Thanh Văn Tạng đến Tích Lan

Như vầng thái dương soi tỏ đêm trường tăm tối, mang sự sống đến cho muôn vạn loại, chánh pháp của Đức Như lai cũng thế, quét sạch mây mù hôn ám, khai mở lối đi thanh tịnh cho cõi người, cõi trời, lợi lạc cho chúng sanh từ quá khứ đến hiện tại và miên viễn đến mai sau. Bởi giáo pháp ấy “là giáo pháp chân chính vi diệu, được Phật khéo thuyết không cuộc hạn thời tiết, chỉ bày con đường đi đến Niết-bàn; được thực hành bởi kẻ trí.”[1] Từ kim khẩu của Đức Thế Tôn tuyên thuyết, giáo pháp được kết tập qua các thời kỳ để lưu truyền cho hậu thế trong nhiều phương vức, lãnh thổ và chủng sắc v.v… Phật giáo Việt Nam trải qua bao biến thiên thăng trầm của lịch sử, song vẫn mãi giữ được tâm huyết và hoài bão của Chư vị Tổ sư truyền trao qua bao thế hệ. Thanh Văn Tạng thuộc Đại Tạng Kinh Việt Nam ra đời như một mốc son thời hiện đại thể hiện sự kế thừa cao quý ấy. Tâm nguyện ấy “trên hết là báo đáp ân đức của Phật Tổ, đã vì an lạc của chúng sanh mà trải qua vô vàn khổ hạnh, qua vô số a-tăng-kỳ kiếp. Thứ đến, kế thừa sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh của Thầy Tổ để cho ngọn đèn Chánh pháp luôn luôn được thắp sáng trong thế gian.”[2]

Bởi lẽ, ngoài yếu tố truyền bố chánh pháp sâu rộng muôn nơi để mọi người, mọi tầng lớp có thể nương theo đó mà tu tập chuyển hoá tự thân để đi trên còn đường chánh; mà còn đáp ứng với nhu cầu nghiên cứu theo tiêu chuẩn hàn lâm, khoa học, điều mà xã hội đương đại đang hướng đến trên mọi lĩnh vực.

Như phát biểu của Hoà Thượng Tuệ Sỹ và Giáo sư Lê Mạnh Thát đã từng nêu: “Thánh điển Tam tạng là nguồn suối cho tất cả nhận thức về Phật pháp, để học tập và hành trì, cũng như để nghiên cứu. Kinh tạng và Luật tạng là tập đại thành Pháp và Luật do chính đức Phật giảng dạy và quy định, là sở y cho tri thức và hành trì của Thánh đệ tử để tiến tới thành tựu cứu cánh Minh và Hành. Kinh và Luật cũng bao gồm những diễn giải của các Thánh đệ tử được thân truyền từ kim khẩu của đức Phật.”[3] Thanh Văn Tạng ra đời chính là mở ra cánh cổng đi vào kho tàng quý báu của Chư Phật để thấm nhuần những giá trị tinh hoa, cải hoá  tự thân và xây dựng một cộng đồng an lạc và sạch trong. Mỗi trang Kinh, từng câu Luật, đôi dòng Luận tất thảy đều là chìa khoá để khai mở con mặt bên trong, là thằng mặc định hướng cho thân, khẩu, ý hành động. Mỗi cá nhân nếu không dẹp bỏ ngu độn bao phủ tâm thức bấy lâu, không tiếp cận và thực hành lời dạy của Đức Thế Tôn truyền lại thì há có thể vin vào đâu mà mong mỏi một cuộc sống an lạc cho mình, cho người trong đời này và mai sau. May thay giữa chốn ô trược của nhân sinh vẫn hiện hữu những tuyết liên thanh tịnh. Kế thừa và phát huy tâm nguyện của lịch đại Tổ sư đi trước, Thanh Văn Tạng ra mắt mở ra một chương mới cho đời sống tâm linh của người Việt muôn nơi. Đây cũng chính là then chốt để cho Phật pháp được lưu truyền miên viễn. Bởi như Bồ tát Thế thân từng đề cập: “Chánh Pháp của Đức Phật có hai loại gồm có giáo và chứng làm thể; nếu có người thọ trì, thuyết giảng và tu tập chứng ngộ thì Chánh pháp cửu trụ thế gian.”[4]

Với giá trị chuyên môn cao của bộ Đại tạng này, môi trường học thuật là một trong những điểm chú trọng để phổ biến công trình này. Ngoài các viện nghiên cứu chuyên về Phật học, các trung tâm học thuật và thực tập giáo pháp thì các Đại học khắp nơi là cơ sở để truyền tải lời Phật dạy này đến tầng lớp trí thức, học giả. Trong bối cảnh đó, Tích lan là một đất nước Phật giáo là Quốc giáo và có môi trường học thuật cao, lâu đời cũng may mắn đón nhận bộ Thanh Văn Tạng cao quý này.

