Phật giáo – Giáo dục Phật học như thế nào?

Như Lou Marinoff nói, văn minh Tây phương mà nền tảng của nó y trên văn minh Ấn Độ, phát triển thành cây đại thọ cùng với các “dây leo” của hai nền văn minh cổ đại Hy-lạp và Do Thái – Cơ Đốc giáo. Như vậy hai nền văn minh ấy chỉ là “những dây leo”, thuật ngữ chỉ cho cảnh thái này: double-helix (văn minh hình trôn ốc). Tất cả tạo nên tán dù che rợp toàn bộ địa cầu này. Những tiếng “kêu gào” vào đầu thế kỷ 20 của các triết gia về “tình trạng lạm phát cơ khí trong tư duy” của người Tây phương đã trở nên lạc điệu vì “sự thống trị tuyệt đối của vật chất từ đế chế La-mã” đã trở thành “sự thống trị tuyệt đối tinh thần” của vài thập niên cuối thế kỷ 20 trong văn minh Tây phương theo “tông pháp di truyền DNA” của hệ ngôn ngữ Ấn–Âu trong chính họ. Một cuộc hội thoại Đông– Tây như liều thuốc giải cho các cực đoan (thời kỳ đấu tranh kiên cố–extremes), như Heidegger đề nghị đã trở thành vô nghĩa. Bởi vì, Sắc pháp đi đến tới hạn sẽ là Sắc–Không và người ta có đủ thông minh để chữa lành vết thương do vật chất tạo nên bằng các hóa giải tích cực của Trung đạo Phật giáo; chữa lành sự sự tàn phá của học thuyết Hậu hiện đại và Hoại (giải) cấu trúc như Marinoff đã nói.

Như vậy, giáo dục Phật học như thế nào? Mà thách thức lớn của Phật giáo là vấn đề kinh phí, và viễn cảnh chính là “chuông-mõ”.

PHẬT GIÁO: CHÙA LÀ ĐẠI HỌC

Trường hợp này cho biết rằng, ta có thể đào tạo một sinh viên ngay tại “chùa” mình cũng được. Quan trọng là bậc trụ trì quan tâm đúng mức sự nghiệp giáo dục cho “những sứ giả Như Lai” của tương lai. Các thang điểm và công hạnh được thực hiện trong suốt quá trình “làm điệu” sẽ được tính cho quá trình học. Thang điểm và công hạnh này sẽ đưa “các sứ giả” đi xa hơn trong nhiều lãnh vực. Cách làm này, y như Tây phương, khi họ muốn tuyển sinh vào các trường đại học nổi tiếng nhất Hoa Kỳ, với các môn học cực khó như, khoa Trí tuệ nhân tạo, khoa Di truyền học, hay Nha khoa hoặc Y khoa, Ngôn ngữ học, v.v… thì một học sinh của họ phải xuất sắc trên một thang điểm nào đó và tích cực tham gia mọi công tác thiện nguyện từ thời Tiểu học đến ngưỡng cuối của bậc Trung học, bởi vì những trường nổi tiếng nhất của Mỹ là nơi “cúng dường” của các tập đoàn tài phiệt Mỹ, mà khi đầu ra, các sinh viên sẽ là những người đứng đầu và cống hiến cho nhân loại này một phần nào đó hay toàn bộ của văn minh (không kể đến sự lợi lạc của chính tập đoàn đó). Thế nhưng, theo tôi biết, ở Học viện Vạn Hạnh, nhận sinh viên hầu như không có tiêu chuẩn nào cả, ngoại trừ tốt nghiệp Trung cấp Phật học và tổ chức thi đầu vào “lấy lệ”, còn thang điểm và các phẩm chất (đặc biệt về các lãnh vực) thì không cần thiết. Cho nên, ở đây khó thu hút các giáo sư ưu tú (như trước 1975). Bởi vì, một giáo sư giỏi, họ thích dạy những học sinh ưu tú hơn là những học sinh bậc trung hay phổ quát, tiền và danh không phải là vấn đề của họ. Sau ba mươi năm đào tạo, ở đây, ta chỉ thấy có quá nhiều “bằng Tiến sĩ từ Ấn Độ”, mà không có một luận án nào vượt hơn luận án của HT. Thích Minh Châu cả. Người ta chờ đến “thiên tài xuất thế” hơn là tạo môi trường cho Tăng Ni hay sinh viên bước lên ngưỡng của thiên tài. Khi có được ý thức này, thì một chân trời trong sáng sẽ hình thành nơi Phật giáo Việt Nam, tại một ngôi chùa nào đó–một thành viên tôn giáo trí tuệ chịu phần trách nhiệm về lòng bao dung cao cả cho toàn cầu và cả chư thiên. Người ta sẽ không nhìn Phật giáo bằng “lớp vỏ huyền bí triết học” hay một cái gì đó “có vẻ tội nghiệp” trong những thế hệ cách Phật quá xa–chư Tăng và Phật tử.

PHẬT GIÁO: ĐẦU TƯ THƯ VIỆN

Cái khó của người học Phật ở chỗ là những sách vở chuyên môn tại Việt Nam hầu như quá thiếu. Hãy nhìn thư viện Vạn Hạnh thì biết, những đầu sách mà thư viện này có được, toàn là Kinh và những thành quả nghiên cứu cách đây hơn 40 năm. Trong khi đó, sự tiến hóa của nhân loại ngày hôm nay được tính từng phút, chớ không còn tính bằng ngày, tháng hay năm hoặc thập kỷ. Vậy thì, thay vì tập trung vào các hình thái xây “Chùa lớn nhất Đông Nam Á”, làm “Tượng Phật lớn nhất Đông Nam Á”, v.v… thì với chức năng hợp pháp của mình, các vị “lãnh đạo” Phật giáo hãy nhìn lại hệ thống của mình xem sao. Nó già nua và cũ kỹ quá rồi. Trong bảng cấu trúc mô hình DNA văn minh của nhân loại, L.Marinoff đã không màng đề cập đến Việt Nam và người ta cũng chẳng biết Phật giáo Việt Nam là gì (cho dù bản thân chúng ta có hai Thiền phái độc đáo, không kém chi “tông môn” của Trung Hoa – dòng Liễu Quán và dòng Trúc Lâm). Những sự kiện lớn nhất hành tinh này khi hỏi đến, người ta chỉ nhắc tới ngành vũ trụ học, và khoa máy tính hay công nghệ điện toán mà thôi, Phật giáo không hề được đề cập đến. Tại sao? Bởi vì, người ta chỉ biết Phật giáo qua “triết-học tu-hành” mà thôi, còn thành quả cụ thể của Phật giáo, thì không có hay rất ít đem ra minh chứng, kể cả lãnh vực phim ảnh truyền thông trong tôn giáo của mình, Phật giáo chưa có một thước phim nào khả dĩ gọi là văn minh, như các phim “truyền giáo” của Thiên Chúa. Gánh nặng của “tu tập” mà thành quả của nó còn đang trên con đường diệu viễn. Diệu viễn, khi mà một nền giáo dục độc lập đúng nghĩa của nó chưa thấy ai đề ra, hoặc có đề ra thì quyết tâm chưa thật sự cao, ta chỉ thấy hình thái phát triển của “tín ngưỡng” mà thôi. Vậy, thử hỏi “tu học” là gì? Một câu hỏi đầy thách thức—kết quả của những “cực đoan” mới nhất trong Phật giáo Việt Nam?

Thư viện, Viện Đại Học Vạn Hạnh
PHẬT GIÁO: GIÁO DỤC DỊCH THUẬT

Dịch thuật là một sáng tạo, bản thân nó có những lý thuyết phức hợp mà cho tận đến giờ vẫn chưa có một kết luận nào thỏa đáng, trên mặt nghiên cứu thế giới. Song, đối với Phật giáo, bộ môn này lại mang một ý nghĩa quan trọng hơn: hoằng pháp bằng văn bản. Do vì tầm quan trọng của việc hoằng pháp, cho nên một tiêu chuẩn nào đó mang ý nghĩa quyết định cho lĩnh vực tinh tế này, nhất thiết phải đề ra. Nói chung, đối với công việc dịch thuật, trong tự thân của Phật giáo, hầu hết là tự phát – trạng huống này giống như con dao hai lưỡi, nó có thể “đoạn pháp” khi người dịch chưa nắm bắt được ngữ nguồn (corpus) của nó trên một ít lý thuyết nào đó mà bộ môn này yêu cầu. Nó không thể là một phong trào. Thay vì, ra sức xây dựng những “cổng chùa, điện thờ…” nhằm bảo tồn và “thu hút” đàn-na tín thí, thì chúng ta nên mở rộng cửa chùa, thỉnh mời những ai có kinh nghiệm hay chuyên môn về lĩnh vực này như Tu viện Già Lam (Sài Gòn) đã thực hiện được phần nào, để họ có thể hướng dẫn và truyền đạt những gì mà họ đã thu hoạch được qua quá trình pháp hóa. Việc này, cấp thiết hơn cả những việc tổ chức thuyết pháp hay một số hành nghi tôn giáo, mà động cơ bên dưới, “chỉ để chùa mình được nổi tiếng” mà thôi. Hình như bộ môn này, còn đang “e ấp” trước các công trình đồ sộ của HT. Trí Quang, HT. Minh Châu, của thầy Tuệ Sỹ và thầy Lê Mạnh Thát cũng nên.

PHẬT GIÁO: GIÁO DỤC NGÔN NGỮ HỌC

Ngôn ngữ học là một bộ môn còn hơi xa lạ với Phật giáo, chỉ có một số ít người học nó trên cơ sở “nghiệp dư”, tuy rằng nó đã xuất hiện quá lâu trên trái đất này, ít ra là khoảng 400 năm. Bộ môn này là một bộ môn khó nhất trong lãnh vực “hoằng pháp”. Bởi vì nó bao hàm nhiều thành tố khoa học rất phức tạp: vật lý, toán học, hình học, dịch thuật, ngôn ngữ hàm nhị cấp trong điện toán, tâm lý học, triết học… và sau rốt là bản ngữ của chính chúng ta. Nếu như ta không có vài khái niệm về ngôn ngữ học, thì việc đầu tiên xảy ra với mình, là sự “rối rắm” trong dịch bản. Khi học ngôn ngữ học, như nội dung ngữ nguyên của nó, thì người học phải nắm bắt ít ra là bảy ngoại ngữ trở lên mà điều này hầu như một nhà truyền giáo phải có. Số lượng ngoại văn mà một nhà truyền giáo nắm được, cũng chính là “pháp thí” được vị ấy truyền trao. Thí như, nếu ta học được lĩnh vực này, thì tức khắc ta sẽ có hàng loạt các bộ từ điển liên quan đến Phật học, một từ điển “địa cầu của Phật giáo” và chúng ta sẽ không nhờ đến bất cứ bộ từ điển nào. Chẳng hạn, hiện giờ đa phần các “dịch giả” đều sở y trên từ vựng và từ loại của bộ từ điển, chẳng hạn, tiếng Anh của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam. Tuy là ta biết hàng loạt các bộ từ điển của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam đều có tính cách “thế pháp” nhiều hơn, nhưng ta vẫn dùng, bởi vì ta chưa có chuyên gia nào trong bộ môn này cả, và nhất là ta chưa có bất cứ bộ tự và từ điển đa ngữ (Anh-Việt-Phạn-Hán / Hán-Việt-Phạn-Anh / Phạn-Việt-Anh-Hán) nào bao gồm cả Phật học và phi Phật học (kiến thức phổ quát). Nhất là ở Học viện Vạn Hạnh, không thấy nói đến bộ môn này, trên thực tế thì Phật giáo là một bộ từ điển sống động chưa thành văn và hệ thống hóa ở cấp độ toàn cầu. Muốn biên soạn bất cứ bộ từ điển nào, kể cả các bộ từ điển ngoài Phật giáo, thì trước tiên là phải học ngôn ngữ học. Và việc này phải được cài đặt trong khái niệm của một Sa-di hay Sa-di-ni ngay từ đầu khi vị ấy bước chân vào chùa hay tu viện ở bất cứ nơi đâu. Xin giảm bớt các hành nghi tôn giáo cho những ai muốn và có chủng tính về bộ môn này và hãy “ép học” đối với những ai thấy nó phức tạp và khó lòng đạt đến. Nếu như một văn bản nào đó, bạn đọc mà không hiểu gì, có nghĩa là, nó quá khó, hoặc là do trình độ non kém của bạn. Tuy nhiên, đối với nhà ngôn ngữ học, thì họ cho rằng, bạn là một người non kém hoàn toàn. Ngôn ngữ học là một lập trình tự nhiên của cư dân toàn cầu này, nhưng ta phải học nó, như một điều rất tự nhiên khi ta đặt câu hỏi về mọi hiện tượng của nhiên giới và nội tại của chúng ta từ khi ý thức hình thành và phát triển. Ngôn ngữ học là một thành viên không thể thiếu trong Duy Thức, bởi vì Danh và Sắc là dấu ấn của tiến hóa trong tái sinh.

PHẬT GIÁO: GIÁO DỤC PHẠN VĂN

Giáo dục Phạn văn (kể cả Nam và Bắc Phạn) cũng có nghĩa là dạy luôn về những nền văn minh Ấn-độ tiền Phật đản sinh, cũng có nghĩa rằng, học sinh của mình sẽ tiếp cận luôn cả những nền văn minh được dẫn sinh từ nó, Do Thái, Hy Lạp, Ả Rập và Tây Âu… đúng như L.Marinoff đã nói. Và, lúc này một học Tăng hay một sinh viên Phật khoa sẽ là một nhà nghiên cứu một trong rất nhiều lãnh vực theo hướng toàn cầu, và như vậy họ mới thật sự là những bậc “cúng dường” tri thức và lòng bi của mình cho tất cả chúng sinh, chớ không là những người “hứng” chịu sự cúng dường của nhân loại, hứng chịu luôn cả trí tuệ của những dòng phi Phật giáo, sự nghiên cứu hay một cái gì đó đúng như là tính năng động của nền tôn giáo trí tuệ này. Muốn được như vậy, ngay từ bây giờ, người dạy và người được dạy phải “hợp tác” bởi vì, ta thiếu những người chuyên môn trong lãnh vực ấy. Các nấc thang làm đường dẫn đến tiến bộ phải khởi đầu bằng những gì khó khăn nhất, nếu không, ta chỉ là những người “nhận của cúng dường” một cách vĩnh cửu, đến khi bị loại trừ hẳn trên “thế giới phẳng” này.

Pháp Hiền Cư Sỹ
[Tập san Pháp Luân – số 81, tr41, 2011]

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận