TÂM NHƯ – TRÍ THỦ
TOÀN TẬP
- Lời nói đầu
- Giáo lý về Nghiệp, cơ sở Đạo Đức Học và Luật Học
- LUẬT TỲ KHEO
- Giới Luật - Viên Âm Số 89
- Giới Luật - Viên Âm Số 91
- Ba Tháng An Cư
- Thử vạch một quy chế cho Tăng sỹ và một chương trình đào tạo Tăng sinh thích ứng với nhu cầu của Giáo hội trong hiện tại và tương lai gần
- Mười Điều Tâm Niệm
- TÂM NHƯ – TRÍ THỦ TOÀN TẬP: Thơ viết trong đời sống đạo
THỬ VẠCH MỘT QUY CHẾ CHO TĂNG SỸ VÀ
MỘT CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TĂNG SINH
THÍCH ỨNG VỚI NHU CẦU CỦA GIÁO HỘI TRONG HIỆN TẠI
VÀ TƯƠNG LAI GẦN
LỜI MỞ ĐẦU
Mở mắt chào đời trong chốn thiền môn, lớn lên giữa bầu không khí thanh thoát của lời kinh tiếng kệ, kịp đến khi nhập đạo lại được gặp nhiều bạn tri thức và được hầu hạ các bậc tôn túc hữu danh đất Thần Kinh. Trên bước đường hành đạo, tôi may mắn gặp được khá nhiều thiện duyên. Nhưng cũng lắm phen phải đương đầu với nghịch cảnh khó xử. Trong vòng năm mươi năm trở lại đây, những cảnh phế hưng thay màn đổi lớp, những chuyển biến trong tâm tư con người Việt Nam và sinh hoạt xã hội nước ta, đã khiến Phật giáo trên cả ba miền phải vận dụng khá nhiều óc sáng tạo để uyển chuyển thích nghi với từng giai đoạn thăng trầm của lịch sử; hầu mong liên tục phát huy đạo pháp. Những chuyển biến dồn dập ấy, không ai trong chúng ta thuộc lớp tuổi trên dưới sáu mươi mà không biết.
Riêng tôi thì tự thân kinh nghiệm cũng khá nhiều và nếm mùi thất bại chua cay vì những ước tính sai lệch cũng không ít. Gần đây, trong sáu năm liên tiếp được ủy thác nhiệm vụ điều khiển Tổng vụ Hoằng pháp cho Giáo hội, tôi lại thu thập thêm một số kinh nghiệm sống mới. Chính những kinh nghiệm này cộng với các kinh nghiệm trước kia, đã hướng dẫn, thúc giục tôi viết ra dự thảo chương trình sau đây. Hầu mong đóng góp chút ít ý kiến thô lậu của mình vào việc cải tiến tổ chức tăng sĩ, ngõ hầu thích ứng được với đà tiến triển của xã hội Việt Nam trong hiện tại và tương lai gần đây.
Hôm nay, trình bày trước chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa dự thảo chương trình này, tôi thiết tha nguyện cầu, trên được Chư Phật gia hộ, dưới được chư tôn vì tương lai của Giáo hội cũng như của con em, lưu ý bổ khuyết những chỗ sơ thất, nếu các đường nét chính của dự thảo may mắn được quý vị chấp thuận trên nguyên tắc. Trong trường hợp này, một đại hội gồm chư vị giáo phẩm cao cấp nên được Giáo hội triệu tập để thảo luận chín chắn hơn nữa, hầu vạch một con đường đi cho đàn hậu tấn.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Vì SỰ THẬT hay PHÁP không bao giờ là chất chết khô cằn. Cho nên, tinh thần giáo pháp Phật là tinh thần sống động, uyển chuyển, không cố chấp. Dù Nguyên thủy hay Đại thừa, không ai cãi chối được yếu tố căn bản ấy. Trên bước đường hoằng hóa, Đại thừa còn tiến xa hơn bằng việc tận dụng mọi phương tiện một cách thiện xảo, nhờ đó mà nội dung cương yếu của Pháp Phật truyền bá rất mau và rất rộng, không một trở lực nào cản ngăn nổi. Trải qua 25 thế kỷ của lịch sử truyền thừa, hoàn cảnh nào cũng dung hợp, quốc độ nào cũng thích nghi được. Điều kiện hoàn cảnh, thời gian, quốc độ không hề là những trở ngại đáng kể đến trên bước tiến của Phật giáo. Sở dĩ được như thế là nhờ Phật giáo đã biết linh động tùy duyên, thường cải tiến phương cách tổ chức, luôn thích ứng nhu cầu hoàn cảnh từng xứ, từng thời.
Trước hoàn cảnh đa dạng phức tạp của xã hội Việt Nam chúng ta ngày nay, tôi thiết nghĩ cũng cần phải có một số biện pháp cải cách nào đó mới đáp ứng đúng mức những nhu cầu thực tế do hoàn cảnh đa đoan tạo ra. Có như thế mới mong phát triển đạo pháp trên hình thức nổi, một cách thuận tiện hanh thông trong ngày mai.
Phàm muôn việc sở dĩ thành tựu được là nhờ ở khối óc minh mẫn và tay chân cường tráng. Khối óc minh mẫn tạo nên cấp lãnh đạo sáng suốt. Tay chân cường tráng chính là cấp thừa hành đắc lực chuyên trách trong các ngành.
Trong phạm vi Phật giáo, nhiệm vụ bất di bất dịch của cấp lãnh đạo là thừa kế Tổ đạo, truyền trì giới luật, hướng dẫn tăng đồ và tín đồ về mặt tinh thần, trụ trì các tự viện thuộc hệ thống của Giáo hội. Công tác lãnh đạo còn bao gồm cả việc gây giống ương mầm un đúc tăng tài, để thừa kế Tổ đạo trong ngày mai.
Cấp thừa hành có nhiệm vụ bám sát cơ sở quần chúng, nhằm phát triển đạo pháp trên hai phương diện:
1. Củng cố tổ chức, dẫn đời vào đạo,
2. Tích cực nhập thế, đem đạo vào đời.
Như trên là những nhu cầu thực tế đang đặt ra cho chúng ta, buộc chúng ta phải có biện pháp thích ứng. Hầu mong, bên trong duy trì được tính cách thuần nhứt của tổ chức Giáo hội, bên ngoài ứng phó dung thông hoàn cảnh xã hội, phức tạp đa đoan như vốn thấy.
II. GIẢI PHÁP ĐỀ NGHỊ
Để đáp ứng các nhu cầu nêu trên, trước hết chúng ta thử cố gắng vạch một quy chế mới cho tăng đoàn, trong đó dịch vụ phụng sự đạo pháp phải được phân công rõ ràng.
A. Phân ngành
Dịch vụ của cấp lãnh đạo tinh thần là những dịch vụ cố định, không vì thời gian hay quốc độ mà có thay đổi như đã nêu trên. Dịch vụ của cấp thừa hành, thiết tưởng nên quy định như sau:
Nhằm đáp ứng nhu cầu của các phương diện củng cố tổ chức và kéo đời vào đạo, cần phân chia ra hai ngành Kiện nội và Hóa ngoại. Về phương diện Hóa ngoại (tích cực nhập thế, đem đạo vào đời), nên phân chia thành: ngành chuyên trách văn hóa giáo dục và ngành chuyên trách công tác xã hội.
Ngành Kiện nội, lo xây dựng bên trong tự viện. Đóng vai trò thân cận của cấp lãnh đạo. Đảm trách mọi công tác củng cố sinh hoạt tinh thần và vật chất của cơ sở.
Ngành Hóa ngoại phụ trách tổ chức tín đồ thuộc mọi tầng lớp xã hội, diễn giảng, hành chánh, giao thiệp. Chính ngành này thực thi đường lối đối ngoại của Giáo hội, tương ứng với các cấp hành chánh ở ngoài đời.
Ngành Văn hóa Giáo dục chuyên trách việc giảng huấn trong đạo và ngoài đời, từ mẫu giáo đến đại học. Một công tác khác không kém phần quan trọng của ngành này là phiên dịch và trước tác.
Ngành công tác xã hội trực tiếp tham gia mọi sinh hoạt xã hội mà không trái với tinh thần giới luật, qua các hoạt động nghề nghiệp hợp với thế đế, để nhiếp hóa chúng sanh bằng tinh thần tứ nhiếp pháp và lo sinh tài cho Giáo hội.
Trong Ni bộ cũng có đủ các ngành như trên, nhưng phạm vi hoạt động hạn cuộc trong riêng bộ chúng mình. Sách lược và đường lối lãnh đạo vẫn nương vào Tăng bộ, đúng như tinh thần giới luật quy định.
Dịch vụ mỗi ngành đã phân định rõ ràng, thì danh xưng tăng sĩ chuyên trách tưởng cũng nên minh xác để tiện việc sắp xếp môt cách quy mô.
Chẳng hạn tăng sĩ thuộc cấp lãnh đạo thì gọi là Trụ trì tăng. Trong ngành Kiện nội gọi là Công đức tăng. Trong ngành Hóa ngoại gọi là Thiệp thế tăng. Trong ngành Văn hóa giáo dục gọi là Giảng huấn tăng. Trong ngành công tác xã hội gọi là Nhiếp hóa tăng.
Để được sung vào một trong năm ngành nói trên, tăng sĩ phải trải qua một thời gian tu học tại các Phật học viện theo đúng chương trình sẽ quy định ở một đoạn sau.
B. Nhiệm vụ và quyền lợi của học tăng sau khi nhập ngành
a/ – Nhiệm vụ:
1.- Trụ trì tăng quản trị các tự viện của Giáo hội từ cấp thấp đến cấp cao nhứt. Được sung vào các cấp lãnh đạo tỉnh, miền hay trung ương, nếu hội đủ điều kiện đức hạnh và khả năng.
2.- Công đức tăng phụ tá Trụ trì tăng trong mọi vấn đề thuộc sinh hoạt nội bộ của các tự viện, quản trị và phân phối tài sản, xây dựng cơ sở cho tự viện sở quản.
3.- Thiệp thế tăng sung vào các ban đại diện Giáo hội các cấp, trừ cấp trung ương (Ở cấp này, nếu được tham dự thì chỉ làm phụ tá thừa hành).
4.- Giảng huấn tăng phụ trách công tác văn hóa giáo dục tại các Phật học viện và các trường thế học từ mẫu giáo đến đại học.
5.- Nhiếp hóa tăng làm đủ mọi nghề nghiệp tự do như thế tục và thích hợp với sở học về khả năng chuyên môn, phát nguyện hiến thân xây dựng đạo pháp bên ngoài tự viện.
b/ – Quyền lợi:
1. Trụ trì tăng và Công đức tăng:
– Đủ tuổi, được thọ cụ túc giới.
– Có giáo phẩm, có quyền thâu nhận đồ chúng, truyền trì giới luật, thừa kế Tổ đạo, được hưởng tín đồ cúng dường.
– Đề ra các Phật vụ cần thiết để mở mang cơ sở tinh thần của Giáo hội.
– Đề nghị bổ nhiệm, thuyên chuyển, xử trị tăng sĩ các ngành.
– Duyệt xét và hướng dẫn công tác các ngành, trên những đường nét chính yếu, nhưng không xen vào kỹ thuật chấp hành.
– Công đức tăng với tư cách phụ tá Trụ trì tăng trong mọi lãnh vực, được hưởng quyền lợi tương đương với Trụ trì tăng.
2. Thiệp thế tăng, Giảng huấn tăng, Nhiếp hóa tăng:
– Chỉ thọ Sa di bồ tát giới.
– Không có giáo phẩm.
– Sinh sống với thù lao được phụ cấp, hoặc với đồng lương riêng do nghề nghiệp đem lại.
– Lợi tức cá nhân quá một mức nào đó, phải sung vào quỹ chung của ngành mình do một Hội đồng quản trị ngành quản thủ, để khuyếch trương công tác mới cho ngành hoặc để hỗ trợ ngành bạn, sau khi được cấp lãnh đạo trung ương ý hiệp.
c/ – Phục sức:
1. Trụ trì tăng và Công đức tăng – Thường phục màu vàng, Lễ phục theo cổ truyền, không thay đổi. Sai khác hai bên chỉ ở màu sắc và kích thước: Trụ trì tăng màu vàng đậm, kích rộng. Công đức tăng màu vàng nhạt, kích hẹp hơn.
2. Thiệp thế tăng: thường phục áo tràng nâu, lễ phục áo tràng vàng lợt và mang y.
3. Giảng huấn tăng và Nhiếp hóa tăng: thường phục áo nhật bình lam, lễ phục áo tràng vàng lợt và mang y.
Các ý kiến trên có thể được tóm lược qua sơ đồ tổ chức sau đây:
LÃNH ĐẠO (TRỤ TRÌ TĂNG)
Củng cố tổ chức
KIỆN NỘI (Công đức tăng)
Kéo đời vào đạo
HÓA NGOẠI (Thiệp thế tăng)
Đem đạo vào đời
VĂN HÓA GD (Giảng huấn tăng)
Tích cực nhập thế
CT. XÃ HỘI
(Nhiếp hóa tăng)
Mỗi ngành có một hội đồng quản trị của ngành về mặt chuyên môn.
III. ĐƯỜNG HƯỚNG XÂY DỰNG
Tự biết tài thô trí thiển, nhưng may mắn được Giáo hội ủy thác điều khiển các Phật học viện trong nhiều năm, kể từ thời tiền chiến. Nhờ đó, được thân cận một số thiện hữu tri thức đủ các giới, trong cũng như ngoài Phật giáo. Sau khi cân nhắc sở trường sở đoản của các chương trình học Phật cũng như sở đắc sở thất các thế hệ học tăng nối tiếp. Cộng thêm kinh nghiệm giữ nhiệm vụ hoằng pháp từ Trung Việt đến toàn quốc của Giáo hội. Nay xin cô đúc lại thành bài học sống để thử tìm một kế hoạch xây dựng cho tương lai.
Xét lịch sử Phật giáo Việt Nam, từ lúc bắt đầu cho đến ngày nay tuy đã trải qua non mười tám thế kỷ truyền thừa, nhưng những thế kỷ đầu chỉ là giai đoạn gieo mầm chưa có gì đáng gọi là bền gốc chắc rễ cả. Phật giáo chỉ mới thật sự bén rễ tại Việt Nam là với sự du nhập ngành thiền Đạt-ma của Tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi (tịch năm 594 đời Hậu Lý Nam Đế). Sau đó hai thế kỷ, ngành thiền Việt Nam càng ngày càng lớn mạnh thêm với Tổ Vô Ngôn Thông, một chi lưu của thiền Trung Hoa có gốc từ Lục tổ Huệ Năng. Tuy cùng là thiền Đông độ, nhưng với tổ Huệ Năng, sắc thái Trung Hoa lấn át hẳn sắc thái phảng phất Ấn Độ của thiền Đạt-ma. Trải qua các triều đại từ thế kỷ VI đến nay, Phật giáo truyền bá tại Việt Nam không chi khác hơn là Thiền Trung Hoa, phối hợp với tam giáo.
Sau một thời gian lu mờ kéo dài từ thời Hậu Lê đến suốt triều Nguyễn, Thiền gần như mất hết sinh khí của buổi thịnh thời Cho nên, đã phải phối hợp với Tịnh độ mà tiếp tục sự nghiệp truyền trì.
Từ khi có phong trào chấn hưng Phật giáo vào khoảng năm 1932, các Tăng học đường đã từng cho áp dụng một số chương trình học nhằm mục đích cấp thời ứng phó với nhu cầu giai đoạn. Theo ngu ý thì chưa có một chương trình nào khả dĩ gọi là đầy đủ.
Trên đây là lý do thứ nhất khiến chúng ta phải soát xét lại chương trình học nội điển để xây dựng tăng tài hầu đáp ứng nhu cầu ngày mai.
Lý do thứ hai khiến phải soát xét lại là: Phật giáo ngày nay đã lan tràn khắp năm châu bốn biển. Đâu đâu, người ta cũng đang nghiên cứu và học hỏi giáo lý Phật một cách toàn triệt. Từ giáo pháp Nguyên thủy qua giáo nghĩa các Bộ phái đến giáo lý Đại thừa. Phật giáo tư tưởng sử liên tục và nhất vị từ A Hàm đến Đại thừa đã được nhiều học giả uyên thâm khắp năm châu, từ trong tăng giới ra đến ngoài cư sĩ, soạn thành sách rất minh bạch và quy mô. Phật giáo Việt Nam muốn theo kịp trào lưu, không thể đóng kín cửa, tự giam hãm mình trong một khuôn mẫu phiến diện và cố định được nữa. Cộng thêm vào đó là các nhu cầu thực tế đã nói ở một đoạn trước.
Nhằm đáp ứng các nhu cầu nêu trên, ngay bây giờ cần phải đào tạo học tăng tạm có đủ lưng vốn học thức căn bản về mọi khía cạnh của giáo nghĩa Phật giáo, hầu mong phát triển được đạo pháp trong lòng dân tộc và theo kịp trào lưu chung của Phật giáo thế giới hôm nay và ngày mai.
Để tiện quy định chương trình học Phật, trước hết chúng ta nên xét trong mỗi cấp mỗi ngành phải có cái lưng vốn học thức như thế nào mới khả dĩ đủ để ứng dụng trong ngành mình.
Căn cứ dịch vụ công tác của từng hạng tăng sĩ mỗi ngành, trình độ học thức căn bản của mỗi hạng có thể quy định như sau:
Trình độ tiêu chuẩn bắt buộc: Tất cả học tăng trước khi rẽ ngành, đều phải có sức học tiêu chuẩn:
Học đời: Hoàn tất chương trình trung học hoặc tương đương.
Học đạo: Hoàn tất chương trình trung đẳng Phật học.
Trình độ phải có của mỗi ngành:
Trụ trì tăng: – Tốt nghiệp cao đẳng Phật học
Công đức tăng: – Học lực tùy khả năng, chú trọng về tâm đức và thiện chí phục vụ nhiều hơn.
– Phải trải qua một thời gian thực tập tại các tự viện và thân cận các tôn túc.
Thiệp thế tăng: – Học lực thế gian và nội điển càng cao càng quý.
– Điều quan trọng là phải trải qua một thời gian tu nghiệp hành chánh và thực tập tại các cấp Đại diện hoặc ở Trung ương.
Giảng huấn tăng:- Tốt nghiệp đại học tại các trường đại học Phật giáo hoặc đại học thế gian, chuyên về văn hóa giáo dục, ở trong nước hay ngoại quốc.
– Ở các cấp dưới, tiêu chuẩn thấp hơn, tùy điều kiện của mỗi cấp.
Nhiếp hóa tăng: – Tốt nghiệp các ngành học tự do ngoài đời, từ trung cấp đến cao cấp.
Bị Chú: Sự lựa chọn ngành, hoàn toàn do tùy tâm sở nguyện. Có thể chuyển đổi nếu xét thấy không đủ khả năng theo đuổi ngành đã chọn. Nhưng phải được Hội đồng giám định ý hiệp. Hội đồng giám định gồm bốn tổng vụ: Tăng sự, Hoằng pháp, Văn hóa – Giáo dục và Xã hội. Tăng sĩ thuộc ngành nào, Tổng vụ điều khiển ngành đó phụ trách huấn luyện và nâng đỡ.
IV. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH NỘI ĐIỂN
A. – Cấp Trung đẳng
1. Kinh: – Nhi khóa hiệp giải
– Di giáo
– Tứ thập nhị chương
– Thập thiện, Ưu-bà-tắc
– Tứ A Hàm (trích giảng)
– Na-tiên tỳ kheo
2. Luật: – Tỳ ni, Oai nghi, Sa di giải.
3. Luận: – Cảnh sách giải.
– Duy thức dị giải (Tam thập tụng, Bách pháp)
– Phật học phổ thông (Giáo pháp căn bản)
4. Sử: – Sử Phật.
– Lược sử chư Tổ
– Lược sử Phật giáo Việt Nam
5. Ngôn ngữ: – Việt – Hán – Anh.
6. Thực tập: – Công phu. Nghi lễ.
– Thiền quán (Như lai thiền).
B. Cấp Cao Đẳng
1. Kinh: Trích giảng các kinh sau đây, phối hợp với các kinh trong Tứ A Hàm có căn bản giáo nghĩa tương đương
– Bát nhã
– Giải thâm mật
– Lăng già
– Lăng nghiêm
– Duy ma cật
– Niết bàn
– Viên giác
– Hoa nghiêm
– Pháp hoa
– Đại nhật.
2. Luật:
– Tứ phần (của Pháp tạng bộ)
– Phạm võng (của Đại thừa)
Tham khảo thêm
– Ma ha tăng kỳ của Đại chúng bộ.
– Thập tụng của Hữu bộ
– Di sa tắc của Hóa địa bộ
– Tạng Luật của Theravada.
3. Luận:
Ba trường phái lớn
a/ Không Tông – Chủ đề: Kinh Bát nhã:
– Thành thật luận
– Trung quán luận
– Thập nhị môn luận
– Bách luận.
b/ Hữu Tông – Chủ đề: Kinh Giải thâm mật:
– Câu xá luận
– Ngũ uẩn luận
– Nhiếp đại thừa luận
– Du già sư địa luận
– Duy thức luận
Tổng hợp Không Hữu:
– Đại thừa khởi tín luận.
c/ Mật Tông:
– Mật giáo cương yếu của Vương Hoằng Nguyên dịch
(Chủ đề: Kinh Đại nhật)
4. Thiền học:
– Ngữ lục Trung Hoa (trích giảng)
– Ngữ lục Việt Nam (trích giảng)
– Tham khảo thêm: Thiền luận của Suzuki.
5. Sử:
– Sử Phật giáo Ấn Độ, Trung Hoa, Tích Lan và các nước Đông Nam Á.
6. Đông Tây triết học:
– Luận lý học (bao gồm Nhân minh)
– Triết Tây đại cương
– Nho và Bách gia
– Lão Trang.
7. Ngôn ngữ: Cổ ngữ
– Hán (bắt buộc)
– Sanskrit, Pali, Tạng (nhiệm ý)
Sinh ngữ
– Việt, Anh (bắt buộc)
– Quan Thoại, Nhật (nhiệm ý)
8. Thực tập:
– Công phu, nghi lễ
– Thiền quán (Tổ sư thiền)
Bị Chú:
a) Các kinh sách tham khảo thêm sẽ do giáo sư giảng huấn mỗi môn đề nghị.
b) Trong buổi đầu mới áp dụng, chương trình này có thể tùy nghi co dãn theo nhu cầu.
c) Sau khi hoàn tất chương trình, sinh viên phải trình luận án về một tông phái mà mình ưa thích hoặc một bộ kinh hay luận do chính mình dịch.
Nha Trang, mùa An cư 2515,
Ngày vía Quán thế âm, 9.8.1971
THÍCH TRÍ THỦ
Giám viện Phật học viện Nha Trang
Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hoằng pháp Giáo hội PGVNTN.