Đảo quốc Sư Tử Cylon (tên gọi trước đây của Sri lanka) có một nền Phật giáo thấm nhuần từ tư tưởng đến phong hoá, lối sống tập tục, thơ ca và tất cả các lĩnh vực liên đới như chính trị, văn hoá, xã hội. Theo Mahavamsa – Đại Sử cũng như Đảo Sử –  Dipavamsa, Phật giáo được  truyền bá vào Sri Lanka do Ngài Mahinda một vị A la hán từ Ấn Độ và khoảng thế kỷ thư 3 trước Tây lịch. Đây là vị con trai thứ 3 của Hoàng Đế Ashoka tại Ấn Độ thời đó. Ngài Mahinda đến Sri Lanka vào thời của Vua Devanampiya Tissa trị vì Cylon lúc bấy giờ có cung điện đóng tại Kinh Đô Anuradhapura. Thời kỳ này, tuy Phật giáo mới du nhập nhưng được sự ủng hộ vô cùng mạnh mẽ của Vua và dân chúng, các cơ sở tự viện cũng bắt đầu được hình thành và mở đầu cho thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo tại Cylon. Một trong những mốc đánh dấu sự hình thành khoáng đại về cách thức giáo dục cổ điển đó là giáo dục trong tự viện. Theo đó, Mahavamsa chép rằng “Đức Vua Devanampiya Tissa vì muốn cho toàn thể dân chúng cả nước đều được nghe Ngài Mahinda thuyết giảng nên đã cho xây dựng mội đại hội trường cho dân chúng ngồi nghe. Thật không may, số lượng quần chúng quá đông nên sức chứa của hội trường vẫn không đủ. Do đó, Vua cho sửa chữa trại quản tượng để nới rộng phòng giảng để cho mọi người có đủ chỗ ngồi nghe giảng dạy”[5]. Thời kỳ này còn được biết đến với việc cây non của cây bồ đề Sri Maha được đưa đến Sri Lanka và cũng là khi các tu viện và tượng đài Phật giáo đầu tiên được thành lập. Phật giáo đã được nhìn thấy hưng thịnh trong nhiều thế kỷ ở Ceylon. Mô hình giáo dục Phật giáo trong tự viện đã manh nha từ đó và dần phát triển thành những chỉnh thể hệ thống.

Trên một bình diện khác, nền tảng của hệ thống giáo dục Phật giáo Sri Lanka sở dĩ được coi là một trong những hệ thống có uy tín nhất của giới học thuật Phật giáo xuất phát từ những nguyên nhân chính yếu văn hoá tín ngưỡng tôn sùng Đạo Phật trên nền tảng thâm nhập giáo lý. Nguyên nhân thứ hai là tiếp cận gần nhất với nguồn gốc Phật giáo là Ấn Độ bao gồm cả trên phương diện địa lý, văn hoá lẫn ngôn ngữ Pali và Sanskrit và Prakrit. Nguyên nhân thứ ba là được các bậc tu chứng ngộ đạo trực tiếp truyền trao và giảng dạy từ Ấn độ sang. Nguyên nhân thứ tứ vô cùng quan trọng đó là hệ thống ngôn ngữ Sinhalese gần như tương đồng trong với Pali khoảng 80% về phương diện bảng chữ cái cách phát âm và ngữ pháp. Nguyên nhân thứ tư là văn hoá đọc sách vốn đã ăn sâu trong tiềm thức của người dân. Nguyên nhân quan trọng nhất xuất phát từ cấu trúc quản lý theo khu vực làng bản của các vị sư và mô thức ‘pirivena’. Vậy, do đâu mà trải qua biết bao nhiêu biến cố chính trị, đặc biệt là sự thống trị của Đế Quốc Anh, nền giáo dục Phật giáo không những không bị mai một mà còn phát triển rầm rộ trên mọi lĩnh vực dựa trên một nền tảng vô cùng vững chắc để có thể duy trì lâu dài và bền vững.

Bối cảnh lịch sử của Sri Lanka có tác động vô cùng lớn đối với nền giáo dục nói chung và giáo dục Phật giáo nói riêng của nước này. Ở đây, chỉ trình bày những vấn đề liên quan trực tiếp đến nền giáo dục Phật giáo của các giai đoạn lịch sử cơ bản cũng nhưng điểm qua đôi nét khái quát của bối cảnh lịch sử nơi đây. Sri lanka, theo các biên niên sử phổ biến của đảo quốc này như Mahavamsa, DipavamsaCulavamsa thì mối mối quan hệ giữa Cylon và Ấn Độ, các nước vùng Ấn Độ Dương là vô cùng mật thiết; bộ tộc Balangoda như tiền nhân của dân tộc Cylon. Nhà nước thời tiền sử đầu tiên được xác định vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước Tây lịch dưới Triều đại Tambapanni. Quốc đảo này thời kỳ sơ khai được đia thành các tiểu quốc nhỏ và được thống nhất dưới triều đại Vua Chola và trải qua 181 vị Vua trị vì khác nhau từ Anuradhapura đến Kandy. Từ thế kỷ thứ 16 đến 1972 là sự thống trị của các nước Châu Âu như Hà Lan, Bồ Đào Nha và Anh, mà đặc biệt Anh Quốc cai trị lâu dài nhất và ảnh hưởng sâu nặng nhất. Đến năm 1972, Sri Lanka đã hoàn toàn sạch mọi ảnh hưởng từ Anh Quốc.

Trong tiến trình thăng trầm như thế, Phật giáo vẫn luôn đóng giữ một vai trò tối ư quan trọng từ văn hoá đến chính trị và đời sống của người dân. Một trong những nét đặc trưng của nền Giáo dục Phật giáo sơ khai của Cylon chính là hệ thống ‘pirivena’. Thuật ngữ ‘pirivena’ là tiếng Sinhalese, nó được biến thể từ nguyên gốc Pali là ‘parivena’; có nghĩa là nơi cư ngụ, là tự viện. Hệ thống giáo dục pirivena có thể được định nghĩa như một hệ thống giáo dục cổ điển dựa lấy nền tảng căn bản là những lời dạy của Đức Phật”[6]. Hệ thống này được coi là hệ thống giáo dục vô cùng chất lượng và có những đóng góp to lớn về mặt xã hội và cơ cấu thành phần Tăng có trình độ góp phần tạo nên những giá trị lịch sử lâu dài. Vào thời đại Kinh Đô Anuradhapura đã có khoảng 3000 đến 5000 tăng sĩ theo học trong các tự viện thuộc hệ thống giáo dục này. Thời kỳ đầu tiên, hệ thống pirivena này chỉ ở dạng vừa và nhỏ và đặc biệt chỉ dành riêng cho cộng đồng tăng lữ. Tuy nhiên, về sau này, tác tầng lớp tại gia cư sĩ cũng được tham dự và theo học giáo lý những khoá như thế này. Có thể nói, hệ thống pirivena này thông qua sự bảo trợ của vua và Hoàng gia đã chú trọng đào tạo Tăng và Phật tử không những vì mục đích truyền bá giảng dạy đáp ứng nhu cầu học và tu của cộng đồng Phật giáo mà cốt yếu là đạo tạo các nhà truyền giáo xuất chúng để gánh vác trọng trách truyền bá Đạo Phật ra các vùng chưa có ánh sáng Phật pháp ở trong nước và truyền bá Phật pháp ở nước ngoài.

Hệ thống này đã có những sự phát triển nhanh chóng từ phạm vi mô hình đến cơ sở hạ tầng. Như đã trình bày ở trên, ban đầu chỉ có các phòng nhỏ trong các tự viện sau nhân rộng thành các cơ sở hội trường lớn hơn và có quy mô cũng như hệ thống chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, giáo trình sơ khai là hai tạng chính của Phật giáo đó là Kinh tạng và Luật tạng. Đến thời đại của Ngài Buddhagosha, một bộ phần nòng cốt khác được hình thành và phát triển và trở thành nét đặc trưng của Giáo dục Phật giáo Sri Lanka là bộ Chú giải. Bộ Chú Giải được xem là ra đời tại Mahavihara[7] và được viết bằng tiếng Hela bởi Ngài Buddhagosha là người chủ biên cùng với các vị học giả như Mahātthakatha, Mahāpaccari, Kurundi, Andhatthakathā, Sankhepatthakathā, Buddhadatta, Dhammapāla, Badaratittha Dhammapala, v.v. [8] sau đó chuyển dịch sang tiếng Sinhalese và Pali và đến nay vì các nguyên nhân chủ quan hay khách quan mà chỉ còn lại bản Pali.

Đến thế kỷ thứ 12 xuất hiện thêm một trung tâm giáo dục Phật giáo lớn nữa ở Kinh đô Polonaruwa với tên gọi Alahana Pirivena. Như vậy có thể khái quát sơ bộ nền Giáo Dục Phật Giáo tại Sri Lanka thời kỳ đầu là sự hình thành và phát triển của hệ thống Pirivena với các trung tâm giáo dục đào tạo đội ngữ Tăng và Cư Sĩ để truyền đạo khắp nơi mà có thể coi đây là các Đại Học Phật Giáo thời đó. Theo đó, có thể khái quát rằng có 3 trung tâm giáo dục chính yếu buổi đầu gồm Mahavihara (thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch), Abhayagiri Mahavihara (thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch) và Jetawana Mahavihara (thế kỷ thứ 3 sau Tây lịch) các trung tâm này tập trung chủ yếu ở Kinh Đô Anuradhapura cho đến thế kỷ 11 sau Tây lịch; và trung tâm Alahana Pirivena ở Polonnaruwa từ thế kỷ 12 sau Tây lịch. Về bộ phận các môn học, ngoài Phật học là chính yếu ra còn các bộ môn khác và được phân chia làm 2 hệ thống với tên gọi là ‘ Suta’ và ‘Sippa’. Hệ thống ‘ Suta’ gồm các bộ môn như ngôn ngữ, tôn giáo, triết học, lịch sử, kinh tế và địa lý. ‘Sippa’  bao gồm các kỹ năng như nông nghiệp, chiêm tinh, và nghề mộc. Hai hệ thống này được tiêu chuẩn hóa và có phương pháp và phác thảo bởi các học giả  trong nước và các quốc gia như Thái Lan, Campuchia và Miến Điện.

Như thế, nhìn nhận một cách tổng quát rằng, môi trường học thuật, nghiên cứu Phật học tại Đảo quốc Tích lan có bề dày lịch sử lâu đời và trình độ chuyên môn vô cùng cao. Qua đó, ta có thể thấy rằng sự quan tâm và chú trọng từ giới học thuật lẫn chính trị và người dân đến nghiên cứu Tam Tạng Thánh Điển tại nơi đây vô cùng đặc biệt.

Thanh Văn Tạng được sự cho phép của Hoà Thượng Chủ tịch Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm thời cùng Chư Tôn Đức trong hội đồng đã chuyển đến đảo quốc này để trao tặng cho một số Đại học và Tăng ni đang nghiên cứu và theo học tại nơi đây. Các trường đại học đã và sẽ tặng cũng đều có bề dày lịch sự và tầm ảnh hưởng lớn đối với nền học thuật Tích Lan và thế giới.

Viện cao học chuyên ngành Phật học và Pali của trường Đại học Kelaniya (PGIPBS)[9] trước đây là Viện nghiên cứu Phật học Vidyalankara ra đời và ngày 23 tháng 11 năm 1975. Viện nghiên cứu Phật học Vidyalankara được giữ nguyên cho đến 30 tháng 12 năm 1979. Sau đó, Viện này sát nhập với Đại học Kelaniya và có tên như hiện nay PGIPBS. Hiện nay, sự phát triển của PGIPBS là vô cùng to lớn khi đã hoàn thành khai mở các chi nhánh và chấp nhận lời mời liên kết đào tạo từ các nước như Mỹ, Singapore, Trung quốc và Hongkong. Chương trình đào tạo và hệ thống Giáo sư từ giảng dạy đến hướng dẫn ở các chi nhánh và trường liên kết đa phần là theo khung sườn ở PGIPBS và các bộ môn chính thì các Giáo sư trưởng và Phó phân khoa sẽ trực tiếp giảng dạy.

Mỗi năm, số lượng Thạc sĩ Phật học đầu vào dao động từ 300 đến 400 và đầu ra từ 200 đến 300 sinh viên với tỷ lệ ¾. Số lượng Thạc sĩ Pali là còn hạn chế kể cả số lượng và lẫn ra trong khi đầu ra chiếm khoảng 1/5 số luợng. Số lượng nghiên cứu sinh Phó tiến sĩ và Tiến sĩ tương đối đông với mức đầu vào khoảng 60 sinh viên cấp Phó tiến sĩ và 20 nghiên cứu Tiến sĩ trong một năm. Chương trình đào tạo của PGIPBS rất phong phú và đa dạng, mở ra tất cả các cánh cửa tiếp cận đến tất cả các khía cạnh của học thuật Phật giáo từ Mahayāna đến Theravāda và cả Mật giáo.

Thượng toạ, Giáo Sư, Tiến Sĩ M. Dhammajothi – Viện trưởng PGIPBS tiếp nhận Thanh Văn Tạng

Đại Học Phật Giáo và Pali (BPU)

Đây là trường đại học duy nhất tại Sri Lanka được thành lập theo Đạo Luật Giáo dục nước này năm 1982 với tính chuyên nhất là ‘Phật Học và Pali’. Trường này được thành lập vào năm 1985 do một vị Tăng vô cùng nổi tiếng là Ngài Walpola Rahula sáng lập. Mục tiêu của trường đại học này là truyền bá Phật giáo, phát triển Nghiên cứu Pali và Phật học ở Sri Lanka và nước ngoài. BPU đã được cơ cấu lại theo cấu trúc của các trường đại học khác của Sri Lanka. Trường gồm có 2 khoa lớn là Khoa Phật học và Khoa nghiên cứu ngôn ngữ. Khoa Phật học gồm có các phân khoa nhỏ như Triết học Phật Giáo, Nghiên cứu Tôn giáo và so sánh, Khảo cổ học và Văn Hoá Phật giáo. Khoa ngôn ngữ gồm có phân khoa Pali, Sanskrit, Sinhalese, Tiếng Anh, Trung, Nhật.

Hoà Thượng Giáo Sư Tiến Sĩ Neluwe Sumanawansa, Viện trưởng ĐH Buddhist and Pali tiếp nhận Thanh Văn Tạng

Đại Học Kelaniya

Sau Đại Học Cylon (1942), Vidyalankara Pirivena trở thành Đại học Vidyalankara vào năm 1959; sáp nhập như một cơ sở Vidyalankara của Đại học Ceylon vào năm 1972, rồi đến năm 1978 trở lại là một Đại Học độc lập lấy tên là Đại học Kelaniya. Ngày nay, Đại học Kelaniya là một trong những trường đại học quốc gia lớn. Nó nằm ngay bên ngoài thủ đô Colombo, thuộc vùng đất cổ kính và có giá trị lịch sử cao đó là vùng Kelaniya mạn bắc của sông Kelani. Duy trì bản sắc và cội nguồn căn nguyên vốn có của trường, Đại học Kelaniya luôn là một trung tâm nổi bậc bậc nhất Sri Lanka về nghiên cứu Pali và Phật học. Chuyên ngành Phật học và Pali ngày nay trực thuộc Khoa Nhân văn. Bên cạnh đào tạo và nghiên cứu về Phật học và Pali, các chuyên ngành khác như Sanskrit và Đông Phương học cũng có bề dày lịch sử và ảnh hưởng nhất định về danh tiếng cũng như đội ngũ giảng dạy và chất lượng đào tạo.

Đại học Peradeniya

Đây là trường Đại học cổ kính và gần như đẹp nhất về khuôn viên, khí hậu và chất lượng đào tạo cũng là bậc nhất về tổng thể. Ra đời vào năm 1942 dưới tên gọi là Đại học Cylon (chung với Cylon của Đại học Colombo), năm 1978 được đổi tên thành Đại học Peradeniya và đến bây giờ. Năm 2013, 2016 và 2018 được xếp hạng bậc nhất của Sri Lanka về tổng thể. Và vị trí nhất nhì xét về tổng thể thì chỉ có Đại học Colombo, Peradeniya Kelaniya luân phiên nhau chiếm giữ. Đại học này có tổng cộng 9 khoa và hai Viện cao học, 10 trung tâm và 73 phân khoa có số lượng tổng sinh viên lến đến 11 ngàn người. Phân khoa Phật học và Phân Khoa Pali, Phân Khoa Sanskrit là những phân khoa độc lập nhau và đều là chi nhánh của Khoa Nghệ Thuật. Khoa Nghệ thuật của Đại học Peradeniya được ra đời năm 1942 và đến năm 1943 Phân Khoa Pali và Sanskrit mới được thành lập rồi mãi đến năm 1964 Phân Khoa Phật học mới được ra đời dưới tên gọi chuyên khoa Triết học Phật giáo.

Quý vị Giáo sư đứng đầu các trường Đại học cũng như Tăng Ni du học sinh đều tỏ lòng biết ơn và hoan hỷ khi được đón nhận Pháp bảo cao quý này. Đối với nền Giáo dục Phật giáo cởi mở như Sri Lanka, Thanh Văn Tạng mở ra nhiều cách tiếp cận mới cho việc nghiên cứu đa truyền thống. Minh chứng cho sự hoan hỷ này chính là tâm thái khi tiếp nhận pháp bảo. Quý vị Giáo sư bất ngờ với công trình đầy tính khoa học và phương pháp nghiên cứu đúng chuẩn hàn lâm. Chư vị đều dành thời gian để hỏi về cách tra cứu cũng như với một người không biết tiếng Việt nhưng giỏi về Pali và chữ Hán thì gặt hái được gì từ Đại tạng ấy. Sau khi tham khảo các phần tổng mục, đi vào chi tiết họ mới nhận ra các phần tham chiếu là vô cùng bổ ích cho việc nghiên cứu Phật học qua so sánh, đối chiếu giữa hai về văn hệ lớn của Phật giáo. Chư vị Giáo sư gởi lời cám ơn chân thành đến Hoà thượng Chủ tịch và Chư tôn đức và nguyện cầu Chư vị thân tâm an lạc để tiếp tục cống hiến cho nền Phật học toàn cầu. Riêng với Tăng Ni si người Việt đang theo học tại đảo quốc này thì đây là một món quà vô giá và niềm động viên lớn cho hàng hậu học khi các Bậc trưởng thượng luôn quan tâm và dõi theo từng bước chân của hàng hậu học. Thanh Văn Tạng giúp ích rất nhiều trong quá trình nghiên cứu cũng như học tập cả hai văn hệ vĩ đại này. Thanh Văn Tạng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, và đối chiếu cũng như mở ra rất nhiều cách tiếp cận mới mẻ cho việc học tập, nghiên cứu. Cùng chung một tâm niệm, tất cả hướng vọng đảnh lễ niệm ân Hoà Thượng Tuệ Sỹ, Chư Tôn Hoà Thượng, Chư Thượng Toạ, Đại Đức Tăng Ni trong Hội Đồng, khánh nguyện Quý Ngài an trụ pháp lạc, tứ đại nhu hoà để dìu dắt và là chỗ nương tựa trên bước đường tu tập.

Colombo, ngày 10 tháng 07 năm 2023.
Tk. Thích Thanh An


[1] Kinh Du Hành, Thanh Văn Tạng I, Tuệ sỹ dịch & chú, Hội Đồng Hoằng Pháp, 2022, tr.106.

[2] Trí Siêu-Tuệ Sỹ, Giới Thiệu Công Trình Phiên Dịch Đại Tạng Kinh, Hội Đồng Hoằng Pháp  2022, tr. 36

[3] d, tr.21.

[4] सद्धर्मो द्विविधः शास्तुरागमाधिगमात्मकः। धातारस्तस्य वक्तारः प्रतिपत्तार एव च॥,  (अभिधर्मकोशकारिका). T1558: 佛正法有二,謂教證為體,有持說行者,  此便住世間。T1559:世尊正法二,教修得為體。於中有能持,能說及能行

[5] Mahavamsa, Ch. Iv, §29.

[6] A. Adikari, The Classical Education and The Community of Mahasangha in Sri Lanka, Godage International Publishers, Colombo, 2006, tr.25.

[7] Một ngôi trường được xây dựng lâu đời nhất của Cylon bởi Vua Devānampiyatissa (276-236 TCN).

[8] sđd, tr.22.

[9] Postgraduate Institute of Pali and Buddhist Studies.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận