– Còn người phụ nữ trong chuyện đó, tuy không ai nhắc tới, nhưng nghe đâu đã bỏ làng, sang lập nghiệp đâu bên miệt Svayrieng…
Ông già nói thêm câu cuối cùng như để kết thúc chuyện, trả lại không gian một khoản lặng trong buổi chiều hanh vàng.
Nguyên đang ngồi trong căn nhà sàn rộng mênh mông, có lẽ là ngôi nhà bề thế nhất ‘phum’ này. Từ trong nhà nhìn xuống sân có cái giếng ngay trước cổng, buổi chiều những người trong nhà và cả hàng xóm đều ra tắm nơi cái giếng này.
– Một cái giếng rất tốt, ông tự hào nói. Hiện tại Nguyên nhìn thấy hai cô gái với mấy đứa nhỏ đang tắm ở đó. Họ tự nhiên cởi áo vắt trên dãy hàng rào dâm bụt, phía dưới người họ quấn một tấm khăn gọi là ‘xà-rông’, thường dài đến đầu gối hoặc hơn, rồi thoải mái múc từng gàu nước dội lên người. Quang cảnh trông vui mắt và vui tai; tiếng nước chảy và tiếng chuyện trò liếng thoắng của các cô gái nghe mát rượi. Ở bất cứ đâu, sự thanh bình luôn bàng bạc trong cuộc sống dân dã, dù ở đây chiến tranh đang quanh quẫn thật gần.
Phía sau nhà, ước độ bảy tám nóc gia, có thể nhìn thấy một cái ao rộng trồng đầy sen, nước xanh ngắt, có một cái cầu gỗ đơn giản kê từ bờ ao xuống tới mặt nước. Bên trái ao là con đường đất quanh co dẫn đến ngôi chùa nhỏ trong ‘phum’, im lìm núp bóng dưới hai tàn cây thốt nốt. Ngoại trừ ao sen như mạch nguồn sinh khí của làng, còn lại nơi đây là một màu khô cằn, từ con đường đất, hàng cây khô lá, chiếc xe bò khuấy bụi mù…
– Đó là ao chùa, cũng là ao làng, ông già nói, – để dành nước cho dân gánh về dùng hoặc ra đó vo gạo, rửa rau. Không được tắm giặt. Ở xứ này làng nào cũng có một ngôi chùa, và chùa nào hầu như cũng có một cái ao.
Chính cái ao này là bối cảnh của câu chuyện kỳ thú về ngôi chùa mà Nguyên được nghe kể.
Nguyên đã có lần tò mò đến quan sát ngôi chùa này vào một buổi chiều nhá nhem tối. Ngôi chùa nhỏ như một ngôi nhà bình thường, xây gạch trên nền đất chứ không nằm trên sàn như đa số nhà dân. Nó khác nhà dân nhờ có lớp mái ngói cao vút, duyên dáng mà trang nghiêm với những đường chạm trỗ công phu.
Nhìn vào bên trong, chùa tối lờ mờ. Có một ông sư già ngồi trên chiếc ghế mây đong đưa một cách uể oải. Chánh điện nhỏ, đơn giản với cái khám thờ xây bằng gạch ở giữa, trên có một tượng Phật ngồi bằng đá trắng mờ. Pho tượng trông cứng ngắc và lạnh băng trước hàng đèn nhỏ đang cháy leo lét. Không thấy có bông hoa hay trái cây dâng cúng như ở các chùa Việt. Nhìn cách thờ tự đơn sơ mà trang nghiêm, tự nhiên Nguyên thấy có cảm tình. Hôm đó anh nhìn thấy hai phụ nữ lớn tuổi vào thăm nhà sư. Một bà đã vào trước khi anh đến, đang dâng cúng sư một dĩa phẩm vật gì đó, rồi quỳ xuống chấp tay cung kính đảnh lễ ông. Lạy xong bà đứng lên, vẫn chấp hai tay, từ từ bước thụt lui một đoạn rồi mới quay người đi ra. Đến lượt bà thứ hai vào, hai tay bưng một cái bát to bằng bạc trên có nắp đậy. Không thấy ai nói gì trong cái không gian trầm lặng ấy.
– Nhưng dân làng ở đây có vẻ nghèo; họ lấy gì cúng dường sư tăng? Nguyên hỏi ông già.
– Có gì đâu, mấy cũ khoai luộc, một khúc cá kho, tô canh, hay có khi chỉ là vài cục đường thốt nốt, cái khăn mặt, tuýp kem đánh răng… Nhưng chắc chắn tất cả đều là những thứ tốt nhất mà họ có, để dành mang lên cúng chùa. Họ rất kính trọng mấy thầy tu… Nói đến đây, ông già nhớ đến một chuyện liên quan tới ngôi chùa. Câu chuyện như một huyền thoại khiến ông cao hứng nói tiếp, giọng sôi nổi hẳn.
– Để tôi kể chú nghe chuyện của ông sư trụ trì trước của chùa này, cho chú thấy dân làng họ kính trọng và đối xử với các sư như thế nào. Lúc ấy tôi vừa chuyển về đây được một, hai tháng…
Ông vói tay lấy bịch thuốc rê, chậm rãi vấn một điếu trông thật khéo rồi châm lửa, bập bập điếu thuốc lấy hơi, rồi khoan khoái nhả ra một làn khói trắng mù mịt. Khói thuốc hăng hăng trộn lẫn mùi ngai ngái của phân bò quanh nhà, mùi đất ẩm man mát; thì ra, cái hỗn hợp mùi đặc dị này Nguyên đã cảm thấy ngay từ khi mới bước vào nhà. Tuy lạ mũi, nhưng cũng khá dễ chịu. Nguyên không biết ông già đang kéo dài thời gian để nhớ lại câu chuyện, hay để thưởng thức làn khói đặc quánh trong không gian.
– Ông sư trụ trì trước, ông kể, chú biết không, trẻ hơn ông bây giờ một chút, nhưng cũng rất được kính trọng. Việc làng có gì cần phân xử hay quyết định đều đem qua hỏi ông. Dân làng rất quý mến ông, họ đến chùa thường xuyên, có việc gì trong nhà cũng đem ra giải bày, hỏi ý ông. Đùng một cái, nghe nói có người phát hiện ông phạm giới với một phụ nữ trong làng. Phép ở đây, người ta rất trọng sư, cho nên cũng đòi hỏi rất nhiều nơi mấy ổng; trường hợp như vậy sẽ bị Tăng khai trừ, đuổi khỏi chùa, chỉ còn nước bỏ làng đi nơi khác. Nhưng ông sư này được dân làng thương mến, quý trọng, không muốn xa ông. Họ muốn che chở ông miễn là ông nhìn thấy tội lỗi, có quyết tâm từ bỏ nó. Không biết sau đó Tăng-già theo phép nhà Phật đã xử trị ông thế nào, hay là tội của ông được dân bao che sao đó, nên ông không bị đuổi, mà chỉ bị phạt. Hình phạt gì chú biết không? Cũng không phải là những hình phạt nặng nề gay gắt, thường làm mất thể diện như án phạt ngoài đời. Ông vẫn ở chùa, vẫn mặc áo thầy tu, ra vào âm thầm như chiếc bóng. Chỉ để ý kỹ mới nhận thấy ông không ở trên chánh điện như trước mà thường ở chái nhà sau chùa, mỗi ngày đôi ba bận ông chỉ lên chánh điện thắp nhang, đốt đèn, và sớm tối vẫn còn nghe tiếng tụng kinh rì rầm của ông. Sau đó thấy dân làng lăn ở đâu ra hai cái chum bự chảng đặt bên hông chùa, loại chum cỡ như chú có thể chui nằm trong đó được, mà các nhà đông người vẫn dùng để trữ nước mưa. Hai cái chum đó bây giờ vẫn còn đặt sau hiên chùa, bữa nào chú qua xem. Tôi hỏi thăm thì làng nói để cho ông sư gánh nước ngoài ao về đổ vô. Chú thấy lạ không? Chùa chỉ có một ông sư thì cần gì chứa nước nhiều thế! Chùa lại không có bếp vì chẳng nấu ăn, mấy sư chỉ ăn ngày hai bữa sáng trưa, bằng đồ khất thực hay do dân làng cúng dường. Hồi đó tôi thắc mắc việc này lắm, và muốn té ngữa khi thấy làng làm cho ông một cái đòn gánh hai đầu treo lủng lẳng hai chai dầu ‘Nhị thiên đường’ nhỏ như ngón tay út. Chắc chú biết chai dầu Nhị thiên đường chớ? Họ giải thích, ông phải gánh nước ngoài ao về đổ đầy hai cái chum này để rửa sạch tội đã phạm! Chú tính thử coi đến bao giờ? Tôi nghe mà rùng mình. Đem nước trong hai chai dầu Nhị thiên đường đó đổ vô hai cái chum, rồi trở ra ao để gánh đôi khác về, thì chưa đủ cho nó bốc hơi dưới cái nắng chang chang của mùa hè xứ này. Thật là một dân tộc lạ lùng…, và thông minh, ông nói thêm.
– Họ không muốn trừng phạt ông. Họ chỉ muốn ông nghiền ngẫm những điều đã và đang làm. Cái tình đó coi vậy còn nặng hơn một hình phạt nghiệt ngã. Nhưng ông sư đã chọn nó để ở lại với làng, hay để nung nấu quyết tâm từ bỏ tội cũ, mình không biết được. Nghe đâu hai năm sau thì ông ‘hết tội’. Những người biết chuyện trong làng thì thầm với nhau: không biết do ông đã gánh đủ nước để rửa sạch nó, hay do hạnh nhẫn nhục, lòng can đảm đối diện trước sự toàn khuyết của giới hạnh mình, đã khiến một đêm trời mưa tầm tã đến sáng mà ai đó trong làng đã bí mật nhích mở hai cái nắp chum để giữa trời…
– Hai cái chum đầy lai láng nước, mát rượi, tinh khôi giữa bầu trời quang tạnh buổi đầu mưa, và dân làng đã chấp nhận.
(Chiến trường K. – những năm 1980) N.H.