản đáy, gọi là để bản 底本, cần được hiệu đính; so sánh với các bản khác để sửa chữa những sai sót do người chép Kinh hoặc do thợ khắc bản. Đây là việc hiệu đính nội dung văn bản. Một công việc đồng thời cũng cần được tiến hành, đó là công việc chấm câu hay ngắt câu bằng phù hiệu, thường là dấu khuyên tròn, gọi là công việc tiêu điểm phù hiệu 標點符號. Bởi vì Hán văn cổ được viết câu liên tục từ hàng này sang khác, cho đến trang khác, người đọc nếu không thông nghĩa lý thì rất khó tách biệt các câu để hiểu rõ nội dung. Trong bản Đại chánh tạng hiện hành cũng có tiêu điểm phù hiệu, nhưng thỉnh thoảng có nhầm lẫn trong việc đánh dấu tiêu điểm phù hiệp, khiến một số bản dịch Hán Việt theo đó mà hiểu và dịch sai nội dung đoạn văn.

Khắc bản được khởi công từ Hồng vũ 5 (1372) đến Hồng vũ 31 (1398), hoàn tất. Cũng năm đó, Minh Thái Tổ băng. Minh Huệ Tông 惠宗 kế vị tiếp tục sự nghiệp khắc kinh cho đến niên hiệu Kiến văn 3 (1401) thì hoàn tất. Số kinh bản khắc được gồm 1600 bộ, hơn 7000 quyển, trong 678 hòm.

Trong số đó, khắc bản thực hiện trong niên hiệu Hồng vũ được nhập tạng liệt vào Chánh tạng gồm 519 hòm, y cứ Tích sa tạng làm bản đáy. Khắc bản trong niên hiệu Kiến văn được nhập tạng liệt vào Tục tạng gồm 87 hòm, tập họp các kinh điển mới được nhập tạng.

Giáo sư  Dã Trạch Giai Mỹ (Nozawa Yochimi) phân tách toàn tạng làm hai phần: Chánh tạng và Tục tạng, và phán đoán, sau khi Thái Tổ băng, Huệ Tông kế vị, tiếp tục sự nghiệp khắc kinh, khắc thêm các luận thư của các tông phái, tập thành Tục tạng.

Bản Sơ khắc Nam tạng, hay Hồng vũ Nam tạng, sau khi hoàn tất, được lưu trữ trong chùa Thiên hy 天禧寺, tồn tại không được bao lâu, chỉ trong 10 năm (1399-1408), bị thiêu hủy do một trận hòa hoạn thiêu rụi chùa. Từ đó, Hồng vũ tạng xem như tuyệt tích. Chỉ còn duy nhất một ấn bản, nhưng mãi cho đến hơn 500 sau, năm Tl. 1943, ấn bản duy nhất này mới được phát hiện trong chùa Thượng cổ 上古寺, huyện Sùng khánh, tỉnh Tứ xuyên. Bấy giờ, hầu như chỉ một bản quan khắc đầu tiên trong triều Minh được biết đến, đó là khắc bản Vinh lạc Nam tạng.

Dù vậy, Hồng vũ Nam tạng cùng với vụ tai kiếp cũng được biết đến từ Kim lăng Phạm sát chí 金陵梵剎志, quyển 31. Sách ghi chép các ngôi chùa tại Kim lăng, tức Nam kinh, nói về vụ hỏa hoạn này như sau: Chùa Thiên hy, tên cũ là Trường can 長干寺, được dựng từ đời Ngô trong khoảng niên hiệu Xích ô (238-251). Trải qua nhiều triều đại, chùa đổ nát, Tống Chân Tông trong niên hiệu Thiên hy (1017-1021) cho trùng tu, đổi tên chùa Thiên hy. Triều Minh, niên hiệu Hồng vũ, chùa hư hại nhiều, Công bộ thị lang Hoàng Lập Cung tấu thỉnh quyên mộ tài chánh trùng tu. Minh Thành Tổ khi vừa tức vị liền sắc lệnh Bộ Công tu sửa thêm mới. Vài năm sau, có Tăng Bản Tánh僧本性 (?), không rõ gốc tích, lòng ôm thù riêng giết người, lén lút trong thất của Tăng, rồi châm lửa đốt chùa. Đoạn dẫn trên đây ghi lại lời của Minh Thành Tổ, trong sắc lệnh trùng tu chùa Báo ân 重修報恩寺勅, năm Vĩnh lạc 11 (1413). Lời phán của Hoàng đế là sự thật, thần dân phải hiểu như vậy. Sáu trăm năm sau, sự thật ấy trở thành nghi án cho các nhà nghiên cứu.

Sự kiện là, vào năm 1943, người ta phát hiện trong chùa Thượng cổ上古寺, núi Phụng thê, huyện Sùng khánh, trong vùng phụ cận Thành đô, tỉnh Tứ xuyên, một khắc bản Đại tạng kinh đời Minh còn được bảo tồn đầy đủ. Tin tức này hấp dẫn các nhà nghiên cứu. Nhà Phật học danh tiếng bấy giờ, ông Lữ Trưng, sưu tập các nguồn sử liệu, cuối cùng kết luận đây là bản Sơ khắc Nam tạng.

Chùa Thượng cổ, nguyên tên là Thường lạc am, có từ thời Tấn Văn Đế (320-372); đời Minh, đổi tên thành Quang nghiêm Thiền viện 光嚴禪院.

Tương truyền, Quang nghiêm Thiền viện, cũng thường gọi là chùa Quang nghiêm, vốn là nơi tu hành ẩn dật của Ngộ Không Thiền sư 悟空禅師, chú út của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Sư nguyên danh Chu Ngũ Lục, xuất gia hiệu Pháp Nhân. Do thời binh loạn cuối triều Nguyên, chú cháu thất lạc. Đến khi tức vị Hoàng đế, Chu Nguyên Chương nhớ đến chú út, cho tìm kiếm khắp nơi nhưng không dò ra tông tích.

Một thời gian sau, người con thứ 11 của Chu Nguyên Chương, Thục Hiến vương Chu Thung 蜀献王朱椿, bấy giờ trấn nhậm Tây Thục, được bẩm báo có một vị cao tăng từ Tây tạng đến ẩn tu trong chùa Thường lạc, bèn đến bái phỏng. Điều bất ngờ, vị cao tăng này chính là sư Pháp Nhân. Chu Nguyên Chương hay được tin này, liền ban danh hiệu Ngộ Không cho Pháp Nhân. Ngôi cổ tự sau đó cũng được đổi tên thành Quang nghiêm Thiền viện.

Năm Vĩnh lạc 14 (1416), Thục Hiến Vương Chu Thung, bỏ tư tài in ấn một bộ Đại tạng kinh gồm 684 hòm hiến cúng cho chùa Quang nghiêm. Bản Đại tạng kinh này, khi được phát hiện, các nhà nghiên cứu (Lữ Trưng 呂澂, Hà Mai 何梅, Nozawa Yoshimi 野沢佳美 …) xác nhận bản Đại tạng kinh được hiến cúng cho chùa này chinh là bản Sơ khắc Nam tạng.

Một chi tiết quan trọng trong khắc bản này không chỉ thông tin cho phép phỏng đoán niên đại khởi khắc và hoàn thành, mà còn một chi tiết rất quan trọng, đó là nguyên nhân hỏa hoạn thiêu rụi chùa và kinh.

Một đoạn văn trong Cổ Tôn túc ngữ lục 古尊宿語錄, quyển 8, được phát hiện trong ấn bản Đại tạng kinh này, cho biết: “Đại Minh □□ cải nguyên, xuân Kỹ mão, Phật tâm Thiên tử trùng khắc Đại tạng kinh bản…” 大明□□改元己卯春,佛心天子重刻大藏經板. Trong đoạn dẫn này có 2 ô chữ đục trống. Năm Kỷ mão được nói ở đây chỉ có thể là năm Kiến văn thứ nhất (1399), vua Minh Huệ Tông, cháu nội của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Do vậy, “Phật tâm Thiên tử” cũng chính là Minh Huệ Tông 明惠宗.

Sau khi Minh Thái Tổ băng, Huệ Tông kế vị, đổi niên hiệu Hồng vũ 31 thành Kiến văn thứ 1. Ba năm sau, Kiến văn 4 (1402), Huệ Tông bị chú ruột của mình, Chu Lệ, diệt và soán ngôi.

Nguyên do, sau khi diệt Nguyên, để củng cố quyền lực, Chu Nguyên Chương phong các con mình trấn thủ các phiên trấn. Huệ Tông sau khi lên ngôi, e sợ thế lực của các chú của mình, bèn thi hành chính sách tước giảm quyền lực các phiên trấn (tước phiên chính sách 削藩政策). Yên vương Chu Lệ 燕王朱棣, con thứ tư của Chu Nguyên Chương, tức thì phản ứng, dẫn quân công hãm kinh thành. Chiến tranh kéo dài ba năm, kinh thành thất thủ, Huệ Tông mất mạng, xác được tìm thấy trong đám cháy.

Chu Lệ tức vị Hoàng đế, xưng hiệu Minh Thành Tổ 明成祖, cải nguyên thành niên hiệu Vĩnh lạc (1403-1424), xóa bỏ niên hiệu Kiến văn của Huệ Tông, cho kéo dài niên hiệu Hồng vũ 32 (Kiến văn 1) cho đến Hồng vũ 35 (Kiến văn 4).

Từ hai ô trống bị đục trong Cổ tôn túc ngữ lục, ấn bản Đại tạng kinh được phát hiện tại chùa Quang nghiêm, dẫn đến ý kiến suy diễn cho rằng sự cố cháy chùa cháy kinh là do chính Minh Thành Tổ dàn dựng. Tuy nói “ý kiến suy diễn,” nhưng cơ sở để suy diễn không phải là không có sự thật lịch sử. Ấn bản này có thể là bản được Thục Hiến Vương năm Vĩnh lạc 14 (1416) hiến cúng cho chùa như đã thuật, tức bản Sơ khắc Nam tạng hay Hồng vũ Nam tạng bị thiêu hủy. Giả định có thể, vì Hồng vũ Nam tạng được báo cáo bị thiêu hủy từ năm 1408; ấn bản mà 8 năm sau (1416) Thục Hiên vương phụng cúng chùa. GS. Nozawa cho rằng tấm bản khắc Hồng vũ Nam tạng được phát hiện tại chùa Quang nghiêm không phải là khắc bản Hồng vũ Nam tạng bị thiêu cùng với chùa Thiên hy. Cơ sở để Nozawa dẫn đến kết luận này, do GS. căn cứ một số tên các thợ khắc được thấy ghi trong các bản khắc Nguyên sử (1369) và bản in năm Hồng vũ 5 (1372) cũng tìm thấy trong khắc bản Vĩnh lạc Nam tạng năm Vĩnh lạc 10 (1412), tuổi nghề của những thợ khắc này kéo dài trên dưới 40 năm. Tuổi nghề như vậy không thể xảy ra đối với thợ khắc thời cổ. Như vậy, tên họ những thợ khắc này có liên quan đến phần Chánh tạng của khắc bản Hồng vũ Nam tạng.

12. Vĩnh lạc Nam tạng 永樂南藏

Khắc bản Hồng vũ Nam tạng, sau khi hoàn tất công khắc, chỉ tồn tại trong khoảng 10 năm (1399-1408) thì bị thiêu hủy cùng với chùa Thiên hy. Năm Vĩnh lạc 11 (1413), Minh Thành Tổ cho trùng tu lại chùa, đồng thời cho khắc lại Đại tạng kinh, y cứ trên khắc bản Hồng vũ nam tạng. Công trình khắc bản đến năm Vĩnh lạc 18 (1420) thì hoàn thành, gồm 57160 bản gỗ. Toàn tạng 636 hòm, 1610 bộ, 6331 quyển. Xưởng khắc được nói là tại chùa Thiên hy.

Sau khi công khắc hoàn tất, khắc bản được lưu tại chùa Thiên hy, Nam kinh. Do được khởi khắc và hoàn tất trong niên hiệu Vĩnh lạc 11-18 (1413-1420), được gọi là Vĩnh lạc Nam tạng.

13. Vĩnh lạc Bắc tạng 永樂北藏

Minh Thành Tổ, niên hiệu Vĩnh lạc 19 (1421), từ phủ Thuận thiên, kinh đô phía nam (Nam kinh), dời về phủ Thuận thiên, Bắc kinh. Do nhu cầu phổ biến tại phương bắc, ngay trong năm đó, Thành Tổ cho khắc lại Đại tạng kinh, được gọi là Vĩnh lạc Bắc tạng. Khởi khắc dưới thời Minh Thành Tổ, cho đến thời Minh Anh Tông, Hoàng đế thứ 6 triều Minh, niên hiệu Chánh thống 5 (1440) hoàn thành. Toàn tạng gồm 636 hòm, 1621 bộ, 6316 quyển. Đến đời Minh Thần Tông, Hoàng đế thứ 14, niên hiệu Vạn lịch 12 (1584), khắc bổ sung sáng tác của các tông, thêm 41 hòm, 36 bộ, 410 quyển. Như vậy, tổng chi, toàn tạng trước sau có 677 hòm, 1557 bộ, 6771 quyển.

Ngoài ba khắc bản được là quan khắc, do bởi Hoàng gia khắc ấn, còn một số khắc bản do bởi tư nhân, tự viện hay cá nhân tự quyên mộ tư tài để khắc ấn. Trong số đó, được kể đến như Dương gia kinh tràng tạng, Vạn lịch tạng, Gia hưng tạng.

14. Dương gia kinh tràng tạng 楊家經場藏, bản Đại tạng kinh được ấn hành và phát hành bởi Dương gia Kinh phường 楊家經坊, Hàng châu, trong khoảng niên hiệu Vĩnh lạc (1403-1424). Đây là bản phục khắc, hay phiên khắc, từ bản đáy Tích sa tạng; y cứ nguyên bản gốc khắc in trở lại; ngoại trừ cỡ chữ lớn nhỏ, tất cả số hàng số chữ các thứ đều khắc lại một cách nghiêm túc y theo bản đáy.

Trong thời Minh, các cửa hàng kinh doanh kinh sách rất thịnh hành. Những ngôi nổi tiếng đều có cửa hàng in và phát hành Kinh sách, do tăng nhân đứng ra quản lý. Cửa hàng nhà họ Dương nổi tiếng vào thời đó.

15. Vạn lịch tạng 萬曆藏

Bản tư khắc cuối đời Minh, đầu đời Thanh. Khởi công Minh Vạn lịch 17 (1587), hoàn thành vào thời Thanh Thuận Trị 14 (1657). Toàn tạng gồm 678 hòm, 1659 bộ, 6234 quyển. Đây là bản phục khắc, lấy bản Vĩnh lạc Nam tạng làm bản đáy. Bản in ấn tống do Vương thị, thị nữ Minh Huệ Vương Chu Thường Nhuận 惠王朱常潤 (1594-1645) phát tâm cúng dường. Các quan viên cao cấp, cùng các tín đồ, đồng trợ khắc.

16. Gia hưng tạng 嘉興藏

Khắc bản tư nhân, vào cuối thời Minh, đầu thời Thanh; cũng gọi là Kính sơn tạng 徑山藏. Khởi xướng khắc bản do Tử Bá Chân Khả, chùa Lăng-nghiêm, năm Vạn lịch 17 (1578) thời vua Minh Thần Tông 明神宗, tại am Diệu đức 妙德庵, núi Ngũ đài, nơi Bồ tát Văn-thù thường hiện thân. Một thời gian sau, Vạn lịch 21 (1593), do khí hậu nơi đây quá lạnh, xưởng khắc được dời về Kinh sơn, huyện Dư hàng, Triết giang, tiếp tục điêu khắc. Chùa được xây dựng từ đời Đường; cho đến Tống Hiếu Tông 宋孝宗 (1127-1194), chùa cải danh thành Kính sơn Hưng thánh Vạn thọ thiền tự 徑山興聖萬壽禪寺.

Năm Vạn lịch 31, do tranh chấp ngôi vị trưởng thứ kế thừa ngai vàng, xảy ra vụ án Yêu thư 2 第二次妖書案. Chân Khả bị giam ngục và tra khảo đến chết, do bởi một số bằng hữu và tục gia đệ tử có liên hệ đến vụ án.

Vụ án được gọi là Yêu thư, tức họa do văn tự, văn thư, nguyên do từ một bản văn với tiêu đề “Tục ưu nghi hoàng nghị” 續憂危竑議 (tiếp nối bàn rộng ưu tư về mối nguy), thự danh là Đỉnh Ứng Tương 項應祥 soạn. Do mâu thuẫn giữa phe đảng Triết giang và phe đảng Đông lâm, Thẩm Nhất Quán tiến cung dâng bản văn cho vua Thần Tông. Vua xem xong nổi giận, ra lệnh bắt hết bọn Yêu nhân. Tử Bá bị vạ lây nên chết trong ngục. Hám Sơn Đức Thanh 憨山德清 thì bị lưu đày đến Nam hải. Sự nghiệp khắc Kinh tiếp tục do Lục Quang Tổ 陸光祖, Phùng Mộng Trinh 馮梦楨, Viên Liễu Phàm袁了凡. Đến thời Khang Hy 15 (1676), khắc công hoàn thành. Khắc bản này là bản phục khắc y cứ Vĩnh lạc Bắc tạng làm bản đáy. Toàn tạng phân làm hai bộ phận, Chánh tạng và Tục tạng, tổng kê tất cả có 352 hòm, 2090 bộ, hơn 12600 quyển.

VIII. THANH

17. Long tạng龍藏

Thanh triều (1636-1912), trải qua trên 200 năm, chỉ có duy nhất một bản quan khắc Đại tạng kinh: Long tạng 龍藏, hay Càn long tạng 乾隆藏, Thanh tạng 清藏, và đây cũng là bản quan khắc cuối cùng, khắc theo lệnh Hoàng đế.

Thanh Thế Tông niên hiệu Ung chính 11 (1733) sắc lệnh thiết lập Tạng kinh quán 藏經館 tại chùa Hiền lương 賢良寺, Bắc kinh, dưới sự chủ trì của Hòa-thạc Trang Thân vương Doãn Lục 和碩莊親王允祿, Hòa-thạc Hòa Thân vương Hoằng Trú 和碩和親王弘晝, Trú trì chùa Hiền lương Siêu Thánh Pháp sư 超聖法師. Năm Ung chính 13 (1935), khởi công khắc bản. Thanh Cao Tông, năm Càn long 3 (1738) hoàn thành. Phụ trách giám sát khắc bản, in ấn, gồm các quan viên, học giả, cao tăng hơn 60 vị; thợ khắc, thợ in, kỹ thuật viên, …, tập hợp hơn 860 người. Toàn tạng phân làm hai phần. Phần Chánh tạng trong 485 hòm, nội dung tương đồng Vĩnh lạc Bắc tạng, tập hợp các bản dịch Phạn-Hán Tam tạng Thánh giáo cùng các soạn thuật của các Hiền Thánh Ấn-độ. Tục tạng, 239 hòm, tập hợp trước thuật của các Hiền Thánh Đông độ. Tổng kết toàn bộ, 724 hòm, 1669 bộ, 7168 quyển. Sau khi khắc bản hoàn thành, in ấn thành 100 bộ, phân phối các tự viện lớn trong toàn quốc; cho đến 1935, dưới thời Dân quốc, trước sau có trên 150 bộ. Đây là khắc bản quy mô nhất, với kỹ thuật khắc in tinh xảo nhất, và cũng được phổ biến rộng rãi nhất trên quy mô toàn thế giới, xếp thứ hai sau bộ Đại chánh Đại tạng kinh về giá trị nghiên cứu, học thuật.

VIII. CAO-LI

18. Cao-lệ tạng 高麗藏

Dưới thời Nam Tống, niên hiệu Thái bình hưng quốc 8 (983), sau khi Khai bảo tạng được khắc bản hoàn tất, Tống Thái Tông cho lập Viện Ấn kinh tại chùa Thái bình hưng quốc; trong số các ấn bản từ khắc bản này, vào khoảng niên hiệu Đoan củng (988-989), một ấn bản được tặng cho nước Cao li.

Năm Hưng nguyên 1 (1022), một ấn bản hiệu đính Thiên hy (1017-1021) từ khắc bản Khai bảo tạng cũng được tặng đến Khiết-đan và Cao-li.

Vương triều Khiết-đan, niên hiệu Thanh ninh 9 (1063), một ấn bản từ khắc bản Khiết-đan tạng, được gởi tặng Cao-li. Đây là lần thứ nhất Khai bảo tạng được truyền vào Cao-lệ, dưới thời vua Thành Tông (Goryeo Seongjong) năm thứ 8. Năm đó, một phái đoàn được cử sang Tống triều cống. Đồng thời, cũng khiến Tăng Như Khả 如可 (Yeoga) dâng biểu thỉnh Đại tạng kinh, và được Tống Thái Tông ban tặng, và cũng ban tặng Như Khả tử y ca-sa.

Năm Nguyên phong 6 (1083), bản hiệu đính Hàm ninh (1071) từ Khai bảo tạng cũng được gởi tặng Cao-li.

Các bản Đại tạng vừa kể đều là những ấn bản từ khắc bản đầu tiên Khai bảo tạng cùng với những bản hiệu đính bổ sung về sau. Chính thức khắc bản, Đại tạng kinh Cao li 高麗大藏經 trước sau có hai bản: 1. Sơ điêu tạng, hay Sơ điêu Đại tạng kinh 初雕大藏經, khởi công điêu khắc dưới triều vua Cao-lệ Hiển Tông (Hyeonjong) năm 2 (1011), được tiếp tục bởi Văn Tông (Goryeo Munjong, 1019-1083), hoàn thành khắc bản năm Tuyên Tông 4 (1087). 2. Tái điêu tạng, hay Tái điêu Đại tạng kinh 再雕大藏經, bản tái khắc, khởi công khắc dưới triều Cao Tông năm 23 (1236), khắc thành năm 38 (1251).

Nguyên nhân cho khắc bản đầu tiên của Đại tạng kinh Cao-lệ, khởi công năm Hiển Tông thứ 2 (1011) như được tường thuật trong văn “Kỳ cáo của quần thần khắc bản Đại tạng” 大藏板刻君臣祈告文 được sao lục trong Đông quốc Lý Tướng quốc tập 東國李相國集 (Donggukisanggukjip), tuyển tập thi văn của Lý Khuê Báo 李奎報 (Yi Gyubo, 1168-1241), Tể tướng triều vua Cao Tông. Bài văn cầu nguyện này có ghi là được viết vào năm Đinh dậu (1237) dưới thời Cao-lệ Cao Tông (Goryeo Gojong): “Nỗi lo âu về mối họa của quân Thát-đát (tatar: người Khiết-đan) thật quá lớn…. Xưa, năm Hiển Tông thứ 2, Chúa Khiết-đan cử đại binh đến xâm lăng, Hiển tổ tị nạn chạy xuống phương nam; quân Khiết-đan vẫn đồn trú thành Tùng nhạc, không rút lui. Do vậy vua cũng quần thần phát đại nguyện vô thượng khắc thành một bản Đại tạng kinh. Thế rôi, quân Khiết-đan tự rút lui.”

Sự xâm lăng của quân Khiết-đan được nói trong đây là chiến tranh lần thứ hai giữa Liêu và Cao-lệ được phát động bởi Liêu Thánh Tông Gia-luật-hồng-tự 遼聖宗耶律隆緒, năm Thống hòa 28 (1010), cử binh chinh phạt lấy cớ Tây diện đo tuần khiểm sứ Khang Triệu 西北面都巡检使康兆 thí sát Mục Tông 穆宗, phò biểu đệ của Mục Tông là Vương Tuân 王詢 tức vị, hiệu Hiển Tông.

