ĐẠO TỪ của HT. Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN tại ĐẠI HỘI VĂN HÓA PHẬT GIÁO TOÀN QUỐC

Bài đạo từ này đã được Hòa Thượng Thích Trí Thủ – Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất – đọc trong buổi lễ khai mạc Đại Hội Văn Hóa Phật Giáo Toàn Quốc được tổ chức một thời gian sau Pháp Nạn 1963 và sau khi hình thành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất năm 1964. (Theo thuvienGDPT)

ĐẠO TỪ
Của Hòa Thượng Viện Trưởng Viện Hóa Đạo
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
Trong Lễ Khai Mạc
ĐẠI HỘI VĂN HÓA PHẬT GIÁO TOÀN QUỐC

oOo

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

– Kính bạch Chư Tôn Hòa Thượng, Chư Thượng Tọa, Đại Đức trong Hội Đồng Viện Hóa Đạo.
– Kính thưa Quý vị Quan Khách.
– Kính thưa Đại Hội.
– Kính thưa Quý Liệt Vị.

Với tư cách Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, chúng tôi xin kính gởi đến chư liệt vị lời chào mừng chân thành của chúng tôi. Sự hiện diện quý báu và nhiệt thành của chư liệt vị trong buổi lễ khai mạc Đại Hội Văn Hóa Phật Giáo Toàn Quốc sáng hôm nay quả đã nói lên sự lưu tâm của chư liệt vị đối với vấn đề văn hóa Phật Giáo và tương quan giữa Phật Giáo Việt Nam với văn hóa Dân Tộc.

Chúng tôi cũng đặc biệt tán thán công đức của Thượng Tọa Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa, của Ban Tổ Chức Đại Hội, của toàn thể cơ quan, đoàn thể và cá nhân hằng tâm hằng sản đã tích cực góp phần hình thành một Đại Hội Văn Hóa Phật Giáo với quy mô toàn quốc lần đầu tiên từ năm 1963 đến nay như thế này.

Dù thành quả của mấy ngày Đại Hội sắp tới sẽ là thế nào chăng nữa thì sự hình thành của một Đại Hội tiên khởi thế này cũng đã là một công quả đáng ghi nhận trong nỗ lực chung của Giáo Hội và của mọi hàng Phật Tử hằng lưu tâm đến việc cụ thể hóa một đường hướng và chương trình văn hóa hợp với tinh thần tín ngưỡng Phật Giáo và nhu cầu thăng tiến tâm linh đạo đức của dân tộc. Chúng tôi xin nguyện cầu Chư Phật gia hộ cho Đại Hội gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp.

Kính thưa chư liệt vị.

Nói đến văn hóa là nói đến một ý hướng tự lực thăng tiến. Văn hóa là làm cho đẹp, làm cho sáng. Tự nơi mỗi người không có cái đẹp, không có cái sáng bản nhiên thì không thể nói đến chuyện làm cho sáng làm cho đẹp được. Đó là bản sắc văn hóa Đông Phương và nói riêng văn hóa Phật Giáo. Đó là ý nghĩa của ‘chư trưởng tự thành minh vị tính, tự minh thành vị chi giáo’ của đạo Nho; là căn bản thể nghiệm ‘Thường đạo’ của Lão Giáo; là nỗ lực hòa đồng với ‘Đại ngã’ của Ấn Giáo là ý hướng viên thành trí huệ ‘Bát-nhã’ của đạo Phật.

Cách đây hơn 25 thế kỷ, Thái tử Tất Đạt Đa đã từ bỏ quyền lực thế tục, từ bỏ ngôi vị đế vương, gia đình đầm ấm hạnh phúc để một mình ra đi cũng chính là vì ý hướng thành đạt một yếu chỉ và phương thức hữu hiệu để thỏa mãn được ước vọng tự lực thăng tiến đó. Ngài đã từ bỏ quyền lực thế tục của một tiểu quốc miền Bắc Ấn; Ngài đã từ bỏ ngôi vị đế vương của một nước nhỏ chẳng phải để mà trở thành vua của thiên hạ, vua của các vì vua, để mà trở thành Thượng Đế hay kẻ độc quyền đại diện Thượng Đế. Ngài từ bỏ tất cả để trở thành một Tỳ-kheo, nghĩa là một hành khất, để trở thành một nhà sư, nghĩa là một bậc thầy, một người khuyên nhũ chỉ dạy chứ không phải là một nhà cai trị, một kẻ thống trị, một người có quyền ra lệnh và trừng phạt những kẻ không tuân lệnh. Nói rõ hơn, Ngài đã từ bỏ tất cả để trở thành một nhà văn hóa, tự hiện giá trị bản nhiên của mình và mời gọi dùng thành quả chứng ngộ đó như một gương sáng để cảnh tỉnh, để mời gọi khuyên nhũ kẻ khác đang còn trong vòng mê mờ hãy tiếp theo con đường tự làm được, tự làm sáng giá trị bản nhiên hay Phật tính sẵn có nơi mình.

Kính thưa liệt chư vị.

Có thể có trăm ngàn cách để làm văn hóa, nhưng người làm văn hóa theo tinh thần Phật Giáo thì không thể nào quên kinh nghiệm văn hóa, bao bọc văn hóa mà chính Đức Bổn Sư đã thực chứng.
Vì tôn trọng giá trị tự tại của những người chưa giải thoát có thể giải thoát và đang giải thoát, cho nên hoạt động văn hóa của Phật Giáo không phải là một hoạt động cực đoan, cuồng tín, quá khích. Bản sắc của hoạt động văn hóa của Phật Giáo là khế hợp, là thích ứng. Nhờ tinh thần bao dung, khế hợp đó mà Phật Giáo phát triển đến đâu thì đã trở thành di sản tinh thần, sức mạnh tâm linh của chính địa phương đó chứ không phải là một thế lực văn hóa hay một áp lực tư tưởng ngoại lai. Đức Phật đã trở thành Đức Phật của người Việt và Phật Giáo đã trở thành Phật Giáo Việt Nam. Cũng bởi vậy mà Phật Tử miền Bắc mới có câu nguyện “Nam Mô Phật Tổ Hồng Bàng Thị”.

Nhờ có khả năng Việt hóa, dân tộc hóa đó nên Phật Giáo Việt Nam mới có những đóng góp lịch sử lớn lao trong thời lập quốc và đấu tranh tự chủ Ngô – Đinh – Tiền Lê lẫn trong thời bảo vệ tự chủ và phát huy độc lập Lý – Trần. Đó không chỉ là công lao của người Phật Tử Việt Nam, đó là công quả đương nhiên của một đường lối giải thoát bằng nguyên tắc “Phụng hành Chính Pháp là phục vụ dân tộc”.

Thành công của các thời đại vàng son Lý-Trần vẫn được nhắc nhở như là những thành công chính trị, kinh tế, xã hội, quân sự. Nhưng xét cho cùng thành công đó trước tiên chính là một thành công của tinh thần, của tâm linh, của đạo đức, nghĩa là một thành công văn hóa, một thành công tổng hợp Tam Giáo và Phật Giáo là thành phần khởi sáng và chủ động vậy.

Kính thưa chư liệt vị; thưa quý vị trong Ban Tổ chức, cùng các Đại biểu toàn quốc tham dự Đại Hội Văn Hóa Phật Giáo hôm nay. Câu hỏi mà mọi người Phật Tử chúng ta hằng ôm ấp hẳn là: “Kinh nghiệm Phật Giáo thời Lý-Trần còn có giá trị gì cho hoàn cảnh hiện tại và tương lai xứ sở không? Về phương diện văn hóa, người Phật Tử Việt Nam thấy có thể làm việc gì để góp vào nỗ lực chung của những người yêu nước hầu đưa dân tộc thoát khỏi những áp lực nầy đã trồng cấy trên đất nước thân yêu ngót một trăm năm qua? Chúng tôi thiết nghĩ đó không chỉ là những ưu tư của những người tham dự Đại Hội Văn Hóa Phật Giáo toàn quốc hôm nay mà cũng chính là niềm băn khoăn thao thức của chung Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vậy.

Với niềm ưu tư đó mà chúng tôi chân thành tán thán công đức của Thượng Tọa Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa, Ban Tổ Chức và toàn thể quý vị đã đóng góp cho Đại Hội Văn Hóa này được thành hình. Và cũng với niềm ưu tư đó mà chúng tôi chân thành mong ước và cầu chúc Đại Hội đạt thành mục tiêu.

Trân trọng cảm ơn và kính chào chư liệt vị.

NAM MÔ THƯỜNG TINH TẤN BỒ TÁT MA HA TÁT.

Nguồn: Tập san Truyền Thống – Lịch Sử (GĐPTVNTTG).

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận