GIÁO SƯ LÊ MẠNH THÁT: CUỘC ĐỜI CỦA ĐỨC PHẬT
Đây là bản viết thoại lấy từ video mang tên Quan Điểm Thiền Sư Lê Mạnh Thát Về Lịch Sử Cuộc Đời Đức Phật của kênh YouTube Hiểu Về Nguồn Cội, dài sáu mươi phút, phát hành ngày 13.12.2023.
I/ LỜI GIỚI THIỆU CỦA GIÁO SƯ LÊ MẠNH THÁT
Cuộc đời đức Phật qua lịch sử đã tạo cảm hứng cho rất nhiều người, từ nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới, kể từ ngày ngài viên tịch. Do thế, thật không dễ để chúng ta viết về cuộc đời ngài, vì phải đối đầu với một khối lượng tư liệu đồ sộ nằm trong các ngôn ngữ khác nhau của Ấn Độ cũng như các nước ở châu Á và châu Âu. Tại Học viện Phật giáo Việt Nam ở tp. HCM, có một học phần về cuộc đời đức Phật. Cho nên, cần có một giáo trình tương đối chấp nhận được cho học phần này.
Trong số các tác phẩm viết về cuộc đời ngài xuất bản trong các ngôn ngữ khác nhau trên thế giới thì bộ Đức Phật Gotama gồm hai tập của Giáo sư Hajime Nakamura, thuộc đại học Tokyo của Nhật Bản, theo chúng tôi, là tác phẩm tốt nhất xuất hiện cho tới bây giờ. Từ đó, chúng tôi đã nhờ đạo hữu Nguyên Tâm Trần Phương Lan, trưởng ban phiên dịch Anh ngữ của Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, người đã phụ trách giảng dạy bộ môn Anh ngữ Phật giáo tại học viện chúng tôi trong nhiều năm qua, phiên dịch ra tiếng Việt. Đây là một bản tiểu sử cuộc đời Đức Phật tương đối chính xác, cung cấp cho ta những trích dẫn và chỉ dẫn cần thiết, liên hệ tới những mô tả về các giai đoạn trong cuộc đời ngài.
Tuy nhiên, tác phẩm này cũng có một số hạn chế, mà hạn chế lớn nhất xuất phát từ quan điểm của tác giả là muốn – phân biệt Đức Phật Gotama sống thực trong lịch sử nhân loại, ở thời ngài – với đức Thích Ca Mâu Ni, trong huyền thoại của thời sau. Đây là một vấn đề của giới nghiên cứu Phật giáo trên toàn thế giới, mà trong thế kỷ XX, ở phương Tây đã xuất hiện ba trường phái lớn. Đó là trường phái Anh Đức, trường phái Pháp Bỉ và trường phái Nga.
Về vấn đề này, chúng tôi quan niệm cuộc đời Đức Phật đã được các vị đệ tử của ngài viết lại. Và các bản tiểu sử này thường phàn ảnh quan điểm trường phái của các đệ tử. Thí dụ, đối với hai biến cố lớn nhất trong cuộc đời Đức Phật là bài giảng đầu tiên của ngài sau khi thành đạo và những lời di huấn cuối cùng trước lúc ngài vĩnh viễn ra đi, ta ít nhất, hiện có hai truyền bản khác nhau, đó là kinh Chuyển Pháp Luân của văn hệ Pali và kinh Hoa Nghiêm của văn hệ tiếng Phạn đối với biến cố thứ nhất, và kinh Đại Bát Niết Bàn của văn hệ Pali và kinh Đại Bát Niết Bàn của văn hệ Trung Quốc, đối với biến cố thứ hai.
Đây là những văn bản khác nhau, phản ảnh các truyền thống khác nhau về cuộc đời Đức Phật mà chúng ta phải quan tâm khai thác khi viết về cuộc đời ngài, mà không nên coi văn bản này phản ánh chính xác hơn văn bản kia. Hy vọng trong một tương lai gần, khi nền Phật học nước nhà phát triển và hội nhập với thế giới, chúng ta sẽ có những nghiên cứu mới, về cuộc đời đức Phật, khắc phục được những hạn chế vừa nói của những lớp trước để lại.
Hôm nay, để cung cấp rộng rãi hơn bản tiểu sử này của cuộc đời Đức Phật, chúng tôi xin viết mấy lời giới thiệu đến bạn đọc gần xa.
***
II/ PHẦN TRAO ĐỔI CHÍNH
1.
Thứ nhất là kinh Hoa Nghiêm, trong đó Đức Phật dạy gì, và Đức Phật giảng cho ai.
Đây là Đức Phật giảng cho hai nhà buôn. Tên của họ, phía Pali và Hoa Nghiêm còn giữ. Đây là hai đệ tử tại gia đầu tiên của Đức Phật.
Tại sao mình biết mà mình không viết liền, là tại vì phải thâu gom tất cả các quan điểm, tất cả những diễn giải trong chữ Phạn, chú giải của Trung Quốc trong bản kinh từ Ấn Độ mang về, dịch ra tiếng Trung Quốc, truyền lại cho cho người Trung Quốc những cái gì họ biết về cái bản kinh đó.
Cho nên, mình phải nghiên cứu kỹ, rồi so sánh, đánh giá với những tư liệu khác nữa.
Khi Nakamura biên soạn, trích dẫn kinh nào, trang số mấy, ông phải ghi ra, thì mình cũng phải làm tương tự như vậy.
Tuy nhiên, trình độ chữ Hán, chữ Phạn của các ông chưa chuẩn, cho nên, chưa sử dụng được những tư liệu đó.
Ví dụ như, nói Đức Phật sinh ra, ngài đi bảy bước, tay chỉ trời, tay chỉ đất, tôi mới nói với họ, là phải truy cho ra, xem có bao nhiêu tư liệu chép về chuyện đó. Rồi thì còn là chuyện cầm hoa Vô Ưu hay Đức Phật từ trong nách nhảy ra.
Xong được điểm nào, thì đưa tôi coi điểm đó. Đưa lên tôi coi, thì tôi thấy kém quá, chưa được. Đó là có giới hạn rồi, ví dụ như lúc Đức Phật nhập Niết Bàn. Đây là đang giao cho các cán bộ giảng dạy, bắt đầu từ những năm 2003, 2004 trở đi. Năm nào tôi cũng kiểm tra, mà vẫn chưa làm được, bởi vì trình độ không có.
Cái này phải đòi hỏi về trình độ chữ Hán, chữ Tạng, chữ Pali, như ông Nakamura vậy. Thậm chí, còn phải thuộc lòng kinh Pali, như mấy ông bên Tích Lan. Thậm chí như ở Miến Điện, họ thuộc lòng kinh điển Pali, và đọc trước mặt không biết bao nhiêu sư. Tưởng tượng giống như Đức Phật gọi ông A Nan ra, đọc lại lời Phật dạy như vậy đó.
Thuộc đến mức độ đó.
Giống như nước mình, đọc thuộc lòng kinh A Di Đà, hay là chú Lăng Nghiêm vậy đó.
***
2.
Vấn đề là phải tìm tư liệu.
Tìm tư liệu thì đòi hỏi phải có trình độ ngoại ngữ. Bây giờ, tư liệu Phật giáo rải rác trong nhiều ngôn ngữ, tư liệu nằm rải rác trên cả thế giới. Đừng tưởng, chỉ biết vài bài chữ Hán mà làm được.
Bên Nga cũng có một trường Phật học. Nga cũng có trường phái Phật học của Nga. Nước nào, ban đầu, cũng phải tự đi tìm từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau, rồi viết thành chữ của nước mình.
Nghiên cứu về Đức Phật thì Anh và Pháp thuận lợi hơn, vì các nước phương Đông từng là thuộc địa của họ. Nga thì khó khăn hơn bởi chẳng có thuộc địa nào cả.
Họ tự làm thôi. Họ tự lặng lẽ đi tìm thôi. Như ở Hungary, bên đó họ cũng có hội Phật giáo của họ. Có ông kia, ban đầu là đi tìm nguồn gốc tổ tiên mình thôi, rồi ông đi tới Tây Tạng, cuối cùng, ông đưa Phật giáo về quốc gia Hungary. Ông được vinh danh, tên ông sau này được đặt cho viện Phật học quốc tế Hungary – Alexander Csoma Kroos.
Nước Nga, sau cách mạng tháng mười, Lê Nin lên nắm chính quyền, ngay lập tức cho xuất bản hai tác phẩm nổi tiếng thế giới, viết về luận lý học Phật giáo Buddhist Logic, rất dày. Người Nga, họ nghiên cứu rất sâu về cả tiếng Hán lẫn tiếng Tây Tạng, Mông Cổ.
Việt Nam mình, có biết gì về Phật giáo Tây Tạng đâu, cho đến khi chúng tôi học tiếng Tây Tạng về, và công bố một số bản dịch về những bộ kinh viết bằng tiếng Tây Tạng.
Muốn nghiên cứu về kinh điển Phật giáo, dứt khoát, phải biết bốn thánh ngữ. Bốn thánh ngữ đó là: chữ Phạn, chữ Pali, chữ Hán, chữ Tây Tạng. Tất cả các văn liệu, tất cả lời Phật dạy, đều chỉ nằm trong bốn thứ tiếng này.
***
3.
Trong kinh Hoa Nghiêm có nói, Thiện Tài Đồng Tử đi học đạo với năm mươi ba vị thầy. Trong đó, có một vị thầy rất thân thiết với người Việt Nam mình, đó là Đức Quan Âm. Ông này ổng học được ở Quan Âm, vị thầy thứ hai mươi bảy, nghệ thuật, cách thức nghe được người ta đang đau khổ, người ta đang cầu cứu, người ta đang gọi mình.
Mà ông Thiện Tài Đồng Tử là ai? Ông ấy chỉ là một người rất bình thường, chẳng phải nhà tu, chẳng phải giới giếc, chẳng cạo đầu, chẳng phải làm gì cả.
Chỗ Đức Phật giảng cho hai nhà buôn, hai doanh nhân, tôi có đề nghị, lấy ra một số trích dẫn thuộc kinh này, làm thành tập thánh điển Phật giáo để đưa vào trong các khách sạn tại Bangkok.
Khi tôi đề nghị như vậy, thì có một ông thầy Tích Lan, thọ giới ở Phật Quang Sơn với Đại Sư Tinh Vân, hỏi, Phật mới giác ngộ, Bồ Tát đâu trong kinh mà ông vớ vẩn, đòi đưa vào?
Mà đúng, ai đọc kinh Hoa Nghiêm thì thấy nhiều Bồ Tát lắm. Bộ kinh Trung Quốc đó có bốn bản, một bản tám mươi quyển, một bản sáu mươi quyển, một bản bốn mươi quyển. Bản bốn mươi quyển, Việt Nam đã dịch sạch và cho in rồi.
Nhưng trong bản bốn mươi quyển đó, người ta có tổng cộng năm mươi ba ông thầy, mà lại ghi thiếu rất nhiều ông. Tôi nghĩ, cái này là ông Trung Quốc ổng cố tình. Mà ngay cả từ bên Ấn Độ, trong bản tiếng Phạn, mấy ổng cũng đã cắt bớt rồi.
Vậy, cắt bớt cái gì? Trong đó có cái gì mà mấy ổng cắt bớt? Ví dụ, trong đó có ông thầy thứ ba, thứ tư gì đó, thì là dạy về cái chuyện yêu đương.
Quay trở lại câu hỏi, ông thầy Tích Lan, thọ giới ở Phật Quang Sơn với Đại Sư Tinh Vân, hỏi, Phật mới thành đạo có mấy ngày, mà đệ tử, mà Bồ Tát ở đâu mà quá trời? Tôi mới trả lời rằng, ông có thừa nhận với tôi, cũng như xác định rằng, hai đệ tử đầu tiên của Phật là Tapussa và Bhallika không?
Cả kinh Pali và kinh Đại Thừa đều thừa nhận có hai nhà buôn này. Ngay cả ông Tuệ Sỹ, ông cũng đồng ý và thống nhất với tôi. Nói có vong hồn ông chứng giám. Tôi nói ông Bhallika này chính là ông Văn Thù, Mañjuśrī.
Thờ Đức Bổn Sư, trong chùa Việt Nam và Trung Quốc, một bên là ông Văn Thù, một bên là ông Phổ Hiền. Ông Phổ Hiền này ở đâu ra? Ổng trong bản bốn mươi quyển của Trung Quốc, trong bản tiếng Phạn tám mươi quyển, có Phổ Hiền. Phổ Hiền là Đại Nguyện, tất cả điều gì tốt, cũng hồi hướng cho mọi người: Nhất giả lễ kính chư Phật / Nhị giả xưng tán Như Lai / Tam giả quảng tu cúng dường / Tứ giả sám hối nghiệp chướng / Ngũ giả tùy hỷ công đức / Lục giả thỉnh chuyển pháp luân / Thất giả thỉnh Phật trụ thế / Bát giả thường tùy Phật học / Cửu giả hằng thuận chúng sinh / Thập giả phổ giai hồi hướng.
Hai ông này không quy y tam bảo, hai ông chỉ quy y nhị bảo thôi. Tại đâu có Tăng đâu? Đâu có nhóm đầu tiên đâu? Có nhóm đâu mà tăng? Tăng là một tập thể. Mà Phật giáo thì y pháp bất y nhân. Đâu có y một ông thầy đâu?
Khi Đức Phật mất trên cái võng của ngài. Cái võng này, người Anh không có. Phải lấy cái từ hammock. Từ hammock này, lấy từ tiếng của người da đỏ ở Nam Mỹ. Khi học Phật, thì gọi là giường dây. Giường dây là cái gì thì ai mà biết. Giường dây là dây thế nào? Rồi cột sợi dây lên xong, đu lên đó mà ngủ à? (giáo sư cười suốt ở đoạn này)
Ngày xưa, áo là vải rách, đi lượm của người ta bỏ mà may lại mặc. Đó là theo truyền thống. Mình nói vậy thôi, chớ cũng không đến nỗi đâu. Nhưng giường thì là cơ động, đi chỗ này qua chỗ kia, cho nên Phật chế thành “thằng sàng”. Cho đến khi thấy tranh của Trúc Lâm Đại Sĩ Xuất Sơn, mới càng rõ nữa. Tranh cụ treo nhiều nơi. Hai ông gánh hai đầu, Phật Hoàng ngồi giữa.
Cả trong Phật giáo thế giới lẫn Phật giáo Việt Nam, các thầy, luôn luôn mang theo cái võng. Giống mấy ông Việt Cộng, đi đâu cũng mang theo cái võng. Cần một cái là treo lên hai gốc cây là có chỗ ngủ rồi, khỏi sợ rắn, rít. Thậm chí cọp, beo, cũng không sợ.
***
4.
Lúc Đức Phật nằm trên cái võng, ngài A Nan biết là Đức Phật sắp mất rồi. Khi ngài nói câu cuối cùng, các con cần gì thì hỏi ta đi. Cả kinh Pali lẫn kinh Đại Thừa đều ghi, A Nan hỏi, thầy mất rồi, thầy có để lại người nào hướng dẫn cho chúng con hay không?
Đức Phật nói không.
Rất rõ. Cho nên khi quy Tăng là quy y một tập thể, quy y về giáo lý, tức là mình đứng trong một tập thể để sống, chứ không phải nói theo kiểu Tàu, Tăng là ông thầy tu, Tăng là thầy tu nam. Vớ vẩn.
Sangha mà, phiên âm từ sangha mà. Qua bên Ấn Độ, sẽ thấy họ gọi Quốc Hội là sangha. Sangha có phải là ông Tăng đâu? Nói tầm bậy rứa đó.
Rồi còn, cô Ni, phân biệt vớ vẩn nữa. Ni cũng là sangha. Đây là sự thật. Chỉ khi về Trung Quốc với Việt Nam thì mới vớ vẩn như thế, mới tầm bậy tầm bạ như thế. Tỳ Kheo Tăng, Tỳ Kheo Ni? Đáng lý, chỉ cần nói, Tỳ Kheo nam, Tỳ Kheo nữ. Thế mà tăng, ni, tầm bậy tầm bạ rứa đó.
Tỳ Kheo Tăng, Tỳ Kheo Ni, là của Tàu, trọng nam khinh nữ. Ngày xưa, mình đâu có chuyện đó.
Quay lại chuyện Đức Phật, ngài nói, không để lại người nào cả. Đại Thừa, Tiểu Thừa, đều thống nhất chỗ này. Việt Nam, Nam Tông, Bắc Tông, cũng đều thống nhất như vậy. Ghi lại lời dạy của Đức Phật.
Thế cho nên, Phật giáo là không có chuyện người hay tổ chức nào, chỉ đạo được các người tu của Phật giáo. Phật giáo không có giáo quyền, từ xưa tới nay.
Vì, người tu là người tự giác ngộ mà. Người tu chỉ có thầy. Chỗ nào mình không biết thì có thầy giảng, thầy chỉ ra con đường cho mình, thầy đó dành cho anh thôi.
Còn cái chuyện giác ngộ Đức Phật là nói rồi, hãy làm thử theo lời Đức Phật. Tao nói cho mày nghe, mày nghe mày làm thử xem, có lợi cho mày, có lợi cho người khác không, chứ tao chẳng cần mày tin tao.
Tuy là tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ, nhưng ngay từ đầu, Đức Phật trong kinh Kalama nói, nghe tao thuyết pháp nhưng đừng tin tao.
Cho nên, Phật giáo không đòi hỏi niềm tin vào Phật giáo, là vậy. Phật giáo đòi hỏi mình nhận thức, đòi hỏi mình làm thử, xem lời ngài dạy có đúng hay không.
***
5.
Quay lại vụ Bồ Tát đâu mà lắm thế trong kinh Hoa Nghiêm, tôi mới trả lời rằng, ông có thừa nhận với tôi, cũng như xác định rằng, hai đệ tử đầu tiên của Phật là Tapussa và Bhallika không? Anh tưởng ngày xưa, khi đi buôn, chỉ có một ông thôi à?
Buôn là buôn cái gì? Ngày xưa buôn cái gì? Buôn đủ thứ. Buôn vải, buôn vóc, buôn gạo, buôn lúa, buôn vàng, buôn bạc, buôn ruốc, buôn mắm, buôn đủ thứ. Đi thành đoàn. Đoàn thương gia.
Người đi buôn bấy giờ trang bị đủ thứ, đồ nghề, gạo, cơm, mắm, muối, vải vóc, vàng bạc rồi lụa là, đủ thứ, di chuyển từ chỗ này sang chỗ kia.
Từ cái cây Bồ Đề, thầy đi thầy biết rồi đó, xuống khoảng một trăm cây số hơn là thành Vương Xá, thủ đô Magadha của vua A Xà Thế, một trong những người mà Đức Phật xuống giảng đầu tiên, nơi có vườn Trúc Lâm, núi Linh Thứu.
Phía trước thành Vương Xá có dãy núi chắn ngang thành, như cánh cửa, bảo vệ thành. Trên núi có loài chim Linh Thứu, là con diều diều (kền kền).
Miến Điện, gần nước mình, mới lập quốc hơn một ngàn năm đây thôi, tuyên bố, hai ông doanh nhân đó là người Miến Điện đi buôn (ngài cười phá lên).
Người Miến Điện cho rằng, dân tộc họ đã tiếp cận được Đức Phật lúc nhập Niết Bàn. Dân tộc họ là người đầu tiên làm đệ tử Phật. Truyền thuyết là như thế. Nhưng cũng có khả năng. Mình không bàn làm chi cái chuyện đó. Thậm chí ông Việt Nam tuyên bố, hai tên đó thuộc Việt Nam, thì cũng được thôi. Đâu có cơ sở gì đâu? Bằng cớ đâu? Nói như vậy thì có được gì đâu (ngài cười phá lên lần nữa).
Trên và dưới Bồ Đề Đạo Tràng đều là những thành phố lớn, như Hoa Thị, Varanasi, và nhiều thành phố lớn khác nữa, vùng sông Hằng mà, họ chuyển hàng qua lại như thế giao lưu. Và đương nhiên, có nhà buôn thì phải có cả những đội bảo vệ, qua rừng qua rú, đề phòng ăn cướp ăn trộm.
***
6.
Cho nên, viết về cuộc đời Đức Phật mà chỉ dựa trên văn bản Pali là không chính xác.
Văn bản Pali, chỉ nói về hai nhà buôn, nhưng lại không đả động gì đến, Đức Phật đã dạy gì cho hai đệ tử đầu tiên. Chỉ nói vớ vẩn về việc nhị quy, quy Phật, quy pháp thôi. Trong khi bên Phạn văn, có đến tám mươi quyển như thế.
Ngay trong kinh Hoa Nghiêm, tối sơ tam thất nhật, tam thất nhật là hai mươi mốt ngày. Lịch đó là lịch “nổ”. Cái câu “tối sơ tam thất nhật” là của mấy ông Việt Nam. Lịch của Trung Quốc, tuần của nó là mười ngày. Lịch của Ấn Độ, tuần của nó là 15 ngày. Tuần của mình là chỉ có bảy ngày. Trong Lục Độ Tập Kinh là có thống nhất chuyện đấy.
Bào thai nằm trong lòng mẹ, mấy tuần thì đẻ, hai mươi mấy gần ba mươi tuần. Tôi viết rất rõ trong này. Tôi giả thiết, chỉ có lịch phương tây mới có lịch bảy ngày. Ngày Chúa nhật là ngày Chúa nặn ra được ông Adam rồi, thành ra khỏe, ngồi chơi thôi. Ông Chúa Trời ổng mất bảy ngày để tạo ra thế giới này.
Mà cái này cũng chẳng phải ông Giêsu hay ông Kitô đặt ra đâu, mà cũng chẳng phải của người Do Thái, cái này lấy từ nền văn minh Arcadian, nền văn minh có bộ luật đầu tiên của thế giới Hammurabi, nền văn minh Lưỡng Hà, sau đổi thành Babylon, con cháu của Do Thái về Ả Rập.
Thật ra, rất khó để biết, vụ một tuần có bảy ngày này, có lấy từ nền văn minh Arcadian hay không nữa. Chỉ biết, giữa hai nền văn minh lớn, văn minh Ấn Độ và văn minh Trung Quốc, lịch họ khác, lịch mình khác.
Cụ Hoàng Xuân Hãn ngày xưa có dừng lại ở chỗ này mà chưa ra. Tôi có nói rằng, ngày xưa, lúc Mã Viện đánh bại Hai Bà Trưng, việc đầu tiên nó làm là chỉnh sửa và cải cách luật Việt của mình.
Nhiều người nói đó luật tục. Ví dụ như, luật tục, vợ anh chết thì em lấy vợ anh, đó là luật tục của người Thượng. Mà người Thượng thì làm sao có văn bản mà nói đến?
Đem cái Việt luật so với Hán luật, để chứng tỏ là hai văn bản làm gì? Tại sao mình lại tự ti? Mình lại có luật tộc như người dân tộc à? Mình ăn lông ở lỗ chắc? Mình có vài điều luật vớ vẩn như vậy à?
Mình phải xác định, mình là một dân tộc, mà trận đánh giữa Hai Bà Trưng và Mã Viện là một trận gay go, khốc liệt. Đừng có mà tự tưởng tượng, rằng mình là loại ô hợp như mấy ông dân tộc, hễ giặc đánh là chạy. Tầm bậy tầm bạ. Vớ vẩn rứa đó.
Chính phía Trung Quốc ghi lại một cách chi tiết, mình từng đưa quân lên tới phía nam sông Dương Tử. Thế mà nói lung tung lên cả. Phổ biến cái sai lạc cho bao nhiêu người như thế. Đấy, những người có học đấy.
***
7.
Nghiên cứu về Đức Phật, có ba trường phái. Trường phái Anh Đức, do người Anh cai trị Ấn Độ và Tích Lan, thì bắt đầu có những Phật tử người Anh, như hai vợ chồng luật sư David, luật sư của Nữ Hoàng. Ông tiếp cận với kinh điển Phật giáo và cảm thấy các kinh điển này có giá trị. Họ nghe và đọc chút chút thôi, chớ họ không thể đọc hết đâu. Nghe vài cái thấy hay, mới biết, mới tiếp xúc mà.
Ông David lập ra một cái hội, gọi là Hội Văn Bản Pali, xuất bản phiên âm tiếng Pali theo mẫu tự của Tích Lan. Sau đó, người Anh còn chiếm thêm Miến Điện, và dùng phiên âm này cho cả Miến Điện và Miên, tức Cambodia, Thái, Lào.
Ông Minh Châu thì phiên ra mẫu tự La Tinh khoảng những năm một ngàn chín trăm.
Rồi người Đức đi theo người Anh. Ai cũng biết, người Anh, là người từ vùng Anglo-Saxon của Đức qua chiếm một khu phía Đông, phía Nam của một đảo nước Anh, thành người England, bắt nguồn từ tộc Angles của Đức. Từ English cũng bắt nguồn từ Angle. Xích lên chút nữa là người Gô Loa, Gaulois, Gael. Trên nữa là người Tô Cách Lan, Scotland.
Cho nên mới gọi nước Anh là một vương quốc thống nhất, United UK, United Kingdom. Scotland bị thuộc vào Anh, đến bây giờ vẫn đang đòi độc lập. Người Anh không tiêu diệt, không giết những giống dân này. Người Tô Cách Lan, họ có tiếng nói riêng, người Gô Loa cũng có tiếng nói riêng, rồi Ái Nhĩ Lan cũng có tiếng Irish, nhưng chắc do tiếng Anh, văn minh hơn, nên bây giờ, các dân tộc ấy, họ đều nói tiếng Anh.
Việt Nam cũng vậy, Ba Na có tiếng nói riêng, Ê Đê có tiếng nói riêng. Ở trong nhà, họ nói với nhau bằng tiếng đó, nhưng khi ra ngoài, họ đều nói tiếng Việt.
***
8.
Quay trở lại vợ chồng ông David, luật sư của hoàng gia Anh, qua Tích Lan, là thuộc địa của Anh. Ông nghiên cứu và tiếp cận với bộ kinh điển Pali này. Ông đọc được chút chút, Một phần là ổng nhờ mấy ông sư dịch và đọc cho ổng nghe. Tích Lan nói tiếng Anh rất tốt. Giống như mình ngày xưa vậy đó, học tiếng Anh, tiếng Pháp rất tốt. Chớ ông có được đào tạo gì đâu.
Quan điểm Phật giáo của Anh và Đức là dựa trên kinh điển Pali và cho rằng, muốn hiểu được Phật giáo là phải dựa trên nền tảng này.
Đức in kinh điển Phật giáo rất đẹp, hệt những bộ kinh Thánh vậy. Họ nghiên cứu bộ kinh Pali này chuẩn xác lắm. Cho nên mới lòi ra cái chuyện, trước Pali này, là một ngôn ngữ. Nghĩa là, trong kinh điển này, có đoạn, mà văn phong của nó không thống nhất với những đoạn Pali khác.
Cho nên, họ nói, bản Pali này, là một bản dịch, chớ đây không phải là ngôn ngữ của Đức Phật. Đây là phần chú giải kinh Pali, của Phật Âm Buddhaghosa, hay còn gọi là Giác Âm, cực kỳ nổi tiếng, cả thế gian đều biết ông Buddhaghosa này.
Ông Buddhaghosa này, cách Phật cả ngàn năm, ít nhất là tám, chín trăm năm, ở thế kỷ thứ tư, thứ năm sau Tây lịch. Vậy mà ổng dám tuyên bố Pali này là ngôn ngữ của Phật.
Tuyên bố lang bang rứa đó. Chẳng biết gì. Dốt nát. Nói nguyên thủy Pali là nói tầm bậy.
Sau, các học giả của nước Đức, mới chỉ ra, mới trích ra, những đoạn không phải kinh Pali, mà đây là những đoạn đã dịch từ một ngôn ngữ khác.
Đây là học thuật. Đây là khoa học.
***
9.
Thế kỷ mười sáu, mười bảy, người Pháp, chiếm Ấn Độ trước cả người Anh. Sau đó, Anh hất cẳng Pháp. Một số thành phố của Ấn Độ là của thuộc địa người Pháp.
Pháp ra khỏi Ấn Độ thì tìm đến nước mình, do nhóm Cha Cố Bá Đa Lộc, có liên hệ từ thời Gia Long. Năm 1858, khi Pháp vô đánh mình, ông Nguyễn Tri Phương cùng với Phạm Thế Hiển là phó tướng của ông, đã đánh bọn Pháp văng ra khỏi Đà Nẵng. Sau đó, chúng mới kéo quân vô Sài Gòn. Chớ ban đầu, dự tính của chúng là đánh được Đà Nẵng rồi, sẽ kéo quân ra Huế, và bắt được vua Việt Nam, quản chế được vua Việt Nam.
Sau khi thua trận Đà Nẵng, thì bọn Pháp đã biết được, lực lượng quân sự Việt Nam rất tốt. Vào đến Sài Gòn thì chúng nó thắng.
Nói một cách rõ ràng hơn, thì thắng này, không phải là thắng hoàn toàn. Chúng chiếm được một số nơi. Cầm quân tại Sài Gòn là ông Nguyễn Duy, em ruột của ông Nguyễn Tri Phương, đậu tiến sĩ một lượt với ông. Tại trận đánh này, Nguyễn Duy hy sinh.
Pháp còn chiếm được một phần của Trung Quốc nữa, đó là Quảng Châu Loan. Anh thì có Hồng Kông. Bồ Đào Nha thì có Ma Cao.
Pháp sau này, có đại học Công Giáo Louvain, nghiên cứu về Phật giáo. Phật giáo có mặt tại Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Đại Hàn, nên muốn truyền giáo vào những nước này, là phải tiếp cận, nghiên cứu, coi thử Phật giáo là như thế nào.
Pháp cốt yếu vào đánh Việt Nam, là do lúc bấy giờ, nước ta học chữ Hán. Việt Nam có quốc âm, nhưng lại học chữ nước ngoài là chữ Hán. Vì ngay từ đầu, mình biết rằng, cần thông thạo một ngoại ngữ để làm ăn, để giao tiếp với các nước khác, và Pháp biết điều này.
Nên, vừa chiếm được Sài Gòn, công việc đầu tiên của chúng là dịch sách, ví dụ như Bộ Luật Hồng Đức của ông Lê Thánh Tông, những năm một ngàn tám trăm sáu mươi mấy. Rất sớm.
Biết rõ về người Việt Nam rồi, nên Pháp nó ép. Nó đánh ra Hà Nội mấy lần và đánh chiếm luôn cả ba tỉnh miền Tây. Sau đó, buộc Việt Nam phải hòa ước. Chính quyền Việt Nam, khi ấy, dưới quyền của ông Tự Đức. Mình rút vô chiến khu đánh lại, nhưng thất bại.
Ông Tôn Thất Thuyết, ông Nguyễn Văn Tường là chủ trương đánh lại. Liên tục sau đó, một bên thì kháng chiến, cương quyết chống, một bên thì áp đặt.
Mục đích của Pháp là cai trị mình và học chữ Hán rồi dịch luật lệ của mình ra. Và ngay từ đầu, ông Alexandre De Rhodes đã đề cập đến vấn đề Phật giáo, Khổng giáo, Đạo giáo tại đây.
Họ kêu các vị Phật giáo, Khổng giáo, Đạo giáo bằng thằng cả.
Người mình, tổ tiên mình, theo Phật giáo, thấy ngoại bang kêu Đức Phật bằng thằng, thì tức chớ. Rồi ông Khổng Tử nữa, lúc đó, người mình cho Khổng Tử là bậc thánh hiền mà, rất kính trọng. Kính trọng tới mức, xây Văn Miếu thờ ổng mà.
Người của Phật giáo, chẳng cần biết ổng là Nho nhiếc gì cả, họ cho rằng, Khổng Tử là người Phật giáo. Nên kiểu gì kiểu, cũng oánh mày chết luôn.
***
10.
Người Pháp bắt đầu dịch kinh tiếng Hán ra. Mà muốn dịch được kinh tiếng Hán, thì phải học chữ Phạn.
Viết về Lịch Sử Phật Giáo, cho đến lúc này, tương đối tốt nhất, là của một ông Cha Cố. Ông rất giỏi chữ Hán và chữ Phạn. Ông dịch bộ Câu Xá, bộ kinh Lăng Nghiêm, kinh Giải Thâm Mật, kinh Lăng Già, kinh Pháp Hoa, và một số bộ kinh khác nữa, sang tiếng Pháp.
Thậm chí, trước khi xâm lược Việt Nam, ông Eugene Burnouf, đã dịch kinh Pháp Hoa, từ bản chữ Hán, tìm được tại Nepal, ra tiếng Pháp.
Đây là chủ trương của người Pháp, muốn hiểu về Phật giáo, là phải giỏi chữ Hán và chữ Phạn. Nhưng đến bây giờ, thì Pháp vẫn chưa dịch hoàn chỉnh được bộ kinh Pali sang tiếng Pháp.
Nước Pháp, không chỉ là chuyện đi xâm lược, mà họ có một bộ phận, tìm hiểu về các công bố của người Anh. Người Pháp, thực sự cũng đã có đóng góp to lớn cho Phật học thế giới, một khoa học của thế giới. Như đơn vị curie chẳng hạn, của bà Marie Curie, là những công bố rất tốt, hoặc như ông Eugene Burnouf, ông là người đã đã dịch kinh Pháp Hoa, ra bản tiếng Pháp đầu tiên cho các nước phương Tây.
Cho đến đầu thế kỷ mười chín, đế quốc Anh chiếm Ấn Độ, toàn bộ A Phú Hãn, chiếm Iran, chiếm toàn bộ Pakistan, chiếm luôn cả Miến Điện, nhưng lại không bò tới ông Tây Tạng, không biết ông Tây Tạng, không vào được Tây Tạng. Ông Đạt Lai Lạt Ma thời đó tốt, vẫn giữ được.
***
Lần chuyển thoại nghe ra thoại đọc này, trong lòng tôi, vốn đã khâm phục và ngưỡng mộ Thiền Sư Lê Mạnh Thát, nay, lại càng khâm phục và ngưỡng mộ ngài, gấp bội phần.
Ngoài chuyện bình dị, dân dã, đơn sơ, không hề màu mè, hay cố gắng tạo ra khoảng cách, cách biệt với đời thường, thì sức làm việc của bộ óc ông, phải nói là siêu năng, siêu năng lực, có một khó hai, thậm chí, không sợ không khiêm tốn, khi nói, có một không hai, trong lĩnh vực nghiên cứu về lịch sử Phật giáo tại Việt Nam, cho đến nay.
Từ lịch sử đến địa lý, kể cả tình hình xã hội, và kinh điển Phật giáo, cả thế giới, cả Việt Nam, đều như trong lòng tay ông, mở ra là vanh vách. Chính vì thế, khi nói chuyện, phần nào cũng được ông chú giải tường tận, giải thích tỉ mỉ, nghe mà mê luôn.
Sức hấp dẫn khi nghe ông nói là ở chỗ đó. Nếu chỉ nói về kinh điển Phật, thì chắc chắn rồi, sẽ khô khan. Mới biết là ông dí dỏm. Mới biết là ông vui tính. Kể đến những đoạn rất đời thường, như, khắp thế giới, ai cũng thích nhận vơ Phật vào cho dân tộc mình, nước mình, ông cười rất sảng khoái, nụ cười của một người, đã dành trọn cả cuộc đời mình, cho việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo, vả cả lịch sử nước Việt Nam.
Nghe tiếng ông cười, mới hiểu ra, vì sao ông đã dành trọn cuộc đời mình cho Đức Phật và giáo lý của Đức Phật. Vì ý nghĩa lớn lao của nó, vì giá trị thực từ lời dạy của Phật, từ con đường của Phật chỉ ra, ngài đã tìm thấy Niết Bàn ngay tại nhân gian này, ngài đã tìm thấy, ngay từ lúc, quyết dấn thân, dâng tặng hết cuộc đời mình để rao truyền chân lý Phật.
Cứ nhớ hoài câu ngài nhắc đi nhắc lại, Đức Phật không cần các ông tin, Đức Phật chỉ nói, hãy làm đi, hãy thực hiện theo lời tôi đi, các ông sẽ thấy lợi ích, không chỉ cho các ông, mà còn cho cả những người khác nữa!
Sài Gòn 13.07.2024
Phạm Hiền Mây