Chữ “Lòng” Trong Ngôn Ngữ và Tư Tưởng Triết Lý Của NGUYỄN DU

Trích “Nguyễn Du – Đại Thi Hào Dân Tộc“. Huongtichbooks.

1. Triết Lý Việt Nam Về Chữ “Lòng”

Tất cả chủ quan đều phải được đặt lại từ nền tảng của chủ thể và tất cả chủ thể đều phải đặt lại từ chủ thể tính của chủ thể, cũng như tất cả khách quan phải xuất hiện từ căn bản của khách thể, và khách thể từ khách thể tính. Cả chủ thể tính và khách thể tính đều dính líu liên hệ mật thiết nhau trong lòng thể tính, thể tính đã được thiết lập từ thể tính của cái “lòng” trong tiếng nói quê hương. Bản tính của “trong” là “lòng” mà thể tính của lòng thì không chủ quan và cũng không khách quan, không năng và cũng không sở, không phải là chủ thể và cũng không là khách thể. Do đó, sự liên hệ tương giao giữa chủ thể và khách thể phải sụp đổ khi chúng ta thực hiện ý nghĩa nguyên vẹn của “trong” và thành tựu nguyên nghĩa của “lòng”.

Chúng ta không thể xem coi “lòng” như một vật thể hay đối thể hoặc đối tượng. Điều kiện khả tính của đối tượng là đối tượng tính và đối tượng tính chỉ thành hình qua tượng tính và tướng tính mà chủ thể tính đã cho xuất hiện nhờ sức mạnh tạo tượng đúc hình của trí tưởng tượng sáng tạo.

Trí tưởng tượng có tính cách sáng tạo là do bản tính của trí tưởng tượng nằm ở chỗ mở ra thu nhận khoảng trống bao la trong veo phát dậy “trong lòng”. Chỉ sáng tạo được vì đã nhìn thấy, trông thấy “trong lòng”. Nguyễn Du đã trông thấy những gì trong lòng để thốt ra một câu thơ bình thường nhất mà lại kỳ lạ nhất trong thi ca và tư tưởng Việt Nam:

Trăm năm trong cõi người ta

Ai trăm năm? Ai trong, ai ngoài?  Ai trong cõi người ta? Trí tưởng tượng có tính cách siêu thể và siêu việt, cho nên vẫn vụt thoát ra cõi ngoài kia: tưởng tượng chỉ là tưởng tượng vì tượng được tưởng phóng đẩy ra ngoài nhờ sức kéo lùi lại của vô hình phát khởi từ trong lòng.

Sáu chữ trăm năm trong cõi người ta đã dẫn chúng ta đi khá xa. Bây giờ chúng ta hãy bắt đầu lại nơi gần gũi hơn. Chừng như trải qua bao nhiêu trang giấy, chúng ta đã đi ra ngoài Truyện Kiều của Nguyễn Du? Làm thế nào để đi được vào bên trong thi ca của Nguyễn Du? Truyện Kiều đã bắt đầu bằng một câu thơ sáu chữ: “Trăm năm trong cõi người ta” chúng ta đã đi vào bên trong câu thơ này chưa? Đây là ngưỡng cửa, cánh cửa có đóng hay khép lại? Cửa chỉ mở được khi nào “cửa lòng” của mình đã mở sẵn đó rồi.

Muốn đi vào bên trong bất cứ cái gì thì mình phải có khả năng tưởng tượng và tư tưởng thích ứng thể nhập và tính nhập vào trong cái “tính tương cận”. Cái tính gần gũi nhất của khả tính “đi vào bên trong” là chiếu rọi những khả tính tiềm ẩn của chính chữ “trong” trong câu thơ đầu tiên của Truyện Kiều: mình phải học cách đi lọt vào trong lòng của chữ “trong”.

“Trong lòng” có nghĩa là trong lòng sự việc, trong lòng sự thể, trong lòng sự tính và trong lòng sử tính của sự việc, sự thể, sự tình, từ đó mình mới hiểu được cái “trong lòng” của sự, vật, việc, thể, cái, con; mới hiểu thế nào là hiện thể, thế nào là hữu thể, sinh thể, vật thể và đối thể? Từ đối thể mới phản hiện lên đối tượng? Phải chăng Truyện Kiều đã vô tình trở thành “đối tượng” của sự phân tích triết học? Không thể như thế được. Triết lý và Triết học đúng nghĩa là Triết Lý và Triết Học thì không bao giờ có đối tượng, vì chữ ghép “đối tượng” và “đối thể” và “đối vật” chỉ là những ý niệm được tạo ra từ sự vận hành của chính Triết Học Tây phương trong một giai đoạn nhất định của Sử Tính Triết Học.

Chúng ta lại đi xa ra ngoài câu thơ đầu của Truyện Kiều. Chúng ta hãy trở lại những gì nhãn tiền, gần gũi nhất, và chúng ta hãy biết rằng bây giờ hiện nay ngay giây phút này chúng ta đang làm gì. Cái gì gần gũi nhất? Chúng ta đang làm cái gì? Trước mắt mình là câu thơ sáu chữ của Nguyễn Du: trăm năm trong cõi người ta… Mình đang đọc câu thơ đầu tiên của Truyện Kiều, mình đang tìm hiểu ý nghĩa của câu thơ… Ý nghĩa gì? Tại sao có nhu cầu tinh thần muốn tìm hiểu ý nghĩa thi ca Nguyễn Du? Nhu cầu tinh thần là gì? Muốn tìm hiểu là gì? Thế nào là tìm hiểu?

Nếu chúng ta cố gắng trả lời những câu hỏi này thì chúng ta khó lòng tới được bên trong câu thơ đầu của Truyện Kiều. Chúng ta vẫn sẽ đi bên ngoài sự việc, thay vì đi vào trong lòng sự việc. Tuy nhiên, nếu chúng ta lại tự đắc ung dung nhảy vọt vào thi ca và tư tưởng của Nguyễn Du mà vẫn chưa chuẩn bị đầy đủ tinh thần cảm thức thích ứng thì khó lòng hiểu được Nguyễn Du. Muốn hiểu được Nguyễn Du thì mình phải có lòng tìm hiểu. Thế nào là có lòng? Chỉ có lòng được là sau khi hay đang khi trải qua bao nhiêu cơn biến động tâm thức, những sự đau lòng khôn nguôi mà Nguyễn Du gọi là:

“Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.

2. Chữ “Lòng” Trong Ngôn Ngữ và Tư Tưởng Triết Lý Của NGUYỄN DU

Bây giờ chúng ta phải bắt đầu lại bằng cách khác nữa, giống như chúng ta chưa từng bắt đầu. Phải chăng chúng ta đột nhiên được sáng ý lên rằng cái việc muốn đi vào bên trong thi ca và tư tưởng Nguyễn Du là việc cô cùng khó khăn. Tại sao khó khăn, mặc dù Nguyễn Du rất dễ hiểu? Một cậu hay cô học sinh bé nhỏ, chỉ cần một ông thầy bà cô đứng đắn giải nghĩa cho đôi chút thì có thể coi như đã hiểu Nguyễn Du một cách dễ dàng, bao nhiêu giáo sư trung học và đại học đã giảng dạy về Truyện Kiều một cách sáng suốt sâu rộng, bao nhiêu nhà học giả thông thái đã viết bao nhiêu thiên khảo cứu uyên bác minh bạch về Nguyễn Du và về sự nghiệp thi ca của bậc đại thi hào dân tộc.

Tuy nhiên, dẫu thế thì tại sao chúng ta vẫn cảm thấy rằng không phải dễ dàng hiểu được Nguyễn Du. Dụ như lúc mình đọc câu thơ đầu: “Trăm năm trong cõi người ta…”có gì khó hiểu đâu, chỉ thoáng nghe nhạc điệu của câu thơ buồn buồn, có cái gì rất là bồi hồi, rồi mình tiếp tục đọc tới và cứ bình thản đọc tới hết 3254 câu thơ, và sau cùng ngừng lại câu thơ cuối cùng:

Mua vui cũng được một vài trống canh…

Mặc dù Nguyễn Du nói “mua vui” nhưng thực ra mình chỉ thấy vui gượng mà thôi, vì sau khi vừa mới đọc xong câu thơ cuối cùng, sau khi trải qua trên ba ngàn câu thơ, đôi mắt mệt, cảm thức mơ màng, tâm thức y hệt như câu thơ hay nhất của Nguyễn Du:

Tưởng bây giờ là bao giờ,
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao…

Thế rồi, cái lòng mình cảm thấy như trải qua bao nhiêu bể dâu, hiện tại, ở đây, nơi này, phút giây này, mình đang tỉnh thức, thức tỉnh thực sự, đang mở mắt rõ ràng, thế mà vẫn đâu đó “còn ngờ chiêm bao…”.

Nguyễn Du bắt đầu bằng thời gian và chấm dứt bằng thời gian, mở đầu với trăm năm và chấm dứt với thời gian ngắn ngủi trong một vài trống canh. “Một vài trống canh” hay đúng hơn ở trong một vài trống canh, mình đã sống qua mười lăm năm dâu bể của Thúy Kiều và bao nhiêu cơ sự tang thương khác nữa.

Trong Truyện Kiều, nơi bốn câu đầu tiên đã xuất hiện chữ “lòng”:

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

và nơi bốn câu thơ cuối cùng thì cũng thị hiện lại chữ “lòng”:

Thiện căn ở tại lòng ta…

P.C.T.
huongtichbooks.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận