Tuệ Sỹ và “Triết học về tánh Không”

TUỆ SỸ VÀ TRIẾT HỌC VỀ TÁNH KHÔNG
(Tưởng niệm bách nhật Ân sư)

Bất độc “Dịch” bất túc dĩ giải thiên địa (不读‘易’不足以解天地) – Không đọc kinh Dịch thì không đủ kiến giải về lẽ đất trời.

đây, tôi không ca ngợi hay đặt tác phẩm kinh Dịch của Trung Hoa lên hàng đầu trong việc nghiên cứu, nhưng ai chưa từng đọc nó thì không thể hiểu được thầy Tuệ Sỹ nói gì khi “nghiền ngẫm” Lời tựa trong quyển “Triết học về Tánh Không” của thầy viết.

“Đây là sự tựu thành của một cơn mưa như thác lũ, khi con bướm mùa hè đã chịu khép lại đôi cánh mỏng để lắng nghe trong thầm lặng hơi thở của cỏ nội… Đó là một thái độ bướng bỉnh, không chịu tiến từng bước vững chắc như những đợt nhảy của con chim hồng: Nhảy bên bờ nước, nhảy đến tảng đá, nhảy trên đất cạn, nhảy lên cành cây, nhảy lên gò cao và cuối cùng bay trong thương khung để lông cánh làm đẹp cho bầu trời. Chờ đợi trong sự bế tắc là những bước thụt lùi của con chim hồng, từ trên cành cây rơi trở xuống đất cạn. Từ trên cành cây rơi trở xuống đất cạn để chập chững như cưu mang một cái gì đó có vẻ ngược ngạo; đó là sự tiến tới bằng những bước thụt lùi, bởi vì thuận theo sự bế tắc. Mượn một kinh nghiệm tư tưởng để nói về một kinh nghiệm tư tưởng, đó là một sự vay mượn nghịch lý ngang ngược: vay mượn đã là một điều bất khả. Bất khả cho nên bế tắc. Bế tắc cho nên không thể tìm thấy một lối trung chính để vào tư tưởng.”

Văn trên, thầy vay mượn quẻ Phong sơn tiệm, ý nghĩa “từ từ, thong thả” và Thiên địa bĩ “bế tắc không thông” để nói lên, cái bế tắc của kẻ tầm đạo đi đến chỗ cực cùng quẫn bách sẽ bừng ngộ ngay giây phút cuối. Như tìm giác ngộ mà lìa thế gian tựa hồ tìm lông rùa, sừng thỏ. Đừng ảo tưởng tìm hạnh phúc ngoài ưu phiền, khổ não. Đọc “Triết học về Tánh Không”, đọc xong bỏ sách xuống, hãy trầm tư hàng ngàn giờ, tri hành hiệp nhất, họa hoằn mới hiểu thấu “Tánh không luận là gì?” là “Khi con bướm mùa hè dừng lại trên đóa hoa, khép lại đôi cánh, và đong đưa theo cơn gió của cỏ nội hoa ngàn…”

Hiểu Tánh Không phải hiểu lý Duyên khởi, kiến lập trên “Chân Không” và “Diệu Hữu”, đừng hiểu nó là loại chân lý nói đến sự trống rỗng, mọi thứ quy về không (emptiness). Nhìn một chiếc xe đạp, thấy nó hiện hữu, nó có là do nhiều bộ phận cấu trúc thành chiếc xe; cái “có” này là giả, không thật bởi nhiều thứ tập hợp. Song, hành giả muốn chứng ngộ “Tánh Không” đừng phủ nhận hay tách rời những thứ “có” giả lập kia. Độc giả đi vào “Chương tổng quát – Tiểu dẫn về lịch sử tư tưởng tánh Không”, sẽ tỏ minh bởi thể nghiệm của người viết: “Trong phương tiện, trong dữ kiện thường nghiệm, hữu (có) là giả danh. Trong cứu cánh, tính thể của hữu là tánh Không.”

Do không liễu tri về “Tánh Không” mà Vātsīputrīyā (Độc tử bộ) chủ trương có một Bản Ngã (Pudgala) tồn tại, sau khi tan rã ngũ uẩn, chính nó dẫn đi tái sanh. Đức Phật luôn phản đối chủ trương Bản ngã thường tại, Ngài dạy: “Có tác nghiệp nhưng không có tác giả và thọ giả” (xem Chương tổng quát – Tiểu dẫn về lịch sử tư tưởng tánh Không). Như bộ máy computer, gắm điện vào, có dòng điện, bắt đầu dữ liệu trong ổ cứng được truy xuất thông qua trung tâm xử lý, kết hợp cùng thao tác của con chuột và bàn phím, tất cả được trình hiện trên màn hình với vô số cảnh tượng. Tức con người hoạt động bởi căn, cảnh, thức – tổ hợp nhiều yếu tố, không có “Cái Ngã” (ego) nào ở đây.

“Trong mọi trường hợp, đối với chúng ta, tánh Không luận chỉ mới được hiểu như là một phương thức tư tưởng, một phương tiện diễn đạt; hay nói gọn, nó chỉ là một pháp thức luận lý nào đó. Nếu ta coi nó như là ngón tay chỉ mặt trăng, vậy thì mặt trăng đang lơ lửng ở phương nào? Trước câu hỏi ấy, ta lại đối đầu với một hư vô luận nữa. Tánh Không là phương tiện; nhưng tánh Không cũng là cứu cánh. Đấy là tánh ‘Không’ duy danh luận trong một lãnh vực ‘Hữu’ toàn diện? Hay đấy là một thứ hư vô luân triệt để, từ đầu đến cuối?”

Tác giả bài viết (thứ hai từ phải) và Ôn Tuệ Sỹ

Nhân lễ bách nhật của Ân sư, học trò bạo gan đem chút tri kiến thiển cận bình giải vài đoạn trong tác phẩm “kinh điển” mà Ân sư biên soạn lúc tuổi Hoa niên chí khí hạo nhiên. Mượn chữ tỏ lòng, tri ân người thầy trong đạo đã dìu dắt kẻ hậu học.

4 tháng 3, năm 2024
Tâm Nhãn

Tác phẩm do Hương Tích ấn hành, xem chi tiết tại đây.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

1 Comment
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Phi Danh Tử
Phi Danh Tử
9 tháng trước

Việc đăng kiến giải về cách viết của một vị Thầy, nhất là một vị thâm tu, có thể thể xảy ra (theo Duyên khởi) các trường hợp:
Do việc lấy tâm, khẩu, nghiệp của người kiến giải để khẳng định ý tưởng của nguyên tác có thể khiến cho câu chữ nguyên thủy sẽ “được/bị hiểu” theo cách hiểu người kiến giải (nó có thể làm thật nghĩa trở nên rộng ra, thu hẹp, uốn éo, hay y nguyên – Nhưng nếu nó y nguyên thì mắc mớ gì phải kiến giải?). Do chính điều này, mà Phật giáo có nhiều tông phái khác nhau để hiểu Duyên khởi và Tánh Không của đức Phật mọt cách đặc trưng mà người chưa được học đủ khó lòng thấu hết. Cho nên, liệu kiến giải của 1 người học trò có đủ chín mùi để “thay thế” cho dòng văn của ông thầy hay không là vẫn rất cần được soi rọi cẩn trọng.
Liệu rằng tri kiến được cho là thấu hiểu 1 đoản văn của người có đủ để hiểu thấu hết ý tưởng nào đó của trước tác, có chăng cần xem lại xem đó có ẩn chứa một sự cao ngạo quá mức? Chẳng hạn, 1 việc nhỏ thôi, nếu 1 cái ngã “thầm lặng” khiến cho mỗi lần viết bài là cố kiếm ảnh chụp của cái bản lai diện mục của “ta” để khoe ra cho mọi người xem thì liệu làm sao để tìm đến vô ngã (Tánh Không của tâm) đây? Cũng giống như chỉ lấy 1 ly nước biển ở 1 nơi nhỏ nhắn như Hạ Long rồi kết luận cả đại dương sẽ có cùng độ mặn như ở Hạ Long … Còn nếu nói rằng ta biết dủ và đúng thì hóa ra mình là nguyên tác hay hiểu thấu ý hơn cả ý của nguyên tác? Vậy chắc mình có đại tha tâm thông? Đường nào cũng tháy cái ngã to đùng.
Nói gọn 1 câu: Khi ông Phật thành đạo thì hình như Ông ấy chưa bao giờcần phải chưa ý của “Kinh Dịch”, vậy chả nhẻ sau này, nguyên tác cần đến kinh Dịch để hiểu Phật học hay phải cần kinh dịch để diễn lại cái vốn không cần Kinh dịch (chưa kể có đến cả vạn phương tiện để trình bày ý, mắc mớ gì phải mượn cái đi sau hẹp hơn vốn có nhiều giới hạn để miêu tả cái đi trước vốn rộng bao la không có ngằn mé) … Coi bộ có vấn đề ở đây. Tui hỏng tin như vậy. Có chăng nguyên tác muốn mượn cọ vẽ tả tâm ý nào khác? Dẫu sao ngôn ngữ vẫn chỉ là 1 dạng biểu tượng để giúp hiểu đúng về Duyên khởi. Cho nên, nói khác hơn cứ gán ghép kinh dịch vào mọi nơi mọi chỗ coi bô .. tội nghiệp cho Tuệ Sỹ quá đi.
Đây chỉ là những ý khách quan mong mỏi sự thấu tâm học hỏi tốt hơn cho người vẽ tranh, có khi hiểu thì tốt không cũng tốt.

Kính chúc tâm an.