THẾ GIỚI YÊU CẦU GÌ VỀ PHÍA CHÚNG TA

THẾ GIỚI YÊU CẦU GÌ VỀ PHÍA CHÚNG TA

(Trích đoạn từ TẬP SAN PHÁP LUÂN, số 52, tháng 6, năm Mậu Tý)

Đối với chúng ta, tất cả đều đang ở phía trước, còn phía sau là một sân khấu hỗn mang, những cuộc cách mạng chưa từng hoàn thành, bởi vì, thế giới sắc là thế giới của tái tạo và luân chuyển. Các hình dạng, các khái niệm và các bước tiến vinh quang mà con người đang trên đà khám phá về chúng, thế giới Sắc, đang là “không có gì-Nothing!”. Một bước đi tiến về phía trước là một dịp người ta lấp lại dấu chân sau và cứ như thế, hình thành nên các vết loang trần thế. Lý tưởng Phật giáo trong một chừng mực nào đó, là lý tưởng của chinh phục sắc, một Phật từ rất cần là một hiện thân của “Thế gian giải” và, người ta nói rằng, ba cõi được vinh quang là do Thiền định. Thế thì, việc học Phật, phải đặt trên cơ sở chắc thật, nguồn tri thức mà ta sở hữu được từ đó, phải là nguồn tri thức vô giá, chớ không nằm trong lý thuyết. Có nghĩa rằng, mọi thứ phải được chứng minh bằng cả hai khía cạnh: Năng hành và Sở hành. Vậy, trong mọi trường hợp ngôn ngữ thật cần thiết, qua hạnh “Thế gian Giải” của mình. Thế giới đang yêu cầu về phía chúng ta, những gì phải là hoàn toàn chắc thật.

THẦY T.TUỆ SỸ dạy:
“Ở đây, chúng ta không cần bằng cấp. Người ta dạy Đại học, mình chẳng cần dạy Đại học, nhưng phải nghiên cứu chắc chắn. Sau này, tôi thấy các thầy chịu học, tôi rất mừng. Tôi chỉ sợ phong trào thế này, đó là “bất lập văn tự”, nghĩa là bây giờ, tu Thiền, ngồi khoanh chân, không cần học hành gì cả. Điều này đúng một phần trên phương diện lý thuyết, trong Thiền có, nhưng cái này là lười biếng, và nghĩa là, học nửa mùa. Nói rằng, như ngài Huệ Năng không biết chữ, mà thế giới được mấy ngài Huệ năng, lịch sử nhân loại được bao nhiêu Huệ Năng? Ai muốn làm Huệ Năng thứ hai? Bản thân tôi không làm nổi. Nếu ai không cần học, thì cứ đi gánh cũi nấu cơm mà thành đạo thì làm đi. Nhưng nói có Huệ Năng đi nữa, mà không ai biết Pháp Bảo Đàn kinh thì ai biết Huệ Năng là ai? Những người biết rõ ràng toàn là Tiến sỹ văn học viết lại về Ngài. Chứ còn, những cây viết không là gì, cũng không ai nói đến Huệ Năng làm chi? Thế thì, đừng nói đến chuyện “bất lập văn tự”. Rồi sau Huệ Năng, những Thiền sư viết rất nhiều. “Bắt lập văn tự” vẫn nói. Không có tông phái nào ở Trung Quốc nói nhiều bằng Thiền tông. Sách dày cộm… Ngồi thiền một chỗ thì dễ, còn dễ hơn tụng kinh nữa. Tụng kinh còn hao hơi, tụng tán rất mệt… Ngồi thiền, nếu tê cứng, thì ngồi xếp bằng, ngồi kiết già… hay bán già. Ngồi thế nào cũng được… Như học trò khi đi học, nó ngồi 4,5 tiếng đồng hồ còn được. Thành đạo không phải dễ, tu ba Tăng- kỳ kiếp còn chưa làm nổi, chúng ta làm như hơn cả Phật, cả Tổ ngày xưa, siêu đẳng, thành liền, giác ngộ liền. Cái đó, phần do lười biếng, một phần do tự cao tự đại. Tôi không biết là mình kiêu ngạo cỡ nào, nhưng mấy vị ấy, còn kiêu ngạo gấp mấy lần tôi nữa… Thành ra phải học… Người ta nói “trăm năm trồng người”, còn ta “A-tăng từ kiếp trồng Phật”, thì phải trồng”. (Tuệ Sỹ / khóa giảng Duy thức).

Pháp Hiền cư sỹ, tháng 6, năm Mậu Tý. 

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

1 Comment
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Midori Nguyễn
Midori Nguyễn
6 tháng trước

Nam Mô Phật. Nam Mô Pháp. Nam Mô Tăng.
Con xin biết ơn vì Tác giả và Phật Việt đã chia sẻ bài viết.