Phạm Công Thiện: Nỗi cô đơn của Hoài Khanh

Bài viết này là Lời giới thiệu tập thơ Thân phận (của thi sĩ Hoài Khanh, Ca Dao ấn hành, 1962) do Phạm Công Thiện viết. Một bài giới thiệu đầy cá tính Phạm Công Thiện, vừa có sự giao cảm trong thi ca, vừa có tình bằng hữu. Nếu Đà Lạt từng chứng kiến một cuộc gặp đầy dịu dàng của đôi bạn thơ tri âm tri kỷ Quách Tấn – Hàn Mặc Tử thì cũng một lần, trong mùa xuân nồng nàn và “hãi hùng” đầu thập niên 1960, đã nhìn thấy cuộc hội ngộ và chia tay trong “bi đát của Đời” của hai người bạn thiết, hai cá tính Phạm Công Thiện và Hoài Khanh. Khi Đà Lạt đang vào xuân, chúng tôi mời bạn cùng đọc lại bài viết này. [Theo trang Facebook “Chuyện Đà Lạt”]

Nỗi cô đơn của Hoài Khanh
(Giới thiệu của Phạm Công Thiện in trong tác phẩm)

Thôi nước mắt đã ghi đời trên đá
Và cô đơn đã ghi dấu trên tay

Chiều 30 Tết, sương mù xuống nhiều, hai người lang thang trên mấy nẻo đường ở Đà lạt…

Hoài Khanh bỏ Biên hòa và lên Đà lạt ăn Tết với tôi. Bạn bè dăm đứa hắt hiu cuối trời… Hôm đó, tôi đi vắng. Hoài Khanh bơ phờ đứng chờ tôi. Vừa bước về nhà, chợt thấy Khanh, tôi rưng rưng ôm anh mà hôn… Xa nhau bao ngày, bây giờ lại trùng phùng nơi cảnh trời thơ mộng vào ngày cuối năm. Ngày trước khi chia tay nhau chúng tôi có ngờ đâu lại gặp nhau trong một khung cảnh thiên đàng, giữa mùa hoa đung đưa, dưới bầu trời đầy mây trắng lê thê trong hơi xuân mơ hồ của Đà lạt. Chúng tôi dẫn nhau lang thang trên những đường phố tối tăm nhất, lắng nghe tiếng chó sủa và lắng nghe tiếng lòng mình rạo rực đau khổ vì quá bơ vơ, vì quá lạc lõng giữa sa mạc loài người. Người này nắm tay người kia, dắt nhau đi, lê thê như hai người mù đi xin ăn giữa phố chợ: chúng tôi đi ăn mày một chút tình thương giữa con người, một chút giao cảm, một chút rộng lòng, một ánh lửa ấm áp giữa đêm lạnh nhất và đen tối nhất của ngày cuối năm. Người ta chết và không hạnh phúc.

Cuộc đời đã quá nhiều ngộ nhận. Đêm ba mươi Tết không mưa. Chúng tôi nhắc đến những người bạn khác, nhắc đến Bùi Giáng, Hoàng Trúc Ly, … Mỗi người bơ phờ ở một góc trời, ôm một nỗi lòng tha thiết, nồng nàn dâng trọn hồn mình cho đời.

Hoài Khanh ở với tôi được vài ngày, rồi không hiểu sao, tôi lại đuổi Khanh về Biên hòa… Tôi chịu anh không được. Ngày anh đến, tôi hôn anh. Ngày anh đi, tôi muốn anh đi cho phức mắt.

Mấy ngày anh ăn Tết với tôi ở Đà lạt, anh chỉ im lặng và ít nói. Chúng tôi thương nhau lắm. Thế mà chỉ nhìn nét mặt của anh và chỉ nghe sự im lặng của anh, tôi kinh hoàng đi. Tôi muốn đuổi anh đi ngay, tôi muốn đuổi một hình ảnh hãi hùng: tôi muốn được thanh bình trong tâm hồn trong những ngày này. Bởi vì đây là hình ảnh bi đát của Đời, của con người, của một kẻ bị đày giữa bãi đất hoang tàn của nghĩa địa trần gian. Nhìn nét mặt Khanh, tôi thấy sự Chết, tôi thấy Bệnh hoạn, Đau khổ, Quằn quại, Khắc khoải, Ray rức, Xao xuyến, Hãi hùng, Hoang liêu, Cô đơn; tôi thấy sự Chiến bại, sự Thất vọng của con người. Nghe sự im lặng của Khanh, tôi cảm thấy Thượng đế, tôi cảm thấy Quỷ ma, tôi cảm thấy Tiếng nói của một ngàn đêm, hai ngàn đêm, triệu ngàn đêm, tiếng nói của muôn triệu ngàn đêm vọng về hiu hiu trong lòng nhân thế. Tôi không muốn nghe, cũng như bao nhiêu người khác cũng không muốn nghe, bởi vì đó là tiếng nói của sự thật: Tiếng nói của dòng sông vạn ngàn năm chảy trôi về biển. Dòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù…

Tôi muốn trốn thân phận con người, tôi không muốn nhìn hình bóng lẻ loi của một kẻ bị đày ở cuối trời miên viễn… Tôi lẩn trốn vì thấy mình không thể… không thể được. Không thể trốn. Chỉ còn cách tự tử như Hemingway trong một cơn khủng hoảng thác loạn. Nếu không làm thế thì đứng lại mà trừng mắt ngó nhìn nét mặt Khanh, lắng nghe sự im lặng của Khanh và đừng chạy trốn nữa.

Thế rồi cách đây một tuần, lúc về Sài gòn, tôi có ghé lại Biên hòa để gặp Khanh. Khanh chỉ ở một mình, trong một căn nhà tồi tàn, tôi nhìn lên vách và gặp những bức tranh của Michel Ange, của Van Gogh và Picasso, những bức ảnh của Pasternak, Evtushenko, Salinger, Hemingway và Camus, rồi tôi nhìn Khanh. Bỗng nhiên, tôi thấy tất cả sự vật ngừng lại, cả thế giới đứng lặng lờ và Hoài Khanh cũng đứng lặng lờ như một bức ảnh treo tường; tôi bay ra ngoài thế giới này và có cảm tưởng như là một hồn ma trở về viếng lại thế giới loài người, ngắm lại những hình ảnh bất di bất dịch của con người giữa dòng đời trôi chảy và trong một thoáng giây, tôi lắng nghe được tiếng nói miên man của sự im lặng đưa vọng ra từ đôi môi bất động của những bức ảnh kia và bỗng nhiên tôi thấy sống lại và không còn là hồn ma nữa, tôi nhìn mấy ngón tay, nhìn lại người mình đã mang lại xác người và tôi nhìn lại Hoài Khanh, tôi thấy anh không còn là một bức ảnh nữa. Anh cũng cử động như tôi và anh mở miệng cười. Tôi cũng mở miệng cười, nụ cười của một người mà linh hồn vừa mới thoát ly ra thể xác.

Đà lạt ngày 26 tháng 4 năm 1962
– Phạm Công Thiện

SAU LƯNG NGÀY THÁNG

 

Rồi mai gió núi mưa trời

Tôi đi cho lạnh hồn tôi một mình

Đời lê thê bước lênh thênh

Lối âm u mãi buồn tênh mắt nào

Lòng tay muôn thuở còn đau

Trái tim nguyên thủy vẫn nhàu nhớ thương

Nằm sâu quên mất là phương

Hỏi mưa thì nắng hỏi nguồn nước đi

Còn chi tôi biết còn chi

Hồn hoang buốt lạnh từ khi nhớ ngàn

Đàn ai trầm cung mênh mang

Nguồn đau thương vọng từ hàng lệ rơi

Hồn tôi nấm mộ không đời

Khói nhang xin trả cho lời thương yêu

Một lần quay mặt về chiều

Thì tìm sao nỗi mỹ miều dấu xưa

Làm sao đợi làm sao chờ

Làm sao còn mãi những giờ yêu em?

 

Ngồi lại bên cầu

Người em gái trở về đây một bận

Con đường câm bỗng sáng ánh diệu kỳ

Tôi lẩn trốn vì thấy mình không thể

Mây của trời rồi gió sẽ mang đi

 

Em – thì vẫn nụ cười xanh mắt biếc

Màu cô đơn trên suối tóc la đà

Còn gì nữa với mây trời đang trắng

Đã vô tình trôi mãi bến sông xa

 

Thôi nước mắt đã ghi đời trên đá

Và cô đơn đã ghi dấu trên tay

Chân đã bước trên lối về hoang vắng

Còn chăng em nghĩa sống ngực căng đầy

 

Quá khứ đó dòng sông em sẽ ngủ

Giấc chiêm bao nguyên vẹn có bao giờ

Ta sẽ gặp trong ý tình vũ báo

Con thuyền hồn trở lại bến hoang sơ

 

Rồi em lại ra đi như đã đến

Dòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù

Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng

Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu.

 

(Trích Thân Phận: In lần đầu 1962. Tái bản lần 6, Hương Tích, 2014, với bài Giới thiệu của Phạm Công Thiện và Thích Phước An, và Phụ lục với 16 bài thơ trong thi tập Dâng Rừng ấn hành năm 1957.)
Độc giả có thể đặt sách tại TIKISACHHUONGTICH.COM

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận