Bức thư của Hoà thượng Thích Minh Châu (1962)

Phật Học Viện Nalanda, ngày 1 tháng 8 năm 1962.

Kính bạch chư vị Thượng Tọa, Đại Đức.

Kính anh em Học Tăng.

Namo Buddhàya

Nhân ngày chư Tăng mãn hạ, làm lễ Tự Tứ, tôi rất sung sướng có lời thỉnh an chư vị Thượng Tọa, Đại Đức và kính thăm toàn thể anh em Học Tăng, cùng chung vui với toàn thể Phật Tử trong ngày hoan hỉ này, mừng chư Tăng giới luật tinh nghiêm, mừng đạo pháp rực rỡ, huy hoàng.

Lễ An Cư Tự Tứ chính do đức Phật thân chế, sau khi nhận lời cầu thỉnh của vua Tần-bà-ta-la (Bimbisàra) để chư Tăng an tịnh, thiết thực tu hành trong ba tháng. Trải hơn 25 thế kỷ, chư Tăng Đại Thừa hay Tiểu Thừa đều tôn trọng quy chế này.

Và chư Tăng Việt Nam, dầu nước nhà có trải qua nhiều biến cố quan trọng, vẫn trung thành với mỹ tục An Cư Tự Tứ này, và chúng ta có thể nói, ngày nào Phật Giáo Việt Nam còn trung thành gìn giữ Kiết Hạ An Cư, ngày ấy đạo Phật Việt Nam được vững bền hưng thịnh.

Đạo đức còn thời Giáo Hội còn; Giáo Hội còn thì Phật Giáo Việt Nam còn.

Tôi có được tin nhiều anh em Học Tăng năm nay trúng tuyển vào các trường trung học và đại học của Chánh Phủ. Như vậy anh em đã đem lại vinh dự riêng cho từng cá nhân anh em và cũng đem lại vinh dự chung cho toàn thể Tăng giới Việt Nam.

Và chúng tôi ở bên này, nghe tin cũng rất sung sướng vui mừng, mừng cho Phật Giáo Việt Nam hiện tại, mừng cho tiền đồ Phật Giáo Việt Nam sau này.

Tiện đây, tôi có vài lời kính gửi anh em Học Tăng:

Trong kinh Dhammapada (Pháp Cú), đức Phật dạy rằng chúng Tăng chỉ có hai bổn phận:

– Tu thiền để chứng các cảnh giới thanh tịnh giải thoát, và

– Học hỏi kinh điển để giảng dạy cho chúng sanh.

Trong kinh Ariyapariyesana, Majjhima Nikaya, đức Phật đến nhà Bà-la-môn Rammaka, thấy chúng Tăng đang bàn luận với nhau. Ngài hỏi các vị Tỷ-kheo đang bàn luận vấn đề gì. Được biết chúng Tăng đang bàn luận về đạo lý, Ngài khen chư Tăng và nói rằng: “Chúng Tăng gặp nhau thì bàn luận đạo lý; nếu không thì nên giữ im lặng”.

Như vậy, chúng ta nhận thấy rõ ràng là chư Tăng chỉ có bổn phận học đạo mà thôi, học đạo và tu thiền, chớ không bao giờ đức Phật khuyên chúng ta học đời cả.

Nhưng nay các vị Thượng tọa bằng lòng và tán thành để anh em ra dự học các lớp đại học và trung học của Chánh Phủ là vì các ngài nghĩ rằng nếu anh em có một nền học vấn ngoài đời khá cao, anh em có thể hiểu đạo và hành đạo một cách thiết thực và chín chắn.

Hơn nữa, trình độ văn hóa ngoài ngày càng cao, Phật Tử cư sĩ hiểu đạo không phải hiếm; vậy một vị Tăng Sĩ cần phải có một trình độ học thức khá cao để diễn giảng giáo lý hợp với thời cơ và đầy đủ khả năng văn hóa để phục vụ chánh pháp.

Vậy anh em thấy rõ, sự học đời hiện tại của anh em chỉ là một phương tiện giúp anh em phụng sự đạo Phật một cách đắc lực hơn, chứ không bao giờ là một cứu cánh.

Hơn nữa thái độ hiện tại của Phật Tử Việt Nam cho chúng ta thấy rõ xu hướng chung của tín đồ như thế nào.

Một vị Cư Sĩ đã mạnh dạn tuyên bố trên máy phát thanh: “Chúng tôi không bao giờ cúi lạy một vị Bác Sĩ hay Thạc Sĩ, nhưng chúng tôi rất vui lòng cúi lạy chư Tăng cho đến một vị Sa-di cũng vậy. Chúng tôi chỉ lạy cái đạo đức của chư Tăng chớ không phải lạy cái học vấn ngoài đời của chư Tăng”.

Một thanh niên Phật Tử dám khuyên một chú Học Tăng khi chú này còn phân vân không biết nên học đời hay học đạo: “Quý thầy không lựa vàng mà học, cần học gì các thứ đồ kẽm, đồ đồng mà chúng tôi đã học ngấy cả rồi”.

Như vậy, chúng ta thấy rõ Phật Tử Việt Nam không những đòi hỏi ở chư Tăng một học vấn uyên bác, mà hơn tất cả, cần nhất ở chư Tăng một tác phong của người tu hành, thanh tịnh, chân thành, điềm đạm, từ hòa, giải thoát, trong tất cả thời, tại tất cả chỗ, những đức hạnh mà họ không bao giờ tìm được ở ngoài đời.

Vậy nên, trong khi đi học ngoài đời, anh em cần nhận chân cho rõ ràng là học đời chỉ là một phương tiện để giúp cho anh em phục vụ chánh pháp một cách đắc lực hơn, và căn bản sự học của anh em là Phật pháp, là chánh pháp.

Trong khi học đời, dầu đậu đạt gì, đừng dùng bằng cấp làm thành một phương tiện sinh sống riêng, rồi quên hẳn nhiệm vụ đối với Giáo Hội, đối với chánh pháp.

Cũng đừng để sự đậu đạt làm tăng trưởng sự ngã mạn, cống cao, trở lại khinh thường những vị tu hành không có bằng cấp như mình.

Điểm thứ hai, trong khi theo học ở đời, giao thiệp với bạn bè, thầy giáo và mọi người, anh em hãy cố gắng gìn giữ tác phong của một nhà tu hành.

Làm thế nào trong những cử chỉ hàng ngày, mọi người thấy anh em không phải là một sinh viên suông, mà là một sinh viên tu hành, với cả một phong độ từ hòa, điềm đạm giải thoát của nhà sư.

Tôi cũng biết xử sự như vậy không phải là dễ gì, nhưng nay anh em gánh cả hai trách nhiệm với đạo và với đời trên vai, lẽ dĩ nhiên, anh em cần nhiều cố gắng và hy sinh.

Anh em cần hiểu rằng: Một nhà sư dầu đậu đạt rất cao mà thiếu tác phong nhà sư thời không được các Phật Tử kính trọng như một nhà sư. Trái lại, một nhà sư dầu không đậu đạt gì mà giữ được phong thái của một vị tu hành, thời vị ấy bao giờ cũng được dân chúng kính trọng tôn sùng.

Nay ngày Tự Tứ đã đến, chúng tôi ở xa rất vui mừng được thấy chư Tăng Việt Nam thêm một tuổi đạo hạnh, chúng tôi tin tưởng rằng với sự dìu dắt sáng suốt của chư vị Thượng Tọa, với thiện chí chân thành của anh em Học Tăng, Phật Tử Việt Nam sẽ có được nhiều vị tu hành học hạnh kiêm ưu, trí đức song toàn để phụng sự chánh pháp và dìu dắt tín đồ trên đường đạo hạnh.

(HT. Thích Minh Châu lúc còn học ở Ấn Độ)

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận