Ngày nay, trong xã hội nhà chùa theo truyền thống Phật giáo Bắc tông tại Việt Nam mang nhiều sắc màu nghi lễ, pha tạp cả tín ngưỡng dân gian lẫn tín ngưỡng Phật giáo, ảnh hưởng nhiều nhất từ tông Tịnh độ và Mật giáo. Những loại nghi lễ này có tính chất huyền thoại “siêu hình”, không giống với hình thức Phật giáo chính thống, lại hấp dẫn lôi cuốn được đông đảo quần chúng bình dân; từ đó yếu tố văn hóa lấn áp dần yếu tính của đạo Phật. Mọi người thấy đáng tin, nghi lễ đó đã đem lại cho phần đông sự an tâm, niềm tin này trở thành ý thức di truyền, không mấy ai phân vân về những gì diễn ra. Trong số đó có loại hình tổ chức nghi lễ cúng dường “Trai Tăng”.
“Trai Tăng”, từ ngữ này khá phổ biến và quen thuộc với giới Phật tử theo hai trường phái Nam và Bắc tông, ai ai cũng hiểu một buổi lễ trai phạn, cùng nhiều phẩm vật được thiết bày cúng dường cho chư Tăng, nếu hệ Phật giáo Bắc tông đôi khi có cả Ni chúng tham dự. Buổi lễ được tổ chức có thể với nhiều ý nghĩa khác nhau nhưng thông thường hiện nay vẫn không ngoài hai mục đích chính là cầu an và cầu siêu.
Về nguồn gốc thiết lễ trai Tăng cúng dường, đa số Phật tử theo Phật giáo Bắc tông cho rằng bắt đầu từ truyền thuyết tôn giả Mục-kiền-liên (Maudgalyāyana) cứu mẹ bất thành nơi thế giới ngạ quỷ, sau đó vâng lời Phật dạy, tôn giả tổ chức lễ trai Tăng cúng dường để hồi hướng cầu siêu cho mẹ. Truyện này được ghi chép trong kinh Phật thuyết vu-lan bồn (佛說盂蘭盆經, T. 16, no. 685), do Trúc Pháp Hộ (Dharmarakṣa, 265?-311 Tl.) dịch từ Phạn sang Hán. Bản thứ hai là Phật thuyết báo ân phụng bồn kinh (佛說報恩奉盆經, T. 16, no. 686), khuyết tên người dịch, bản này phỏng theo kinh của Trúc Pháp Hộ dịch. Seishi Karashima đoán định bản dịch của Trúc Pháp Hộ được biên soạn tại Ấn-độ vào thế kỷ thứ 3 hoặc thứ 4 Tl. (1). Tính lịch sử của câu chuyện được cải biên thêm thắt sau này, chúng tôi sẽ thảo luận chứng minh trong một thiên tùy bút khác. Bài này chúng tôi chỉ thuyết minh lễ trai Tăng cầu an và trai Tăng cầu siêu tại nhà đàn-việt vào thời Phật, không bàn đến lễ trai Tăng vào dịp Tự tứ (Pravāraṇā) hay lễ dâng y Kaṭhina (y công đức) tổ chức tại chùa.
Định nghĩa:
Trai Tăng (齋僧), “trai” hiểu theo thông tục là người cư sĩ cung kính cúng dường một bữa cơm cho Tăng với thân tâm thanh tịnh. Trai Tăng là dịch ý từ ngôn ngữ Pāli: saṅghikadāna, nghĩa là bố thí cho Tăng. Người Trung Quốc còn dịch ra nhiều nghĩa khác như: Tăng trai (僧齋), thí Tăng (施僧, bố thí cho Tăng), phạn Tăng (飯僧, cúng dường bữa cơm, bữa ăn cho Tăng); cách dịch xưa là trai diên (齋筵), trai hội (齋會). Có tài liệu gọi “trai viên” là sai.
Nguồn gốc:
Nguồn gốc trai Tăng có từ thời Phật, ý nghĩa ban đầu là đức Phật và Tăng chúng sinh hoạt đều nhờ vào người tại gia cúng thí. Mỗi ngày, chúng đệ tử và Phật thường vào thôn làng, thành ấp khất thực. Có khi người cư sĩ đem thực phẩm đến tinh xá cúng dường, hoặc mời Tăng về nhà thọ trai. Ngoài cúng dường thực phẩm, nhiều gia chủ có khả năng muốn cúng thêm y phục. Đức Phật cho phép tỳ-kheo nhận để người thí được phước (2). Trong Luật tạng liệt kê bốn loại cúng dường của thí chủ: y phục (cīvara), vật thực (piṇṇapāta), chỗ ở (senāsana) và thuốc trị bệnh (gilānabhesajja). Trong Kinh tạng liệt kê mười loại: Vật thực, nước uống, vải, xe cộ, bông hoa, v.v… (3). Từ ý nghĩa bố thí của Phật tử diễn ra hằng ngày như thế mới có lễ trai Tăng cúng dường.Đúng với từ ngữ nêu trong định nghĩa: saṅghikadāna.
Lễ trai Tăng cầu an thời Phật:
Thời Phật, số tỳ-kheo đến nhà cư sĩ thọ trai không giới hạn số lượng, ít nhiều tùy theo khả năng của gia chủ mời. Phật quy định về việc tỳ-kheo đi thọ trai, nếu tỳ-kheo không có tên được thỉnh mà cố ý đến sẽ phạm tội đột-kiết-la (4). Phật còn thương tưởng đối với những gia đình khó khăn, Phật dạy khi họ mời đến, tỳ-kheo nhận cơm chỉ nhận một phần ba bình bát, không được nhận quá (5). Và nghi thức buổi lễ: khi thí chủ thỉnh Phật hay tỳ-kheo đến nhà thọ thực, thí chủ hầu bên cạnh phục vụ thức ăn. Sau khi dùng xong, họ kéo ghế ngồi một bên, để nghe Phật (tỳ-kheo) giảng pháp, truyền tam quy ngũ giới (6). Xem như ý nghĩa buổi lễ trai Tăng cầu an thời Phật là đặt nặng vấn đề độ sinh, thuyết pháp cho thí chủ ngộ đạo và hướng dẫn họ thọ giới, quy y. Ngày nay, lễ trai Tăng có tổ chức lớn hay nhỏ, chỉ có lời “đáp từ” cho gia chủ nghe mang tính chiếu lệ.
Trong buổi lễ cầu an thời Phật có thêm lời chúc phúc:
“Lành thay đã vô thường,
Hôm nay ngày tốt lành.
Bày thức ăn trân quí,
Cúng dường hàng phước điền.” (7)
Có thể có người thắc mắc, truyền thống thời Phật, nếu lễ trai Tăng chỉ có một tỳ-kheo tham dự, vậy có thành Tăng không? Theo luật định, Tăng hội đủ 4 tỳ-kheo thanh tịnh trở lên, đã thọ giới cụ túc, gọi là Tăng. Bốn vị này cùng sống trong một trú xứ, cùng thanh tịnh và hòa hiệp thì chừng ấy đủ để gọi là Tăng. Về sau nữ giới được phép gia nhập Tăng đoàn thì ngoài số tỳ-kheo Tăng, còn có tỳ-kheo-ni Tăng. Trường hợp nếu gia chủ chỉ có khả năng mời một tỳ-kheo đến nhà, họ có nêu đích danh hay không nêu đích danh thì người này vẫn trên danh nghĩa đại diện cho Tăng, hoặc được Tăng cử đi (8).
Tóm lại, thời Phật tại thế buổi lễ trai Tăng cầu an không kể số lượng chư Tăng tham dự nhiều hay ít, đức Phật luôn tạo điều kiện cho người nghèo, người giàu đều có thể hàng ngày bố thí, và trong buổi lễ trai Tăng chú trọng việc giảng pháp cho thí chủ giác ngộ là chính. Từ yếu tính lịch sử, giúp cho chúng ta hiểu lại và nên thay đổi tư duy, nhất là người nghèo trong xã hội ngày nay sẽ loại được mặc cảm khi thấy mình không đủ điều kiện để tổ chức một buổi lễ trai Tăng quy mô. Bình nhật có thể thiết bày bữa cơm, mời một thầy đến nhà, thành tâm cúng dường theo khả năng. Đạo Phật ra đời vì cứu khổ nhân sinh, không phân biệt giai cấp, không phải dành cho giới thượng lưu. Phước thiện ai cũng có thể vun trồng và tích lũy.
(còn tiếp)
Ngày 18 tháng 10, Nhâm dần
Tâm Nhãn
Tựa đề cho Huongtich đặt.
Chú thích:
1. Seishi Karashima, The meaning of Yulanpen 盂蘭盆 – “Rice Bowl” on Pravāraṇā Day (PDF), p. 289.
2. Luật Tăng-kỳ 8, T22, no. 1425, p. 292a21-23.
3. trungtamhotong.org/NoiDung/ThuVien/TimHieuPhuoc/BoThi.
4. Đột-kiết-la 突吉羅 (Skt. duṣkṛta, P. dukkaṭa), dịch lỗi nhỏ, hành động (thân, khẩu) xấu… Đây là tội nhỏ, đối diện một tỳ-kheo thanh tịnh sám hối.
5. Luật Ngũ phần 18, T22, no. 1421, p. 73a17; p. 123b25-c3.
6. Luật Ngũ phần, p. 151a9-11; p. 166b29-c9.
7. Luật Tăng-kỳ 34, p. 500b12-20.
8. Trong Tăng có một vị giữ chức vụ sai tỳ-kheo đi đến nhà cư sĩ thọ trai. Luật Pāli gọi là bhattudesaka, tức người có nhiệm vụ phân phối tỳ-kheo thứ tự đi thọ trai khi được cư sĩ thỉnh (Cf. Luật Tứ phần 3, T22n1428, p. 587a29; Ngũ phần 3, p. 15a12).