Phạm Công Thiện: Hố thẳm và Phật giáo

Trong Kinh Hoa nghiêm, phẩm Nhập pháp giới XXXIX, Di Lặc Bồ tát bảo Thiện tài rằng: “Bồ đề tâm như hố thẳm, vì có thể làm sụp đổ tất cả những ác pháp”. Câu kinh này là câu kinh kỳ dị đã lung lay tôi tận gốc rễ, xô đẩy tôi vào Hố thẳm bất khả tư nghì, tôi ớn lạnh như đi trên đầu ngọn gió, tôi hốt hoảng trực nhận những diệu nghĩa xoáy tròn như mấy ngàn mặt trời bay lên cao, tôi ngã ngửa và thấy mình đã đi trước mình từ mấy ngàn năm trước. Từ lúc thấy Hố thẳm trong Kinh Hoa nghiêm, tôi đã tung ra một loạt sách; năm 1966, tôi cho xuất bản hai quyển: Hố thẳm tư tưởng và Im lặng hố thẳm, cùng hai quyển này tôi cũng cho xuất bản tập thơ Ngày sinh của rắn và Trời tháng tư (tiểu thuyết và truyện ngắn). Sau đó tôi cho ra quyển Mặt trời không bao giờ có thực (tiểu thuyết phóng bút). Tất cả những quyển này đều nằm trong chân trời Hố thẳm của Kinh Hoa nghiêm. Thực ra ngay từ năm 1964, lúc tôi cho ra đời quyển Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, tôi đã thực sự nói đến Hố thẳm ngay chương I, phần II, trong chương viết về nhà văn Hy lạp Nikos Kazantzakis (chương ấy Manguhan để là: “con người và hố thẳm trong tư tưởng Nikos Kazantzakis”). Có một điều ai không thể ngờ được là tất cả những quyển sách sôi nổi nhất của tôi, kể từ quyển Ý thức mới trong văn nghệ và viết học, 1964, cho đến quyển sách mới nhứt của tôi mới xuất bản năm nay, quyền viết về Rilke, thi sĩ Đức (mới viết xong tháng 9, 1969 và đã in xong), trong tất cả những quyển sách vừa kể, một điều không ai thấy được là: tất cả tác phẩm ấy đều nằm trong chân trời Hố thẳm của Phật giáo.

Chân dung Phạm Công Thiện. Ảnh: tư liệu

Tất cả những quyển sách tôi xuất bản kể từ Ý thức mới trong văn nghệ và triết học cho đến quyển sách mới xuất bản gần đây, tất cả đều được bán hết trong vài tháng, sách của tôi viết thuộc loại sách bán chạy nhất ở Việt nam (đây là điều khiến tôi muốn bỏ viết và đôi khi muốn tự tử, nếu tôi không hiểu Phật giáo), nhưng có một quyển sách của tôi bán ế nhất, một quyển sách không ai để ý, đó là quyển Tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma được viết ra một lúc với Ý thức mới và được xuất bản trước Ý thức mới. Chính quyển sách nhỏ này mà không ai biết đến, chính quyển sách này làm nền tảng tư tưởng cho tất cả những quyển sách sau này của tôi. Nếu người nào muốn hiểu tôi thì hãy tìm đọc quyển Tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma (do nhà in Hoa sen ở Nha trang xuất bản năm 1964). Quyển Tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma chỉ được in có 2000 cuốn mà từ năm 1964 cho đến năm nay, 1969, mà vẫn bán chỉ được chừng năm bảy trăm quyển là nhiều nhất, đang khi đó quyển Ý thức mới trong văn nghệ và triết học của tôi đã được tái bản đến ba lần và đã được bán hết chừng trên hai chục ngàn quyển (đó là chưa kể những gian thương đã lén in thêm để làm giàu một cách đen tối).

Sở dĩ tôi đã kể lễ dài dòng về chuyện buôn bán sách của tôi là lý do duy nhất này: những quyển sách của tôi được viết ra kể từ 1964 cho đến nay, đã gây một sự ảnh hưởng có thể gọi là lớn lao nhất đối với thanh niên Việt nam hiện nay. Ảnh hưởng ấy tốt hay xấu thế nào, tôi sẽ đề cập sau. Bây giờ xin trở lại vấn đề ảnh hưởng, làm thế nào mà tôi biết được rằng sách của tôi có ảnh hưởng lớn lao nhất đối với phần lớn thanh niên Việt nam? Nếu có ai chịu khó giữ lại những gì thiên hạ đả kích, chỉ trích, phê bình, đề cao hoặc tâng bốc tôi trong những tờ nhựt báo, tuần báo, tạp chí kể từ năm 1965 cho đến nay thì có thể đóng lại thành một tập dài đến 500 trang. Đó là chưa kể hằng ngàn bức thư mà độc giả gửi đến tôi để mạt sát tôi hoặc tâng bốc tôi, tôi đọc hết tất cả những bức thư ấy mà không trả lời ai hết; nếu tôi không ném tất cả bức thư ấy vào sọt rác thì có thể đóng thành một quyển sách dày trên mấy ngàn trang. Trước đây vài tháng, đọc trong mục chuyện phiếm của báo Chính luận, tôi thấy người viết mỉa mai tên tuổi tôi và có nhắc đến việc một thanh niên nào đó đã bắt chước kiểu sống của tôi đến nỗi cũng bắt chước cả việc hút thuốc hiệu Bastos xanh. Cũng cách đây vài tháng, trong một tạp chí Văn khoa Sài-gòn do Linh mục Thanh Lãng làm chủ tinh thần, có một tên giáo sư nào đó ở Đại học Huế viết một bài dài nhan đề “Hiện tượng Phạm công Thiện”, và cách đây vài ngày, một tạp chí mang tên là Sáng hóa văn nghệ miền Nam”, có một tên nào đó đã viết một bài nhan đề “Kẻ đào ngũ Phạm công Thiện” và tên ấy tự ban cho vai trò làm mật vụ chỉ điểm cho Thông tin khi tên ấy hỏi trong bài báo ấy: “Chính quyền đã cấm không cho phổ biến những tác phẩm tư tưởng cuồng ám đầy xuẩn động tại sao lại cho phép xuất bản những sáng tác phẩm của Phạm công Thiện??” (Sic) (xin đọc sáng hóa văn hóa văn nghệ số ra tháng 10, 1969, trang 95 – 99). Trước đoạn này, người viết trong Sáng hóa hăng hái lên giọng ái quốc: “…Phạm công Thiện phá vỡ mọi biện chứng của các triết gia thiếu căn bản hụt hơi non tháng mở tư tưởng nham nhở của Phạm công Thiện đã ảnh hưởng đến đa số các nhà tu hành khác. Ở một đại học Phạm công Thiện đang khoá cửa phóng nọc độc ra… Đã đến lúc Phạm công Thiện phải trả lời với chúng ta ông đã làm gì cho tổ quốc tại sao ông phỉ nhổ Tổ quốc?… Hay đọc xong Phạm công Thiện chúng ta phải buông súng sống trác táng sa đọa đến tận linh hồn…) (Tôi muốn hỏi lại một câu thôi: Thà buông súng để sống trác táng hay là cứ tiếp tục giết hại lẫn nhau? Thế nào là trác táng? Người viết bài báo ấy đã làm gì cho Tổ quốc mà tự nhận là đứa con cưng của Tổ quốc để phỉ nhổ người khác là phản quốc? Chính luận điệu tư tưởng cuồng tín ấy đã gây ra thù hận không cùng và đã biến nước Việt nam thành ra một lò lửa, tôi chỉ cầu mong người ta bớt tự nhận là ái quốc đi thì trận chiến tranh Việt nam sẽ chấm dứt ngay lập tức). Ở ngoài Bắc, giáo sư Lê văn Hảo, trong tờ Courier tháng 5, 1969, xuất bản tại Hà nội, đã liệt Phạm công Thiện (và Hồ hữu Tường) vào hạng “phản động” trong “chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ” (nên nhớ Lê văn Hảo đã từng thuộc nhóm Nguyễn văn Trung). Ở ngoài Bắc thì tôi bị gọi là “phản động” còn ở trong Nam thì tôi bị tên mật vụ chỉ điểm với chính quyền Miền nam: “Chính quyền đã cấm không cho phổ biến những tác phẩm tư tưởng cuồng ám đầy xuẩn động tại sao lại cho phép xuất bản những sáng tác phẩm của Phạm công Thiện 31??”, Ở đâu, tôi cũng bị khai trừ hết thì tôi phải sống ở đâu bây giờ? Tất nhiên tôi phải sống nơi “Vô sở trú”, Vô sở trú là gì? Tất nhiên vô sở trú là Bồ đề tâm. Mà Bồ đề tâm như thế nào? Trong kinh Hoa nghiêm thì “Bồ đề tâm như Hố thẳm, vì có thể làm sụp đổ tất cả những ác pháp”.

Do đó, tôi phải sống trong hố thẳm.

Phải sống như thế nào? Như hố thẳm. Như tôi đã sống trong mười năm nay và như tôi đã chết trong tương lai, chết trong một nỗi chết mà tôi đã cưu mang bao lần trong muôn nghìn kiếp trước và sẽ cưu mang trong muôn nghìn kiếp sau. Có một lần Henry Miller viết thư riêng hỏi tôi: “Có nên cứu độ chúng sanh nữa không? Vì chúng sanh ngu xuẩn quá độ rồi”. Tôi đợi đến một năm sau mới viết thư trả lời cho Henry Miller: “Không nên cứu độ chúng sanh gì hết. Tôi ca tụng đêm tối” Henry Miller trả lời: “Đêm tối không phải là vô minh, khi anh còn tin Đêm tối thì đừng quên giác ngộ và Bồ đề”. Tôi trả lời: “Tôi đang yêu Hố thẳm”. Henry Miller trả lời lại: “Không yêu Hố thẳm thì làm thế nào anh có thể sống trong hỏa ngục Việt nam?” Trong một quyển sách đề tặng cho tôi, Henry Miller viết: “Tặng Phạm công Thiện người mà tôi sẽ viết đến trong kiếp đầu thai kế tiếp của tôi. Xin hoan hô những người Việt nam”. Henry Miller là là ai? Mà trong báo Express số 910, 16-22 déc, 1968 Jacques Caband gọi là “Ông Thánh Henry Miller”? Mà trong báo Arts số 87 Juin 1967, Anais Nin nói: “Henry Miller giống một vị Tu sĩ Phật giáo với làn da hồng hào”? Mà trong Le Nouvel Observateur số 250, 25-31 Aout, 1969, Georges Belmond gọi là “nhà văn hào được thán phục nhứt trong giới thanh niên của hai thế giới”? (L’écrivain le plus admiré de la jeunesse des deux mondes).

PHẢI SỐNG NHƯ THẾ NÀO? Henry Miller nói: “Những người tuổi trẻ thường tìm đến tôi để hỏi những câu hỏi sau:

Sống thế nào? Yêu thế nào? Viết thế nào? Tôi trả lời họ: đừng hỏi tôi gì cả, cứ tự tìm kiếm lấy, thường khi cứ đánh liều đi thì cuộc đời sẽ tự mở ra trước các anh”.

Đó là câu trả lời của một thiền sư, thiền sư Henry Miller. Trong một bức thư viết cho Lawrence Durrell, tháng ba — tư, năm 1939, Henry Miller viết:

“THIỀN TÔNG LÀ Ý TƯỞNG CỦA TÔI VỀ ĐỜI SỐNG MỘT CÁCH TUYỆT ĐỐI NHỨT, ĐIỀU GẦN GŨI NHỨT NHŨNG GÌ MÀ TÔI KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG DIỄN TẢ BẰNG NGÔN TỰ. TÔI LÀ MỘT KẺ SAY MÊ THEO ĐẠO THIỀN, THEO MỘT CÁCH HOÀN TOÀN TRỌN VẸN… NẾU ANH MUỐN ĐI SÂU VÀO PHẬT GIÁO, HÃY ĐỌC THIỀN TÔNG. KHÔNG CÓ NGƯỜI THÔNG MINH NÀO, KHÔNG CÓ NGƯỜI NHẠY CẢM NÀO MÀ KHÔNG THỂ KHÔNG LÀ MỘT PHẬT TỬ. ĐIỀU NÀY ĐỐI VỚI TÔI RỎ RÀNG DỨT KHOÁT NHƯ BAN NGÀY VẬY”. (Zen is my idea of life absolutely, the closest thing to what I am unable to formulase in words. I am a Zen addict through and through… but if you want to penetrate buddhism, read Zen. No intelligent person, no sensitive person, can help but be a Buddist. It’s clear as a bell to me). (cf. Lawrence Durrell and Henry Miller, a private correspondence, edited by George wickes, N.Y.,E.P. Dutton, 1964, trang 151—153 ; trang 262, trang 301).

Chúng ta phải nhớ rằng Henry Miller đã viết đoạn trên vào năm 1939.

(Còn tiếp)

PHẠM CÔNG THIỆN
(Pháp Uyển sưu tập từ Nội san Tin Phật ‘Nội san của Tổng vụ Hoằng Pháp’, Số ra mắt ngày 1-11-1969)

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận