TRÍ NGHIÊM THƯỢNG NHÂN: “KIM HÀ CỐ CỰU”
Tôi về chùa Long Sơn (Nha Trang, Khánh Hòa) sinh hoạt từ năm 1995 và biết đến Ôn Trí Nghiêm từ đó. Ôn sống mộc mạc bình dị trong một căn nhà nhỏ trên đồi, phía cánh hữu chùa Long Sơn. Sự nghiệp hoằng pháp và oai đức của Ôn thế nào tôi không viết lại ở đây; bởi thế nhân ký tải đã nhiều. Nhân húy nhật của Ôn, lòng gợn lên chút chuyện vui ngày cũ. Tôi nhớ, Ôn là ngươi mê hoa Vạn thọ, thường nhật xung quanh cốc của Ôn tràn ngập loại hoa này. Hôm nọ, Hòa thượng Đỗng Minh lên thăm Ôn, Hòa thượng nói: “Hoa Vạn thọ người ta trang trí ngày xuân, ngày thường mà cũng tùm lum hơi kỳ”.
Sau một thời gian, lúc cận Tết, Hòa thượng Đỗng Minh lên cốc Ôn, muốn xin một, hai chậu để đem xuống phòng cùng “rộn ràng với thiên hạ” trong dịp xuân. Ôn nói, hôm trước chê, sao giờ lên xin. Xuống hãng xì dầu lấy xì dầu mà trưng. (Hòa thượng Đỗng Minh thành lập hãng Vị trai lá Bồ-đề từ năm 1957, để làm kinh tế tự túc cho việc đào tạo Tăng tài. Bên cạnh chùa Long Sơn có mở một hãng sản xuất xì dầu).
Ngày Ôn Trí Nghiêm viên tịch (11/12/Quý mùi, 2003), thầy Tuệ Sỹ viếng Ôn bốn chữ “Kim Hà cố cựu 金河顧舊” – Dòng sông Kim (Hiranyavatī) xa xưa chính nơi đức Phật Thích-ca Niết-bàn. Ôn là người duy nhất mà thầy Tuệ Sỹ dùng những từ ngữ cao viễn và tôn kính như vậy. Sau đó, ngôi phù-đồ của Ôn kiến tạo xong, thầy Tuệ Sỹ kính dâng Ôn cặp đối:
“Dòng đời in dấu chân chim, sinh diệt đầy vơi trong mắt tuệ;
Đỉnh tháp ửng hồng nắng quái, sắc không lấp lánh đọng sương từ”.
Tâm Nhãn