Nguyên Giác
Nhìn chung, đại dịch đang dịu bớt tại Hoa Kỳ và quê nhà. Chưa bao giờ pháp ấn vô thường hiển lộ mãnh liệt như thời gian qua. Chưa bao giờ Khổ Đế hiển hiện minh bạch như thế, ngay trước mắt và ngay bên tai của mọi người đời thường. Có những người buổi sáng mới gặp, tới buổi chiều được tin họ đã nhập viện và không bao giờ có cơ hội gặp lại nữa. Cảm xúc đó đã được nhân loại trải nghiệm trên khắp thế giới, không riêng tại quốc độ nào. Bài viết này xin phép để nói một kinh nghiệm riêng (và có lẽ cũng là kinh nghiệm của rất nhiều người): đọc Kinh Phật trong mùa dịch, với cảm xúc rằng có thể đêm nay sẽ lìa đời. Do vậy, bài viết này cũng để Tạ Ơn Kinh Phật. Nơi đây chỉ là vài ý riêng, người viết hoàn toàn không có thẩm quyền gì về Phật học.
Trong hơn một năm rưỡi qua, người viết đã đọc say mê Tạng Nikaya và Tạng A Hàm. Và đã đọc với lòng biết ơn vô cùng đối với quý Thầy đã dịch hai Tạng trên ra Việt ngữ, đó là Thầy Thích Minh Châu, Thầy Tuệ Sỹ và Thầy Thích Đức Thắng. Để rồi rất mực hạnh phúc khi nhìn thấy các lời dạy này hòa lẫn vào thân tâm, khi đối chiếu với nhiều thập niên đọc và tu học theo Thiền Tông. Trong tận nguồn vẫn là nhóm Kinh Nhật Tụng Sơ Thời, là Kinh Kim Cang, là Kinh Pháp Bảo Đàn, là Kinh Bahiya… đã chỉ thẳng vào tâm giải thoát, nơi không một thức nào trụ vào đâu.
Lý do gần đây tập trung thì giờ đọc hai Tạng này, vì bản thân người viết trước đây chưa đọc đầy đủ, và ngay cả bây giờ cũng chưa đọc đầy đủ hai Tạng này. Trong năm 2019 và vài tháng đầu năm 2020, người viết đã dịch một số thơ Thiền của chư Tổ Việt Nam sang tiếng Anh, đã đối chiếu một số ý chỉ Thiền Tông với Nikaya và A Hàm, vì đây là hai bầu trời bát ngát và rất mới (và luôn luôn là mới) đối với người viết. Càng đọc, càng tự thấy chưa đủ, vẫn như chưa đọc bao nhiêu, và rồi nghĩ là phải đọc liên tục để tìm hiểu về đại dịch, hoạnh tử, cận tử, và những vấn đề tương tự. Và đã cảm nhận hạnh phúc vô cùng là được đọc Kinh Phật và được ngấm những lời Đức Phật dạy vào máu xương da thịt mình (tuy chỉ là phần nào).
Tạng A-hàm hiện nay cũng đã có bản dịch của nhiều Thầy khác, như Thầy Thích Thiện Siêu, hay Trung Tâm Dịch Thuật Trí Tịnh (với các bài dẫn luận của Thầy Chúc Phú rất mực lợi ích). Nhưng các bản này truy cứu bất tiện, dù hầu hết đã có trên Thư Viện Hoa Sen (https://thuvienhoasen.org/) và nhiều trang khác, không tiện như so với các bản trên mạng Sutta Central (https://suttacentral.net/) hay khi để đối chiếu với Tạng Nikaya tiếng Anh ở Access to Insight (https://accesstoinsight.org/). Người viết đã có thói quen đọc đối chiếu để hiểu lời Đức Phật dạy hơn. Và do vậy, bài viết này phần lớn sẽ dựa vào 3 trang web trên.
Thực tế đọc Kinh, và nghe Kinh đều có lợi ích. Hiển nhiên, không nên kỳ thị nghe với đọc, chỉ là tùy phương tiện. Thói quen đọc, người viết vốn đã có từ thơ ấu, nhưng thói quen nghe chỉ phần nào là qua YouTube và Internet, nghĩa là gần đây. Có lẽ bây giờ, Phật tử ưa thích nghe Kinh qua mạng hơn là ưa đọc. Thêm nữa, tuổi già thường mắt yếu, có thể sẽ thích nghe hơn đọc. Xin kể một chuyện ở ngay trong vùng Quận Cam, California. Có một cô kể rằng cô có 2 đứa con đang ở bậc trung học. Đứa con đầu là trai, học kém. Đứa con thứ nhì của chị là gái, học rất xuất sắc, vượt cả anh và các bạn cùng lớp. Cô này giải thích rằng, ba mẹ không có cơ duyên học cao, cậu con cả lại học kém, vậy mà bé gái học giỏi, chỉ là nhờ khi bắt đầu mang thai đứa thứ nhì, cô mỗi ngày đều vào YouTube nghe quý Thầy giảng Kinh Phật, do vậy bé gái học giỏi hơn người. Dù vậy, đọc vẫn có lợi, vì có thể đọc chậm lại, hay có thể ngưng nửa chừng để tham khảo và đối chiếu với các bài khác. Một thực tế là, các văn bản nhiều tính truyện sẽ thích nghi với nghe, các văn bản lý luận trừu tượng chỉ thích nghi với đọc. Như thế, nghe với đọc đều có những diệu dụng phi thường.
Chuyện nàng Am-la
Đọc Kinh, có nhiều khi lại dẫn tới thắc mắc, không chắc dò ra câu trả lời. Như trường hợp đọc Kinh Tạp A-hàm SA 622, bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ & Đức Thắng, kể về nàng Am-la tới lễ Phật, trích:
“Một thời, Phật trú tại Bạt-kỳ, du hành trong nhân gian, đến nghỉ trong vườn Am-la, nước Tỳ-xá-ly. Bấy giờ có nàng kỹ nữ Am-la nghe tin Đức Thế Tôn du hành từ Bạt-kỳ đến ở trong vườn Am-la, liền sửa soạn đánh xe ra khỏi thành Tỳ-xá-ly, đến chỗ Thế Tôn cung kính cúng dường. Khi đến cửa vườn Am-la, xuống xe đi bộ, từ xa trông thấy Thế Tôn thuyết pháp cho đại chúng đang vây quanh. Thế Tôn thấy nàng Am-la sắp đến, bảo các Tỳ-kheo: ‘Này các Tỳ-kheo, các ông nên tinh cần nhiếp tâm an trụ, chánh niệm, chánh trí. Nay có cô gái Am-la đến, nên phải giáo giới các ông.’”
Chúng ta thắc mắc, trong tăng đoàn lúc đó hẳn là có cả một số thánh tăng, lẽ ra không cần Đức Phật cảnh giác như thế? Thế rồi, sau khi Đức Phật dạy bài pháp về chánh niệm xong, nàng Am-la chắp tay bạch Phật: “Xin Thế Tôn và đại chúng nhận lời mời cúng dường trưa mai của con.” Khi ấy, Thế Tôn im lặng nhận lời.
Chúng ta có thể thắc mắc thêm, tại sao Kinh tương đương bên Tạng Pali SN 47.2 (cả bản Việt dịch của Thầy Minh Châu, và 2 bản Anh dịch của Sujato và Bodhi) lại không nói gì về nàng này? Các học giả đã nói rằng 2 Kinh này tương đương, nhưng hóa ra vẫn có khác, và đó là một hình ảnh giai nhân.
Khoan, chúng ta không nên hấp tấp nói rằng quý Thầy khi kết tập Tạng A-hàm đã ghi thêm hình ảnh nàng Am-la vào, cũng không nên đoán rằng quý Thầy bên Tạng Pali đã cắt bỏ chuyện nàng Am-la. Chỉ nên để chuyện cứ như thế thôi. Chính những giây phút suy nghĩ về dị biệt như thế, sẽ dần dần cho người đọc cách nhìn đa diện, không thiên lệch, xem như một cơ hội để nhìn vào kính vạn hoa. Vấn đề chính phải là mình tu tâm, không hẳn là chuyện xưa thế nào.
Kinh thiên về quán, Kinh thiên về chỉ?
Chỉ và quán là hai pháp điều tâm. Chỉ sẽ dẫn tới định, quán sẽ dẫn tới huệ. Hai cách đều tới cùng một kết quá. Câu hỏi này khởi lên, sau khi chúng ta đối chiếu hai kinh dạy về đoạn diệt thân kiến, cũng gọi là diệt tận hữu thân. Có 2 kinh tương đương, cùng ghi lời Đức Phật dạy về “con đường đưa đến thân kiến đoạn diệt” (theo Kinh SN 22.44, bản Việt dịch của Thầy Minh Châu) thiên về quán, về “con đường dẫn đến sự diệt tận của hữu thân” (theo Kinh SA 69, bản Việt dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ & Đức Thắng) thiên về chỉ. Đọc được cả 2 kinh này, chúng ta sẽ tiếp cận linh động hơn, ứng dụng đa năng hơn.
Trích Kinh SN 22.44, bản dịch Thầy Minh Châu, sẽ thấy Đức Phật dạy thuần túy quán vô ngã sẽ thấy thân kiến đoạn diệt:
“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến thân kiến đoạn diệt? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử thấy rõ các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, thấy rõ các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân; không quán sắc như là tự ngã, hay không quán tự ngã như là có sắc, hay không quán sắc ở trong tự ngã, hay không quán tự ngã ở trong sắc.
… không quán thọ… không quán tưởng… không quán các hành… không quán thức như là tự ngã, hay không quán tự ngã như là có thức, hay không quán thức ở trong tự ngã, hay không quán tự ngã ở trong thức. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là con đường đưa đến thân kiến đoạn diệt. Con đường đưa đến thân kiến đoạn diệt có nghĩa là: Sự quán sát đưa đến sự khổ đoạn diệt.”
Trong khi đó, Kinh SA 69, bản dịch hai thầy Tuệ Sỹ & Đức Thắng tập trung dạy về chỉ (không ưa, không khen, không đắm, không trụ) để dẫn đến sự diệt tận của hữu thân:
“Thế nào là con đường dẫn đến sự diệt tận của hữu thân? Ða văn Thánh đệ tử biết như thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Vì đã biết như thật nên đối với sắc không ưa, không khen, không đắm, không trụ. Vì không ưa, không khen, không đắm, không trụ nên ái lạc sắc kia diệt. Ái lạc diệt, thì thủ cũng diệt; thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não, thuần khối lớn đau khổ như vậy diệt. Cũng như sắc, đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Ðó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân. Con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân này cũng là con đường đưa đến sự diệt tận của khổ. Cho nên nói là con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân.” Phật nói Kinh này xong, các Tỳ kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.”
Với Kinh SA 69, bản Anh dịch của Analayo là: “What is the path to the cessation of the arisen identity?” Với Kinh SN 22.44, bản Anh dịch của Sujato là: “And what is the practice that leads to the cessation of identity?” và của Bodhi là: “And what, bhikkhus, is the way leading to the cessation of identity?“
Đối chiếu 2 kinh trên, chúng ta có thể nhớ tới Kinh AN 4.170, nơi đây Ngài Ananda dạy rằng có khi chỉ trước rồi quán sau, có khi quán trước rồi chỉ sau, có khi chỉ và quán hòa hợp, và trường hợp thứ tư là rất bất ngờ, tự nhiên tâm dứt sạch dao động: “Lại nữa, này chư Hiền, Tỷ-kheo với các dao động đối với các pháp được hoàn toàn dứt sạch. Này các Hiền giả, đây là thời khi tâm của vị ấy an trú, an tọa, nhất tâm, định tĩnh. Với vị ấy, con đường sanh khởi.” (Bản dịch của Thầy Minh Châu).
Như thế, có thể đoán rằng Kinh SN 22.44 của Tạng Pali nói rằng quán trước sẽ dẫn tới chỉ sau, và Kinh SA 69 của Tạng A-hàm nói rằng chỉ trước, rồi cái thấy của quán sẽ hiển lộ. Cả hai đều dẫn tới đoạn tận thân kiến, tức là xả, tức là không vướng mắc gì nữa.
Một điều hết sức thú vị là khi đối chiếu Kinh tương đương của Kinh AN 4.170 Tạng Pali là Kinh SA 560 Tạng A Hàm, sẽ thấy cũng 4 lộ trình tâm, nhưng cách trình bày khác hơn. Trong Kinh SA 560, chỉ-quán hòa hợp đưa về cuối cùng để làm trường hợp thứ 4, và phần “tâm động loạn” đưa lên trường hợp thứ 3, trích:
“Lại nữa, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni bị nắm giữ bởi sự động loạn, vì để điều phục tâm mà ngồi, ngồi ngay ngắn trụ tâm: Thiện xảo trụ tâm, cục bộ trụ tâm, điều phục tâm, chỉ quán, nhất tâm bình đẳng mà tiếp thọ hóa. Như thế chánh hướng an trụ nhiều, lìa được các sử.” (do Thầy Tuệ Sỹ & Đức Thắng dịch)
Ghi nhận rằng nơi khác, Đức Phật trong Kinh SN 35.245 đã gọi chỉ và quán là 2 sứ giả xuất hiện đồng thời, trong khi niệm ví như người giữ cửa tâm, trích: “Sáu cửa, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với sáu nội xứ. Người giữ cửa, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với niệm. Hai vị sứ giả cấp tốc, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với chỉ và quán. Người chủ ngôi thành là đồng nghĩa với thức.” (Bản dịch của Thầy Minh Châu)
Tóm tắt nhóm Kinh vừa trình bày trên, nghĩa là, Đức Phật dạy rằng cả chỉ và quán đều cần thiết, nhưng cách nào trước hay sau là tùy. Rất mực hạnh phúc là khi chúng ta đối chiếu nhiều Kinh, và rồi có cái nhìn đa diện từ nhiều hướng, tất nhiên sẽ có lợi cho việc an tâm.
Có thể một số độc giả đọc các kinh trên và thấy còn mơ hồ. Thực ra, bất kỳ ai cũng có thể dựa vào các kinh trên mà tự tu học được, một khoảnh khắc tu là một khoảnh khắc của hạnh phúc, an lạc và vô lượng phước đức. Cách đơn giản là nên chuyển thành hình ảnh cụ thể, sẽ thấy dễ dàng hơn.
Thí dụ, Đức Phật nói: “Không quán sắc như tự ngã.” Đó là Đức Phật nói ngắn gọn. Vậy thì, chúng ta chuyển chữ “sắc” thành cụ thể là “Không quán cái hình ảnh được thấy như tự ngã, không quán cái âm thanh được nghe như tự ngã, không quán cái mùi hương được ngửi như tự ngã, không quán cái vị được nếm như tự ngã, không quán cái cảm giác chạm xúc như tự ngã, không quán cái được tư lường suy nghĩ như tự ngã.” Như thế, tức khắc sẽ thấy minh bạch. Như thế, sẽ hiểu thêm nhiều Kinh khác. Như thế, sẽ thấy trước mắt, bên tai… chỉ là như bóng, như vang, như mộng, như huyễn, và sẽ hiểu ngay Bát Nhã Tâm Kinh khi đọc “Sắc tức là Không…” Nghĩa là, tất cả những gì trừu tượng, nên biến thành cụ thể, thì tự khắc dễ hiểu.
Mặt khác, nên đối chiếu thêm tiếng Anh để làm một số ý nghĩa dễ hiểu hơn. Thí dụ như: sắc (form), thọ (feelings), tưởng (perception: the process of recognising what things are — tiến trình nhận biết các pháp, màu sắc, hình dáng…), hành (mental formations, thoughts — ý kiến, phê phán, suy nghĩ tư lường), thức (consciousness, an awareness of things — cái biết về nội xứ hay về ngoại xứ). Tất cả đều không tự ngã, đều rỗng không, đều không thực tướng. Nhận ra như thế, tham sân si dần dần biến mất.
Ai không suy tưởng, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma
Có khi chữ nghĩa sẽ làm rối bời, có khi chữ nghĩa sẽ làm sáng tỏ hơn. Các dịch giả khi tìm chữ để dịch, thường chọn ý nào mỗi người cho là gần với ý của Đức Phật. Một trường hợp dễ thấy là khi chúng ta đối chiếu Kinh SN 22.64 và Kinh SA 15.
Kinh SN 22.64 kể chuyện một vị sư tới xin Đức Phật một lời dạy tóm tắt, để vị sư này lui về một góc rừng để tu cho tới khi giải thoát. Làm thế nào tóm tắt kinh điển trong một lời? Đức Phật nói rất ngắn gọn: “Ai suy tưởng, này Tỷ-kheo, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không suy tưởng, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma.” (Bản dịch của Thầy Minh Châu)
Lời dạy trên được Bhikkhu Bodhi dịch là: ““Bhikkhu, in conceiving one is bound by Mara; by not conceiving one is freed from the Evil One.” (Nghĩa trực tiếp là: Tỳ kheo, hễ suy nghĩ tư lường là bị Ma trói buộc; không suy nghĩ tư lường là được giải thoát khỏi Ác Ma).
Bản dịch của Bhikkhu Sujato là: “When you identify, mendicant, you’re bound by Māra. Not identifying, you’re free from the Wicked One.” (Nghĩa trực tiếp là: Tỳ kheo, khi ngươi nhận lấy [liên kết], ngươi bị Ma trói buộc. Không nhận lấy [liên kết], ngươi được giải thoát khỏi Ác Ma).
Như thế, khi đọc đối chiếu cách dịch của ba thầy Minh Châu, Bodhi và Sujato, chúng ta thấy có vẻ như 3 cách dịch khác nhau?
Chưa hết. Bây giờ đọc bản Kinh tương đương bên A-hàm là Kinh SA 15, lời Đức Phật dạy pháp tóm tắt như sau: “Này Tỳ-kheo, nếu để sai sử theo sử, tức là chết theo sử. Nếu chết theo sử là bị thủ trói buộc. Nếu Tỳ-kheo không bị sai sử theo sử, thì sẽ không chết theo sử. Không chết theo sử, tức là giải thoát đối với thủ.” (Bản dịch Thầy Tuệ Sỹ & Đức Thắng).
Trong khi đó, bản Kinh SA 15 do Analayo dịch là, trích: “Monk, if one surrenders to the underlying tendencies, one surrenders to the underlying tendency at death. If one surrenders to the underlying tendency at death, one is bound by grasping. Monk, if one does not surrender to the underlying tendencies, one does not surrender to the underlying tendency at death. If one does not surrender to the underlying tendency at death, one is liberated from grasping.”
Như thế, hai cách dịch Anh-Việt của SA 15 hoàn toàn y hệt nhau. Bản của Thầy Tuệ Sỹ & Đức Thắng ghi là “sử” sẽ lôi kéo chúng ta vào đường ma. “Sử” nơi đây, được Analayo dịch là “underlying tendencies” — tức là các lực lôi kéo tiềm ẩn, nói rộng thì có 10 kiết sử, nói ngắn gọn theo thói quen thì 3 sử căn bản là tham-sân-si. Khi hiểu như thế này, là hiểu tại sao Bhikkhu Sujato dùng chữ “identify” (nhận lấy sự nối kết) khi dịch Kinh SN 22.64.
Vậy còn 2 cách dịch của Thầy Minh Châu và Bhikkhu Bodhi thì sao? Không có ai dịch sai các chỗ này. Chữ “suy tưởng” của Thầy Minh Châu có nghĩa là nghĩ thêm tới, diễn dịch ra, tư lường… Còn chữ “conceiving” mà Bhikkhu Bodhi dịch thì cũng có nghĩa như thế. Chữ “conceiving” trong tiếng Anh còn có nghĩa là “có bầu, có thai” — nơi đây, có nghĩa là trong tâm có cái gì sanh ra.
Nếu nói ngắn gọn như Thiền sư Trần Nhân Tông là” “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.” (Đối cảnh, nếu tâm không nắm giữ gì, tâm không bị cái gì lôi đi, tâm không liên kết gì, tâm không vướng bận gì, tâm không ‘mang bầu, mang thai’ gì, thì chớ hỏi Thiền làm chi.)
Hay nói theo Kinh Bahiya là hãy để cái được thấy là chỉ cái được thấy, để cái được nghe chỉ là cái được nghe… tức là giải thoát. Đối chiếu những cách dịch như thế, chúng ta sẽ thấy hạnh phúc vô cùng tận.
Khi đối chiếu với Kinh Snp 4.6 trong nhóm Kinh Nhật Tụng Sơ Thời (tức là nhóm Kinh chư tăng ni tụng hàng ngày trong các năm đầu Đức Phật hoằng pháp), trích các câu cuối ghi rõ rằng “người trí không hề suy nghĩ tư lường” chi hết. Ngấm được cái vô tâm mà không thật là vô tâm mới thực là tuyệt vời.
Đoạn cuối bản Anh dịch Snp 3.6 của Khantipalo Mills (thể thơ, nhưng nơi đây sẽ viết như văn xuôi): “Certainly the wise do not conceive upon the seen, the heard, and cognized, nor wish for purity through another, for they are not attached nor yet displeased.”
Bản của Sujato: “For the one who is cleansed does not conceive in terms of things seen, heard, or thought. They do not wish to be purified by another; they are neither passionate nor growing dispassioned.”
Bản Việt dịch của Nguyên Giác: “Người thanh tịnh không khởi niệm tư lường về những gì được thấy, nghe, nhận biết, cũng không muốn tìm thanh tịnh qua bất kỳ cách nào vì đã không còn gì để tham đắm hay ghét bỏ.“
Con Ðường Không Có Lỗi Lầm
Tới đây, chúng ta sẽ suy nghĩ về dị biệt giữa 2 kinh tương đương: Kinh AN 3.16 (còn gọi là Kinh Con Ðường Không Có Lỗi Lầm) và Kinh EA 21.6.
Đoạn đầu Kinh AN 3.16, bản dịch của Thầy Minh Châu là: “Thành tựu ba pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thực hành con đường không có lầm lỗi, và có những căn bản thắng tấn để đoạn diệt các lậu hoặc. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống và chú tâm cảnh giác.”
Nhóm chữ “…chú tâm cảnh giác” trong bản Anh dịch của Sujato là: “…and is dedicated to wakefulness.” Trong bản Anh dịch của Bodhi là: “…and is intent on wakefulness.”
Nhưng Kinh EA 21.6, đoạn tương đương, trong bản Việt dịch của Thầy Tuệ Sỹ & Thầy Đức Thắng là: “Nếu có Tỳ-kheo nào thành tựu ba pháp, ở trong hiện pháp khéo được khoái lạc, dõng mãnh tinh tấn hữu lậu dứt sạch. Thế nào là ba? Ở đây, Tỳ-kheo, các căn tịch tịnh, ăn uống biết tiết độ, không bỏ kinh hành.”
Nhóm chữ “không bỏ kinh hành” trong bản Anh dịch của nhóm dịch giả Thích Huyền-Vi, Sara Boin-Webb & Bhikkhu Pāsādika là: “and c) who does not neglect his walking-exercises.” Tức là, thiền đi bộ.
Thực sự, lời Đức Phật được ghi lại gần như hệt như nhau, vì phần thứ ba trong 2 kinh đó vẫn là bao gồm cả “đi bộ, ngồi và nằm” chứ không nói riêng về đi kinh hành.
Bản AN 3.16 về đoạn “chú tâm cảnh giác” là, bản dịch Thầy Minh Châu: “Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo chú tâm cảnh giác? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ban ngày trong khi đi kinh hành và ngồi, gột sạch tâm khỏi các triền cái, ban đêm trong canh một, trong khi đi kinh hành và ngồi, gột sạch tâm khỏi các triền cái, ban đêm trong canh giữa, nằm xuống như con sư tử về phía hông bên phải, hai chân gác lên nhau, chánh niệm tỉnh giác, tác ý tưởng thức dậy, ban đêm trong canh cuối, sau khi thức dậy trong khi đi kinh hành và ngồi, gột sạch tâm khỏi các triền cái. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chú tâm cảnh giác.” (Ghi nhận: “chú tâm cảnh giác” khác với “chánh niệm tỉnh giác”?)
Bản EA 21.6 về đoạn “không bỏ kinh hành” là, bản dịch hai Thầy Tuệ Sỹ & Đức Thắng: “Sao gọi là Tỳ-kheo không bỏ kinh hành? Ở đây, Tỳ-kheo, đầu hôm cuối hôm luôn nhớ kinh hành không sai thời khóa, thường niệm tưởng buộc ý vào trong đạo phẩm. Nếu là ban ngày, hoặc đi hoặc ngồi, tư duy diệu pháp, trừ khử ấm cái. Rồi lúc đầu hôm, hoặc đi hoặc ngồi, tư duy diệu pháp, trừ khử ấm cái. Rồi vào giữa đêm nằm nghiêng bên phải, tư duy buộc ý vào nơi ánh sáng. Rồi đến cuối hôm thức dậy, hoặc đi, hoặc tư duy diệu pháp, trừ khử ấm cái. Như vậy là Tỳ-kheo không bỏ kinh hành.”
Hai đoạn gần như y hệt nhau, nhưng có thể đoán rằng, quý Thầy A-hàm muốn nhấn mạnh về thiền đi bộ (tất nhiên, cũng bao gồm cả chú tâm cảnh giác) vì lời dạy “chú tâm cảnh giác” hiểu ngầm là xuyên suốt tất cả các tư thế và trọn ngày đêm.
Nơi lời Kinh AN 3.16 dạy “hộ trì các căn” thì Kinh EA 21.6 dạy “các căn tịch tịnh” cùng nghĩa, nhưng lời dạy khác.
Trích Kinh EA 21.6 dạy giữ các căn tịch tịnh như sau: “Tỳ-kheo, thế nào các căn tịch tịnh? Ở đây, Tỳ-kheo khi mắt thấy sắc, không khởi tưởng đắm, không có thức niệm, được sự thanh tịnh ở nơi nhãn căn; vì để giải thoát khỏi những cái ấy nên luôn thủ hộ nhãn căn. Khi tai nghe tiếng, mũi ngưởi hương, lưỡi biết vị, thân biết mịn láng, ý biết pháp, không khởi tưởng đắm, không có thức niệm, được sự thanh tịnh ở nơi nhãn căn; vì để giải thoát khỏi những cái ấy nên luôn thủ hộ ý căn. Như vậy là Tỳ-kheo có các căn tịch tịnh.” (Bản dịch TS&ĐT)
Nghĩa là, giữ tâm bất động (không khởi tâm làm cái gì hết), tập trung vào pháp chỉ.
Trích Kinh AN 3.16 dạy hộ trì các căn như sau: “Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo hộ trì các căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì nhãn căn không được bảo vệ, khiến tham ưu, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo tự bảo vệ nguyên nhân ấy, phòng hộ nhãn căn, thực hành phòng hộ nhãn căn. Khi tai nghe tiếng … mũi ngửi hương … lưỡi nếm vị … thân cảm xúc … ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, ví ý căn không được bảo vệ, khiến tham mưu, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo tự bảo vệ nguyên nhân ấy, phòng hộ ý căn, thực hành phòng hộ ý căn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo hộ trì các căn.”
Gọi “tướng chung” tức là “features” – là nói đặc tính chung. Thí dụ, nói cô Nguyễn Thị A có tướng chung là cô gái mới lớn; tướng chung là những gì làm cô này giống các cô khác. Gọi “tướng riêng” là “details” — tức chi tiết, đặc điểm riêng, làm cô Nguyễn Thị A khác các cô khác ở những điểm nào đó. Thì khi chúng ta nhìn thấy cô Nguyễn Thị A, chớ nên lưu giữ trong tâm bất kỳ tướng nào của cô này.
Như thế, hộ trì các căn, hay các căn tịch tịnh, cũng y hệt như các kinh đã nói ở phần trên, rằng chớ để chết theo sử, chớ nắm giữ tướng gì, chớ suy nghĩ tư lường gì… khi đó, tất cả các pháp khi tới mắt, tai đều được tiếp nhận bình đẳng như vào ngôi nhà trống. Điều hạnh phúc là, đọc 2 kinh này, là biết cách tiếp cận từ nhiều phía, nhiều hướng, và cả nhìn gần lẫn nhìn xa. Như thế, cách an tâm của chúng ta sẽ nhẹ nhàng hơn, dễ dàng hơn, đa dạng hơn.
Thêm nữa, tại sao Đức Phật dạy “chú tâm cảnh giác” mà không nói là “chánh niệm tỉnh giác” như nhiều Kinh khác? Chúng ta thử đối chiếu một số cách dịch.
— Như trong Kinh AN 3.16:
Thầy Minh Châu dịch: chú tâm cảnh giác.
Sujato dịch: is dedicated to wakefulness (dẫn trên, giữa đoạn có “chánh niệm tỉnh giác” Sujato dịch “mindful and aware”).
Bodhi dịch: is intent on wakefulness.
— Trong khi đó, ở Kinh AN 5.28, đối chiếu cách dịch:
Thầy Minh Châu: chánh niệm tỉnh giác.
Sujato: mindful and aware (Trong Kinh AN 8.81, Sujato dịch là: mindfulness and situational awareness)
Bodhi: mindful and clearly comprehending.
Thanissaro: mindful & alert.
Nơi đây, xin phép đoán rằng “chú tâm cảnh giác” là khởi đầu một hành trình và là xuyên suốt hành trình, trong đó “chánh niệm tỉnh giác” là một phần trong hành trinh đó. “Chú tâm” ban đầu là một tỉnh thức (có thể so sánh như hình ảnh trong Kinh Pháp Hoa: Đức Phật Đa Bảo từ dưới đất hiện lên), và cái nhìn tỉnh thức này trong thái độ cảnh giác sẽ kéo dài tới một lúc thì tới chỗ gọi là “chánh niệm tỉnh giác” và tỉnh thức này vẫn lưu giữ cho “một niệm nghìn năm” (theo cách dùng chữ của Thiền Tông). Thường thường, ngay cái tỉnh thức (wakefulness) ban đầu có thể rất là khoảnh khắc đối với đa số người (nhưng với một số vị, như ngài Bahiya, tỉnh thức lóe lên là vĩnh viễn không biến mất), nhưng lại rất mực hạnh phúc, vì lúc đó là tâm trinh tuyền, có thể kéo dài vài khoảnh khắc hay lâu hơn, lúc đó là cái tâm mà Thiền Tông gọi là rỗng không, sáng tỏ, các pháp được nhận biết mà không gì được lưu giữ. Nếu nhận ra dòng vô thường đang trôi chảy của cái sáng tỏ, rỗng không, rõ biết này của tâm tỉnh thức ban đầu đó, sẽ thấy nơi đây không hề có tham sân si. Tâm này chưa bao giờ rời chúng ta. Như vậy, ngay trong cái “chú tâm” từ ban đầu đã là tức thân thành Phật (nói theo Thiền Tông), vì đó là khi hạt bụi chưa khởi lên, là gương sáng không níu giữ bất kỳ hiện tướng nào, là cái biết hồn nhiên, chưa so đo, chưa tư lường, là khi cái được thấy và cái được nghe chỉ là cái được thấy và cái được nghe. Trong cái tâm tỉnh thức rất nguyên sơ này, sẽ không có quá khứ, không có hiện tại, không có vị lai, không có Đông Tây Nam Bắc vì đó là một thức trinh tuyền, ví như gương sáng vô tận (Kinh DN 11 gọi là “consciousness without feature” – thức không đặc tướng). Vì thời gian (quá, hiện, vị lai) và không gian (Đông Tây Nam Bắc) chỉ hiện lên khi có đối chiếu, có tư lường; và vì gương sáng không có gì bấu víu nên gọi là không còn thời gian và không gian, như thế cũng là đoạn tận danh-sắc.
Đức Phật trong Kinh SN 12.64 mô tả cách khác, rằng giải thoát là khi “nơi nào thức không an trú (theo Thầy Minh Châu dịch)” (Sujato: Where consciousness is not established and doesn’t grow). Cũng là nói về gương sáng của tâm giải thoát: rỗng không, chiếu sáng, không ngừng nghỉ và vô tận. Tương đương bên A-hàm có Kinh SA 376, với lời Đức Phật dạy: “Như vậy, này các Tỳ-kheo, đối với bốn loại thức ăn mà không tham, không hỷ, thì thức không có chỗ trụ, cho đến thuần một khối khổ lớn đã tụ tập bị diệt.” (Bản dịch: Thầy Tuệ Sỹ & Đức Thắng)
Bậc A La Hán vẫn phải chú tâm thấy vô thường, vô ngã
Chúng ta thường nghe rằng quý ngài A La Hán là đã xa lìa tham sân si, đã buông bỏ gánh nặng và không cần làm gì nữa. Tất nhiên, quý ngài A La Hán không thể đi lùi lại được nữa. Nhưng Kinh vẫn nói rằng bậc Thánh A La Hán vẫn phải làm tu tập thêm, để được hiện pháp lạc trú, để chứng pháp chưa chứng. Cả hai Tạng Pali và A-hàm đều nói như thế.
Kinh SA 259, bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ & Đức Thắng viết, trích các đoạn cuối:
“Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất: “Xá-lợi-phất, khi đã chứng được quả A-la-hán rồi, thì còn phải tư duy những pháp nào nữa?”
Tôn giả Xá-lợi-phất nói: “Ma-ha Câu-hi-la, A-la-hán lại cũng tư duy năm thọ ấm này là bệnh, là ung nhọt, là gai nhọn, là sát hại, là vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì sao? Vì để được điều chưa được, để chứng pháp chưa chứng, để có hiện pháp lạc trú.”
Hai vị Chánh sĩ nghe lẫn nhau những điều được nói, hoan hỷ ra về.”
Kinh tương đương là Kinh SN22.122, bản dịch của Thầy Minh Châu viết, trích các đoạn cuối:
“— Nhưng vị A-la-hán, này Hiền giả Sāriputta, cần phải như lý tác ý các pháp gì?
— Vị A-la-hán, này Hiền giả Kotthika, cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô ngã. Với vị A-la-hán, này Hiền giả, không có gì phải làm nữa, hay không có phải thêm gì nữa trong công việc làm. Nhưng sự tu tập, làm cho sung mãn những pháp này sẽ đưa đến hiện tại lạc trú và chánh niệm tỉnh giác.”
Như thế, còn trong cõi đời thường như bản thân người viết, hai kinh vừa dẫn là lời sách tấn rất là quan trọng. Bậc Thánh còn phải ra sức tinh tấn. Huống gì là đời thường. Thực sự, tinh tấn không phải là cái gì nặng nhọc, vì cũng là hạnh phúc, vì tu một phút là an vui một phút, vì tu một ngày là an vui một ngày.
Xa lìa cả Có và Không, mặt trời trí tuệ sẽ lên cao
Hữu vô câu bất lập, nhật cảnh bổn đương bô (Không dựng lập Có, không dựng lập Không, mặt trời trí tuệ sẽ lên cao). Hai câu này là từ một bài kệ của Thiền sư Tông Diễn (1640 – 1711) của Việt Nam. Không chỉ trong Thiền Tông, truyền thống Phật Giáo VN từ xa xưa vẫn dùng Tâm Kinh Bát Nhã trong nhóm Kinh Nhật Tụng hàng ngày. Trong đó, là cái nhìn tương tự, rằng “Sắc chính là Không, và Không chính là Sắc…” Trong đó, Sắc chính là “cái được thấy, cái được nghe, cái được ngửi, cái được nếm, cái được chạm xúc, cái được tư lường” (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) tất cả đều không gọi là Có hay Không, vì tất cả là thuận theo duyên khởi: khi tập khởi thì được nhận ra là Có, và khi biến diệt thì gọi là Không. Chỉ thái độ trung đạo như thế, mới không làm cho hành giả vướng vào bất kỳ kiến chấp nào.
Cách nhìn xa lìa cả Có và Không là cái nhìn của trí tuệ, mang tới sức mạnh vô sở trụ, không vương vào bất kỳ kiến nào, và có thể giải thoát tức khắc, không chờ thêm nhiều thời gian tu tập. Trường hợp cư sĩ giải thoát tức khắc có ngài Bahiya trong Kinh Ud 1.10, và có ngài Pukkusati trong Kinh MN 140. Cũng rất hy hữu, Kinh MN 140 kể về “Thiện gia nam tử Pukkusati, do lòng tin, y cứ Thế Tôn đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.” Nghĩa là, Pukkusati tự xuất gia, trong khi chưa từng gặp Đức Phật, chưa từng có cơ duyên theo học vị thầy nào, cũng chưa từng thọ giới cụ túc, và cũng chưa từng có y bát. May mắn, trên đường đi tìm Đức Phật, thì gặp Đức Phật cùng trú ngụ nơi nhà thợ gốm Bhaggava.
Sau khi nghe Đức Phật nói pháp tại nhà thợ gốm cho riêng ngài Pukkusati, vị này rời nhà anh thợ gốm để đi tìm y bát, thì gặp một con bò cuồng chạy, đoạt mất mạng sống của Tôn giả. Đức Phật được tin ngài Pukkusati bị con bò điên tông chết, mới giải thích: “Thiện gia nam tử Pukkusati, sau khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh và từ chỗ ấy nhập Niết-bàn, không phải trở lui đời ấy nữa.” Có nghĩa là, ngài Pukkusati nghe xong bài pháp, liền chứng quả Bất Lai (thánh quả thứ ba, còn gọi là A Na Hàm) và sẽ từ cõi của quý ngài Bất Lai sau đó sẽ nhập Niết Bàn (Nhưng Kinh MA 162 nói là ngài đã đắc quả A La Hán).
Bài Kinh MN 140, bản dịch của Thầy Minh Châu, ghi lời pháp yếu của Đức Phật trích như sau (khi đọc kỹ, sẽ thấy y hệt Kinh Kim Cang và Tâm Kinh):
“Do không tác thành, không suy tưởng đến hữu hay phi hữu, vị ấy không chấp thủ một sự vật gì ở đời; chấp thủ không quấy rối vị ấy; do chấp thủ không quấy rối vị ấy, vị ấy tự chứng Niết-bàn, và vị ấy tuệ tri: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những điều nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái như thế này nữa”.
… …
Này Tỷ-kheo, “Tôi là”, như vậy là vọng tưởng. “Tôi là cái này”, như vậy là vọng tưởng. “Tôi sẽ là”, như vậy là vọng tưởng. “Tôi sẽ không là”, như vậy là vọng tưởng. “Tôi sẽ có sắc”, như vậy là vọng tưởng. “Tôi sẽ không có sắc”, như vậy là vọng tưởng. “Tôi sẽ có tưởng”, như vậy là vọng tưởng. “Tôi sẽ không có tưởng”, như vậy là vọng tưởng. “Tôi sẽ không có tưởng, không không có tưởng”, như vậy là vọng tưởng. Vọng tưởng, này Tỷ-kheo, là bệnh, vọng tưởng là cục bướu, vọng tưởng là mũi tên. Này Tỷ-kheo, khi vượt khỏi mọi vọng tưởng, vị ẩn sĩ được gọi là tịch tịnh. Nhưng này Tỷ-kheo, vị ẩn sĩ tịch tịnh không sanh, không già, không có dao động, không có hy cầu.
… …
Thiện gia nam tử Pukkusati được Thế Tôn thuyết giảng một cách vắn tắt đã mệnh chung. Sanh thú của vị ấy như thế nào, đời sống tương lai như thế nào?
— Này Tỷ-kheo, thật là bậc Hiền giả, Thiện gia nam tử Pukkusati, đã chấp hành Chánh pháp và tùy pháp. Và không có phiền nhiễu Ta với những kiện tụng về Chánh pháp. Này các Tỷ-kheo, Thiện gia nam tử Pukkusati, sau khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh và từ chỗ ấy nhập Niết-bàn, không phải trở lui đời ấy nữa.”
Bài Kinh tương đương bên Tạng A-hàm là Kinh MA 162, bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ, không ghi về cái chết vì bò tông của ngài Phất-ca-la-sa-lợi (phiên âm từ tên ngài Pukkusati), nhưng ghi trong cách cho thấy ngài Phất-ca-la-sa-lợi đã chứng quả A La Hán (“không còn ai hơn, không tùy thuộc ai nữa, không còn do dự, đã an trú vào quả chứng đắc”). Kinh MA 162 ghi rằng sau khi Đức Phật ban thời pháp này thì:
“Đức Thế Tôn thuyết pháp này xong, Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi viễn ly trần cấu, phát sanh pháp nhãn và các pháp. Bấy giờ, Tôn giả Phất-ca-la-sa-lợi viễn thấy pháp, đắc pháp, chứng pháp bạch tịnh, đoạn trừ nghi hoặc, không còn ai hơn, không tùy thuộc ai nữa, không còn do dự, đã an trú vào quả chứng đắc; đối với pháp của Thế Tôn, chứng đắc vô úy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật…”
Điều ghi nhận rằng, khi trong tâm không vướng vào bất cứ kiến nào – dù là Hữu hay Vô, dù là Có hay Không, dù là cái được thấy hay cái không được thấy, dù là cái được nghe hay cái không được nghe… — thì thời gian sẽ biến mất trong tâm người này. Bởi vì thời gian (quá, hiện, vị lai) chỉ xuất hiện là do đối chiếu, là dựa vào “sắc thọ tưởng hành thức” – nếu trong tâm không có gì để đối chiếu, khi đã thấy “năm uẩn là không” thì không còn đối chiếu, không còn vướng bất kỳ pháp nào (tạm gọi là vô tâm, như gương sáng không có gì hết, dù là cảnh vẫn hiện lên, vì cái biết của gương vẫn hiển lộ rỗng không, sáng tỏ và không gì lưu giữ) thì ba thời quá, hiện, vị lai sẽ biến mất.
Kinh Nhất Dạ Hiền Giả (Kinh MN 131) có ghi lời dạy, tóm tắt là đừng truy tìm quá khứ, đừng ước vọng cho tương lai, đừng bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại, đêm ngày an trú tâm như thế, mới xứng đáng gọi là nhứt dạ Hiền…
Tạng A-hàm có Kinh MA 165, cũng viết, tóm tắt là đừng truy niệm quá khứ, đừng mong ước vị lai, đừng chấp thủ pháp hiện tại, như vậy thực hành tinh tấn, ngày đêm không chút biếng lười.
Ba cõi là tâm, vạn pháp là thức
Nơi đây, bài này không có ý nói về vũ trụ luận, không bàn chuyện nguồn gốc vũ trụ hay bất cứ những gì liên hệ. Nơi đây, chỉ muốn nói tới những gì rất thực dụng để có thể tu giải thoát. Và ngay cả khi chưa giải thoát, thì từng ngày, từng giờ, từng phút của chúng ta hãy nên là những bước đi vững chắc và an lạc trên đường đạo. Do vậy, khi nói “ba cõi là tâm, vạn pháp là thức” là mượn những lời dạy quen thuộc trong kinh điển, để dò lại những điểm tiện dụng. Có thể tóm tắt rằng, ngoài tâm không có pháp. Tất nhiên, chúng ta không muốn nói rằng không hề có núi, sông, mưa, gió, cát, đá… nhưng trong giải thoát luận của Phật Giáo thì tất cả những “núi, sông, mưa, gió, cát, đá…” đều nên biến thành những cái được thấy, được nghe, được ngửi, vân vân… Trong khi đó, nếu nhìn thấy có pháp nào thực sự là Có, hay thực sự là Không thì đều là tà kiến, đều sẽ hỏng.
Trong Thiền Tông Việt Nam, có ngài Tuệ Trung Thượng Sỹ (1230-1291). Ngài có bài thơ Phật Tâm Ca khá dài, trong đó có các câu (nơi đây viết lại, theo văn xuôi cho dễ nhìn):
Vạn pháp chi tâm tức Phật tâm. / Phật tâm khước dữ ngã tâm hiệp, / Pháp nhĩ như nhiên cắng cổ câm.
Thầy Thích Thanh Từ dịch là:
Tâm của muôn loài tức Phật tâm. / Phật tâm bèn với tâm ta hiệp, / Pháp vốn như nhiên suốt cổ kim.
Trong khi đó, Kinh Pháp Cú, bản dịch của Thầy Minh Châu, hai bài Kệ đầu viết là, cũng nói tâm là chủ:
1. “Ý dẫn đầu các pháp, / Ý làm chủ, ý tạo; /Nếu với ý ô nhiễm, / Nói lên hay hành động, / Khổ não bước theo sau, / Như xe, chân vật kéo”.
2. “Ý dẫn đầu các pháp, / Ý làm chủ, ý tạo, / Nếu với ý thanh tịnh, /Nói lên hay hành động, /An lạc bước theo sau, /Như bóng, không rời hình “.
Có một lời dạy rất minh bạch. Đức Phật nơi Kinh SN 35.23 dạy rằng không hề có gì ở ngoài cái Tất Cả, trích: “Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết về tất cả. Hãy lắng nghe. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tất cả? Mắt và các sắc; tai và các tiếng; mũi và các hương; lưỡi và các vị; thân và các xúc; ý và các pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, gọi là tất cả.” (Bản dịch: Thầy Minh Châu)
Tương đương ở A-hàm là Kinh SA 319: “Tất cả, nghĩa là chỉ cho mười hai nhập xứ, mắt đối với sắc, tai đối với âm thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc chạm, ý đối với pháp, đó gọi là tất cả.” (Bản dịch: Thầy Tuệ Sỹ & Đức Thắng)
Nơi 2 Kinh được xếp kế tiếp, nói rằng có cách giải thoát, hoặc là buông bỏ, hoặc là biết tận tường (cũng là thế giới của tâm).
Cách giải thoát đơn giản là buông bỏ cái Tất Cả, như Kinh SN 35.24 dạy (Thầy Minh Châu dịch: Hãy đoạn tận cái Tất cả; Sujato dịch: This is the principle for giving up the all; Bodhi dịch: This, bhikkhus, is the Dhamma for abandoning all.)
Phương pháp dạy buông bỏ trong Kinh SN 35.24 làm gợi nhớ tới tích truyện Pháp Cú 25, trong đó nhà sư Culapanthaka thuộc dạng kém trí tuệ, trong 4 tháng mà không nhớ nổi một câu kinh nào. Ông anh ruột là nhà sư Mahapanthaka thất vọng vì em, có lúc nói thẳng với cậu em là em không xứng đáng vào Tăng đoàn. Một hôm, Đức Phật đưa một mảnh vải sạch cho nhà sư Culapanthaka tới ngồi trước hội trường Gandhakuti, vừa lau bụi, vừa lặp đi lặp lại chữ “Rajoharanam” (taking on impurity — làm sạch bất tịnh). Nhà sư kém trí kia khi lau chùi, thấy miếng giẻ lau đổi màu vì bụi, ngộ ra lý vô thường, chứng quả A La Hán và đắc thần túc thông.
Cách giải thoát khác là phải biết tận tường, như Kinh SN 35.25 (Thầy Minh Châu dịch: đoạn tận tất cả nhờ thắng tri, liễu tri; Sujato dịch: giving up the all by direct knowledge and complete understanding; Bodhi dịch: abandoning all through direct knowledge and full understanding.)
Làm sao để biết tận tường? Làm sao để đoạn tận? Trong Kinh AN 6.61, bản dịch của Thầy Minh Châu ghi lời một Thầy Tỳ Kheo và sau đó, lời vị này được Đức Phật xác nhận là nói đúng: “Sáu nội xứ, thưa chư Hiền, là một cực đoan. Sáu ngoại xứ là cực đoan thứ hai. Thức là chặng giữa. Ái là người dệt vải. Do ái dệt… có thể chấm dứt khổ đau.”
Tương đương bên A-hàm là Kinh SA 1164 nói kỹ hơn, theo bản dịch của Tuệ Sỹ & Đức Thắng: “Có người đáp: Sáu nội nhập xứ là một biên; sáu ngoại nhập xứ là biên thứ hai; thọ là ở giữa; ái là thợ khâu. Thân cận với ái, rồi do bởi nhân này nhân kia mà thân lần lần tăng trưởng xuất sanh. Những pháp này do trí mà biết, do liễu tri mà liễu tri. Khi được biết bởi trí, được liễu tri bởi liễu tri, thì tột mé khổ, mới thoát khỏi khổ.”
Có một giải thích khác của Đức Phật mang nhiều hình ảnh sinh động, về thế giới nội xứ và ngoại xứ. Như trong Kinh SN 35.241 ghi lời Đức Phận, bản dịch của Thầy Minh Châu:
“Bờ bên này, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với sáu nội xứ này. Bờ bên kia, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với sáu ngoại xứ. Bị chìm giữa dòng, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với hỷ tham. Bị mắc cạn trên miếng đất nổi, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với ngã mạn.”
Trong khi đó, có một pháp được Đức Phật gọi là pháp vắn tắt. Tức là pháp không mất nhiều thì giờ. Đó là thứ nhất, giữ giới, và thứ nhì là tu Tứ niệm xứ trong ba cách khác nhau, và cũng chỉ nhìn thế giới như là nội xứ, ngoại xứ (tức là, nhìn như Kinh SN 35.23 đã dẫn trên, với cái Tất Cả là mắt và cái được thấy, tai là cái được nghe… ngoài ra không có gì hết).
Trong Kinh SN 47.3, bản dịch của Thầy Minh Châu, trích lời Đức Phật dạy như sau về 3 cách Tứ niệm xứ:
“Thế Tôn dạy. —Vậy này Tỷ-kheo, Ông phải gột sạch hai pháp cơ bản về các thiện pháp. Và thế nào là hai pháp cơ bản về các thiện pháp? Chính là giới khéo thanh tịnh, và tri kiến chánh trực. Này Tỷ-kheo, khi nào Ông được giới khéo thanh tịnh và tri kiến chánh trực, này Tỷ-kheo, Ông hãy y cứ trên giới, an trú trên giới, tu tập bốn niệm xứ theo ba cách. Thế nào là bốn?
Ở đây, này Tỷ-kheo, Ông hãy trú, quán thân trên nội thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Hay Ông hãy trú, quán thân trên ngoại thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Hay Ông hãy trú, quán thân trên nội ngoại thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Hay Ông hãy trú, quán thọ trên các nội thọ … Hay Ông hãy trú, quán tâm trên các nội tâm … Hay Ông hãy trú, quán pháp trên các nội pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Hay Ông hãy trú, quán pháp trên các ngoại pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Hay Ông hãy trú, quán pháp trên các nội ngoại pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.
Này Tỷ-kheo, khi nào Ông y cứ trên giới, an trú trên giới và tu tập bốn niệm xứ theo ba cách như vậy; khi ấy, này Tỷ-kheo, hoặc đêm hay ngày, chờ đợi là tăng trưởng trong các thiện pháp, không phải là tổn giảm.”
Bản tiếng Anh của Sujato cũng dịch y hệt như trên: thứ nhất, giữ giới; thứ nhì, tu Tứ niệm xứ theo 3 cách. Chúng ta biết Tứ niệm xứ là niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp. Nhưng thế nào là Tứ niệm xứ theo 3 cách? Sujato dịch là: “You should develop the four kinds of mindfulness meditation in three ways, depending on and grounded on ethics.”
Ba cách khác nhau là: niệm thân (rồi niệm thọ, rồi niệm tâm, rồi niệm pháp) trên nội xứ (internally), niệm thân (thọ tâm pháp) trên ngoại xứ (externally), niệm thân (thọ tâm pháp) trên nội ngoại xứ (internally and externally).
Nghĩa là, ba cõi thực sự chỉ là một tâm, và vạn pháp thực sự chỉ là duy thức. Lìa tâm không có pháp. Nhận ra như thế là y hệt lời của Thiền Tông.
Chỗ này, cũng nên ghi nhận về một vài cách dịch liên hệ tới pháp Tứ niệm xứ. Trong nhiều kinh, đặc biệt là trong 2 nhóm Kinh Nhật Tụng Sơ Thời được chư tăng tụng đọc hàng ngày trong các năm đầu Đức Phật hoằng pháp (tức là: Phẩm thứ 4 Kinh Tập, tức là Phẩm Tám; và Phẩm thứ 5 Kinh Tập, tức Phẩm Qua Bờ Bên Kia) được chư tăng tụng đọc hàng ngày trong các năm đầu Đức Phật hoằng pháp, người ta không thấy nói về Tứ niệm xứ — lúc đó, Đức Phật nói y hệt Tâm Kinh, Kinh Kim Cang và Kinh Pháp Bảo Đàn. Trong 2 nhóm Kinh Nhật Tụng Sơ Thời cũng không nói tới chữ A La Hán, mà dùng chữ người trí, người giải thoát. (Độc giả muốn tham khảo thêm chỗ này, xin vào Google, gõ chữ “Kinh Nhật Tụng Sơ Thời” để tham khảo thêm bằng tiếng Việt. Muốn đọc tiếng Anh cũng xin vào Google, tìm “Sutta Nipata” và trong này đọc hai phẩm “4. Atthakavagga” và “5. Parayanavagga.”)
Trước tiên, nói về chữ “niệm” (mindfulness, sati). Tức là giữ cái biết tỉnh thức trong mọi thời, trong mọi hành động của thân và tâm (tức là nội xứ và ngoại xứ). Còn có nghĩa là sự hiện diện của cái biết, thường gọi là chánh niệm (“presence of mindfulness”).
Nơi đây, chúng ta dẫn ra Kinh MN 10, còn gọi là Kinh Niệm Xứ. Trong này có một câu nhiều vị Thầy dịch ra dị biệt.
Thầy Minh Châu dịch: “Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não…”
Suddhāso Bhikkhu dịch: “Monks, this is the one-way path for the purification of beings…” (Chư tăng, đây là con đường một chiều để thanh tịnh hóa chúng sinh…).
I.B. Horner dịch: “There is this one way, monks, for the purification of beings…” (Có con đường một chiều để thanh tịnh hóa chúng sinh…)
Thanissaro Bhikkhu dịch: “This is the direct path for the purification of beings…” (Đây là con đường trực tiếp để thanh tịnh hóa chúng sinh…)
Ñanamoli Thera và Bhikkhu Bodhi dịch: “…this is the direct path for the purification of beings…” (Đây là con đường trực tiếp để tịnh hóa chúng sinh…)
Nyanasatta Thera dịch: “This is the only way, monks, for the purification of beings…” (dịch y như Thầy Minh Châu: con đường duy nhất).
Soma Thera dịch: “This is the only way, O bhikkhus, for the purification of beings…” (dịch y như Thầy Minh Châu: con đường duy nhất).
Bhikkhu Sujato dịch: “Mendicants, the four kinds of mindfulness meditation are the path to convergence.” (Chư tăng, tứ niệm xứ là con đường tới hợp nhất) — nơi đây, hiểu là hợp nhất với định, chứ không thuần túy là quán niệm.
Bên A Hàm, trong Kinh EA 12.1, bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ & Đức Thắng: “Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: “Có con đường chỉ một lối vào, làm thanh tịnh các hành của chúng sanh, trừ bỏ sầu ưu…”
Trong Kinh MA 98, bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ là: “Có một con đường tịnh hóa chúng sanh, vượt qua lo sợ, diệt trừ khổ não, chấm dứt kêu khóc, chứng đắc Chánh pháp. Đó là Bốn niệm xứ….”
Đối chiếu như thế, không có nghĩa là muốn nói thầy nào dịch sai. Thuần túy, hẳn là có những chữ đa nghĩa, khi dịch ra, sẽ tùy quý Thầy lựa chọn cách dịch nào mà quý Thầy thấy gần lời Đức Phật nhất. Nhưng, theo ý riêng (dù bản thân người viết vốn tu và vốn học còn kém) cách dịch của Sujato là thích nghi nhất, vì sẽ luôn luôn giữ người tu giữ một mức độ nào của định (samatha) chứ không thuần túy là quán (dù là, như có Kinh SN 22.44 dẫn trên, Đức Phật dạy thuần túy là quán vô ngã).
Nơi đây, chúng ta chú ý về 3 cách thực hành Tứ niệm xứ (theo Kinh SN 47.3): niệm thân thọ tâm pháp ở nội xứ (internally), rồi ở ngoại xứ (externally), rồi ở nội ngoại xứ (internally and externally). Làm thế nào được như thế? Chỉ có nghĩa là, ba cõi đều là tâm, và vạn pháp là thức – chỉ thấy như thế, mới đúng ý Đức Phật.. Cũng y hệt như Đức Phật đã dạy cho ngài Bahiya duy nhất về cái được thấy, nghe, hay, biết… (tức là, nhìn gì, hay nghe gì cũng nhận ra tâm).
Xin ghi lời kết nơi đây: người viết vô cùng mang ơn ba đời Phật, Pháp, Tăng; vô cùng mang ơn tất cả quý Thầy và quý cư sĩ trong hai ngàn năm qua đã hoằng pháp và hộ pháp tại Việt Nam; và vô cùng mang ơn bổn sư là cố Hòa Thượng Thích Tịch Chiếu.
Đặc biệt người viết vô cùng mang ơn Thầy Minh Châu, Thầy Tuệ Sỹ và Thầy Thích Đức Thắng đã dịch Tạng Pali và Tạng A-hàm ra tiếng Việt. Như thế đã giúp cho người đời sau, trong đó có người viết, có thể có những đối chiếu kinh điển từ hai Tạng Kinh rất mực bát ngát và vi diệu này.
Ảnh bìa: sanskritagain.com