Mẹ tôi (Cao Huy Thuần)

 Viết về mẹ tôi mà bắt đầu bằng Thúy Kiều, mẹ tôi chắc chắn không ngạc nhiên. Bởi vì mẹ tôi quá biết tính nết con trai mình : cả đời hụt chết mấy lần vì nhan sắc. Ít ra mẹ tôi cũng rộng lượng với con: nó đâu có phải là phường ham mê nữ sắc, chỉ mê cái đẹp thôi. Mà Thúy Kiều thì đẹp, quá đẹp.

    Nhưng thế nào là đẹp ? Với tôi, Kiều đẹp, không phải vì “hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh” : mặt như hoa, mày như liễu thì giai nhân nào chẳng thế, điển hình là Dương Quý Phi dưới ngòi bút của Bạch Cư Dị : “phù dung như diện liễu như mi”. Kiều đẹp hơn Dương Quý Phi, đẹp hơn tất cả mọi nhan sắc trong văn chương kim cổ, vì trời đất, cỏ cây, hoa lá, tất cả đều đẹp trong ngày xuân thần tiên ấy, tất cả đều đẹp để nâng cái đẹp của Thúy Kiều trước mắt một chàng Kim Trọng sững sờ. Đố ai không sững sờ trước cái dáng đẹp dường như chỉ có thiên nhiên mới xuất thần vẽ ra được một bức tranh tuyệt mỹ như thế :

Chàng Vương quen mặt ra chào
Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa

    Với tôi, “đẹp” là như thế. Với mẹ tôi, không phải thế. Với mẹ tôi, cái “đẹp” là Nguyệt Nga, không phải trước mắt sững sờ của Vân Tiên, vì Vân Tiên không có mắt. Đừng hỏi mẹ tôi Nguyệt Nga đẹp như thế nào khi gặp Vân Tiên : có chữ nào tả nhan sắc của nàng đâu. Vân Tiên gặp Nguyệt Nga trước hết là qua tiếng nói, tiếng than khóc của người ngồi kín mít trong xe vọng ra. Rồi khi người ngồi kín mít ấy toan bước ra thì chàng khoác tay vội nói “khoan khoan…” Đúng là thằng con trai của mẹ tôi khác quá Vân Tiên : nó mà nghe có người vén màn thì chỉ mong bước ra lẹ lẹ. Người ấy bước ra rồi, Vân Tiên cũng đâu nhìn mặt, chỉ nghe lời nói. Chàng dõng dạc hỏi lý lịch như công an ; nàng thành khẩn khai báo như dân quèn. Khai báo cả chuyện riêng tư : cha làm tri phủ ở xa, sai quân rước nàng qua phủ để gả chồng. Gả chồng thì có gì đáng nghe ; đáng nghe là hai câu tiếp theo :

Làm con đâu dám cãi cha
Ví dầu ngàn dặm đường xa cũng đành

    Cái đẹp của mẹ tôi bắt đầu hiển lộ qua lời nói của Nguyệt Nga. Cái đẹp ấy của lời nói đi đôi với cái đẹp của cử chỉ ; cái đẹp của cử chỉ tiếp theo cái đẹp của lời nói ; tất cả chỉ là lời, là miệng nói, là tai nghe, tuyệt đối con mắt không có tò mò tham dự gì vào cảm quan thẩm mỹ. Đây là cái đẹp lồng trong cử chỉ :

Trước xe quân tử tạm ngồi
Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa.

    Nàng thưa gì ? Giữa đường thiếp không có gì quý để đền ơn cho chàng, xin chàng đi theo thiếp đến phủ đường để thân phụ tạ ơn. Lòng thẳng như mũi tên, Nguyệt Nga đâu có “e lệ”? Đâu cần phải “nép” vào đâu để thưa gửi với chàng trai mới gặp tức thì ? Mà chàng trai ấy chỉ có cây gậy tầm vông trong tay để đánh lũ du côn, đâu có ngựa trắng với vài tên tiểu đồng lon ton bưng tráp theo hầu như chàng Kim phong nhã của tôi ? Nguyệt Nga cũng vậy, không cần đến con mắt. Nàng chỉ nghe tiếng nói trong lòng. Dù rằng khi nàng vừa nói ân nghĩa xong thì, ô hay :

Vân Tiên nghe nói liền cười
“Làm ơn há dễ trông người trả ơn…

    Ai nghe tiếng cười ấy mà bảo rằng quê thì thật là đàn gảy tai trâu. Nguyệt Nga thì nghĩ khác : tri âm đây rồi ! Mà sao Vân Tiên không cười được ! Ta mà đi theo nàng à ? Ha ha… Coi chừng, trượng phu ơi, cứng thì thua, mềm bao giờ cũng thắng. Như răng thì rụng, lưỡi cứ còn hoài. Huống hồ cái mềm này vừa đẹp, vừa cương quyết, dứt khoát :

Nguyệt Nga vốn đấng thuyền quyên
Tai nghe lời nói tay liền rút trâm
Thưa rằng : “Nay gặp tri âm
Xin đưa một vật để cầm làm tin…”

    Thúy Kiều thề thốt với Kim Trọng thì có người cho là bạo. Nguyệt Nga rút trâm làm của tin trăm năm vàng đá với người mới gặp thì ngay cả mẹ tôi cũng gật đầu tán thưởng. Vì sao vậy ? Vì Kim Trọng và Thúy Kiều thì chỉ mê nhau, còn Nguyệt Nga và Vân Tiên thì ăn chắc mặc bền với ân, với nghĩa, với những lời nói không phải thẳng như ruột ngựa, mà thẳng như ruột của thánh hiền. Thánh hiền của mẹ tôi.

    Vậy mà cho đến lúc đó, Vân Tiên vẫn chưa hề động đến con mắt. Thậm chí, khi Nguyệt Nga trao trâm, Vân Tiên vẫn “ngơ mặt chẳng nhìn”. Làm trai như vậy mới đáng nên trai, chắc mẹ tôi nghĩ thế. Nghĩa là càng không mê gái, gái càng mê. Quả vậy, người đầu tiên sử dụng con mắt không phải là chàng mà là nàng.

Vân Tiên ngơ mặt chẳng nhìn
Nguyệt Nga liếc thấy càng thìn nết na

    Liếc, mà vẫn nết na. Không phải “hai bên cùng liếc hai lòng cùng ưa” kiểu Thúy Kiều và Từ Hải. Ở đây, chỉ một người liếc thôi, người kia vẫn không chịu nhìn, chỉ “nghe lời nói thanh tao” tiếp theo một cử chỉ tình cảm vượt ngoài khuôn sáo mà thánh hiền của mẹ tôi cũng phải vui vẻ đồng tình. Chà chà, đến khi đó thì Vân Tiên mới giật mình, chết rồi, chữ tình là thế này đây ? Đâu phải tiếng sét giữa tiết thanh minh ! Trêu nhau đây mà ! Thấy nó có cái gì vướng vướng :

Vân Tiên khó nỗi làm thinh
Chữ ân buộc lại chữ tình dây dây
Than rằng : “Đó khéo trêu đây…”

    Đến mức đó, Vân Tiên vẫn chưa chịu nhìn, không nhìn cả trâm, chỉ khoái đọc thơ, đọc rất kỹ bài thơ Nguyệt Nga làm tặng để thế cho chiếc trâm hẩm hiu, rồi nhanh tay họa lại. Lần đầu tiên chàng nhìn, chẳng phải nhìn, chẳng biết nhìn ai, chỉ “ngó” để mà hối thúc :

Vân Tiên ngó lại rằng ừ
“Làm thơ cho kịp bấy chừ chớ lâu”

    Đây là hai tay cao thủ xướng họa thách đố nhau, không phải “nàng” thách “chàng”, “quân tử” thách “tiện thiếp”, “anh hùng” thách “thuyền quyên”, mà, ui chao, sao mà Vân Tiên sử dụng ngôn ngữ mùi mẫn đến thế, “đó” trêu “đây”, “đây” thách “đó” ! Học từ anh nông dân nào vậy ? Mê chết đi thôi !

    Tình ái bắt đầu như thế, không phải bằng “dung” như trong Kiều, mà bằng “ngôn”, bằng “hạnh”, hai cái đẹp trong tứ đức của thánh hiền, khuôn mẫu của mẹ tôi. Sở dĩ tôi dài dòng ở trên về con mắt và lời nói là vì vậy : cái đẹp của mẹ tôi trước hết là cái đẹp của nết, nhan sắc là cái đẹp đáng dè chừng chớ có vội theo.

    Nhưng nói như vậy phải chăng phủ nhận chữ “dung” trong tứ đức hay sao ? Tôi chưa bao giờ động đến câu hỏi ấy với mẹ tôi, sợ mẹ tôi lại đe. Cái gì mà mẹ tôi sợ tôi vấp, mẹ tôi có thái độ làm ngược lại. Mẹ tôi không muốn làm đẹp. Mẹ tôi không muốn hưởng sướng. Tất cả những gì trời phú cho mẹ tôi, từ nhan sắc, học thức, đến tấm áo, miếng ăn, mẹ tôi nhường cả cho chồng con. Mẹ tôi làm bài toán trừ cho bản thân để làm bài toán cọng cho cả gia đình nhà chồng. Tôi đau thắt ruột cả đời vì mẹ tôi cứ mặc áo vá, ăn bếp dưới. Ước ao mạnh nhất của tôi khi đi học là đỗ đạt để mặc áo bào hoàng hậu cho mẹ. Nhưng mẹ tôi một đời vẫn mặc áo vá quét sân. Tôi mơ ước được tự hào mẹ mình đẹp trước mắt bạn trai bạn gái của tôi, nhưng nước mắt cứ chảy vì mẹ tôi vẫn thế. Tôi muốn định nghĩa chữ “dung” một cách khác để cãi lại mẹ, nhưng biết thế nào được khi quan niệm cổ đã in chặt trong đầu mẹ tôi và in chặt cả trong đầu thế hệ của tôi và các em tôi. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn thuộc làu bài tập đọc trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Dự Bị, nghĩa là lớp hai ngày nay, lúc mới bảy tuổi. Tôi học, mẹ tôi dạy, chân lý sáng ngời như kinh thánh :

    ” Cô Năm chẳng học hành, chẳng may vá gì. Cả ngày chỉ cái gương, cái lược, chải chuốt, vuốt ve, sắm sửa trong mình cho đẹp. Bà mẹ thấy vậy, một hôm mắng rằng : “Mày tường chỉ có môi son, má phấn, áo quần là lượt mới là đẹp thôi ư ? Không, con ơi ! Người ta đẹp không cốt gì ở cái trang sức bề ngoài. Chỉ có người làm ăn chăm chỉ nết na tử tế mới thật là đẹp mà thôi. Mày học hành khá, khâu vá giỏi, xếp đặt mọi việc trong nhà cho có ngăn nắp, ấy là cái đẹp của mày ở đấy, con ạ “.

    Hồi bảy tuổi, tiếp thu chân lý như thế, đâu có vướng ngại gì. Huống hồ mình là con trai, đâu có nằm trong vòng cương tỏa của luân lý dành cho con gái. Nhưng mười năm sau, hỡi trời, nếu con mắt không biết thưởng thức cái đẹp của nhan sắc thì ông sinh ra con mắt làm chi ? Đó không phải là câu hỏi của riêng tôi đâu : của mọi trái tim, kể cả trái tim giả vờ không biết đập của các cụ nhà Nho. Mà cũng đừng tưởng Lục Vân Tiên không có con mắt hoặc con mắt chỉ biết “làm ngơ”. Không thua ai đâu, chàng cũng có con mắt thứ ba, con mắt ấy vốn tinh ranh xấp ngàn lần hai con mắt thịt. Nó đã được báo cáo rồi từ dân chạy loạn côn đồ : lũ ấy hung dữ khét tiếng, đang hồ hởi tóm được một tiểu thư:

Con ai vóc ngọc mình vàng
Má đào mày liễu dung nhan lạnh lùng

    “Lạnh lùng”, chắc là chữ xưa, nhưng “má đào mày liễu” thì quá đủ rồi ! Cũng “phù dung như diện liễu như mi” đâu có kém gì Dương Quý Phi ! Không, trăm lần không, “dung” không phải chỉ là nết na.

    Tình cờ, mùa hè năm nay, tôi được GS Trần Ngọc Vương tặng quyển sách rất lý thú của ông, Nhà Nho tài tử và văn học Việt Nam, trong đó, lại tình cờ, tôi đọc được một chi tiết làm tôi nghĩ đến mẹ tôi. Tác giả giải thích chữ “dung” như sau :

    “Giữa những tiêu chuẩn để làm người phụ nữ (người vợ, người mẹ) mẫu mực của Nho giáo, có một tiêu chuẩn về hình thức xếp hàng đầu trong “tứ đức”, đó là “dung”. Nhà nho đem “dung” để đối lập với “sắc”. “Nữ dung” không phải là làm cho đẹp, giữ sắc đẹp, mà là giữ cho nét mặt dịu dàng, thùy mị, không kiêu kỳ”.

    Chắc chắn mẹ tôi biểu quyết nhất trí với tác giả. Và chắc chắn mẹ tôi lại biểu tôi giơ tay biểu quyết thêm mấy câu tiếp theo :

    “Trong chế độ chuyên chế, người có sắc đẹp “phúc ít họa nhiều”, “sắc” luôn luôn có khả năng chuyển hóa thành một nguy cơ, cho chính bản thân người mang nó, lẫn cho gia đình họ, rộng hơn, cho cả quốc gia, xã hội. Nhà nho chính thống, vì vậy, thường coi người đẹp là “vưu vật”, luôn luôn nhắc nhở phải xa lánh chúng. Đối với họ, không chỉ trau chuốt, làm đỏm, mà cả trang điểm son phấn nữa cũng ở ngoài nữ dung”. Câu cuối, tác giả mượn uy danh của GS Trần Đình Hượu để trích lại.

    Vậy là “nữ dung” và “nữ sắc” là hai cái đẹp khác nhau, và mẹ tôi vô cùng có lý khi sợ tôi hụt giò vào cái đẹp thứ hai. Nhưng, trời hỡi, làm sao cái này thiếu cái kia được ! Tôi có nên trách Nho gia đã nâng sự phân biệt đến mức cực đoan để làm tôi phải chảy nước mắt mỗi lần giỗ mẹ ?

*

    Cách đây ít lâu, em tôi ở trong nước, không biết lục lọi từ đâu trong đống tro tàn sách vở còn sót lại sau mấy lần chạy loạn, một tấm ảnh chân dung mẹ tôi hồi chưa lấy chồng. Mẹ tôi tóc vấn trần, cổ đeo kiềng vàng, vẻ mặt thùy mị đoan trang, áo dài lụa là khuê các. Đó là hình ảnh duy nhất tôi thấy mẹ hồi còn trẻ. Thoạt nhìn, tôi muốn bật lên một tiếng mà cả đời chưa hề thốt ra cũng chẳng dám thốt ra : mẹ đẹp ! Hóa ra mẹ tôi đẹp như thế. Trong phút chốc, tôi định đóng khung tấm ảnh đặt trên bàn thờ cạnh bức ảnh khi mẹ già để trẻ trung hóa kỷ niệm. Nhưng nước mắt tôi bỗng ứa ra, dường như nghe được tiếng mẹ quở bên tai: “Con đừng thờ mẹ nơi cái đẹp hình dung… Con đừng tìm mẹ nơi cõi hình dung…”

    Tôi tìm mẹ tôi ở đâu trong ngày Vu Lan này ? Chắc không phải ở trên cõi trời, vì cõi trời chỉ gồm toàn những người sang trọng, đâu có chỗ cho bà lão nón lá quét sân ? Chắc cũng không phải ở cõi lang thang, vì mẹ tôi an trú vững chắc trong cái vui nằm sau tấm áo vá. Có chăng một cõi thánh dành cho những bà thánh tứ đức tam tòng của Nho gia ? Tôi không tìm mẹ tôi trong đó, vì mẹ tôi không hề nghĩ mình làm việc gì khác hơn là làm mẹ, bình thường như mọi người mẹ, đẹp như mọi người mẹ, vì chỉ con bất hiếu mới không thấy mẹ là người đẹp nhất trên đời.

    Tôi biết tôi tìm mẹ tôi ở đâu. Trong lời cầu nguyện của kinh Vu Lan. Vừa đọc kinh, tôi vừa thấy mẹ tôi qua khói hương : mẹ tôi không mặc áo vá, cũng không khuê các lụa là, mẹ tôi bận áo lam, mẹ tôi nói với tôi : “mẹ đã ở chỗ kia, bây giờ mẹ đã về chỗ ấy”. Chỗ ấy là chỗ mà Nho gia đều về khi mãn đời, quy Phật, tìm Bát Nhã. Như khói tìm mây.

    Và cũng như mây, tôi cầu mẹ tôi tan biến như thế, trong cõi vô hình dung mà mẹ tôi thường nói, cõi ấy không có đẹp không có xấu, không có luân lý không có bổn phận, không có nữ dung không có nữ sắc, không có Thúy Kiều không có Nguyệt Nga, không có gì cả, chỉ một màu lam thanh thoát. Với thần thông Vu Lan, tôi biết mẹ tôi đang ở cõi ấy, cùng với mọi bà mẹ đã từng là mẹ như mẹ tôi.

    Như mọi bà mẹ, mẹ tôi đẹp nhất trên đời. Vu Lan đẹp nhất trong năm. Cõi Vu Lan đẹp nhất trong mọi cõi.

Cao Huy Thuần

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận