“THẤT PHẢN HÀNG MA”

Thất Phản Hàng Ma
(Thích Tâm Nhãn)

Có một vị thầy hỏi chúng tôi, tỳ-kheo chỉ được phép bảy lần thọ giới, như câu “thất phản hàng ma” có đúng không? Tại sao hệ truyền luật Nam tông không có quy chế này?

Chúng tôi xin thưa, thật ra hệ Phật giáo Bắc tông tại Việt Nam, lâu nay chỉ ảnh hưởng tư tưởng truyền nhau nghe, hay vài thầy giảng dạy nhắc tới, chứ thọ giới không bao giờ có quy chế này. Vì quy định trước khi bạch yết-ma cho thọ cụ túc, Tăng phải hỏi 13 già nạn (Skt. antārayikadharma, dịch là chướng pháp, hay chướng Thánh quả): 1. Phạm biên tội, 2. Phá tịnh hạnh tỳ-kheo-ni, 3. Tặc trú, 4. Phá nội ngoại đạo, 5. Giết cha, 6. Giết mẹ, 7. Giết A-la-hán, 8. Phá hòa hợp Tăng, 9. Với ác ý gây thương tích thân Phật, 10. Bất năng nam, 11. Phi nhân, 12. Súc sinh, 13. Nhị hình.
Ngoài ra còn 10 câu hỏi nữa mà giới tử trả lời: 1. Ngươi có phải là quan viên tại chức không? 2. Người có phải người trốn nợ không? 3. Ngươi có phải đầy tớ trốn chủ không? 4. Ngươi có phải đàn ông không? 5. Là đàn ông có bệnh cùi, hủi, ung thư…. Ngươi có mắc bệnh ấy không? 6. Tuổi đủ 20 chưa? 7. Y, bát có đủ không? 8. Cha mẹ đã cho phép chưa? 9. Pháp danh ngươi là gì? 10. Hòa thượng của ngươi hiệu thượng… hạ…?(1)

Như vậy chúng ta thấy, già nạn có hai nhóm. Nhóm I, 13 già nạn gồm những ác sự. Nhóm II, 10 già nạn, liên hệ bản thân, gia đình và xã hội của người thọ giới. Luật Ngũ phần (của Hóa địa bộ) 17, tr. 119c chỉ liệt kê nhóm II. Nhưng Di-sa-tắc Yết-ma bản (cũng thuộc Hóa địa bộ), tr. 317b, hỏi đủ cả hai nhóm. Luật Pāli (Mahāvagga I, tr. 93) cũng chỉ liệt kê nhóm II gồm 11 điều: 1. Các chứng bịnh nan y (ābādhā), 2. Loài người (manusa), 3. Đàn ông (purisa), 4. Không phải nô lệ (bhujissa), 5. Không mắc nợ (anaṇa), 6. Cấm quân (rājabhaṭa), 7. Cha mẹ cho phép (anuññāta-mātāpitūhi), 8. Tuổi đủ 20 (paripuṇṇa-vīsati-vassa), 9. Y bát đủ (paripuṇṇa-patta-cīvara), 10. Tên của người thọ (nāma), 11. Tên của Hòa thượng (nāma-upajjhāyassa). Nhóm I của Pāli (Mahāvagga I, tr. 88-9) cũng gần với Tứ phần.(2)

Đặc biệt luật Tăng-kỳ của Đại chúng bộ (摩訶僧祇律 23, T22n1425, p. 413b19-20) có thêm những già nạn, như: “Trước đây ngươi đã từng thọ cụ túc chưa?” Nếu đã từng thọ thì hỏi tiếp, ngươi không phạm bốn pārājika (ba-la-di) đấy chứ? Nếu đáp đã phạm thì bảo đi ra, không cho thọ cụ túc. Nếu đáp không phạm thì lần lượt hỏi tiếp 13 Tăng tàn (saṃghāvaśeṣa). Hỏi từng giới một xem có phạm hay không. Nếu đáp phạm thì hỏi, khi thọ cụ túc xong, y theo pháp sám hối các tội ấy được không? Nếu đáp được thì hỏi tiếp.
“Trước đây đã từng xả giới chưa?” (Đáp đã xả).
“Ngươi không âm mưu chuyện vương gia (làm chính trị)?”
Đó là những già nạn được thêm vào, khác với các bộ phái như Tứ phần (Pháp tạng bộ), Ngũ phần (Hóa địa bộ), hay luật Pāli (Thượng tọa bộ), còn lại là giống

Lâu nay hệ Tăng-già tại Việt Nam theo luật Tứ phần của Đàm-vô-đức bộ (Dharmaguptaka/ Pháp tạng bộ), cho nên nghi thức truyền giới theo Tứ phần, không có hỏi những già nạn như luật Tăng-kỳ.
Qua hệ luật của các phái chính thống, không thấy chỗ nào hỏi, “ông đã thọ cụ túc quá 7 lần chưa?” (thất phản hàng ma). Như vậy câu nói đó xuất xứ từ đâu mà chúng ta bị ảnh hưởng. Mời độc giả đón đọc kỳ 2.

Thân cận thiện xứ – TTN

Chú thích:

(1). Yết-ma yếu chỉ, HT Đỗng Minh, HT. Tuệ Sỹ soạn, Nxb PĐ, tr. 142, 153.
(2). Sđd. tr. 142

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận