LUẬN ĐẠI THỪA PHÁ HỮU
Bồ-tát Long Thọ tạo
Hán dịch: Thi Hộ
Việt dịch: Chơn Trí
——–
Quy mạng hết thảy chư Phật, các bậc có trí tuệ.
Nay nên như thật mà liễu tri các pháp. Tức là thế nào? Có nghĩa là tất cả các tánh đều từ vô tánh mà sanh, cũng chẳng phải từ vô tánh mà sanh. Tất cả tánh nếu có sự sanh thì tánh đó là vô thường (1), là tánh không thật, giống như hoa đốm giữa hư không, thế mới biết các pháp cũng đồng như hư không vậy. Các pháp sanh đều là không, tất cả các duyên của các pháp đó (2) cũng như hư không, vậy thì tại sao lại gọi cái tánh không thật đó là hữu?
Các pháp không có nhân nên cũng không có quả, cũng không khả đắc các nghiệp tự tánh, tất cả trong đây đều không thật có. Không có thế gian cũng không có xuất thế gian, hết thảy không sanh cũng không có tự tánh, vậy tại sao các pháp lại có chỗ sở sanh? Cha con, quyến thuộc thân yêu trong thế gian tuy có sở sanh nhưng nó không thật, không theo chỗ sở sanh của đời trước, cũng chẳng hề có tướng sở sanh trong đời hiện tại. Đây chỉ là ở nơi sự xoay chuyển vô nghĩa của thế gian, giống như trong mặt trăng mà thấy các hình ảnh. Thế gian vốn không thật, chỉ do sự phân biệt mà khởi lên, từ sự phân biệt này mà sanh ra tâm phân biệt, do tâm phân biệt này làm nhân mà có ra cái thân, vì vậy mới có thân hành ở trong thế gian. Cho nên các uẩn được hợp thành thì gọi đó là thân, mà các uẩn đều không, không có tự tánh, uẩn không tự tánh nên tâm cũng không, chính từ tâm không đó mà thân cũng không vậy. Nên biết rằng tự tánh thì rời các phân biệt, nếu tâm đã không thì cũng không có các Pháp, nếu thân đã không thì cũng không có các giới (3). Sở thuyết ở đây là không có hai đường, cho nên chỗ thuyết đây là chân thật thuyết. Hết thảy trong đây đều rời các sở duyên, sở thuyết ở đây cũng rời các sở duyên, nên cái sở đắc cũng rời các sở duyên vậy.
Do đó, luôn thực hành các pháp như bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ (4), thì trong một thời gian không xa sẽ chứng đắc vô thượng bồ-đề (chân thật trí), rồi dùng phương tiện trí an trụ trong thực tế, khởi lòng bi mẫn cứu độ chúng sanh, tuy nhiên đó chỉ là tướng của sở đắc chứ hết thảy sở đắc của trí-tánh thì không thể thuyết.
Hết thảy các pháp chỉ là danh tự, chúng đều trụ trong cái hữu tưởng, hiện tiền sanh ra sai biệt không thật, vì các pháp sanh ra sai biệt nên không có sở hữu. Hết thảy các pháp vốn cũng không có danh tự, chỉ là lấy giả danh mà hiển rõ như vậy, thế mới biết các pháp không có thực thể, tất cả vốn chỉ do sai biệt mà sanh ra. Nếu trong đây mà không có sự phân biệt, thì giống như hư không đã rời tướng phân biệt, nó giống như nói rằng “mắt có thể thấy sắc”, rồi liền cho rằng đây là chân thật ngữ. Nhưng thế gian có các tâm tà chấp, chấp nơi sở thuyết như vậy mà xoay chuyển, rồi hiện ra đủ thứ chủng loại các pháp, và tự cho đó chính là sở thuyết của Phật. Cho nên cần hiểu nghĩa ở đây rằng, “mắt không thấy sắc”, cho đến “ý không biết pháp”. Nếu hiểu được như vậy thì là bậc trí giả, có thể thông đạt đệ nhất nghĩa đế, mới là chân thật tối thượng.
Tôi nay y nơi kinh mà nói sơ lược như vậy.
***
(1) Bản Hán彼性是常 Tánh đó là thường, tuy nhiên nếu các pháp có nhân duyên sanh thì phải vô thường chứ không thể là thường. Giả thiết đặt ra: có thể bản Hán chép thiếu.
(2) 緣法 duyên pháp
(3) Giới (dhātu) là chủng tộc (gotra) của pháp. Tì-bà-sa 71, tr. 367c22: 種族義是界義段義分義片義異相義不相似義分齊義是界義種種因義是界義 Các định nghĩa của Giới: chủng tộc, phần đoạn, bộ phận, phiến nghĩa, dị tướng, không tương tợ, phân tề.
(4) Lục độ ba-la-mật