TỲ-KHEO-NI ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM – MÃI LÀ ẨN SỐ CỦA LỊCH SỬ

Hơn 20 năm trước, đức Dalai Lama thứ XIV muốn thiết lập lại dòng truyền thừa và việc truyền giới cho Ni chúng phái Thuyết nhất thiết hữu bộ tại Tây Tạng, ngài đã thỉnh mời các vị Luật sư tại Đài Loan, Tích-lan, Ấn-độ v.v… đến Dharamsala hội nghị thảo bàn về nỗi ưu tư này. Vì dòng truyền thừa của tỳ-kheo-ni ở Tây Tạng đã bị cắt đứt trong vài thế kỷ trước. Sau đó, nhân chuyến du học và hành hương của thầy Hằng Đạt (đệ tử Hòa thượng Tuyên Hóa), thầy đã gặp ngài Tashi Tsering là vị học giả Phật giáo Tây Tạng cũng là phó thư ký văn phòng tôn giáo của chính quyền Tây Tạng lưu vong tại Dharamsala, Bắc Ấn. Qua buổi chuyện trò đàm đạo, Tashi Tsering đã hỏi thầy Hằng Đạt về dòng truyền thừa của tỳ-kheo-ni tại Việt Nam. Thầy Hằng Đạt không thể trả lời tường tận về chuyện này, về sau thầy có cầu kiến một số Tăng ni Việt Nam đang du học tại Đại học Delhi, đa số cũng không biết.

Ngày 14 tháng 6 năm 1999, thầy Hằng Đạt viết một lá thư, kính gửi đến Hòa thượng Đỗng Minh, thỉnh nguyện Hòa thượng trả lời giúp về dòng truyền thừa của Ni chúng Việt Nam từ đâu đến, thời gian và thuộc bộ phái nào, do ai truyền sang? Khi truyền giới cho tỳ-kheo-ni có phải cần sự chứng minh của mười vị đại Tăng và mười hai vị ni; nếu ở vùng biên địa thì chỉ cần bốn vị luật sư và sáu ni sư? Hòa thượng Đỗng Minh đưa lá thư ấy cho thầy Mạnh Thát trả lời. Lúc ấy, chúng tôi chỉ nhớ mang máng nội dung thầy Thát trả lời, chính Bát Nàn phu nhân là tỳ-kheo-ni đầu tiên.

Chúng tôi tiếp nối ở đây. Bát Nàn là vị tướng tài dưới trướng của Hai Bà Trưng. Tháng tư năm 43 sau Tây lịch, Hai Bà Trưng bị Mã Viện đánh bại, một số tướng soái hy sinh, hoặc bị bắt đi đày ở vùng Linh Lăng, một số rút về làng quê Việt Nam, sống hòa mình vào dân, nơi các ngôi chùa, trong đó có Bát Nàn về chùa xã Tiên La (hiện còn đền thờ ở xã Tiên La, huyện Diên Hà, nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) tu tập và mất tại đó. [1]

Về nghi thức truyền giới cụ túc cho Ni, nhị bộ Tăng chỉ cần 10 tỳ-kheo và 10 tỳ-kheo-ni; ở vùng biên địa thì 5 tỳ-kheo và 5 tỳ-kheo-ni. Chúng tôi chưa tìm thấy tài liệu nào nói là truyền cụ túc cho Ni phải cần 12 tỳ-kheo-ni, và vùng biên địa là 4 tỳ-kheo, 6 tỳ-kheo-ni. Trong nội dung bức thư, không biết giữa thầy Hằng Đạt và Tashi Tsering trao đổi từ nguồn tài liệu nào, hay đã nhầm?

Chuyện lùi về dĩ vãng, bẵng đi một thời gian khá dài. Đến khi thầy Tuệ Sỹ ra Nha Trang an cư (từ năm 2012 đến 2017), tôi theo thầy học giáo lý, thầy thường dạy tôi nên nghiên cứu xem mạng mạch truyền thừa của tỳ-kheo-ni từ Kiều-đàm-di Đại Ái Đạo (Mahāpajāpatī Gotamī) ở đất Ấn tiếp nối đến Việt Nam ra sao!? Thầy nghi ngờ, có lẽ bị đứt đoạn, hay không có dấu vết truyền thừa, vì thời kỳ Bát Nàn phu nhân xuất gia chưa có giới đàn tỳ-kheo-ni, không đủ nhị bộ Tăng-già truyền giới.

1. KHÔNG CÓ DẤU VẾT “TRUYỀN ĐĂNG TỤC DIỆM”

Thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch, Mahinda con trai của vua Aśoka, vâng lời phụ hoàng, ngài cùng các tỳ-kheo đến Sri Lanka truyền giáo. Mahinda đã thành công lập Tăng đoàn tỳ-kheo tại đây. Lúc này, vua Devanampiya Tissa (250 trước Tl.– 210 trước Tl.) nguyện vọng muốn Mahinda truyền giới cho những người nữ trong hoàng cung nhưng Mahinda nói rằng mình không thể truyền giới cho người nữ và ông khuyên nhà vua viết thư thưa với Aśoka, thỉnh người em gái của mình là tỳ-kheo-ni Saṅghamittā (282 trước Tl. – 203 trước Tl.) qua truyền giới. Ban đầu Aśoka không muốn con gái mình hoằng pháp phương xa, song vì sự tha thiết truyền giáo của Saṅghamittā, Aśoka đồng ý cho cô cùng một số tỳ-kheo-ni đến Sri Lanka, lúc này đủ nhị bộ Tăng-già, thế là Tăng đoàn ni được thành lập tại đó. [2] Chính dòng truyền thừa này truyền sang Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, năm 357, niên hiệu Thăng bình, đời Tấn, sa-môn Đàm-ma-kiết-đa (曇摩羯多) tổ chức giới đàn truyền giới cho tỳ-kheo-ni Tịnh Kiểm (淨檢) với 4 ni sư, lúc này chỉ có một chúng tỳ-kheo truyền giới. Đến năm 429, niên hiệu Nguyên gia thứ 6 thời Lưu Tống, sa-môn Cầu-na-bạt-ma (Guṇavarma) đến Trung quốc, không công nhận sự đắc giới của những tỳ-kheo-ni trước đó, vì không đủ nhị bộ Tăng. Ngài muốn tổ chức giới đàn lại một lần nữa để truyền giới cho Ni, bấy giờ ở Trung quốc đã có 8 vị tỳ-kheo-ni từ Tích lan đến nhưng chưa đủ 10 người, ngài cử người sang Tích-lan thỉnh thêm. Năm 434, niên hiệu Nguyên gia thứ 11, Thượng tọa ni Thiết-sách(tát)-la (鐵索羅, 鐵薩羅, Bhikkuni Devasara) cùng một số tỳ-kheo-ni từ đảo Sư tử (Tích-lan) đến Trung Quốc, khi ấy Cầu-na-bạt-ma đã viên tịch, Tăng-già-bạt-ma (Saṃghavarman) thay mặt tổ chức, giới đàn đã đủ nhị bộ Tăng-già, truyền giới cho tỳ-kheo-ni Tuệ Quả, Tuệ Âm… Từ đó, trong lịch sử thành lập Ni chúng ở Trung Quốc, người ta chỉ công nhận Tuệ Quả là tỳ-kheo-ni đầu tiên, chứ không phải Tịnh Kiểm. [3] Về sau ở Nhật Bản, Hàn Quốc… được tiếp nối từ dòng truyền thừa tỳ-kheo-ni Trung Quốc.

Chúng ta trở lại giai đoạn Phật giáo du nhập Việt Nam, từ nhà sư đầu tiên đến Giao Châu hoằng pháp là sư Phật Quang (người Chiêm Thành hoặc là người Ấn-độ), truyền tam quy cho Chữ Đồng Tử và Tiên Dung tại núi Quỳnh Viên, cửa Nam Giới (cửa Sót), thời Hùng Nghị vương thứ nhất hoặc thứ hai, tức khoảng thế kỷ thứ 2-3 trước Tl., [4] đến thời kỳ Bát Nàn hơn 200 năm, không thấy hình bóng nhà sư nào nữa, và dấu chân truyền giáo của tỳ-kheo-ni ngoại quốc đến Việt Nam càng tuyệt tích.

Thời ni sư Bát Nàn cũng có một số nữ tướng khác ẩn tu như Thiều Hoa, Vĩnh Huy, Phương Dung, Nguyệt Thai, Nguyệt Độ, Chiêu Dung, Hương Thảo, nữ tu họ Quách; [5] có lẽ những vị ni này chỉ thọ tam qui ngũ giới, không có giới đàn truyền giới do đó không có tính chính thống gọi là “truyền đăng tục diệm”. Đến năm 198, Mâu Tử (người Trung Quốc, đến Giao Chỉ sinh sống vào năm 189) viết Lý hoặc luận, ông mô tả tình hình Phật giáo đương thời, “Đạo Phật trọng vô vi, ưa bố thí, giữ giới đau đáu… Nay sa-môn đam mê rượu ngon, có kẻ nuôi vợ con, mua rẻ bán đắt…”. [6] Vậy, theo lời Mâu Tử, tại đất Giao Châu lúc ấy đã có Tăng-già nhưng đời sống tinh chuyên giới luật không được tôn trọng thì khả năng không có giới đàn truyền giới đàng hoàng. Đến thời Khương Tăng Hội, năm 220, ngài có nói xuất gia được “ba thầy” dạy dỗ, từ “ba thầy” là thành ngữ giới đàn Phật giáo ‘tam sư thất chứng’, có nghĩa trong nghi thức truyền giới cho tỳ-kheo hay tỳ-kheo-ni, tiêu chuẩn đòi hỏi phải có sự hiện diện của ba thầy là Hòa thượng, Kiết(yết)-ma và A-xà-lê, và bảy thầy làm chứng (hay gọi là thất chứng). [7] Điều này làm dấy lên sự nghi ngờ cho các sử gia Việt Nam suy đoán, có thể thời Khương Tăng Hội có giới đàn truyền giới cho tỳ-kheo đầu tiên.

Tiếp đến thời nhà Lý (Lý Công Uẩn, 974-1028), Canh tuất, niên hiệu Thuận thiên thứ 1 (1010), triều đình cấp độ điệp cho nhân dân làm sãi. Giáp dần, năm thứ 5 (1014), tháng 5, Tăng thống Hữu Nhai là Thẩm Văn Uyển tâu xin lập giới trường ở chùa Vạn Tuế, cho Tăng đồ thọ giới. Vua chuẩn y. Bính thìn, năm thứ 7 (1016), cấp độ điệp cho hơn một ngàn người ở Kinh sư làm Tăng đạo. Kỷ mùi, năm thứ 10 (1019), xuống chiếu cấp độ điệp cho nhân dân trong nước làm Tăng. Canh thân, năm thứ 11 (1020, nhằm đời Tống, Thiên hy năm thứ 4), mùa thu tháng 9, Nguyễn Đạo Thanh đi sứ xin được Tam tạng kinh, vua xuống chiếu cho Tăng thống là Phí Trí sang Quảng Châu để đón. [8] Đây là thời kỳ Phật giáo xương minh nhất, được Đại Việt sử ký toàn thư ký tải nhưng chúng ta cũng không thấy nói gì đến giới đàn truyền giới cho Ni. Do đó mà dưới triều Lý Thái Tông (cai trị 26 năm, 1028-1054) có Ni sư Diệu Nhân (1042-1113) đi tu, lịch sử chỉ nói bà xuất gia thọ giới Bồ-tát với thiền sư Chân Không. [9]

Mãi đến đến đời Trần – Công chúa Huyền Trân (1287-1340) con gái của Trần Nhân Tông (1258-1308), năm 1306, Huyền Trân được gả cho vua Chiêm thành là Chế Mân (Jaya Sinhavarman III). Tháng 5 năm Đinh mùi (1307) quốc vương Chế Mân qua đời, Trần Anh Tông sai Trần Khắc Chung đến đón công chúa về. Sau khi trở về Thăng Long, công chúa xuất gia thọ Bồ-tát giới ở núi Trâu Sơn (Bắc Ninh), được ban pháp danh Hương Tràng. Đời Trần Nghệ Tông (1370-1372), có người con gái họ Phạm thuộc gia đình làm quan, sau xuất gia ở núi Thanh Lương, gọi là Ni sư Thanh Lương (hoặc gọi Ni sư Đức Hạnh), được vua ban đạo hiệu là Tuệ Thông đại sư. Viên tịch năm 80 tuổi. [10]

Sang thời Hậu Lê, có Ni sư Trần Thị Ngọc Am (1580-1647), bà là đệ nhất cung tần của chúa Trịnh Tráng (nắm quyền từ 1623 đến 1657), bà xuất gia ở chùa Phật Tích, thọ giáo pháp với thiền sư Minh Hành, được đặt pháp danh là Pháp Giới. Và Trịnh Thị Ngọc Trúc con của Trịnh Tráng, năm bà 36 tuổi (1630), Chúa Trịnh Tráng gả bà cho Lê Thần Tông. Khi Thần Tông mất, bà cùng con gái là công chúa Lê Thị Ngọc Duyên đến chùa Bút Tháp xuất gia, bà lấy pháp danh Diệu Viên, công chúa có pháp danh Diệu Tuệ. [11] Và tiếp nữa có ba người xuất gia: Diệu Đăng (?-1685), Diệu Đức (?-1687), Huệ Cơ (1725-?) [12], về cuộc đời, hành trạng của ba ni sư này không rõ ràng.

Tóm lại, từ thời Bát Nàn phu nhân cho đến thế kỷ XVIII, XIX, Phật giáo miền Bắc gần như không có giới đàn truyền giới cho tỳ-kheo-ni; còn giới đàn cho Tăng, dù một ít sử liệu bảo lưu cũng chỉ cho phép chúng ta đưa ra giả thuyết hay đoán định. Qua chứng cứ, thời Lê Trung Hưng, thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng (1647-1726), 19 tuổi xuất gia với ngài Chân Trụ Tuệ Nguyệt, rồi lập đàn Diệu pháp liên hoa, đốt hai ngón tay để thọ giới Bồ-tát. Chính thiền sư Chân Nguyên khi soạn tác phẩm Tôn sư phát sách đăng đàn thọ giới bằng Hán văn, ông hoàn toàn im lặng không trình bày nghi thức thọ giới của tỳ-kheo (250 giới), chỉ kể tới giới đàn cho người tại gia thọ năm giới, giới đàn thọ 8 giới, 10 giới của sa-di và giới đàn thọ 58 giới của Bồ-tát. Vì thế mà trong truyện Kiều, khi viết về Kiều xuất gia, Nguyễn Du (1765-1820) tả rất trung thực: “Tam quy ngũ giới cho nàng xuất gia”. Thầy Thát nhận định, đây là thời kỳ mà Phật giáo mang sắc thái dân tộc, không phải đời sống kỷ luật như tổ chức Phật giáo Ấn-độ; đồng thời trong lịch sử dân tộc, do tiếp thu lâu dài hệ tư tưởng giới luật của thiền phái Trúc Lâm, nghĩa là dùng hệ thống giới thập thiện tức Bồ-đề tâm giới nên dẫn đến tình trạng một người nào muốn xuất gia chỉ cần thọ tam quy ngũ giới là đủ. [13]

2. TỲ-KHEO-NI PHẬT GIÁO ĐÀNG TRONG

Kể đến Ni chúng bỏ đời thoát tục dưới triều Chúa Nguyễn ở Đàng trong, đa phần là giới hoàng tộc và cung nữ, như Nguyễn Phúc Ngọc Cầu (1734-1804), là cung tần của Chúa Nguyễn Phúc Khoát; bà đi tu, lập chùa Phước Thành, tại Phú Xuân (Huế) năm 1774. Bà mất năm Gia long thứ 3, 1804. Hoàng nữ Ngọc Tuyên, con gái của Chúa Nguyễn Phúc Khoát. Cũng năm 1774, bà xuất gia ở Vân Dương (nay là huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế), hiệu Vân Dương, mất năm Gia long thứ 8, 1809. [13] Nguyễn Phúc Ngọc Cơ (1808-1856), con gái vua Gia Long. Năm 1832, bà xuất gia thọ giới sa-di-ni với thiền sư Tánh Thông Giác Ngộ, pháp danh Hải Châu, tự Thiện Hương. Bà mất năm 1856. v.v… Đáng chú ý nhất là một số tài liệu ghi chép về tỳ-kheo-ni Hải Bình (1839-?), bà là con gái của viên Cai đội Cảnh Tất Nguyễn Cửu Bình, người Tống sơn, Thanh Hóa, được tiến cung hầu vua Tự Đức (1848–1883). Năm 25 tuổi (1864), bà quy y với thiền sư Tánh Hoạt Huệ Cảnh, có pháp danh Hải Bình. Năm 1884, xuất gia ở chùa Tường Vân. Năm Thành thái thứ 6, 1894, bà thọ giới cụ túc tại giới đàn chùa Báo Quốc, do thiền sư Diệu Giác (Hải Thuận Lương Duyên) làm Hòa thượng đàn đầu [14].

Như vậy, có phải Ni sư Hải Bình là tỳ-kheo-ni đầu tiên thọ giới cụ túc Bạch tứ yết-ma (jñapticaturthaṃ karma) thông qua nhị bộ Tăng-già? Thêm những nghi vấn khác: Thứ nhất nếu Hải Bình là tỳ-kheo-ni đầu tiên, thì thập giới sư ni truyền giới kia phải là người ngoại quốc đến Việt Nam. Thứ hai, nếu 10 sư ni ấy không phải ngoại quốc, là người Việt thì 10 tỳ-kheo-ni đó thọ giới từ đâu và họ là những tỳ-kheo-ni đắc giới trước Hải Bình? Thứ ba, cũng có thể giới đàn này không có thập giới sư ni? Chúng ta xem lại giới đàn trước đó (thuộc Đàng trong) được tổ chức tại chùa Thiên Mụ, thời Chúa Nguyễn Phúc Trăn. Khoảng năm 1687-1690, Chúa cử thiền sư Nguyên Thiều (1648-1728) sang Trung Quốc thỉnh một số cao Tăng qua Việt Nam truyền giới: Thiền sư Giác Phong, Từ Lâm, Minh Hải v.v… Trong giới đàn chỉ nói truyền giới có một số nhà sư Trung Quốc và Tăng sĩ trẻ Đàng trong, không đề cập gì đến giới tử Ni.

Đến thời Nguyễn Phúc Chu (1675-1725), Chúa Nguyễn thứ 6 của Đàng Trong, mời sư Thạch Liêm (1633-1704) người Trung Quốc qua Việt Nam tổ chức giới đàn ở chùa Thiền Lâm và chùa Di-đà ở Hội An, cùng năm Ất Hợi, 1695. Giới đàn cũng chỉ truyền giới cho Tăng. [15] Có lẽ bắt đầu từ thời thiền sư Pháp Chuyên (Luật Truyền – Diệu Nghiêm, 1726-1798), ngài là người có công chỉnh đốn phong trào Luật học và Giới đàn của Phật giáo Việt Nam ở phía Nam, từ Quảng Bình trở vào; giới đàn do ngài tổ chức, truyền giới cho 200 Tăng ni tại Phú Yên vào ngày 21 tháng 7 năm Bính Thìn (1796); [16] từ đây tạm cho phép chúng ta suy đoán trong giới đàn này đủ nhị bộ Tăng-già truyền giới. Nhưng câu hỏi “thập sư ni” từ đâu đến? Họ thuộc bộ phái nào? Và nếu họ là người Việt thì tỳ-kheo-ni nào thọ giới đầu tiên?… Như những câu hỏi trên, thì tỳ-kheo-ni đầu tiên của Việt Nam mãi mãi là ẩn số của lịch sử. Còn Phật giáo ngoài miền Bắc, người xuất gia nói riêng về tỳ-kheo-ni, có lẽ chỉ thọ tam quy ngũ giới hay Bồ-tát giới từ Bát Nàn kéo dài đến thế kỷ thứ XIX, không có nghi thức thọ giới Bạch tứ yết-ma và không đủ nhị bộ Tăng-già truyền giới thì xem như không thể tính đến.

3. KẾT LUẬN

Ngày nay, nhiều nhà sư phương Tây vận động thành lập Tăng đoàn tỳ-kheo-ni thuộc hệ Nam tông. Họ y cứ vào sử liệu Luật tạng Pāli lưu truyền, phần Kiền-độ Tỳ-kheo-ni, nói rằng đức Phật cho phép tỳ-kheo được quyền truyền giới cho tỳ-kheo-ni mà không cần hệ thống kép. Luật ghi: Sau khi bà Mahāpajāpatī Gotamī thọ nhận tám pháp tôn kính, bà thưa với đức Phật: “Bạch Thế Tôn, con thực hành thế nào đối với những người nữ dòng Sakya (họ Thích) này?” Đức Phật dạy, cho phép các tỳ-kheo được phép truyền giới cụ túc cho các tỳ-kheo-ni (anujānāmi bhikkhave bhikkhūhi bhikkhūn¬iyo upasampā¬de¬tunti.). Họ lý luận thêm, thời Phật nếu truyền giới cho người nữ cần hội đủ nhị bộ Tăng, tại sao thời ấy đức Phật không truyền giới cho 10 tỳ-kheo-ni trước, rồi đủ nhị bộ mới truyền tiếp các tỳ-kheo-ni khác. Bhikkhu Bodhi cũng ý kiến, trường hợp Mahinda không chấp nhận truyền giới cho người nữ, nhất nhất yêu cầu Devanampiya Tissa phải mời cho được em gái mình sang Tích-lan truyền giới cho người nữ, vì thời ấy hội chúng Ni đang tồn tại. Lời của trưởng lão Mahinda không nên xem như một luật lệ bắt buộc trong mọi hoàn cảnh. Và trong Luật tạng cả sớ giải luật không thấy chỗ nào nói cấm tỳ-kheo độ người nữ xuất gia (pabbajjā). [17]

Nhưng các nhà sư này vẫn biết chính luật Pāli của Thượng tọa bộ, hay luật Tăng-kỳ của Đại chúng bộ, Ngũ phần của Hóa địa bộ, Tứ phần của Pháp tạng bộ, Thập tụng yết-ma tỳ-kheo yếu dụng của Hữu bộ đều ghi rõ, trong đàn truyền giới cho tỳ-kheo-ni, sau khi Ni Tăng tác pháp bản bộ yết-ma, cả 10 giới sư Ni hướng dẫn giới tử Ni sang bên tỳ-kheo Tăng xin chánh pháp yết-ma. [18] Đây là cách truyền giới được chính Phật chỉ dạy. Ngày nay chúng ta đem trí năng phàm phu để lý luận, giải trình cho rằng Ngài là bậc Nhất thiết trí chế luật trước sau bất nhất, hay chế luật thiếu lòng từ hơn chúng ta hay sao? Ngài biết một tỳ-kheo, hay chỉ chúng tỳ-kheo truyền giới cho người nữ, khác với năng lực của nhị bộ Tăng-già. Cho nên chư tổ đã giữ tinh thần thượng tôn giới luật, áp dụng theo hai hình thức: 1. Trong hoàn cảnh mà có thể tuân thủ thì tuân thủ như cách làm của Mahinda (truyền giới cho Ni tại Tích-lan) hay Cầu-na-bạt-ma (truyền giới cho Ni tại Trung Quốc). 2. Phương tiện độ sinh, cố gắng thích nghi thời cuộc chứ không “kéo giới luật Phật chế xuống ngang tầm thời đại”, ví dụ các vị thiền sư Phật giáo Việt Nam, nếu không có giới đàn thọ giới thì chỉ thọ Bồ-tát giới, hay truyền cho đệ tử tam quy ngũ giới, không tự xưng là tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni đắc giới. Nếu làm cho giới luật Phật chế hợp với “khẩu vị thời đại” thì đức Dalai Lama đã tự ý truyền giới cho người nữ Tây Tạng rồi, chứ không phiền gì phải tổ chức hội thảo với các vị Luật sư nhiều nước.

Cuối cùng, dòng truyền thừa tỳ-kheo-ni ở Việt Nam kết nối từ Kiều-đàm-di Đại Ái Đạo (Mahāpajāpatī Gotamī) hoàn toàn không có dấu vết, cho nên chúng ta cũng không biết Ni chúng ngày nay kế thừa từ hệ phái nào và ai là tỳ-kheo-ni đầu tiên ở Việt Nam mãi mãi là ẩn số của lịch sử.

Ngày 6 tháng 6, Quý mão.
Tâm Nhãn

Chú thích:

1. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam I, 2003, tr. 88-89.

2. https://en.wikipedia.org/wiki/Sanghamitta.

3.《高僧傳》卷3, T50, no. 2059, p. 341a28-b9; 《大宋僧史略》卷1, T54, no. 2126, p. 238b24; 《比丘尼傳》卷2, T50, no. 2063, p. 941a20…

4. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam (LSPGVN) 1, Huế – 1999, p. 19-25.

5. Lịch sử ni giới và hành trang chư ni Phật giáo Việt Nam & phatgiao.org.vn.

6, 7. Lê Mạnh Thát, Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam I, Nxb Tp. HCM – 2001, tr. 190, 276.

8. Đại Việt sử ký toàn thư II, 2004, p. 257-269.

9. https://vi.wikipedia.org/wiki/Diệu Nhân.

10. https://zh.wikisource.org/wiki/南翁夢錄 & 尼師德行; https://vi.wikipedia.org/wiki/Huyền Trân công chúa.

11. Nguyễn Đức Hiền, Lịch sử Phật giáo Đàng ngoài, Chương VII 7, tr. 549.

12. Cf. Lịch sử ni giới và hành trang chư ni Phật giáo Việt Nam (file word).

13. Cf. Lê Mạnh Thát, Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng I, 2018, p. 14-55; “Vị trí của thiền sư Nguyên Biểu trong lịch sử Phật giáo Việt Nam thế kỷ XIX và sau đó”; vi. wikipedia.org/wiki/Chân_Nguyên.

14. http://chuaxaloi.vn/ qua-trinh-hinh-thanh-va-phat-trien-cua-ni-gioi-bac-tong-thua-thien-hue.

15. https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyên Thiều, Thạch Liêm.

16. https://tapchivanhoaphatgiao.com.

17. Vinayapiṭake Cullavaggapāli 2 (256), Bhikkhunīkkhandhakkaṃ & Ven. Bhikkhu Bodhi, The Revival of Bhikkhunī Ordination in the Theravāda tradition (An Inward Jouney Book), p. 49-50 & https://thubtenchodron.org/2010/05/women-monastic-lineage/.

18. 摩訶僧祇律 卷30, T22n1425, p. 473a28; 彌沙塞部和醯五分律 卷29, T22n1421, p. 188a23; 四分律 卷48, T22n1428, p. 925a26; 十誦羯磨比丘要用, T23n1439, p. 499a13; Vinayapiṭake Cullavaggapāli 2, Bhikkhunīkkhandhakkaṃ.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận