GHPGVNTN: Thư Khánh Tuế Mùa tự tứ Phật lịch 2568

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN TĂNG THỐNG
HỘI ĐỒNG GIÁO PHẨM TRUNG ƯƠNG


Phật lịch: 2568                                          Số: 20 /HĐGP/TKT/CTK

THƯ KHÁNH TUẾ

Mùa tự tứ Phật lịch 2568

Kính gửi: Chư tôn Trưởng lão Hòa thượng,
Chư tôn đức Tăng-già nhị bộ.

Trong niềm hỷ lạc của toàn thể tứ chúng, thành tâm hướng về lễ tự tứ của đại Tăng, thành tựu ba tháng an cư theo Luật định mà đức Thế tôn đã tuyên thuyết. Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Viện Tăng thống GHPGVNTN, kính chúc khánh tuế chư tôn đức: Pháp lạp tăng quang, phát huy bản thể Tăng-già làm nơi quy ngưỡng cho bốn chúng, hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sanh.

Kính bạch Chư tôn đức,

Suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, giáo pháp của đức Thế tôn đến nơi nào là ánh sáng trí tuệ được thắp lên, vô minh đẩy lùi, tham ái, sân hận, si mê không còn đất sống, dòng sữa từ bi tưới tắt những khổ đau, làm tăng trưởng bốn tâm vô lượng từ, bi, hỷ, xả, khiến cho thế giới an hòa, biến uế độ trở thành tịnh độ bằng pháp hạnh “tâm tịnh quốc độ tịnh”.

Với uy đức của Tăng-già, bằng bản thể hòa hợp thanh tịnh, bản nguyện nhập thế độ sanh mà bánh xe chánh pháp được chuyển vận, Phật pháp được hoằng dương. Gặp khi thế sự đảo điên, ma quái thi diễn tà pháp, quốc độ lâm cảnh bất an, lòng người chao đảo trước sự thể chánh tà khó phân, bằng phẩm chất chánh hành, trực hành, nhu nhuyến hành mà nhiều thế hệ Tổ sư, Chư tôn đức Tăng-già tiền bối giương cao ngọn cờ chánh pháp, thổi pháp loa tuyên thuyết pháp mầu, gióng trống pháp phân rõ chánh tà, thắp đèn tuệ đưa người ra khỏi rừng mê, chèo thuyền từ cứu người lênh đênh biển khổ. Ngày nay, Phật sự của Tăng-già rộng khắp, năm châu đều có bóng huỳnh y, nhưng có phải Phật giáo thịnh hưng? Nhìn về đạo Phật Việt trong nhiều năm qua khiến cho chúng ta không ngừng thao thức.

Nay trong mùa tự tứ, Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Viện Tăng thống GHPGVNTN xin được cung thỉnh Chư tôn Trưởng lão Hòa thượng, Chư tôn tịnh đức Tăng-già nhị bộ đồng quan tâm đến mấy vấn đề Tăng sự, để phát huy chánh pháp như lời di giáo của đức Đạo sư, gìn giữ mạng mạch Phật pháp.

Kính bạch Chư tôn đức,

Với sơ tâm trong ngày đầu thế phát, đời sống, chí nguyện, pháp hạnh của người xuất gia đã thể hiện trọn vẹn trong bài kệ:

“Hủy hình thủ khí tiết,
cát ái từ sở thân,
xuất gia hoằng Phật đạo,
thệ độ nhất thiết nhân”

Mái tóc đã phủi xuống là đời sống xuất trần được mở ra, từng sợi tóc rụng rơi cho ái dục đoạn trừ, lớp áo hoa huyễn hóa được buông bỏ, mang theo bên mình là ba y một bát, tín vật ba đời Chư Phật truyền thừa, chư Tổ sư cùng nhau kế tục, nuôi thân bằng pháp hạnh thiểu dục tri túc, an bần thủ đạo, xa gia đình để sống hạnh viễn ly, cất bước trên con đường cao rộng. Chí nguyện này không được nuôi dưỡng trọn đời thì ái dục sinh khởi, vật chất làm khổ lụy, đánh mất đời sống cao đẹp của bậc xuất trần thượng sĩ.

Người xuất gia sống trong cộng đồng với nhiều mối tương quan, để trưởng dưỡng phẩm tính của mình thì cần phải giữ gìn khí tiết. Đó là đời sống của vị Tỳ-kheo: bất bái quân vương, không cúi lòn để kiếm chút hư danh, không thủ đoạn để tranh quyền đoạt lợi, không vì sự o ép của bất cứ thế lực nào mà bỏ rơi tín đồ Phật tử. Luôn đem hạnh vô úy để hoằng truyền chánh pháp, nhớ lời nguyện: xuất gia hoằng Phật đạo mà sẵn sàng xả thân mạng để bảo tồn chánh pháp, quyết không để tâm phân biệt, tâm sợ sệt mà làm cho tín đồ thiếu nơi nương tựa, thiếu cơ duyên để tu tập chuyển hóa.

Tăng-già hòa hợp, thanh tịnh được lưu xuất từ đời sống thực hành sáu pháp hòa kính hay còn được gọi là sáu pháp khả hỷ:

“Ở đây, bí-sô phát khởi thân nghiệp từ ái đối với Đại Sư và các đồng phạm hạnh có trí, đây gọi là pháp khả hỷ thứ nhất. Do pháp này mà phát sanh khả ái, phát sanh tôn trọng, phát sanh khả ý; nó dẫn đến khả ái, tôn trọng, khả ý, đẹp ý, đoàn kết, hoan hỷ, không chống trái, không tranh chấp, hòa hợp nhất thể.

Ở đây, bí-sô phát khởi khẩu nghiệp từ ái đối với Đại Sư và các đồng phạm hạnh có trí, đây gọi là pháp khả hỷ thứ hai. Do pháp này mà phát sanh khả ái, phát sanh tôn trọng, phát sanh khả ý; nó dẫn khả ái đến tôn trọng, khả ý đến đẹp ý, đoàn kết, hoan hỷ không chống trái, không tranh chấp, hòa hợp nhất thể.

Ở đây, bí-sô phát khởi ý nghiệp từ ái đối với Đại Sư và các đồng phạm hạnh có trí, đây gọi là pháp khả hỷ thứ ba. Do pháp này mà phát sanh khả ái,… chi tiết cho đến… hòa hợp nhất thể.

Lại nữa, bí-sô bằng như pháp mà thu được lợi dưỡng như pháp, nhẫn đến thức ăn nhận được trong bát, cùng chung thọ dụng lợi dưỡng này với các đồng phạm hạnh có trí, không cất giấu dùng riêng. Đây gọi là pháp khả hỷ thứ tư. Do pháp này mà phát sanh khả ái,… chi tiết cho đến… hòa hợp nhất thể.

Lại nữa, bí-sô, những gì là giới không khuyết, không thủng, không tỳ vết, không hoan ố, ứng cúng, không chấp thủ, khéo cứu cánh, khéo thọ nhận, được những vị có trí tán thán, không chỉ trích; giới như vậy, cùng chung thọ trì với các đồng phạm hạnh có trí, không có điều gì che dấu. Đây gọi là pháp khả hỷ thứ năm. Do pháp này mà phát sanh khả ái,… chi tiết cho đến… hòa hợp nhất thể.

Lại nữa, bí-sô, những gì là kiến giải là Thánh, là xuất ly, dẫn đến thông đạt, do sự tác thành của kiến này mà chân chánh đoạn tận khổ; kiến như vậy, cùng chung tu học với các đồng phạm hạnh có trí, không có điều gì che dấu. Đây gọi là pháp khả hỷ thứ sáu. Do pháp này mà phát sanh khả ái, phát sanh tôn trọng, phát sanh khả ý; nó dẫn khả ái đến tôn trọng, khả ý đến đẹp ý, đoàn kết, hoan hỷ không chống trái, không tranh chấp, hòa hợp nhất thể.[*]

Từ nền tảng của sáu pháp khả hỷ mà tăng trưởng đời sống thanh tịnh trong Tăng đoàn, nuôi lớn đời sống phạm hạnh của chúng xuất gia, nuôi lớn đức tin cho hàng đệ tử tại gia, làm tường thành vững chắc bảo hộ Tăng đoàn, nhiếp phục tà đạo. Tuy nhiên, trong nếp sống khả hỷ của Tăng-già, vẫn có biệt nghiệp của từng vị, do có những điều bất đồng mà đã gây nên sự bất khả ái, mất đoàn kết, thiếu hoan hỷ, tạo chống trái, gây tranh chấp, khiến cho tập thể Tăng không hòa hợp nhất thể. Lúc này, không gì hơn là phụng hành lời Phật dạy: dùng pháp NHƯ THẢO PHÚ ĐỊA với bi tâm mà bao dung, hóa giải để cùng nhau sống thanh tịnh, hòa hợp của trong bản thể của Tăng-già.

Kính bạch Chư tôn đức,

GHPGVNTN tiếp nối công nghiệp Lịch đại Tổ sư, với chí nguyện ĐẠO THỐNG CƯƠNG DUY mà rộng truyền chánh pháp, gìn giữ nền đức lý của Dân tộc từ Quê mẹ yêu thương đến cộng đồng nhân loại khắp nơi trên Thế giới.

Đã đi qua nửa thế kỷ đầy biến động và tang thương, Chư tôn đức Hội đồng Lưỡng viện, Tăng, Ni của GHPGVNTN đã chẳng sợ gian nguy, từ nơi tù đày vẫn giữ tròn khí tiết, lấy nhà giam làm phòng kiết hạ, biến nơi quản thúc hẻo lánh xa xôi làm tịnh xứ an cư. Hàng Phật tử tại gia trung kiên với GHPGVNTN, không chọn lợi danh mà một lòng giữ tròn phẩm hạnh, thủy chung cùng Thầy Tổ, lý tưởng nguyện tôn thờ. Dù đời sống cơ hàn, nhiều nguy khổ, gian lao, mà vẫn kham nhẫn gánh vác Phật sự Giáo hội giao phó không một chút lãng xao, không một ý niệm sợ hãi.

60 năm qua, lập trường GHPGVNTN là bất biến, như lời tuyên bố của Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, trong dịp khai mạc khóa học tập cho cán bộ Giáo hội ngày 27/02/1971:

“Giáo hội không mưu đồ, không tham vọng những quyền lợi riêng tư thế gian! Giáo hội đã dấn thân vào quốc sự trong một hoàn cảnh đặc biệt theo truyền thống phụng sự Dân tộc: trước hết Giáo hội đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo, tiếp theo là đòi chấm dứt chiến tranh, đòi chủ quyền quốc gia, đòi tự do dân chủ và công bằng xã hội v.v… Vì những đòi hỏi ấy, Giáo hội đã mất khá nhiều xương máu, danh dự, tài sản, và chịu nhiều tù tội bất công, cũng như phải đối diện thường trực với các thế lực phá hoại!

Mặc dù vậy, Giáo hội không vì thế mà nản lòng, vì thấy rằng việc làm của mình có ít nhiều kết quả, nhất là Giáo hội đã tiên phong mở đường cho các sinh hoạt dân chủ cho mọi thành phần trong dân chúng, dù sinh hoạt ấy cũng phải chịu nhiều gian nguy tù tội, như Giáo hội đã chịu trong bao năm qua.

Điều đó đã làm cho Giáo hội hãnh diện với những công trình kiến quốc đã và đang làm, cũng như càng thêm tin tưởng vào con đường đã và đang đi của Giáo hội.

Giáo hội không, và sẽ không bao giờ tìm sự hưởng thụ riêng tư, trên sự đau khổ tủi nhục của Dân tộc, hay tìm sự an thân hèn nhát trong khi đất nước còn mịt mù khói lửa đao binh”

Dù trong gian khó, Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Viện Tăng thống GHPGVNTN nguyện dấn thân tiếp nối công hạnh của tiền nhân, gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh, đem hết nguyện lực của mình để hướng dẫn tứ chúng đồng tu, mang chí nguyện của GHPGVNTN mà góp phần phụng sự Đạo pháp – Dân tộc – Nhân loại.

Kính nguyện mười phương Tam bảo, Lịch đại Tổ sư, Hồn thiêng sông núi Dân tộc Việt Nam, Anh linh Chư Thánh tử đạo Phật giáo Việt Nam, Tăng-già nhị bộ đồng chứng minh và hộ niệm cho Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Viện Tăng thống GHPGVNTN viên thành Phật sự mà Lịch đại Tăng thống GHPGVNTN đã phú chúc.

Trong nguồn pháp lạc vô biên của mùa tự tứ, Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Viện Tăng thống GHPGVNTN kính nguyện: THẬP PHƯƠNG BẠC-GIÀ-PHẠM NHẤT LỘ NIẾT BÀN MÔN”.

Kính chúc chư tôn đức thân tâm an lạc.

Nam Mô Vu Lan Hội Thượng Phật Bồ-tát.

Phật Ân Tự, Phật lịch 2568,
ngày 14 tháng 07 năm Giáp Thìn (17/08/2024)

Thừa ủy nhiệm
Hội đồng Giáo phẩm Trung ương
Chánh Thư ký Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống
Tỷ-kheo Thích Đức Thắng


[*] Tuệ Sỹ (2020), A-tì-đạt-ma tập dị môn túc luận, NXB Hồng Đức, trang 428

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận