Triết học về Tánh Không
Tánh Không Luận là gì?
TUỆ SỸ
Wenn am Sommertag der Falter sich auf die Blume nieder lasst und, die Fluegel geschlossen, mit ihr Wiesenwind schwing…
Martin Heidegger. Aus der Erfahrung des Denkens
Có thể vay mượn những lời như vậy để khởi đầu cho sự chờ đợi tiếng vọng đáp ứng của những gì đó đang ẩn mình trong bóng tối. Những lời được vay mượn ấy không nhất thiết phải là đồng thanh với những cái sắp đáp ứng. Sự tựu thành của những cái đáp ứng này sẽ không xuất hiện trong những tiếng động náo nhiệt. Đây là sự tựu thành của một cơn mưa như thác lũ, khi con bướm mùa hè đã chịu khép lại đôi cánh mỏng để lắng nghe trong thầm lặng hơi thở của cỏ nội. Chờ đợi; kiên trì và dừng lại trong sự bế tắc của một thời chỉ có ánh sáng vĩnh cửu của mặt trời. Kiên trì và dừng lại để chờ đợi trong sự bế tắc là liều lĩnh ký thác mình cho một cuộc chơi ngoạn mục của thiên diễn, là liều lĩnh đứng lại giữa lòng thác đổ của vạn hữu. Đó là một thái độ bướng bỉnh, không chịu tiệm tiến từng bước vững chắc như những đợt nhảy của con chim hồng: nhảy bên bờ nước, nhảy đến tảng đá, nhảy trên đất cạn, nhảy lên cành cây, nhảy lên gò cao và cuối cùng bay trong thương khung để lông cánh làm đẹp cho bầu trời.1 Chờ đợi trong sự bế tắc những bước thụt lùi của con chim hồng, từ trên cành cây rơi trở xuống đất cạn.2 Từ trên cành cây rơi trở xuống đất cạn để chập chững như cưu mang một cái gì đó có vẻ ngược ngạo; đó là sự tiến tới bằng những bước thụt lùi, bởi vì thuận theo sự bế tắc.3
Mượn một kinh nghiệm tư tưởng để nói về một kinh nghiệm tư tưởng, đó là một sự vay mượn nghịch lý ngang ngược: vay mượn ấy là một điều bất khả. Bất khả cho nên bế tắc. Bế tắc cho nên không thể tìm thấy một lối trung chính để vào tư tưởng.4
Như thế là đã khởi đầu bằng một sự bất chính. Đằng sau sự bất chính này không có che dấu một ẩn nghĩa nào hết để biện minh cho nó. Nhưng, Tánh Không luận là gì? – “Khi con bướm mùa hè dừng lại trên đóa hoa, khép lại đôi cánh, và đong đưa theo cơn gió của cỏ nội hoa ngàn…”
II.
Im Denken wird jeglich Ding einsam und langsam.
M. Heidegger
Từ khi Nāgārjuna (Long Thọ) xuất hiện ở miền Nam Ấn Độ, đến nay 18 thế kỷ qua, và suốt một vòng cung ba phần tư của toàn bộ Á châu, tánh Không luận (Sūnyavāda) đã trở thành một thứ khí giới vô cùng sắc bén được trang bị cho một nền triết lý chuyên môn phá hoại. Với những kẻ chống đối nó, phá hoại là phá hoại. Nhưng những kẻ tán thưởng nó thì nói phá hoại tức là thiết lập. Với cả hai, phá hoại là điều đáng sợ và nên tránh. Chính thực, Nāgārjuna đã cố ý binh vực cho một chân lý nào bằng khí giới tánh Không luận? Người ta đã từng nghĩ, chính tánh Không (Sūnya) là chân lý đó. Bởi vì, người ta có thể tìm thấy, với bằng chứng vô cùng xác thực của văn nghĩa, rằng chính Nāgārjuna đã coi phương tiện và cứu cánh là một. Nói cách khác, chính chân lý của tánh Không tự bảo vệ lấy nó, tự binh vực cho chính nó, không một cái gì khác. Và như vậy, với những học giả hiện đại chuyên môn về tánh Không luận với những đại biểu có thẩm quyền như T. R. V. MURTI, Ed. CONZE, J. MAY, và có thể kể thêm những vị ở ngoài lãnh vực chuyên môn này nhưng được coi là có thẩm quyền như STCHERBATS-KY, J. TAKAKUSU, vân vân, đều đồng thanh công nhận tánh Không luận như là Biện chứng pháp (dialectique). Những người đi sau bám chặt vào danh từ này – Biện chứng pháp – để hiểu tánh Không luận, đó quả là một sự đồng thanh tương ứng. Như vậy là “Nghìn tầm gởi bóng tùng quân,5 tuyết sương che chở cho thân cát đằng”.
Ed. Conze nói đến sự táo bạo của những hiền triết Đông phương là tư tưởng bằng mâu thuẫn. Bởi vì, chính luật mâu thuẫn cho phép người ta nói: phương tiện là cứu cánh, cứu cánh là phương tiện. Phá hủy trong phương tiện, nhưng lại là thiết lập trong cứu cánh. Phá hủy và thiết lập lại là một. Như thế, hình như mâu thuẫn đối chọi với đồng nhất. Đây là lý lẽ mà người ta hay dựa vào đó để phân biệt tính cách dị biệt của tư tưởng Đông phương và tư tưởng Tây phương. Người ta thường lý luận theo một tiêu thức điển hình nhất như sau: với Tây phương == ce qui est est, ce qui n’est pas n’est pas (của Parménide), đó là tư tưởng trên nguyên tắc đồng nhất; với Đông Phương thì Đạo khả đạo phi thường Đạo, danh khả danh phi thường danh (của Lão Tử), đó là tư tưởng trên nguyên tắc mâu thuẫn. Bởi vì, nguyên tắc mâu thuẫn như thế là dung nạp tất cả mọi tương phản, tất cả mọi cái không phải là nó, cho nên người ta nghĩ nếu công nhận rằng Đông Phương luôn luôn tư tưởng trên nguyên tắc này thì tư tưởng Đông Phương lúc nào cũng có thể dung nạp được tư tưởng Tây Phương với tất cả những dị biệt của chính nó. Và ngược lại; vì nguyên tắc đồng nhất không dung nạp những tương phản. Nguyên tắc đồng nhất đưa đến chỗ đòi hỏi sự nghiêm xác của khái niệm. Merleau- Ponty nói: “Có cái gì đó không thể thay thế trong tư tưởng Tây phương: (…), sự nghiêm xác của khái niệm…”6
Hình như chúng ta vừa đưa ra một tràng, ngắn, những lý luận có vẻ rất là mạch lạc. Nếu nói cho chí lý, thì kiểu lý luận này là điều tối kỵ của các nhà tánh Không luận, kể từ Aryadeva, xuống Buddhapalita, qua Bhavaviveka, cho đến Candrakirti (những truyền nhân của Nāgārjuna). Nhưng nói vậy cũng không được. Vì đó cũng chỉ là một cách nói áp dụng luật mâu thuẫn đã phối trí thành một trật tự mạch lạc để cho mâu thuẫn là mâu thuẫn. Tức là, mâu thuẫn chỉ được thừa nhận như là mâu thuẫn thực sự khi người ta có thể tìm được mạch lạc của nó trong một trật tự nào đó. Bởi vì, nếu không có sự mạch lạc giữa những mâu thuẫn và không mâu thuẫn, làm thế nào ta nhận biết đó là mâu thuẫn?
Vậy thì, tánh Không Luận là gì? – “Trong tư tưởng, mọi sự trở thành cô liêu và lững thững.”
III.
Những vay mượn đã không thể tránh và những thành kiến nặng như chì cũng chưa thể từ bỏ được. “Những con cá lớn trong hồ nước nhỏ này, tất cả chúng đều bị bao phủ trong tấm lưới nhỏ này, dầu chúng có nhảy vọt lên, chúng vẫn bị hạn cuộc bao phủ nơi đây.”7 Người học về tánh Không cũng như kẻ học bắt rắn bằng hai bàn tay không.
Nāgārjuna là ai?
Những thiên tài lớn đều xuất hiện trong cơn thịnh nộ. Héraclite trong bình minh của Hy Lap với cơn thịnh nộ như những ngọn lửa tàn bạo; ông đã muốn tống cổ Homère ra khỏi những cuộc chơi chung bởi vì lời cầu nguyện của Homère muốn cho mối bất hòa giữa các thần linh và loài người hãy chấm dứt. Zarathoustra xuống núi, cùng với sự xuất hiện của Siêu nhân, sau khi đã nổi cơn thịnh nộ với mặt trời. Những con sâu con ngủ suốt cả một mùa đông để chờ đợi những tiếng sấm đầu tiên của tiết kinh trập tháng hai. Nhưng, “một khi sinh ra, họ muốn sống để rồi chịu đựng sự chết, hay để rồi đi tìm sự yên nghỉ. Và họ để lại những con cháu cùng chia sẻ số phận như vậy” (Héraclite). Những con sâu con chỉ trở mình trong giấc ngủ triền miên, còn phải đợi bao giờ cỏ cây nứt vỏ sau tiếng sấm của tiết kinh trập rồi mới trỗi dậy “giải chi thời đại hỉ tai!” Thiên địa giải nhi lôi vũ tác. Lôi vũ tác nhi bách quả thảo mộc giai giáp tích. Giải chi thời đại hỉ tai! (quẻ Lôi Thủy Giải, Kinh Dịch).
Nāgārjuna xuất hiện như một con voi dữ trong truyền thống Phật học và tư tưởng triết học Ấn Độ. Đương thời, đối với các nhà hiền triết Ấn, Nāgārjuna được xếp vào hàng những tư tưởng gia Phật học lỗi lạc bậc nhất. Nhưng ngay trong hàng ngũ này, Nāgārjuna lại được kính trọng như một tên phá hoại đáng sợ. Người sợ đầu tiên có lẽ chính cao đệ của ông là Aryadeva. Ngay trong tên gọi đã có sự trái ngược. Cái tên Nāgārjuna ám chỉ cho một thứ rắn dữ. Bởi vì Nāga có nghĩa là rắn dữ. Nhưng Aryadeva lại hàm ý là một thiên thần thánh thiện. Hai thầy trò này, một con khủng long và một vị thiên thần, phải chăng là hai nếp gấp của tư tưởng: huyền chi hựu huyền? Nhiều huyền thoại đã được dựng lên chứng rỏ rằng đã có nhiều phép lạ hiện ra để hạ bớt thái độ ngông cuồng của Nāgārjuna, khi ông quyết định bỏ cả núi cao, cả rừng rậm và cả đất liền để xuống biển cư ngụ cùng loài rắn dữ. Như vậy người ta mới có đủ lý do để xác nhận rằng ông quả là một tư tưởng gia Phật học chính thống – bởi vì chính thống cũng hàm ý là ngoan ngoãn, khi ông chịu theo khuyến cáo của vua rắn mà trở lại đất liền. Ông quả thực là một tư tưởng gia Phật học chính thống, mặc dù lối xử sự của ông đôi khi có vẻ ngược ngạo.8 Từ lúc Nāgārjuna trở lại đất liền, nhiều vấn đề trong truyền thống Phật học và nền minh triết Ấn Độ được đặt lại: Tánh Không luận là gì?
Dường như có một sự lửng lơ và bất khả nào đó, lửng lơ như chính đời sống và bất khả như chính tư tưởng, Nāgārjuna từ sương mù của bình minh và nắng quái xuất hiện rồi biến mất trong sương mù của bình minh và nắng quái.
yathà màyà tathà svapno gandharva-nagaram yathà/
tahtospàda tathà sthànam tathà bhanga udàh-ritah //
Như quáng nắng, như giấc mộng, như thành phố giữa sa mạc:
tất cả sự hiện khởi, tồn tục và biến mất đều như vậy.9
IV.
Trong Đại tạng kinh Trung Hoa, được ấn hành dưới sự điều khiển của J. Takakusu, một học giả Phật học người Nhật, có một tác phẩm mang tựa đề là Lão Tử hóa Hồ kinh, được xếp vào loại những tác phẩm ở bên ngoài Phật học (Ngoại giáo bộ).10 Tác phẩm đứt đoạn này nói Lão Tử cưỡi trâu bỏ xứ Trung Hoa đi về phía tây bắc và giáo hóa cho những giống dân man di ở phương này. Môn đệ lớn nhất của ông là Thích Ca. Đó là một sự lửng lơ của huyền sử và cũng là một điều bất khả của tư tưởng. Nhưng mười thế kỷ sau, một người vì kính trọng Nāgārjuna mà phải từ bỏ quê hương của mình để sang cư ngụ và chết ở Trung Hoa. Đó là Kumarajiva. Cái tên này lại ám chỉ cho sự trường thọ của trẻ thơ.11 Có lẽ Nāgārjuna hóa thân làm Lão Tử tại đất Tàu để nói cho một phân nửa Á châu nghe lại cái diệu chỉ “huyền chi hựu huyền” trong câu hỏi “Tánh Không luận là gì?”
Và như thế, trước câu hỏi: Tánh Không luận là gì? Những vay mượn đã không dễ gì tránh khỏi và những thành kiến nặng như chì cũng chưa dễ gì từ bỏ được.
Cũng ví như một người đánh cá lành nghề hay người học đánh cá vung lưới trên mặt hồ nước nhỏ này với một tấm lưới có mắt lưới sít sao. Người ấy nghĩ: những con cá lớn trong hồ nước nhỏ này, tất cả chúng đều bị hạn cuộc bao phủ trong tấm lưới này, dầu chúng có nhảy vọt lên, chúng vẫn bị hạn cuộc bao phủ nơi đây.
Đó là những lời kết luận của kinh Brahmajāla-sutta. Và kinh chấm dứt như thế này:
Imasmim ca pana veyyākaranasmim bhannamane sahasì loka- dhātu akampitthāti.
Trong khi kinh này được tuyên thuyết, một ngàn thế giới đều rung động.
TUỆ SỸ
Chú thích
- 1Thứ tự của sáu hào của quẻ Phong Sơn Tiệm của Kinh Dịch: sơ lục, hồng tiệm vu can; lục nhị, hồng tiệm vu bàn; cửu tam, hồng tiệm vu lục; lục tứ, hồng tiệm vu mộc; cửu ngũ, hồng tiệm vu lăng; thượng cửu, hồng tiệm vu
- 2Hào cửu tam và lục tứ của quẻ Phong Sơn Tiệm đảo ngược thành hào lục tam và cửu tứ của Thiên Địa Bĩ.
- 3Quẻ Thiên Địa Bĩ: lục tam, bao tu; cửu tứ, hữu mệnh.
- 4“Bĩ chi phỉ nhân, bất lợi quân tử trinh, đại vãng tiểu lai, thiên địa bất giao nhi vạn vật bất thông dã.” Lời tượng của quẻ Bĩ: Thời đại bế tắc không phải là thời của đạo người. Sự Trinh chính của quân tử chẳng có lợi. Cái lớn đi, cái nhỏ đến, trời đất không giao cảm, nên vạn vật không thông.
- 5Và đây cũng là một đồng thanh tương ứng: “Đời vốn như thế. Ban đầu vào cuộc sống, chúng ta giàu, giàu nhiều, giàu nữa; trong bao năm, chúng ta trồng cây tỉa hột, nhưng ngày tháng trôi, năm sầu lại: thời gian phá vỡ mất công trình; cây rừng bị chặt; bạn hữu từng người rơi rụng mất. Bóng tùng quân nghìn tầm xiêu đổ, cái con người trơn trụi sẽ còn nghe rõ trong hoang liêu mối ngậm ngùi xuân xanh xa mất. (Saint- Exupéry, Cõi Người Ta, Bùi Giáng dịch).
- 6“II y a quelque chose irremplacable dans la pensée occidentale: (… ), la rigueur du concept, … ” (MP. Signes, Gallimard, p. 174)
- 7Kinh Brahmajāla-sutta, bản dịch T.T. Minh Châu.
- 8Viết theo Long Thọ bồ tát truyện của Kumarajiva. DTK. 2047; tập 50, trang 184 và tiếp.
- 9Nāgārjuna; Madhyamika-kārika, 34.
- 10ĐTK. 2139; tập 54, tr. 1266 và tiếp.
- 11Đồng Thọ, cũng mường tượng như chữ Lão Tử.