Bản sơ khắc được khởi công năm Hiển Tông 2 (1011), trải qua triều Văn Tông, con trai thứ ba của Hiển Tông, cho đến năm Tuyên Tông (Goryeo Seonjong) 4 (1087), khắc công cáo thành.

Trước đó, Cao-lệ Thành Vương năm thứ 9 (993), sai Binh quan Thị Lang Hàn Ngạn Cung 韓彦恭 (Han Yeon Kong), tháng 12, sang Tống tạ ân ban tặng Đại tạng kinh. Tháng Tư năm sau, Hàn Ngạn Cung về nước dâng Đại tạng kinh. Sự kiện này cũng được ghi chép trong Phật Tổ Thống kỷ (T49n2035_p0400c12): “Đoan củng 2 (989, thời vua Tống Thái Tông), Quốc vương Cao-lệ sai sứ sang thỉnh Đại tạng kinh và Ngự chế Phật thừa văn tập.” Truyện Hàn Ngạn Cung, Cao lệ sử, quyển 93, Liệt truyện 6 chép: “Hàn Ngạn Cung sang Tống tạ ân… Ngạn Cung cầu thỉnh Đại tạng kinh, vua (Tống Thái Tông) ban cho Tạng kinh 481 hòm, 2500 quyển.”

Sử Cao-lệ 高麗史, quyển 10, chép: Tuyên Tông, năm thứ tư (1087), Tháng Hai, vua ngự giá đến chùa Khai quốc 開國寺 khánh thành Đại tạng  kinh. Tháng Ba, vua ngự đến chùa Hưng vương 興王寺, khánh thành điện Đại tạng 大藏殿. Tháng Tư, ngự giá đến chùa Quy pháp 歸法寺 khánh thành Đại tạng kinh. Tuần lễ sau, lập Đạo tràng kinh Kim cang tại điện Càn đức cầu mưa.

Hai nguồn sử liệu dẫn trên có thể xác minh niên đại khởi công khắc bản và hoàn thành khắc bản. Trong hai bản, bản khắc năm Hiển tông 2 (1011) được gọi là Tiền Quốc bản. Bản sau, khắc bởi Văn Tông và Tuyên Tông, được gọi là Hậu Quốc bản. Gọi Quốc bản, do khắc bản bởi Hoàng gia Cao-lệ (高丽大藏经》的历史与现状 – 柳富铉). Khắc bản sau này chưa thấy xác định rõ niên đại.

Theo Sớ trình của Tăng Thống Nghĩa Thiên (義天 – 代宣王诸宗教藏雕印疏): “Hiển Tổ thì điêu khắc Bí Tạng 5000 quyển. Văn Khảo cũng khắc Khế kinh 10 vạn tụng.” (Dẫn bởi 千惠凤著 – 刘婧译). Tăng Thống Nghĩa Thiên (Uicheon Seungtong), con thứ tư của Cao Lệ Hiển Tông (Goryeo Hyeonjong), do đó gọi Hiển Tông là Hiển Tổ, và Văn Tông (Goryeo Munjong) là Văn Khảo. Văn Tông tại vị 37 năm (1047-1083). Khoảng giữa là hai triều Đức Tông 德宗 (Goryeo Deokjong, 1031-1034) và Tĩnh Tông靖宗 (Goryeo Jeongjong, 1035-1046).

Bản sơ khắc Đại tạng kinh này được hầu hết các nhà nghiên cứu cho rằng được chọn làm để bản để khắc là các khắc bản Khai bảo tạng của Bắc Tống, cùng với khắc bản Khiết-đan tạng, các kinh luận được nhập tạng trong Trinh nguyên lục, cùng các kinh luận tân dịch thời Tống và khắc bản được tiếp nhận trong nước Cao-lệ. (高丽藏 的底本及雕造考 柳富铉). Nói rõ hơn, khắc bản bởi Hiển Tông 2 (1011) đã chọn Khai bảo tạng 5048 quyển được thâu lục trong Khai nguyên Thích giáo lục làm để bản. Văn Tông (1047-1083) hoàn thành khắc bản Sơ điêu Cao-lệ tạng với kinh điển được thâu lục trong Trinh nguyên Thích giáo lục, và các kinh luận tân dịch thời Tống, có khoảng 1000 quyển.

Bản Sơ khắc, hay Sơ điêu, Cao-lệ Đại tạng kinh này, sau khi khắc công hoàn mãn, nguyên bản được lưu trữ trong chùa Hưng vương, sau dời đến chùa Phù nhân. Khắc bản được bảo tồn tại chùa Phù ân sau đó, năm Tl. 1232, dưới triều Cao-lệ Cao Tông, quân Mông cổ trong đợt xâm lăng bán đảo Triều tiên lần thứ nhất bởi Đại hãn Mông cổ Oa-khoat-đài phát động, đã bị thiêu hủy cùng với chùa. Sự kiên này được Lý Khuê Báo 李奎報 ghi chép trong “Kỳ cáo của quần thần khắc bản Đại tạng”大藏板刻君臣祈告文như sau:

“Bản tính tàn nhẫn hung bạo của nó không thể kể hết bằng lời. Cho đến si ám u muội còn hơn cả cầm thú. Vả chăng, há không biết rằng những gì mà cả thế gian này tôn kính chính là Phật pháp. Nhưng những nơi nào mà quân Mông cổ đi qua, nơi đó không còn tượng Phật kinh Phật, chúng thiêu hủy tất cả. Do vậy, bản khắc Đại tạng kinh được bảo tàng trong chùa Phù nhân cũng bị quét sạch không còn dấu vêt… Vì vậy, năm Hiển tông 2 (1011) Chúa Khiết-đan cử đại binh đến đánh, Hiển Tổ chạy xuống phương nam tị nạn. Quân Khiết-đan vẫn đồn binh ở thành Tùng dương mà không rút lui. Do vậy, vua cùng quần thần phát vô thượng đại nguyện, quyết khắc một khắc bản Đại tạng kinh, sau đó quân Khiết-đan tự rút. Thế nhưng, do Đại tạng kinh, là một. Trước sau điêu khắc, là một. Vua tôi đồng phát nguyện, cũng là một. Sao khi ấy quân binh Khiết-đan tự rút lui, mà nay quân Thát-đát há không vậy?” (xem đã dẫn trên).

Theo đây, bản Sơ khắc dưới triều Hiển Tông (1010-1031) được khắc in để cầu nguyện quân Liêu rút lui. Bản tái khắc dưới triều Cao Tông năm thứ 24 (1237) cũng được khắc với mục đích cầu nguyện thối lui quân Mông cổ. Khắc bản này được gọi là Tái điêu bản, tức khắc bản Cao-lệ tạng thứ hai 再雕版高麗大藏經.

Sử Cao-lệ, quyển 24, Cao Tông tế gia 高麗史·高宗世家 chép: “Năm thứ 38 (Tl. 1251), tháng 9, ngày Giáp tí, Vua ngự giá đến chùa Hiền thánh 賢聖寺. Ngày Nhâm ngọ, ngự giá đến Đại tạng kinh bản đường 大藏經板堂, ngoài cửa Tây thành, suất lãnh bá quan hành hương. Khắc bản thởi Hiển Tông bị thiêu hủy năm Nhâm thìn (1232) bởi quân binh Mông cổ. (Năm thứ 37 – Tl. 1237) Vua cùng quần thần lại phát nguyện lập Đô giám, trải qua 16 năm (năm thứ 38 – Tl. 1251) mới hoàn thành công khắc.”

Đô giám tức Đại tạng đô giám 大藏都監, cơ quan có nhiệm vụ giám sát và chuyên trách đối chiếu khắc bản được chọn làm bản đáy với các khắc bản khác và hiệu đính những sai khác hay sai lầm được tìm thấy giữa bản đáy và khắc bản đối chiếu.

Năm Tl. 1231, quân Mông cổ xâm nhập Cao-lệ; năm sau, 1932, Cao Tông dời Tung đô, kinh đô Cao-lệ bấy giờ, đến đảo Hoa dương. Để cầu nguyện quân Mông cổ rút lui, vua lập Đại tạng ở Giang đô, tiến hành khắc bản Đại tạng kinh tại huyện Nam hải, Tấn châu, dưới sự chủ trì của Tăng Thống Thủ Kỳ 僧統守其, trải qua 16 năm, Cao Tông năm thứ 38 (Tl. 1251) mới hoàn thành khắc bản. Thủ Kỳ đối chiếu các bản quan khắc đời Tống, Kahi bảo tạng, cùng với Khiết-đan bản, các kinh luận được nhập tạng trong Trinh nguyên lục, các kinh luận tân dịch trong thời Tống, và bản Sơ khắc của Cao-lệ, hiệu đính những sai sót, tiến hành khắc bản.

Khắc bản Cao-lệ Đại tạng kinh này tổng kết có 1496 chương, 6568 quyển, 52.382.960 chữ Hán được khắc trên 81.258 khối gỗ, do vậy, nó cũng được gọi là “Bát vạn Đại tạng kinh” 八萬大藏經. Năm Tl. 1398, để tránh sự xâm nhập của người Nhật, bộ Đại tạng này được dời đến chùa Hải ấn 海印寺 (Haeinsa), một trong ba ngôi chùa lớn của Hàn quốc, được lưu truyền đến nay.

Đây được đánh giá là khắc bảo hoàn hảo nhất trong các khắc bản và bản Đại chánh Đại tạng kinh y trên khắc bản này mà bổ chú và ấn hành.

IX. NHẬT BẢN

Dưới triều Khâm Minh Thiên hoàng năm thứ 13 (Tl. 552), Phật giáo từ nước Bách tế chính thức truyền vào Nhật bản.

Bán đảo Triều tiên, từ Tl. 427-600, được chia thành ba nước: Bách tế hay Bá tế 百濟 (cũng viết 伯濟) ở tây nam bán đảo; Tân la 新羅, đông nam; Cao cú lệ 高句麗 ở phương bắc.

Bách tế lập quốc trước Tây lịch 18, đến năm 660 bị nhà Đường liên hiệp với Tân la tiêu diệt.

Phật giáo được truyền vào nước này dưới triều vua Thẩm Lưu Vương năm thứ nhất (384), do một vị Tăng nhân người Tây vực, Ma-la-nan-đà 摩羅難陀 (Mālānanda), từ Đông Tấn, dưới thời Hiếu Vũ niên hiệu Thái nguyên 9 (384) đến đây. Cho đến triều Thánh Vương năm thứ 13 (Tl. 552). Rồi từ Bách tế Phật giáo được truyền vào Nhật bản.

Dưới triều Khâm Minh Thiên hoàng 欽明天皇, vua nước Bách tế, Thánh Vương 聖王 năm thứ 30 (552) phái khiển một phái đoàn sang sứ Nhật bản, bấy giờ được gọi Oải quốc 矮國 (nước người lùn) là hiến tặng Khâm Minh Hiên hoàng một tượng Phật Thích-ca bằng đồng, một số tràng phan bảo cái và kinh điển Phật giáo.  Sau đó nhiều năm, Bách tế phái khiển nhiều sư tăng sang Nhật hỗ trợ truyền giáo. Vào thời đại Tam quốc phân tranh tại bán đảo Triều, Bách tế là một nước đất hẹp, dân thưa, nên thường dựa vào thế lực Nhật bản để đối kháng với hai nước kia. Do bởi gần với Trung quốc, chịu ảnh hưởng văn minh Trung quốc rất sớm, cho nên về mặt thế lực quân sự Bách tế không bằng Nhật bản nhưng về mặt văn minh được kể có phần tiến bộ hơn. Mặc dù trong những ngày đầu, đã xảy ra tranh chấp giữa hai phe đối lập nhận hay không tiếp nhận Phật giáo. Phe Vật bộ thị 物部氏chủ trương bảo thủ Thần đạo, chống lại Phật giáo được xem là ngoại nhập. Phe Tô nga thị 蘇我氏 do đã có nhiều tiếp xúc với người Hoa và Hàn, có tư tưởng tiến bộ, không bài ngoại, và chủ trương tiếp nhận Phật giáo. Cuối cùng phe Tô nga thắng thế và Phật giáo chính thức được triều đình tiếp nhận. Cho đến thời Suy Cổ Thiên hoàng 推古天皇, dưới sự nhiếp chánh cùa Thánh Đức Thái tử 聖德太子 (572-621), Phật giáo trở thành quốc giáo Nhật bản.

Sau khi biết đến gốc Phật giáo từ Trung quốc, kể từ thế kỷ 7 Tl. cho đến thế kỷ 9 Tl. đã có trên mười phái đoàn được triều đình phái khiển sang Trung quốc du học, không chỉ các Tăng lữ mà còn có tục gia; du học và mang về Nhật không chỉ kinh điển Phật giáo, mà còn có những thư tịch Nho gia, Bách gia chư tử. Khi khắc Đại tạng kinh đầu tiên, Khai bảo tạng được in dưới triều Tống Thái Tông, Nhật bản cũng là nước Phật giáo đầu tiên có được một ấn bản, như đã thuật ở đoạn trên.

Các bản Đại tạng kinh Hán văn được khắc in tại Nhật bản từ trước cho đến nay kể có 7 bộ, về hình thức phân làm ba loại: bản khắc gỗ, bản gỗ chữ nổi và bản in. Trong đó, 2 bản khắc gỗ: Hoằng an tạng 弘安藏, Thiết nhãn tạng 鐵眼藏; một bản gỗ chữ nổi: Đông sơn tạng 東山藏; 4 bản đúc chì: Hoằng giáo tạng 弘教藏, Vạn Chánh tạng 卍正藏, Vạn Tục tạng 卍續藏, Đại chánh tạng 大正藏.

18. Hoằng an tạng 弘安藏

Bản khắc gỗ Đại tạng kinh Hán văn được kể khởi khắc trong thời Liêm thương 鐮倉 (Kamakura), phỏng định vào niên niên hiệu Hoằng an thứ 10 (1287), triều Hậu Vũ Đa Thiên hoàng 後宇多天皇 (Gōdatenō), hoàn thành công khắc khoảng cuối niên hiệu Chánh an (1301). Có rất ít thông tin để biết về Tạng kinh này.

19. Đông sơn tạng 東山藏

Khắc bản được khởi công niên hiệu Khoan vĩnh 14 (1637), triều Hậu Thủy Vĩ Thiên hoàng 後水尾天皇 (Gōmizu no Tennō), thời đại Giang hộ (江户時代 Edo jidai); hoàn thành khắc công trong niên hiệu Khánh an 1 (1648). Xưởng khắc được tổ chức tại chùa Khoan vĩnh, trong khu đông bộ, Kinh đô, do đó khắc bản này được gọi là Đông sơn tạng 東山藏, cũng gọi là tự tạng 寬永寺藏. Chùa Khoan vĩnh, đại bản sơn của Thiên thai tông, được kiến thiết từ thời đại Giang hộ, do Tướng quân Đức Xuyên Tú Trung 德川秀忠 (Tokugawa Hidetada) và Đại tăng chánh (Tăng thống) Thiên Hải 大僧正天海 (Daisōjō Tenkai), phát tâm kiến tạo. Do bởi Tăng thống Thiên Hải chủ trì nên nó còn được gọi là Thiên hải tạng 天海藏.

Bản đáy của Tạng này được chọn là bản Tư khê tạng đời Tống, và được bổ sung với Phổ ninh tạng đời Nguyên. Về kỹ thuật, đây là bản Đại tạng kinh sử dụng bản gỗ chữ nổi. Toàn tạng gồm 665 hòm, 1453 bộ, gồm 6323 quyển.

20. Hoàng bá tạng 檗檗藏

Khắc bản được quyên góp bởi Sa-môn Thiết Nhãn Đạo Quang 鐵眼道光 (Tetsugen Dōkō), do đó được gọi là Thiết nhãn tạng 鐵眼藏, và cũng gọi là Hoàng bá tạng 檗檗藏. Đây là một trong bốn bản đúc chì, chọn Gia hưng tạng (1577-1667) làm bản đáy có bổ sung.

Thiết Nhãn Đạo Quang (1630-1682), thiền tăng thuộc hệ phái thiền Hoàng bá, Nhật bản. Sư cảm thấy Phật giáo Nhật bản thiếu Đại tạng linh do đó Phật pháp không được phổ cập, nên phát tâm quyên góp, thác bát từng nhà, trải qua 10 năm mới tạm thấy đủ để khởi công khắc bản. Bấy giờ gặp nạn lụt lớn, nhân dân đói khổ, Sư bỏ hết số tiền quyên góp được để cứu trợ đồng bào. Sau đó lại tiếp tục thác bát quyên góp, nhưng lần này trong nhân gian lại phát sinh bệnh dịch truyền nhiễm, Sư lại dành hết số tiền quyên được để cứu tế. Lần thứ ba, quyên góp mới thành công để khởi công khắc in.

Khởi sự, Thiết Nhãn Thiền sư lập viện Bảo tạng tại chùa Vạn phúc, núi Hoàng bá, quận Vũ trị, châu Sơn thành, Nhật bản;  núi Hoàng bá, lập phòng in kinh tại Kinh đô. Sự nghiệp khắc in được khởi công năm Khoan văn 9 (1669), Hậu Tây Thiên hoàng 後西天皇 (Gōsai Tennō); hoàn thành năm Diên bảo 6 (178), triều Linh Nguyên Thiên hoàng 靈元天皇 (Reigen Tennō). Toàn tạng gồm 734 hòm, 1618 bộ, 7334 quyển. Khuyết điểm trong bản khắc lại nhiều, về sau đối chiếu bản khắc Cao-lệ, trải qua hai lần hiệu đính, ấn bản sau đó được lưu truyền rộng rãi.

21. Hoằng giáo tạng 弘教藏

Hoằng giáo tạng, cũng được gọi là Đại Nhật bản Hiệu đính súc khắc Đại tạng kinh 大日本校訂縮刻大藏經; gọi tắt Súc loát tạng kinh 縮刷大藏經.

Bản in đúc chì, Đại tạng kinh Hán văn do Đảo Điền Phiên Căn 島田蕃根 (Shimada Bankon, 1827-1907), theo Tu nghiệm Đạo Thiên thai tông, và Phúc Điền Hành Giới 福田行誡 (Fukuden Gyōkai, 1809/1806-1888), chủ trì, thiết trí Thư viện Hoằng giáo tại Đông kinh, căn cứ bản Cao-lệ tạng làm bản đáy; các bản Tư phúc tạng, Phổ ninh tạng, và Gia hưng tạng, được dùng đối chiếu và hiệu đính; khởi công khắc in dưới triều Minh Trị năm thứ 13 (1880), đến năm 18 (1885) hoàn thành. Toàn tạng có 40 hòm, đóng thành 418 tập, gồm 1916 bộ, 8534 quyển.

22. Vạn Chánh tạng kinh 卍正藏經

Vạn tự Đại tạng kinh 卍字大藏經, Đại tạng kinh bản chữ Vạn, được gọi là Vạn Chánh tạng kinh bản chữ Vạn 卍正藏經 để phân biệt với Tục tạng kinh bản chữ Vạn. Cũng gọi là Đại Nhật bản hiệu đính huấn điểm Đại tạng kinh 大日本校訂訓點大藏經, Huấn điểm Đại tạng kinh 訓點大藏經. Gọi là huấn điểm訓點 (konten), vì có phụ chú cách đọc chữ Hán theo âm người Nhật (huấn độc 訓読: kundoku). Và cũng gọi là Nhật bản Tạng kinh Thư viện Đại tạng kinh 日本藏經書院大藏經, vì được biên tập và ấn loát, lưu trữ tại Thư viện Đại tạng kinh Kinh đô.

Đại tạng kinh Hán văn, bản in đúc chì, cỡ chữ 13.75 pt., biên tập và ấn loát tại Tàng kinh Thư viện, Kinh đô, khởi sự dưới thời Minh Trị năm thứ 35 (1902), năm thứ 38 (1905) hoàn thành. Được chủ trì bởi Tân Điền Trúc Pha 濱田竹坡 (Hanabe Minami) và Mễ Điền Vô Tránh 米田無諍 (Yoneda Mujō), căn cứ Hoàng Bá tạng làm bản đối chiếu hiệu đính; nội dung phân làm bốn bộ phận chính, bao gôm Kinh, Luật, Luận, các soạn tập của Thánh Hiền Tây thiên và Đông độ. Toàn tập thâu lục 1625 bộ, 7082 quyển, phân làm 37 hòm, đóng thành 357 tập.

Bản in lưu hành chưa được bao lâu, Thư viện Tàng kinh Kinh đô bị hỏa hoạn, hầu hết thư tịch trong đó đều bị thiêu hủy, cho nên chỉ một số ít Vạn Chánh tạng còn được lưu hành.

23. Vạn Tục tạng kinh 卍續藏經

Tục tạng kinh bản chữ Vạn 卍, thâu lục các thư tịch Phật giáo được soạn tập bởi Trung hoa, Nhật bản qua các thời đại mà chưa được thâu nhập trong Chánh tạng kinh bản chữ Vạn. Đây cũng là bản in đúc chì, do Tiền Hiền Huệ Vân 前賢慧雲 và Trung Dã Đạt Huệ 中野達慧 phụ trách, Thư viện Tàng kinh Kinh đô ấn hành, khởi công năm Minh Trị thứ 38 (1905), hoàn thành năm Đại Chánh 1 (1912). Toàn tạng thâu lục 1660 bộ, 6957 quyển, đóng thành 751 tập, phân làm 151 hòm. Nội dung phân thành 10 bộ loại: Các bản dịch Phạn Hán gồm bốn bộ loại: Kinh, Luật, Luận, Kinh và nghi quỹ Mật giáo. Trung hoa soạn thuật gồm sáu bộ loại: sớ giải Đại Tiểu thừa Kinh, Luật, Luận; trước thuật của các tông, lễ sám, và sử truyện. Ấn bản của Tục tạng này được lưu trữ tại Thư viện Tàng kinh Kinh đô chưa được bao lâu thì cùng bị hỏa thiêu; nhưng do Thương vụ ấn quán có sao chụp lại từ nguyên bản nên nay còn được lưu hành.

24. Đại chánh tạng 大正藏.

Bản Đại tạng kinh Hán văn được lưu hành phổ biến nhất trên thế giới hiện nay, và có giá trị cho những nghiên cứu học thuật hàn lâm, là ấn bản dưới triều Đại Chánh, Nhật bản: Đại chánh Tân tu Đại tạng kinh 大正新修大藏經, thường gọi tắt là bản Đại chánh tạng. Năm Đại Chánh thứ 13 (1924), Văn học Bác sĩ Cao Nam Thuận Thứ Lang 高楠順次郎 (Takakusu Junjirō, 1866-1945) cùng với Độ Biên Hải Húc 渡邊海旭 (Watanabe Kaikyoku, 1872-1933) phát khởi và giám tu biên tập Đại tạng kinh đồng thời tổ chức Hội Ấn hành Đại tạng kinh 大正一切經刊行會, cùng với sự cộng tác của Tiểu Dã Huyền Diệu 小野玄妙 (Ono Gen myō, 1883-1939), phụ trách biên tập. Cả ba vị đều là tăng thuộc Tịnh độ tông Nhật bản. Trải qua 13 năm biên tập, năm Đại Chánh 1934 mới khởi sự ấn hành. Bản Tái khắc Cao-lệ tạng làm bản đáy. Các bản được dùng tham khảo và hiệu đính gồm Khai bảo tạng, Khiết-đan tạng, cùng các khắc bản và ấn bản được lưu trữ tại các tự viện Nhật bản. Tổng quát, Đại Chánh được phân làm Chánh tạng gồm 55 tập, Tục tạng 30 tập, biệt quyển 35 tập, và 12 tập đồ tượng; 3 tập cuối: Tổng mục lục. Thâu lục 3493 bộ, 13.520 quyển. Tổng cộng số trang toàn tạng có đến 80.634 trang. Số chữ lên đến một trăm triệu (100.000.000).

Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (quyển 12, văn bản số 366). Nguồn: en.wikipedia.org
0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận