1. Nền y học cổ đại của Phật giáo:
Mùa an cư năm 2017, tôi và thầy Nguyên An phụ thầy Tuệ Sỹ dịch bộ luật liên quan đến y khoa thời Phật gọi là Dược sự (Bhaiṣajyavastu, Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tỳ-nại-da dược sự 根本說一切有部毘奈耶藥事) gồm 18 chương. Chúng tôi dịch xong, thầy Tuệ Sỹ hiệu đính lại, tác phẩm hoàn thiện ngay mùa an cư năm đó. Thầy bảo để thầy viết tổng luận về y khoa thời Phật như lời giới thiệu cho bộ Dược sự rồi ấn hành ra mắt độc giả…
Chương đầu của bộ sách này tường thuật đức Phật quy chế cho tỳ-kheo (tỳ-kheo-ni) cách dùng thuốc và chỉ dạy phương pháp chữa trị một số loại bệnh. Thuốc là chỉ cho thức ăn nước uống hằng ngày và một số đặc trị bệnh đều gọi chung là thuốc, chia thành bốn loại: 1. Thuốc uống đúng thời (trước ngọ) như bánh, cơm, thịt v.v… 2. Thuốc “phi thời” là uống buổi chiều và tối gồm các loại nước trái cây, nước dừa, nước chuối chín, nước táo v.v… 3. Thuốc dùng chỉ thời hạn 7 ngày: bơ, dầu, đường, mật v.v… 4. Thuốc uống trọn đời, loại thuốc chiết xuất từ rễ cây như cỏ gấu, nghệ, gừng…; hoặc chiết xuất từ thân cây chiên đàn, mật hương…; thuốc lấy từ lá bầu, bí, sầu đâu…; thuốc lấy từ hoa: hoa hồng, râu sen, tần cửu (thanh táo)…; thuốc lấy từ quả: quả harīṭaka (quả ha-lê-lặc 訶黎勒果, to như trái táo lớn, có vị chua đắng, dùng làm thuốc tiện lợi), vibhītaka (quả tỳ-hê-đắc-chỉ 鞞醯得枳果, hình dáng như trái táo, có vị ngọt dùng làm thuốc trị bệnh ho)…
Bốn loại này có nhiều tỳ-kheo dùng lộn xộn khiến sinh bệnh. Phật dạy phương pháp dùng: Nếu dùng thuốc đúng thời chung với thuốc phi thời, thuốc 7 ngày, thuốc trọn đời, thì phải dùng trước ngọ, qua ngọ dùng sẽ sinh bệnh; hoặc thuốc 7 ngày, thuốc trọn đời mà trộn chung với thuốc phi thời thì chỉ được dùng vào đầu hôm (canh một), nếu quá giờ không được dùng…
Với một số loại bệnh như tỳ-kheo bị bệnh phong, Phật dạy dùng 5 loại mỡ để trị: mỡ cá, mỡ gấu, mỡ heo… Bị đau mắt, dùng thuốc an-thiện-na (安膳那, Skt. añjana, thuốc chữa mắt lấy từ một loại cây). Bị ghẻ ngứa thì dùng thuốc sáp (澁藥. Skt. kaṣāya), như am-một-la (菴沒羅, āmra, quả xoài) nhâm-bà (絍婆, nimba, cây sầu đâu),… những loại thuốc này, hoặc vỏ, hoặc lá, đều phải giã nát, nấu thành nước để bôi thân. Phật dạy cách chế tác như vậy giống sắc thuốc Bắc, 1 phần thuốc, 4 hay 8 cho đến 16 phần nước; sắc cho đến khi còn lại 1 phần tư. Sau đó thuốc sáp đặc lại. Theo y học Āyurveda (hệ thống y khoa cổ đại của Ấn-độ), có khả năng chữa trị các vết thương, trị viêm, chống nhiễm trùng.
Đặc biệt có tỳ-kheo bị bệnh phong phát chứng điên loạn. Phật dạy các tỳ-kheo đi hỏi thầy thuốc. Thầy thuốc khuyên nên cho vị ấy ăn thịt sống. Y học Āyurveda giải thích, bệnh điên thuộc thể tạng phong, có các triệu chứng như ngoại diện rách rưới, bù xù, mình nổi gân, khó thở, gầy còm, các khớp co giật đau nhức, thường vỗ tay, nhảy múa, la hét, đi lang thang. Truyền thuyết dân gian cho là bị quỷ la-sát nhập (graha). Loại quỷ này ưa thịt sống và máu do đó điều trị bằng các ăn thịt sống (āmakamaṃsa) và máu tươi.
Mùa an cư năm ấy, buổi sáng thì thầy trò tập trung dịch, tối uống trà đàm đạo. Câu chuyện tỳ-kheo bị điên bàn luận nhiều nhất. Tôi thắc mắc vì sao tỳ-kheo bị điên không thấy đức Phật chỉ dạy tu tập thiền định hóa giải, có lẽ ý thức điên loạn thì không thể tập trung quán tưởng được, như bệnh nhân thần kinh phân liệt ngày nay….?
2. Bộ kinh giáo dục đạo đức y khoa:
Tôi kể lể dông dài câu chuyện thuốc thang ngày xưa thời Phật nhằm mục đích nói đến đề tài thứ hai, đó là kinh Dược Sư (藥師, Bhaiṣajyaguru), bản kinh này được trì tụng phổ biến trong các tu viện Phật giáo Đông phương. Phật Dược Sư, dịch là Phật danh hiệu Thầy thuốc với hình tượng Ngài ngồi bàn tay phải giơ lên trong ấn vadra (tượng trưng sự cho đi và lòng từ bi) và bàn tay trái đặt lên trên đùi, ôm một lọ thuốc. Hoặc Phật giáo Tây tạng lưu truyền hình tượng tay trái cầm bát nước cam lộ 甘露, tay phải cầm trái harītaki (ha-lê-lặc 訶梨勒).
Tôi không đi sâu vào nội dung kinh văn mà chỉ đóng góp ý kiến cá nhân. Theo truyền thống Phật giáo, người chữa bệnh đầu tiên và nguyên thủy nhất vẫn chính là đức Phật Thích-ca. Sau khi Ngài niết-bàn, Phật pháp Đại thừa hưng khởi, pháp môn niệm Phật thịnh hành, người biên soạn an ủi những tâm hồn đối diện với khổ đau tuyệt vọng hay bệnh tật đọa đày thân tâm… tìm sự cứu rỗi nơi tha lực, bèn vẽ ra đức Phật Dược Sư trong văn học Phật giáo Đại thừa, cùng 12 hạnh nguyện rộng lớn như tấm lòng từ mẫn của một vị lương y chăm sóc bệnh nhân. Và cuối bản kinh hư cấu câu chuyện giáo dục, một người bệnh nặng bị sứ giả Diêm-ma dẫn thần thức (神識) người đó đến trước Diêm-ma, rồi có một vị thần Câu sinh (俱生神) ghi tội phước của người ấy dâng lên vua Diêm-ma phán xử. Lúc ấy nhờ người thân giúp người bệnh quy y đức Phật Dược Sư…, thần thức người kia trở lại, biết được nghiệp lành, nghiệp dữ đã thọ… (Kinh Dược sư [Bản Hán], T14n450, tr. 407b171). Thực tế, thần Câu sinh chính là “Câu sinh ngã chấp” thuộc giáo lý Duy thức, người biên soạn vay mượn thuật ngữ này muốn nói bệnh nhân có lành bệnh hay không là tùy ở nghiệp lực nặng hay nhẹ. Câu sinh là loại chấp ngã cộng với sự huân tập nghiệp thiện, bất thiện trong kiếp trước, khi tái sinh chúng xuất hiện đồng thời cho nên gọi là “Câu sinh” (cùng sinh ra là có). Cho nên văn kinh này vừa mô tả phẩm chất của một thầy thuốc vừa triết lý giáo dục tín đồ tu tập. Đồng thời ước mơ của soạn giả mong mỏi một thế giới không bệnh tật khổ đau, mà chúng ta thấy y khoa hiện đại cũng như một số nước phương Tây đang thực hiện.
3. Kết luận:
Trước khi đức Phật Thích-ca niết-bàn, Ngài đã dạy “Hãy lấy trí tuệ làm thầy”, trong ánh sáng trí tuệ phá tan được bóng tối vô minh. Người chánh tín, tu theo tông chỉ tụng niệm Phật Dược Sư nên biết, thân hay tâm bệnh (Khổ đế) đều có nguyên nhân, gốc bệnh (Tập đế), phải tìm hiểu tiên lượng (Diệt đế), rồi hướng đến phương pháp điều trị (Đạo đế), tâm tư niệm Phật quán chiếu. Các chùa tổ chức lễ hội tụng kinh Dược Sư phải kết hợp giảng dạy giáo lý, nếu có điều kiện nên tổ chức y tế khám bệnh cho người nghèo. Ở Đài Loan, có Ni sư Chứng Nghiêm, người sáng lập tổ chức nhân đạo Từ Tế, được mệnh danh là “Mẹ Teresa của Châu Á”. Ni sư bắt đầu thành lập tổ chức này vào năm 1966, chỉ với 30 bà nội trợ tiết kiệm tiền để giúp những gia đình gặp khó khăn. Về sau tổ chức này đã có hàng triệu môn đệ, cung cấp viện trợ y tế và cứu trợ, giúp đỡ, điều hành trường học và bệnh viện. Hiện nay ni sư gần 90 tuổi, các môn đệ tiếp tục các hoạt động từ thiện và gần đây nhất đã cung cấp viện trợ cho người tỵ nạn từ Ukraine.
Tết Nguyên tiêu, năm Quý mão.
Tâm Nhãn
Tài liệu tham khảo:
1. 根本說一切有部毘奈耶藥事卷1, T24, no. 1448, p. 1a7- p. 5b12.
2. Dược sư lưu ly quang như lai bổn nguyện công đức kinh 藥師琉璃光如來本願功德經, Huyền Trang dịch từ Phạn sang Hán (1 quyển) thời Đường, xếp trong Tạng Đại chánh tập 14, số 450.
3. https://zh.wikipedia.org/wiki. 藥師佛.
4. Buddhism and Medicine, An Anthology of Premodern Sources, Edited by C. Pierce Salguero.
5. bbc.com/vietnamese: 100 phụ nữ năm 2022.