Học kinh Kim cang để tìm thấy ý nghĩa của kinh trong những quan hệ thường nhật; vận dụng kinh như thế nào trong cuộc sống, để vượt qua những khó khăn, những gút mắc, những tai họa mà nhiều khi tưởng khó có thể vượt qua được.
Nói cụ thể, phải do một hoàn cảnh nào đó tác động thì người ta mới hiểu được giá trị của Kinh. Những ai đã từng trải nghiệm, sống ở tận đáy của xã hội, bị ném xuống tầng lớp được xem là cặn bã của xã hội, khi cần phải khẳng định ý nghĩa và giá trị sinh tồn, khi ấy may ra mới có thể hiểu được một cái gì đó u áo trong kinh Kim cang.
Kinh nói, “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn, bào ảnh.” Làm thế nào để nhìn tất cả đời sống này như một giấc chiêm bao, để thấy đau khổ hay hạnh phúc cũng chỉ như là giấc chiêm bao. Có lẽ quá nhiều người hiểu rõ điều đó và nói quá nhiều về điều đó. Nhưng tỉnh giấc chiêm bao để thấy cái gì hư, cái gì thực, thì chắc là quá ít.
Tụng đọc Kim cang để hiểu những phạm trù triết học trong đó, để lý luận và phân tích cái gì là sắc, cái gì là không và thế nào là sắc tức thị không, điều đó chưa phải là quá khó. Nhưng, ngay trong sinh hoạt thực tế, bằng ý nghĩa Kim cang mà nâng cao phẩm giá của mình, giá trị đời sống của mình, điều này chắc không phải là dễ…
Trích từ “Tính Khế Lý và Khế Cơ trong Kinh Kim Cang” (Tuệ Sỹ)
Khi chưa tu thì tham sân ít, tu riết càng mê Phật, cho rằng mình hiểu Phật rồi thì tham sân càng nhiều….“Vì tôi bảo vệ chánh Pháp cho nên người nào phá hoại Phật pháp thì tôi giết nó, tôi nói láo, tôi nói dốc, tôi làm mọi cái để triệt hạ nó”. Điều đó hoàn toàn sai.
Không bao giờ vì hại một người, dùng mưu mô thủ đoạn mà bảo vệ chánh pháp, không thể đem bàn tay dơ bốc cơm ăn mà cho rằng như vậy là đang bảo vệ nồi cơm đó được. Không thể đem cái dơ mà bảo vệ cái sạch, cái thanh tịnh được. Mình phải trong sạch trước, tâm tư này phải trong sạch thì bảo vệ chánh pháp mới trong sạch. Tâm tư hại người, chánh pháp không thể trong sạch được. Chánh pháp của Phật là làm ích lợi cho mọi người, với kẻ ăn cướp mình cũng hóa độ nó, cũng dạy nó, cũng cải đạo nó, thấy ăn cướp đang rớt xuống địa ngục thì mình cũng phải tìm cách chặn lại, nếu nó đã rớt xuống địa ngục mà mình xuống được như Ngài Địa Tạng thì mình xuống, còn không xuống được thì thôi, không ai bắt, chứ không phải nói ăn cướp xuống địa ngục rồi xô cho nó xuống luôn. Thành ra ta vì bảo vệ chánh pháp mà đẩy mọi người xuống địa ngục, như vậy là sai.
Bảo vệ chánh pháp là ích lợi cho cả con kiến, con sâu, con bò,… chứ ko phải ích lợi cho một phe nhóm của mình hay cho cái đạo của mình, hay chỉ ích lợi cho những người theo Phật. Như vậy không phải ích lợi, đó là ích kỉ, thành ra cái đó là tẩu hỏa nhập ma, yêu Phật quá, mê Phật quá, mê đến độ chỉ thấy Phật không thấy người khác. Phật không cần cái mê đó, Phật không cần ai bảo vệ. “Chánh pháp Như Lai, kim cang bất hoại thân”, Phật pháp không cần ai bảo vệ, chúng ta là phàm phu, với thân hữu lậu chịu quy luật sanh diệt khổ não, như đem thân 37kg bảo vệ ông đại lực sĩ, ai cũng cười, vì không thể bảo vệ được.
Chúng ta là những con người hữu lậu, tâm tư hữu lậu, sanh diệt trong từng sát-na mà bảo vệ chánh pháp vô lậu bất sinh bất diệt, đem cái hữu lậu bảo vệ cái vô lậu, đem ngu si ngu muội để bảo vệ cái thanh tịnh cao siêu của đại trí, thì không ai có thể nói cho đúng được. Cần dựa cái mình thực hành thế nào cho đúng, ích lợi cho mình, ích lợi cho nhiều người đó chính là bảo vệ Phật pháp. Phật pháp tồn tại vì ích lợi cho mọi người chứ không phải tồn tại để khống chế mọi người, cho nên chúng ta học kinh thường đi đến chỗ mê Phật, mê tới chỗ mê muội luôn thì không còn chánh pháp nào nữa, mà gọi đó là tẩu hỏa nhập ma vậy.
(Ghi lại từ file mp3: Kim Cang giảng giải) – Thực hiện: Chơn Trí
…Văn hào Dostoyevsky nói về người có tâm bác ái như vầy: càng thương người bao nhiêu, thương cả thế giới bao nhiêu, thì càng ghét người hàng xóm bấy nhiêu! Đây là một tâm lý rất cụ thể, rất thực. Chúng ta cũng thấy người càng yêu nước bao nhiêu, càng sẵn sàng giết người nhiều bấy nhiêu. Hiếm có người như Gandhi, thể hiện lòng ái quốc vĩ đại nhưng không làm tổn hại bất cứ ai, bằng đường lối đấu tranh bất bạo động. Thế gian này hiếm có lắm. Lẽ thường thế gian, yêu nước mình thì phải bảo vệ, thì phải giết người xâm phạm đất nước mình. Ngay cả đối với những người xung quanh mình cũng vậy, ta yêu nước còn nó thì không, đây là thứ phản bội, giết nó đi.
Người trong tu Phật cũng vậy, ta tu như thế này mà nó không tu, thứ đó là thứ gì đâu không… Thành ra, càng tu Phật càng ghét người tu Phật, khi thấy mình tu quá, còn người ta tu ít, còn cho rằng đó là thứ vô làm hại Phật giáo, mình phải tìm cách loại nó ra vì mình tu nhiều quá mà nó không tu… Tu kiểu này, chắc chắn là trật rồi!
Càng giữ giới càng ghét người phạm giới, ít có tâm từ bi lắm. Mình càng mong muốn lên thiên đường lại càng mong muốn kẻ khác xuống địa ngục: tu hành kiểu đó xuống địa ngục cho rồi! Nghe thông tin về một vị sư nào đó phá giới, phạm trai, mình sẵn sàng rủa sả ngay: thứ đó đọa địa ngục hết. Chứ không hề khởi tâm từ bi, thấy người ta đi vào con đường đọa lạc, thì tìm cách để chận lại, để họ đừng rơi xuống địa ngục. Nghĩ được như vậy, e rất khó. Mười người chưa chắc được một. Nhưng làm được như vậy, đó mới chính thực là tu tập theo Bồ tát đạo, thực hành Bồ tát hạnh…
(Hết trích.)
Nguồn bài & ảnh: Internet.