TUỆ SỸ – TỔNG QUAN VỀ NGHIỆP & TẬP DỊ MÔN TÚC LUẬN
Một họa gia vẽ cho vua nước Tề mấy bức tranh. Tề vương hỏi người họa sĩ:
“Vẽ tranh gì khó nhất?”
Người họa sĩ trả lời: “Thưa đại vương! Vẽ chó, vẽ ngựa khó nhất.”
“Thưa đại vương! Vẽ ma quỷ, yêu quái dễ nhất.”
“Vì sao?”
“Vì chó, ngựa ai cũng thấy cũng biết, vẽ mà không giống thì người ta chê cười, cho nên khó vẽ. Ma quỷ là thứ vô hình, không ai trông thấy, tùy ý muốn vẽ thế nào cũng được, không sợ ai bẻ, nên dễ vẽ.”
(《畫鬼易》是韓非子創作的文言文。客有為齊王畫者。齊王問曰:“畫孰最難者?”曰:“犬馬最難。”曰:“孰易者?”曰:“鬼魅最易。”曰:“何為?”曰:“夫犬馬,人所共知,旦暮見之,不可類之;鬼魅無形也,故易也”).
Câu chuyện trên phản ánh thực trạng cho Phật giáo ngày nay, nhiều nhà sư giảng về nhân quả, cho rằng kiếp trước ai đó thường phá nhà dân nên kiếp này làm nghề thợ hồ. Đó là cách “vẽ ma vẽ quỷ” của một số nhà sư thiếu kiến thức Phật học chuyên môn, nói gì đó mà thiên hạ chẳng biết đến, cứ nghiễm nhiên rao truyền.
Trong Tổng quan về nghiệp (tr. 33) luận: “Một kẻ cầm dao đi giết người, từ đó cho đến khi hành động kết thúc, không phải ý thức thường trực nhắm vào mục tiêu như mũi tên trực chỉ hồng tâm. Những ý tưởng thiện, bất thiện, vô ký…, yêu có hận có, thương có ghét có, không ngừng liên tiếp thay nhau hay chen nhau xuất hiện rồi biến mất..” Cũng vậy, một kẻ phá nhà trong quá trình hành động, tâm của kẻ ấy cũng diễn biến như trên; đồng thời nếu hành động phá nhà làm xong mà hối hận, thì quả trổ sẽ khác đi… Hoặc người phá nhà chỉ đi phá nhà vì thi hành lệnh của cấp trên, thì tâm người phá chỉ chấp hành, chứ không cố ý, nghiệp của họ hoàn toàn khác nữa. Không như nhà sư kia giảng giải một cách ngây ngô như vậy.
Hoặc luận bàn thêm, khi một người phá nhà người khác, là mang tâm sân hận, tức gieo xuống cánh đồng tâm bằng hạt giống sân. Đến kiếp hiện tại, làm thợ hồ xây nhà người khác, anh ta đi làm vì mưu sinh, thì xây nhà vì tiền là có tâm tham và khát ái sinh tồn. Như vậy “hạt giống” sân của quá khứ sao lại trổ ra quả tham v.v…
Trong giáo lý căn bản về Nghiệp của Phật giáo, không có hành động nào với sự cố ý mà không đưa đến hậu quả tương xứng nhất định. Động lực của hành vi luôn luôn là ý chí (cetanā). Hoạt động của ý chí ngang qua sự biểu hiện của thân và ngữ. Khi ý chí đạt đến mục đích mà nó mong muốn, bấy giờ nghiệp đạo căn bản được thành tựu. Nhưng quá trình của bất cứ hành vi nào thuộc thân hay thuộc ngữ, bao giờ cũng phải đi qua ba giai đoạn.
1. Giai đoạn thứ nhất gọi là gia hành của nghiệp đạo (prayoga-karmapatha), hay gọi tiền phương tiện (sāmantaka), tức giai đoạn chuẩn bị cho hành động. Như một người muốn đi phá nhà ai, chuẩn bị dụng cụ, súng, dao, búa v.v… với cả tâm sân hận.
2. Giai đoạn thứ hai là căn bản của nghiệp đạo (mula-karmapatha), lúc mà hành vi đạt đến mục đích mong muốn. Là việc phá nhà đã xong.
3. Giai đoạn cuối cùng là hậu khởi của nghiệp đạo (pṛṣṭha-karmapatha), tức sự tiếp diễn của hành động sau khi căn bản nghiệp đạo đã thành tựu. Như người phá nhà kia, làm xong với tâm vui thích hả dạ, hay hối hận, ray rứt.
Tóm lại, “Cái mà người ta gọi là kết quả hay quả báo của nghiệp, từ chính xác trong kinh điển là vipāka, Hán dịch là dị thục, nghĩa là sự nấu chín, hay quá trình nấu chín… trong khi nấu, tùy theo sự can thiệp với lượng nước, nhiệt độ, thời lượng các thứ, gạo có thể thành cơm mà cũng có thể thành thứ khác không phải là cơm…” (Tổng quan về nghiệp, tr. 36).
Những câu chuyện xảy ra trong xã hội đương thời, liên quan đến “nghiệp” hay “nhân-quả”, tác phẩm Tổng quan về nghiệp có thể giúp chúng ta giải nghi được phần nào. Vì đây là lý thuyết y cứ vào luận giải của các nhà Phật học Đại thừa, Duy thức tông thuộc hệ Du-già hành (Yogacāra) và các bộ phái A-tỳ-đàm, nó không phải là một cuốn tiểu thuyết lãng mạn.
Thời ngài Huyền Trang, Nghĩa Tịnh ở Trung Hoa, các ngài học Phật, thấy rằng kinh điển ở trong nước chưa đủ bổ túc cho kiến thức dịch và giảng dạy, các ngài đã lặn lội sang Tây Trúc du học. Các ngài không dám đem tự ngã ra để “vẽ ma vẽ quỷ”, đánh liều giảng dạy cho tín đồ. Chúng ta nếu không phải là Lục tổ Huệ Năng thứ hai, thì đừng kiêu căng bất chấp sách vở, cho rằng bổn tính trong sáng có thể giác ngộ, “bất lập văn tự”. Theo tôi, nhà sư nào muốn “xuống núi” lãnh đạo, giảng dạy cho tín đồ nên nghiên cứu kỹ các Luận thư của hai hệ văn hiến Nam truyền Thượng tọa và Hữu bộ. Luận thư của Nam truyền: (1). Dhammasaṅganī (Pháp tập luận); (2). Vibhaṅga (Phân biệt luận); (3). Dhātukathā (Giới luận)… Luận thư của Hữu bộ, Tập dị môn túc luận (集異門足論, saṃgītiparyāyapāda-śāstra), Pháp uẩn túc luận (法蘊足論, dharmja-skandha-pāda), Thi thiết túc luận (施設論 [施設足論], Prajñapti-śāstra)… Tối thiểu những Luận thư này giúp cho giảng sư một kiến thức Phật giáo tiêu chuẩn căn bản để ra hành đạo. Ở đây, tôi giới thiệu sơ lược tác phẩm A-tỳ-đạt-ma Tập dị môn túc luận bản Việt dịch. Năm 2019, thầy Nguyên An dịch bản Hán, thầy Tuệ Sỹ đối chiếu Phạn-Hán, cả bản tiếng Đức của bà Valentina Stache-Rosen (1925-1980) in trong tập Das Saṅgītisūtra und sein Kommentar Saṅgītiparyāya để chú giải bản Việt. Bản tiếng Đức so sánh Tập dị môn túc luận với bản Chúng tập kinh (Saṅgītisūtra) trong Trường A-hàm (佛說長阿含第二分眾集經第五). Đây cũng là lý do mà thầy khích lệ tôi cố gắng tìm hướng sang Châu âu học ngôn ngữ Đức và Pháp.
Tác phẩm Tập dị môn túc luận bảo lưu, giải thích nhiều thuật ngữ Phật giáo thời kỳ đầu và chỉ dạy phương pháp tu thiền, một bộ luận có giá trị giáo tài cho những ai muốn thâm nhập Phật học. Với khối lượng kiến thức cũng như thuật ngữ, tôi xin trích dẫn một vài từ phổ thông mà lâu nay nhiều người vẫn chưa hiểu rõ. Ví dụ từ học xứ (śikṣāpada), trong Tập dị môn (theo bản Hán trang 417b01) ghi:
“Thế nào là điều học? Đáp: Học xứ được các đức Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, chánh tri, chánh kiến thi thiết (quy chế). Đây gọi là điều học. Như nói, ‘Tôi học như vậy, tôi học điều này, thì không thể chứng đắc lí và thiện pháp. Tôi học như vậy, tôi học điều này, có thể chứng đắc lí và thiện pháp’.”
Học xứ (學處) chính là chỉ cho 5 giới, 8 giới (Bát quan trai) cho cư sĩ tại gia; 10 giới của sa-di, sa-di-ni; giới tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni… Từ Phạn: śikṣāpada, khi dịch sang Hán, nhiều dịch giả muốn người học dễ hiểu mới dịch thành chữ “giới” (戒). Riêng trong Tập dị môn, ngài Huyền Trang trung thành với ngữ nghĩa Phạn, ngài dịch là học xứ, vì từ học xứ mới đúng ý nghĩa về những điều quy chế do Phật ban định. Do luật Phật chế không phải hình phạt theo nghĩa “trả thù” như luật xã hội thế gian, mà yếu tính là cứu độ, nâng đỡ người tu học khi sa ngã, nên “học xứ” có nghĩa cần phải học, học mãi, dành cho ai lầm lỡ sai phạm có thể sám hối, tiếp tục học để đạt đến mục đích của Thánh đạo. Và từ “học xứ” còn có ý nghĩa, người thọ trì hay học theo đó có thể tăng thượng giới (adhiśīlaṃ śikṣa), tăng thượng tâm (adhicitta-śaikṣa) và tăng thượng tuệ (abhiprajñā-śaikṣa). Tạp A-hàm quyển 29 (雜阿含經, T02n99, p. 212c8; Pāli, A 3. 83 Vajjiputta) kể: “Đức Phật ở tại thôn Bạt-kỳ… thuyết hơn 250 giới, khiến cho tộc tánh tử (kula-putra/thiện nam tử) cứ mỗi nửa tháng đến thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa tu-đa-la (Pātimokkha sutta)… Phật bảo: ‘Ngươi tùy thời mà học tăng thượng giới, học tăng thượng tâm, học tăng thượng tuệ…’… Tôn giả Bạt-kỳ Tử lãnh hội lời Phật dạy… nơi chỗ vắng tinh tấn tư duy… chứng A-la-hán.”
Trong dòng chảy tâm thức của nhân loại từ xa xưa và cho đến nay luôn chia thành hai hướng, một hướng chảy theo dòng chảy Luân hồi (Saṃsāra), là số chúng sinh tâm tư cấu bẩn phiền não, ngụp lặn trong bùn lầy ố trược. Hướng khác lưu chảy về Niết-bàn (Nirvāṇa), đây chỉ cho lớp người vượt thoát sinh tử, điều chỉnh ngã thức, chế ngự cảm xúc vị kỷ thô lậu. Lớp người này trong Tập dị môn gọi là “người đã qua bờ bên kia” (到彼岸補特伽羅. Pāli: tiṇṇo pāraṅgato thale tiṭṭhati brāhmaṇo). Nói chung, cả người xuất gia và tại gia, muốn qua bờ kia đều phải học, học có kiến thức để biết hành trì đúng, giảng dạy đúng, không ai “đáo bỉ ngạn” (qua bờ kia) mà không học.
Ngày 22 tháng hai, Giáp thìn
Tâm Nhãn