TỪ NGUYÊN VÀ HÌNH THỨC SÁM HỐI CỦA NGƯỜI XUẤT GIA
1. GIẢI THÍCH TỪ NGUYÊN:
Hiện nay trong nguồn văn hiến hệ Hán truyền, chúng ta tìm thấy nhiều từ ngữ liên quan đến ý nghĩa sám hối như “hối quá 悔過”, “sám hối 懺悔”, “sám-ma 懺摩”, “phát lồ 發露”, thực chất tất cả đều xuất thân từ nghĩa gốc Phạn ngữ (Sanskrit) là từ: kṣama, kṣamayati.
Vào thời kỳ đầu, những bản kinh Phạn cổ hay gọi Hồ bản được phiên dịch tại Trung Quốc, liên quan đến nghĩa sám hối chúng ta thấy chỉ dịch “hối quá 悔過” như Phật thuyết Xá-lợi-phất hối quá kinh, [1] hay Phật thuyết Văn-thù hối quá kinh.[2] Sau đó kinh Tạp A-hàm và Tăng nhất A-hàm dịch cả hai từ “hối quá 悔過” và “sám hối 懺悔”, vân vân. Và từ “phát lồ” (to utter and disclose), là tiết lộ, phơi bày, tức khi phạm tội liền nói ra, không che giấu. Nó đi chung với từ hối quá và sám hối. Ví dụ luật Tứ phần ghi: Nếu không chịu phát lồ sám hối thì tội chưa được diệt trừ. [3]
Trong Luật tạng cũng dịch từ “sám hối” rất nhiều như luật Ngũ phần, Tăng-kỳ, Tứ phần, Thập tụng v.v… Riêng luật của Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ (Mūlasarvāstivāda) do Nghĩa Tịnh dịch, chúng ta thấy xuất hiện thưa thớt vài chỗ dịch là sám hối, còn lại ông đều phiên âm theo từ Phạn là “sám-ma 懺摩” (kṣama).
Theo Nghĩa Tịnh chỉ dịch âm từ kṣama thành sám-ma có hai lý do: Thứ nhất, nếu trong sinh hoạt thường nhật, chúng ta lỡ đụng chạm, xúc phạm, hay làm ai đó buồn, tổn thương… thì chúng ta dùng từ sám-ma (kṣama), nó có nghĩa: “cầu xin sự tha thứ của bạn” (beg your pardon), “xin đừng tức giận” (please do not be angry). Thứ hai, khi mình gây ra tội lỗi gì, có tâm xấu hổ (tàm quý 慚愧) không che giấu, thì xin người khác khoan dung, tha thứ cho mình. Và khi đối diện với người khác, người phạm tội nói lên rằng: “Tôi thú nhận hành vi phạm tội của mình với tâm chí thành” (chí tâm thuyết tội 至心說罪).
Do từ gốc tiếng Phạn phức tạp nên Nghĩa Tịnh dịch âm và có lời chú thích trong bản dịch. Ông giải thích thêm, từ sám-hối là cách dịch ghép, từ “sám” (cắt âm tiết của từ sám-ma, kṣama) ráp với “ăn năn” (hối 悔) của tiếng Trung Quốc, thành “sám-hối” là không đúng. Theo ông, chữ “sám” đứng trước mới có một âm tiết của tiếng Phạn không có nghĩa, nên từ “sám-hối” chỉ có thể định nghĩa theo chữ “hối”, tức hiểu là “ăn năn”. Mà “ăn năn” hàm nghĩa hối hận, cắn rứt việc mình làm, chứ chưa nói cho ai biết; như phạm tội còn giấu trong lòng, chưa báo chính quyền, chưa đi thú tội. [4]
Chúng ta tạm hiểu, từ hối quá, hay sám hối đều có nghĩa là sự ăn năn của những vi phạm. Đây là cách dịch cho người đọc dễ hiểu. Tuy nhiên đó chưa phải là cách thức sám hối của người xuất gia, vì người xuất gia khi phạm giới phải áp dụng hình thức sám-ma, nghĩa là luôn luôn phải nói rõ tội trạng mình đã phạm (thuyết tội) trước một tỳ-kheo thanh tịnh hay đối trước chúng Tăng thanh tịnh.
2. THUYẾT TỘI – HÌNH THỨC SÁM HỐI CỦA NGƯỜI XUẤT GIA:
Thuật ngữ “chí tâm thuyết tội” theo nghĩa Phạn là āpatti-pratideśana; “āpatti” nghĩa là tội lỗi hoặc xúc phạm, “pratideśana” là thú nhận trước người khác. [5]
Thuyết tội như pháp cần hội đủ ba yếu tố hiện tiền: a). Hiện tiền nhân, đối tượng hướng đến để thuyết tội phải đủ túc số quy định và người phạm tội thuyết tội phải hiện diện, không có trường hợp vắng mặt; b). Hiện tiền sự, tội danh phải được xác định; người thuyết tội phải nói rõ vi phạm điều nào trong học xứ; c). Hiện tiền pháp, nghi thức tiến hành.
Trong luật Thanh văn, thuyết tội có ba hình thức: Tâm niệm, đối thú và Tăng pháp. Tâm niệm đối với các vi phạm nhẹ theo luật quy định; hoặc trường hợp chung quanh không có ai để hành pháp thuyết tội do đó tự thuyết bằng tâm niệm. Bởi vì, nếu phạm tội mà không phát lồ ngay trong ngày, để sang ngày khác thì phạm tội che giấu (phú tàng). Vì điều kiện khách quan, không thể phát lồ trong ngày, do đó tự thuyết tội bằng thủ tục tâm niệm. Đối thú, là đối trước một tỳ-kheo thanh tịnh mà thuyết tội. Tăng pháp, là đối trước Tăng. Bấy giờ tùy theo tội mà Tăng tác pháp Yết-ma loại nào cũng theo luật quy định. Sau khi thỉnh cầu thuyết tội, giới thể sẽ được phục hồi thanh tịnh. [6]
Qua cách thức trên chúng ta có thể suy đoán, việc sám hối nói cho người khác nghe có từ thời Phật, từ truyền thống văn hóa Ấn, như câu chuyện vua A-xà-thế (Ajātaśatru) sau khi giết hại vua cha, hồi tâm tĩnh trí, đối trước Phật sám hối (hối quá 悔過), chính là hình thức thuyết tội. [7] Ngày nay, chúng ta thấy tín đồ Cơ-đốc giáo (Christian) xưng tội trước Linh mục (The priest) phải chăng ảnh hưởng phần nào từ cách thức này.
Nhưng, luật Phật chế định luôn gắn kết với luật đời. Một tỳ-kheo phạm giới, xem mức độ phạm tội có liên hệ gì đến người bị hại, hay ảnh hưởng ra sao với đời sống xã hội xung quanh; nếu đạo đức và luật pháp thế gian đã không chấp nhận, thì Phật giáo phải xử án “kịch tính” hơn, trục xuất tỳ-kheo ấy ra khỏi Tăng đoàn. Như tội ba-la-di nếu phạm có tha thứ được hay không? Như một số nước hiện nay vẫn duy trì mức án tử hình, mục đích tạo hình phạt răn đe với các loại tội phạm nghiêm trọng và nhằm giữ gìn an ninh cho xã hội. Cho nên ý nghĩa sám hối dành cho người tu dù từ bi cũng không thể thiếu công lý và nghiêm minh.
Tâm Nhãn
1. 佛說舍利弗悔過經, Śāriputra kṣamā sūtra, T. 24, No. 1492, An Thế Cao (Parthamasiris, người nước Parthia (An Tức) dịch vào đời Hậu Hán, khoảng thế kỷ thứ 2, A.D. 148-170.
2. 佛說文殊悔過經, The Buddhabhāshita Mañjuśrī kṣamā sūtra, Trúc Pháp Hộ (Dharmarakṣa) dịch đời Tây Tấn, A.D. 266 và 317.
3. 四分律 22, T22, no. 1428, p. 716b7: 若不發露懺悔, 罪未除.
2. Cf. 根本說一切有部毘奈耶 15, T23, no. 1442, p. 706a8; 南海寄歸內法傳 2, T54n2125, p. 217c15-22.
5. 南海寄歸內法傳 2, p. 217c15-22.
6. Cf. Tuệ Sỹ, Du-già Bồ-tát giới, 2015, p. 166-168.
7. 長阿含經 17, T01, no. 1, p. 109b12.