1/ Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao 四分律刪繁補闕行事鈔 1, (T40n1804, p. 30c15) và 2/ Tứ phần tỳ-kheo-ni sao 四分比丘尼鈔 (X40n724, p. 721c18) đều do Đạo Tuyên biên soạn thời Đường, ông viết rằng: “Tăng nhất A-hàm khai, bảy lần xả giới, vượt quá là phi pháp.” (增一阿含開七反捨戒。過此非法).
3/ Tỳ-ni thảo yếu 毗尼討要 1 (X44n743, p. 325c14), Huyền Uẩn soạn thời Đường, cũng lập như ý trên.
4/ Tứ phần luật sao phê 四分律鈔批 (X42n0736, p. 0738a19), sa-môn Đại Giác soạn thời Đường, giải thích: “Bảy lần xả giới chính là bị ma hàng phục. Vậy làm sao để trở thành hàng phục lại ma? Nay cũng có thể nguyện bảy lần trở lại thọ giới, gọi là hàng phục ma vậy!”.
5/
6/ Tứ phần luật hàm chú giới bổn sớ hành tông ký 四分律含注戒本疏行宗記 (X39n714, p. 814, b11-13) 2, Nguyên Chiếu soạn thời Tống sớ giải: Tăng nhất nói, tỳ-kheo Tăng-già-ma bảy lần trở lại hàng ma, sau đó thọ giới thành La-hán. Từ nay xả giới cho phép đủ bảy lần trở lại, nếu quá là phi pháp.”
7/ Tứ phần luật sao phê 四分律鈔批, Sa-môn Đại Giác soạn thời Đường; cũng nói như ý trên.
Chúng ta thấy 7 văn bản trên đều dựa vào câu chuyện từ kinh Tăng nhất A-hàm để minh chứng cho quy chế này. Do đó chúng ta phải truy nguyên lại câu chuyện. Trong kinh tường thuật như sau: Kinh số 8 (Tăng nhất 3, T2n125, tr. 558b07), đức Phật khen ngợi, “Thường hàng tà nghiệp, phục ma, ngoại đạo, chính là tỳ-kheo Tăng-ca-ma 僧迦摩”.
Kinh số 10 (Tăng nhất 27, tr. 701c15), tường thuật (tóm lược): Tăng-ca-ma con một gia chủ giàu có, đã có gia đình, sau đó đến Phật xin xuất gia. Mẹ vợ biết con rễ xuất gia, bèn bảo con gái ẵm hai đứa con, một trai một gái đến chỗ Tăng-ca-ma. Lúc này Tăng-ca-ma đang ngồi kiết già dưới một gốc cây. Họ đến trước mặt, thấy Tăng-ca-ma ngồi im, bà mẹ hỏi: “Vì sao anh không nói chuyện với con gái tôi? Con cái này do anh sanh. Việc anh làm thật phi lý, không ai chấp nhận.” Tăng-ca-ma nói kệ:
“Đây không gì tốt hơn,
Đây không gì đẹp hơn,
Đây không gì đúng hơn,
Thiện niệm không hơn đây.”
Bà bảo: “Con gái tôi có tội gì…. Tại sao bỏ nó xuất gia học đạo?”
Tăng-ca-ma nói:
“Ô uế, bất tịnh hạnh;
Sân hận, thích vọng ngữ,
Tâm ganh tị, bất chánh;
Như Lai đã nói vậy.”
Bà lại nói: “Chẳng phải một mình con gái ta có chuyện này, mà hết thảy người nữ đều như vậy. Nhân dân trong thành Xá-vệ, ai thấy con gái ta thảy đều loạn ý… Vì sao anh bỏ nó… còn chê bai? Nếu hôm nay anh không cần con gái tôi thì thôi, nhưng những đứa con này do anh sinh ra nay trả lại anh. Hãy tự lo lấy.”
Tăng-ca-ma trả lời bằng kệ:
“Tôi không con trai, gái…
Ta, thân thường vô ngã,
Há có con cái sao?”…
Họ biết Tăng-ca-ma quyết chí không trở về nhà nữa, họ quỳ xuống xin sám hối. A-nan đem chuyện này bạch Phật. Phật dạy: Tỳ-kheo Tăng-ca-ma đã bảy lần hàng phục ma, nay mới thành đạo. Từ nay về sau cho phép được ra vào đạo bảy lần, quá hạn này thì phi pháp.
Tỳ-kheo Tăng-ca-ma hay Tăng-già-ma, chỉ là cách dịch âm từ tên Pāli: Saṅgāmaji.
Trong Pāli gọi là kinh (8) Saṅgāmajisuttaṃ, trong phần Udāna thuộc Khuddakanikāya (Tiểu bộ kinh). Câu chuyện có giống chút ít với kinh Tăng nhất. Chuyện kể rằng, người vợ của Saṅgāmaji, biết Saṅgāmaji đến Sāvatthi để gặp Phật xin xuất gia. Cô ta ẵm con đến gặp Saṅgāmaji. Lúc này Saṅgāmaji đang ngồi dưới gốc cây, cô ta đặt đứa con trước mặt, nói: Sa-môn, hãy nuôi dưỡng tôi và đứa con nhỏ. Saṅgāmaji vẫn ngồi im lặng. Nói đến 3 lần, Saṅgāmaji cũng thế. Cuối cùng cô ta nói: “Này sa-môn, đây là đứa con trai của sa-môn, hãy nuôi dưỡng nó!” rồi bỏ đi. Đi không xa, ngó lại thấy Saṅgāmaji vẫn ngồi im lặng, cô ta quay lại ẵm đứa con đi. Khi ấy, Thế Tôn dùng thiên nhãn quan sát biết được, dùng lời tán thán:
Không hoan hỷ nàng đến,
Không sầu muộn nàng đi,
Giải thoát khỏi ái phược,
Là Saṅgāmaji, Ta gọi người như vậy, là vị Bà-la-môn.
(Āyantiṃ nābhinandati, pakkamantiṃ na socati;
Saṅgā saṅgāmajiṃ muttaṃ, tamahaṃ brūmi brāhmaṇa ’’ nti. aṭṭhamaṃ).
Đặc biệt nội dung kinh Saṅgāmaji giống hoàn toàn với kinh (1072) Tăng-ca-lam 僧迦藍 trong Tạp A-hàm 38 (T2n99, p. 278b11). Đoạn cuối Phật cũng nói kệ:
“Thấy đến chẳng hoan hỷ,
Thấy đi cũng chẳng buồn,
Không nhiễm cũng không buồn,
Hai tâm đều vắng lặng.
Ta nói tỳ-kheo này,
Là chân Bà-la-môn.”
Ngoài chuyện “hàng ma” của Saṅgāmaji, trong kinh còn nhắc đến một nhân vật nữa, là tỳ-kheo Citta Hathisāriputta, trở về đời rồi trở lại (hàng ma) xuất gia đắc A-la-hán, trong Pāli, kinh 60. (Citta) Hathisāriputta (Aṅguttara-nikāya vi), nhưng chỉ nói một lần. Kinh này tương đương kinh Chi-ly-di-lê (Citta) (Trung A-hàm 20, T1n26, p. 557c19), Hán dịch là tỳ-kheo Chất-đa-la Tượng tử 質多羅象子 (Citta-Hathisāriputta). Bản Hán thì nói thầy về luôn không tu lại.
Ở đây tỷ giảo giữa các bản kinh không phải đi quá xa mà để trả lời câu hỏi chính hay tìm một bằng chứng đủ sức thuyết phục cho kết luận.
Hẹn độc giả trong phần 3 sẽ rõ.