Nguyễn Thị Tú Anh
Tóm tắt
Chứng cứ tìm thấy tại các di tích khảo cổ học thuộc văn hóa Óc Eo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đã minh chứng sự tồn tại của một cảng-thị sầm uất ở vùng này: cảng-thị Phù Nam, hiện diện vào những thế kỷ đầu Công nguyên (CN). Cảng-thị này đã tạo điều kiện cho nền kinh tế và văn hóa trong vùng phát triển vượt bậc, nhờ thu hút được giới thương nhân quốc tế tìm đến để buôn bán và lập nghiệp. Tiểu luận này sẽ xem xét về quá trình giao lưu và tiếp biến các yếu tố văn hóa hải ngoại của cư dân Đồng bằng sông Cửu Long đối với các quốc gia ở Nam Á, Đông Nam Á và Đông Á trong thiên niên kỷ thứ I CN.
Nội dung trên sẽ được tìm hiểu thông qua giải mã nội dung – ý nghĩa tiếu tượng học thể hiện trên điêu khắc kể chuyện Phật giáo của trụ-ốp-tường Lạc Quới trưng bày tại Bảo tàng An Giang. Theo đó, chủ đề Phật giáo trong kinh Mahamaya đã được chọn là đề tài cho tác phẩm điêu khắc này, bao gồm các cảnh minh họa: Đức Phật đắc đạo dưới cây bồ đề tại Bodh Gaya; Bài thuyết pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển và truyền bá Phật pháp; Đức Phật lên cõi trời Đao Lợi thuyết pháp cho hoàng hậu Maya. Từ đó, so sánh tác phẩm độc đáo này với các nền nghệ thuật khác trong vùng để nhận định niên đại của nó cũng như chỉ ra sự tương tác văn hóa liên vùng trong khảo cổ học Óc Eo.
Từ khóa: Văn hóa Óc Eo, trụ ốp tường Lạc Quới, điêu khắc kể chuyện, trao đổi văn hóa.
Examining the Óc Eo culture and its trans-regional
interactions: An iconographic analysis of the Buddhist
narrative symbol engraved on the Lạc Quới pilaster
Abstract
The archaeological data of Óc Eo culture demonstrates the existence of the Funan port-city in the Mekong Delta, dating back to the early centuries CE. This port-city has attracted international merchants coming to trade and settle down, thereby creating conditions for the region’s economy and culture to reach its peak. This paper examines the interactions between the inhabitants of the Óc Eo culture in Mekong Delta with those of the states in the South and East Asia as well as Southeast Asia, which occurred during the first millennium CE.
The above issues will be explored through the Buddhist narrative sculpture, namely ‘Lạc Quới pilaster’ is currently on display at An Giang Museum, bearing traces of localisation and artwork adaptation in the Óc Eo region. The Mahamayasutra (Sacred book of Queen Mahamaya) is proposed to be employed in sculpting, such as: 1/ the Buddha’s enlightenment underneath the Bodhi tree; 2/ The circular shape of the wheel symbolizes the perfection of Buddha’s teachings; 3/ the Queen Mahamaya and her two servants, all who had attended to the Buddha’s preachings in Tusita Heaven.
The pilaster can lead to clues of the trans-regional cultural exchanges that occurred among the early Buddhist states mentioned above all that based on the iconographical analysis and chronological suggestion for the sculpture.
Keyword: Óc Eo, Lạc Quới pilaster, narrative sculpture, cultural interactions, Mekong Delta.
Giới thiệu
Tác phẩm điêu khắc này hiện đang được bảo quản và trưng bày tại sảnh chính của Bảo tàng An Giang, thành phố Long Xuyên. Nội dung điêu khắc được thể hiện hoàn chỉnh trên một mặt của một trụ-ốp-tường (pilaster) bằng đá gra-nít màu xám trắng có đốm đen. Mặc dù tác phẩm này được phát hiện và đưa về Bảo tàng An Giang năm 1994, từ một địa điểm thuộc Gò Ông Địa, xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang nhưng cho đến nay, bức điêu khắc này vẫn chưa được lý giải về nội dung, ý nghĩa và niên đại của nó. Đây sẽ là hai chủ điểm mà tiểu luận này hướng đến, thông qua đối sánh với các tác phẩm từ những nền nghệ thuật khác và tư liệu thành văn đã công bố; từ đó xác định niên đại tương đối cho tác phẩm này trong bối cảnh hình thành văn hóa của cư dân Đồng bằng sông Cửu Long.
1. Sơ lược về trụ-ốp-tường Lạc Quới
Trụ-ốp-tường Lạc Quới sẽ là tên gọi dùng trong tiểu luận này để dễ nhận diện, kích thước: 238cm x 30cm x 34cm. Ký hiệu: BTAG.2873/Đ1. Dù đã bị mòn mờ theo thời gian, chi tiết được điêu khắc hoàn chỉnh ở mặt trước của trụ và bố cục theo chiều dọc, chia làm ba phần thể hiện rõ đề tài Phật giáo (Hình 1). Mặt sau của trụ để thô ráp, có lẽ được dùng để ốp vào tường gạch của một ngôi đền, và có dáng hơi cong về phía trước (Hình 2).
1/ Phần trên: Trên cùng là một chiếc lá bồ đề lớn chiếm toàn bộ kích thước chiều ngang của trụ; bên dưới là hình tượng đức Phật ngồi trong tư thế kiết-già (paryankasana), hai bàn tay thủ ấn thiền định (dhyanamudra); ngài ngồi trên một bệ sen có hai đường gờ lớn thắt eo ở giữa. Một chiếc khung hình vòng cung có gờ nổi gắn khít với bệ ngồi, bao trùm hình ảnh Đức Phật bên trong.
2/ Phần giữa: Gồm ba vòng đồng tâm, có kích thước nhỏ dần từ ngoài vào trong, các đường tròn nổi rõ, được đặt cách điệu trên đỉnh một trụ ngắn, mà phần đế trụ được thể hiện bằng những đường gờ vuông vức.
3/ Phần dưới: Một chiếc lọng đặt trên một tòa sen; cùng ba nhân vật nữ ngồi bên dưới. Người ngồi giữa được chạm to hơn so với hai người ngồi hai bên, tay phải cầm một búp hoa (hoa sen?) có cuống dài, đưa lên giữa ngực, khủy tay phải tựa lên đầu gối chân phải; tay trái buông thõng ẩn sau chân trái. Dù bị mòn mờ, nhân vật ở giữa vẫn có thể thấy khuôn mặt tròn, đầy đặn; có búi tóc trên đỉnh đầu và mái tóc dài phủ đến tai; hai tai đeo trang sức to và dài ngang vai. Nổi bật là tư thế ngồi, đầu gối gập với bàn chân trái nhón cao, mặc sa-rông rộng phủ đến gần cổ chân; chân phải đặt trên mặt phẳng, tư thế ngồi này rất hiếm thấy trong điêu khắc Phật giáo; hai cổ chân đeo vòng trang sức lớn. Có thể đây là tư thế cách điệu của thế bhadrasana hoặc tư thế vương tọa.
Hai nhân vật phụ ngồi nép phía sau nhân vật chính; nhân vật bên phải đang cầm một cành hoa đặt trên vai phải của nhân vật chính; gối phải gập nhẹ với bàn chân đặt ngang trên mặt phẳng. Nhân vật bên trái cũng cầm một cành hoa cao ngang vai trái nhân vật chính. Hai nhân vật phụ cũng có búi tóc trên đầu, dù họ mặc sa-rông phủ dài đến cổ chân.
Chóp trên cùng của trụ-ốp-tường có một chốt ngắn, có thể dùng để gắn vào một bộ phận khác nhằm tạo thành khung cửa của ngôi đền; phần dưới cùng của trụ là chân đế dài rộng bằng chiều ngang của trụ có thể được dùng để gắn vào một thanh ngang bên dưới. Có thể đây là một trong hai trụ-ốp-tường chính của một ngôi đền Phật giáo bằng gạch, loại vật liệu xây dựng thường thấy trong các di tích kiến trúc Óc Eo (Lê Xuân Diệm, Đào Linh Côn, Võ Sỹ Khải 1995: 17-18).
2. Giải thích nội dung điêu khắc trên trụ-ốp-tường Lạc Quới
Đây là tác phẩm điêu khắc kể chuyện (narrative sculpture) chủ đề Phật giáo. Những cảnh được lựa chọn để minh họa là ba nội dung trong rất nhiều sự kiện nổi bật của cuộc đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni), là người sáng lập đạo Phật. Ba sự kiện này được bố cục dọc thân trụ trong ba phân cảnh, đọc theo thứ tự từ trên xuống dưới. Về nghệ thuật diễn đạt, ba phân cảnh được bố cục nối tiếp nhau mà không phân cắt bởi đường ranh, điều này hàm ý minh họa các sự kiện được kể liên tục theo trình tự của câu chuyện2. Ba phân cảnh này sẽ được lý giải là minh họa cuộc đời của đức Phật từ khi ngài đắc đạo cho đến khi tịch diệt: (1) Đức Phật đạt chánh quả dưới gốc cây bồ đề tại Bodh Gaya; (2) Bài thuyết pháp đầu tiên và sự truyền đạo của ngài sau khi giác ngộ tại vườn Lộc Uyển ở Sarnath; (3) Đức Phật lên cõi trời Đao Lợi để thuyết pháp cho mẹ và chư thiên trước khi ngài nhập Niết Bàn.
2.1. Phân cảnh I: Đức Phật đắc đạo dưới cây bồ đề tại Bodh Gaya
Lá bồ đề hoặc cây bồ đề (bodhi/ bodhivriksha) là biểu tượng phổ biến trong nghệ thuật Phật giáo để chỉ sự giác ngộ của đức Phật Thích Ca dưới gốc bồ đề tại Bodh Gaya (Coomaraswamy 1927: 294; 1935: 39; Barrett 1954: 57). Hình tượng lá bồ đề được sử dụng phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc Phật giáo. Vào thời kỳ đầu của nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ, khoảng từ thế kỷ III trước CN đến thế kỷ I CN, trước khi xuất hiện hình tượng đức Phật, cây/lá bồ đề cùng với chuyển pháp luân (dharmacakra) và bảo tháp (stupa) tượng trưng cho sự hiện diện của đức Phật (Foucher 1917: 14; Huntington 2012: 6). Trong phân cảnh này, tán cây bồ đề được cách điệu thành một chiếc lá bồ đề, người ngồi tọa thiền dưới chiếc lá chính là đức Phật Thích Ca khi ngài đạt chánh pháp. Khi đức Phật giác ngộ, ngài được thể hiện ngồi trong tư thế kiết già (paryankasana) và hai tay thủ ấn thiền định (dhyanamudra) (Coomaraswamy 1927: 301-02).
2.2. Phân cảnh II: Bài thuyết pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển và truyền bá Phật pháp
Hình tượng vòng tròn lớn gắn trên đỉnh một trụ ngắn, thể hiện chuyển pháp luân hoặc trụ chuyển pháp luân (cakrastambha). Đây là biểu tượng cho bài thuyết pháp đầu tiên của đấng Giác ngộ tại vườn Lộc Uyển ở Sarnath cũng như sự truyền bá chánh pháp sau khi đức Phật đắc đạo (Foucher 1917: 14). Hình tượng chuyển pháp luân rất phổ biến trong nghệ thuật Nam Ấn-độ vào thời Amaravati, khoảng thế kỷ II (Knox 1992: 163-68, Cat.88, 89, 93); và ở Đông Nam Á, đặc biệt trong nghệ thuật Dvaravati, giai đoạn từ thế kỷ VI đến thế kỷ VIII, của Thái Lan. Những chuyển pháp luân của Dvaravati được tìm thấy tại một số di tích với số lượng phong phú; chúng có kích thước to lớn như những dharmacakra của nghệ thuật Ấn-độ; và được các nhà lịch sử nghệ thuật nhận xét là các tác phẩm này tiếp nhận ý tưởng sáng tác từ nghệ thuật Amaravati ở vùng Andhra Pradesh (Woodward 2003: 67-71; Krairiksh 2012: 67-70; Indorf 2014: 273-76).
2.3. Phân cảnh III: Đức Phật lên cõi trời Đao Lợi thuyết pháp cho hoàng hậu Maya
Chiếc lọng (chatra) dựng trên tòa sen (padma) là biểu tượng cho vương quyền và đạo pháp. Chiếc lọng được xếp hàng đầu trong bát bảo (astamangala) của Phật giáo (Beer 2003: 2); đó cũng tượng trưng cho sự hiện diện của Đấng Giác ngộ (Longhurst 1979: 2). Trên bức phù điêu này, chiếc lọng nghệ thuật hóa sự hiện diện của đức Phật tại trời Đao Lợi.
Ba nhân vật ngồi dưới chiếc lọng là hoàng hậu Maya và hai vị khác có thể đại diện cho chư thiên (deva). Cả ba đều ngồi trong tư thế bhadrasana trang nghiêm lắng nghe chánh pháp. Phân cảnh này thể hiện sự kiện đức Phật Thích Ca lên cõi trời Đao Lợi (Trayastrimsa-deva, tiếng Sanskrit), là nơi cư ngụ của ba mươi ba vị thần; ngài đã ở lại đây ba tháng để thuyết pháp cho hoàng hậu Maya và chư thiên (Karetzky 1992: 179-80; Huntington 1993: 73; Dehejia 1997: 12-15; Ihsan & Qazi 2008: 192-93).
Truyền thuyết ‘Đức Phật lên cõi trời Đao Lợi thuyết pháp thánh mẫu Maya’ được đề cập trong nhiều kinh điển của đạo Phật. Do sự thu hút của truyền thuyết này nên nó đã được soạn thành bản kinh tên là Mahamayasutra hay Kinh Ma Ha Ma Da. Theo kinh này, sau khi sinh hạ đức Phật, khi đó là hoàng tử Tất Đạt Đa (Sidharta), hoàng hậu Maya đã qua đời bảy ngày sau đó, cho nên bà không được duyên may để thọ nhận chánh pháp từ đức Thích Ca. Vì muốn báo hiếu cho mẹ nên vào khoảng cuối đời trước khi nhập Niết-bàn; đức Phật đã hạnh nguyện lên cõi trời để thuyết giảng cho hoàng hậu Maya bộ kinh A-tì-đạt-ma (Abhiddharma). Sau khi nghe đức Phật thuyết pháp, hoàng hậu Maya đã chứng quả Tu-đà-hoàn (Arahat) (Kinh Mahamaya 2018: 3-6).
3. Khái quát về Kinh Mahamaya hay Phật thăng Đao Lợi thiên vị mẫu thuyết pháp
Kinh Mahamaya được dịch từ Phạn văn ra Hán văn bởi ngài Sa-môn Thích Đàm Cảnh dưới thời Nam Tề (南齊)/ Tiêu Tề (479-502) của Trung Hoa3. Kinh Mahamaya có bốn chương, gồm:
1/ Chương Một: Đức Phật giảng pháp cho hoàng hậu Maya;
2/ Chương Hai: Đức Phật giáng thế từ trời Đao Lợi;
3/ Chương Ba: Hoàng hậu Maya giáng thế để thăm đức Phật lần cuối trước khi ngài nhập diệt và được ngài giảng pháp lần cuối;
4/ Chương Bốn: Ngài Anan thuật lại lời giảng của đức Phật về sự tồn tại và hủy diệt của chánh pháp sau khi đức Phật nhập Niết-bàn (Kinh Ma Ha Ma Da 2018: 3).
Kinh Mahamaya có ảnh hưởng sâu đậm đến nghệ thuật Phật giáo, nó đã truyền cảm hứng cho các nghệ nhân thực hiện vô số tác phẩm nghệ thuật bằng nhiều thể loại. Hầu hết những tác phẩm này minh họa Chương Hai của kinh, tức là cảnh ‘Đức Phật giáng thế tại Sankassa từ trời Đao Lợi’, đặc biệt trong nhiều tác phẩm điêu khắc của nghệ thuật Gandhara từ thế kỷ I trước CN cho đến thế kỷ II CN (Karetzki 1992: 179-80; Huntington 1993: 72-73; Ihna & Qazi 2008: 189-93; Saeed 2014: 45).
Truyền thuyết về vua Pasenadi4 xác nhận rằng đức Phật muốn giảng pháp cho mẹ, người đã qua đời trước khi ngài giác ngộ. Vì thế đức Phật đã rời thế gian trong ba tháng và thăng lên cõi trời Đao Lợi (Tavatimsa, tiếng Pali) đối với vua Pasenadi sự vắng bóng của đức Phật là một thiếu thốn lớn cho ngài, do đó ngài đã cho tạc một pho tượng đức Phật bằng gỗ đàn hương với đầy đủ ba mươi hai quý tướng của bậc đại nhân (mahapurusa); và đặt pho tượng tại chính điện trong hoàng cung. Theo truyền thuyết, đó được xem là pho tượng thể hiện đức Phật đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật Phật giáo. Vua Pasenadi đã trình pho tượng với đức Phật khi ngài hạ thế từ trời Đao Lợi, và được ngài thuyết giảng về công đức của việc tạc tượng Phật (Crosby 2014: 52-53). Sự kiện vua Pasenadi trình pho tượng Phật cho chính đức Phật sinh thời đã được thể hiện trên nhiều tác phẩm điêu khắc của nghệ thuật Gandhara (Ihsan & Qazi 2008: 216-17; Saeed 2014: 45).
Chương Ba của Kinh Mahamaya cũng được minh họa rộng rãi. Khi nghe tin đức Phật nhập Niết Bàn, hoàng hậu Maya đã xuống trần gian để tiễn biệt con lần cuối. Bà đã khóc và rất đau khổ khi nhận chiếc trượng và bình bát mà đức Phật sử dụng lúc sinh thời. Xót xa trước nỗi lòng của mẹ, đức Phật đã ngồi dậy từ áo quan bằng vàng để giảng giải về quy luật vô thường của vũ trụ cho mẹ một lần nữa. Cảnh này đã được thể hiện trong nhiều tác phẩm nghệ thuật Phật giáo tại nhiều quốc gia ở Đông Bắc Á (Karetzki 2000: 101-03); trong đó có những bức bích họa nổi tiếng của di tích Đôn Hoàng (Hình 3)5, và của nghệ thuật Nhật Bản (Hình 4)6
N.T.T.A
Thạc sĩ – Chuyên ngành Lịch sử Nghệ thuật & Khảo cổ học, Đại học SOAS – London.
_______________
Xem trọn bài đăng trong Hương Tích – Phật Học Luận tập, số 8, phát hành tháng 10/2021.
[1] Tác giả cám ơn Bảo tàng An Giang và Nguyễn Hoàng Bách Linh đã hỗ trợ một số thông tin và kích thước của tác phẩm điêu khắc này.
[2] Tác giả chân thành cám ơn TS. Pinna Indorf, cựu giảng viên Khoa Kiến trúc, Đại học Quốc gia Singapore, đã trao đổi về ý kiến này.
[3] Hiện có nhiều bản dịch Kinh Ma Ha Ma Da từ Hán văn sang Việt văn; trong đó có bản dịch gần đây của Cư sĩ Hạnh Cơ vào năm 2018 xuất bản bởi Thư Viện Hoa Sen. Bài viết này sử dụng bản dịch của Hạnh Cơ.
[4] Theo những nghiên cứu khác thì người cho tạc tượng đức Phật là vua Udayana của xứ Vathsya; chứ không phải vua Pasenadi của xứ Kosala (Ihsan & Qazi 2008: 216-17; Saeed 2014: 45).
[5] <http://unescopostcard.blogspot.com/2010/08/440-cn-mogao-caves-1987.html>. Truy cập ngày 25/07/2019.
[6] <https://www.kyohaku.go.jp/eng/syuzou/meihin/butsuga/item01.html>. Truy cập ngày 25/07/2019.