LỜI GIỚI THIỆU CỦA HOÀ THƯỢNG TUỆ SỸ
Một thời, có vị Tiên nhân Xích Mã đến hỏi Phật:
– Có cần phải đi suốt tận cùng biên tế của thế giới mới có thể biết rõ khổ đau?
Thế Tôn đáp:
– Đúng vậy, cần phải đi suốt tận cùng biên tế của thế giới mới có thể biết rõ khổ đau. Thế nhưng, từ trên thân năm thủ uẩn này, Ta có thể biết rõ thế giới thành hoại.
Nhìn ra không gian mênh mông tưởng chừng như không biên tế kia với vô số tạo vật thiên sai vạn biệt, những ai biết được biên tế của nó, như Tiên nhân Xích Mã hỏi Phật, người ấy mới có thể đi đến tận cùng biên tế khổ đau. Nghĩa là, có thể biết rõ quy luật phổ quát của thế giới với vô vàn phẩm loại sai biệt.
Thế giới tưởng chừng không biên tế ấy, dưới con mắt người học Duy Thức, nếu truy tận ngọn nguồn, không vượt ra ngoài nền tảng căn bản của nó. Đó chính là giới, là chủng tử, là nguyên tố căn bản. Kinh Đại Thừa A-tì-đạt-ma nói:
Giới, từ vô thủy đến nay,
là sở y của hết thảy pháp;
do tồn tại cái này mà có các cõi thú
và có sự chứng đắc niết-bàn.
無始時界,一切法等依
由此有諸趣,及涅槃證得
Tôn giả Thế Thân giải thích, giới (dhātu) trong bài tụng này có nghĩa là nhân. Nó là sở y (āśraya) của tất cả các pháp. Thể của nó chính là a-lại-da. Ý nghĩa này chỉ rõ, từ vô thủy sinh tử, giới là chủng tử của các pháp thiện và bất thiện.
Thế giới với vô vàn sai biệt nhưng không vượt ra ngoài hai phạm trù thiện và bất thiện. Thiện thì tăng thượng, bất thiện thì tổn giảm. Do hạt giống thiện và bất thiện trong tâm mà có các cõi thú sinh tử cũng như niết-bàn giải thoát. Đó cũng là đạo lý cốt lõi của Duy Thức.
Tập sách này là một công trình nghiên cứu nghiêm túc. Tôi mong rằng, bên cạnh việc đem lại cho người học Duy Thức một tài liệu tham khảo, nó cũng gợi mở cho người đọc nhiều hứng thú trong việc học tập và nghiên cứu giáo lý Phật-đà.
Mạnh Đông, 2023
Tuệ Sỹ
Phật Việt đánh máy từ sách.
Sách được đặt tại: LINK