TRAI TĂNG – HÌNH THỨC CẦU SIÊU THỜI PHẬT (tiếp theo)

TRAI TĂNG – HÌNH THỨC CẦU SIÊU THỜI PHẬT
(tiếp theo)

Venkatachala Murti nói: “Nghiên cứu Phật giáo là sự đóng góp giá trị cho nền văn hóa thế giới và điều này không phải là không có ý nghĩa trong bối cảnh thế giới hiện nay.”[1] Vậy chúng ta tiếp tục chú giải nghi lễ trai Tăng cầu siêu thời Phật, trả nó về nguồn gốc ban đầu, đúng với tính lịch sử của nó, xem như có chút đóng góp nhỏ cho nền văn hóa Phật giáo Việt Nam nói riêng mà hàng Phật tử chúng ta đều phải có trách nhiệm tìm hiểu và nghiên cứu.

Lễ trai Tăng cầu siêu thật sự có phải bắt đầu từ câu chuyện tôn giả Mục-kiền-liên cứu mẹ ở thế giới ngạ quỷ hay không, thật hư thế nào chúng ta hãy làm một cuộc tỷ giảo các nguồn tư liệu và đặt mình trong nghi vấn như Phật dạy: “… Chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn… Khi nào tự mình biết rõ.”[2]

Truyền thuyết Mục-kiền-liên cứu mẹ:

Chuyện Mục-liên cứu mẹ ở thế giới ngạ quỷ phần trước chúng tôi đã nói, được ghi chép trong hai tác phẩm kinh Phật thuyết vu-lan bồnPhật thuyết báo ân phụng bồn kinh. Ngoài ra còn nhiều bản chú giải khác như Phật thuyết vu-lan bồn kinh sớ (佛說盂蘭盆經疏), Đại Mục-kiền-liên minh gian cứu mẫu biến văn tinh đồ (大目乾連冥間救母變文并圖) v.v… Những bản chú giải này đều y cứ trên kinh Phật thuyết vu-lan bồn mà giảng thêm, không đáng quan tâm.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng còn có một câu chuyện Mục-liên cứu mẹ cũng mang tính nhân văn đặc biệt, không thua kém gì câu chuyện cũ mà nhiều Phật tử đang biết hiện nay. Sự tích được ghi chép trong luật Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da dược sự[3]. Truyện kể rằng:

Sau khi Mục-kiền-liên nghe đức Phật giảng dạy về công ơn cha mẹ, tôn giả muốn đáp đền ơn sanh thành dưỡng dục bèn nhập định, dùng thiên nhãn xem mẫu thân mình mất sinh về nơi đâu. Tôn giả thấy mẫu thân sinh về thế giới Ma-lợi-chi (Marīcika).[4] Biết nơi này xa xôi, năng lực của mình không thể đến được, mới thỉnh cầu đức Phật giúp mình cùng đến đó thuyết pháp giáo hóa cho mẹ. Đức Phật dùng thần lực đưa tôn giả đi 7 ngày đến Ma-lợi-chi. Mẹ tôn giả tái sanh ở cõi này là một hiền nữ (bhadrakanyā). Khi cô và mọi người thấy Phật đến, ra cung nghinh, cô hỏi tôn giả:

“Đã lâu rồi mẹ không gặp con. Con từ đâu đến?”

Những người ở thế giới Ma-lợi-chi nghe thế, hỏi nhau:

“Người nữ này quá trẻ, sao lại có con già vậy?”

Mục-liên đáp: “Người nữ này đã nuôi tôi; đó là sinh mẫu của tôi.”

Sau đó cô đem thức ăn dâng cúng cho Phật và tôn giả. Hai người dùng xong, cô lấy ghế ngồi một bên. Đức Phật giảng bốn chân lý, mẹ tôn giả nghe giác ngộ, chứng quả Dự lưu, rồi xin quy y tam bảo. Đoạn đức Phật cùng Mục-kiền-liên bay về lại rừng Thệ-đa (Jetavana).

Tính lịch sử chân thật của câu chuyện không thể cả quyết một cách chắc chắn, nhưng sự ra đời của nó thì rất sớm. Chúng tôi đoán định sớm hơn chuyện Mục-liên cứu mẹ trong kinh Phật thuyết vu-lan bồn, thông qua hai luận cứ. Thứ nhất, Luật tạng của bộ phái Căn bản thuyết nhất thiết hữu, theo Erich Frauwallner giải thích, bộ phái Căn bản thuyết nhất thiết hữu (Mūlasarvāstivādin) hoạt động hoằng pháp ở vùng Mathurā, Luật tạng của họ dạng truyền thừa cổ xưa, có trước thời hoàng đế Aśoka.[5] Thứ hai, đại sư Ấn Thuận[6] cũng nói rằng, chuyện Mục-liên cứu mẹ trong kinh Phật thuyết vu-lan bồn là bản sao truyện Xá-lợi-phất cứu độ mẫu thân trong tạng Nam truyền:[7] Nội dung tường thuật, có một người nữ do keo kiệt không bố thí cho tỳ-kheo, còn mắng chửi những người khất thực. Khi chết thành ngạ quỷ. Một hôm đi đến tinh xá, hiện trước mặt Xá-lợi-phất, nói rằng từng là mẹ của tôn giả trong những kiếp quá khứ. Và xin tôn giả rằng: “Này con trai, hãy cho tôi vật thí, sau khi bố thí xin ngài hãy chỉ định (việc làm ấy là) dành cho tôi; được như thế thì tôi có thể thoát khỏi việc thọ thực mủ và máu.” (Dehi puttaka me dānaṃ datvāna uddisāhi me, appeva nāma muñceyyaṃ pubbalohitabhojanā). Nghe vậy tôn giả đi gặp vua Tần-bà-sa (Bimbisāra) trình bày mọi chuyện. Nhà vua liền cất bốn am thất rồi đem chúng cùng các vật dụng cần thiết trong cuộc sống cúng dường cho tôn giả Xá-lợi-phất. Xá-lợi-phất dâng tặng lễ vật này lên Tăng chúng khắp thế gian do Ðức Phật làm thượng thủ và hồi hướng công đức ấy đến nữ ngạ quỷ kia. Nữ ngạ quỷ hưởng được các lợi lạc liền được tái sanh lên thiên giới.

Vậy nguồn gốc trai Tăng cầu siêu hoàn toàn không thể xuất phát từ chuyện Mục-liên cứu mẹ trong kinh Phật thuyết vu-lan bồn, vì nó là bản sao và xuất hiện muộn về sau. Khả năng lễ trai Tăng cầu siêu xuất xứ từ thời Phật, đồng hành cùng tín ngưỡng dân gian xa xưa của người Ấn. Nguồn tư liệu duy nhất giúp chúng tôi chứng minh về điều này là luật Ma-ha-tăng-kỳ (摩訶僧祇律) có đề cập.

Nghi thức trai Tăng cầu siêu thời Phật:

Trong luật Tăng-kỳ ghi chép: Mỗi khi cư sĩ tổ chức lễ cầu siêu ngạ quỷ, mời tỳ-kheo đến nhà thường đặt ghế cho tỳ-kheo ngồi bên trái; trong luật không nói rõ là ngồi bên trái là ở ngoài cửa nhìn vô, hay trong nhà nhìn ra. Và tỳ-kheo chú nguyện:

“Tất cả mọi chúng sinh,
Có sinh mạng đều chết.
Tùy theo nghiệp dữ lành,
Tự chuốc lấy quả báo.
Làm ác xuống địa ngục,
Tạo thiện lên cõi trời.
Nếu có thể tu hành,
Hết lậu, được Niết-bàn.”[8]

Có thể đoán định, tỳ-kheo đến nhà dùng cơm xong, đọc bài chú nguyện, sau đó giảng pháp rồi ra về. Như nghi thức cầu an chỉ khác bài chú nguyện. Và hình thức cầu siêu thời ấy pha lẫn thêm tín ngưỡng cầu siêu của dân gian như Phật chỉ dạy cho Thi-ca-la-việt (Sigālaka) trong kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt (Siṅgālovāda-sutta [31], Trường bộ [Dīghanikāya III, 189.5-9]). Phật dạy phải dâng cúng khi cha mẹ qua đời (petānaṃ kālakatānaṃ dakkhiṇaṃ anuppadassāmi). Dâng cúng là dâng cúng thế nào?

Theo tín ngưỡng dân gian Ấn-độ, những người đã khuất hay chết đều gọi là “peta” (Pāli; Phạn: preta), Hán dịch là ngạ quỷ 餓鬼 (quỷ đói). Trong thế giới này họ sống đều nhờ sự cúng thí của người sống, gọi là phẩm vật hiến tế (dakkhiṇā), nhờ đây họ được chuyển sang năng lực cao hơn (mahiddhikā) của chư thiên (deva), hay làm người (manussa)… Lý do cõi này họ không trực tiếp hưởng được, phải do thân thích bố thí phẩm vật dâng cúng cho Tăng, rồi hồi hướng sự cúng thí đến cho họ. Nếu người cúng thí không phải là thân thích, họ cũng không được hưởng. Luận Tỳ-bà-sa cũng nói, tế tự cúng thí chỉ có thể hướng đến với đường quỷ, không thể hướng đến đường khác, và chỉ có thân nhân thì sự cúng thí mới đến được.[9]

Có lẽ từ tín ngưỡng này mới có câu chuyện Xá-lợi-phất cứu độ mẫu thân trong tạng Nam truyền và Mục-kiền-liên cứu mẹ ở thế giới ngạ quỷ trong kinh Phật thuyết vu-lan bồn. Hình thức cúng cầu siêu như thế rất nhiều tư liệu ghi chép, mẩu chuyện tương tự trong Avadānaśataka, Hán dịch Soạn tập bách duyên kinh (撰集百緣經), kể rằng Mục-kiền-liên (Maudgalyāyana) sáng sớm vào thành Vương xá khất thực, (tôn giả có năng lực) thấy năm trăm ngạ quỷ (preta), họ nhờ tôn giả truyền đạt với bà con của họ, thiết hội, đem tài vật cùng cơm, canh, thịt, cá, thỉnh Phật và Tăng cúng dường, để họ được giải thoát thân ngạ quỷ.[10]

Đại sư Ấn Thuận nói rằng, từ tín ngưỡng tập tục của người Ấn nói trên du nhập vào Trung Quốc, người Trung Quốc mượn ngày 15 tháng bảy (Âm lịch) là ngày siêu độ cho người chết (ngạ quỷ) tại quốc gia mình, hòa nhập với ngày ra Hạ của chư Tăng Phật giáo (sau ba tháng an cư ở Trung Quốc), biến thể thêm truyện tích Mục-liên cứu mẹ tăng thêm phần long trọng của lễ tiết.[11]

Kết luận:

Đến đây chúng ta có thể kết luận. Nghi lễ cúng trai Tăng cầu siêu có từ thời Phật, hình thức tổ chức là đàn-việt mời Phật hay tỳ-kheo đến nhà, cúng dường buổi cơm cùng phẩm vật tùy theo khả năng, để hồi hướng cho người thân đã mất được siêu thoát. Đức Phật hay chúng Tăng hiện diện chỉ giảng pháp cho người sống hiểu. Phật và Tăng không dùng bất cứ năng lực nào để siêu độ người chết. Chân lý vẫn là chân lý, đức Phật cũng như tỳ-kheo không thể can thiệp vào nhân quả hoặc sửa nghiệp cho chúng sanh; chúng sanh siêu thoát hay luân hồi tùy theo nghiệp mình tạo và người chết thừa hưởng phước phần theo cúng thí của tín ngưỡng dân gian mà thôi.

Chiều Châu âu, mùng 1 tháng 11, Nhâm dần
Tâm Nhãn


[1] T.R.V. Murti – The Central Philosophy of Buddhism, George Allen and Unwin, 1968, vii. Preface.

[2] Pāli, A. iii. 65. Kesaputtiyā. Cf. Trung A-hàm 3, 16. kinh Già-lam [Kālāmā], T01, no. 26, p. 438, b13

[3] 根本說一切有部毘奈耶藥事 4, T24, no. 1448, p. 16a18-17.

[4] Thế giới Ma-lợi-chi 摩利支世界: Skt. Marīcika, thế giới Dương diệm. Tây Tạng: ’Od zer can.

[5] 原始律典犍度篇之研究, Erich Frauwallner 著, 郭忠生譯, 正觀出版社, p. 44.

[6] Cf. 初期大乘佛教之起源與開展, Y37, no. 35, p. 415a1.

[7] 小部, 餓鬼事經 (南傳二五‧二0──二一 [Pāli: Petavatthu, 14. Sāriputtattherassa mātupetavatthu]).

[8] Luật Tăng-kỳ 34, p. 500b12-20.

[9] Cf. wisdomlib.org/definition/peta; Câu-xá II, Bản Việt, Tuệ Sỹ dịch, p. 132; Tỳ-bà-sa 12, p. 59a15.

[10] 撰集百緣經 5, T04, no. 200, p. 224a18-27.

[11] 華雨集 (四), Y28, no. 28, p. 123a3, p. 159a5.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận