Thích Nữ Khánh Năng: Đọc kinh Du Hành và Tưởng nhớ những tháng cuối đời của Ôn Tuệ Sỹ

Một ngày tuyết rơi bất thường vào tháng 5 dương lịch, sau thời hành thiền sáng, tôi lần giở bài Kinh Du Hành[1] để đọc. Đọc đến đoạn “Về sau, trong lúc an cư, thân Phật nhuốm bệnh, khắp cả mình đau nhức. Phật tự nghĩ: ‘Ta nay cả người đều đau nhức mà các đệ tử đều không ở đây. Nếu ta nhập Niết-bàn thì không thích hợp. Vậy Ta hãy tinh cần tự lực lưu lại thọ mạng.’[2] bỗng dưng dòng nước mắt tôi tự động chảy. Lời Kinh Ôn dịch mấy mươi năm trước, lúc này như cuộn phim quay chậm, từng chi tiết về những tháng cuối đời của Ôn hiện rõ mồn một trong tâm tôi. Trong Kinh, đó là mùa an cư cuối cùng của Đức Thế Tôn; Đức Thế Tôn bảo ngài A-nan nhóm hết các tỳ-kheo hiện có mặt chung quanh Hương tháp lại giảng đường để Ngài có di giáo tối hậu trước khi công bố quyết định nhập diệt. Rồi Ngài nói với các tỳ-kheo:

“Các ngươi nên biết, Ta do những pháp sau đây mà tự thân tác chứng, thành Đẳng Chánh Giác. Đó là bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn thần túc, bốn thiền, năm căn, năm lực, bảy giác chi và tám chi Thánh đạo. Các ngươi hãy nên cùng nhau tu tập ở trong pháp đó, cùng nhau hoà đồng kính thuận, chớ sinh tranh tụng. Cùng đồng một thầy học hãy cùng đồng hoà hợp như nước với sữa. Ở trong pháp Ta, hãy tinh cần tu học, cùng soi sáng cho nhau, cùng nhau hoan hỷ.”

“Này các tỳ-kheo, các ngươi nên biết, Ta tự thân chứng ngộ pháp này, rồi công bố ra nơi đây, tức là, Khế kinh, Kì-dạ kinh, Thọ ký kinh, Kệ kinh, Pháp cú kinh, Tương ưng kinh, Bản duyên kinh, Thiên bản kinh, Quảng kinh, Vị tằng hữu kinh, Chứng dụ kinh, Đại giáo kinh. Các ngươi hãy ghi nhớ, tuỳ khả năng mà phân tích, tuỳ sự mà tu hành. Vì sao vậy? Như Lai không bao lâu nữa, sau ba tháng sẽ vào Niết-bàn.”[3]

Mùa hạ cuối cùng của Ôn cũng thế. Cơ thể Ôn lúc ấy bị thiếu máu trầm trọng, nhưng Ôn không chịu đi bệnh viện mặc cho mọi người thưa thỉnh. Thời gian ấy Ôn hay bị sốt cao, cả người đều đau nhức. Thời gian ấy mỗi ngày sau khi ăn sáng, tôi mang theo máy tính qua thất Ôn ở chùa Phật Ân để làm việc và pha trà Ôn uống. Thói quen ấy hình thành kể từ giữa tháng 5 năm 2022, khi hai thầy trò tôi từ Mỹ trở về.

Thời gian ấy vì cơ thể quá suy nhược nên Ôn đồng ý dùng thêm chút rau xay, bông a-ti-sô, hoặc trái cây lúc 9 giờ sáng. Thời gian Ôn dùng bữa lỡ cũng là lúc tôi sửa soạn pha trà Ôn uống. Sau ba tuần trà thì Ôn quay trở lại công việc của mình. Khoảng 13 đến 14 giờ là cữ trà đầu giờ chiều trước khi Ôn tiếp tục làm việc. Khoảng 17 giờ Ôn nghỉ ngơi. Có hôm Ôn đánh đàn piano, có hôm thì Ôn ngồi xe lăn bằng điện đi dạo một vòng quanh khuôn viên chùa Phật Ân, rồi mấy Ôn con lại uống cữ trà chiều trước khi hai thầy trò tôi ra về. Những giờ trà ấy, ngoài hai thầy trò tôi thì luôn có mấy thầy thị giả bên cạnh. Trong mùa hạ cuối cùng này, lưng Ôn bị đau nhiều hơn. Mặc dù không ngồi được xuyên suốt như trước kia, nhưng Ôn vẫn tinh cần hiệu đính Kinh, dạy Kinh Lăng Già qua Zoom cho một nhóm học trò và giảng dạy cho chúng tôi trong những giờ trà trưa, trà chiều.

Hinh On TS 2
Ôn ngồi xe lăn bằng điện đi dạo một vòng quanh khuôn viên chùa Phật Ân (Ảnh tư liệu)

Dạo sau này tôi dành thời gian nghe lại các bài giảng trước đây của Ôn, cũng như lật từng trang Kinh trong Thanh Văn Tạng để đọc. Tôi đọc thật chậm từng dòng Kinh Du Hành. Để lời Kinh ngấm vào tâm. Để lời Kinh chuyển hoá thành mạch máu nuôi dưỡng thân tâm. Lời dạy của Đức Thế Tôn hơn hai ngàn năm trước bỗng trở nên sinh động lạ thường trong tôi. Tôi có cảm tưởng lời dạy ấy không chỉ dành riêng cho ngài A-nan và chư tỳ-kheo hiện diện. Tâm tôi tràn đầy lòng biết ơn. Tôi biết ơn chư Thánh Tăng, chư Tổ và những bậc Thầy đi trước vì công cuộc hoằng pháp đã không nề khó nhọc hoằng hoá, giảng dạy, miệt mài phiên dịch, và gần nhất là Ôn–mấy mươi năm thầm lặng dịch và chú giải Kinh–để Tam tạng Thánh điển được lưu truyền trong nhân gian; để ngày nay thế hệ chúng tôi được trì tụng những câu văn chân thật, chuẩn xác nhất từ kim khẩu Đức Thế Tôn:

“Này A-nan, những pháp Ta đã giảng thuyết, trong cũng như ngoài đều đã hoàn tất. Ta không bao giờ tự xưng có sở kiến thông đạt.[4] Ta nay đã già rồi, tuổi đã đến tám mươi rồi. Cũng như cỗ xe cũ kỹ, nhờ lực phương tiện tu sửa mà có thể đi đến nơi. Thân ta cũng vậy, nhờ sức phương tiện còn duy trì được một ít tuổi thọ, tự lực tinh tấn mà nhẫn chịu sự đau nhức này. Khi Ta không suy niệm tất cả tưởng, nhập vô tướng tâm định, thân an ổn, không có não hoạn. Vì vậy, A-nan, hãy tự thắp sáng mình; thắp sáng bởi pháp, chớ thắp sáng bởi cái khác. Hãy tự nương tựa mình, nương tựa nơi pháp, chớ nương tựa nơi khác. Thế nào là ‘Hãy tự thắp sáng mình; thắp sáng bởi pháp, chớ thắp sáng bởi cái khác; hãy tự nương tựa mình, nương tựa nơi pháp, chớ nương tựa nơi khác’? Này A-nan, tỳ-kheo quán nội thân, tinh cần không biếng nhác, ghi nhớ không quên, trừ bỏ tham ưu ở đời. Quán ngoại thân; quán nội ngoại thân, tinh cần không biếng nhác, ghi nhớ không quên, trừ bỏ tham ưu ở đời. Quán thọ, quán tâm, quán pháp cũng vậy. Này A-nan, đó gọi là ‘Hãy tự thắp sáng mình; thắp sáng bởi pháp, chớ thắp sáng bởi cái khác; hãy tự nương tựa mình, nương tựa nơi pháp, chớ nương tựa nơi khác…’ Này A-nan, sau khi Ta diệt độ, nếu ai có thể tu hành pháp này, người đó là đệ tử chân thật của Ta, là bậc nhất hữu học.”[5]

Thế Tôn một lần nữa xác nhận ai mới là đệ tử chân thật của Như Lai sau khi Ngài diệt độ. Đó là người nào tinh cần không biếng nhác; tu tập Tứ niệm xứ; tự thắp sáng mình, thắp sáng bởi pháp; tự nương tựa mình, nương tựa nơi pháp… Hơn hai ngàn năm sau, ánh sáng từ ‘người con chân thật của Như Lai’ vẫn được gìn giữ và tiếp nối. Ôn là hiện thân của ánh sáng ấy. Ôn là hiện thân của đấng vô uý, bậc trừ sạch các uế trược, Tuệ nhãn không hạn lượng. Ôn là dòng suối mát Đại Bi làm tươi nhuận những mảnh đất tâm cằn cỗi nhất. Ôn là hiện thân của Bồ-đề nguyện và Bồ-đề hành. Ôn không chỉ tự nương tựa mình, mà còn là chỗ nương tựa cho nhiều người; Ôn không chỉ tự thắp sáng mình, mà còn thắp sáng trăm ngàn ngọn đèn khác.

Nhớ lại có lần nhìn thấy Ôn bệnh, tôi không giấu được sự đau lòng trong ánh mắt. Ôn hỏi tôi, “Thấy Thầy già tội quá hả?” Tôi không biết trả lời sao. Một lần khác tôi hỏi Ôn, “Bạch Ôn, những lúc sốt cao như vậy, Ôn có đau lắm không?” Ôn ôn tồn nói, “Nằm yên thì không đau.” Đọc lại đoạn Kinh trên tôi hiểu hơn cái “nằm yên thì không đau” mà Ôn muốn nói. Xưa Đức Thế Tôn cũng đã nói, “Khi Ta không suy niệm tất cả tưởng, nhập vô tướng tâm định, thân an ổn, không có não hoạn.” Nếu xưa Đức Thế Tôn tự biết thời, đã bằng ý định tam-muội, xả thọ hành và lưu mạng căn, chờ chúng tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc và ưu-bà-di của Ngài hội đủ, chờ cho bốn chúng đệ tử của Ngài “lại có thể tự điều phục, dũng mãnh, không khiếp sợ, đã đến chỗ an ổn, đã đạt mục đích của mình, là hướng đạo của loài người, rao giảng kinh giáo, hiển bày cú nghĩa, nếu có dị luận thì có thể hàng phục bằng Chánh Pháp… quảng bố phạm hạnh, diễn rộng giác chi, khiến cho chư Thiên và loài người thảy đều thấy được sự thần diệu,”[6] thì nay Ôn vì công việc của Hội Đồng Hoằng Pháp, của Hội Đồng Phiên Dịch và nhiều việc khác cần thu xếp ổn thoả trước khi thị tịch nên Ôn đã nhẫn chịu sự đau nhức của thân ngũ uẩn sắp đến thời kỳ hoại diệt, tan rã. Thời gian ấy là khoảng thời gian đau lòng nhất và cũng là khoảng thời gian tôi được trưởng dưỡng trong Pháp hơn lúc nào hết. Ôn đã dạy tôi bằng đời sống của Ôn. Ôn tinh cần phiên dịch chú giải Kinh không biết mệt mỏi. Ôn dạy tôi năng lực của Thiền Định trong khi khéo léo trấn an tôi: “Một vị chứng Sơ thiền thì không ai có thể làm tổn hại được.” Ôn dạy tôi sự im lặng của bậc Trí. Và bằng tâm Từ Bi vô lượng, Ôn đã nhiếp phục, đã hoá giải những điều tưởng chừng như bất khả.

Những giờ trà của mùa hạ cuối cùng ấy cứ thế qua dần đi. Trong một lần uống trà, Ôn biểu tôi liên hệ bên Đài Loan cho Diệu Nguyệt (cô đệ tử của tôi) thọ giới Thức-xoa-ma-na. Và sau đó cứ mấy hôm Ôn lại hỏi, “Khi nào đi Đài Loan.” Hơn ai hết, tôi biết Ôn chưa từng quên một điều gì. Ôn hỏi đi hỏi lại chỉ vì muốn cho tôi hiểu sự quan tâm mà Ôn dành cho tôi–người học trò luôn nhỏ dại trong mắt Ôn–cũng như người đệ tử cháu Diệu Nguyệt còn thơ dại trong Pháp mà thôi. Sau này tôi mới hiểu, khi Ôn tịch rồi, chính những ký ức như thế này đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi, để tôi đứng dậy, đi tiếp.

Sau mùa an cư ấy, Ôn lên Sài Gòn để tái khám. Mấy hôm sau đó, hai thầy trò tôi từ Long Thành lên bệnh viện thăm Ôn trước khi đi Đài Loan. Sáng hôm ấy mấy Ôn con cùng uống trà thật vui. Lâu lâu Ôn lại nhìn đồng hồ treo tường nhắc, “Coi chừng trễ giờ bay nghe không.” Lúc này, ngồi viết những dòng này, tôi càng thương Ôn hơn, càng kính phục sức nhẫn chịu của Ôn. Thì ra Ôn sợ tôi lo, không chịu đi Đài Loan mà đã tỏ ra rất khoẻ khoắn, như không có chuyện gì xảy ra cả.

Sáng 18 tháng 9 năm 2023, hai thầy trò tôi vô bệnh viện thăm Ôn. Chỉ sau bảy ngày từ Đài Loan trở về, thế mà mọi việc khác hẳn đi. Tôi pha trà Ôn uống như thường lệ. Mấy Ôn con cùng ăn bánh trung thu Đài Loan tôi mang về. Trong phòng lúc ấy có thêm 4 thầy túc trực bên Ôn nữa. Ôn quay sang bảo tôi, “Lát nữa Bác sĩ khám xong, Khánh Năng lại đây Thầy dặn một chút.” Tôi dạ. Và khi tôi đến gần bên thì Ôn nói: “Kể Thầy nghe đi Đài Loan có gì vui, rồi Thầy dặn công việc một chút.” Ôn ngừng một lúc rồi lại nói: “Thôi, để Thầy nói trước.” Và Ôn nói, “Giờ không giấu nữa, Bác sĩ nói ung thư đã vô tới phổi, bây giờ thời gian tính từng ngày từng giờ…” Đó là lần đầu tiên Ôn hiện tướng cho biết ngày nhập diệt sắp gần kề. Trưa ấy thăm Ôn về, tôi xin chị Kim Liên cho hai thầy trò ở nhờ nhà chị để vô ra bệnh viện với Ôn; tôi quyết định ở lại Sài Gòn, chứ không về dưới thất ở Long Thành nữa.

Sáng hôm ấy tôi thỉnh Ôn chứng minh truyền lại y cho Diệu Nguyệt. Ôn nói, “Chờ về chùa để nói được nhiều điều.” Vậy mà chỉ ba hôm sau thì Ôn ngoắt tay gọi tôi lại bảo, “Con mang y vô để Thầy truyền y cho Diệu Nguyệt kẻo tội.” Tôi dạ và nhanh chóng nhìn đi hướng khác. Tôi tránh đối diện với ánh nhìn của Ôn, tôi không muốn để Ôn nhìn thấy sự yếu đuối trong tâm tôi lúc ấy. Vì tôi biết rõ, điều đó cũng có nghĩa Ôn sẽ không về lại thất ở chùa Phật Ân được nữa cho đến khi tịch.

Hai giờ chiều hôm ấy hai thầy trò tôi quay lại bệnh viện. Sau khi Bác sĩ đưa Ôn đi hút dịch tràn vô phổi lên, vừa thấy tôi Ôn liền bảo: “Cho Thầy năm phút.” Nhìn Ôn thở dốc, lòng tôi nghẹn lại. Tôi thưa, “Dạ, Ôn nghỉ ngơi đã, khi nào cũng được mà Ôn.” Ôn bảo, “Thầy không còn nhiều thời gian nữa.” Đúng năm phút sau thì Ôn bắt đầu dạy và truyền y cho Diệu Nguyệt. Ôi! Từ Bi tâm vô lượng của Ôn! Ôn là minh chứng của Pháp, vì Pháp. Ôn luôn vì lợi lạc của người khác mà không nề mệt nhọc để truyền dạy cho đến hơi thở cuối cùng. Thời gian ấy Ôn cứ thế mà giải quyết từng việc một; kêu riêng một số Thầy, Cô đến dặn dò. Thời gian ấy cũng là thời gian hai vợ chồng cô Hợi (em gái của Ôn) và chị Na (con gái của nhà văn Nhã Ca) từ Pháp và Thuỵ Điển về. Hai vợ chồng cô Hợi vì lớn tuổi nên thuê khách sạn gần bệnh viện để tiện đi bộ vô ra. Còn chị Na thì cùng với hai thầy trò tôi ở nhờ nhà chị Kim Liên ở quận Bình Thạnh, ngày ngày cùng đón xe grab vô bệnh viện. Trong suốt thời gian Ôn nhập viện đó, chúng tôi chứng kiến có những ngày Ôn sốt cao nằm vùi, hơi thở yếu ớt; và cũng có những ngày nhìn Ôn khoẻ khoắn lạ thường, vô bệnh khi Ôn cần giải quyết việc gì đó cho xong. Tuy vậy, chúng tôi vẫn không tài nào hiểu được nghị lực và định lực phi thường ấy của Ôn.

Hinh On TS 1
Ôn và hai thầy thị giả (Ảnh tư liệu)

Một tháng cũng nhanh chóng qua đi. Hai vợ chồng cô Hợi và hai vợ chồng chị Na phải trở về Pháp và Thuỵ Điển. Ngày chị Na chào Ôn đi, Ôn hỏi, “Bên đó về Việt Nam xin visa có khó không?” Khi nghe chị trả lời là không khó thì Ôn nói, “Vậy ổn rồi. Đi về đi rồi tháng sau quay lại.” Trên đường về, chúng tôi nói với nhau: Ôn mình thiệt là, từ Thuỵ Điển về mà Ôn làm như từ Long Thành lên vậy. Chúng tôi đâu biết được, Ôn tự biết thời khắc, có điều Ôn không tiện nói rõ cho chúng tôi ngày nào ra đi thôi. Sau khi mọi người đi hết, tôi không được vô bệnh viện nhiều nữa, mà chỉ hạn chế còn 2 tiếng mỗi ngày. Giai đoạn đó cô Đào cũng qua ở lại nhà chị Kim Liên để cùng chị nấu ăn cho Ôn và mấy thầy.

5 giờ 30 mỗi sáng, hai thầy trò tôi xách thức ăn, đón xe grab từ Bình Thạnh qua Bệnh viện Quốc tế Mỹ ở quận 2 để đúng 6 giờ Ôn dùng sáng. Mấy thầy túc trực bên Ôn cả đêm nên chia nhau ngủ. Khi vào, để mấy thầy được ngủ thêm, tôi dọn thức ăn và thỉnh Ôn dùng. Sau khi Ôn dùng xong thì chúng tôi cùng nhau ăn sáng. Thường khoảng 7 giờ là Ôn biểu “pha trà uống”, 8 giờ hai thầy trò tôi ra về. Lần nào cũng vậy, mỗi khi tôi chào Ôn ra về Ôn đều nói, “Ừ, mai vô nghe.” Ngày ngày đi qua như vậy cho đến gần cuối tháng 10 dương lịch khi Ôn được đưa từ bệnh viện về nhà Quảng Diệu Trần Bảo Toàn. Từ lúc ấy hai thầy trò tôi không được đến mỗi ngày nữa. Tôi về lại thất ở Long Thành và chỉ được lên thăm Ôn hai bữa một tuần. Mỗi lần lên Sài Gòn thăm Ôn về, tôi đều gọi kể cho cô Hợi và chị Na tình hình sức khoẻ của Ôn để mọi người yên tâm. Linh cảm cho tôi biết Ôn sẽ về lại Long Thành dịp giỗ Ôn Trí Quang. Tôi nói với cô Hợi và chị Na ráng thu xếp để về lần cuối với Ôn. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao tâm tôi lúc ấy lại nghĩ Ôn sẽ về Long Thành dịp giỗ Ôn Trí Quang nữa. Tôi hối quý vị nhanh nhanh về để được ở gần Ôn thêm dăm hôm, vì cứ nghĩ là Ôn sẽ ra đi hôm 14 hoặc Rằm tháng 10 âm lịch. Tôi đoán sai 3 hôm. Cũng may là quý vị về đến Phật Ân sáng 12 âm lịch, kịp gặp Ôn lần cuối.

Đầu giờ chiều ngày 12 tháng 10 âm lịch, chúng tôi–hai vợ chồng cô Hợi, chị Na, hai vợ chồng chị Hoa, chị Kim Liên và hai thầy trò tôi–từ Phật Ân đi bộ qua thất tôi đang ở để hai vợ chồng cô Hợi nghỉ ngơi sau một chuyến bay dài. Mọi người uống trà nói chuyện một lúc. Sau đó hai vợ chồng cô Hợi qua phòng bên để nghỉ. Chị Kim Liên và hai vợ chồng chị Hoa lên lại Sài Gòn. Chị Na và tôi định rửa bộ ấm trà xong rồi qua lại với Ôn. Đang loay hoay với bộ ấm trà thì thầy Quảng Ngộ gọi điện bảo, “Cô qua gấp nghe.” Tôi nhìn chị Na, cả hai chúng tôi lúc đó như đã mơ hồ hiểu… Tôi qua gọi hai vợ chồng cô Hợi, và chúng tôi đi bộ thật nhanh qua thất Ôn. Lúc ấy là 16 giờ chiều. Quý thầy chùa Phật Ân đang quỳ ngoài hành lang phòng Ôn đồng thanh niệm Phật. Chúng tôi vô phòng Ôn. Ôn nằm bất động. Quý Thầy và Cô hiện diện lúc ấy đều y hậu chỉnh tề niệm Phật. Riêng tôi, tôi quỳ xuống một bên, để mặc những giọt nước mắt cứ thế rơi.

Một lúc sau thì Ôn Minh Tâm vào. Ôn bảo tất cả Ni và Phật tử nữ tạm ra phòng kế bên. Trong phòng lúc đó chỉ còn lại Ôn Minh Tâm và mấy thầy. Khoảng 15 phút sau thì chúng tôi được phép vô trở lại. Lúc này nhục thân Ôn trong áo hậu vàng. Một số các Thầy, Cô thay phiên nhau hầu bên nhục thân Ôn. Tôi lúc ấy không khóc, nhưng cảm thấy thân tâm mình như bị đóng băng. Tôi ngồi lặng bên nhục thân Ôn. Khoảng 21 giờ khi ngước nhìn lên, bỗng dưng tôi thấy nét mặt và khuôn miệng Ôn như mỉm cười nhẹ. Nhờ nụ cười nhẹ ấy mà tâm tôi đã nhẹ hẳn đi. Một thời gian sau thì nước chảy ra từ khoé miệng Ôn; thuỷ đại đã rã. Về khuya, các Thầy, Cô đều rút đi nghỉ ngơi. Căn phòng trở nên vắng lặng, u tĩnh. Chỉ còn lại hai thầy trò tôi và vài vị cư sĩ. Tôi đứng dậy đảnh lễ Ôn, trong tâm thầm phát nguyện những điều mà tôi chưa nói với Người lúc Người còn sống. Chúng tôi ngồi như vậy cho đến 6 giờ sáng hôm sau.

Mãi đến hôm nay khi đọc lại bài Kinh Du Hành, thì tôi mới thấy hình ảnh ngài A-nan vin thành giường than khóc khi Đức Thế Tôn nhập diệt thật thân thương và gần gũi biết bao: “Như Lai diệt độ sao mà vội thế! Đại pháp chìm lặng làm sao nhanh quá! Con mắt thế gian diệt mất thì chúng sanh suy đoạ lâu dài! Ta nhờ ơn Phật xuất gia mà chỉ đạt được bậc học địa, nhưng sự nghiệp tu chưa thành mà Như Lai đã diệt độ.[7] Ngài A-nan là minh chứng bình dị mà thiêng liêng của tình thầy trò. Ngài là sự đồng cảm sâu sắc nhất cho những giọt nước mắt lặng thầm rơi của tôi từ khi Ôn tịch cho đến sau lễ trà tỳ và mãi đến sau này.

DSC02261 scaled
Sư cô Khánh Năng và Diệu Nguyệt (Ảnh tư liệu tang lễ)

Mấy ngày liền tôi đọc đi đọc lại Kinh Du Hành. Mỗi lần đọc lại, hình ảnh Đức Thế Tôn và chư Thánh Tăng bao quanh lúc Ngài nhập Niết-bàn càng rõ nét trong tâm tôi. Mỗi lần đọc lại, tôi như được sống thêm một lần nữa những ngày tháng bên Ôn. Tôi cảm thấy Ôn như vẫn còn đây, bên tôi, trong tôi. Càng đọc, tôi càng cảm nhận rõ hơn tâm Đại Từ Bi và Tuệ nhãn không hạn lượng của Đức Thế Tôn.

Khép lại trang Kinh. Tôi nghe như văng vẳng bên tai mình lời di giáo tối hậu của Đức Thế Tôn:

“A-nan, Ta cũng biết trong chúng này dù một vị tỳ-kheo nhỏ nhất cũng thấy được dấu Đạo[8], không còn đoạ vào đường dữ, chỉ trải qua bảy lần sinh lại cõi Dục này để tu hành là dứt hết thống khổ.”


“Các ngươi hãy quan sát rằng, Như Lai mỗi khi xuất thế, như hoa ưu-đàm-bát lâu lắm mới hiện một lần.”


“Thế nên các tỳ-kheo chớ có buông lung. Ta chính nhờ không buông lung mà được thành Đẳng Chánh Giác. Vô lượng điều lành toàn nhờ không buông lung mà có được. Hết thảy vạn vật đều vô thường, đó là lời dạy cuối cùng của Như Lai.”[9]

Tôi chợt nhớ ra lời nhắc nhở cuối cùng của Ôn: “Thế gian hằng như mộng.” Đó là câu đề tặng cuối cùng bằng chữ Hán Ôn viết cho tôi ở tập thơ Dreaming the Mountain trong mùa hạ cuối cùng ấy. Trước đó một năm, mùa hạ năm 2022, Ôn cũng đã cho tôi bức thư pháp với nội dung tương tự bằng chữ Nôm:

Thời gian vỗ cánh ngang đầu
Sanh già bệnh chết tránh đâu vận cùng
Khổ đau là khối tình chung
Ai nâng cõi thế qua bùn tử sinh.

Hoặc gần hoặc xa, lúc trực tiếp lúc gián tiếp, Ôn đã từng bước chuẩn bị tâm cho tôi. Ấy vậy mà ngày Ôn tịch, tôi thấy mình như rơi xuống một khoảng không mênh mông, không một điểm tựa.

Mùa Phật Đản năm nay, lần giở trang Kinh xưa, tôi chỉ muốn cúng dường lên Đức Thế Tôn, cúng dường lên Ôn tâm ý lãnh thọ và nỗ lực thực hành Chánh Pháp của mình.

Kính lễ Đức Thế Tôn, đấng Đạo Sư Vô Thượng, Đại sa-môn tối cao, đấng Đại Hùng bậc nhất, đấng Thiện Thệ tối thượng, Chí Tôn giữa trời người.
Kính lễ đấng Vô cấu, trừ sạch các uế trược, Tuệ nhãn không hạn lượng.
Kính lễ đấng Vô đẳng, hy hữu khó nghĩ nghì.
Kính lễ Ôn, người Thầy đã cho con thêm một lần nữa được sinh ra trong Pháp.

Mùa Phật Đản tha phương 2569 – Ất Tỵ 2025
Thích Nữ Khánh Năng | Hạnh Thân


[1] Tuệ Sỹ dịch & chú, Thanh Văn Tạng, Tập 1: Kinh Bộ I, Trường A-Hàm, quyển 1 (Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất: Hội Đồng Hoằng Pháp, 2022), 95-191.

[2] Tuệ Sỹ dịch & chú, Thanh Văn Tạng, Tập 1: Kinh Bộ I, Trường A-Hàm, quyển 1, 114.

[3] Tuệ Sỹ dịch & chú, Thanh Văn Tạng, Tập 1: Kinh Bộ I, Trường A-Hàm, quyển 1, 121.

[4] Theo bản Pāli: “Này A-nan, trong giáo pháp, Như Lai không bao giờ là vị thầy có bàn tay nắm chặt.” Nghĩa là Như Lai không bao giờ giấu giếm, không chỉ dạy hết.

[5] Tuệ Sỹ dịch & chú, Thanh Văn Tạng, Tập 1: Kinh Bộ I, Trường A-Hàm, quyển 1, 115.

[6] Tuệ Sỹ dịch & chú, Thanh Văn Tạng, Tập 1: Kinh Bộ I, Trường A-Hàm, quyển 1, 116.

[7] Tuệ Sỹ dịch & chú, Thanh Văn Tạng, Tập 1: Kinh Bộ I, Trường A-Hàm, quyển 1, 155.

[8] Đã chứng quả Dự lưu

[9] Tuệ Sỹ dịch & chú, Thanh Văn Tạng, Tập 1: Kinh Bộ I, Trường A-Hàm, quyển 1, 159.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận