{Tiếp theo TSPL.22}
Những giấc mơ của Einstein
19 tháng 4, 1905
Một buổi sáng se lạnh tháng November, những bông tuyết đầu tiên đã xuất hiện. Một người đàn ông trong lớp áo ken dày đứng trên bao lơn tầng lầu bốn nhà ông, đang ngắm dãy núi Zahringer và con đường trắng xoá bên dưới. Về hướng Đông, ông có thể nhìn thấy cái tháp chuông mảnh mai của nhà thờ thánh Vincent; phía Tây, là mái ngói cong cong của tòa nhà Zytgloggeturn. Nhưng người đàn ông không nhìn sang Đông hay sang Tây. Ông đang chăm chú nhìn một cái nón nhỏ màu đỏ thắm nằm trên tuyết trắng, và đang nghĩ ngợi. Có nên đến nhà người thiếu phụ ở Fribourg không? Hai tay ông nắm chặt vào chắn song trên bao lơn; hãy đi đi, mà tay lại nắm chặt. Có nên đến thăm nàng? Có nên đến thăm nàng?
Ông quyết định không gặp lại nàng. Nàng quá lôi cuốn và sắc sảo, nàng có thể làm đời ông khốn đốn. Có lẽ nàng sẽ không mảy may quan tâm đến ông. Cho nên ông quyết định không gặp lại nàng nữa. Thay vào đó, ông kết bạn với bọn đàn ông. Ông cần mẫn làm việc ở viện bào chế, nơi ông ít khi chú ý đến người nữ trợ lý quản trị. Buổi chiều, ông đi uống bia với đám bạn ở Kochergasse, học cách làm món nước sốt. Cứ vậy trong ba năm, cho đến khi ông gặp một thiếu phụ khác trong một hiệu bán quần áo ở Neuchâtel. Nàng rất dễ thương. Suốt mấy tháng liền nàng đến với ông, và họ yêu nhau một cách khoan thai, thong thả. Sau một năm, nàng dọn đến sống với ông, ở Berne. Họ sống bình lặng, cùng đi dạo trên phố Aare, cùng bầu bạn sớm hôm, già đi và bằng lòng.
Trong thế giới thứ hai, người đàn ông trong lớp áo ken dày quyết định gặp người phụ nữ ở Fribourg. Ông biết rất ít về nàng, nàng có vẻ lôi cuốn, và những cử chỉ của nàng ngụ ý không ổn định, nhưng cái cách gương mặt nàng dịu đi khi mỉm cười, cái tiếng cười đó, cái cách nói năng khéo léo đó… Phải, ông phải gặp lại nàng. Ông đến thăm nàng ở Fribourg, cùng ngồi với nàng trên chiếc trường kỷ, có những lúc thấy con tim bấn loạn, thấy tay chân bủn rủn khi nhìn cánh tay trắng ngần của nàng. Họ yêu nhau cuồng nhiệt và nồng nàn. Nàng thuyết phục ông dọn đến Fribourg. Ông bỏ việc ở Berne để xin vào làm ở nhà bưu điện Fribourg. Vì tình yêu nàng ông đốt cháy tất cả. Ngày nào ông cũng về nhà buổi trưa. Họ ăn cơm với nhau, ngủ với nhau, cãi nhau; nàng than phiền thiếu thốn tiền, ông van xin nàng, nàng ném lọ hoa vào ông, rồi lại làm tình, và ông lại làm việc ở bưu điện. Nàng dọa sẽ bỏ ông, nhưng nàng không bỏ. Ông sống vì nàng, và ông hạnh phúc với sự khổ ải của mình.
Trong thế giới thứ ba, ông cũng quyết định gặp lại người phụ nữ. Ông biết rất ít về nàng, nàng có vẻ lôi cuốn, và những cử chỉ của nàng ngụ ý không ổn định, nhưng cái nụ cười đó, tiếng cười đó, cách ăn nói dịu dàng đó… Phải, ông phải gặp lại nàng. Ông đến nhà nàng ở Fribourg, gặp nàng nơi cửa, uống trà với nàng trong phòng ăn. Họ nói về công việc của nàng ở thư viện, về công việc của ông ở viện bào chế. Một tiếng sau, nàng nói vì phải đến phụ giúp một người bạn, nàng chào ông. Họ bắt tay tạm biệt. Ông quay về Berne với đoạn đường dài ba mươi cây số, cảm thấy trống vắng trên chuyến xe trở về nhà, đi lên bốn tầng lầu nơi căn hộ của ông trên đường Kramgasse, ra đứng ngoài ban-công và chăm chú nhìn cái nón nhỏ màu đỏ thắm nằm trên tuyết.
Ba chuỗi sự kiện này đều đã, cùng một lúc, đồng thời diễn ra. Bởi vì trong thế giới này, thời gian có ba chiều, cũng như không gian. Chính vì một vật có thể chuyển dịch trong ba trực tuyến ngang, thẳng hay dọc, thì một vật cũng có thể can dự trong ba tương lai trực tuyến. Mỗi tương lai chuyển dịch trong một hướng thời gian khác nhau. Tương lai nào cũng hiện thực. Ở mọi thời điểm quyết định làm một việc gì, dù đi thăm một phụ nữ ở Fribourg hay đi mua một cái áo mới, cuộc đời lập tức nhân ra làm ba, mà mỗi cái đời đến với những con người như nhau nhưng với những số phận khác nhau cho họ. Cuối cùng, ta có vô tận thế giới.
Một số người hiểu rõ những quyết định, đi đến kết luận mọi quyết định khả hữu đều sẽ xảy ra. Trong một thế giới như vậy, làm sao người ta có thể chịu trách nhiệm về những hành vi của mình? Một số khác tin rằng mỗi quyết định đều phải được cân nhắc và có ràng buộc, rằng không có ràng buộc nhau thì hỗn loạn. Những người như thế bằng lòng sống trong những thế giới mâu thuẫn nhau, bao lâu họ còn biết được duyên do đưa đến từng quyết định đó.
24 tháng 4, 1905
Trong thế giới này có hai loại thời gian. Thời gian cơ học và thời gian sinh học. Loại đầu thì cứng nhắc, trơ trơ như quả lắc thép khổng lồ không ngừng đong đưa, qua lại, qua lại. Loại thứ hai luồn lách quanh co như con cá lượn trong vũng nước. Loại đầu đã được tiên định, bất biến. Loại sau diễn ra tới đâu thành hình tới đó.
Nhiều người cả quyết không hề có loại thời gian cơ học. Họ không nhìn thấy nó khi đi ngang qua cái đồng hồ khổng lồ trên đường Kramgasse; họ cũng không nghe được tiếng chuông của nó khi đang gởi đồ ở bưu điện hay lang thang giữa những khóm hoa trong vườn hồng Rosengarten. Họ có đeo đồng hồ trên tay nhưng đó chỉ là một thứ trang sức, hay một thái độ lịch sự đối với những người thích coi đồng hồ như một loại tặng phẩm. Trong nhà họ không treo đồng hồ. Thay vào đó, họ lắng nghe tiếng đập của con tim. Họ cảm nhận được những tiết nhịp của tâm trạng và dục vọng của họ. Những người như vậy khi đói thì ăn, thức dậy lúc nào thì làm việc ngay lúc đó, yêu đương bất cứ lúc nào họ thích. Những người như vậy phì cười về cái ý tưởng thời gian cơ học. Họ biết thời gian chuyển vận thất thường. Họ biết thời gian miệt mài hướng tới trước với gánh nặng còng lưng khi họ đang vội vã đưa một đứa bé bị thương vào bệnh viện hay đang chịu đựng cái nhìn xoi mói của gã hàng xóm xấu nết. Và họ cũng biết thời gian ấy lao qua trường nhãn quan khi họ đang ăn uống với bạn bè hay đang cầu nguyện hay đang nằm trong vòng tay của người tình bí mật.
Rồi đến những người nghĩ rằng thân xác họ không có thực. Họ sống bằng thời gian cơ học. Họ thức dậy lúc bảy giờ sáng, ăn trưa đúng ngọ và ăn chiều lúc sáu giờ. Họ hẹn đúng giờ, đến đúng giờ nhờ cái đồng hồ. Họ yêu nhau trong khoảng từ 8 đến 10 giờ đêm. Họ làm việc 40 tiếng mỗi tuần. Chủ nhật thì đọc báo cuối tuần. Tối thứ ba thì chơi cờ. Khi bụng đói cồn cào, họ liếc nhìn đồng hồ xem đã đến giờ ăn chưa. Khi bắt đầu bị cuốn hút vào một buổi hòa nhạc, họ liếc nhìn đồng hồ xem sắp đến giờ phải về chưa. Họ biết thân xác không phải là vật gì thuần nhiên kỳ diệu, mà chỉ là một tập hợp các chất hóa hữu cơ và những xung lực thần kinh. Tư tưởng không là gì ngoài những bước sóng điện trong não bộ. Hưng phấn tình dục không là gì ngoài sự chuyển vận hóa học qua lại giữa một số tế bào thần kinh nào đó. Sự buồn phiền chẳng qua là một nhóm acid xâm nhập vào tiểu não. Nói tóm lại, cơ thể là một bộ máy, đối tượng của cùng những định luật cơ điện tử như một phân tử hay một cái đồng hồ. Vì vậy, cơ thể phải được đối thoại bằng ngôn ngữ vật lý, và nếu nó có lên tiếng, đó chỉ là tiếng nói của vô số đòn bẩy và lực. Cơ thể là cái để ta ra lệnh chứ không phải để phục tùng.
Khi hưởng làn gió nhẹ của trời đêm dọc sông Aare, người ta nhìn thấy dấu hiệu của hai thế giới trong một. Người thuyền chài đo lường vị trí của anh trong đêm tối bằng cách đếm khoảng thời gian trôi giạt giữa hai con nước chảy. ‘Một, ba mét. Hai, sáu mét. Ba, chín mét.’ Tiếng đếm của anh xuyên thủng màn đêm bằng thứ âm thanh rõ ràng, chắc nịch. Dưới cây cột đèn trên cầu Nydegg, hai anh em cả năm không gặp nhau đang cùng uống rượu và cười vang. Chuông nhà thờ thánh Vincent điểm mười tiếng. Trong phút chốc, những ô ánh sáng trong chung cư Schifflaube nhấp nháy như một lời đáp cơ khí hóa hoàn hảo, giống hệt sự diễn dịch hình học Euclid. Một đôi tình nhân nằm trên bờ sông uể oải ngước nhìn lên. Bị tiếng chuông xa xa của giáo đường thức dậy từ giấc ngủ mê say, họ ngạc nhiên thấy đêm đã về.
Ở đâu hai thời gian gặp nhau, tuyệt vọng. Ở đâu hai thời gian đi riêng đường lẻ lối, đẹp lòng. Bởi vì, lạ thay, một viên luật sư, một cô y tá, một bác thợ nướng bánh đều có thể thiết lập thế giới trong hai thời gian nào cũng được, nhưng không thể trong cả hai cùng lúc. Thời gian nào cũng có thực, song sự thực không giống nhau.
Hạnh Viên
[Tập san Pháp Luân – số 23, tr.65, 2006]