* Một số gợi nhớ về Ôn Đỗng Minh:
(Xem thêm: “Hương khói trần gian cứ bay đi một phút thiên thu còn mãi“)
- “Trong lòng thầy luôn coi Ôn Đỗng Minh là ân nhân cứu mạng mình. Chính Ôn Đỗng đã sắp xếp cho thầy dạy học tại trường Cơ bản, bắt đầu lớp dịch thuật của chúng tôi.”
- “Năm Ôn Đỗng Minh viên tịch, thầy thay mặt Tăng ni Phật học viện Trung phần Hải Đức và Viện cao đẳng Phật học Hải Đức – Nha Trang, viết điếu văn tưởng niệm Ôn…”
- “Khi việc biên tập Linh sơn pháp bảo đại tạng kinh hoàn tất, công viên quả mãn, thầy Bảo Quang về ở ẩn tại chùa Linh Ứng đỉnh Bà Nà, Đà Nẵng. Lâu lâu vào thăm Ôn Đỗng Minh, Ôn hỏi việc tu thế nào.”
* TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG LUẬT SƯ THÍCH ĐỖNG MINH (*)
(*) Từ lúc Hòa thượng cát tường viên tịch, tiểu sử của Hoà thượng được tập thành viết lại có nhiều nhầm lẫn. Nhân dịp kỷ niệm “Đệ ngũ chu niên”, Ban phiên dịch Pháp tạng Phật giáo Việt Nam – 19 tháng 2 Đinh Hợi (2007), Ban biên tập quyết định sửa lại cho hoàn chỉnh, để người sau tiện việc nghiên tầm, tra cứu.
1. THÂN THẾ
Hòa thượng họ Đỗ, húy Châu Lân, sinh năm Đinh Mão (1927), tại thôn Quan Quang, xã Nhơn Khánh, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Thân phụ là cụ ông Đỗ Hoạch, thân mẫu là cụ bà Trần Thị Tú. Gia đình gồm có năm người con, hai trai, ba gái, hòa thượng Thích Đỗng Quán thứ ba, ngài thứ tư.
Gia đình ngài đời đời thuần tín Tam bảo. Cha mất sớm, được mẹ chăm lo dạy dỗ. Với bẩm tánh thông minh và hiếu học, năm 11 tuổi ngài thi đậu bằng Yếu Lược, việc này chưa từng xảy ra tại quê ngài, nên đích thân Lý trưởng đến thăm và chúc mừng. Đó là một vinh dự cho gia đình và quê hương ngài lúc bấy giờ.
2. XUẤT GIA HỌC ĐẠO
Vốn có sẵn hạt giống Bồ-đề, túc duyên Phật pháp, năm 13 tuổi, ngài xuất gia với đại sư Chơn Quang – vốn là chú ruột, tại chùa Khánh Vân, thôn Văn Quang, xã Phước Quang, tỉnh Bình Định. Sau đó, ngài được Hòa thượng chùa Thiên Hưng đưa vào Phan Rang và trao cho hòa thượng Huyền Tân chùa Thiền Lâm làm đệ tử với pháp danh Thị Khai, tự Hạnh Huệ, hiệu Đỗng Minh, thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 42.
Năm Quý Mùi (1943), ngài thọ Sa-di giới tại Đại giới đàn Thiên Đức – Bình Định, do Quốc sư Phước Huệ chứng minh.
Năm 19 tuổi (1946), Hòa thượng được Bổn sư cho thọ Đại giới tại Đại giới đàn chùa Thiên Bình – Bình Định. Ngài Huệ Chiếu chùa Thập Tháp làm Đàn đầu Hòa thượng, với tuổi 19 thì chưa đủ tuổi theo Luật định nhưng với thiên tư đĩnh đạc ngài được Bổn sư đặc cách và Hội đồng Thập sư hoan hỷ chấp thuận.
Sống trong cảnh nước mất nhà tan, như bao thanh niên khác, ngài đã tham gia Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Ninh Thuận với cương vị Chủ tịch. Tuy lo việc nước nhưng ngài luôn giữ vững sứ mệnh xuất gia học đạo của mình.
Năm 23 tuổi (Canh Dần – 1950), ngài được Bổn sư cho ra tu học tại Tăng học đường Nha Trang, lúc ấy có danh xưng là Tăng học hường Nam phần Trung Việt, đặt tại trường Bồ-đề Nha Trang, do hòa thượng Thích Thiện Minh làm giám đốc.
Năm 1954, ngài được Ban giám đốc Tăng học đường cử vào Sài Gòn học các nghề y tá, bào chế hóa chất… để bổ sung cho y phương minh, công xảo minh… làm tư lương hành đạo sau này.
Năm 1955, ngài xin ra Huế tham học với các ngài Thích Đôn Hậu, Thích Thiện Siêu, Thích Trí Quang để hoàn tất chương trình Đại học Phật giáo. Trong thời gian này, ngài lưu trú tại chùa Từ Quang.
3. THỜI HÓA ĐẠO
Năm Kỷ Sửu (1949), ngài được Hòa thượng Bổn sư cử giữ chức Thủ tọa (trụ trì) chùa Thiền Lâm – Ninh Thuận.
Năm Canh Dần (1950), khi vào tu học tại Tăng học đường Nha Trang, ngài được Ban giám đốc và đại chúng đề cử giữ chức Thủ chúng để điều hành mọi sinh hoạt của chúng Tăng. Vì thế, Tăng Ni và Phật tử lúc ấy đều gọi ngài là “Thầy Thủ”.
Năm Đinh Dậu (1957), sau khi hoàn tất chương trình Đại học Phật giáo, từ Huế trở về Nha Trang, ngài được Tổng hội Phật giáo Trung phần lúc ấy phân công nghiên cứu, tổ chức thành lập hãng vị trai Lá Bồ-đề để làm kinh tế tự túc cho việc đào tạo Tăng tài. Sau đó hãng này phát triển thêm hai chi nhánh, một tại Sài Gòn, một tại Huế. Nguồn thu nhập tài chánh của ba cơ sở kinh tế này đã giữ một vai trò quan trọng trong việc đào tạo Tăng tài lúc bấy giờ. Ngài đã đảm nhiệm chức vụ Giám đốc cơ sở sản xuất này từ lúc thành lập cho đến lúc chuyển thể.
Cũng trong năm này, Tăng học đường Nha Trang và Phật học đường Báo Quốc – Huế hợp lại thành Phật học viện Trung phần đặt tại chùa Hải Đức – Nha Trang (thường gọi là Phật học viện Hải Đức Nha Trang), do hòa thượng Thích Giác Nhiên làm Viện trưởng, hòa thượng Thích Trí Thủ làm Giám viện và hòa thượng Thích Thiện Siêu làm Giáo thọ trưởng, ngài được mời giữ chức “Trưởng ban kinh tế tự túc” và làm Giáo thọ giảng dạy thường xuyên tại Viện và các Phật học viện phụ cận trong những năm sau đó.
Năm Quý Mão (1963), ngài là thành viên Ủy ban bảo vệ Phật giáo tại Nha Trang – Khánh Hòa, cùng với Tăng, Ni và Phật tử vận động tranh đấu, chống lại chính sách kỳ thị và đàn áp tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Năm Đinh Mùi (1967), Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mời ngài giữ chức đại diện miền Khuông Việt, gồm các tỉnh Cao nguyên Trung phần.
Năm Mậu Thân (1968), ngài giữ chức Vụ trưởng Phật học vụ thuộc Tổng vụ Giáo dục Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, điều phối và chăm sóc các Phật học viện toàn miền Nam lúc bấy giờ.
Năm Canh Tuất (1970), Phật học viện Hải Đức – Nha Trang mở lớp chuyên khoa Phật học, ngài được mời giữ chức Giám học, lo đôn đốc việc tu học của Tăng Ni sinh.
Ngày 19 tháng 9 năm Quý Sửu (1973), ngài cùng với Trưởng lão hòa thượng Thích Trí Thủ mở Đại giới đàn Phước Huệ cho Tăng Ni từ Quảng Trị trở vào Nam thọ giới – đây là giới đàn lớn nhất. Hội đồng Thập sư được cung thỉnh từ Trung vô Nam và Đại lão hòa thượng Thích Phúc Hộ làm Đàn đầu Hòa thượng.
Năm Giáp Dần (1974), Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức – Nha Trang thành lập, do hòa thượng Thích Thiện Siêu làm Viện trưởng, ngài giữ chức Phó viện trưởng điều hành, theo dõi chăm sóc mọi sinh hoạt của Viện.
Từ ngày thành lập Phật học viện đến Viện Cao đẳng, ngài và hòa thượng Thích Trừng San là hai trợ lý đắc lực cho hòa thượng Giám viện Thích Trí Thủ.
Đầu năm Mậu Ngọ (1978), ngài vào Sài Gòn dự tang lễ đức Phó Tăng thống GHPGVNTN, trên đường về thì ngài mắc nạn, rồi bị giam giữ tại Nha Trang gần hai năm. Đây là một khổ duyên giúp cho ngài tăng trưởng nhẫn nhục Ba-la-mật… Trong thời gian này, ngài đã chú tâm tu niệm và dịch thuộc lòng bộ Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu (gồm 4 quyển) ra văn vần.
Năm Tân Dậu (1981), Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập, ngài được mời làm Đại biểu tham dự Đại hội Phật giáo tại thủ đô Hà Nội.
Năm 1982 và năm 1983, ngài an cư và dạy Luật tại tu viện Quảng Hương Già-lam và Trường cao cấp Phật học Vạn Hạnh. Và ngài được mời làm Thành viên Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương trong suốt 4 nhiệm kỳ.
Năm 1990, trường Cơ bản Phật học tỉnh Khánh Hòa thành lập, ngài được cung thỉnh giữ chức Giáo thọ trưởng và giảng dạy cho trường.
Năm 1991, Phân viện Nghiên cứu Phật học Hà Nội mời ngài vào Hội đồng phiên dịch Luật tạng Phật giáo Việt Nam.
Từ năm 1993 đến 2001, ngài được cung thỉnh làm Tuyên luật sư cho các Đại giới đàn Trí Thủ I (1993), II (1997) và III (2001) tại chùa Long Sơn, Nha Trang – Khánh Hòa.
Năm Ất Hợi (1995), được sự tài trợ của hòa thượng Thích Tịnh Hạnh ở Đài Loan, ngài tổ chức một lớp đào tạo phiên dịch cho Tăng, Ni. Sau đó, tiếp tục hướng dẫn Tăng Ni, Cư sĩ dịch được nhiều bộ kinh trong tạng Đại Chánh Tân Tu, đồng thời ngài chứng nghĩa tất cả các bản dịch.
Năm Bính Tý (1996), ngài được cung thỉnh làm Tuyên luật sư cho Đại giới đàn Thiện Hòa tại Đại Tùng Lâm tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Năm Đinh Sửu (1997), ngài được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong Hòa thượng và suy tôn vào Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm Tân Tỵ (2001), trong Đại hội nhiệm kỳ III, Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa cung thỉnh ngài làm Chứng minh và cố vấn cho Tỉnh hội, đồng thời thỉnh ngài làm cố vấn cho Ban Tăng sự và Ban giáo dục Tăng Ni của Tỉnh hội.
Năm Nhâm Ngọ (2002), được sự hỗ trợ của các pháp hữu ở hải ngoại, ngài vận động thành lập Ban phiên dịch Pháp tạng Phật giáo Việt Nam và giữ trách nhiệm Trưởng ban; từ đó đến nay, đã dịch được nhiều kinh sách và lưu hành rộng rãi cả trong nước lẫn ngoài nước.
Năm Quý Mùi (2003), Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam mời ngài giữ chức Phó Viện trưởng.
4. PHIÊN DỊCH LUẬT TẠNG
Vì bản hoài sách tấn Tăng, Ni nghiêm trì giới luật, thể hiện đạo phong Trưởng tử Như Lai, phụng sự đạo pháp nên từ lâu ngài đã dụng công nghiên cứu Luật tạng và từ năm 1978 đến nay, ngài đã phiên dịch những bộ quảng luật thuộc hệ thống Luật tạng thuộc Đại Chánh Tân Tu – Đại Tạng Kinh như:
1. Tứ phần luật (60 quyển) Hán dịch: Diêu Tần – Phật-đà-da-xá và Trúc Phật Niệm, Đại Chánh 22n1428.
2. Di-sa-tắc bộ hòa hê ngũ phần luật (30 quyển) Hán dịch: Lưu Tống – Phật-đà-thập cùng Trúc Đạo Sinh, Đại Chánh 22n1421.
3. Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da (50 quyển) Hán dịch: Đường – Nghĩa Tịnh, Đại Chánh 23n1442.
4. Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ Bí-sô-ni tỳ-nại-da (20 quyển) Hán dịch: Đường – Nghĩa Tịnh, Đại Chánh 23n1443.
Ngoài ra, ngài còn dịch các bộ:
– Trùng trị tỳ-ni sự nghĩa tập yếu (19 quyển, bản Biệt hành), Sa-môn Trí Húc biên soạn.
– Tỳ-kheo giới bổn sớ nghĩa (02 quyển, bản Biệt hành), Sa-môn Truyền Nghiêm tập thuật.
Và biên soạn:
– Bộ Luật tiểu (04 quyển) ra văn vần.
– Nghi thức truyền giới.
5. VIÊN TỊCH
Cuộc đời ngài với nhiều sóng gió, đến lúc già mới có phần nhẹ nhàng. Nhưng với nếp sống nghiêm túc, khắc kỷ và tuổi già sức yếu do bao gian nan thời niên thiếu, ngài lâm trọng bệnh. Thân tuy bệnh nhưng tâm ngài luôn an nhiên tự tại, biết ngày về với Phật không còn lâu, ngài đã sắp xếp việc phiên dịch, việc sử dụng tịnh tài dùng trị bệnh của ngài còn lại, duy trì và phát huy giới luật khuyên thị giả cố gắng nối tiếp công việc này. Có lần thị giả hỏi: “Ôn còn gì dặn dò?”, ngài đáp: “Những gì cần làm tôi đã làm, có gì nữa để dặn dò”, từ đó ngài nhiếp tâm niệm Phật.
Ngày 11 tháng 5 Ất Dậu (17-6-2005), ngài yếu dần, bảo thị giả đưa lên giường nằm. Đến 18 giờ 35 phút, ngài an nhiên xả báo thân trong tư thế cát tường.
Trụ thế 79 năm, 60 hạ lạp, cả cuộc đời ngài là một bài học về thân giáo, ngài luôn thể hiện lối sống của một bậc chân tu, thiểu dục tri túc, giới đức tinh nghiêm, gắn liền đời sống của mình với sự nghiệp giáo dục đào tạo Tăng tài. Mặc dù về già, ngài chuyên về dịch thuật nhưng vẫn luôn hướng dẫn và khích lệ đàn hậu bối dịch thuật là cũng nhằm mục đích tu học.
Hôm nay, ngài không còn nữa, nhưng tấm gương nghiêm trì giới luật, tinh tấn tu hành, tiếp dẫn hậu lai mãi mãi chiếu tỏa sáng ngời, để đàn hậu tấn noi theo. Chúng con xin nguyện cố gắng hết sức mình để nối tiếp tâm nguyện của ngài trong việc hoàn thành kho Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam.
Nam Mô Tự Lâm Tế Chánh Tông, Tứ Thập Nhị Thế, Ninh Thuận Thiền Lâm Phó Pháp, Khánh Hòa Long Sơn Hóa Đạo, Húy Thượng Thị Hạ Khai, Tự Hạnh Huệ,
Hiệu Đỗng Minh Hòa Thượng Giác Linh.
* TRIẾT HỌC LUẬT TÔNG VÀ TINH THẦN THƯỢNG TÔN GIỚI LUẬT
Tưởng niệm Tôn sư Tuyên luật sư Thích Đỗng Minh [ngày 11 tháng 5, Ất dậu – 11 tháng 5, Giáp thìn]
– Thích Tâm Nhãn
1. Triết học luật pháp xã hội dân sự:
Hai bé gái sáu tuổi, Margie và Natasha, đang tranh cãi về một tòa lâu đài bằng cát chúng xây trên bãi biển. Natasha bảo Margie, “Tớ không cho cậu chơi với tòa lâu đài bằng cát của tớ. Tớ đã mất nhiều công đắp nên nó, vì thế nó là của tớ.” Margie cãi lại, “Cát không là của ai hết. Dĩ nhiên nó không thuộc về cậu. Hơn nữa, lúc này chúng ta không ở trường nên không có luật lệ gì cả. Nếu cậu không để tớ chơi với cái lâu đài cát này, tớ sẽ gõ đầu cậu đấy.” Natasha dọa lại ngay, “Nếu cậu gõ đầu tớ thì tớ sẽ bảo chị tớ nhéo mũi cậu.” [1]
Xem thêm:
Theo lý luận của Margie, con người có thể làm theo ý chí tự do như trong bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ tuyên bố năm 1776: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. [2]
Khi bàn về tự do của công dân, Montesquieu đã viết: “Tự do, với ý nghĩa triết học, là được thực hiện ý chí của mình… Nhưng tự do chính trị tuyệt đối không phải muốn làm gì thì làm. Trong một nước có luật pháp, tự do chỉ có thể được làm những cái nên làm và không bị ép buộc làm điều không nên làm… Nếu một công dân làm điều trái luật thì anh ta không còn được tự do nữa, vì nếu để anh ta tự do làm thì mọi người được làm trái luật cả” [3] Nghĩa là một khi ai đó phủ nhận tính hữu ích của pháp luật, và hành vi của họ gây tổn hại rõ ràng hay có nguy cơ gây tổn hại rõ ràng, dù là tổn hại cho cá nhân hay cho cộng đồng, thì trường hợp đó phải được đưa ra khỏi địa phận quyền tự do và đặt vào địa phận đạo đức hay pháp luật.
Vậy Natasha là chủ sở hữu tòa lâu đài cát, cũng thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ và chi phối tài sản của mình, như thế đúng với pháp luật chưa, có trái với đạo đức xã hội không?
Jean-Jacques Rousseau phát biểu một câu nghe vô cùng kỳ lạ: “Một dân tộc chỉ nổi tiếng khi nền luật pháp của họ bắt đầu thoái hoá.” Và ông phân tích hệ thống luật pháp thành bốn phần: Thứ nhất là luật Căn bản (luật Chính trị) là luật dùng điều hành mối quan hệ giữa Hội đồng tối cao đối với quốc gia, cùng tương quan với nhiều cơ quan trung gian. Thứ hai, luật Dân sự là tương quan giữa các thành viên và mỗi công dân cũng lệ thuộc vào cộng đồng. Thứ ba, là luật Hình sự, là mối quan hệ giữa sự bất tuân luật pháp và các biện pháp chế tài; biện pháp chế tài nhằm ngăn chặn sự vi phạm các luật lệ khác. Cuối cùng là luật lệ quan trọng nhất, dù không được khắc trên bia đá hay bảng đồng nhưng ở trong tim của tất cả mọi công dân, đó là nguyên tắc đạo đức. [4]
Về nguyên tắc đạo đức, John Stuart Mill nói: “Một chân lý về đạo đức hay sự chín chắn phải cần một khoảng thời gian và lượng trải nghiệm nhất định nào đó đã được thiết lập, để mong muốn ngăn chặn cho thế hệ này kế tiếp thế hệ khác khỏi bị rơi từ trên cùng một bờ vực”. [5] Tức những hiện tượng phát triển tự nhiên trong xã hội không phải lúc nào cũng tốt đẹp từ lương tâm trong sáng thánh thiện của mỗi con người, mà phải cần đến luật lệ đồng hành mới kiện toàn hoàn thiện dần.
2. Nguyên tắc sống của cộng đồng Tăng-già và Phật tử tại gia:
Thảo bàn đến giới luật của Phật giáo. Giới luật Phật giáo chia làm hai loại khác biệt, một dành cho cư sĩ Phật tử tại gia, hai dành cho chúng xuất gia. Về ý nghĩa cơ bản, giới là những hành vi thực hiện bởi thân, ngữ và ý, thiện hay bất thiện, tác thành nhân cách, tác thành phẩm giá của một con người. Phẩm giá nhân cách ấy định hướng thăng trầm hay đọa lạc trong chuỗi tái sinh tiếp nối.
Sau khi đức Phật thành đạo (tương đương năm 1123-256 trước Tây lịch, triều đại nhà Châu Trung Hoa), [6] Ngài độ nhóm A-nhã Kiều-trần-như (Aññāta Koṇḍañña) 5 người, nhóm anh em Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp (Uruvela-kassapa), Xá-lợi-phất, Đại Mục-liên v.v. Lúc này những vị Thánh đệ tử đầu tiên của Phật, họ đã chứng nghiệm chân lý, và giới thể tỳ-kheo vận hành nơi mỗi người một cách tự nhiên, gọi là “kiến đế đắc giới”, đắc giới do chứng ngộ bốn Thánh đế, không ai thọ giới cả. Tuy nhiên, nhóm Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp trước khi cải đạo theo Phật, họ thuộc phái tu khổ hạnh bện tóc không bao giờ cắt, gọi là “Loa kế phạm chí 螺髻梵志” (Phạm-chí búi tóc hình con sò, Pāli: jaṭila), họ có đồ chúng riêng, khi được Phật độ, số đệ tử đi theo lên đến cả ngàn người [7]. Trong số ấy có rất nhiều người chưa đạt đến Thánh đạo, sinh hoạt của họ bộc lộ khá nhiều khuyết điểm khiến cho phẩm giá tỳ-kheo bị hạ thấp, bị ngươì đời chê trách, vì vậy đức Phật bắt đầu quy định những quy tắc sinh hoạt để chỉ dẫn các tỳ-kheo phàm phu những điều không nên làm và những phận sự cần phải làm. Và theo luật Thiện kiến ký tải, đức Phật thành đạo sau 20 năm mới bắt đầu chế giới. Luật Tăng-kỳ lại ghi: Đức Phật ở tại thành Tỳ-xá-ly, sau bữa ăn, Ngài ngồi quay mặt về hướng Đông, lúc bóng xế độ nửa thân người, ngày 12 tháng thứ năm của mùa Đông, sáu năm sau khi thành đạo [8].
Khi những luật lệ được đặt ra, thực tế diễn ra tiếp theo cần có những biện pháp chế tài. Người phạm luật cần được xử trị theo quy định. Chẳng hạn, khi đức Phật nêu ra một việc khuyên dạy các tỳ-kheo không nên làm, những điều đó chưa được quy định thành luật mà chỉ là những điều giáo huấn, nên cũng có trường hợp tỳ-kheo không chấp hành mà không hề bị khiển trách, không hề bị xử trị, cho đến khi nào vị ấy tự thấy chỗ sai lầm của mình và hiểu rõ ý nghĩa điều Phật khuyến cáo không nên làm, bấy giờ tự nguyện sám hối và tự nguyện chấp hành nghiêm chỉnh.
Còn quy tắc sống cho đệ tử tại gia, họ sống cá biệt với gia đình thân quyến của mình không có luật định chế tài nào, ngoài những lời khuyên dạy của Phật nên làm hay không làm gì. Nếu họ thấy không thể chấp hành, thì cũng không có biện pháp cưỡng bức như tỳ-kheo. Luật lệ mà người tại gia cần phải chấp hành, đó là luật quốc gia, và những quy định cá biệt của từng cộng đồng xã hội. [9].
3. Các tông sư Luật tông – duy trì mạng mạch Chánh pháp:
Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ hai, thứ ba trước Tây lịch. Vào buổi sơ khai, nói đến tổ sư đầu tiên trì luật là ngài Khương Tăng Hội (sinh năm 200), sư thọ giới khoảng năm 220. [10] Kế đến tổ Pháp Chuyên (Luật Truyền – Diệu Nghiêm, 1726-1798), bổn sư của ngài Toàn Nhật, dưới thời Tây Sơn.
Về sau, đến thời cận đại: Thế hệ thứ nhất được nói, trong Nam, là các Trưởng lão Hành Trụ, Thiện Hoa. Ngoài Trung có Trưởng lão Đôn Hậu và Trí Thủ. Ngoài Bắc, Trưởng lão Bình Minh và Tổ Tuệ Tạng, Tổ là một trong các bậc Tôn Túc hàng đầu khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo. [11] Thế hệ thứ hai là Hòa thượng Đỗng Minh. Thế hệ thứ ba là Hòa thượng Tuệ Sỹ.
Trong bài “Một thời truyền luật”, thầy Tuệ Sỹ viết: “Sự xưng tán đệ nhất hay đệ nhị ở đây tùy thuộc nhận thức chủ quan, trong ý tưởng đánh dấu khúc quanh chuyển mình của lịch sử Phật giáo Việt Nam, trong đó sự chấn chỉnh chế độ Tăng-già, hoằng truyền Luật tạng là một thạch trụ vững chắc. Việc trì luật và truyền luật là mạng mạch liên tục của sự tồn tại Chánh pháp”. Và theo chúng tôi, những vị tông sư trì luật này ngoài vấn đề gìn giữ mạng mạch, chấn chỉnh chế độ Tăng-già, họ còn đại diện là những vị “Tha-la-tha 他邏咃” (Tăng-kỳ 26, p. 439b22). Tha-la-tha, Phạn ngữ: sthala-stha (sthala-stha-varta); Pāli: thalaṭṭha. Tát-bà-đa tỳ-ni tỳ-bà-sa (9, p. 563c28), gọi là thát-lại-tra-lợi (闥賴吒利, Skt. sthalasthalī), thát-lại (sthala) dịch địa (đất), tra-lợi (stha) dịch là trụ, chỉ cho người trí thắng tự tại đối với chánh pháp bất động, như người đứng vững trên đất không bị nghiêng ngửa. Hoặc Ma-đắc-lặc-già (3, T23n1441, p. 579b18) giải thích: “Thát-lại-tra là người không thiên bên này hay bên kia giữa hai phe nhóm.”
Nói rõ hơn, khi trong Tăng có việc tranh chấp, hoặc gồm các nguyên tắc cử tội tức tố quyền của tỳ-kheo nguyên cáo, và các trường hợp bất phục tức kháng biện của tỳ-kheo bị cáo vân vân; Tăng sẽ chỉ định người đoán sự (斷事, xử lý việc), hay thiết lập ban đoán sự, là bầu những vị Tha-la-tha. Điều này xem ra cũng tương tợ cách tổ chức các cấp tòa án khác trong pháp chế thế tục.
Đối với xã hội Việt Nam trong thời đại mà nếp sinh hoạt tinh thần đạo đức truyền thống của Phật giáo bị suy thoái trầm trọng như hiện nay, thì trong Tăng cần một tỳ-kheo, có uy tín về phẩm chất trí tuệ cũng như tư cách đạo đức, không can sự vào phe nào cả để đứng ra làm trung gian hòa giải là điều cần thiết.
4. Tinh thần thượng tôn giới luật:
Trước năm 75, có một vị Tôn trưởng trong Phật giáo chủ trương “cốt tu tâm, còn giới luật là phụ.” Và muốn sửa đổi giới bổn tỳ-kheo. Thầy Tuệ Sỹ hỏi: “Giới luật Phật chế, sao thầy dám tự tiện sửa?” Vị Tôn trưởng ấy đáp: “Không giữ được, thì nên sửa. Chứ để như vậy làm gì?” Thầy Tuệ Sỹ bảo rằng: “Thầy giữ không được là chuyện của thầy. Ai giữ được, để người ta giữ. Sao thầy lại tự tiện sửa?” [12].
Đến năm 2000, vị Tôn trưởng ấy ấn hành những tập giới luật do chính mình cải biên, gửi cho Hòa thượng Đỗng Minh xem. Hòa thượng Đỗng Minh giật mình trước sự đi xuống của Tăng-già. Hòa thượng soạn một lá thư, đóng góp về việc luật học, muốn vị ấy cần tôn nghiêm trọng thị giới điều Phật chế; Hòa thượng Đỗng Minh dạy tôi cấp tốc gửi cho vị Tôn trưởng ấy. Nhưng mọi thứ đã đi quá xa, giới luật Phật chế bị hạ thấp ngang tầm với thời đại, sao cho hợp “khẩu vị” thì cứu vãn gì được. May thay! Trong những giai đoạn Phật giáo suy vi, có nhiều vị thượng tôn giới luật như Hòa thượng Đỗng Minh, Hòa thượng Tuệ Sỹ còn hiện diện như biểu tượng “Giới luật là thọ mạng của Tăng-già; giới luật còn thì Phật pháp còn”.
Ở Trung Quốc, thời ngài Thái Hư (1889-1947), khi đời sống Tăng lữ ngày càng bại hoại, ngài phải đứng ra chỉnh lý chế độ Tăng-già. Đến thời Luật sư Tục Minh (1918-1966), ông thấy phẩm hạnh Tăng nhân xuống thấp, Phật giáo suy bại, xem hình thức thọ giới như đem dê đi cúng thần, buộc phải đứng ra “hoằng giáo hộ quốc” và viết tác phẩm Giới học khái thuyết. [13] Do đó, dù Phật giáo ở phương xứ nào, có trụ vững, phát triển trên quê hương mình hay không đều tùy thuộc hay ảnh hưởng rất lớn nơi các vị tông sư Trì luật này.
“Luật Phật hướng đến giải thoát, người học luật mà không hành trì, khó mà hiểu hết những điều được học có nghĩa lý gì. Và giới luật được Phật chế, với mục đích nhiếp Tăng, vị chưa từng sống nhiều năm trong Tăng, chưa từng xử lý việc Tăng, cũng khó hiểu hết giá trị những điều luật Phật quy định”. [14]
Hiện tại và trong tương lai, niềm tin tôn giáo có thể bật khỏi tâm trí của nhiều tín đồ, hoặc Phật giáo bị lung lay đến tận gốc rễ cũng bởi một phần “Mộc-xoa” (波羅提木叉, prātimokṣa) không còn ứng thế và tinh thần thượng tôn giới luật tiêu trầm, tuyệt tích.
“Nul n’est censé ignorer la loi”.
Phật lịch 2568, mùng 9 tháng 5, Giáp thìn.
Tâm Nhãn
Tài liệu tham chiếu:
1. William F. Lawhead, Triết học phương Tây, Nxb Từ điển bách khoa, tr. 7.
2. https://en.wikipedia.org/…/United_States_Declaration_of….
3. Montesquieu, Bàn về tinh thần pháp luật; Người dịch: Hoàng Thanh Đạm; Nxb Lý luận chính trị, tr. 103-105.
4. Jean-Jacques Rousseau, Khế ước xã hội (Du Contrat Social), Học viện công dân 2006-2007, tr. 59, 77-78 (PDF).
5. John Stuart Mill, On Liberty, ch. 4: Of the Limits to the Authority of Society over the Individua, 2001, p. 75.
6. Hajime Nakamura, Gotama Buddha, Volume One, translated by Gaynor Sekimori, p. 187.
7. 摩訶僧祇律 23, T22n1425, p0412c20. 四分律卷32, T22n1428, p. 793b16.
8. 善見律毘婆沙卷6, T24, no. 1462, p. 712b7. 摩訶僧祇律2, p. 238a22.
9. Tuệ Sỹ, Du-già Bồ-tát giới, Nxb Hương Tích.
10. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam 1, tr. 19-25, 310, 327.
11, 12, 14. Tuệ Sỹ, Một thời truyền luật.
13. 戒學概說 (律宗概述及其成立與發展 [88]), p. 217.
// KỶ YẾU TƯỞNG NIỆM //
* Những Lời Dạy Cuối Cùng Của Ôn (Lời kể từ đệ tử)
* CHIẾC ÁO KHÔNG LÀM NÊN NHÀ SƯ (Thích Tâm Nhãn)
* Hoa Đàm số 12: Hằng nhẫn nhục – Thường tinh tấn ‘Tưởng niệm Hòa thượng Luật sư Thích Đỗng Minh’
Long Sơn – Nha Trang, Ngày 17.06.05 THỪA HÀNH DI CHÚC Tôi là Tỳ-kheo Thích Chí Tín, trụ trì chùa Long Sơn, Nha Trang – Khánh Hòa; theo lời uỷ thác của Hòa thượng Thích Đỗng Minh lo về hậu sự sau khi Hoà thượng viên tịch: Lễ tang đơn giản, thời gian trong vòng 36 tiếng đồng hồ. Tôi cùng chư Tăng chùa Long Sơn và Môn đồ pháp phái trọn quyền quyết định tang lễ theo lời di huấn của Hoà thượng. Không xây tháp, dùng tịnh tài này để ấn tống kinh sách. Theo lời Hoà thượng, tôi lập tờ di chúc này có sự đồng ý và ấn chứng của Hoà thượng. Long Sơn, Nha Trang, ngày 17. 06. 2005. Thích Đỗng Minh Thích Chí Tín (cùng ấn ký) |