TUỆ SỸ – TỪ TRIẾT HỌC PHƯƠNG TÂY ĐẾN SỰ HỦY DIỆT MỘT TRÀO LƯU TƯ TƯỞNG

TUỆ SỸ – TỪ TRIẾT HỌC PHƯƠNG TÂY ĐẾN SỰ HỦY DIỆT MỘT TRÀO LƯU TƯ TƯỞNG

1. Triết học phương Tây:

Thảo luận Tuệ Sỹ và Triết học phương Tây, chắc chắn nhiều độc giả nghĩ ngay đến tác phẩm mà thầy Tuệ Sỹ dịch trước năm 75, “Triết học phương Tây hiện đại” (Europäische Philosophie der Gegenwart – 1947) của Innocentius Bochenski (Józef Maria Bocheński). Tác phẩm này trước năm 75 đã xuất bản 7 lần, lần thứ 7 ấn hành năm 1969.

Sự ra đời của tác phẩm này có hai lý do. Thứ nhất, giai đoạn từ năm 1965, một số Đại học miền Nam tiếp cận tinh thần thực dụng và chế độ tự trị của đại học Mỹ, khiến môn triết Tây được các sinh viên tâm đắc đăng ký học nhiều và được thảo luận sôi nổi thời ấy. Sau đó, đến những năm 70, 71, lúc này Miền Nam Việt Nam theo Phạm Công Thiện là “Định phận của Việt Nam bốc lên như lửa cháy.” Tất cả đang đối diện trước viễn tượng một cuộc chiến kéo dài, hoặc đã đến hồi quyết liệt; lòng người dao động, tình trạng mất định hướng, bối rối hoặc kinh sợ… khi đối diện với một thế giới có vẻ như “vô nghĩa” hay “phi lý” thì Chủ nghĩa hiện sinh (L’existentialisme) của Kierkegaard, Heidegger, Sartre và Merleau-Ponty càng được thanh niên, trí thức quan tâm. Ảnh hưởng từ học phong này mà “Triết học phương Tây hiện đại” ra đời.

Lý do thứ hai, khi thầy Tuệ Sỹ viết bài “Sự hủy diệt của một trào lưu tư tưởng” (đăng trong tạp chí Tư Tưởng của Viện Đại học Vạn Hạnh, số I/ 1971), là tiểu luận triết học Trung quán dưới góc lý luận của thầy, thông qua tư tưởng của T. R. V. Murti. Hoặc nói cách khác, “Sự hủy diệt của một trào lưu tư tưởng” chính là luận giải tác phẩm Nghiên cứu triết học Trung quán của Murti (The Central Philosophy of Buddhism – A Study of the Mādhyamika System). Khi Murti viết về tư tưởng Long Thọ, ông đã y cứ vận dụng các nguyên tắc luận lý, các phương thức phê bình của Kant và Hégel để nhận định Trung quán. Cho nên, thầy dịch “Triết học phương Tây hiện đại”, mục đích tìm hiểu tư tưởng của Bertrand Russell, Kant, Henri Bergson, Martin Heidegger, Jean-Paul Sartre v.v… đoạn đặt bút viết “Sự hủy diệt của một trào lưu tư tưởng”.

Thầy Tuệ Sỹ thường dạy chúng tôi, muốn hiểu triết học Phật giáo cần hiểu thêm nền triết học phương Tây và phương Đông. Dĩ nhiên sẽ có nhiều người đặt vấn đề, tại sao bước vào cửa Phật phải hiểu triết học phương Tây?

Tôi dẫn dụ trong tác phẩm Nghiên cứu triết học Trung quán, chương 3, Murti lý luận: Quan điểm của Hume cho rằng “hữu thân kiến” (Satkāyadṛṣṭi) do từ tập quán cùng liên hệ với luật tắc kinh nghiệm (laws of association and habit) nhưng tư tưởng của Kant thì cho đó là tiên nghiệm (apriori) giống với Phật giáo, tức có cội nguồn từ vô minh (avidya). (Cf. T. R. V. Murti, 中觀哲學, p. 126). Chừng ấy đủ thấy triết Tây khó bỏ sót trong lĩnh vực nghiên cứu Phật học.

Trong lời Tựa “Triết học phương Tây hiện đại”, Bochenski viết:

“Người ta thường đánh giá quá thấp tầm mức của nó. Họ cho rằng triết học chỉ là một thứ tư biện trừu tượng về cái không quan trọng đối với đời sống, và chỉ cần nghiên cứu những khoa học thực tiễn như xã hội học, kinh tế học, và chính trị học cũng đủ vì chúng là tinh hoa của những tiến bộ kỹ thuật (kể cả giáo dục và kỹ nghệ). Bởi vì, sống đã rồi hãy triết lý (Primrum vivere, deinde philosophari), ‘làm triết lý’ (philosophari) không thêm chi cho sự sống. Ý kiến này, rất phổ thông ở ngày nay, tôi cho là sai lầm và là một thố ngộ tinh thần tai hại… Con người là một con vật có lý tính, nên nó không thể làm khác hơn là sử dụng lý tính của mình, và khi nó không sử dụng lý tính một cách có ý thức và có triết lý thì nó sẽ dùng lý tính ấy một cách vô ý thức và hời hợt.”

2. Sự hủy diệt của một trào lưu tư tưởng:

“Sự hủy diệt của một trào lưu tư tưởng” đăng trong Tạp chí Tư tưởng từ năm 71, tính ra cho đến nay đã 53 năm, bài viết cũng như tác giả đã tĩnh lặng theo thời gian, cộng với nội dung hóc búa đầy triết lý Tây-Đông, Phật-Thiền, khiến người khám phá nản chí thưa thớt. Nhưng riêng Tạp chí “Tư tưởng”, với hiện trạng mặt bìa sờn màu, bên trong giấy cũ thì luôn luôn được các nhà tri thức tìm mua, vì nó có giá trị về tính lịch sử lẫn thẩm quyền nghiên cứu học thuật.

Đầu bài thầy Tuệ Sỹ nhập đề:

“Xin chào giữa bước chân ra

Chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn

(Bùi Giáng)

Từ trong lòng Tánh Không luận đi ra, người ta thử thay đổi các bình diện biểu lộ của nó, rồi qua những gì sẽ đạt được, trong lãnh vực suy lý cũng như trong lãnh vực sinh hoạt thực tế, luôn luôn có những tiếng nói nghe ra như những cơn gió rì rào giữa cái sa mạc của hư vô: ý nghĩa của một cứu cánh nào đó – cũng suy lý hay đời sống – như một ngôi sao trên bầu trời của sa mạc. Danh tướng, phân biệt, nghĩa và vô nghĩa, nguyên tắc và các nguyên tắc: những dấu hiệu còn sót lại, và còn mãi, sau những cơn gió nóng bức và lạnh buốt của hư vô đã từng đi qua và đã từng hủy diệt tất cả. Đó là sự hủy diệt của một trào lưu tư tưởng, từ trong lòng Tánh Không luận đi ra.”

Tạm giải mã đoạn văn nhập đề này. Giáo lý do Phật thuyết ra, sau khi Thế Tôn nhập diệt, nhiều bộ phái bắt đầu giải nghĩa, dẫn đến phái chấp Có, phái chấp Không, khiến Long Thọ “đứng dậy” làm một cuộc cách mạng, ngài phát biểu: “Bất cứ nơi nào hay bất cứ ở đâu, tuyệt đối không có sự thể nào khởi lên tự chính nó (svatah), từ cái khác (paratah), từ cả hai cộng lại (dvābhyam) hay vô nhân (ahetuh)”. Đó là thuyết Tánh Không, cái này có cái kia có – Chân Không và Diệu Hữu. Như Murti phát biểu ý kiến: “Người ta thường đòi hỏi một hệ thống triết học mang lại cho chúng ta những quan điểm của nó về những hiện hữu cứu cánh… Triết lý Trung quán (Mādhyamika) không phải là một hệ thống trong ý nghĩa này”.

Học thuyết bộ phái đối đầu, tranh chấp tiếp tục lan dần truyền đến Trung Quốc, qua các tiểu quốc thuộc Tây vực nằm rải rác quanh sa mạc Taklamakan. Các tư tưởng bộ phái tranh chấp: “Danh tướng, phân biệt, nghĩa và vô nghĩa, nguyên tắc và các nguyên tắc”, Long Thọ đều gọi là “hý luận”, Phạn ngữ prapañca (戲論), nghĩa gốc ban đầu trong Pāli thường được chỉ cho phiền não, vì sao nói prapañca là phiền não? Vì bất cứ hành vi tạo tác nào bởi phiền não có nghiệp chi phối thì những hành vi ấy đi đến vô nghĩa, vô ích và sẽ đi đến khổ. Khổ là một trạng thái không hài hòa, một trạng thái xung đột, cản trở sự thăng tiến để đạt đến một sự cảm thọ an lạc. Và con đường đi đến mục đích giả thoát, hành giả sẽ đạt được trạng thái an lạc càng lúc càng cao, cho đến khi cái lạc đó không còn nhìn thấy nữa là lạc của Niết-bàn tuyệt đối, lạc của Vô lậu. Tiến bộ theo hướng đó là hữu ích, hữu nghĩa. Và nếu hiểu theo ý nghĩa này thì lý luận về hành vi nào liên hệ đến thân, khẩu, ý mà đi đến vô nghĩa, không đạt đến Niết-bàn đều gọi là “hý luận” (prapañca), đó là nghĩa gốc trong Pāli. Nói cụ thể đây là tính chất phiền não. Loại “hý luận” như vậy cần nhận thức thảo luận đi đến chỗ Niết-bàn tịch tĩnh.

Nếu không nói ra, có thể nhiều người hiểu lầm tựa đề bài viết “Sự hủy diệt…”, diệt là tiêu diệt, là sự hủy diệt, như phá hủy một căn nhà, giựt cho nó đổ sập xuống. Kỳ thật, chữ diệt trong Trung quán là “upaśama”, là tịch tĩnh 寂靜, tịch diệt 寂滅, là sự lắng xuống của phiền não. Đó chính là ý nghĩa tuyệt đối mà tác giả muốn giải bày – “Sự hủy diệt của một trào lưu tư tưởng”.

Thời tôi còn là sinh viên Tăng, sống ở chùa Long Sơn, thấy câu đối trong Đại hùng bảo điện “lung linh ảo diệu” với tính triết lý nhà Phật, tôi chép vào sổ tay. Sau này nghe Ôn Đỗng Minh kể lại, do thầy Tuệ Sỹ nhập thất nhiều ngày trầm mặc mới viết được.

“Tam thế truyền đăng bất sinh bất diệt củ củ Tượng vương hồi cố bát khai nhật nguyệt tranh quang.

Thập phương Điều Ngự phi khứ phi lai hùng hùng Sư tử tần thân đạp xuất sơn hà tịnh thúy”

(三世傳燈不生不滅赳赳象王囘顧撥開日月爭光

十方調御非去非來雄雄獅子嚬呻踏出山河並翠)

Triết học Tánh Không nằm trong câu đối này và muốn hiểu nó phải có: Tiếng nói của trí tuệ là tiếng rống của sư tử. Hành động của đại bi là bước chân trầm ẩn của con voi chúa. Đại trí của Văn-thù là biểu tượng Sư tử và Đại bi của Phổ Hiền biểu tượng Tượng vương.

“Sư tử hống thời phương thảo lục

Tượng vương hồi xứ lạc hoa hồng.”

Phật lịch 2568, 3 tháng 8, Giáp thìn

Tâm Nhãn

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận