Tường Thuật Lễ Hoàn Thành
Công Tác Phiên Dịch TRƯỜNG BỘ KINH
TƯ TƯỞNG
LỜI TÒA SOẠN: Ngày 13-9-1972, Nha Tu Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh đã tổ chức lễ Hoàn Thành Công Tác Phiên dịch Trường Bộ Kinh. Buổi lễ được đặt dưới quyền chủ tọa Thượng Tọa Viện Trưởng Viện Đóa Đạo cùng sự tham dự của Chư Tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa trong Hội Đồng VHĐ, Quan khách, Giáo sư và sinh viên ĐHVH, Tăng sinh các Phật Học Viện.
Những ý kiến phát biểu trong buổi lễ nầu rất quan trọng và hữu ích về phương diện Phật học. Chúng tôi xin tường thuật để cống hiến độc giả.
T.T
_________________________
* Thượng Tọa Thích Quảng Độ Trưởng ban Tổ chức tuyên bố lý do.
Thưa quý liệt vị,
Một trong những công tác quan trọng và cấp thiết nhất của Giáo hội Phật giáo Việt nam hiện nay là việc phiên dịch Đại Tạng Kinh. Nó quan trọng và cấp thiết vì hai lẽ:
- Thứ nhất, Phật giáo truyền vào Việt nam đã trải qua mười tám thế kỷ lịch sử, mà cho đến nay Việt nam vẫn chưa có được một Tạng Kinh bằng tiếng Việt, trong khi đó, hầu hết các nước Phật giáo trên thế giới đều đã có những Tạng Kinh riêng bằng tiếng bản xứ.
- Thứ hai, Kinh tạng Nam phương được biên tập bằng văn Pāli và Kinh tạng Bắc phương bằng Sanskrit và hậu thân của nó là Hán tự. Trong ba thứ cổ ngữ này, về Pāli và sanskrit thì, có thể nói, tuyệt đại đa số người Việt nam không biết đến ; còn riêng về chữ Hán thì cái quan cảnh cũng không được sáng sủa bao nhiêu: hiện tượng “mười người đi học chín người thôi” ở thời đại Trần Tế Xương đã cho ta thấy bức tranh Hán học ngay từ thời ấy đã như thế nào rồi. Bởi vậy, ngày nay, nếu công tác phiên dịch không được thực hiện một cách gấp rút thì, trong tương lai, có thể sẽ không còn ai, ngoại trừ một số rất ít nhà chuyên môn, đọc được Đại Tạng Kinh. Đó là nói theo nguyên tắc luận lý chứ trên thực tế thì tình trạng này đang diễn ra ngay trong hiện tại rồi. Đó là những lý do cắt nghĩa tại sao công tác phiên dịch trở nên cấp thiết và hiển nhiên Giáo Hội không thể không quan tâm đến cái vai trò cũng như trách nhiệm của mình về vấn đề này.
Nhưng đây cũng lại là một công việc vô cùng to lớn và khó khăn, nó đòi hỏi nhiều cố gắng về mọi phương diện nhân lực, vật lực cũng như tài lực. Nếu ngay từ bây giờ có được mười người chuyên chú làm việc một cách liên tục thì ít ra cũng phải ba mươi năm sau công tác phiên dịch mới được hoàn thành, đó là chưa kể đến những phương tiện và thời gian ấn loát còn phải mất bao nhiêu nữa.
Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là công việc không thể tiến hành được. Trong hoàn cảnh hiện tại, vì nhiều lý do, Giáo Hội chưa thể tập trung toàn lực vào công tác phiên dịch một cách đại quy mô, cho nên, trong một phiên họp, Hội đồng Viện Hóa Đạo đã quyết định tạm thời giao trách nhiệm cho Thượng tọa Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, thành lập một Ủy ban Phiên dịch Đại Tạng làm việc trên một quy mô mà Ủy ban có thể thực hiện. Ủy ban này do chính Thượng tọa làm Trưởng ban và lãnh phần phiên dịch Kinh tạng Pāli. Ủy ban đã âm thầm làm việc trong những điều kiện mà khả năng của Vạn Hạnh có thể cho phép. Chúng tôi nói âm thầm là vì, theo chỗ chúng tôi nhận xét, trong hiện tại cũng như trong tương lai, Vạn Hạnh chỉ có thể đóng góp một phần vào công việc to lớn này thôi, chứ một mình sẽ không thể gánh vác được tất cả, bởi vậy mà Ủy ban đã không phát động một phong trào phiên dịch rầm rộ.
Tuy vậy, đây cũng là một sự cố gắng vượt bậc của Thượng tọa Thích Minh Châu vì, như quý vị đều biết, điều khiển một cơ sở Đại học thật là bận rộn, thế mà mỗi ngày Thượng tọa còn phải dành một ít thì giờ cho việc phiên dịch và ròng rã bốn năm trời, đến nay Thượng tọa đã dịch xong được Trường Bộ Kinh mà chúng tôi tổ chức lễ hoàn thành ngày hôm nay. Trường Bộ Kinh là bộ thứ nhất trong năm bộ thuộc Kinh tạng Pali, gồm ba mươi bốn kinh và tương đương với Trường A Hàm của Hàn Tạng. Còn lại bốn bộ nữa là:
- Trung Bộ, tương đương với Trung A Hàm, gồm 152 kinh và hiện Thượng tọa Thích Minh Châu đã bắt đầu phiên dịch;
- Tap Bộ, tương đương Tạp A Hàm, gồm 7762 kinh ngắn;
- Tăng Nhất Bộ, tương đương với Tăng Nhất A Hàm, gồm 9550 thiên ngắn ;
- Tiểu Bộ, chia làm 15 bộ loại, đại khái thu tập các đoạn cương yếu trong các kinh văn trong đó có cuốn kinh Pháp Cú là tổng hợp tinh hoa của nền luân lý và đạo đức Phật giáo.
Trên đây chúng tôi chỉ mới nói qua về tạng Kinh chứ chưa đề cập đến tạng Luât và tạng Luận. Chỉ nhìn qua con số đó ta cũng đủ thấy công việc bề bộn như thế nào rồi và chắc chắn còn phải mất nhiều năm nữa thì công việc phiên dịch tạng kinh Pāli mới được hoàn thành.
Nhưng, “Vạn sự khởi đầu na”, Thượng tọa Minh Châu đã vượt qua được giai đoạn khó khăn ban đầu, bây giờ đã có cái đà và cái đà ấy sẽ giúp Thượng tọa tiến hành công việc một cách dễ dàng hơn. Bởi thế, chúng tôi hết lòng trông đợi cho ra đời các bộ khác nữa; và chừng nào toàn bộ Tam Tạng cống hiến vĩ đại nhất của Thượng tọa cho nền văn hóa Phật giáo nói riêng và văn hóa nước nhà nói chung. Mong lắm thay !
Thưa quý vị, đến đây tôi xin long trọng tuyên bố khai mạc buổi lễ hôm nay.
Thành thật cảm ơn quý vị.
* Thượng tọa Thích Minh Châu, nói về những mục đích phiên dịch Tam Tạng Pāli.
Theo Thượng tọa, mục đích trước hết là để hoàn thành chí nguyện đã từng ấp ủ kể từ khi Thượng tọa xuất dương du học vào năm 1952. Thượng tọa về nước năm 1964, liền bắt tay vào việc phiên dịch ngay. Nhưng những công việc bề bộn của một Viện trưởng Đại học đã khiến cho công việc dịch thuật phải chậm trễ. Năm 1965, Thượng tọa cho in Trường Bộ kin tập I. Năm 1967, in tập II. Năm 1972, in tập III,và tập IV. Như vậy Thượng tọa đã phải để ra 7 năm mới hoàn thành trọn vẹn Trường Bộ kinh.
Có người hỏi làm sao có đủ thì giờ phiên dịch khi chức vụ Viện trưởng quá đa đoan, Thượng tọa trả lời làm Viện trưởng dễ sinh phiền não, buồn phiền, trái lại dịch kinh thân thể được thoải mái,cảm giác được thoải mái, tâm tư được thoải mái, tri thức được thoải mái và trí tuệ được thoải mái nên dịch không biết mệt.
Mục đích thứ hai, khi phiên dịch Tam tạng Pāli là Thượng tọa muốn giới thiệu một nền văn học Tam tạng gần với nguyên thủy nhất. Tam tạng đầu tiên có thể Tạng bằng tiếng Magadhi thổ ngữ của nước Ma kiệt đà, vì cuộc kiết tập đầu tiên được tổ chức tại đây, Tam tạng Magadhi là một Tam tạng truyền khẩn, có thể chưa được dịch ra nhiều địa phương ngữ, như Pāli và Prakrit và cũng được dich ra tiếng Sanskrit. Có thể còn nhiều Tam tạng bằng các địa phương ngữ khác. Tam tạng Đại chúng bộ nay bị mất hẳn.
Theo truyền thống, tạng Pāli được kiết tập thành tạng chữ Pāli dưới triều ua Dutthugamini, tại Tích lan, khoảng 100 năm trước kỷ nguyên. Tạng Sanskrit được kiết tập thành tạng chữ Sanskrit, dưới triều đại vua Kaniska, tại Ấn độ, khoảng 100 năm sau Thủy nguyên. Tạng Pāli được gìn giữ có thể xem là đầy đủ nhất, gồm thêm những bộ sớ giải quan trọng của ngài Buddha-ghosa. Tạng Sanakrit gần như mất hẳn, mới sao tìm lại được khoảng 50 bộ, nhưng được giữ gìn khá đầy đủ ngoài hai tạng dịch chữ Hán và chữ Tây tạng. Ngày nay một học giả Phật học phải biết cả hai tạng Sanskrit và Pāli, cả hai cổ ngữ Sanskrit và Pāli, hay ít nhất là một tạng và một cổ ngữ để được gọi là một học giả có đủ năm căn bản đề nghiên cứu Phật học. Thứ nữa là phải biết Hán tự, Nhật ngữ hay Tây tạng ngữ để đọc cho được Hán tạng và tạng Tây tạng. Thượng tọa cho dịch Pāli là để giúp tài liệu nghiên cứu cho các Học giả và các Phật tử.
Hơn nữa ngày nay, một người học Phât phải biết cả hai tạng, Pāli và Sanskrit, mới có thể mở đầu cho một môn học mới, môn tỷ giáo học. Nghiên cứu tỉ giáo sẽ cho thấy có những tương đồng cũng như những dị biệt giữa hai Tạng. Những điểm tương đồng giữa cả hai sẽ cung cấp cho chúng ta một nền giáo lý nguyên thủy do chính Phật thuyết. Những điểm dị biệt chắc chắn là do sự phát triển của các học phái về sau. Như vậy, chúng ta sẽ có một môn tỉ giáo học mới mẻ, cống hiến cho nền văn hóa Phật giáo thế giới.
Mục đích thứ ba của Thượng tọa là cung cấp những kiến thức cần có của người học Phật. Người học Phật ngày nay không những chỉ học và hiều qua một nền văn học riêng biệt nào, mà phải hiểu biết bao gồm tất cả các học thuyết Phật giáo từ Nguyên thủy, sang Bộ phái đến Đại thừa. Tam tạng Pāli sẽ là một nguồn tài liệu vô cùng quan trọng trong việc học hỏi này. Sự nghiệp học Phật của Phật tử như vậy sẽ rất là lâu dài, dù đề hết cả đời người cũng chưa dễ gì thấu triệt được. Vì vậy, nơi đây Thượng tọa có lời nhắc nhở Tăng sinh của các Phật học viện hãy nỗ lực và ý thức về trách nhiệm học hỏi lâu dài của mình. Thượng tọa khuyên họ nên bỏ những giờ phút lang thang lêu lổng ngoài các đường phố mà chuyên tâm vào việc học hỏi nghiên cứu.
Thượng tọa nhấn mạnh phiên dịch Tam Tạng Pāli này không có nghĩa là tán dương một bộ phái nào hay chỉ trích một bộ phái nào. Thượng tọa không bao giờ làm một công trình ngây thơ như vậy, vì mỗi bộ phái đều đã có những đại biểu xứng đáng bênh vực rồi. Đạo Phật gồm có một số giáo lý căn bản mà học phái nào cũng phải tôn trọng, một số pháp môn thiết yếu mà những đệ tử Phật giáo nào cũng phải y cứ để tu hành, nếu không muốn lạc vào tà giáo ngoại đạo. Thượng tọa chỉ muốn giới thiệu tạng Pāli và để các Phật tử tự tìm hiểu, tự mình chứng nghiệm số giáo lý căn bản ấy và số pháp môn thiết yếu ấy. Chỉ có từng cá nhân tự mình tụng đoc, tự mình chứng nghiệm, tự mình suy tư, mới có thể tự mình tìm hiểu thế nào là Phật giáo nguyên thỉ, thế nào là đích thực lời Phật dạy.
Mục đích thứ tư là tìm lại Giáo lý Nguyên thủy của Phật. Đây là một phong trào học Phật quốc tế ngày nay. Tìm những dị biệt tranh chấp giữa các học phái, để tất cả những dị biệt này cùng gặp gỡ nhau tại gốc rễ, đúng theo những gì mà đức Phật muốn truyền dạy. Người học Phật ngày nay không còn thiên kiến rằng chỉ có Phật giáo Nam phương mới là Nguyên thỉ hay Đại thừa mói là cao siêu. Nhưng cả hai hỗ trợ lẫn nhau. Thượng tọa nói, chỉ có đạo Phật Nguyên thủy mới đáp ứng được những xáo trộn của thế giới hiện đại. Vì đạo Phật không phải là một chủ thuyết để tôn thờ, cũng không phải là những lời hẹn ước nhắm vào tương lai suông. Đạo Phật phải chữa trị được thân bịnh và tâm bịnh của thế kỷ XX này, đó mới là hoài bão cứu khổ của đức Phật. Những lời tán thán Phật bảo trong Trường bộ kinh, hay trong A hàm cho chúng ta thấy rõ ý nghĩa đó của chánh Pháp. Một số danh từ sau đây có thể cho chúng ta hiểu điều đó:
- Svākkato bhagavata dhmmo: Chánh Pháp được đức Thế tôn khéo giảng. Vì những gì Ngài giảng đều phù hợp với mọi căn tánh của chúng sanh.
- Sandittiko: Pháp ích lợi thiết thực cho đời sống hiện tại của chúng ta.
- Akaliko: Pháp vượt ngoài thời gian, thích hợp cho tất cả mọi thời đại.
- chipasskio: Pháp đến để mà thấy , chứ không phải là để tin theo một cách mù quáng. Passiko nghĩa là hãy mở mắt để mà nhìn thấy.
- opanayiko: Có khả năng hướng thượng, có hiệu quả ngay khi nghe và thực hành theo.
Vậy, đạo Phật Nguyên thỉ không bảo thủ lỗi thời, cũng không dành riêng cho phước lạc đời sau. Mà Pháp được thực hành và có hiệu quả ngay trong hiện tại. Hiệu năng cao quí của đạo Phật là đối trị những chiến tranh, thác loạn của đời sống hiện đại.
Sau hết, Thượng tọa cảm ơn tất cả quí vị đã hỗ trợ Thượng tọa trong việc hoàn thành bốn tập Trường bộ kinh. Thượng tọa cũng mong được tiếp tục hỗ trợ để hoàn thành những bộ kinh khác trong Tam tạng Pāli.
* Thượng tọa Trí Quang nói về sự đối chiếu giữa các kinh Hán tạng và Pāli.
Bắt đầu từ năm 1965, khi Thượng tọa Minh Châu vừa về nước và được mời đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, thì công tác phiên dịch Tam tạng đã được bàn đến. Nhưng trong tình trạng khó khăn của Giáo hội, không thể tổ chức một dịch trường qui mô, Thượng tọa Minh Châu được khuyên là thực hiện một mình. Vấn đề chỉnh văn trong việc phiên dịch cũng được đặt ra. Nhưng, Thượng tọa (Trí Quang) nói, với kinh nghiệm đọc các bản dịch chữ Hán, Thượng tọa thấy văn khí rất hệ trọng, vì chỉ cần căn cứ theo văn khí, dù chưa đọc đến tên người dịch, cũng biết đó là bản dịch của ai. Vả lại, dịch ngữ cũng sẽ khiến cho người đọc dễ lãnh hội thâm ý của dịch giả hơn.
Đằng khác, Thượng tọa cũng đã có khuyến cáo về việc phiên dịch Hán tạng. Tạng này hiện nay còn giữ lại trong 100 tập, mỗi tập không dưới 1.000 trang. Mặc dù số lượng quá lớn, nhưng trong đó có rất nhiều bản trùng dịch. Thí dụ, Kinh Đại bản duyên có tất cả 16 bản trùng dịch, chúng ta chỉ chọn một bản. Công việc lựa chọn bản chính để dịch dễ dàng hơn, vì hiện nay người Nhật khi phiên dịch ra tiếng nước họ, đã lựa những bản chính. Thượng tọa rất tiếc là những vị được khuyến cáo vì những lý do nào đó đã chưa thực hiện được.
Thượng tọa rất cảm ơn Thượng tọa Thích Minh Châu, vì khi dịch xong Trường bộ kinh là đã dịch được 1/6 của Tạng Pāli.
Căn cứ trên bản dịch của Thượng tọa Thích Minh Châu, đối chiếu với kinh Trường A hàm bản chữ Hán, Thượng tọa Thích Minh Châu, đối chiếu với kinh Trường A hàm bản chữ Hán, Thượng tọa Trí Quang đưa ra những nhận xét sau đây:
Về hình thức, tạng Pāli đặt kinh Phạm võng ngay mở đầu. Kinh này tóm thâu tất cả các học thuyết đương thời của Phật, làm căn cứ tối sơ và tối hậu. Vậy là dọn đường cho giáo lý của Phật, và gạt ra ngoài những tà pháp để làm tỏ rõ chánh pháp. Trong bản chữ Hán, kinh Trường A hàm đặt Bản duyên làm đầu, kể sự tích từ đức Phật Tì bà thi trong thời quá khứ. Rồi đến kinh Điển tôn, nói về một tiền thân của Phật Thích ca. Vậy Trường A hàm đã gián tiếp mô tả cuộc đời của Phật Thích ca kể từ những công hạnh ngài đã thực hành trong quá khứ, và những điều kiện để thành Phật. Sở trường và sở đoản của hai bản được thấy rõ ngay ở chỗ đó.
Về nội dung, Pāli có nhiều chi tiết rõ hơn Hán. Vì bản Hán được dịch theo ký ức của dịch giả. Còn đối với những danh từ được dùng trong hai bản, phải đối chiếu mới thấy rõ ý nghĩa. Thí dụ, một câu trong Trường bộ kinh, đã được Thượng tọa trích dẫn trong bài tựa của Trường bộ kinh tập IV này, nói rằng: “Khi một ai đạt đến thanh tịnh, giải thoát, khi ấy vị ấy biết mọi vật là thanh tịnh.” Bản chữ Hán nói một cách khác: Phật nói, “Tôi nói đệ tử của tôi khi đã thanh tịnh và giải thoát, vị ấy biết là thanh tịnh và giải thoát, và biết một cách cùng khắp.” So sánh cả hai bản chúng ta có thể hiểu ý nghĩa của câu kinh đó như thế nào.
Một thí dụ khác quan trọng hơn, là pháp 12 nhân duyên được giảng trong kinh Đại bản duyên. 10 trong 12 nhân duyên này đã được khám phá ngay từ trong Áo nghĩa thư. Bản Pāli nói, Anan hỏi Phật về 12 nhân duyên rồi bạch Phật là mình đã thấy rõ. Sau đó, Phật giảng sự sâu xa của 12 nhân duyên như thế nào, quí vị đọc xong đó sẽ thấy. Nhưng bản Hán nói khác, theo đó ngài Anan bạch Phật là mình đã thấy rõ và thấy là không sâu xa chi hết. Phật mới giảng sự sâu xa của 12 nhân duyên như thế nào. Rồi kinh kết luận: Một vị Tỳ kheo sau khi chứng nhập 12 nhân duyên, thì Như lai (bản thể tối hậu), có hay không có vân vân, vị ấy biết một cách như thật biết. Biết cái gì mà gọi là như thật biết, đó là điều khoan nói tới. Ở đây, so so sánh cả hai bản, chúng ta thấy bản Pāli cố ý tránh không đặt thẳng vấn đề như trong bản Hán.
Sau khi trình bày đối chiếu một vài điểm giữa hai bản Pāli và Hán, Thượng tọa khuyên các tăng ni hay cư sĩ học Phật nếu có sẵn tài liệu nên đối chiếu cả hai.
Tiếp theo, Thượng tọa nói đến những khó khăn của các vị dịch kinh thuở xưa. Ngày nay, chúng ta phiên dịch có sẵn bản văn trong tay, lại còn có từ điển và những tài liệu tham khảo cần thiết khác. Thuở xưa, sự phiên dịch phần lớn căn cứ vào ký ức, không có bản văn để trước mặt. Tổ chức dịch trường lại vô cùng phức tạp, một dịch trường không dưới 32 người. Có khi vị địch chủ không biết rõ số phận của bản dịch của mình, vì sự khó khăn trong việc chuyển ngữ. Đọc lịch sử phiên dịch Tam tạng chữ Hán chúng ta sẽ thấy những dụng công khổ tâm vô tận của người xưa. Thí dụ, khi ngài La Thập dịch Thập tụng luật ; dịch nửa chừng, thì vị đọc thuộc lòng bản anskrit bỗng dưng chết đi. Ngài La Thập phải đợi về sau, một vị khác thuộc lòng bản này đến đọc lại cho, công tác phiên dịch mới được hoàn thành. Xem thế, công trình của chúng ta ngày nay, so với các vị xưa, quả là không đáng kể.
Riêng về bản dịch Trường A hàm chữ Hán Thượng tọa tiếc là được dịch sau khi ngài Đạo An đã tịch. Ngài Đạo An chủ trương trực dịch, không bỏ sót một chữ của nguyên văn. Giá trị chủ trương đó rất lớn, mặc dù vì quá trung thành với nguyên bản khiến cho có chỗ trở thành khó hiểu.
Đến đây, Thượng tọa nói về những ưu và khuyết chung cho cả hai bản Pāli và Hán.
Điểm thứ nhất: Phật ấn định rõ vị trí giảng dạy của ngài chỉ giới hạn trong những gì có thể áp dụng được. Những thắc mắc không giúp cho sự tiến bộ của tâm linh, Phật không giảng dạy. Ưu điểm ở đó, mà khuyết điểm cũng ở đó.
Điểm thứ hai: Tính cách ẩn ước, nghĩa là mù mờ, trong kinh điển nguyên thủy này, mà ưu điểm là những câu trả lời bằng trí đáp trong bốn cách trả lời một câu hỏi. Đó là trả lời một cách kỳ dị bằng cách không trả lời. Đại thừa về sau triệt để khai thác điểm này. Thí dụ, kinh Pháp hoa trong phẩm tựa trình bày giáo lý như một bản kịch, mà ý nghĩa quan trọng là động tác diễn tả chứ không phải là lời nói. Bởi vì, thân giáo và ý giáo nói được ý nghĩa của pháp nhiều hơn là ngôn giáo. Chỉ một đoạn ngắn trong phẩm tựa của kinh Pháp hoa, mô tả cảnh Phật phóng quang rồi đức Di lạc tán thán, và ngài Văn Thù nói Thật tướng của Pháp hoa, một đoạn ngắn đó đã bao hàm hết tinh yếu của Pháp hoa.
Sự trình bày này còn dễ hiểu hơn cả trong Nguyên thủy.
Để kết thúc, Thượng tọa nêu lên ba vấn đề, và khuyến cáo những vị nghiên cứu kinh Phật cần phải giải giải đáp thỏa đáng.
- Thứ nhất: Phật và La hán, là một hay là khác?
- Thứ hai: Trong 49 năm, ngày nào đức Phật cũng giảng dạy, không lẽ nguyên thủy của Phật pháp chỉ chứa đựng trong Tam tạng Pāli là đủ?
- Thứ ba: Kinh điển nguyên thủy chỉ nhắc nhở đệ tử của Phật gồm có tứ song bát bối; phải chăng chỉ có chừng đó?
Phải giải đáp được ba vấn đề đó mới thấy rõ vai trò của Đại thừa sau này.
Thượng tọa nhắc đến một đoạn kinh, mà Thượng tọa nói là vừa đọc tối hôm qua, đó là kinh Lộ già, theo đó, có một Phạm chí sau khi gặp Phật, hỏi han về đạo lý xong, lúc trở ra, vị này ngẩm nghĩ (mà Thượng tọa cho là rất buồn cười) rằng: Đức Phật đã giải thoát khỏi ngục tù rồi, mà ngài lại còn nói Pháp làm chi, chẳng khác nào tạo thêm ngục tù mới. Nhân đó, Thượng tọa khuyến cáo rằng, nếu ngày nay chúng ta không muốn tạo thêm những ngục tù mới thì việc học Phật chỉ cần sáu chữ… Di là đủ. Còn nếu muốn đeo đuổi công trình học hỏi, chẻ sợi tóc làm tư, thì phải theo đuổi cho tới cùng, dù có mười mấy cửa ngục cũng phải đi qua.
Sau hết, Thượng tọa nói, nay gần đến ngày kỷ niệm Đại đức Quảng Hương tự thiêu. Chí nguyện tự thiêu đó đã gây nên nơi Thượng tọa mội mối cảm khái sâu xa. Thượng tọa nói, chưa bao giờ Thượng tọa thấy là đã viết về Tam kinh Bát nhã trung thực với mình cho bằng khi viết đến câu: Bồ đề tát đòa y Bát nhã ba la mật đa cố tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố vô hữu khủng bố… thì được tin Đại đức Quảng Hương tự thiêu. Tất cả những hi sinh đó cho Phật pháp, hoặc hữu danh hoặc vô danh, cho đến những hành động can đảm của các Phật tử Việt nam trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt gần đây, là những công trình lớn lao mà chúng ta đang thừa hưởng, để có cơ hội yên ổn mà học hỏi Phật pháp. Gương hi sinh của các vị đó vô cùng vĩ đại, vì dù biết rằng đó có là những việc làm có tính cách giai đoạn, và bất đắc dĩ. Do đó, dịch kinh, hay hành kinh như những gương hi sinh cao cả của các Phật tử, đều chính là hộ trì Phật pháp. Thượng tọa nói, kể từ năm 63 đến nay, tăng sĩ và Phật tử Việt nam đã không hổ thẹn với những chữ VÔ ÚY và HI SINH. Vậy, khi cảm ơn Thượng tọa Thích Minh Châu với công trình đóng góp cho Phật giáo Việt nam, chúng ta hãy thành tâm hướng về những gương hi sinh cao cả đó.
* Bác sĩ Lê Khắc Quyến và cảm tưởng của một cư sĩ khi đọc Trường bộ kinh.
Với những lời lẽ rất khiêm nhượng, Bác sĩ nói mình chỉ mong được là một Phật tử, một Phật tử còn nhiều sám hối và học hỏi kinh điển. Sau đó, ông xin có vài cảm nghĩ mà ông cho là thô kệch, về Trường bộ kinh.
Cảm nghĩ đầu tiên, là một Phật tử Việt nam, trí thức và khoa học, đi vào đạo Phật như thế nào ? Một số người hoặc do tình cảm hay theo truyền thống. Một số khác, do thời thế.
Một số, theo đạo Phật trong tâm trạng cô lập (cô đơn), như bị tù chẳng hạn ; họ cần có sự hỗ trợ tâm linh. Nhưng quan trọng hơn, là khi người ta đến với đạo Phật do đòi hỏi của tri thức và tâm linh. Ngày nay, đạo Phật được tìm đến vì những lý thuyết bị lung lay trong hoàn cảnh đổ vỡ hiện tại.
Tiếp theo đó, ông nhắc đến những lý thuyết mới mẻ của khoa học, chúng đã chứng tỏ giá trị khoa học chỉ có tánh cách giai đoạn, nhưng pháp của đức Thích ca thì vô biên, với số phương tiện.
Người tri thức khi bước vào đạo Phật, họ không qua trung gian của các sách luận giải, mà họ muốn đọc thẳng vào kinh điển với những lời Phật dạy. Bởi vì, họ theo đạo Phật là vì họ hiểu, họ trực giác được những điều sâu kín. Đây là lý do khiến ông rất hân hoan khi thỉnh được bộ Trường bộ kinh, vì cảm thấy được gần với những lời dạy của Phật hơn, trong lối hành văn lưu loát và rõ ràng của bộ kinh này.
Ông nói, sau khi đọc xong Trường bộ kinh, ông có cảm nghĩ là Phật giáo có thể lãnh đạo sinh hoạt của thế giới hiện đại trên các phương diện như: 1) đạo Phật xác nhận sự bình đẳng giai cấp, 2) gạt ra ngoài mọi tranh luận, 3) đem lại sự an ổn cho xã hội mục nát lêu lỗng hiện tại, 4) cung cấp một đường lối chính trị với thuật trị nước rất khéo.
Sau hết, ông kết luận, Trường bộ kinh đã giải đáp những thắc mắc thường ngày của chúng ta.
* Đại đức Thích Chơn Hạnh thuyết trình về đề tài: “Thông điệp gởi cho một Thế giới mới qua Trường bộ kinh: (Bài thuyết trình nầy chúng tôi sẽ đăng trọn trong Tư Tưởng số tới).
* Thượng tọa Thích Thiện Hoa Viện trưởng Viện Hóa Đạo phát biểu ý kiến về vấn đề phiên dịch Tam Tạng Kinh điển tại Việt nam:
Vì thì giờ quá eo hiệp nên Thượng tọa chỉ nói vắn tắt về vấn đề phiên dịch Tam tạng Kinh điển tại Việt nam, mà Thượng tọa cho là cần thiết và quan trọng không những cho Phật giáo Việt nam, trong giai đoạn khó khăn và nghèo nàn về kinh điển hiện tại mà còn là những đóng góp hữu ích của Phật giáo Việt nam cho Thế giới.
Thượng tọa tán thán công đức của Thượng tọa Thích Minh Châu trong việc in kinh và dịch kinh và Thượng tọa ước mong những công trình tiếp tục của Thượng tọa Thích Minh Châu.
Buổi lễ chấm dứt vào lúc 12g sau một tiệc trà.
TƯ TƯỞNG