Lịch sử và tình hình tiếp nhận thơ Tuệ Sỹ: “Lênh đênh theo vận nước thăng trầm” [Kết Luận]

C. KẾT LUẬN

Qua việc tiến hành nghiên cứu những công trình tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ dù mới chỉ ở mức cơ bản, nhưng từ đó cũng giúp cho người viết nhận thấy được vài đôi điều được gợi mở từ sự tiếp nhận Tuệ Sỹ nói chung và thơ văn Thầy nói riêng. Từ lịch sử tiếp nhận, ta thấy văn học Tuệ Sỹ cùng với đời sống của nó trong hoạt động tiếp nhận đã bao phen thăng trầm cùng vận nước lênh đênh. Thơ văn Tuệ Sỹ ở đâu trong lòng dân tộc? Nó sẽ đi về đâu? Đó là những trăn trở đầy khắc khoải và bi thiết không chỉ đối với văn học Tuệ Sỹ mà đó cũng chính là những câu hỏi cho Tính mệnh của quê hương. Đến bao giờ Tuệ Sỹ mới có thể được tiếp nhận rộng rãi và chính thức ở Việt Nam, đến bao giờ quê nhà mới tròn một bao dung trong tình anh em đồng bào ruột thịt, đến bao giờ “Dài con sông tràn máu lệ quê cha” mới được tiếp nối bằng những thế hệ biết hiểu và thương nhau, đến bao giờ cho đến bao giờ nữa… Mặc dù vậy, chỉ cần Tuệ Sỹ và những con người cùng tấm lòng và chí nguyện với Thầy, những thế hệ kế thừa xứng đáng của Thầy còn có mặt đó cho Quê hương và Đạo pháp thì chúng ta vẫn còn đó niềm tin về một ngày mai quê nhà sẽ trở lại cùng những người con biết hiểu và thương yêu nhau trong tình huynh đệ ruột thịt gắn bó.

Tập thơ Thiên Lý Độc Hành (Tuệ Sỹ) với 5 ngôn ngữ Việt, Nôm, Nhật, Pháp, Anh, Huongtich xuất bản 10/2021 tại Việt Nam. Ảnh: Huongtich

Từ tình hình tiếp nhận Tuệ Sỹ nơi độc giả, ta có thấy được sức sống của thơ ca Thầy. Ta thấy nơi đó một mạng mạch của văn học, văn hóa và Phật giáo Việt Nam vẫn âm thầm tuôn chảy. Mặc dù chưa nhiều, nhưng việc có những bộ phận độc giả trẻ của thế hệ sau 1975 cả ở hải ngoại và trong nước đọc thơ Tuệ Sỹ và đang rất nỗ lực trong công việc gìn giữ sức sống và phổ biến rộng rãi thơ văn Tuệ Sỹ là một tín hiệu rất đáng mừng, bởi ít nhất đó cũng là một thế hệ kế thừa mà tương lai của Quê hương, Dân tộc và Đạo pháp có thể đặt niềm tin.

Tâm Thuần

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Hiền – Đức sưu tập (2020), Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý, Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher (California, Hoa Kỳ).
  2. Nguyễn Hiền – Đức sưu tập, Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng tập I, II, III, IV. (PDF tại Thư viện Hoa Sen, https://thuvienhoasen.org/a27656/tue-sy-nhung-phuong-troi-vien-mong-tap-1).
  3. Thích Nguyên Siêu (2013), Tuệ Sỹ đạo sư, thơ và phương trời mộng, Ban Tu Thư Phật Học Hải Đức Nha Trang.
  4. Hạnh Viên sưu tuyển (2017), Tuệ Sỹ văn tuyển I, II, III, Nxb Hồng Đức.

_______
Phần trước: Chương 3: Tình hình tiếp nhận thơ Tuệ Sỹ nhìn từ góc độ độc giả.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận