Sách mới – “Khởi Nguyên Văn Hiến Phật Giáo Và Luật Tạng Bộ Phái” (E. Frauwallner, Tâm Nhãn dịch Việt)

GIỚI THIỆU SÁCH CỦA DỊCH GIẢ TÂM NHÃN

Ban phiên dịch Pháp tạng Phật giáo Việt Nam do cố Hòa thượng Tuyên luật sư Thích Đỗng Minh thành lập năm 2002, trung tâm hoạt động đặt tại Thiện xứ Long sơn, Nha Trang, Khánh Hòa (Việt Nam). Công trình phiên dịch gồm kinh, luật, luận trong tạng Đại chánh, tùng thư của đại sư Ấn Thuận, và những tác phẩm biệt hành có giá trị đóng góp cho Phật giáo. Sau khi Hòa thượng “treo bình Đông độ, quảy dép theo Tổ về Tây”, dưới sự cố vấn của thầy Tuệ Sỹ, các thành viên có thêm ý chí tiếp nối công trình di sản của Hòa thượng để lại. Người xây thành đã khó, người ở lại giữ thành cũng không phải dễ, trải qua bao thăng trầm và biến thiên trong cuộc sống đối diện xung quanh, Ban phiên dịch vẫn duy trì trong sự chậm chạp thử thách nhưng không bao giờ có dấu hiệu dừng lại.

Trong nhiều tác phẩm chúng tôi chuyển ngữ, có hai bộ sách mà chúng tôi dịch thuật gặp nhiều trắc trở bởi nội dung khó và ngoại duyên tác động. Đó là luật Thập tụng của Hữu bộ trong tạng Đại chánh và “Khởi nguyên văn hiến Phật giáo và Luật tạng bộ phái” của Erich Frauwallner. Luật Thập tụng dịch hơn 10 năm, tập thứ hai dịch 6 năm. Nay tác phẩm “Khởi nguyên văn hiến Phật giáo và Luật tạng bộ phái” đã hoàn tất, tôi muốn giới thiệu sơ lược lịch sử về quá trình chuyển ngữ cũng như giá trị tác phẩm đến quý độc giả biết thêm trước khi cầm nó trên tay.

Tự ngôn

Một nhân duyên thù thắng giúp tôi bắt tay dịch tác phẩm này là từ câu chuyện, khi thầy Tuệ Sỹ an cư tại suối Thạch Khê, núi Diên Lâm (Diên Khánh), Nha Trang, năm 2017 (Đinh dậu), khi ấy gần cuối mùa an cư, thầy dạy tôi nên để tâm nghiên cứu dấu vết dòng truyền thừa các vị tổ sư Luật học, từ thời kỳ đầu Phật giáo du nhập Việt Nam cho đến cận đại. Hoài bão của thầy không phải viết để thỏa mãn lòng hiếu học mà tìm lại tính thể của Luật tạng đã tồn tại trong cộng đồng đệ tử Phật cùng đồng hành với dân tộc hơn hai ngàn năm. Tính thể ấy thể hiện qua những nếp sống tuân thủ quy tắc độc thân hướng đến mục đích Thánh đạo, trải qua bao thế hệ tồn tại và giữ vững giềng mối Tăng-già, giá trị lịch sử ấy không cho phép hậu thế bỏ quên. 

Lịch sử truyền thừa, bắt đầu dấu vết từ nhà sư Phật Quang đến núi Quỳnh Viên truyền tam quy cho Chử Đồng Tử và Tiên Dung vào khoảng thế kỷ thứ II-III trước Tây lịch; tiếp nối cho đến thời Khương Tăng Hội (?-280), Đạo Thiền (457-527), v.v… Tôi vừa viết vừa tìm kiếm tư liệu, thì thầy Tuệ Sỹ gửi cho tôi tác phẩm “The Earliest Vinaya and The Beginnings of Buddhist Literature” (file PDF), nguyên tác viết bằng tiếng Đức, do Erich Frauwallner biên soạn, Giáo sư L. Petech dịch sang Anh ngữ. Tôi tham chiếu
qua tác phẩm, tìm thấy danh sách giáo đoàn truyền giáo dưới thời hoàng đế Aśoka được Frauwallner nêu tỉ mỉ trong chương I, nhưng không có danh tính nhà sư Phật Quang. Chương II, ông lập luận giáo đoàn ở Mathurā là Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ (Mūlasarvāstivādin) xuất hiện khá sớm, sớm hơn triều đại Aśoka. Từ đây giúp cho tôi suy luận, có thể nhà sư Phật Quang thuộc người của bộ phái này… Không hẳn toàn bộ nội dung tập sách cung cấp đầy đủ thông tin về lịch sử truyền thừa tông Luật tại Việt Nam, nhưng chính nhờ công trình nghiên cứu của Frauwallner giúp chúng tôi dễ dàng xác định bộ phái nào du nhập vào đất Giao Châu khoảng thế kỷ II, III trước Tây lịch.

Hiện tại Luật tạng của các bộ phái đã được dịch sang Việt ngữ như luật Tứ phần của Pháp tạng bộ, Ngũ phần của Hóa địa bộ, Ma-ha-tăng-kỳ của Đại chúng bộ, luật Pāli của Thượng tọa bộ, Xuất gia sự, An cư sự… của Căn bản thuyết nhất thuyết hữu bộ, tôi tự hỏi bao nhiêu người có khả năng đọc hết những bộ này và hiểu thấu, nhất là phần Skandhaka (Khandhaka, Kiền-độ) với vô số câu chuyện và án lệ được Phật cùng Tăng đoàn giải quyết; dù chúng ta có đọc qua cũng khó biết được đâu là Phật chế đâu là bộ phái thêm thắt, hoặc điểm tương đồng và dị biệt giữa các bộ luật thế nào khó mà phân định. Nhưng Frauwallner đã dày công làm được việc đó, ông nỗ lực vẽ lại một bức tranh toàn diện giúp chúng ta thấy được một cách nhất quán. Theo tôi, đây là một cuốn “tiểu tự điển” dành cho những ai muốn nghiên cứu văn học Phật giáo, bộ phái và văn hiến Luật tạng. Trước đây vào năm 2000, khi tôi bắt đầu dịch bộ luật Thập tụng, sau đó tiếp tục phụ thầy Tuệ Sỹ chú giải luật Tứ phần, Ngũ phần v.v…, với một thời gian cũng khá dài để trau dồi kiến thức căn bản luật học, song nâng cao trình độ am tường hơn chính là nhờ miệt mài ngồi dịch và đọc kỹ tác phẩm này. 

Trước khi đặt bút phiên dịch, tôi biết bên Đài Loan có tiên sinh Quách Trung Sinh đã chuyển ngữ tác phẩm của Frauwallner sang Hán văn: “覩迦쪼듕‘楢똑튠’裂桔씩” (Nguyên thủy luật điển ‘Kiền-độ thiên’ chi nghiên cứu), cho nên tôi nhờ một Ni sinh là học trò của tôi đang du học tại Đài Loan thỉnh gửi về. Có hai bản đối chiếu cũng dễ dàng hơn trong công tác phiên dịch. Tuy nhiên, bản Việt ngữ luôn trung thành với bản Anh, vì bản Hán dịch đôi khi chuyển ngữ xa rời ý tác giả hoặc dịch thiếu. Ngược lại, trong bản Việt dịch, có nhiều từ ngữ hay phiến đoạn nằm trong ngoặc đơn là tôi tự thêm, hay dựa theo ý của Quách Trung Sinh mà phụ chú vào, bởi vì bản Anh nhiều đoạn tối nghĩa, hoặc văn dịch hơi cô đọng. Phần cước chú, để phân biệt đâu là của tác giả và của tôi, tôi đánh dấu “sao” (*) mặc định của Frauwallner.

Erich Frauwallner (1898-1974) là Giáo sư người Áo, một trong những học giả Phật giáo vĩ đại của thế kỷ XX. Ông cũng là người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu Phật học và Ấn-độ học. Năm ông mất cũng là năm tôi chào đời, gần năm mươi năm sau tôi mới tiếp cận được công trình nghiên cứu này. Thật vinh hạnh và cảm niệm công việc lớn lao mà ông đã làm. Tôi cũng xin tri ân Phật tử Nguyên Hân đã giúp tôi đối chiếu bản Anh-Việt chỉnh lý rà soát; và Phật tử Quảng Hạnh Tuệ đọc lỗi chính tả, thiết kế, trang trí nội dung trước khi ấn hành.

Hồi hướng công đức này nguyện cầu cho “Tăng-già hòa hợp, Chánh pháp cửu trụ”.

Mùa An cư Phật lịch 2567,
ngày 17 tháng 5, Quý mão (2023)
Tâm Nhãn

Độc giả quan tâm đến tác phẩm, có thể đặt sách tại Tiki, Facebook hoặc thông qua biểu mẫu sau:

Lời tựa

“Nếu chúng ta nắm bắt nguyên lý, không để mình bị dẫn dắt theo ngoại lệ và có thể tôn trọng các vấn đề thì trong
lĩnh vực khoa học mọi thứ có thể giải quyết một cách chắc chắn.”
(Goethe)

Tác phẩm hiện tại là thành quả nghiên cứu sơ bộ về văn bản Luật tạng Phật giáo, nhưng nó chỉ có thể đặt ra nhiều câu hỏi hơn là có thể giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn cho xuất bản, với suy nghĩ rằng tầm quan trọng của kết quả thu được sẽ bảo đảm cho quyết định của mình. Nếu những kết quả này được xác chứng thì thông qua công trình nghiên cứu giúp chúng ta có cơ sở nghị luận vững chắc trong nhiều vấn đề trọng tâm của văn học Phật giáo thời kỳ đầu.

Tôi thử đưa ra phương pháp giải quyết vấn đề cơ bản trong lịch sử Luật tạng Phật giáo với nhiều hướng tư duy khác nhau, tuy nhiên nếu nghiên cứu chuyên sâu sợ rằng phải mất nhiều năm, mà công việc và thời gian của tôi bị giới hạn. Nhưng tôi vẫn tin tưởng những kết luận quan trọng trong tác phẩm sẽ được đảm bảo. Một khối lượng tư liệu Luật tạng đã được xử lý để làm nền tảng cho những bước nghiên cứu tiếp theo. Thông qua việc xác nhận một văn bản Luật tạng xuất hiện nửa đầu thế kỷ thứ IV trước Tây lịch, chúng ta đã đạt được một luận điểm chắc chắn về lịch sử văn học Phật giáo trong thời kỳ sớm nhất. Đồng thời vài ánh sáng xuyên thấu vào văn học trong thời kỳ đó, là sự phát triển tiểu sử đức Phật được làm sáng tỏ ngay những điểm thiết yếu. Chúng tôi cũng tìm thấy nguồn gốc lịch sử của giáo đoàn Phật giáo và giá trị lịch sử của nó, nên bắt đầu đưa ra lời bình phẩm. Tôi sẽ rất vui nếu những kết quả này nhận được sự tán thành từ các giới học giả chuyên môn và hy vọng những kết luận trong tác phẩm của tôi khích lệ cho họ nghiên cứu đạt được thành quả cao hơn.

Tôi vô cùng biết ơn Giáo sư G. Tucci, ông đã đưa tác phẩm của tôi vào “Tùng thư La-mã phương Đông” (Serie Orientale Roma, VIII, edited by Giuseppe Tucci, Rome: Is. M. E. O., 1956) và nhờ giá trị bảo chứng của ông mà tác phẩm đã được ấn hành sớm. Tôi tỏ lòng biết ơn chân thành vì điều này cũng như sự quan tâm chân tình mà ông ấy luôn dành cho tác phẩm của tôi.

Cuối cùng, tôi có thể nói thêm vài lời về sự cống hiến của tác phẩm này. Tôi đã học tại một trường đại học, nơi mà Ấn-độ học (Indology) bị bỏ quên trong suốt thời gian dài và chỉ giới hạn một số môn, về sau với quãng thời gian đi theo con đường riêng và làm quen với tác phẩm của Sylvain Lévi cũng như học phái của ông ấy, đối với tôi mà nói như khám phá ra một thế giới mới, tôi đã nhận thấy mình bị kích thích từ đây. Dù không có cơ hội gặp riêng Sylvain Lévi, nhưng tôi vẫn không ngừng học hỏi từ ông ta. Cuốn sách này phần lớn dựa trên các tác phẩm của ông và các học trò của ông. Khi tôi đi theo con đường riêng của mình tôi luôn biết ơn những công trình nghiên cứu giá trị của ông nhiều hơn những gì mà trong tác phẩm của tôi tham khảo ghi chú. Do đó, việc cống hiến tác phẩm này là tưởng nhớ ông, điều ấy có ý nghĩa lớn đối với tôi, đó là sự đền đáp một món nợ to lớn với lòng biết ơn.

Vienna, ngày 15 tháng 11, 1953
E. Frauwallner

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận