Ông Mibu, người bạn cùng thời nghiên cứu sinh tiến sĩ, ông là một tấm gương của sự nỗ lực. Từ một nghiên cứu sinh thạc sĩ thuộc chuyên môn khác, ông đã chuyển sang chuyên môn Phật giáo Ấn Độ khi vào học chương trình tiến sĩ, và bắt đầu các môn cổ ngữ Sanskrit, Tibet từ ‘zero’. Đó là một trường hợp hiếm.
Thông thường, ở môi trường Phật giáo học tại Nhật Bản, nếu đã theo chuyên môn Phật giáo Ấn Độ thì các cổ ngữ thuộc Phật giáo Ấn độ như Pāli, Sanskrit, Tibet được xem là đương nhiên cần phải biết. Đặc biệt nghiên cứu sinh cao học là những người học làm nghiên cứu, phương pháp phổ biến trong nghiên cứu của ngành này là văn bản học, nói cách khác, đối tượng nghiên cứu ở đây là văn bản, tức là hệ thống kinh luật luận thánh điển Phật giáo bằng nguyên điển Sanskrit hoặc Pāli. Nên nếu không biết các cổ ngữ này thì không thể nghiên cứu theo phương pháp văn bản học được.
Nói thêm vì sao chuyên môn Phật giáo Ấn Độ phải cần tiếng Tibet. Vì nguyên điển Sanskrit của Phật giáo Ấn Độ hiện không còn nhiều, có trường hợp còn nguyên vẹn, nhưng cũng có trường hợp chỉ còn những mảnh rách, cũng có trường hợp chỉ còn cái tên, hay một phần nội dung của nó, được xuất hiện ở một văn bản nào đó của hệ thống văn bản Phật giáo Ấn Độ. Nên các nhà nghiên cứu khi sử dụng những văn bản của hệ Phật giáo này, phần nào còn Sanskrit thì ưu tiên đọc từ nguyên điển, phần nào không còn nguyên điển thì phải sử dụng các bản dịch Hán văn hoặc Tạng văn. Trong trường hợp này, do đặc trưng ngôn ngữ Tây Tạng có nguồn gốc gần gũi với Sanskrit, từ các từ ngữ của dịch văn Tây Tạng có thể suy đoán ra được từ vựng của nguyên điển Sanskrit, nên ưu tiên sử dụng bản dịch tiếng Tây Tạng. Việc này là để có thể truy trở lại nguyên ngữ Sanskrit của từ đó là gì, và từ nguyên ngữ đó mà hiểu về ý nghĩa và tư tưởng của văn bản này.
Việc học cổ ngữ để lý giải về văn bản như thế thì đương nhiên không thể học xong chương trình ngữ pháp của môn cổ ngữ là đủ, mà điều quan trọng là người học phải chính thức đọc hiểu nhiều văn bản trong thực tế, vì mục đích của việc học cổ ngữ trong Phật học là để làm việc này. Chỉ khi trải nghiệm nhiều văn bản như thế thì năng lực hiểu cổ ngữ mới được phát huy. Việc học văn bản này cần phải đong đếm bằng giờ học thực tế. Một người nói đã học cổ ngữ 5 năm nhưng chỉ học chương trình ngữ pháp, và một người chỉ học mới 3 năm nhưng đã trải qua việc đọc hiểu nhiều lần, thì năng lực cổ ngữ của hai trường hợp này khác khau là do số giờ học.
Ông Mibu đã bắt đầu việc học cổ ngữ muộn, nhưng ông đã bù bằng giờ học. Quả là mọi thứ đều có thể khi ta muốn bắt đầu.
Thích Nữ Thanh Trì