LUẬT ĐIỂN HỌC PHÁI PĀLI (THƯỢNG TỌA BỘ)


Nguyên tác: E. Frauwallner, The earliest Vinaya and the beginning of Buddhist literature; Appendix: The Vinaya of the Pāli school.
Việt dịch: Bhikkhu Cittacakkhu


Luật điển của trường phái Pāli do giáo đoàn Phật giáo (vua A-dục sai phái) truyền đến Tích-lan. Nội dung bao quát được bảo tồn như sau:

        1. Đại phân biệt (Tỳ-kheo phân biệt – Mahāvibhaṅga)

        2. Tỳ-kheo-ni phân biệt (Bhikṣuṇīvibhaṅga)

        3. Thiên Skandhaka (Kiền-độ/Skandhaka)

        4. Tổng tập Phụ lục, cũng gọi là Phụ tùy (Parivāra).

        Phần cấu trúc Skandhaka

        Đại phẩm (Mahāvagga):

        1. Đại khandha (Mahākhandhaka) = 1. Pravrajyāvastu.

        2. Khandha Bố-tát (Uposathakkhandhaka) = 2. Poṣadhavastu.

        3. Khandha An cư (Vassūpanāyikakkhandhaka) = 3. Varṣāvastu.

        4. Khandha Tự tứ (Pavāraṇākkhandhaka) = 4. Pravāraṇavastu.

        5. Khandha Da thuộc (Cammakkhandhaka) = 5. Carmavastu.

        6. Khandha Thuốc (Bhesajjakkhandhaka) = 6. Bhaiṣajyavastu.

        7. Khandha Y ca-hi-na (Kathinakkhandhaka) = 8. Kaṭhinavastu.

        8. Khandha Y (Cīvarakkhandhaka) = 7. Cīvaravastu.

        9. Khandha Chiêm-ba (Campeyyakkhandhaka) = 10. Karmavastu.

        10. Khandha Câu-thiểm-di (Kosambakakkhandhaka) = 9. Kośāmbakavastu.

        Tiểu phẩm (Cūḷavagga):

        11. Khandha Yết-ma (Kammakkhandhaka) = 11. Pāṇḍulohitakavastu.

        12. Khandha Biệt trú (Pārivāsikakkhandhaka) = 13. Pārivāsikavastu.

        13. Khandha Phú tàng (Samuccayakkhandhaka) = 12. Pudgalavastu.

        14. Khandha Diệt tránh (Samathakkhadhaka) = 15. Śamathavastu.

        15. Khandha Tạp sự (Khuddakavatthukkhandhaka) = 19. Kṣudrakavastu.

        16. Khandha Phòng xá (Senāsanakkhandhaka) = 17. Śayanāsanavastu.

        17. Khandha Phá Tăng (Saṅghabhedakakkhandhaka) = 16. Saṃghabhedavastu.

        18. Khandha Pháp (Vattakkhandhaka) = 18. Ācāravastu.

        19. Khandha Ngăn bố-tát (Pātimokkhaṭṭhapanakkhandhaka) = 14. Poṣadhasthāpanavastu.

        20. Khandha Tỳ-kheo-ni (Bhikkhunīkkhandhaka) = 20. Bhikṣuṇīvastu.

* Ghi chép hội nghị kết tập

Luật điển Pāli thuộc bộ luật được bảo tồn so ra hoàn chỉnh và gần giống với luật Tứ phần. Những chương phụ đều được giữ lại đầy đủ. Nó có phong cách giải trình rườm rà, và sự phát triển nhiều khả năng khác nhau, nếu có cơ hội thì giải thích cho đến tận cùng. Bộ luật này cũng giống với những bộ luật khác, nhưng trải qua quá trình cải biên nên cũng có chỗ mất đi nguyên ý của nó. Ví dụ Kiền-độ y ca-hi-na (Kaṭhinavastu), trong đó, các trường hợp yêu sách của một nhà sư trên y Kaṭhina được coi như không có hiệu lực, được liệt kê với độ dài mệt mỏi. Mặt khác, bản mô tả về thủ tục Kaṭhina rất khác biệt, đến nỗi nếu không so sánh với bộ luật khác thì không thể có được một ý tưởng rõ ràng về nó.

Những tranh cãi quá khứ về tính ưu việt của truyền thống Phật giáo phương Nam vượt trội hơn Phật giáo phương Bắc đã mất đi ý nghĩa, chính vì chúng ta đã có được kiến thức tốt hơn về lịch sử của các trường phái Phật giáo. Tuy nhiên, một số từ không ổn trong thời điểm này. Trong mối liên hệ này, nên bắt đầu với một số nhận xét chung về văn học Phật giáo của Tích-lan (Ceylon).[1]

Về phân loại văn hiến Phật giáo Tích-lan, sự khác biệt cơ bản không phải là giữa nội tạng hay ngoại tạng, mà là giữa văn học địa phương Tích-lan và văn học bắt nguồn từ đất nước Ấn-độ. Cả hai sự khác biệt bao trùm bản thân đến một điểm nhất định, bởi vì xu hướng trong ba tạng của Tích-lan là đưa vào kinh điển tất cả tác phẩm của quốc thổ Ấn-độ, ngay cả nguồn gốc chúng (tại Ấn-độ) không thuộc trong ba tạng. Nhưng sự phân biệt giữa văn học nội tạng và ngoại tạng không đưa ra biểu hiện cho vấn đề thực sự.

Văn học của quê nhà (được truyền từ Ấn-độ) dĩ nhiên không được đưa đến Tích-lan hoàn toàn bởi Mahinda và những nhà sư đồng hành với ông. Các nhà truyền giáo đầu tiên đến Tích-lan có lẽ chỉ mang theo những (kinh điển) gì đại diện cho sự cần thiết nhất. Với khối lượng tạng kinh vĩ đại và những văn hiến khác dần dần cũng được truyền vào Tích-lan sau đó. Làm thế nào để thấy được quá trình này, chúng ta có thể thấy trong trường hợp của Trung Quốc thừa hưởng số kinh điển hiện tại. Ban đầu trong luật chỉ dịch Giới bổn (Ba-la-đề-mộc-xoa/Prātimokṣa) và pháp Yết-ma (Karmavācanā), đương thời giáo đoàn ở Trung Quốc sử dụng với cộng đồng nhỏ. Sau đó nhiều bộ phận khác trong luật được dịch dần, cuối cùng mới thành bộ luật Hán dịch hoàn chỉnh. Trường hợp tạng kinh (Sūtrapiṭaka) Hán dịch cũng như vậy. Giáo đoàn Trung Quốc trước tiên chỉ dùng kinh điển tuyển tập và đơn lẻ, sau đó mới tiến hành công việc phiên dịch tổng tập kinh điển. Tình hình tại Tích-lan cũng như thế. Như S. Lévi đã trình bày,[2] sự kết nối giữa Tích-lan với đất nước quê hương Ấn-độ qua cảng Bharukaccha và Śūrpāraka rất sống động, cho đến những thế kỷ đầu tiên của chúng ta. Từ đó chúng ta có thể khảo tra được trong giai đoạn này Tích-lan và Ấn-độ đã có giao lưu qua lại. Qua cách này mà tam tạng kinh điển từ Ấn-độ dần dần truyền đến Tích-lan. Đương nhiên cũng cố một số kinh điển trước tác xen lẫn sau đó, như bản kinh Milindapañha, phần cổ xưa chắc chắn đã được dịch sang tiếng Pāli ở đất nước mẹ Ấn-độ, và Nghĩa thích (Niddesa), bản kinh này hiện còn, xuất hiện sau thời đại của chúng ta (sau Tây lịch).

Tích-lan và Ấn-độ kết nối qua lại đến sau thế kỷ thứ 2 là cáo chung, Tích-lan giao thông với Ấn-độ qua cảng Bharukaccha dần dần giảm đi, vì tuyến giao thông mới trên biển được mở ra.[3] Và cũng do một phần có nhân tố chính trị biến đổi, người Śaka kiến lập vương quyền tại Mālava (nay là Malwa). Mặt khác, Tích-lan và Ấn-độ thông tin liên lạc với Orissa và các cảng ở cửa sông Hằng có tầm quan trọng lớn hơn, trên hết là với Tāmraliptī (nay Tamluk), trong thời gian trước đó vẫn còn khá nền tảng. Nhưng do đó, những người theo đạo Phật Ceylon đã có được mối liên hệ dễ dàng với đất nước và thánh địa của Phật giáo, và chúng ta có thể cho rằng loại giao lưu qua lại như thế rất sống động. Điều này được hỗ trợ rất lớn bởi nền tảng của một tu viện dành cho các tu sĩ Singhalese ở Bodh Gaya do vua Śrī Meghavarṇa (352-379 A.D) kiến tạo,[4] tức vào thời Huyền Trang (Hsüan-tsang) gọi là Tăng-già-lam Ma-ha Bồ-đề (Mahābodhivihāra), chùa này có khoảng một nghìn tu sĩ.[5] Nhưng theo ghi chép của Nghĩa Tịnh,[6] ở Magadha có nhiều trường phái, mạnh nhất là Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ (Mūlasarvāstivādin). Thời cận đại, có một số học giả nhận xét, từ lâu văn học Phật giáo của Ceylon, và đặc biệt các sách chú giải, cho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật giáo phương bắc.[7] Nếu như chúng ta đọc kỹ bản Pháp cú nghĩa thích (Dhammapadaṭṭhakathā) sẽ biết được lời nói này quả thật không sai. Và một vài truyền thuyết cố sự ta thấy trong truyền thống Nam truyền, xác thực là thâu thái từ Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ. Điều này tìm thấy lời giải thích tự nhiên thông qua những tường thuật trên về Tích-lan có liên hệ với quê hương Phật giáo Ấn-độ. Do đó, chúng ta phải cho rằng, sau khi chấm dứt liên hệ giáo đoàn cố hữu, Phật giáo Singhalese một thời kỳ quan hệ chặt chẽ với Magadha và ảnh hưởng các trường phái của quốc gia đó. Tất nhiên ảnh hưởng này không được đánh dấu bằng việc mượn toàn bộ tác phẩm, như trường hợp trước đó giáo đoàn Tích-lan thọ nhận với giáo đoàn cố hữu. Về phương diện này bởi vì đương thời các trường phái trên đất Ấn-độ đã có sự khác biệt, và giáo đoàn Tích-lan cũng trải qua thời gian dài phát triển, đạt được tính độc lập lớn hơn. Thay vào đó là sự vay mượn các luận đề, trên hết là trong lĩnh vực văn học kể chuyện, diễn ra trên quy mô lớn.

Nếu bây giờ chúng ta chuyển sang văn học bản địa của Ceylon, thì trong thời kỳ đầu, nó bao gồm chủ yếu là các thư tịch chú giải, và chúng chỉ được biên soạn bằng tiếng Singhalese. Tuy nhiên, chúng cũng có sự liên hệ mật thiết với truyền thống của quê hương Ấn-độ. Điều này dễ dàng hiểu được. Do đó mà văn hiến của họ tự do khẩu tụng tương truyền, nghĩa là các văn bản kinh điển (nội tạng) đã được hình thành từ khi chúng được đưa đến Ceylon, và chúng được lưu truyền trong hình thức này. Ngay cả ngôn ngữ được sử dụng cũng bảo lưu không đổi. Nhưng những lời giải thích khẩu truyền, theo cách sử dụng cũ đã được thêm vào dưới dạng tự do, với những từ riêng để đọc thuộc lòng văn bản thiêng liêng, tất nhiên không dùng ngôn ngữ Pāli, mà bằng ngôn ngữ địa phương (Tích-lan). Chúng ta có thể thấy quá trình tương tự ở chỗ khác, ví dụ như kệ tụng trong Bản sanh đàm (Jātaka), xuất hiện dưới dạng cố định ngôn ngữ Pāli từ quê hương Ấn-độ truyền đến Ceylon. Nhưng các truyền thuyết liên quan tất nhiên được đọc tụng bằng ngôn ngữ Tích-lan (Singhalese).[8] Sau đó, các văn bản kinh điển này được viết ra cũng mang hình thức cố định. Nhưng từ quan điểm của nội dung, chúng được tiếp tục kế thừa chủ yếu truyền thống quốc thổ Ấn-độ. Truyền thuyết bản địa chỉ được đưa vào sự phát triển của sách luận giải, trong các câu chuyện được chèn và trên hết là niên sử Tích-lan và lịch sử giáo đoàn. Nhưng quá trình thay đổi này không phải đi một bước mà thành. Khi ảnh hưởng của các trường phái Magadha thay thế giáo đoàn cố hữu, điều này chỉ có nghĩa là một sự thay đổi ảnh hưởng, nhưng không làm thay đổi bất cứ điều gì về sự phụ thuộc. Và khi Pāli được thay thế cho tiếng Singhalese trong các sách chú giải thời gian đầu và trở thành ngôn ngữ giáo đoàn Tích-lan duy nhất, đây chỉ là một sự thay đổi bên ngoài và không đi đôi với những thay đổi lớn bên trong. Theo ý kiến của tôi, sự thay đổi này, giống như việc chuyển sang tiếng Phạn ở đất nước mẹ, đã bị kích động bởi sự tiến bộ trong sự phát triển của ngôn ngữ.[9] Trong thế kỷ đầu Tây lịch, Singhalese đã trải qua một sự thay đổi sâu sắc. Do đó, các tác phẩm cũ trong ngôn ngữ này đã trở nên khó hiểu và cần phải tiến hành dịch thuật, nếu các nhà sư Singhalese không muốn bị trói buộc với một ngôn ngữ văn học đã chết thứ hai ở bên cạnh Pāli. Những bản dịch này có thể dùng ngôn ngữ của người dân đang sinh hoạt đương thời. Và thực sự rõ ràng đã tồn tại một dòng trào lưu, có lợi cho việc dùng ngôn ngữ phổ biến thâu thái thành ngôn ngữ chung cho giáo đoàn. Ít nhất là tôi diễn giải theo thông tin rằng, trong thời kỳ triều đại vua Buddhadāsa (Giác Sử vương 388-416 Tl), một nỗ lực đã được thực hiện để dịch thánh điển Phật giáo sang tiếng Singhalese.[10] Khả năng thứ hai, bản dịch ngôn ngữ thánh điển của giáo đoàn hiện tại được dịch sang tiếng Pāli. Cách cuối cùng cũng là thâu thái ngôn ngữ Pāli. Một lý do quyết định cho sự lựa chọn này dường như là thực tế rằng các tác phẩm Pāli có thể đáp ứng với sự hiểu biết và chấp thuận từ Ấn-độ, nhưng khó cho tác phẩm bằng ngôn ngữ Singhalese. Phải xác thực, đây là một cuộc chủ trương có trọng lượng, vì vậy trong thời kỳ đó giáo đoàn Singhalese rất hưng thịnh, và cảm thấy một sự thôi thúc mạnh mẽ để tự khẳng định mình. Về điều này, giúp chúng ta có một sự hiểu biết đặc biệt sinh động qua các tu sĩ Tích-lan (Singhalese) từng cư trú tại Tăng-già-lam Đại Bồ-đề (Mahābodhivihāra) ở Magadha một thời gian. Việc tuyển dịch này cũng không phải ngẫu nhiên, trong hoạt động dịch thuật người lãnh đạo là Buddhaghoṣa, ông đến từ Magadha, và trong lời tựa của những tác phẩm chú giải của mình, ông cường điều (nhấn mạnh quan điểm về khả năng được hiểu ở nước mẹ) về những vào việc mọi người làm, để cho giáo đoàn trên quê hương Ấn-độ hiểu.[11] Nhưng sự thay đổi rất quan trọng này, như đã nói, chỉ ở bên ngoài, thư tịch chú giải của Tích-lan hoàn toàn thoát ly sự nương tựa từ quê hương Ấn-độ và họ dần dần có vị trí độc lập và tầm quan trọng riêng biệt. Các tác phẩm độc lập ban đầu chỉ được sáng tác với số lượng hạn chế.

Từ tình huống này, chúng ta có thể rút ra các suy luận sau đây. Trong hình dạng của văn học cổ điển Pāli của Ceylon, chúng tôi nhận ra một phần lớn của văn học của giáo đoàn Ấn-độ, trải dài nhiều thế kỷ (mấy trăm năm). Chúng ta phải nghiên cứu, xử lý những tư liệu này, nhất định bộ phận bản thân Tích-lan có thêm vào bên cạnh, và trong khung của các tài liệu Phật giáo khác trên đất nước Ấn-độ đều căn cứ nguyên tắc xử lý tương đồng để nghiên cứu những tư liệu này. Tất nhiên chúng ta cũng phải tính đến các yếu tố từ truyền thống của cùng một trường phái đã tìm thấy con đường của họ trong các bình luận tiếng Singhalese. Đồng thời Tích-lan trước tác vay mượn tư liệu từ các trường Phật giáo phương Bắc, chúng phải được tổng hợp nghiên cứu cùng truyền thuyết của các bộ phái khác.

Mặt khác, việc nghiên cứu văn học Phật giáo Singhalese phải được tiến hành trong khi giữ liên lạc với các nghiên cứu về văn học của Ấn-độ, chưa được tách biệt. Nhiệm vụ của nó là rút ra các yếu tố bản địa từ các tác phẩm này, nghiên cứu thư tịch chú giải không phải vì lợi ích của các tác phẩm được chú giải, mà theo sự chú giải của chúng, và từ đây thấy được Phật giáo Tích-lan cả hình thức lẫn nội dung đều thành tựu. Theo như đây mà nói, trong văn hiến bộ phái ở Ấn-độ, tư liệu Đồng diệp bộ (Tāmraśāṭīya/Tāmraparṇīya) ghi chép cực kỳ hữu ích, tuy nhiên tư liệu loại này ít ỏi nhưng cho ta thấy các trường phái trên quên hương Ấn-độ cổ đại, có liên hệ đặc trưng đến trường phái Tích-lan.[12] Theo tinh thần học thuật nghiên cứu, thì đây là một công việc to lớn, còn phải đi từng bước, từng giai đoạn, giải quyết từng vấn đề, mới có thể thấy được lịch sử văn học của Phật giáo Tích-lan.

Và bây giờ chúng ta có thể thẩm định tác phẩm ngôn ngữ Pāli cổ đại với những suy luận sơ lược như sau. Những tác phẩm trên quê hương Ấn-độ đã được tuyển soạn bằng ngôn ngữ Pāli rồi truyền đến Tích-lan, sớm nhất là thời vua A-dục, và số tác phẩm trong đại bộ phận đó là thời gian về sau, có thể truyền đến trong một thời gian dài sau này. Điều này là khá muộn so với những gì chúng ta biết về thời gian của Skandhaka và của văn học Phật giáo sớm nhất còn lại, tức liên hệ đến giáo đoàn truyền giáo thời vua A-dục, truyền đến Tích-lan thuộc về một thời kỳ muộn hơn một trăm năm so với thành phần của Skandhaka. Cho nên những tác phẩm này khi truyền đến Tích-lan đã ở dạng cố định. Nhưng điều chính yếu để tranh luận cuối cùng là, nếu trong hoàn cảnh mà dùng tiếng nước ngoài để tiến hành khẩu tụng tương truyền, thì thật khó để tưởng tượng. Trong lần hiệu đính luật Pāli, lời giới thiệu H. Oldenberg nhận xét, bản thân Tích-lan bộ phận thêm sau không được đưa vào văn bản các tác phẩm Pāli, mà chỉ trong các sách chú giải.[13] Có thể ý kiến này đúng, nhưng bản thân luật điển cải tạo thông thường cũng liên hệ đến truyền thống cố định, tức có biên tập mới lại, mà luật Pāli được lưu truyền và bảo tồn theo phương thức này. Vì thế mà chúng ta thấy trong luật Pāli không nói vua A-dục, và cũng không ám chỉ đến Tích-lan. Nhưng bản thân luật Pāli có tính cách cải biên với hình thức thay đổi bên ngoài, nên các nhà nghiên cứu hiện đại dễ nhận thấy phê bình. Những thay đổi thuộc về thời kỳ đầu tiên của truyền thống, khiến các văn bản bị biến dạng nghiêm trọng nhất, đã thực hiện công việc của họ trên văn bản Pāli trước khi truyền đến Tích-lan (Nếu nói, chỉ có luật điển bị cải biên sớm nhất, trước khi văn bản luật Pāli được truyền đến Tích-lan nó đã bị sửa đổi). Luật Pāli và luật điển của các bộ phái khác cũng vậy, trải qua thời gian cải biên sớm nhất. Theo sự truyền thừa của luật Pāli đang hiện hành, E. Waldschmidt so sánh với bản kinh Đại bát-niết-bàn (Mahā-parinirvāṇa-sūtra), gợi ra cho chúng ta đối chiếu với Skandhaka, thấy giống nhau ở kết luận. Truyền thống của văn bản Pāli xưa là rất tốt, vì nó cho thấy không có sự thay đổi, như luật Ngũ phần trải qua sửa đổi mà không bị biến dạng sau này. Nhưng chúng đã trải qua chính xác cùng một sự thay đổi sâu rộng và biến dạng trong thời kỳ đầu tiên của truyền thống, như các tác phẩm song song của các trường phái khác. Do đó, chúng không có nghĩa là truyền thừa tốt hơn, ví dụ: luật Tứ phần so ra hoàn chỉnh, và không có lý do nào cho ý kiến rằng luật Pāli được ưu tiên hơn các bộ luật của trường phái khác.

Mùa an cư, Phật lịch 2565, Việt nam.


[1] Khi làm điều này, tôi (Frauwallner) chỉ xem xét các phác thảo của sự phát triển, vì chúng cần thiết cho sự hiểu biết về Phật giáo Pāli. Tất cả phần còn lại không luận đến.

[2] Cf. S. Lévi, Ptolémée, le Niddesa (義釋/Nghĩa thích) et la Bṛhatkathā, in Estudes Asiatiques, vol. II (Publications de l’École Française d’Extrême Orient, vol. XX), Paris 1925, pp. 1-55. (Bṛhatkathā là một sử thi Ấn Độ cổ đại, được cho là do Guṇāḍhya viết bằng một ngôn ngữ kém hiểu biết được gọi là Paiśācī).

[3] Cf. S. Lévi, Kaniṣka et Śātavāhana, in J. As., 1936, pp. 63 seq.

[4] Vương Huyền Sách tại Đại thực (Tao Shih), Pháp uyển châu lâm 29, T. 53, tr. 502c13-21; Đại đường Tây vực ký 8, T51n2087, tr. 918b15-c13; Cf. S. Lévi, Les missions de Wang Hiuen-ts’e dan l’Inde, in J. As., 1900, I, pp. 316 seq.

[5] Đại Đường Tây vực ký 8, T.51, tr. 918b14 tt.

[6] Nam hải ký quy nội pháp truyện 1, T. 54, tr. 205b4 tt.

[7] Cf. S. Lévi, L’ Apramādavarga, in J. As., 1912, II, p. 205; ID., Les seize Arhats protecteurs de la Loi, in As., 1916, II, pp. 257 seqq.

[8] Đây là lý do tại sao văn bản văn xuôi của Jātaka cho thấy những phát triển và biến dạng điển hình là đặc trưng của truyền khẩu tự do. Xem về chủ đề này các nghiên cứu của H. Lüder Bhārhut và văn học Phật giáo, các chuyên luận cho tin tức về phương Đông XXVI / 3, Leipzig 1941.

[9] Tôi (Frauwallner) đã trình bày ngắn gọn ý kiến của tác giả về chủ đề văn học Ấn-độ xem trong tác phẩm Die Weltliteratur, Vienna 1951, pp. 791 seqq.

[10] Cf. Cūlavaṃsa, 37, v. 175. (Cūḷavaṃsa, cũng là Chulavamsa, là một ghi chép lịch sử, được viết bằng ngôn ngữ Pāli, của các vị vua của Sri Lanka. Nó bao gồm khoảng thời gian từ thế kỷ thứ 4 đến năm 1815. Cūḷavaṃsa được các nhà sư Phật giáo biên soạn trong nhiều năm và hiển thị nhiều phong cách sử thi).

[11] Cf. Samantapāsādikā (Nhất thiết thiện kiến), I, p. 2, 7-14.

[12] Cf. e.g. Ét. Lamotte, La some du Grand Véhicule (Bibliothefque du Muséon, vol. 7), II, p. 8* seqq.

[13] Vol. I, P. P. XLVIII, also Studien zur Geschichte des buddhistischen Kanons, Nachrichten von der Königl. Gesellschaft d. Wiss. Zu Göttingen, phil-hist. Klasse, 1922, p. 200. Các nghiên cứu lịch sử Văn hiến Phật giáo, tin tức từ Hoàng gia xã hội… Ý kiến của Oldenberg cho rằng, phiên bản Pāli có lẽ đại diện cho luật điển với hình thức nguyên thủy, ngày nay không còn xứng đáng để kiểm chứng lại, vì chúng ta có thể so sánh các văn bản của một số trường phái.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận